Ngày 23-04-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi ca suy niệm Chúa nhật tuần 2 sau Phục Sinh
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:28 23/04/2019
Chúa Nhật 2 PHỤC SINH. C
(Ga 20: 19-31)
THA TỘI


Chiều ngày thứ nhất trong tuần,
Cửa nhà đóng kín, chờ nguồn phúc ân.
Giê-su hiện đến thân trần,
Bình an tuôn đổ, canh tân tinh thần.
Chân tay lủng lỗ từng phần,
Cạnh sườn xuyên thấu, xác thân hữu hình.
Tô-ma nghi vấn hằng rình,
Vết thương Thầy đó, tự mình tuyên xưng.
Kính tin phục lạy vui mừng,
Thầy là Thiên Chúa, xin đừng trách con.
Chúa rằng trung tín sắt son,
Phục sinh sống lại, mỏi mòn trông mong.
Niềm tin thúc đẩy trong lòng,
Phúc ai không thấy, tình trong rạng ngời.
Muôn vàn phép lạ tuyệt vời,
Chứng minh quyền phép, Ngôi Lời hạ thân.
Các con hãy nhận Thánh Thần,
Cầm quyền tháo cởi, người trần khắp nơi.
Các con tha tội người đời,
Nhân danh Chúa Cả, trên trời cũng tha.

Chúa Giêsu thổi hơi và phán bảo các Tông đồ: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tôi ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại. Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ. Có một số môn đệ nghi ngờ không tin, đặc biệt là Tôma. Phúc âm diễn tả về sự khẳng khái của Tôma, ông mạnh miệng tranh luận và cứng lòng. Ông thách thức Chúa phải tỏ lộ cho chính ông xem thấy các vết thương, chứ không qua người khác.

Chúa hiểu được tâm tư của ông. Chúa đã cho ông thấy và chạm sờ vào cạnh sườn Chúa. Ông đã tin. Ông quá đỗi vui mừng vì được xem thấy Chúa thật. Chúa Giêsu không muốn các Tông đồ chỉ dừng lại ở đó trong niềm vui gặp gỡ Chúa. Chúa muốn các ông khởi đầu bắt tay vào sứ mệnh làm nhân chứng. Trước hết, Chúa ban cho các ông quyền tha tội và cầm tội. Quyền này chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Có lần Chúa Giêsu tha tội cho người bất toại, các Biệt phái tố cáo Chúa là phạm thượng. Chúa Giêsu có quyền thay đổi, biến hóa và chữa lành cả hồn và xác. Hôm nay Chúa trao quyền tha tội cho các Tông đồ, có nghĩa Chúa cho các ngài quyền được xét xử và tài phán.

Các tông đồ đã ra đi rao giảng tin mừng cứu độ. Các ngài như những hạt giống mùa xuân, không ngại gian khó gieo mình để truyền rao chân lý phục sinh. Truyện kể: Có hai hạt giống nằm cạnh nhau. Một hạt giống tâm sự: Tôi muốn được chôn vùi đi và mọc lên. Tôi muốn dương những búp non và hoa đẹp chào xuân tới. Tôi muốn cảm hơi ấm của mặt trời để được xanh tươi và sinh hoa trái. Hạt kia phát biểu: Tôi sợ quá, tôi không dám liều mạng sống. Nếu tôi cắm rễ sâu, tôi chẳng thấy gì trong lòng đất. Tôi mọc chồi non yếu ớt sợ con sâu chờ sẵn ăn đọt lá. Nếu tôi nở hoa, chú bé lại ngắt đi. Hãy đợi cho tình thế an toàn. Mùa xuân tới, cô gà mái bới đất tìm sâu. Thấy hạt giống đang chờ, cô gà mái mổ ăn ngon lành.

Chúng ta thừa hưởng kho tàng đức tin từ các thánh Tông đồ và Giáo Hội. Chúng ta biết rằng đức tin không việc làm là đức tin chết. Đức tin cần phải thực hành trong cuộc sống. Có đức tin, chúng ta không còn sợ hãi những kẻ chỉ làm hại được thân xác, mà không làm gì được linh hồn. Va chạm cuộc sống, đôi khi chúng ta chùn bước, ngại ngùng và sợ hãi không tin tưởng hoàn toàn vào quyền năng của Chúa.

Chúa sai chúng ta ra đi làm nhân chứng cho Chúa. Hãy can đảm lên. Đừng sợ! Chúng ta thành thực cầu xin như các Tông đồ: Lạy Thầy, xin thêm đức tin cho chúng con.

THỨ HAI, TUẦN 2 PHỤC SINH
(Ga 3, 1-8).
TÁI SINH


Ban đêm thăm viếng âm thầm,
Ni-cô-đê-mô, uyên thâm đạo đời.
Gặp riêng đối thoại đôi lời,
Chúng tôi nhận biết, Ngôi Lời Chúa Cha.
Thầy làm dấu lạ đuổi tà,
Quyền năng phép tắc, thứ tha tội tình.
Chúa khuyên dạy bảo tâm linh,
Tái sinh bởi nước, Thần Linh đổi đời.
Ăn năn sám hối gọi mời,
Sinh làm con Chúa, Nước Trời ngợi ca.
Con người huyết nhục sinh ra,
Thuộc về địa giới, phôi pha thế trần.
Thánh Thần đổi mới canh tân,
Tuôn trào ân sủng, tinh thần lạc an.
Hồn thiêng Chúa Cả thương ban,
Cứu hồn chữa xác, yên hàn phúc thay.

THỨ BA, TUẦN 2 PHỤC SINH
(Ga 3, 7-15).
THẦN LINH


Con người sinh lại bởi trời,
Tái sinh ân sủng, đổi đời Thánh Linh.
Kìa cơn gió thổi vô hình,
Từ đâu đi đến, Thần Linh rạng ngời.
Ni-cô-đê-mô gọi mời,
Nhìn sâu hiểu thấu, mọi lời truyền rao.
Thánh Kinh minh chứng từ cao,
Các ông không hiểu, biết bao nhiệm mầu.
Những điều dưới đất nông sâu,
Cũng chưa hiểu thấu, mọi khâu trong đời.
Nói chi những sự trên trời,
Làm sao tin được, cao vời biết bao.
Con Người đến bởi trời cao,
Ngước lên thượng giới, trăng sao hải hà.
Môi-sen treo rắn trên đà,
Người treo thập giá, mưa sa phúc lành.

THỨ TƯ, TUẦN 2 PHỤC SINH
(Ga 3, 16-21).
SỰ SÁNG


Chúa ban Con Một cứu tinh,
Hạ thân giáng thế, hiến mình vì yêu.
Tiến dâng của lễ toàn thiêu,
Ai tin sẽ sống, huyền siêu muôn đời.
Con Người không đến trong đời,
Để mà luận phạt, loài người thế gian.
Chúa là ánh sáng tỏa lan,
Soi vào đêm tối, sẻ san phúc lành.
Người đời cứ mãi tranh dành,
Đi trong bóng tối, thực hành xấu xa.
Đến cùng sự sáng chan hòa,
Sống theo sự thật, bao là phúc ân.
Tâm thành sáng tỏ tinh lân,
Soi đường dẫn lối, thiện chân mỹ hoàn.
Lòng đầy phấn khỏi hân hoan,
Suy cùng nghĩ thấu, thành toàn hướng lên.

THỨ NĂM, TUẦN 2 PHỤC SINH
(Ga 3, 31-36).
THIÊN SAI


Từ cao Chúa ngự xuống trần,
Vượt trên nhân loại, muôn phần cao siêu.
Con Người nhân chứng tình yêu,
Hiến thân tế lễ, toàn thiêu cứu đời.
Nhiều người chối bỏ Ngôi Lời,
Ngoảnh tai quay mặt, một thời chối chê.
Không tin chẳng nhận lời thề,
Chối từ Con Chúa, si mê lỗi lầm.
Điều gì Người thấy giáng lâm,
Tai nghe làm chứng, âm thầm phát huy.
Thiên Sai chân thật uy nghi,
Thần linh khôn sánh, thực thi công bình.
Truyền rao sự thật quang vinh,
Mến yêu nhân loại, sinh linh trong đời.
Ai tin Thiên Chúa cao vời,
Thông ban sự sống, muôn đời cõi thiên.

THỨ SÁU, TUẦN 2 PHỤC SINH
(Ga 6, 1-15).
HÓA BÁNH


Đám đông dân chúng theo Người,
Mong tìm phép lạ, nghe lời truyền rao.
Cảm thương thống khổ khát khao,
Động lòng thương xót, Chúa trao phúc lành.
Nuôi hồn dưỡng xác lòng thanh,
Biến năm chiếc bánh, hóa thành đầy dư.
Tạ ơn Chúa rất nhân từ,
Hai con cá nhỏ, cũng như bánh dầy.
Năm ngàn tín hữu nơi đây,
Ăn no thỏa thích, xum vầy ngợi ca.
Chúa rằng thu góp rườm sa,
Được mười hai thúng, gom ra còn thừa.
Hồng ân chan chứa như mưa,
Tràn trề phúc lộc, từ xưa ngập tràn.
Tiên tri giáng thế trần gian,
Là Vua cao cả, trao ban cho đời.

THỨ BẢY, TUẦN 2 PHỤC SINH
(Ga 6, 16-22).
GIÓ BIỂN


Lên thuyền rời bến chiều hôm,
Bên kia bờ biển, gió nồm thổi qua.
Cuồng phong sóng biển bao la,
Sóng trào nước cuốn, hải hà nguy nan.
Giữa khơi chèo chống ngút ngàn,
Bơ vơ lạc lõng, giữa màn đêm thâu.
Tông đồ môn đệ buồn sầu,
Lênh đênh giữa biển, tìm đâu nương nhờ.
Đang khi khốn đốn vật vờ,
Kia xem ai đó, lững lờ trên không.
Bước trên mặt nước nhẹ bông,
Tiến gần bước tới, bên hông mạn thuyền.
Thầy đây, đừng sợ hão huyền,
Quyền năng phép tắc, Thầy khuyên vững vàng.
Thuyền bè cập bến bình an,
Thầy trò gặp gỡ, dân làng mừng vui.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:09 23/04/2019

148. Nếu lương tâm con thanh khiết thì khuôn mặt cũng sẽ đoan trang khả ái; nếu con lấy ách Đức Chúa Ki-tô trang điểm mà không cảm thấy nhục, thì khi vác lấy ách của Ngài thì con sẽ cảm thấy nhẹ nhàng ngọt ngào.

(Thánh Cyprian)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:13 23/04/2019
96. MIỆNG VÀ CHÂN TRANH CHẤP

Chân nói với miệng:

- “Trên thế giới không có gì tham lam cho bằng mày, ta đi lui đi tới rất là khổ cực để tìm thức ăn, thì đều bị mày ăn hết”.

Miệng trả lời:

- “Không nên tranh chấp, nếu tôi không ăn thì anh cũng không thể bước đi, phải không nào ?”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 96:

Miệng không ăn thì chân sẽ không thể bước đi vì đói meo, chân không chạy tới chạy lui kiếm thức ăn thì miệng cũng đành chịu...đói vậy.

Giáo xứ là thân thể mầu nhiệm nho nhỏ của Đức Chúa Ki-tô, cho nên giáo xứ cũng có những cái chân cái tay cái miệng.v.v... để bổ túc cho nhau mà sống.

Thấy một cô gái mô-đen vào ca đoàn thì mấy người có tiếng là đạo đức xầm xì phê bình: “Nó mà hát với hò gì, đến ngựa thì có”; thấy có anh thanh niên thích uống rượu được cha sở mời vào trong ban khách tiết của giáo xứ thì nói to nói nhỏ: “Cha sở không biết nó hay sao, cái mặt thằng ấy mà làm được gì, vào để say xỉn thì có...”

Ai cũng có khuyết điểm và ai cũng có ưu điểm, cái quan trọng là chúng ta có vui vẻ chấp nhận những khuyết điểm của người anh em chị em hay không mà thôi.

Trong cộng đoàn mỗi người có một cái hay riêng mà người khác không có, mỗi người có một vẻ đẹp riêng không giống nhau, nhưng cái hay hoặc cái đẹp ấy đều để làm cho cộng đoàn ngày trưởng thành và thăng tiến hơn, cho nên không có gì phải phân bì trach chấp nhau cái hơn thua ấy...

Ân sủng của Chúa ban cho mỗi người trong cộng đoàn thì không giống nhau, giống như các chi thể trong thân thể vậy, ai cũng hết sức làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình là cộng đoàn ấy chắc chắn khẻ mạnh và phát triển.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Suy Niệm Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
21:55 23/04/2019
Lòng Thương Xót Chúa Tồn Tại Đến Muôn Đời

(Ga 20, 19-31)

Khởi đi từ năm 1931, lòng thương xót Chúa đã mạc khải cho nữ Thánh Faustina về lòng tôn sùng lòng thương xót Chúa; mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã quyết định thiết lập lễ kính lòng thương xót Chúa vào Chúa Nhật thứ II sau Phục Sinh khi phong thánh cho nữ tu Maria Faustina Kowalska, ngày 30/4 năm 2000 và phổ biến Thông điệp đó trên toàn cầu.

Suy niệm đoạn Tin Mừng (Ga 20, 19-31) Chúa Kitô tỏ cho thánh Tôma thấy cạnh sườn, nơi trào ra nước và máu, suối nguồn ân sủng. Truyền thống Giáo hội đã coi đây như là nguồn gốc của bí tích hòa giải, nơi mà con người cảm nhận được sự tha thứ do lòng thương xót Chúa.

Cử chỉ trao ban bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: " Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại" (Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân "tha thứ các tội lỗi" diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.

Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng. Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay đầy những thương tích về thể lý, tâm lý và luân lý cần thiết biết bao lòng thương xót của Thiên Chúa!

Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, Giáo hội lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế giới ca vang: "Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thủa" (Tv 117, 1). Lòng từ bi mạnh hơn tội lỗi và sự chết, ngày nay, nhân loại vẫn đang tiếp tục thừa hưởng lòng từ bi tuôn trào từ những vết thương vinh hiển và từ Trái Tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.

Trái Tim của Chúa Kitô đã trao ban tất cả cho con người: sự cứu chuộc, ơn cứu rỗi và ơn thánh hóa. Từ Trái Tim Chúa xuất phát ra hai tia sáng chiếu tỏa thế gian mà theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ, "hai tia sáng này tượng trưng cho máu và nước". Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, làm cho ta nghĩ đến bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần (x. Ga 3, 5; 4, 14).

Lời kinh chúng ta vẫn đọc: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", diễn tả đúng thái độ mà chúng ta muốn có, để chúng ta đặt niềm tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, Ðấng cứu độ duy nhất của chúng ta! Những tia sáng của lòng từ bi Chúa mang lại niềm hy vọng cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi. Chúa Giêsu Kitô là Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nhập thể. Vậy, chúng ta hãy luôn tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa, là Ðấng luôn chờ đợi và yêu thương chúng ta, đừng bao giờ đánh mất sự tin tưởng nơi lòng thương xót nhẫn nại của Thiên Chúa, là Ðấng luôn luôn yêu thương, dịu hiền, chờ đợi và tha thứ cho chúng ta. Cả khi chúng ta xa rời, Thiên Chúa vẫn luôn gần gũi và sẵn sàng giang tay ra ôm ấp chúng ta vào lòng, nếu chúng ta trở về với Chúa.

Giờ kinh Truyền Tin ngày 11-01-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót, Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau”. Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín rằng, cốt lõi của Phúc Âm là tình thương, (x. Huấn từ 28-3-2014). Vì thế, theo nguyên tắc, tất cả mọi cơ cấu, nguyên tắc, luật lệ và tổ chức của Giáo Hội đều phải làm sao để hướng về và đạt đến đích điểm là tình thương (x. Niềm vui Phúc Âm,26-43). Bởi vậy, trong thực hành, Giáo Hội cần phải là một bệnh viện lưu động để chữa lành, chứ không phải chỉ mở cửa đón nhận tội nhân và nạn nhân trở về mà thôi (x. trả lời Phỏng Vấn 04-12-2014). Ngài muốn Giáo Hội phải đi đến tận rìa mép của xã hội để tìm kiếm các con chiên lạc đáng thương, thậm chí Giáo Hội phải ăn uống với thành phần đàng điếm và thu thuế tội lỗi (Huấn từ bế mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngày 18-10-2014).

Lạy Mẹ maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp chúng con duy trì lòng tin vào Con Mẹ. Lạy thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, thánh nữ Faustina, xin trợ giúp chúng con, để chúng con được cùng với các thánh hướng nhìn về Ðấng Cứu Chuộc, và lặp lại lời nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", bây giờ và mãi mãi. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thánh Tôma và Lòng Thương Xót Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
22:03 23/04/2019
CN 2 PS C

Chúa Nhật II phục sinh Giáo hội tuyên dương lòng thương xót Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ này đáp lại ý Chúa muốn qua thánh nữ Maria Faustina: "Ta muốn ngày lễ kính lòng thương xót là một trợ giúp và là nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương. Trong ngày ấy, lòng thương xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại duơng hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch lòng thương xót của Ta" (Tiểu nhật ký, số 699). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II qua đời vào đêm cuối tuần Phục Sinh đầu tiên (ngày 2 tháng 4 năm 2005). Lòng thương xót Chúa đã chiếu một luồng ánh sáng vào cái chết của một vị thánh thời đại.



Lòng thương xót của Chúa được diễn tả qua cuộc thương khó và cái chết của Ngài trên thập giá. Điều quan trọng được Thánh Kinh ghi nhận là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn, vẫn còn lỗ đinh ở chân tay và vết giáo đâm ở cạnh sườn. Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành nay thành những vết sẹo. Lòng thương xót ghi đậm nét nơi các vết thương trên thân thể Chúa. Vì thế, việc đầu tiên khi hiện ra với các môn đệ, sau khi trao sự bình an, là cho các ông xem các vết thương ở tay và cạnh sườn, các môn đệ vui mừng và bình an.

Lòng thương xót Chúa đối với con người trước và sau phục sinh không thay đổi, vì Chúa Giêsu vẫn là một để cho người ta nhận ra Ngài. Vết thương diễn tả lòng thương yêu của Chúa với con người không thay đổi. Ngài còn khoe và cho phép Tôma lấy tay kiểm tra vết thương.Chúa không che dấu, không tiếc xót dù Tôma có cứng lòng, đòi thực tế phải thấy mới tin.

1. Đức tin của Tôma

Chúa sống lại, các môn đệ không dễ dàng tin, thánh sử Luca kể: “Khi từ mộ trở về, các bà Maria Macđala, bà Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacôbê và các bà khác cùng đi với mấy bà này. Các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẫn, nên chẳng tin” (Lc 24,11). Thánh Matthêu thuật lại: khi mấy người phụ nữ báo tin cho các môn đệ: Chúa đã sống lại rồi, các ông cũng hoài nghi. Rồi, “khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,17). Riêng Tôma đã nói một câu quyết liệt: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Đây là kiểu tin bằng lý luận kiểm chứng, chỉ tin khi thấy, khi đã có đủ bằng chứng rõ ràng hiển nhiên.

Tôma đại diện cho những người lý luận, cái gì cũng muốn xem tận mắt, bắt tận tay. Chỉ tin những gì thấy được. Chỉ chấp nhận những gì sờ được. Đòi kiểm nghiệm tất cả. Đòi tự mình chứng nghiệm tất cả. Không chỉ tin vào lời nói suông. Tôma không vội tin một cách dễ dàng như bao người khác. Ông là người có tính thực tế của khoa học phải qua kiểm chứng, kiểm nghiệm bằng mắt thấy, tai nghe, tay chân sờ mó đụng chạm hẳn hoi thì mới tin. Đây phải chăng là thái độ khôn ngoan, cẩn thận trước một quyết định hết sức quan trọng của đức tin nơi Tôma? Cám ơn thánh Tôma, vì nhờ ngài mà các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người.



Trước khi tin, Tôma phải hoài nghi đã. Tôma chỉ tin những điều hợp lý, những gì ‘thấy được, sờ được'. Đây không phải là thái độ cố chấp của Tôma mà ngược lại là thái độ không nhẹ dạ, không cả tin vội vàng bằng tai nghe. Đó là lối phân tích theo nhận định tự nhiên của con người và cũng là kinh nghiệm sống đức tin của nhiều người chúng ta. Dù sao, đây cũng là một khó khăn riêng tư của Tôma trong việc tin vào Chúa sống lại. Chúa Giêsu hiểu ông, nên đã đích thân đến và giúp cho ông dễ dàng hơn để tin vào Chúa. Ngài mời gọi ông hãy tin vững vàng. Và ông đã nói lên lời tuyên xưng đức tin thật đẹp đẽ, thật trang trọng 'lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi'. Cuối cùng, Chúa Giêsu đã ban cho Toma sự bình an và đức tin mạnh mẽ qua sự hoài nghi, để ông tuyên xưng đức tin cá nhân của mình: "Lạy Thiên Chúa của con". Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, Tôma đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Theo lưu truyền, ông đi rao giảng đức tin và lòng thương xót của Chúa ở Ba tư, Xyri rồi chịu tử đạo ở Ấn Độ.



Thần học gia Hans Kung nói: "người tín hữu không bao giờ nghi ngờ sẽ khó lòng hoán cải một người hoài nghi". Nhà thần học Paul Tillich nói: "sự hoài nghi chín chắn là sự khẳng định của đức tin. Nó chứng tỏ một sự quan tâm rất nghiêm chỉnh". Còn Thomas Merton bảo: "người có niềm tin mà chưa từng trải qua sự nghi ngờ thì không phải là người có niềm tin". Jean Guitton, một nhà triết học người Pháp, nói: "Chính vì nghi ngờ thường trực mà tôi lại có thể tin vững". Thực tế, trên đời có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn tin, không kiểm tra được mà vẫn phải chấp nhận và sống điều ấy. Sự hoài nghi giúp chúng ta trưởng thành trong đức tin, thúc đẩy ta thắc mắc, tìm hiểu, học hỏi, cầu nguyện, nghiên cứu sách vở (Lm. Pet. Bi Trọng Khẩn).

2. Lòng mến của Gioan

Có hai mức độ tin: mức độ thấp là tin vì thấy,tin dựa vào bằng chứng; mức độ cao là tin mà không cần thấy, tin không dựa trên bằng chứng mà dựa trên tình yêu.Đây là mối phúc thứ 9 như lời Chúa Giêsu nói với tông đồ Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,28). Không thấy mà tin không có nghĩa là tin một cách mù quáng, vu vơ, không có cơ sở, không có lập trường mà là bằng tình yêu nên đức tin vững mạnh hơn, truởng thành hơn.Thánh Gioan, “người môn đệ Chúa yêu”, bằng tình yêu, Gioan “đã thấy và đã tin” và nhận ra điều mà mọi người khác không nhận ra. Phúc âm kể: khi thấy một bóng người mờ mờ đi trên mặt biển, mọi người khác đều tưởng là ma, chỉ có Gioan là tức khắc nhận ra đó là Thầy mình. Khi Chúa Phục Sinh hiện ra bên bờ biển hồ Tibêria, “các môn đệ không nhận ra” nhưng “ môn đệ được Chúa Giêsu thương mến” đã nhận ra và nói với Phêrô “Chúa đó” (Ga 21, 4-7)…Rõ ràng, con đường tình yêu đi đến niềm tin nhanh chóng hơn, nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn.

Tin mừng Phục Sinh cho thấy: có hai con đường dẫn tới đức tin, một con đường bằng lý luận với những bằng chứng rõ ràng, và con đường thứ hai là dựa vào tình yêu thoạt xem có vẻ tầm thường nhưng thực ra lại nhanh chóng, nhẹ nhàng và cũng không kém phần vững chắc. Chúng ta hãy củng cố đức tin của mình bằng cả hai con đường đó. Phải có những suy nghĩ lý luận thật vững chắc về Chúa, mặt khác chúng ta cũng hãy cố gắng yêu mến Chúa ngày càng nhiều hơn, bởi vì cũng như thánh Gioan, nếu có thêm sức mạnh của tình yêu, chúng ta sẽ được mở mắt để nhận biết những gì mà người không yêu Chúa không nhận biết.

3. Lòng Chúa Xót Thương

Nhân loại thời nay khát khao một “Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót” (1Ga 4,8; Ep 2.4) để họ tôn thờ, tựa nương và tìm được ý nghĩa cuộc đời. Năm Thánh Lòng Thương Xót là cơ hội để đào sâu đức tin và canh tân chứng tá Kitô giáo. Lòng thương xót là tình yêu thương, là lòng trắc ẩn với người đau khổ, với người nghèo đói, với người bệnh tật, với người tội lỗi. Nhân loại thời nay cần tình yêu, đây là một dấu chỉ của thời đại.Vì thế, mỗi người tùy vào khả năng của mình hãy đặc biệt quan tâm đến việc thực thi lòng thương xót. Mỗi tín hữu được mời gọi trở thành nhân tố tích cực để sống và làm chứng cho lòng thương xót.

Điều làm nên nét độc đáo của người tín hữu là nhân đức thương xót, thể hiện bằng đạo yêu thương, được bộc lộ nơi bản thân và cuộc đời mỗi cá nhân. Mỗi người trong chúng ta, bằng cách thực thi bác ái, lòng thương xót và tha thứ, có thể trở nên dấu chỉ quyền năng tình yêu của Thiên Chúa có sức biến đổi tâm hồn, đem lại hòa giải và bình an.Trong Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương Xót), ĐTC Phanxicô nói: “Thời đại ngày nay, khi Hội Thánh đang thực thi công cuộc Tân Phúc Âm hóa, lòng thương xót quả là cần thiết để một lần nữa tạo nên nhiệt tình mới và đổi mới các hoạt động mục vụ. Điều tối quan trọng đối với Hội Thánh, cũng như để làm cho lời rao giảng của Hội Thánh đáng tin, chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và hành động của Hội Thánh cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha” (số 12). Đáp lại lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô, trong Thư gởi cộng đoàn dân Chúa (17.9.2015), HĐGMVN nhấn mạnh: “Mỗi người Công Giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống”.

Chúa Phục Sinh cho các tông đồ xem những thương tích cuộc khổ nạn nay đã thành sẹo như mời gọi các ngài chiêm ngắm chính nguồn mạch của Lòng Thương Xót không bao giờ cạn vơi.

Thánh Tôma Aquinô đã cầu nguyện rằng: "Chúa ơi, con không xin được xem thương tích Chúa như ông Tôma tông đồ, nhưng con tuyên xưng Chúa là Chúa của con. Hãy làm cho con luôn tin vào Chúa, cậy trông vào Chúa và yêu mến Chúa nhiều hơn nữa". Người kitô hữu đôi khi không cần trí tuệ để tin vào những thực tại thiêng liêng; không cần giác quan để kiểm soát những dấu chỉ mầu nhiệm trong đạo, mà cần sống bằng lòng mến. Càng yêu mến nhiều thì càng tin chắc. Càng tin vững thì càng bình an. Như vậy, con đường của lòng tin là con đường của lòng mến. “Ai xót thương người, sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).Những ai luôn tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh đều luôn sống tích cực và khám phá ra điều kỳ diệu trong những cái tầm thừơng để có khả năng chứng mình về tình yêu và lòng thương xót của Chúa.

 
Cần truyền đạt Đức Tin vói lòng thương xót
Lm Đan Vinh
22:16 23/04/2019
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH ABC – KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Cv 5,12-16 ; Kh 1,9-11a.12-13.17-19 ; Ga 20,19-31

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 20,19-31

(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ tội ai, thì người ấy bị cầm giữ”. (24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. (25) Các môn đệ khác nói với ông: “chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người. Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. (26) Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. (27) Rồi Người bảo Ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. (28) Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (29) Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (30) Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ. Nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ Danh Người.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng thuật lại hai lần Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ để củng cố niềm tin của các ông như sau: Lần thứ nhất (c 19-25): vào buổi chiều sau khi sống lại, Chúa Phục Sinh đã hiện đến đứng giữa các môn đệ đang hội họp mà thiếu ông Tô-ma. Người cho các ông xem các vết thương nơi bàn tay và cạnh sườn để chứng minh Người đã sống lại sau cuộc tử nạn, rồi Người thổi hơi ban Thánh Thần và trao quyền tha tội cho các ông. Lần thứ hai (c 24-29): Tám ngày sau, Chúa Phục Sinh lại hiện ra với các môn đệ và lần này có cả Tô-ma. Người đã đặc biệt đáp ứng đòi hỏi của ông này. Rồi khi Tô-ma đã tin, thì Người dạy: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 19-20: + Ngày thứ nhất trong tuần: Ngày nay, Giáo Hội đã chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần để mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và gọi là Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. Đây là ngày lễ nghỉ, thay thế cho Thứ Bảy (Sa-bát) của Do Thái Giáo. + Đức Giê-su đến: Người hiện đến trong lúc phòng đang đóng kín. Điều này cho thấy thân xác của Người sau khi phục sinh có đặc tính thiêng liêng siêu việt, có khả năng hiện diện ở khắp nơi. + Bình an cho anh em! Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa: Đức Ki-tô Phục Sinh đem lại sự bình an (x. Ga 20,19.21) và niềm vui (x Ga 20,20) cho các môn đệ (x Ga 14,27). + Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Qua đó, Người chứng tỏ Người chính là Đấng đã từng bị đóng đinh thập giá trước đó (x. Ga 19,18), và bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn (x. Ga 19,34). Như vậy cho thấy có sự liên kết mật thiết giữa hai mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.
- C 21-23 + Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em: Tông đồ nghĩa là “được sai đi”. Sứ mạng này xuất phát từ Chúa Cha truyền cho Đức Giê-su, và giờ đây Đức Giê-su Phục Sinh lại truyền cho các môn đệ và tất cả các tín hữu sau này. + Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”: Theo Kinh Thánh, hơi thở chính là sự sống. Như xưa, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào con người A-đam và ban sự sống cho ông (x. St 2,7), thì nay, Đức Giê-su Phục Sinh cũng thổi Thần Khí cho các môn đệ. Rồi đến lượt các môn đệ lại sẽ ban sự sống thiêng liêng ấy cho các tín hữu qua các bí tích. + “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”: Đức Giê-su được Gio-an Tẩy Giả giới thiệu là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1,29). Khi chữa lành một người bại liệt, Đức Giê-su đã tuyên bố có quyền tha tội (x. Mt 9,6). Trong Tin Mừng hôm nay, Người còn thiết lập bí tích giải tội, để ban quyền tha tội cho các tông đồ bằng việc thông ban Thánh Thần cho các ông. Từ đây các giám mục kế vị các tông đồ sẽ tiếp tục thông ban quyền tha tội cho các linh mục là những cộng sự viên của các ngài.
- C 24-25: + Một người trong Nhóm Mười Hai tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô: Tô-ma là một trong Nhóm Mười Hai (x. Mt 10,3). Ông mang biệt danh là “Sinh Đôi”. Tính tình bộc trực và can đảm (x. Ga 11,16). Ông ưa nêu ra thắc mắc khi nghe Đức Giê-su giảng để yêu cầu Người giải thích rõ hơn (x.Ga 14,5). + Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người...: Tô-ma đòi được “mắt thấy tay sờ”, nghĩa là đòi một đức tin khả giác giống như một nhà khoa học thực nghiệm (x. Ga 20,25). + “... thì tôi chẳng có tin”: Nhiều môn đệ khác cũng cứng tin như thế. Tin Mừng Nhất Lãm đã nói tới sự cứng tin của các ông như sau: “Nhưng có mấy ông vẫn hoài nghi” (Mt 28,17); “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy” (Mc 16,14) ; hoặc: “Sao anh em lại hoảng hốt ? Sao còn ngờ vực trong lòng ?” (Lc 24,38).
- C 26-27: + “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy”. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy: Đức Giê-su đã thoả mãn đòi hỏi của Tô-ma. + Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin: Tuy khiển trách Tô-ma, nhưng Đức Giê-su cũng cảm thông với sự cứng tin của ông và muốn ông hãy vững tin vào mầu nhiệm Phục Sinh của Người.
- C 28-29: + Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !”: Tô-ma là môn đệ cuối cùng tin nhận Đức Giê-su đã từ cõi chết sống lại, nhưng ông là người đầu tiên đã tuyên xưng một đức tin đầy đủ nhất: Đức Giê-su vừa là “Chúa” (Đấng Mê-si-a), vừa là “Con Thiên Chúa” (x Mt 16,16). + Phúc thay những người không thấy mà tin”: Qua câu này, Chúa Giê-su muốn dạy các môn đệ: Từ nay, đức tin vào mầu nhiệm Phục Sinh không được dựa trên kinh nghiệm khả giác về các lần hiện ra nữa, nhưng cần dựa trên lời chứng của các tông đồ (x. Ga 19,35). Sau này các ông đã sẵn sàng chịu chết để minh chứng đức tin vào mầu nhiệm Chúa Phục Sinh.

4. HỎI ĐÁP:

HỎI 1) Thân xác Chúa Giê-su sau phục sinh có phải là thân xác đã chịu khổ nạn trước đó không?
ĐÁP:
Thân xác Chúa Giê-su sau khi phục sinh cũng chính là thân xác đã từng trải qua cuộc khổ nạn. Trong Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su đã chứng minh mầu nhiệm Phục Sinh gắn liền với cuộc Tử Nạn trước đó qua việc: “Cho các môn đệ xem các vết thương ở hai bàn tay và cạnh sườn Người” (c.20), cho sờ vào Người (x. Lc 24,36-40), và cho xem việc Người ăn một khúc cá nướng (x. Lc 24,41-43) để chứng minh Người thực đang còn sống chứ không phải hồn ma.

Tuy nhiên thân xác Chúa Giê-su sau khi phục sinh lại có những đặc tính khác thường như: Đi xuyên qua tường mà vào nhà Tiệc ly khi các cửa nhà đều đóng kín vì sợ người Do thái (x. Ga 20,19). Khuôn mặt của Người sau phục sinh biến đổi khác trước khiến cô Ma-ri-a gặp Người mà lầm tưởng là người làm vườn (x. Ga 20.14-15), khiến hai môn đệ làng Em-mau không nhận ra Người trong suốt chặng đường dài đồng hành với Người và được nghe Người giải thích Kinh thánh (x. Lc 24,16). Thân xác Người có đặc tính siêu việt: Dù không có mặt tại chỗ mà vẫn biết được các đòi hỏi của ông Tô-ma (x. Ga 20,25).

HỎI 2) So sánh hai lần Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ cách nhau một tuần lễ giống và khác nhau như thế nào ?
ĐÁP:
- Về nơi chốn và thời gian: Hai lần Chúa Phục Sinh đều hiện ra với nhóm môn đệ tại nhà Tiệc Ly và cùng vào chiều Ngày thứ Nhất trong tuần nhưng cách nhau 8 ngày. Từ đây Ngày thứ Nhất trở thành Ngày của Chúa (Chúa Nhật) thay thế ngày Hưu Lễ (Sa-bát) của đạo Do thái.
- Về số môn đệ hiện diện: Lần thứ nhất số các môn đệ hiện diện là 10 vị do thiếu Tô-ma và lần thứ hai đủ 11 vị. Cả hai lần đều thiếu Giu-đa phản bội.
- Về lời chào đầu tiên: Trong cả hai lần Chúa Phục Sinh đều chào các môn đệ bằng một công thức giống nhau: “Bình an cho anh em !”.

HỎI 3) Trong lần hiện ra thứ hai với các Tông đồ và có Tô-ma ở đó. Chúa Phục Sinh đã ra lệnh cho Tô-ma sờ vào các vết thương ở tay và cạnh sườn Người. Vậy Tô-ma có làm như vậy không?
ĐÁP:
Tô-ma tượng trưng cho những người cứng tin, chỉ tin Chúa thực sự sống lại dựa vào cảm nghiệm và sự xét đoán theo lương tri của mình, chứ không dựa trên lời nói của người khác kể lại. Nhưng trong lần này, sau khi được gặp Chúa Phục Sinh và được nghe Người truyền xỏ ngón tay vào lỗ đinh ở bàn tay Thầy, thọc bàn tay vào vết thương ở cạnh sườn Thầy đúng như đòi hỏi trước đó của ông, thì Tô-ma đã tin Thầy thực sự sống lại, biểu lộ qua lời tuyên xưng: “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con!”. Tin mừng không đề cập đến việc ông có sờ vào các vết thương ở tay chân và cạnh sườn Thầy như ông đã yêu cầu trước đó hay không (c. 27-28).

HỎI 4) Đức tin của Tô-ma giá trị thế nào đối với đức tin của các tín hữu sau này ?
ĐÁP:
Chúa Giê-su nói với Tô-ma và qua ông, Người muốn nhắn nhủ các tín hữu chúng ta hôm nay: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Thực vậy: có những mầu nhiệm về Thiên Chúa, mà người phàm tuy không thể thấy hay không cảm nghiệm được nhưng vẫn phải tin qua các chứng nhân đức tin. Vì đức Tin là điều kiện để được vào Nước Trời của Chúa Giê-su: "Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án" (Mc 16,16).

Nên biết rằng cũng nhờ tuyên xưng đức tin, mà tông đồ Phê-rô đã được Chúa Giê-su đặt làm đá tảng đức tin của Hội thánh, được trao quyền cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19), quyền chăn chiên (x. Ga 21,15-17) và quyền củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,23). Các Tông đồ cũng được Chúa Giê-su trao quyền giáo huấn về đức tin: “Ai nghe anh em là nghe Thầy. Ai khước từ anh em là khước từ Thầy. Mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40; Lc 10,16).

Tóm lại: Việc tông đồ Tô-ma cứng tin lại chính là sự bảo đảm cho lòng tin của chúng ta hôm nay. Vì niềm tin vào mầu nhiệm Chúa sống lại của chúng ta không chỉ dựa trên những lời rao giảng, nhưng dựa trên đức tin của những chứng nhân sáng suốt và thực tế, đã nhìn thấy tận mắt và đã sờ tận tay chính Chúa Phục Sinh. Do đó, thánh Grê-gô-ri-ô đã quả quyết như sau: ”Chính ngón tay đa nghi của Tô-ma đã trở nên ông thầy của toàn thế giới; bàn tay đa nghi của Tô-ma đã dạy cho mọi người một sự thật chắc chắn. Đó là Đức Giê-su đã sống lại”.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).

2. CÂU CHUYỆN:

1) TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐỨC TIN TRONG CUỘC SỐNG:

Cha Anthony de Mello kể một câu chuyện về một tu sĩ Hồi Giáo tên Nas-rud-din như sau:

Một ngày nọ, nhà của thầy Nas-rud-din bốc cháy. Để được an toàn, thầy vội trèo lên mái nhà. Các bạn hữu tụ tập bên dưới rất lo lắng, vì mạng sống thầy chỉ còn "ngàn cân treo sợi tóc". Họ liền căng một tấm thảm dưới sân, chia nhau giữ bốn góc thảm rồi cùng giơ thảm lên và hô lớn:
- Nhảy đi, Thầy hãy mau nhảy xuống đi!
Thầy Nas-rud-din nói:
- Không được, tôi không nhảy đâu. Thế nào các anh cũng rút tấm thảm đi, để biến tôi thành trò cười cho các anh !
- Ôi, Thầy ơi ! Không phải chuyện đùa đâu, Thầy phải mau nhảy xuống đi !
Thầy Nas-rud-din vẫn ngoan cố không nghe và nói :
- Không! Tôi chẳng tin ai cả. Cứ trải thảm xuống đất đi, rồi tôi sẽ nhảy.

Tin là thái độ chấp nhận sự bấp bênh, chấp nhận mình có thể bị lừa dối. Nhưng thực tế người ta sẽ không thể sống nếu không tin vào người khác. Trên đời này có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn tin. Chẳng ai thấy lòng dạ con người, nhưng mọi người đều tin vào tình yêu, tình vợ chồng, tình bạn hữu...

2) TẠI SAO NGƯỜI TA CÓ THỂ NHẬN BIẾT VÀ TIN THỜ THIÊN CHÚA ?

Có một nhà bác học đã vượt qua sa mạc với mấy người Ả Rập dẫn đường. Nhà bác học để ý cứ vào lúc hoàng hôn, thì những người Ả Rập đều dừng lại trải chiếu trên cát, mặt hướng về mặt trời cầu nguyện. Nhà bác học hỏi:
- Các ông đang làm gì vậy ?
Họ liền trả lời: Chúng tôi thờ lạy và cầu nguyện cùng Allah là Thiên Chúa của chúng tôi.
Nhà bác học hỏi lại:
- Vậy chứ các ông đã thấy Allah bao giờ chưa? Có sờ tay đụng tới Ngài chưa? Hoặc đã từng nghe thấy tiếng Ngài nói khi nào chưa?
Hướng dẫn viên Ả Rập mỉm cười đáp lại:
- Chưa, thực ra chúng tôi chưa hề mắt thấy tai nghe Allah bao giờ cả?
Nhà bác học lên giọng:
- Các ông thực là những người điên, khi mù quáng sấp mình thờ lạy một Chúa mà các ông chưa hề xem thấy hoặc chưa hề nghe tiếng Ngài.
Hướng dẫn viên Ả Rập giữ im lặng không đáp lại lời nào hết.
Sáng hôm sau, mặt trời chưa ló dạng, nhà bác họ đã thức dậy, bước ra khỏi lều quan sát và sau đó nói với hướng dẫn viên:
- Ông hãy nhìn mà xem, chắc chắn là tối hôm qua đã có một con lạc đà đi ngang qua đây rồi.
Ông hướng dẫn viên liền hỏi nhà bác học:
- Vậy chắc ông đã nhìn thấy lạc đà đi ngang qua đây đêm hôm qua chứ? Hoặc là tay đã sờ vào lông con lạc đà trong lúc ông đang ngủ chăng?
Nhà bác học thật thà đáp lại:
- Không, tối hôm qua tôi ngủ rất ngon, đâu có nhìn thấy lạc đà và cũng không sờ vào lông nó.
Hướng dẫn viên lại hỏi:
- Vậy thì ông cũng chẳng khác gì người điên. Ông quả quyết có lạc đà đã đi ngang qua đây tối hôm qua, trong khi mắt ông không thấy, tai ông không nghe tiếng bước chân lạc đà.
Nhà bác học cương quyết cãi lại:
- Nhưng đây là bằng chứng rõ ràng: Ông không trông thấy dấu chân lạc đà còn nguyên trên mặt cát đây sao?
Cùng lúc đó, mặt trời bắt đầu ló rạng. Hướng dẫn viên Ả Rập giang tay trịnh trọng tuyên bố:
- Này ông bạn của tôi ơi! Ông hãy nhìn xem mặt trời và những tia sáng rực rỡ huy hoàng kia, đó chẳng phải là dấu chỉ sự hiện diện của Allah, Chúa chúng tôi tôn thờ hay sao ?

3) SỨC MẠNH CỦA MẦU NHIỆM PHỤC SINH:

Có một câu chuyện kể lại rằng, một nhà thông thái kia muốn lập ra một tôn giáo mới với giáo lý rất dễ hiểu dễ tin. Nhưng ròng rã nhiều năm, ông đem tất cả sự khôn ngoan ra để thuyết phục thiên hạ mà chẳng mấy người tin theo. Ông bèn than thở với một người bạn thân thì nhận được một lời khuyên như sau: “Nếu anh muốn người ta theo anh thì dễ thôi, anh hãy làm thế này: Thứ năm anh ăn bữa tiệc cuối cùng, thì thứ sáu anh để người ta đóng đinh anh trên khổ giá rồi chôn cất, Chúa Nhật anh sống lại! Chắc chắn người ta sẽ theo anh rất đông?”.

Quả là lời khuyên độc đáo, và lại càng lý thú hơn, khi tác giả của lời khuyên này chính là Na-pô-lê-on! Điều mà Na-pô-lê-on muốn nhấn mạnh ở đây, đều có sức lôi cuốn người ta chính là sự sống lại. Thực vậy, biến cố Chúa Kitô Phục sinh chính là nền tảng và trung tâm của đời sống đức tin Kitô giáo chúng ta.

4) THỰC THI LÒNG MẾN CỤ THỂ: PHƯƠNG THẾ LOAN BÁO TIN MỪNG HỮU HIỆU:

Ngày nay rao giảng về mầu nhiệm Chúa Phục Sinh cho người khác có thể chấp nhận không dễ dàng. Ngòai việc cần ơn trợ giúp của Chúa, còn cần phải có chứng tích cụ thể của người rao giảng. Câu chuyện sau đây là một bằng chứng:

Một vị linh mục ở nước Bờ-ra-din (Brasin) đã thuật lại kinh nghiệm truyền giáo của mình như sau: “Mỗi ngày, khi đi ngang qua một con đường ở Ri-ô đờ Da-nê-rô (Rio de Janeiro), tôi đều thấy một thanh niên ngồi dựa lưng vào tường và chìa chiếc nón ra xin tiền khách qua đường. Anh ta không đi lại được vì đôi chân bị què. Sau đó vì đã nhiều lần qua lại trên con đường này, nên tôi không còn để ý đến chàng thanh niên hành khất bị què kia nữa.

Rồi một hôm, khi tôi đang đứng nói chuyện với một người quen ở bên kia đường, thì thấy có nhiều người đi ngang qua chỗ anh què ngồi ăn xin mà làm như không nhìn thấy anh và không chia sẻ tiền bạc gì giúp đỡ anh. Tôi liền nghĩ đến thái độ làm lơ của thầy tư tế và thầy lê-vi trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu. Hai ông này đã tránh sang một bên đường mà đi và chỉ có người Sa-ma-ri ngoại giáo tỏ lòng thương xót nạn nhân bằng hành động cụ thể (x. Lc 10,30-35). Tôi quyết định noi gương người Sa-ma-ri nên đã vui vẻ tiến lại gần bắt chuyện: “Này anh bạn, anh có thể đứng dậy được không? Anh có muốn đi đứng giống như mọi người không? ...”Lúc đầu, anh ta đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn tôi dò xét, và khi đọc được sự thành thật trên gương mặt của tôi, anh đã trả lời: “Tôi luôn hy vọng sẽ có ngày cuộc đời của tôi tốt hơn và tôi được thoát khỏi cái nghề ăn xin nhục nhã hiện nay. Dĩ nhiên là tôi mơ ước một ngày nào đó tôi có thể tự mình đi đứng được như bao người khác. Nhưng làm sao kiếm ra tiền để lắp một đôi chân giả và mua được một cặp nạng đây?” Sau khi nghe anh tâm sự, tôi đã síết chặt tay anh và nói: “Tôi xin hứa là trong một ngày gần đây, giấc mơ của anh sẽ trở thành hiện thực”.

Trong bài giảng Thánh lễ Chúa Nhật mùa Chay hôm ấy, tôi đã kể về số phận đáng thương của người ăn xin này cùng với ước mơ nhỏ bé của anh. Rồi tôi đề nghị cộng đoàn cùng nhau làm một cuộc lạc quyên tại chỗ để giúp đỡ anh ta như một cách ăn chay tinh thần. Số tiền lạc quyên thu được trong thánh lễ hôm ấy đã gần đủ tiền chi phí làm đôi chân giả và cặp nạng gỗ mà người ăn xin đang cần. Tuần sau, khi tôi và hai đại diện cộng đoàn đến gặp và cho biết kết quả thì chàng thanh niên kia rất vui mừng. Ngay lúc đó, anh được chở đến bệnh viện chấn thương chỉnh hình để được ráp một đôi chân giả, và bắt đầu tập đi với đôi nạng mới.

Trong lễ Phục Sinh năm ấy, tôi mời anh đến nhà thờ dự lễ và dành cho anh chỗ ngồi đặc biệt cạnh bàn thờ chính. Trong bài giảng, tôi đã đề cập đến trường hợp của anh như sau: “Hôm nay chúng ta mừng ngày Chúa Giê-su trỗi dậy từ trong cõi chết, bước vào một cuộc sống mới. Người kêu gọi chúng ta mở rộng lòng giúp đỡ những anh chị em đang lâm cảnh nghèo khổ để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hôm nay, nhờ sự quảng đại của cộng đòan mà anh bạn của chúng ta đây đã nhận được một cuộc sống mới”. Nói đến đây tôi mời anh què đứng dậy để giới thiệu anh với cộng đoàn. Sau đó mọi người trong nhà thờ đều phấn khởi khi nghe những lời phát biểu chân thành của anh, và vỗ tay tán thưởng khi nghe anh ngỏ ý xin gia nhập cộng đoàn. Cuối cùng anh què đã được xếp vào đội hình những người lên dâng lễ hôm đó.

3. THẢO LUẬN:
1) Bạn đánh giá thế nào về phương cách truyền giáo của vị linh mục người Bờ-ra-din trong câu chuyện trên?
2) Bạn sẽ làm gì trong những ngày này để giúp một người lương tin nhận Chúa và đón nhận được ơn cứu độ của Người ?

4. SUY NIỆM:

1) Dễ tin và cứng lòng:

- Trong cuộc sống đời thường, ngòai việc nhận biết mọi sự nhờ tai nghe mắt thấy, chúng ta còn cần tin vào lời dạy của thầy cô ở nhà trường thì mới có thể thăng tiến về học tập và trau dồi kiến thức; Tin vào cha mẹ mới nên người tốt được; Tin vào đối tác làm ăn mới kinh doanh thành công được... Tuy nhiên thực tế nhiều khi chúng ta đã bị lừa khi “tiền mất tật mang” nếu dễ tin, khi vâng theo lời những kẻ lừa đảo ăn nói giảo hoạt. Do đó, chỉ nên tin nếu hợp lý và người nói có uy tín chưa từng dối gạt ai và “nói có sách, mách có chứng”.
- Riêng về mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su, các môn đệ không phải là những người dễ tin: Dù các ông đã từng được nghe Đức Giê-su ba lần tiên báo về cuộc khổ nạn và phục sinh của Người tại Giê-ru-sa-lem, nhưng các ông vẫn không muốn chấp nhận điều đó (x Mt 16,21-23). Rồi sau cuộc tử nạn của Chúa, khi bà Ma-ri-a Mác-đa-la báo tin Thầy Giê-su vẫn còn sống và chính bà đã được gặp Người, nhưng các ông vẫn không tin (x Mc 16,9-11). Vào chiều ngày Thứ Nhất trong tuần, khi Chúa Phục Sinh hiện đến tại nhà Tiệc Ly cửa đóng then cài thì các môn đệ sợ hãi như nhìn thấy ma. Chúa Giê-su đã phải trấn an các ông và chứng minh cho các ông thấy Người không phải là ma: “Sao anh em lại hỏang hốt ? Sao anh em ngờ vực trong lòng ? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,38-40). Sau đó thấy các ông vẫn chưa tin, Người đã ăn một mẩu cá nướng trước mặt các ông (x Lc 24,41-43). Do đó một khi các ông tin là đã dựa vào những chứng cớ xác thực.

2) Đức tin của Tô-ma và của các tín hữu hôm nay:

- Tô-ma chính là mẫu gương cho đời sống đức tin của các tín hữu chúng ta. Tô-ma đã từng xa lìa cộng đoàn sau khi Thầy bị bắt và đã sống trong u sầu thất vọng. Nhưng rồi ông đã quay về với cộng đoàn và đã tìm thấy đức tin vào mầu nhiệm Chúa phục sinh.Tuy Tô-ma cứng tin, nhưng sau khi đã gặp Chúa và cảm nghiệm về tình thương của Người, ông đã đạt tới một đức tin sâu xa và vững mạnh hơn các môn đệ khác qua lời tuyên xưng: “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con !” (Ga 20,28). Chúa Giê-su đã qua Tô-ma chúc phúc cho các tín hữu sau này: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay người không thấy mà tin” (Ga 20,29).
- Ngày nay tuy không ai trong chúng ta được gặp Chúa Phục Sinh, không trực tiếp nghe lời của Người, cũng không được ăn uống tiếp xúc với Người như các tông đồ khi xưa… Nhưng đức tin của chúng ta sẽ có phúc nếu chúng ta tin vào lời rao giảng của các tông đồ là những người không dễ tin nhưng đã cảm nghiệm được mầu nhiệm phục sinh như thánh Grê-gô-ri-ô đã nói: “Ngón tay đa nghi của Tô-ma đã trở nên ông thầy của toàn thế giới ; Bàn tay đa nghi của Tô-ma đã dạy cho mọi người một sự thật chắc chắn, đó là Đức Giê-su Ki-tô thực sự đã sống lại”. Triết gia Pas-cal cũng đồng quan điểm khi nói : "Đức tin không đến từ lý trí nhưng từ con tim."

3) Truyền đạt Đức Tin cho con người ngày nay bằng cách nào ? :

Trước khi về trời, Chúa Phục Sinh đã trao cho Hội Thánh sứ vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân (x Mt 28,19-20). Rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay thực không dễ chút nào. Muốn thuyết phục con người ngày nay tin vào Chúa Giê-su, tin vào Tin Mừng mà Người rao giảng thì cần có các điều kiện như sau:
- Một là phải cầu xin ơn Thánh Thần: Các tông đồ xưa sau khi Chúa lên trời đã cầu nguyện kết hiệp với Đức Ma-ri-a và các anh em Chúa, với các môn đệ… nên đã nhận được ơn Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần. Sau khi được Thánh Thần tác động, việc tông đồ truyền giáo của các ông mới thành công: Sau bài giảng đầu tiên của Phê-rô đã có ba ngàn người xin theo đạọ (x. Cv 2,41). Thực đúng như lời Đức Giê-su đã nói với các môn đệ trong bữa tiệc ly: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
- Hai là phải hiệp nhất với các mục tử trong Hội Thánh: Chỉ khi kết hiệp với Chúa Giê-su và vâng nghe lời sai đi của các vị chủ chăn trong Hội Thánh, việc tông đồ của chúng ta mới được ơn Chúa giúp và mang lại kết quả như câu chuyện mẻ cá lạ lùng: ông Si-mon đã thưa với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm, mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Các ông đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới (Lc 5,6). Thánh Phao-lô cũng dạy: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin ? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ? Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi ?” (Rm 10,14-15).
- Ba là phải rao giảng bằng lối sống chứng nhân tình thương: Thế giới ngày nay đầy rẫy những kẻ hoài nghi và vô tín. Cách thức duy nhất làm cho họ tin là giúp họ “nhìn thấy” Đức Giê-su và “đụng chạm“ vào Người qua chính lối sống của các tín hữu, qua lời nói thân thiện lễ độ và lối ứng xử khiêm tốn phục vụ của các chứng nhân đức tin, như Đức Phao-lô VI đã nói: “Người đương thời sẵn sàng nghe các chứng nhân hơn là thầy dậy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính các thầy dậy cũng là những chứng nhân”.

4) Thể hiện “Lòng Chúa Thương xót” đối với tha nhân:

- Vào ngày 30/4/2000 Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã tuyên thánh cho Nữ tu Faus-ti-na Ko-wals-ka và chọn ngày Chúa Nhật II Phục Sinh hằng năm làm ngày kính Lòng Chúa Thương Xót. Tông đồ Tô-ma đã được Chúa Giê-su thương xót khi thỏa mãn đòi hỏi được mắt thấy tay sờ của ông. Sau này Chúa Phục Sinh cũng hiện ra với thánh nữ Faus-ti-na qua một thị kiến bày tỏ lòng thương xót của Người. Thánh nữ Faus-ti-na đã thuật lại thị kiến ấy như sau : “Người mặc y phục trắng, bàn tay phải ban phép lành, bàn tay trái vén mép áo ngực, từ đó thoát ra các tia sáng xám và đỏ, tượng trưng bí tích Thánh Thể và bí tích Rửa Tội”.
- Đức Giê-su là hiện thân Lòng Thương Xót của Chúa Cha qua việc chịu đau khổ do các vết thương ở tay chân, qua nước và máu chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu. Chúng ta hãy cùng thánh nữ Faus-ti-na thưa với Người rằng: “Lạy Chúa Giê-su, con xin tín thác vào Người !” Mỗi người hãy trở thành hiện thân của Lòng Chúa thương xót đối với các tội nhân qua lối sống yêu thương hiệp nhất, chia sẻ các món quà cụ thể và luôn quan tâm săn sóc những người bệnh tật đau khổ, sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho những ai xúc phạm đến mình…

5. LỜI CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Tông đồ Tô-ma tuy lúc đầu cứng tin, nhưng sau đó đã đạt đến một đức tin trọn hảo khi ông gặp được Chúa Phục Sinh. Cũng nhờ sự “cứng tin” của Tô-ma lại trở thành chỗ dựa vững chắc cho đức tin của chúng con hôm nay. Rồi đến lượt các tông đồ cũng chứng tỏ lòng trung thực và khiêm tốn, khi không chỉ thuật lại những điều tốt lành, mà còn thuật lại cả những thiếu sót, chậm tin và hồ nghi của các ngài… để nhờ đó đức tin của chúng con hôm nay thêm vững mạnh. Giờ đây cùng với tông đồ Tô-ma, chúng con tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa Giê-su. Chúa chính là Đấng Cứu Thế và là Thiên Chúa của chúng con. Xin thương xót chúng con”.

- LẠY THIÊN CHÚA LÀ CHA GIÀU LÒNG TỪ BI THƯƠNG XÓT. Xin cho chúng con được ngụp lặn trong đại dương bao la của Lòng Chúa Thương Xót, được tắm gội trong Máu và Nước đã tuôn trào từ Thánh Tâm Con yêu dấu của Cha là Chúa Giê-su. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su Ki-tô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Xin hai Thánh Faus-ti-na và Gio-an Phao-lô II cầu bầu cùng Chúa cho chúng con hôm nay và luôn mãi.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phóng sự của CNN về đám tang khổng lồ sáng thứ Ba 23/4 tại nhà thờ Thánh Sebastian ở Negombo, Sri Lanka
Đặng Tự Do
00:43 23/04/2019
Các phóng viên Ivan Watson, James Griffiths, và Rebecca Wright có bài tường trình sau từ Negombo, Sri Lanka vào sáng thứ Ba 23/4/2019.



Sáng thứ Ba 23 tháng Tư, hàng trăm anh chị em giáo dân, hầu hết mặc đồ trắng, buồn bã đứng chật trong sân Nhà thờ Thánh Sebastian ở Negombo, phía bắc thủ đô Colombo, để tham dự thánh lễ an táng cho hơn 100 người đã chết tại nhà thờ này. Chính phủ Sri Lanka đã công bố thứ Ba 23 tháng Tư là ngày quốc tang. Con số người bị thiệt mạng đã lên đến 310 người.

Sau vụ nổ tại nhà thờ vào Chúa Nhật Phục sinh, phần lớn nội thất của ngôi thánh đường đã bị hư hại nặng nề. Mái ngói đỏ của nhà thờ cũng không còn nữa. Những mảnh vỡ thủy tinh có thể được nhìn thấy rải rác xung quanh sân nhà thờ, khi các công nhân dọn ra ngoài những hàng ghế dính đầy máu của anh chị em giáo dân, cùng với một đống quần áo và giày dép của những người bị thương và những người đã chết.



Một cái lều lớn, màu trắng đã được dựng lên trong khuôn viên của nhà thờ, che chắn cho một bàn thờ tạm để dâng các thánh lễ. Người ta phải rùng mình trước một rừng các quan tài của những người thiệt mạng trong cuộc tấn công vào hôm Chúa Nhật.

Cha Ivan, một linh mục cao niên, là người điều hành một số trường Công Giáo ở Colombo, nói với CNN rằng ngài chưa từng thấy một đám tang lớn như thế tại Nhà thờ Thánh Sebastian từ năm 1984, ngay sau khi cuộc nội chiến đẫm máu bùng nổ.

Hơn 100 người đã chết trong các lễ Phục sinh tại nhà thờ, nằm ở trung tâm của một cộng đồng nơi có đông người Công Giáo tại thành phố Negombo. Đây là một trong số ít các khu vực ở quốc gia này mà Kitô hữu chiếm được đa số. Mọi người trong cộng đồng đều biết ít nhất một người thiệt mạng hoặc bị thương.

Đoạn phim do hệ thống an ninh của nhà thờ thu được về những khoảnh khắc trước khi vụ tấn công xảy ra cho thấy đó là một buổi lễ chật cứng anh chị em, tràn ra đến ngoài cổng nhà thờ, và mọi người đang chăm chú lắng nghe. Một linh mục nói rằng toàn bộ nhà thờ bị bao phủ bởi bụi và những mảnh vụn gây ra bởi vụ nổ.

Một số người được CNN phỏng vấn cho biết họ hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tấn công, không có bất kỳ sự căng thẳng nào với các tín hữu của các tôn giáo khác hoặc bất kỳ mối đe dọa nào chống lại người Công Giáo.

An ninh được thắt chặt - cảnh sát xếp hàng dài trên đường đến ngôi nhà thờ, là một trong ba địa điểm bị đánh bom vào ngày Chúa Nhật Phục sinh.

Các lực lượng an ninh, bao gồm quân đội và các bộ phận khác nhau của cảnh sát, lục soát túi xách và nắn trên thân thể từng người tham dự thánh lễ tại ba trạm kiểm soát khác nhau. Các lực lượng an ninh còn được trang bị cả những con chó đánh hơi.

Rebecca Wright của CNN, có mặt tại hiện trường, cho biết cô trông thấy anh chị em giáo dân khi đi qua một căn nhà gần nhà thờ đã dừng lại để tỏ lòng tôn kính, có lẽ là nhà của một trong những nạn nhân được nhiều người biết đến. Hàng trăm người đang tập trung tại cổng ngôi nhà bị hư hại, hát những bài thánh ca được dùng trong các lễ an táng.


Source:CNN
 
Đức Hồng Y Malcolm Ranjith chỉ trích chính quyền không có hành động thích đáng để ngăn chặn vụ khủng bố
Đặng Tự Do
16:53 23/04/2019
Đức Hồng Y Malcolm Ranjith ở Colombo, Sri Lanka, đã đổ lỗi cho chính quyền của quốc gia này vì sự chậm trễ trong việc ngăn chặn các vụ đánh bom hôm Chúa Nhật Phục sinh. Số người chết đã vượt qua con số 321 người.

“Chúng tôi vắt tay lên trán khi biết rằng những cái chết này có thể tránh được. Tại sao điều này không được ngăn chặn?” Hồng Y Ranjith nói với các phóng viên. “Chính phủ nên tổ chức một cuộc điều tra khách quan và tìm ra ai chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công này.”

Đức Hồng Y đã tới làng chài Negombo, nơi hàng ngàn người tham dự thánh lễ an táng do ngài chủ sự. Đức Hồng Y cho biết ít nhất 110 người - chứ không chỉ có 50 người như báo cáo ban đầu - đã thiệt mạng tại Nhà thờ Thánh Sebastian ở Negombo, phía bắc thủ đô Colombo.

“Các lực lượng an ninh chưa giải quyết được tình hình một cách rốt ráo, có thể có nhiều cuộc tấn công khác vào các cuộc tụ họp công cộng,” ngài nói với các phóng viên. “Tôi yêu cầu các linh mục đừng cử hành các nghi lễ nào tại nhà thờ cho đến khi tôi thông báo.”

Tư lệnh Cảnh sát Sri Lanka là tướng Pujuth Jayasundara đã đưa ra cảnh báo về khả năng khủng bố Hồi Giáo thực hiện các vụ đánh bom tự sát tại các nhà thờ lớn 10 ngày trước các vụ tấn công hôm Chúa Nhật Phục sinh. Nhưng lực lượng an ninh đã không có hành động ngăn chặn.

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremeinghe tuyên bố ông và các quan chức chính phủ không được cho biết về lời cảnh báo này và nói rằng “chúng ta phải xem xét tại sao không thực hiện các biện pháp phòng ngừa đầy đủ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Ruwan Wijewardene nói với Quốc hội: “Những cuộc điều tra sơ bộ đã tiết lộ rằng những gì xảy ra ở Sri Lanka (vào lễ Phục sinh) là để trả thù cho cuộc tấn công chống người Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand.” Vào ngày 15 tháng 3, một tay súng người Úc đã giết chết 50 người trong một vụ thảm sát tồi tệ nhất từ trước đến nay tại New Zealand.

Hôm thứ Ba 23 tháng 4, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công. Tuy nhiên, chính phủ cho rằng hai nhóm Hồi giáo cực đoan là Jammiyathul Millathu Ibrahim và National Thowheeth Jama'ath trực tiếp tham gia các cuộc tấn công nhắm vào ba nhà thờ và ba khách sạn sang trọng trên khắp đất nước, và chính quyền tin rằng những kẻ đánh bom tự sát này đã được giúp đỡ từ bên ngoài.

Đến ngày 23 tháng 4, nhà chức trách cho biết họ đã bắt giữ 40 người liên quan đến các vụ đánh bom giết chết ít nhất 321 người và làm bị thương hơn 500 người.

Vụ tấn công khủng bố hôm Chúa Nhật Phục sinh là bạo lực kinh hoàng nhất chưa từng thấy kể từ khi cuộc nội chiến kéo dài 26 năm kết thúc vào năm 2009.

Phần lớn những người thiệt mạng và bị thương là công dân Sri Lanka, nhiều người trong số họ đang tham dự lễ Phục sinh tại các nhà thờ. Chính phủ cho biết những người thiệt mạng còn bao gồm ít nhất 39 công dân nước ngoài từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc và các nước châu Âu khác.

Một lệnh giới nghiêm đã được áp đặt tại Sri Lanka từ 8 giờ tối 22 tháng 4 cho đến 4 giờ sáng ngày 23 tháng 4 theo giờ địa phương. Một ngày quốc tang được tuyên bố vào ngày 23 tháng Tư.


Source:Catholic Herald
 
Khía cạnh an ninh chính trị của các vụ thảm sát ở Sri Lanka
Vũ Văn An
19:45 23/04/2019


Ngay sau các vụ tấn công tàn bạo vào các nhà thờ Kitô giáo và một số khách sạn ở Sri Lanka, Bộ Trưởng Quốc Phòng Sri Lanka, Ruwan Wijewardene, nói với quốc hội rằng đây là một vụ trả thù cho vụ tấn công vào các nơi thờ phượng của người Hồi Giáo tại Christchurch, Tân Tây Lan.

Nhận định ấy có thể đúng. Nhưng thái độ con người diễn ra sau đó thì Sri Lanka thật khác xa Tân Tây Lan. Vì ở chốn sau, tình người hiện rõ mồn một qua những vòng ôm thân thiết của người cầm đầu chính phủ với các nạn nhân và gia đình họ. Còn ở Sri Lanka, không thấy bức hình nào cho thấy một nhà cầm quyền cao cấp hiện diện, dù là trong tang lễ tập thể của gần 100 nạn nhân ở Nhà Thờ Thánh Sebastian.

Nhưng về an ninh, thì chính phủ ấy tỏ ra hết sức năng động trong các biện pháp đưa ra sau các vụ tấn công tàn bạo. Theo tin A.P., 40 người tình nghi có liên can tới các vụ tấn công tàn bạo đã bị bắt. Ông tổng thống ban quyền rộng rãi cho các lực lượng an ninh, các quyền rộng rãi đã từng được sử dụng suốt 26 năm nội chiến: bắt giam bất cứ kẻ tình nghi nào. Chính phủ ra lệnh ngăn cấm phần lớn các phương tiện truyền thông xã hội để ngăn chặn các nguồn tin sai lạc. Các phố xá ở trung tâm thủ đô Colombo đầy lính canh. Tại phi trường quốc tế Bandaraniake, cảnh sát cho chó săn lùng sục và các ngả đường dẫn vào phi trường có trạm khám xét cốp xe và tra hỏi tài xế.

Hình như chỉ để “chuộc lỗi quá khứ” không hẳn nhằm bảo đảm an ninh tương lai. Thực thế, chính các viên chức chính phủ vào ngay hôm thứ Hai đã tiết lộ rằng một tuần lễ trước đó, họ đã nhận được các báo động cho hay nhóm Hồi Giáo quá khích có khả năng sẽ mở cuộc tấn công.

Chính phủ đã không làm gì. Chỉ sau khi các cuộc tấn công tàn bạo đã xẩy ra, Thủ Tướng Ranil Wickremesinghe mới thề “sẽ dành mọi quyền cần thiết cho các lực lượng quốc phòng” hành động chống những kẻ chịu trách nhiệm.

Theo A.P., tình báo quốc tế vốn đích danh thông bào rằng bọn người ít ai biết đến là Nhóm National Thowfeek Jamaath đang đặt kế hoạch tấn công, nhưng lời cảnh cáo của họ rõ ràng không tới tai phủ thủ tướng cho tới sau khi cuộc thảm sát đã diễn ra, “cho thấy cảnh bất ổn kéo dài về chính trị ở cấp cao nhất của chính phủ”.

Chính Bộ Trưởng Y Tế Rajitha Senaratne nói rằng các lời cảnh báo bắt đầu từ ngày 4 tháng Tư khi bộ quốc phòng viết cho tư lệnh cảnh sát, cung cấp tin tức, kể cả tên của nhóm khủng bố; ngày 11 tháng Tư, cảnh sát viết cho các người đứng đầu an ninh tại các phân bộ an ninh tư pháp và ngoại giao.

Trong khi ấy, Ông Sirisena, hôm xẩy ra các vụ khủng bố, không có mặt ở trong nước, từng bãi chức Thủ Tướng Ranil Wickremesinghe hồi tháng Mười và giải tán nội các. Tối cao Pháp Viện đã lật ngược hành động của ông ta, nhưng từ đó, Thủ Tướng không được phép tham dự các buổi họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, và do đó ông và chính phủ ông hoàn toàn mù tịt về các tin tình báo này.

Cho đến nay, người ta không được rõ liệu đã có một biện pháp nào được đưa ra đối với tin tình báo trên. Trong khi ấy, nhà cầm quyền vẫn cho rằng họ biết nhóm trên huấn luyện ở đâu và chúng cư ngụ ở chỗ nào. Ấy thế mà vẫn không nhận diện được bất cứ tên đánh bom tự sát nào và cả hàng tá nghi phạm đã bắt được sau các vụ khủng bố!

Tất cả các tên đánh bom đều là người Sri Lanka dù ông Senaratne nói rằng chắc chắn bọn chúng có liên kết với các đường dây ngoại quốc.

Người ta cũng chưa rõ các động lực đứng đàng sau các vụ khủng bố này. Lịch sử Sri Lanka đa số theo Phật Giáo, 1 xứ sở 21 triệu dân, trong đó có các nhóm thiểu số Ấn Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo, đầy những tranh chấp sắc tộc và phe phái. Trong cuộc nội chiến kéo dài 26 năm, Các Mãnh Hổ Tamil, nhóm phiến quân nổi tiếng sử dụng các tên đánh bom tự sát, sau đó bị chính phủ dẹp tan năm 2009, nhưng ít bị liên lụy đến việc tấn công các Kitô hữu. Phong trào cuồng tín chống Hồi Giáo do các người Phật giáo quá khích mới tái xuất hiện gần đây, nhưng không hề có phong trào đấu tranh Hồi Giáo. Các nhóm Kitô Giáo chỉ thỉnh thoảng mới bị xách nhiễu qua loa.



Hai trong các nhà thờ bị đánh bom là Công Giáo, một là Thệ Phản. Ba khách sạn và một nhà thờ, Nhà Thờ Thánh Antôn, thuờng được người ngoại quốc lui tới. Bộ trưởng Du lịch John Amaratunga cho hay 39 ngọai kiều thiệt mạng: Anh 8, Ấn 8, Mỹ 4, Úc 2, những người khác là Bangladesh, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hòa Lan, Đan Mạch, Bồ Đào NHa, Saudi Arabia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều người lắc đầu ngao ngán trước sự bất lực của chính phủ. Ranjith người thoát chết ở Nhà thờ Thánh Sebastian, nơi có đến hơn 1 trăm người đồng đạo của ông thiệt mạng, nói rằng “Chúng tôi lấy tay bưng đầu khi hiểu ra rằng những cái chết này có thể tránh được. Tại sao người ta lại không ngăn chặn chứ?”

Theo tạp chí America, “Vị Hồng Y người Sri Lanka yêu cầu trả lời việc thiếu an ninh”. Ngài yêu cầu “chính phủ nên mở cuộc điều tra vô tư và tìm ra ai phải chịu trách nhiệm đối với các cuộc tấn công này”.

Tờ Daily Mirror ở Sri Lanka, ngày 23 tháng Tư, cho hay: trong một cuộc họp báo, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng Giám Mục Colombo, lên án chính phủ đã không chịu hành động dựa trên các báo cáo tình báo. Ngài nói “Các tin tức truyền thông tường trình rằng đã có thông tin liên quan đến các vụ tấn công có thể có. Nếu đúng như thế, há chúng ta lại không thể ngăn cản tình huống này hay sao? Tại sao không hành động gì cả?”

Ông Thủ Tướng đổ lỗi hoàn toàn cho Tổng Thống. Tức khí, ông Tổng Thống chỉ biết đe dọa sẽ trừng phạt những người dưới quyền. Thực vậy, hôm thứ Ba vừa qua, Tổng Thống Maithripala Sirisena tuyên bố các viên chức không hành động để ngăn ngừa các vụ khủng bố này sẽ bị sa thải. Ông hứa với quốc dân sẽ thực hiện nhiều cải tổ lớn trong các chức vụ cao cấp phụ trách an ninh. Ông nói họ đã “lơ là”.

Nhưng không nhận lỗi về phần mình. Ông nói với quốc dân: “Tôi phải chân thực mà thừa nhận rằng có sự sai sót về phần các viên chức quốc phòng. Có báo cáo tình báo về vụ tấn công, nhưng tôi không được tường trình”. Một cố vấn tổng thống cao cấp, Ông Shiral Lakthilaka, nói rằng bộ trưởng quốc phòng và tổng thanh tra cảnh sát sẽ bị sa thải. Tổng thống thì đoan hứa: quân đội và cảnh sát sẽ được tái cấu trúc trong vòng một tuần lễ. “Trong vòng 24 tiếng sắp tới, các thay đổi sẽ xẩy tới với những nhân vật đứng đầu hai định chế này”.
 
Vinh danh những người lính cứu hỏa đã cứu nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris trong Thánh lễ Phục sinh
Đặng Tự Do
20:53 23/04/2019
Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh tại giáo xứ chính tòa Paris ra sao? Angela Charton của thông tấn xã AP đã có một bản tường đặc biệt sau đây. Nguyên bản tiếng Anh xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang tiếng Việt:

Đức Tổng Giám Mục Paris và người Công Giáo từ khắp nước Pháp và thế giới đã vinh danh những người lính cứu hỏa đã cứu Nhà thờ Đức Bà, và cầu nguyện đặc biệt cho việc tái thiết nhanh chóng ngôi thánh đường yêu dấu này trong Chúa Nhật Phục sinh.

Một số đường phố xung quanh ngôi nhà thờ có từ thời trung cổ này cũng đã được mở cửa trở lại sáu ngày sau khi xảy ra trận hỏa hoạn, cho phép khách du lịch có thể nhìn gần hơn; và các nhà hàng địa phương đã được mở cửa trở lại, sau khi lính cứu hỏa tuyên bố các điểm nóng cuối cùng đã bị dập tắt. Nhà thờ Đức Bà dự kiến sẽ phải đóng cửa trong nhiều năm để tu sửa lại.

Ngọn lửa nhấn chìm nhà thờ vào tối thứ Hai đã buộc các thành viên trong giáo xứ và các du khách muốn tham dự thánh lễ tại nhà thờ Đức Bà vào lễ Phục sinh phải tìm những nơi khác để tham dự các nghi lễ. Tổng giáo phận Paris đã mời họ tham dự thánh lễ Chúa Nhật tại Nhà thờ Saint-Eustache hùng vĩ bên hữu ngạn sông Seine.

Các nhân viên cứu hỏa, những người đã phải vật lộn trong chín giờ để chống trả với ngọn lửa thiêu rụi mái nhà thờ chính tòa Đức Bà, đã được dành cho một vị trí danh dự tại nhà thờ Saint-Eustache. Cảnh sát và quân đội chủ yếu đứng bên ngoài để bảo vệ ngôi nhà thờ có từ thế kỷ 13 này, trong khi đó du khách đứng thành một hàng dài để các cơ quan an ninh kiểm tra túi xách trước khi họ có thể vào bên trong thánh đường.

Trong Thánh lễ Phục sinh, Đức Tổng Giám Mục Paris Michel Aupetit đã trao cho lính cứu hỏa một cuốn Kinh thánh được giải cứu từ nhà thờ Đức Bà.

“Các đồng nghiệp của anh em đã có thể cứu được nhiều thứ trong nhà thờ. Nhưng anh em cũng đã cứu được một vật quý giá đối với chúng tôi,” Đức Tổng Giám Mục Aupetit nói. “Cuốn sách này vẫn còn bẩn một chút, đầy tro và có thể bị thiệt hại chút đỉnh bởi ngọn lửa. Các anh em đã cứu cuốn sách này và tôi muốn tặng cho anh em. Đó là một cách rất khiêm tốn để nói lời cám ơn các anh em.”

Đức Tổng Giám Mục đặc biệt cảm ơn cha Jean-Marc Fournier, tuyên uý lính cứu hỏa Paris, là người đã không ngại hiểm nguy xông vào ngôi nhà thờ đang bốc cháy để cứu vương miện gai của Chúa trong cuộc thương khó và một Mặt Nhật có Mình Thánh Chúa.

Giảng về sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đức Tổng Giám Mục Aupetit nói với cộng đoàn rằng: “Chúng ta cũng vậy, thưa anh chị em, chúng ta sẽ sống lại, giống như ngôi nhà thờ của chúng ta sẽ hồi sinh trở lại.”

Đức Tổng Giám Mục thủ đô Pháp cũng hướng suy nghĩ của cộng đoàn đến “những anh chị em Sri Lanka của chúng ta đã bị tàn sát” trong vụ tấn công đúng vào ngày lễ Phục sinh tại các nhà thờ và khách sạn.

Giáo dân tại giáo xứ chính tòa Notre Dame đã được tham gia bởi người Công Giáo và những người khác từ khắp nước Pháp và hơn thế nữa. Một phóng viên của Associated Press đã nghe ít nhất sáu ngôn ngữ được nói trong đám đông.

“Mọi người đều bị ảnh hưởng bởi những gì đã xảy ra với nhà thờ Đức Bà,” ông Michel Ripoche, một cư dân Paris nói. “Ngày lễ Phục sinh là một ngày lễ chúng ta kỷ niệm hàng năm, suốt cả cuộc đời của chúng ta. Rõ ràng những gì đã xảy ra tại Notre Dame đã thêm vào tầm quan trọng của thánh lễ ngày hôm nay.”

Peggy Godley, người đã đến thăm thủ đô của Pháp từ Chicago cùng với chồng và hai cô con gái của mình, vì muốn xem mọi thứ như thế nào khi cử hành Thánh lễ ở Paris.

“Chúng tôi không được gặp Notre Dame. Chúng tôi đã hy vọng được ở đó, nhưng đã quá muộn,” cô nói.

Các công nhân xây dựng căng lưới bao trùm một trong những cửa kính màu rất quý của nhà thờ vào hôm Chúa Nhật, dường như để bảo vệ tấm kính màu đã có hàng nhiều thế kỷ.

Nhà thờ Đức Bà dự kiến sẽ được mở cửa trở lại cho công chúng trong năm hoặc sáu năm nữa, theo cha Patrick Chauvet, mặc dù tổng thống Pháp đang thúc đẩy việc tái thiết nhanh chóng hơn nữa. Các nhà điều tra nghĩ rằng vụ cháy này là một tai nạn, có thể liên quan đến công việc trùng tu.

Cha Patrick Chauvet, linh mục hạt trưởng chánh tòa, nói với Associated Press vào hôm Thứ Sáu Tuần Thánh, ngài có rất nhiều hy vọng, bởi vì ngài tin rằng từ sự đau khổ này sẽ có sự phục hưng.

Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester cho biết hôm Chúa Nhật rằng hầu hết các điểm tại Nhà thờ Đức Bà được coi là dễ bị sụp đổ đã được ổn định, bao gồm các cấu trúc hỗ trợ phía trên các cửa kính màu. Ông nói với truyền hình France -2 rằng “vẫn còn một số điểm nhạy cảm trên trần nhà.”


Source:AP
 
Chuyện không tin cũng xảy ra: Hồi Giáo tính nhầm nên lễ Phục sinh là một ngày nghỉ quốc gia ở Bangladesh trong năm nay
Đặng Tự Do
21:21 23/04/2019
Sau 30 năm, các Kitô hữu Bangladesh đã được mừng lễ Phục sinh như một ngày lễ nghỉ trong năm nay.

Ở Bangladesh, nơi Chúa Nhật không phải là ngày lễ nghỉ, lễ Phục sinh đã được tổ chức như một ngày quốc lễ lần đầu tiên sau 30 năm.

Thành công này phần lớn là nỗ lực của Gloria Jharna Sarker, nữ nghị sĩ Công Giáo đầu tiên được bầu trong cuộc bầu cử gần đây, là người đấu tranh cho quyền của cộng đồng Kitô giáo được công nhận ở cấp quốc gia, AsiaNews cho biết như trên.

Vào Chúa Nhật Phục sinh, 21 tháng 4, tất cả các trường học trong cả nước đã đóng cửa. Đón nhận tin mừng này, các Kitô hữu địa phương nói rằng đó là một dấu hiệu tích cực về mối quan hệ tốt đẹp giữa các tôn giáo.

Một thương gia ở Bangladesh đã giải thích với AsiaNews rằng kể từ khi giành được độc lập vào năm 1971, Chúa Nhật là một ngày lễ, bao gồm cả Chúa Nhật Phục sinh. Tuy nhiên, Chúa Nhật đã không còn là một kỳ nghỉ kể từ giữa những năm 1980, khi cựu tổng thống Hussain Muhammad Ershad giới thiệu truyền thống Hồi giáo, trong đó thứ Sáu là ngày nghỉ hàng tuần. Vì thế, lễ Chúa Phục sinh đã bị loại ra khỏi các lễ hội được công nhận trên toàn quốc.

Thương gia này chỉ ra rằng sau khi ngày Chúa Nhật bị loại bỏ, các giám mục không làm gì nhiều để phản đối điều đó, không giống như một số phong trào đại kết đôi khi phát động các cuộc biểu tình phản đối, tổ chức các buổi tọa thị và các biến cố có tính biểu tượng.

Tuy nhiên, vị thương gia này nhấn mạnh rằng kỳ nghỉ lễ Phục sinh năm nay chỉ là may mắn mà thôi. Ông giải thích như sau:

Các lễ hội Hồi giáo không được tính theo Dương Lịch nhưng theo Âm Lịch.

Vào đầu năm nay, lễ hội Hồi giáo “Shab-e-Barat” (đêm tha thứ) được ấn định diễn ra vào ngày 21 tháng 4, tức là lễ Phục sinh. Sau khi tính toán lại các dịch chuyển của mặt trăng, các học giả Hồi Giáo tuyên bố đã tính lộn, và tính lại là ngày 22 tháng 4, tức là Thứ Hai sau lễ Phục Sinh. Vào thời điểm đó, ngày 21 tháng 4 đã được tuyên bố là một ngày nghỉ.

Người ta không biết liệu điều may mắn này sẽ xảy ra trong những năm tới hay không nhưng năm nay các Kitô hữu đã chào đón điều này với niềm vui.


Source:Vatican News

 
Đức Thánh Cha trao đổi lời chúc mừng với Rabbi Trưởng của Rôma
Đặng Tự Do
21:53 23/04/2019
Đức Thánh Cha Phanxicô và Rabbi trưởng của Rôma, Riccardo Di Segni, đã trao đổi lời chúc mừng lễ Phục sinh của Kitô giáo và lễ Vượt qua của người Do Thái.

Trong khi các Kitô hữu chuẩn bị cử hành cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu vào dịp Tuần Thánh và lễ Phục sinh, thì các cộng đồng Do Thái trên khắp thế giới chuẩn bị mừng lễ Pesach, hay còn gọi là lễ Vượt Qua, kỷ niệm việc Chúa giải phóng con cái Israel khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, như được mô tả trong Sách Xuất hành.

Trong thông điệp gởi đến Rabbi Di Segni, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết:

Cầu xin Thiên Chúa của lòng thương xót đồng hành cùng các bạn với phước lành của Ngài và ban cho cộng đồng các bạn bình an và hòa thuận. Nhân dịp hạnh phúc này, tôi lặp lại những cam kết đối với mối dây huynh đệ và đối với những người quẫn bách trong xã hội của chúng ta, tôi bảo đảm nhớ đến các bạn trong lời cầu nguyện và xin các bạn tiếp tục cầu nguyện cho tôi.

Đức Thánh Cha kết thúc bằng lời chào truyền thống của người Do Thái “Chag Sameach”, nghĩa đen là chúc mừng “hội hè hân hoan”.

Trong thông điệp viết tay gởi cho Đức Thánh Cha, Rabbi Di Segni viết:

Trước thềm lễ Phục sinh, tôi cảm ơn ngài và thân ái chúc ngài đầy tràn niềm vui, sự thanh thản và sức khỏe, để củng cố các quan hệ hữu ích trong tình bạn và sự hợp tác. Cầu xin những lời cầu nguyện của ngài cho điều thiện được nhậm lời.

Lễ Vượt qua của người Do Thái bắt đầu vào lúc hoàng hôn tối thứ Sáu 19 tháng Tư và kết thúc vào lúc màn đêm buông xuống vào thứ Bảy 27 tháng Tư.


Source:Vatican News
 
Người dân Venezuela đang trở lại với niềm tin tôn giáo
Đặng Tự Do
22:27 23/04/2019
Arelis R. Hernández và Mariana Zuñiga của tờ Washington Post của bài tường trình sau về đời sống tôn giáo của người dân Venezuela trong những ngày này.

Đèn ở Petare đã tắt. Toàn bộ khu phố lại chìm vào bóng đêm một lần nữa. Người dân ở khu ổ chuột lớn nhất của Venezuela đã quen với việc mất điện, cúp nước, mọi thứ trở nên đắt đỏ kể cả các ngọn nến cũng trở nên khan hiếm và đắt giá. Mọi thứ hầu như đang xúm lại làm mất đi sự kiên nhẫn vốn đã mỏng manh của họ.

Nhưng đêm nay sẽ không giống như bất kỳ đêm không ánh sáng nào khác trong xóm nhà lụp xụp bên sườn đồi này. Giữa những con hẻm tối om, một âm thanh vui vẻ kỳ lạ xuất hiện giữa những ngôi nhà lợp kẽm. Tambourines leng keng, marica réo rắt, trống rộn ràng. Nhiều tiếng nói vang lên mời gọi tất cả những ai có thể nghe hãy đến với ơn cứu rỗi.

“Cristo sana y salva ...” – “Chúa Kitô chữa lành và cứu rỗi chúng con”. Đó là tiếng cầu kinh khẩn thiết vang lên trong nhà thờ Phạt Tạ Trái tim Chúa.

Chìm đắm trong các cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo, Venezuela, một trong những quốc gia thế tục nhất của Mỹ Latinh đang đang trở lại với niềm tin tôn giáo. Khi sự bế tắc chính trị giữa Tổng thống Nicolás Maduro và lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó kéo dài thêm một tháng nữa, và tình trạng thiếu điện, thực phẩm và nước làm cuộc sống hàng ngày cơ cực hơn bao giờ, các nhà lãnh đạo trong các truyền thống tôn giáo báo cáo về một sự gia tăng không ngừng những người quay trở lại với niềm tin tôn giáo, tìm kiếm sự an ủi và câu trả lời cho những vấn nạn của cuộc đời.

“Tất cả các thánh lễ của tôi đều đông chật người, đó là điều chưa từng xảy ra trước đây,” cha Jesús Godoy, một linh mục Công Giáo tại giáo xứ Chúa Chiên Lành ở quận Chacao của thành phố Caracas, cho biết như trên. Ngài ước tính đã nhìn thấy hơn 2,000 người tham dự thánh lễ mỗi cuối tuần.

“Họ cầu xin sự giúp đỡ. Họ muốn Chúa ban cho họ những khí cụ để sống sót trong cuộc khủng hoảng này.”

Ở đất nước phân cực sâu sắc này, các nhà phân tích đang theo dõi các dấu chỉ cho thấy số tín hữu đang phát triển nhanh chóng này có thể nổi lên như một lực lượng chính trị.

Đã có những dấu hiệu: Các giáo sĩ chỉ trích mạnh những tai ương của đất nước trong các bài giảng. Nhà thờ tăng thêm các dịch vụ bác ái cho người nghèo. Các linh mục và nữ tu tham dự các cuộc biểu tình ủng hộ Guaidó trong trang phục giáo sĩ của họ.


Source:Washington Post
 
Quân khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công tại Sri Lanka
Đặng Tự Do
17:39 23/04/2019
Hôm thứ Ba 23 tháng Tư, bọn khủng bố Hồi Giáo IS, qua cơ quan truyền thông Ahmeq của chúng, đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố tại Sri Lanka giết chết ít nhất là 321 người và làm bị thương 500 người khác. Trước đó, chính phủ Sri Lanka nói có ít nhất 207 người bị giết. Con số tăng dần thành 290 người, rồi 310 người. Đến chiều ngày thứ Ba là 321 người.

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố rằng hành động này là “để trả đũa cho cuộc tấn công chống người Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand.” Vào ngày 15 tháng 3, một tay súng người Úc đã giết chết 50 người trong một vụ thảm sát tồi tệ nhất từ trước đến nay tại New Zealand.

Tuy nhiên, các quan sát viên tin rằng âm mưu tấn công đã được hoạch định từ trước vì chỉ hơn một tháng không đủ thời gian để hoạch định một cuộc tấn công kinh hoàng, có phối hợp tại ít nhất 7 địa điểm khác nhau; và cần thời gian để tuyển mộ các tên nổ bom tự sát, điều nghiên các địa điểm tấn công cũng như vận chuyển lậu vũ khí vào Sri Lanka.

Chính phủ cho rằng hai nhóm Hồi giáo cực đoan là Jammiyathul Millathu Ibrahim và National Thowheeth Jama'ath trực tiếp tham gia các cuộc tấn công nhắm vào ba nhà thờ và ba khách sạn sang trọng trên khắp đất nước, và chính quyền tin rằng những kẻ đánh bom tự sát này đã được giúp đỡ từ bên ngoài.

Một khả năng có lẽ cao hơn là các cuộc tấn công đã được thực hiện trực tiếp hay ít nhất được chỉ đạo bởi những tên đã từng tham gia chiến đấu tại Syria nay tan hàng trở về mảnh đất vốn hiền hòa Sri Lanka.

Chính phủ Sri Lanka đã công bố ngày thứ Ba 23 tháng Tư là ngày quốc tang tưởng niệm 310 nạn nhân đã thiệt mạng trong các vụ tấn công diễn ra hôm Chúa Nhật Phục sinh.

Một chi tiết quan trọng chúng tôi muốn trình bày với quý vị và anh chị em là vụ khủng bố này lẽ ra đã có thể tránh được. Tình báo Hoa Kỳ đã báo trước nhưng có lẽ Sri Lanka đánh giá thấp một bọn chuyên vẽ bậy lên các tượng Phật.

Các quan chức Sri Lanka cho biết nhóm phiến quân Hồi giáo National Thowheeth Jama'ath là bọn phải chịu trách nhiệm về các vụ đánh bom hôm Chúa Nhật Phục sinh ở đảo quốc này giết chết ít nhất 310 người và làm bị thương thêm 500 người nữa.

Rajitha Senaratne, bộ trưởng y tế, cho biết bảy kẻ đánh bom tự sát thực hiện các cuộc tấn công hôm Chúa Nhật, đều là công dân Sri Lanka, nhưng chắc chắn có quan hệ với những phần tử nước ngoài. “Có một mạng lưới quốc tế, nếu không, những cuộc tấn công không thể thành công,” ông Senaratne cho biết trong một cuộc họp báo.

Điều đáng nói là nhà chức trách ở Sri Lanka đã nhận được cảnh báo về các vụ tấn công khoảng hai tuần trước, Senaratne cho biết trong một cuộc họp báo. Tư lệnh cảnh sát Sri Lanka, tướng Pujith Jayasundara đã gửi một cảnh báo hồi đầu tháng này nói rằng National Thowheeth Jama'ath đang lên kế hoạch tấn công.

Ông viết:

“Một cơ quan tình báo nước ngoài đã thông báo rằng National Thowheeth Jama'ath đang có kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công tự sát nhắm vào các nhà thờ lớn cũng như Cao Ủy Ấn Độ tại Colombo”.

Phát biểu với các phóng viên, Senaratne cho biết các quan chức đã nhận được cảnh báo nhưng Thủ tướng và những người khác “hoàn toàn mù tịt về tình hình.” Tờ New York Times cho biết có những căng thẳng giữa Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremeinghe và Tổng thống Maithripala Sirisena. Đó có thể là một phần gây nên thảm họa này.

Hôm Chúa Nhật, thủ tướng Wickremeinghe cho biết rằng ông và nội các của mình đã không nhận được thông tin gì về lời cảnh báo này:

“Chúng ta phải nhìn vào lý do tại sao các biện pháp phòng ngừa thích hợp đã không được thực hiện”, ông nói.

Alan Keenan, một nhà phân tích cao cấp về Sri Lanka thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết có rất ít thông tin về nhóm National Thowheeth Jama'ath.

Trước các cuộc tấn công vào hôm Chúa Nhật, nhóm này chủ yếu liên quan đến việc phá hoại các bức tượng Phật ở Sri Lanka, mà cao điểm là vào tháng 12, năm ngoái. Các thành phần trong nhóm này đi vào các ngôi chùa và nhân lúc vắng người xịt sơn lên mặt các pho tượng Phật.

Tháng 12 năm ngoái, một số thành viên trong nhóm bị bắt quả tang khi xịt sơn vào một số pho tượng Phật trong một cuộc triển lãm.

Chính phủ Sri Lanka có lẽ đã đánh giá thấp nhóm National Thowheeth Jama'ath.

Keenan nói nhóm này có thể đã được tách ra khỏi tổ chức chính trị “Sri Lanka Thowheeth Jama'ath,” là nhóm có quan điểm cứng rắn và chủ trương bài Phật giáo. Keenan cũng lưu ý rằng nhiều tổ chức ở Sri Lanka cũng sử dụng tên “Thowheeth Jama'ath,” gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc của nhóm.

Thowheeth Jama'ath hiểu nôm na là “một nhóm vì danh một Thiên Chúa duy nhất.”

Tính chất phối hợp cao, và gây tiếng vang lớn trong các vụ tấn công nhắm vào các nhà thờ Công Giáo vào giữa lễ Phục sinh, cùng với các khách sạn sang trọng cho thấy nhóm này không thể thực hiện được các vụ đánh bom nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, Keenan nói.

Những cuộc tấn công như vậy là chưa từng có ở Sri Lanka

Quá khứ phức tạp của Sri Lanka chưa bao giờ ghi dấu bạo lực giữa Kitô hữu và người Hồi giáo ở nước này, Keenan nói.

“Sri Lanka là một nơi rất phức tạp. Nói chung, đã có sự căng thẳng và bạo lực giữa khá nhiều tầng lớp,” ông nói. “Nhưng tại Sri Lanka, người Hồi giáo là một cộng đồng rất tự chế và không thích đối đầu. Đó là lý do tại sao biến cố này phải có bàn tay của các thế lực bên ngoài.”

Theo dữ liệu điều tra dân số hồi năm ngoái 2018, 70.2% người Sri Lanka nhận mình là Phật giáo, 12% theo Ấn Giáo, 9.7% theo Hồi giáo và 7.4% theo Kitô giáo, trong số này rằng 82% các Kitô hữu Sri Lanka là người Công Giáo.

“Trong những năm gần đây, bạo lực ở Sri Lanka đã được truyền bá bởi những kẻ cực đoan Phật giáo,” Keenan nói. “Các nhóm Phật giáo cứng rắn, như Bodu Bala Sena, còn được gọi là Lực lượng Phật giáo, đã bị buộc tội gieo rắc thù hận và bạo lực chống người Hồi giáo.”

Tổng thống Maithripala Sirisena nói hôm thứ Hai rằng ông sẽ có cuộc gặp gỡ với các vị đại sứ các nước và các tổ chức Liên Hiệp Quốc để tìm kiếm sự trợ giúp chống lại các mưu toan khủng bố của các nhóm Hồi Giáo cực đoan trên đất nước ông.


Source:Time
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhóm Bác Ái Tân Phú Thăm Giáo Xứ Bù-Đăng Giáo Phận Ban Mê Thuột
Phương Nga
08:43 23/04/2019
"Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy".(Mt 25-40)

Để thực thi lời Chúa dạy và đáp lại lời mời gọi bác ái mùa Chay.Nhóm bác ái truyền giáo do anh Đaminh Hùng (Trưởng ban Truyền Thông gx Tân Phú) là Trưởng nhóm đã tổ chức chuyến thăm bà con dân tộc thiểu số nghèo thuộc giáo xứ Bù Đăng, hạt Đồng Xoài,Giáo phận Ban Mê Thuột từ lúc 04g đến 18g ngày Thứ Ba 16-04-2019.Cùng tham gia có chị Maria Thùy(Các BMCG)chị Maria Tuyết(Caritas) chị Maria Mai (Ca đoàn Các Bà mẹ CG),chị Anna.Cecilia Nga (Truyền thông gx Tân Phú) và anh Giuse Thanh Bình.(gx Tân Hưng)Tất cả cùng ngụ trong nội ô thành phố nên việc tập trung rất mau mắn.

Xem Hình

Xe khởi hành vào đúng 4g30 từ nhà anh Hùng Sau khi những món quà được chuyển lên đầy đủ,các thành viên tranh thủ hỏi thăm nhau về cuộc sống và sinh hoạt của Hội mình,sau khi đón anh Thanh Bình tại quận 12,chị Tuyết xướng kinh cho mọi người hiệp thông: Lần chuỗi 50kinh Mân côi,kinh Lạy Nữ Vương và kinh Thánh Giuse..kết thúc bằng bài hát “Lạy Chúa con đường nào Chúa đã đi qua con đường nào Người ra pháp trường...”Bác tài tên Vũ là người ngoại đạo nhưng cũng im lặng thông công..Sau gần 4 giờ di chuyển mọi người tranh thủ ăn sáng trước khi đến điểm dừng chân đầu tiên.

Đón đoàn là Sơ Têrêsa Phạm thị Mỹ Dung (Quản lý) cùng các Sơ Maria Nguyễn Thị Đề,Sơ Maria Nguyễn Thị Hoa và Sơ Anna Trần Thị Quý Cộng đoàn Dòng Nữ Vương Hòa Bình số 19 Nguyễn Thị Minh Khai,Đức Phong tỉnh Bình Phước.Tại nơi đây,là điểm tập trung hàng hóa và quà tặng cho Bà con,cũng là Lưu xá cho hơn 20 nữ học sinh con em Dân tộc từ cấp 2 đến cấp 3 và sẽ tuyển chọn những em có khả năng để nuôi Ơn Gọi.Bên cạnh việc chăm sóc đời sống thiêng liêng cho Bà con các Buôn làng, các Sơ còn trồng cao su và trồng rau để có thêm thu nhập và xử dụng.

Kết thúc việc thăm hỏi Nhà dòng,tất cả cùng lên xe đường đến các giáo họ Nhóm đã đến thăm hai chị em đơn thân Thị Rêu và Thị Dòng khoảng 65 tuổi sống trong căn nhà do bà con giáo xứ hiến tặng với mái tôn và vách gỗ thưa thớt,cả hai Cụ đều không có thu nhập nên chỉ sống bằng quà từ thiện của mọi người,việc vệ sinh nhà cửa và những đồ gia dụng đều do các Sơ giúp đỡ.Hằng ngày hai cụ chỉ có một việc là vào rẫy kiếm củi về để nấu ăn.Dù sống đơn giản và thiếu thốn tất cả tiện nghi nhưng sức khỏe của hai Cụ rất tốt.

Từ giã hai Cụ Sơ Quản lý đưa Nhóm đến giáo họ Sơn Lang để tặng 47 phần quà gồm Gạo,Mì và Xà bông bột.Theo Trưởng sóc Gờ Rem,tại đây có 211 gia đình với 1000 nhân danh.Đa số mưu sinh bằng việc làm thuê ở ruộng rẫy nhưng nếu mất mùa thì hoàn toàn chơi vơi vì không ai có tài sản hoặc vốn liếng gì.Dù rất cảm động nhưng Bà con không ai biết biểu lộ cảm xúc hay chia sẻ mà chỉ có anh Trưởng Sóc thay mặt nói vài lời:“Tạ ơn Chúa,cảm ơn quý Sơ và Nhóm bác ái đã bỏ thì giờ đến thăm Giáo họ chúng con.Kính chúc quý Sơ cùng anh chị và gia đình được nhiều ơn Chúa trong mùa Phục Sinh này”.

Chia tay giáo họ Sơn Lang, xe lại chạy tiếp đến giáo xứ Bụi Tre,tại đây ngôi nhà thờ đang được xây dựng dở dang và đang chờ đủ tài chánh để hoàn tất. Thấy nhiều người thắc mắc tại sao giữa trưa lại có phụ nữ và trẻ em cũng đang quây quần ở công trình,anh Phêrô Điểu Trung là Trưởng Sóc Bụi Tre cho biết “ Giáo họ có 58 hộ,với 320 giáo dân, hầu hết sống bằng nghề làm thuê nhưng thấy ngôi nhà nguyện bị dột nát lên bà con đã chung nhau tài chánh để mua vật liệu.Tất cả công nhân xây dựng là bà con giáo dân đến chung tay,nam thì xây dựng còn nữ thì phụ hồ và làm việc vặt nên các cháu bé cũng đến ở cùng cha mẹ để được cho ăn uống và vệ sinh trong ngày” Giáo họ Bụi Tre còn nợ lại tiền gạch lát nền là 75 triệu nên ai cũng lo lắng..

Tại giáo họ Bụi Tre hôm nay còn có sự hiện diện của anh Trưởng Sóc Phêrô Điểu Nơng Phó ban phụ trách giáo họ Sơn Thành,anh cho biết giáo họ có 62 gia dình Công Giáo với 222 nhân danh, cũng sinh sống bằng nghề lao động chân tay và nương rẫy.Vì địa bàn hơi xa nên Anh đến đây nhận thay bà con 15 phần quà.Tổng cộng cả ai giáo họ là 55 gia đình nghèo và phần quà cũng là Gạo,Mì gói và Xà bông bột.Kết thúc phần tặng quà cho bà con,mọi người chụp hình lưu niệm cùng quý Sơ và các Trưởng phó giáo họ.Cũng nhân dịp này anh Đaminh Hùng đã thay mặt những thành viên của Nhóm mà có người hôm nay có mặt cũng như nhiều người không thể hiện diện cho anh Điểu Trung số tiền mặt là 150.000.000đ để giáo họ trả nợ và chi phí cho phần xây dựng tiếp theo.Lúc này anh Gioan Điểu Mờ Bòi Trưởng sóc Sơn Thành mới rửa tay và ra gặp quý Sơ cùng Nhóm để cám ơn;mọi người chụp hình lưu niệm cùng Anh và nói lời tạm biệt.

Tất cả lên xe trở về Hội dòng để cùng ăn cơm chiều.Bữa cơm thân mật nhưng không đạm bạc vì quý Sơ đứng bếp nấu những món cầu kỳ và ngon miệng bằng đặc sản rau sạch và nguyên liệu ở địa phương làm cho mọi người quên hết mệt mỏi.Đồng hồ chỉ 15g,hôm nay là Thứ Ba tuần Thánh nên ai cũng mong về sớm để còn kịp nghe Ngắm và thông công tuần Phục Sinh.Xe chạy gần 4 tiếng nhưng không ai nói chuyện vì tất cả đều muốn ngủ bù cho giấc sáng dậy sớm lúc 3g,một vài người lần chuỗi Thương Xót và cầu nguyện riêng.Bác Tài cũng chăm chú lái xe do đã quen nên đường về nhanh hơn.

Xe vào tới thành phố sớm hơn dự định và ngoài trời vẫn còn nắng gắt.Tất cả thu dọn đồ đạc và xuống xe ở điểm xuất phát.Tuy có mệt mỏi vì di chuyển liên tục trong đều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng ai cũng nở nụ cười và nói với nhau “Tạ ơn Chúa và Mẹ Maria đã đồng hành trong chuyến đi nên mọi sự bình an,vui nhất là đã trao tận tay bà con những món quà mà các vị Ân nhân đã ủy thác cho Nhóm”hẹn gặp nhau trong chuyến đi lần sau.

ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ BÙ ĐĂNG -HẠT ĐỒNG XOÀI -GIÁO PHẬN BUÔN MA THUỘT.

Giáo xứ Bù Đăng được thành lập ngày 22-06-1957 và nhà thờ chính ở số 155 Quốc lộ 14 -Tân Hưng-ĐứcPhong-Bù Đăng-Tỉnh Bình Phước do Cha Giuse Trần Hữu Từ là Chánh xứ. Vì Cha phải Quản 2 giáo xứ nên mọi việc ở giáo xứ Bù Đăng gần như giao cho Cha Phó xứ là Cha Phaolo Lương Văn Hiếu điều hành.

Giáo xứ tọa lạc trên một địa bàn rất rộng và hiểm trở với 18000 giáo dân cư trú rải rác ở 5 giáo họ,4 giáo điểm và 46 buôn làng.Giáo dân đa số là người nhập cư và bà con dân tộc Thiểu số sống bằng nghề nương rẫy,làm thuê và lao động nặng.Đa số phụ nữ lập gia đình sớm,sanh đẻ nhiều và lớp trẻ không có trình độ văn hóa cũng như nghề nghiệp ổn định nên đời sống rất khó khăn thiếu thốn

Hiện có 4 Cộng đoàn đang cộng tác cùng Cha xứ về công tác mục vụ và cùng chăm lo đời sống thiêng liêng và cho bà con là: Dòng Đức Bà Truyền Giáo,dòng Nữ Vương Hoà Bình,dòng Mến Thánh Giá Tân Việt và dòng Thừa Sai Việt Nam (Dòng Nam
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Khi linh mục đọc sai lời truyền phép, thì sao?
Nguyễn Trọng Đa
08:38 23/04/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Có lần cha xứ của con đã đọc lời truyền phép bánh hai lần: lần đầu trên bánh và lần sau trên rượu. Hình như ngài không nhận ra điều này - mặc dù một số giáo dân đã nhận ra. Chắc chắn ngài không quay lại và đọc lời truyền phép đúng. Như thế liệu việc truyền phép rượu có thành sự không? Thánh lễ có hợp lệ không? Có một thầy phó tế trong Thánh lễ đó, nhưng thầy không can thiệp. Thầy cũng giật mình như bất kỳ ai trong chúng con, và trước khi chúng con nhận ra điều gì đã xảy ra, linh mục vẫn tiếp tục với phần còn lại của Kinh Nguyện Thánh Thể. Liệu thầy phó tế nên can thiệp ngay lập tức chăng, thậm chí đến mức làm gián đoạn Kinh nguyện Thánh Thể? Liệu có ai đó nên can thiệp ngay lập tức chăng, ngay cả khi nói lớn tiếng từ ghế tín hữu? - F. T., Anh Quốc.


Đáp: Câu hỏi này nhấn mạnh tầm quan trọng của các linh mục chúng tôi là phải chú ý cẩn thận trong khi cử hành thánh lễ, nhất là vào các khoảnh khắc quan trọng của Thánh Lễ.

Có lời khuyên là đừng quá tin vào trí nhớ, và hãy đọc các lời kinh trực tiếp từ Sách lễ. Nhiều người trong chúng ta có lẽ đã rơi vào một số lỗi lầm do quá tin tưởng vào trí nhớ của mình.

Câu hỏi là khá tế nhị, nhưng tôi sẽ cố gắng trả lời ngắn gọn. Sự truyền phép bánh là hợp lệ. Còn sự truyền phép rượu là không hợp lệ, bởi vì ý định truyền phép của linh mục không thể cung cấp cho việc thiếu mô thức bí tìch riêng.

Kết quả là Thánh Lễ, vốn đòi hỏi sự truyền phép cả hai hình, là không hợp lệ. Những người Rước lễ trong thánh lễ đó là ở vào tình trạng giống như những người Rước lễ ngoài Thánh Lễ.

Vậy thì phó tế hoặc tín hữu nên làm gì lúc ấy? Vì linh mục cũng là người như chúng ta, và cũng có thể cảm thấy mệt mỏi và mất tập trung, các ngài cần hiểu rằng các lầm lỗi ấy có thể xảy ra. Vì vậy, các lầm lỗi ấy nên được khắc phục càng sớm càng tốt.

Trong trường hợp trên, thầy phó tế nên ngay lập tức, một cách thầm lặng, giúp nhắc linh mục không đọc tiếp nữa, ngay sau khi ngài nhận ra ngài đã dùng sai công thức. Nếu không có thầy phó tế, thì một trong các tín hữu có thể đến gần bàn thờ và báo cho ngài biết.

Linh mục, ngay sau khi nhận ra sai lầm của mình, đọc lại công thức thích hợp. Nếu ngài mới bắt đầu phần thứ hai của Kinh Nguyện Thánh Thể, ngài nên đọc lại phần này. Nếu Kinh Nguyện Thánh Thể đã gần kết thúc hoặc đã hoàn tất, ngài nên ngưng Thánh lễ ở thời điểm đó, lặng lẽ đọc lại công thức truyền phép rượu, và sau đó tiếp tục Thánh Lễ từ điểm ngài đã ngừng lại.

Nếu ngài được thông báo về sai lỗi của mình ngay sau khi Thánh lễ kết thúc, ngài nên ngay lập tức truyền phép rượu và rước Máu Thánh, để hoàn thành hy lễ, trong phòng thánh nếu cần.

Nếu ngài biết sai lỗi của mình muộn hơn, sau thánh lễ một thời gian, thì không còn gì để làm nữa, chỉ còn cầu xin Chúa tha thứ, và cam kết phải chú ý cẩn thận hơn trong tương lai. Nếu có bổng lễ cho việc cử hành thánh lễ ấy, linh mục sẽ cử hành một thánh lễ khác theo ý chỉ đó, để hoàn thành nghĩa vụ.

Một khoảnh khắc bối rối nhẹ của linh mục là một giá cả nhỏ để trả nhằm đảm bảo tính hợp lệ của việc cử hành thánh lễ. Tương tự như vậy, sự hiền lành và khiêm nhường của một linh mục trong việc nhận ra sai lỗi của mình sẽ là nguồn xây dựng cho các tín hữu, và giúp chế ngự bất kỳ sự nhận xét khắc nghiệt nào.

Sau bài viết của tôi như trên, một số câu hỏi được gửi đến nhằm làm sáng rỏ thêm vấn đề.

Một ban đọc ở Los Angeles, Hoa Kỳ, hỏi: "Cha xứ chúng con cầm chén thánh trong tay và đọc lời truyền phép bánh. Nhưng trước khi ngài nâng chén thánh lên, ngài nhận ra sai lỗi, đặt chén xuống và nâng bánh lên. Sau đó, ngài cầm chén thánh lần nữa trong tay, đọc lởi truyền phép rượu và nâng chén thánh lên. Vào cuối Thánh lễ, ngài nói với chúng con (mà không xin lỗi) rằng Thánh Lễ này là một Thánh Lễ hợp lệ. Đúng không, thưa cha?”.

Đáp: Từ thông tin được cung cấp, tôi sẽ nói rằng đó là một Thánh lễ hợp lệ. Rõ ràng là linh mục lơ đãng. Nhưng việc cầm bánh trong tay, trong khi là cần thiết cho tính xác thực của nghi thức bằng cách minh họa ý nghĩa của từ "Đây là", thường không được coi là hoàn toàn thiết yếu cho tính hợp lệ.

Nếu không, sẽ thật là khó khăn hơn để biện minh rằng linh mục, một cách hợp lệ, truyền hép bánh và rượu trong các chén thánh khác, mà không chạm vào chúng.

Một bạn đọc ở Toronto, Canada, hỏi: "Một linh mục 84 tuổi bị chấn thương phổi, thường cử hành Thánh Lễ cho cộng đoàn, và bị khó thở. Liệu có là hợp lệ cho ngài khi đọc nhỏ tiếng một số phần của lễ quy, vì ngài bị khó thở không?”.

Đáp: Tôi chắc chắn rằng các tín hữu hiểu chuyện, và sẽ được củng cố bởi sự trung tín của linh mục này, trong việc ngài kiên trì trong sứ vụ, tùy theo tình trạng sức khỏe của mình.

Mặc dù lễ quy là một lời cầu nguyện công khai và thường được đọc rõ ràng lớn tiếng, nhưng trong các trường hợp như thế, thật là đủ khi linh mục nghe được lời mình đọc. Tuy nhiên sẽ là bất hợp lệ khi linh mục chỉ đọc thầm Kinh nguyện Thánh Thể, chứ không dọc lớn tiếng, và sự truyền phép sẽ là không hợp lệ, nếu được thực hiện theo cách này.

Micrô (ống phát thanh) hiện đại cũng có thể giúp khuếch đại tiếng nói, ngay cả một giọng yếu ớt. (Zenit.org 3-7 và 17-7-2007)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/when-words-over-the-host-are-repeated/
 
Lựa Chọn Kinh Nguyện Thánh Thể Nào Để Cử Hành?
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
09:10 23/04/2019
Lựa Chọn Kinh Nguyện Thánh Thể Nào Để Cử Hành?

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

Sách lễ Rôma hiện nay có tới 13 Kinh nguyện Thánh Thể (=KNTT). Đó là: 1] Kinh nguyệnThánh Thể I; 2] Kinh nguyện Thánh Thể II; 3] Kinh nguyện Thánh Thể III; 4] Kinh nguyện Thánh Thể IV; 5] Kinh nguyện Thánh Thể Giao Hoà I; 6] Kinh nguyện Thánh Thể Giao Hoà II; 7] Kinh nguyện Thánh Thể - Cầu cho những nhu cầu khác nhau I; 8] Kinh nguyện Thánh Thể - Cầu cho những nhu cầu khác nhau II; 9] Kinh nguyện Thánh Thể - Cầu cho những nhu cầu khác nhau III; 10] Kinh nguyện Thánh Thể - Cầu cho những nhu cầu khác nhau IV; 11] Kinh nguyện Thánh Thể - Thánh lễ dành cho trẻ em I; 12] Kinh nguyện Thánh Thể - Thánh lễ dành ho trẻ em II; 13] Kinh nguyện Thánh Thể - Thánh lễ dành cho trẻ em III.

Việc lặp đi lặp lại cùng một bản văn KNTT có thể sẽ gây ra nhàm chán và giảm mất ý nghĩa của nó. Bởi vậy, tốt nhất là vị chủ tế nên sử dụng tất cả những chọn lựa Sách lễ Rôma đã cho dựa trên tiêu chuẩn là ngày lễ theo lịch phụng vụ, chủ đề của phụng vụ Lời Chúa, những biến cố quan trọng trong Giáo Hội và thế giới, nhu cầu mục vụ và tâm linh của cộng đoàn, nghĩa là việc chọn lựa phải làm sao để có thể mang lại hoa trái thiêng liêng nhiều nhất cho các tín hữu. Không nên chọn theo cách hú họa sau lời nguyện trên lễ vật như kiểu sấp ngửa đồng tiền hay quyết định vào phút chót (x. Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on the General Instruction of the Roman Missal, 197).

Kinh nguyện Thánh Thể I

Kinh nguyện Thánh Thể I có thể dùng lúc nào cũng được, nhưng do chiều dài và cấu trúc văn chương, Kinh nguyện Thánh Thể này không phải là “ứng viên” tốt cho ngày lễ Chúa Nhật. Tuy Kinh nguyện Thánh Thể I bao gồm những lời chuyển cầu dài nhưng lại thiếu yếu tố chúc tụng và tạ ơn. Mặt khác, Kinh nguyện Thánh Thể I có phần thêm vào cho những ngày lễ lớn - vì thế thích hợp sử dụng trong (QCSL 365a): [i] Lễ kính các Tông đồ hoặc vào những ngày lễ các Thánh được nêu tên trong Kinh nguyện Thánh Thể này; [ii] Các ngày Chúa Nhật, nếu không vì lý do mục vụ mà nên chọn Kinh nguyện Thánh Thể III.

Kinh nguyện Thánh Thể II

Kinh nguyện Thánh Thể II dựa trên bản văn Kinh hiến tế trong cuốn Truyền thống Tông đồ mà được coi là của thánh Hippôlytô hồi thế kỷ thứ III (215-220). Kinh nguyện Thánh Thể II quá ngắn cho lễ Chúa Nhật. Kinh nguyện Thánh Thể này được sử dụng rất thường xuyên vào các ngày trong tuần vì phần nào do ngắn gọn và cũng bởi vì kinh nguyện này được quy định dành cho những ngày nào không cử hành lễ đặc biệt. Kinh nguyện Thánh Thể II cũng có thể phù hợp với những lễ có kinh Tiền tụng riêng nhất là với những lời Tiền tụng nhắc lại vắn tắt mầu nhiệm cứu độ, ví dụ với những lời Tiền tụng chung hay dùng cho bài lễ “Thánh lễ cầu cho tín hữu qua đời”. Nên nhớ rằng chỉ với bài lễ “Thánh lễ cầu cho tín hữu qua đời” này (tức trong lễ phục màu tím) thì vị chủ tế mới có thể dùng công thức riêng được trù liệu giữa Kinh nguyện Thánh Thể II và sau câu “…và toàn thể hàng giáo sĩ” là: “Xin nhớ đến tôi tớ Chúa là T...”.[1]

Kinh Tiền tụng thuộc về Kinh nguyện Thánh Thể II tạo cảm giác giống như một “biểu thức đức tin” vắn gọn của cộng đoàn Tân Ước: thật vậy, kinh này rất giống kinh Tin kính (Credo) vẫn được đọc trong các Chúa Nhật và lễ trọng. Vì thế, chúng ta được khuyên là nên tránh đọc Kinh nguyện Thánh Thể II vào Chúa Nhật hoặc khi đã đọc kinh Tin kính rồi, để ngăn ngừa tình trạng trùng lặp không cần thiết.

Rất thông thường, chúng ta hay để phần Phụng vụ Lời Chúa (bài giảng) chiếm quá nhiều thời gian khiến cho Kinh nguyện Thánh Thể ngắn nhất này, tức là Kinh nguyện Thánh Thể II, ưa được chọn hơn trong bất cứ Thánh lễ nào. Tệ hơn nữa, sau đó, chúng ta lại đọc vội đọc vàng như thể muốn kết thúc kinh nguyện này cho mau chóng. Có lẽ, không nên biến Kinh nguyện Thánh Thể II trở thành một công cụ giải quyết vấn đề thời gian như vậy.

Nên nhớ rằng, cho dù cộng đoàn không trực tiếp thưa lên với Chúa trong Kinh nguyện Thánh Thể, đây vẫn là kinh nguyện của họ, được chủ tế đọc thay mặt họ. Vì thế, ngài nên cầu nguyện như thế nào để mọi người có cơ hội biến lời kinh này thành của mình. Họ biểu lộ sự đồng tình và tham gia nhiệt tình của mình vào Kinh nguyện Thánh Thể bằng cách hát lên những lời tung hô ca ngợi (Thánh, Thánh, Thánh [Santus]; Câu Tung hô Tưởng niệm [sau truyền phép], và lời thưa Amen [sau Vinh tụng ca kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể]), nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu những câu tung hô này thực sự hoà điệu [trong trí óc và tâm hồn họ] với kinh nguyện đang được đọc (x. Erasto Fernandez, SSS, The Eucharist: Step by Step (2005), 98-101).

Kinh nguyện Thánh Thể III

Kinh nguyện Thánh Thể III chủ yếu dựa theo Lễ quy Rôma như thể viết lại Lễ quy Rôma với một cấu trúc khác vì tác giả căn cứ trên một số những phê bình và đề nghị đối với Lễ quy Rôma. Dom Vaggagini đã đứng ra tổng hợp những góp ý trên thành những ưu khuyết điểm của Kinh Tạ Ơn này. Giống như Lễ quy Rôma, Kinh nguyện Thánh Thể III không có kinh Tiền tụng riêng, do đó tùy theo lễ được cử hành, có thể chọn kinh Tiền tụng cho phù hợp.

Kinh nguyện Thánh Thể III có ba điểm nổi bật này: [i] Chúa Thánh Thần: Trong KNTT I, chúng ta thấy vai trò của Chúa Thánh Thần rất chìm, hầu như không được nói đến. Trong KNTT II, Chúa Thánh Thần được nói đến trong các lời khẩn cầu. Còn KNTT III làm nổi bật vai trò Chúa Thánh Thần trong công trình cứu độ, đặc biệt trong mầu nhiệm tạ ơn. Ngoài câu Vinh tụng ca như các KNTT khác, còn 4 lần nói đến Chúa Thánh Thần: Lời ca tụng của chủ tế; Khẩn cầu 1; Khẩn cầu 2; Cầu cho Hội Thánh; [ii] Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: thực ra, khi nói về Chúa Thánh Thần, KNTT này cũng nói về toàn bộ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Như vậy, chúng ta có thể nói KNTT III là một Kinh nguyện dâng lên Chúa Ba Ngôi; [iii] Hiến tế của Chúa Kitô và hiến tế của Hội Thánh: trong Thánh lễ, Hội Thánh hiến dâng Đức Kitô, dâng hiến tế của Người lên Chúa Cha. Nhưng Hội Thánh cũng liên kết với của lễ hiến tế của Đức Kitô để dâng chính mình. Hội Thánh có thể làm như vậy, vì trước kia trên thập giá Đức Kitô đã dâng mình cho Cha của Người và cùng một trật Người cũng dâng ta cùng với Người. Điều này ta thấy rõ trong các lời kinh tưởng niệm, khẩn cầu 2, tưởng nhớ các Thánh, cầu cho Hội Thánh.

Hết sức khuyến khích nên cầu nguyện và suy niệm dựa trên các Kinh nguyện Thánh Thể vào các dịp (x. QCSL 365c): [i] Chúa Nhật và lễ kính; [ii] Lễ kính nhớ các Thánh, lễ quan thày của giáo xứ hay đoàn thể vì Kinh nguyện Thánh Thể III được trù liệu để có thể nêu tên vị Thánh kính nhớ theo ngày hay thánh quan thày của bất cứ tổ chức nào nếu muốn; [iii] Ngày lễ Chúa Thánh Thần hay Lễ Chúa Ba Ngôi vì nội dung của Kinh nguyện Thánh Thể III hướng nhiều về Chúa Thánh Thần và Chúa Ba Ngôi; [iv] Khi muốn nhấn mạnh đến bản chất đại đồng của Công Giáo […không ngừng quy tụ một dân riêng, để từ đông sang tây họ dâng lên Chúa một hiến lễ tinh tuyền (Nghi thức Thánh lễ, số 108; x. Lawrence E. Mick (1997), Worshiping Well, 77).

Nếu đọc Kinh nguyện này trong Thánh lễ sử dụng bài lễ “Thánh lễ cầu cho tín hữu đã qua đời” (lễ phục tím), chủ tế mới có thể dùng công thức riêng cầu cho người quá cố, vào đúng chỗ của nó, nghĩa là sau những lời “xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha đang tản mác khắp nơi về với Cha” (QCSL 365c).

Kinh nguyện Thánh Thể IV

Kinh nguyện Thánh Thể IV được các tín hữu biết đến một cách quen thuộc hơn như là một “Kinh nguyện Thánh Thể dài”. Tuy nhiên, đừng để độ dài của kinh này ngăn cản chúng ta không áp dụng một cách hiệu quả và thường xuyên hơn.

Tất nhiên, Kinh nguyện Thánh Thể IV hàm chứa nhiều chủ đề để giải thích, suy niệm và cầu nguyện. Thật đáng tiếc và là một sự mất mát lớn khi những chủ đề này lại thường không được chọn trong các bài giảng lễ, đặc biệt vào các Chúa Nhật (cho dù có thể chúng ta không sử dụng kinh nguyện này vào Chúa Nhật), hoặc những ngày khác trong đó ít nhiều cũng có một đám đông tín hữu thường xuyên tham dự. Việc giảng giải Kinh nguyện Thánh Thể IV có thể là một chương trình giáo lý khá đầy đủ liên quan đến lối sống Kitô hữu bởi vì Kinh nguyện Thánh Thể IV tích luỹ nhiều đoạn văn Kinh Thánh, đặc biệt Tin Mừng Gioan, nhiều đoạn văn giáo phụ, nhiều câu vay mượn các phụng vụ Đông phương cũng như Tây phương cổ. Đặc biệt, Kinh nguyện Thánh Thể này là một công trình độc đáo và am hợp với tín lý của Công đồng Vatican II được trình bày trong Hiến chế Lumen Gentium và Gaudium et Spes. Kinh nguyện Thánh Thể IV còn là một kinh nguyện đại kết có uy lực mạnh, vì nó gây được sự quý chuộng đối với cả những người có khuynh hướng Rôma lẫn những người theo truyền thống Đông phương. Từ khía cạnh này, chúng ta có thể giới thiệu cho giáo dân một số điều thuộc về di sản phong phú của các nền phụng vụ Đông phương.

Nên cầu nguyện bằng Kinh nguyện Thánh Thể IV (cũng như đối với tất cả các Kinh nguyện Thánh Thể khác) một cách chậm rãi và chăm chú chứ đừng vội vã đọc cho xong. Đặc biệt, vì Kinh nguyện Thánh Thể IV tương đối dài nên các thừa tác viên dễ có khuynh hướng đọc nhanh cho qua. Tuy nhiên, khi thực sự cầu nguyện một cách thành tâm và sốt sắng, tự thân Kinh nguyện Thánh Thể IV là một lời giáo huấn. Trong nỗ lực làm cho Thánh lễ trở nên có ý nghĩa và lợi ích hơn, chúng ta sẽ gặt hái thành công điều đó khi thật chú tâm vào các Kinh nguyện Thánh Thể nói chung, và Kinh nguyện Thánh Thể IV nói riêng.

Kinh nguyện Thánh Thể IV phải được sử dụng cùng với kinh Tiền tụng riêng của nó, vì Kinh nguyện Thánh Thể này gồm chứa sự công bố tuyệt vời về lịch sử cứu độ. Kinh nguyện Thánh Thể IV cung cấp một ngữ cảnh xuất sắc cho chúc tụng và tạ ơn. Kinh nguyện Thánh Thể IV cũng gồm chứa những cụm từ trong Tin Mừng theo Thánh Gioan và có thể được sử sụng rất tốt nếu muốn làm âm vang một vài khía cạnh của Tin Mừng theo ngày lễ. Tóm lại, Kinh nguyện Thánh Thể IV có thể sử dụng vào (QCSL 365d): [i] Các ngày Chúa Nhật Thường niên; [ii] Các Thánh lễ hàng ngày mùa Thường niên; [iii] Các Thánh lễ hàng ngày trong mùa Vọng và mùa Chay; [iv] Các Thánh lễ ngoại lịch - thậm chí nếu chữ đỏ chỉ định một kinh Tiền tụng khác. Vì cử hành Thánh lễ ngoại lịch chính là một sự chọn lựa, những yếu tố có thể thay đổi của Thánh lễ không buộc theo nghĩa chặt. Ví dụ: kinh Tiền tụng lễ Thánh Giuse buộc phải đọc vào ngày 19 tháng 3 - và hậu nhiên là Kinh nguyện Thánh Thể IV không thể sử dụng vào ngày đó. Tuy nhiên, cử hành Thánh lễ ngoại lịch kính Thánh Giuse vào bất cứ ngày nào, tùy nghi sử dụng kinh Tiền tụng về Thánh Giuse hay bất cứ kinh Tiền tụng hợp pháp khác; [v] Dường như Kinh nguyện Thánh Thể IV phù hợp hơn để cử hành Thánh lễ cho các nhóm nhỏ, đặc biệt cho những quan tâm và tìm biết hành động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ. Nhất là, nếu nhóm nhỏ biết dành thì giờ và nỗ lực suy niệm Kinh nguyện Thánh Thể IV dựa trên những chủ đề ấy.

Về phương diện mục vụ, nên tôn trọng kinh Tiền tụng theo mùa trừ phi có lý do rất tốt đẹp nào khác để sử dụng Kinh nguyện Thánh Thể IV. Trong Kinh nguyện này, do cấu trúc của nó, không thể xen vào công thức riêng cầu cho người quá cố. Vì thế, nếu cử hành Thánh lễ với bài lễ “Thánh lễ cầu cho tín hữu đã qua đời” (lễ phục tím), không nên sử dụng Kinh nguyện Thánh Thể IV (QCSL 365d).

Kinh nguyện Thánh Thể Hòa giải

Hai mẫu Kinh nguyện Thánh Thể Hòa giải chứa đựng những tâm tình thích ứng với bầu khí mùa Chay, nhưng chúng cũng được sử dụng một cách lợi ích bất cứ khi nào Sách Thánh nói về sự tha thứ và hòa giải. Kinh nguyện Thánh Thể Hòa giải mẫu thứ II là một chọn lựa tốt vào những thời kỳ xã hội dân sự bất ổn, vì trong đó chúng ta cầu nguyện rằng “ngay giữa những xung đột và chia rẽ… xin Chúa biến đổi lòng trí chúng con suy nghĩ đến hòa bình”.

Được sử dụng trong các Thánh lễ nhấn mạnh một cách đặc biệt về mầu nhiệm hòa giải cho các tín hữu, Kinh nguyện Thánh Thể Hòa giải bao gồm những công thức dành cho những nhu cầu như: thăng tiến hòa hợp xã hội, hòa giải, công lý và hòa bình, vào những thời kỳ chiến tranh và hỗn loạn xã hội, tha thứ tội lỗi, gia tăng bác ái, mầu nhiệm thập giá, về Thánh Thể, về Máu Châu báu. Kinh nguyện Thánh Thể Hòa giải cũng phù hợp với các Thánh lễ trong mùa Chay.

Mặc dù các Kinh nguyện Thánh Thể Hòa giải có kinh Tiền tụng riêng, nhưng được phép sử dụng với kinh Tiền tụng khác có nói đến các chủ đề thống hối và trở lại, chẳng hạn với các kinh Tiền tụng mùa Chay.

Từ những điều đã nói, chúng ta có thể sử dụng những Kinh nguyện Thánh Thể Hòa giải trong mùa Chay, trong ngày thường cũng như ngày Chúa Nhật, miễn là tôn trọng những kinh Tiền tụng riêng phải được sử dụng trong những Chúa Nhật mùa Chay nào đó.

Kinh nguyện Thánh Thể Hòa giải thường chứng tỏ rất hữu ích trong những dịp tĩnh tâm và linh thao, vì đây là thời gian đôn đốc người ta đến hòa giải với Chúa và khám phá lòng thương xót của Ngài.

Kinh nguyện Thánh Thể - Thánh lễ Trẻ em

Nếu trẻ em chiếm phần lớn trong cộng đồng thì có thể sử dụng một trong 3 mẫu Kinh nguyện Thánh Thể - Thánh lễ Trẻ em. Kinh nguyện Thánh Thể - Thánh lễ Trẻ em mẫu I thích hợp hơn với các em vừa mới được giới thiệu về Bí tích Thánh Thể; Kinh nguyện Thánh Thể - Thánh lễ Trẻ Em mẫu II và III thích hợp hơn với các trẻ đã được học biết về các Bí tích và làm quen với Phụng vụ Thánh lễ.

Kinh nguyện Thánh Thể Cho Những Nhu Cầu Khác Nhau

Những Kinh nguyện Thánh Thể này có thể được chọn sử dụng khi một trong những Thánh lễ cho những nhu cầu khác nhau được cử hành. Một cách cụ thể hơn, chúng ta theo sát hướng dẫn trong Nghi thức Thánh lễ như sau: [i] Mẫu thứ I “Hội Thánh Trên đường Hiệp nhất”. Thích hợp với các bài lễ: cầu cho Hội Thánh, cho Đức Giáo Hoàng, cho Đức Giám Mục, cho việc bầu chọn Đức Giáo Hoàng hay Đức Giám Mục, cho Công nghị hay Thượng Hội đồng, cầu cho các linh mục, linh mục cầu cho chính mình hoặc cho các thừa tác viên của Hội Thánh, trong các cuộc hội họp thiêng liêng hay mục vụ; [ii] Mẫu thứ II “Thiên Chúa Dẫn Đưa Hội Thánh Trên Đường Cứu Độ”. Thích hợp để dùng với các bài lễ: cầu cho Hội Thánh, cầu cho ơn gọi chức thánh, cầu cho giáo dân, cầu cho gia đình, cầu cho tu sĩ, cầu cho ơn gọi đời sống tu trì, xin ơn đức ái, cầu cho những người thân và bạn hữu và để tạ ơn Chúa; [iii] Mẫu thứ III “Chúa Giêsu Là Đường Dẫn Tới Chúa Cha”. Thích hợp để dùng với các bài lễ: cầu cho việc Phúc Âm hoá các dân tộc, cầu cho các Kitô hữu chịu đau khổ vì bị bách hại, cầu cho quê hương hay thành phố, cầu cho nhà cầm quyền, cầu cho hội nghị các vị lãnh đạo các quốc gia, cầu cho năm mới và cầu cho sự thăng tiến các dân tộc; [iv] Mẫu thứ IV “Chúa Giêsu Đi Khắp Nơi Ban Phát Ơn Lành”. Thích hợp để dùng với các bài lễ: cầu cho những người di dân và bị lưu đày, cầu cho những người lao nhọc trong thời lỳ đói khổ hay bị đói kém, cầu cho những người gây đau khổ cho chúng ta, cầu cho những người bị giam giữ, cầu cho các tù nhân, cầu cho những người đau yếu, cầu cho những người hấp hối, xin ơn chết lành và cầu cho bất cứ nhu cầu nào.

[1] Xc. QCSL 365b; Paul Turner, Let Us Pray (Philippines: St. Pauls, 2007), no. 527.

LM Giuse Phạm Đình Ái, SSS
 
Văn Hóa
Thăm tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới và tu viện Po Lin tại đảo Lantau, Hồng Kông
Lm John Trần Công Nghị
00:17 23/04/2019
Tới Hồng Kong lần này, hôm nay 22/4/2019 tôi quyết định muốn trở lại thăm tượng Đức Phật bằng đồng cao nhất thế giới tại đảo Lantau mà năm 1994 khi bước tượng mới vừa khánh thành chúng tôi đã có tới thăm đi cùng gia đình Bác sĩ Nguyễn văn Hưởng và một số thân hữu trong chuyến hành trình Á châu.

Xem hình ảnh

Lần đó, chúng tôi phải đi tầu từ Hồng Kong sang đảo Lantau, rồi cũng lấy cable car lên đỉnh núi đi thăm Tu viện Po Lin và tượng Phật. Lần này chuyến đi nhanh chóng hơn vì có thể đi xe MTR (tức là xe điện ngầm) đi rất nhanh tới trạm cuối Tung Chung trên đảo Lantau, và từ đó mua vé xe "cab giây treo" đi trên đỉnh núi. Dĩ nhiên hệ thống xe "cable car" đã được tân trang và phải mất nửa giờ từ Tung Chung tới làng Ngong Ping. Còn nếu đi xe bus thì mất 1 giờ đồng hồ.

Sau 25 năm trở lại, mọi sự đã thay đổi hoàn toàn, các cao ốc mọc lên khắp nơi, buôn bán phồn thịnh và du lịch đông đúc. May mà chúng tôi chọn đi thăm ngày thường, chứ nếu ngày cuối tuần hay lễ nghỉ người ta nói rằng phải đợi xếp hàng cả giờ mới mua được vé!

Bức tượng có tên chính thức là Phật Tian Tan nhưng thường được biết đến với tên “Big Buddha” và tọa lạc tại Ngong Ping, đảo Lantau, ở Hồng Kông. Bức tượng được đặt gần Tu viện Po Lin và tượng trưng cho mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, con người và đức tin.

Nhưng rất tiếc khi chúng tôi bắt đầu đi xe cable lên thì mây mù bao phủ, sương sa giăng mắc, chiếc xe cable như đang đi vào cõi hư không! Chỉ khi gần đáp xuống trạm Ngong Ping thì mới thấy rõ hình cây cối nhà cửa hơn một chút. Và nhìn tứ phía chẳng thấy tượng Phật đâu!

Hơi thất vọng chúng tôi hỏi dân làng khi nào thì sương mù có thể tan. Họ trả lời không biết, nhưng rán chờ khi nắng lên sẽ làm tan sương khói! Trong khi rán chờ đợi chúng tôi đi thăm bên trong các Chùa thuộc Tu viện Po Lin và chiêm bái các kiệt tác chạm trổ và các tượng nghệ thuật.

Tu viện Phật giáo Po Lin tọa lạc xa xôi trên sườn đồi, bị che khuất bởi những ngọn núi cây xanh tươi tốt quanh năm, đã trở thành một điểm du lịch thu hút phổ biến khi bức tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, được bắt đầu xây dựng từ năm 1990 và khai trương vào năm 1993.

Tu viện Po Lin là một trong những khu bảo tồn Phật giáo quan trọng nhất của Hồng Kông và được mệnh danh là “The Buddhist World in the South” (Thế Giới Phật giáo ở miền Nam). Là nơi có nhiều tu sĩ sùng đạo, tu viện này rất phong phú với những biểu hiện đầy màu sắc Phật giáo và khu vườn hoa cây hài hòa trầm lắng chen lẫn với mùi hương của khách thập phương đến kính bái.

Trong chính điện phía trước có nhiều tượng Phật bằng vàng và bàn thờ kính bái. Toàn trần nhà và chung quanh cũng có các bàn thờ Phật và được trang trí tỉ mỉ đầy mầu sắc. Phía sau chính điện là là một Chùa lớn hơn trong có có bàn thờ chính và chung quanh có ngàn bức tượng Phật. Ỡ giữa có bàn ngồi cho các buổi kinh kệ và thuyết giảng.

Nhà Chùa cũng cung cấp bữa ăn chay tại nhà hàng nổi tiếng của Chùa. Lần trước chúng tôi có thưởng thức bữa ăn chay tại chùa và tùy ý công đức tại phía hậu viện của Chùa, nhưng nay muốn ăn chay thì cần mua vé và vào nhà hàng order các món ăn tùy thích tại Nhà Hàng Chay nổi tiếng của Chùa rồi sau đó ra ngồi tại các bàn ăn.

Sau khi ra khỏi chùa, tiến về hướng tượng Phật thì thấy vẫn còn bị phủ trong lới sương khói, khi ẩn lúc hiện. Nhưng lần này tôi quyết định leo lên 268 bậc thang đến tận đài sen để chiêm ngắm Đức Phật và để có cái nhìn cận cảnh hơn về bức tượng đáng chú ý này, và để thưởng thức cảnh núi non chung quanh.

Tượng Big Buddha nặng hơn 250 tấn, bức tượng là tượng Phật bằng đồng lớn nhất thế giới - và là một trong mười bức tượng Phật hàng đầu thế giới. Tượng Phật ngồi cao 34 mét trên tòa sen trên đỉnh núi và hướng về phía bắc để nhìn người dân Trung Quốc, tượng phật bằng đồng hùng vĩ này thu hút khách hành hương từ khắp châu Á.

Ban đầu được xây dựng như một nguồn cảm hứng và một địa điểm để chiêm ngưỡng, kích thước hoành tráng của nó đã biến nó thành một nam châm du lịch và hàng triệu du khách đổ về đây mỗi năm.

Lên trên đó chờ cả tiếng đồng hồ nhưng mây vẫn mù mịt, đôi lúc ánh mặt trời hiện ra được vài giây rồi lại biến… Khi nhìn rõ tượng thấy đôi mắt, đôi môi, độ nghiêng của đầu và tay phải tượng, vươn lên để ban phước lành cho tất cả mọi người, tất cả sự kết hợp nêu trên để mang một chiều sâu linh.

Ngày trời trong sang, bức tượng có thể nhìn thấy từ khắp nơi trên Lantau và được cho là ấn tượng nhất từ khoảng cách nơi nó đổ bóng xuống những ngọn đồi ở Lantau.

Chung quanh chân đài của tượng có một bộ sáu bức tượng Bồ tát, và trên đỉnh là một triển lãm nhỏ về cuộc đời của Đức Phật.

Tôi có chụp được bài bức hình nhưng không rõ cho lắm. Bây giờ đã là quá trưa nên tôi quyết định từ giã trở về Hồng Kong. Rồi khi lên xe trở về được chừng 5 phút lúc đó mặt trời mới thực sự đánh tan mây mù. Cũng là duyên hạnh ngộ lúc cuối cùng được nhìn tượng Phật rõ nét và trong sáng!

Từ đây, tôi cũng có thể tận hưởng khung cảnh tuyệt vời di chuyển vượt trên cây xanh tươi tốt của đảo Lantau, Biển Đông lung linh và các chuyến bay lướt qua và ra khỏi Sân bay Hồng Kông.
 
Tham quan và tìm hiểu về cách thực hành tôn giáo của người Hồng Kong
Lm John Trần Công Nghị
07:53 23/04/2019
Đúng sáng sớm ngày Chúa Nhật lễ Phục Sinh 2019 du thuyền chúng tôi tiến vào Habour City của Hồng Kong. Vì là ngày Chúa Nhật mừng lễ Chúa Phục Sinh tôi đã cử hành thánh lễ trọng thể cho khoảng 30 anh chị em du khách Công Giáo từ nhiều quốc gia. Nghi thức ôn lại lời hứa khi chịu phép Thanh Tẩy được tôi nhấn mạnh cho anh chị em Công Giáo rằng mỗi người chúng ta qua bí tích Rửa Tội là tái sinh trong Chúa Kito và sống lại với Chúa. Ơn tái sinh là tiến trình đổi mới luôn mãi mà mỗi Kito hữu phải thể hiện trong cuộc sống thường ngày.



Xem hình ảnh Tập 1

Xem hình ảnh Tập 2

Sau thánh lễ tôi đi dạo quanh thành phố cảng một vòng thấy chung quanh bờ sông phía Habour City và bên kia bờ Victoria có nhiều nhóm người tụ họp ca hát ăn uống và biết chắc họ đa số là người Phi luật tân đang làm công nhân bên Hồng Kong nhân ngày nghỉ được sống thoải mái với nhau qua những cuộc picnic thú vị… Có các nhóm còn đang tập múa, chắc là cho một nghi lễ hay cuộc văn nghệ nào đó mà họ sắp mừng với nhau.

Vào tháng 12 năm 2018 tôi đã đến thăm Hongkong mấy ngày và đã đi thăm nhiều nơi, nhất là Ni Viện Phật giáo Chi Lin ở Diamond Hill, Chùa Lão giáo Wun Chuen Sin Koon, đền KhổngTử, đền Quan Vũ tại Sham Shui Po… và lên cả đỉnh Victoria đề nhìn bao quát thành phố, nên lần này tôi chỉ muốn thảnh thơi thả hồn theo những chiếc thuyền buồm cổ xưa lướt sóng êm ả bên hai bờ vịnh Victoria.

Mỗi lần đến thăm Hongkong tôi đều được một đội “nữ vệ sĩ” thay nhau đi tháp tùng. Các chị em nói vui rằng “muốn bảo vệ cha sợ quân Tầu ô ăn hiếp hay bắt nạt cha, hoặc cha lạc lối mất tích luôn!...”.

Khái quát về Tình hình Tôn giáo ở Hồng Kông

Khi tới các chùa và các đền thờ vào sáng sớm tôi rất lạ lùng thấy có nhiều thanh niên tới vái lậy và dâng hương cho các vị thần mà trước đây trong Tam Quốc Chí tôi đọc thì chỉ tưởng các vị này là anh hùng hay là các tướng giỏi trong lịch sử như: Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, Lữ Bố, hay cả như Bao Công… nhưng thực tế những người đến dâng hương kính bái là họ cầu may được thăng quan tiến chức và thành đạt trong sự nghiệp, quan trường, và địa vi xã hội.

Do vậy, Tôn giáo ở Hồng Kông có tính cách đặc trưng bởi sự đa dạng về tín ngưỡng và cách thực hành niềm tin của họ. Các cuộc nghiên cứu mới đây cho biết: Hầu hết người Hồng Kông gốc Trung Quốc thực hành tôn giáo dân gian Trung Quốc, có thể là bao gồm Nho giáo và Lão giáo, đạo Ông Bà và các truyền thống nghi lễ Phật giáo.

Theo số liệu thống kê chính thức cho năm 2016 trong số những người Hồng Kông nói mình thuộc về một tôn giáo có tổ chức thì có hơn 1 triệu người nói mình là Phật tử, hơn 1 triệu thuộc Đạo giáo, 480.000 người Tin lành, 379.000 người Công Giáo, 300.000 người Hồi giáo, 100.000 người theo đạo Hindu.

Đại đa số dân chúng chủ yếu theo tôn giáo truyền thống Trung Quốc, trong đó có việc thờ cúng các vị thần địa phương và ông bà tổ tiên. Trong nhiều trường hợp những người thực hành nêu trên không nói mình thuộc tôn giáo nào trong các cuộc điều tra, vì không thuộc về tôn giáo có tính cách tổ chức phổ quát có giáo chủ và cơ cầu điều hành. Tôn giáo truyền thống của Trung Quốc nói chung không được khuyến khích trong thời kỳ cai trị của Anh quốc đối với Hồng Kông. Với sự chấm dứt của sự cai trị của Anh và sự chuyển giao chủ quyền của Hongkong cho Trung Quốc, đã có một sự đổi mới với các tôn giáo dân gian.

Tôn giáo dân gian Trung Quốc, còn được gọi tên là Thần giáo, là tôn giáo bản địa của người Hán. Trọng tâm của là sự thờ cúng "các vị thần", bao gồm các tổ tiên và tổ tiên của các gia đình hoặc dòng dõi, các anh hùng thần thánh. Sự sùng kính này đã tạo nên dấu ấn trong lịch sử của nền văn minh Trung Quốc.

Trong những thập kỷ gần đây, khu dân cư đô thị hiếm khi có những ngôi đền như trước đây, nên nhà nghiên cứu xã hội Bosco lập luận rằng lối sống hiện đại không phù hợp với các tập quán truyền thống nữa. Thay vào đó, họ coi nhiều tập tục và nghi lễ truyền thống, như đám rước khu phố, trước đây là phần di sản cho văn hóa truyền thống nay không còn được coi trọng ở Hồng Kông.

Nho giáo ở Hồng Kông

Nho giáo dựa trên những lời dạy của Khổng Tử. Ông Khổng sống ở Trung Quốc từ năm 551 đến 479 trước Công nguyên, chủ yếu là một quy tắc đạo đức toàn diện cho các mối quan hệ của con người, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của truyền thống và nghi lễ. Lễ hội lớn của Nho giáo ở Hồng Kông là sinh nhật của Đức Khổng Tử vào ngày 27 tháng 8 âm lịch. Nho giáo ở Hồng Kông có ảnh hưởng rộng lớn trong văn chương và giáo dục. Hội Khổng giáo điều hành một số trường học địa phương với mục tiêu thúc đẩy những lời dạy của Khổng Tử.

Đạo giáo hay còn gọi là Lão giáo ở Hồng Kông

Đạo giáo là một triết lý tôn giáo và truyền thống nghi lễ, nhấn mạnh đến việc sống hòa hợp và kết hợp với Đạo, với nguyên tắc tự nhiên. Những ngôi đền Đạo giáo đáng chú ý ở Hồng Kông bao gồm Đền Wong Tai Sin nằm ở quận Wong Tai Sin ở Cửu Long. Ngôi đền nổi tiếng này là dành riêng cho Wong Tai Sin.

Phật giáo ở Hồng Kông

Phật giáo có một số lượng đáng kể tín đồ ở Hồng Kông. Trong số những ngôi chùa Phật giáo nổi bật nhất trong thành phố, có Ni viện Chi Lin ở Diamond Hill, được xây dựng theo phong cách kiến trúc của nhà Đường; và Tu viện Po Lin trên đảo Lantau, nổi tiếng với bức tượng đồng Phật Tian Tan, nơi thu hút một lượng lớn du khách trong những ngày cuối tuần và ngày lễ.

Các tổ chức và chùa Phật giáo ở Hồng Kông từ lâu đã tham gia vào phúc lợi xã hội và giáo dục. Hiệp hội Phật giáo Hồng Kông điều hành chừng 10 trường tiểu học và trung học, và nhà cho người già cũng như các trung tâm dành cho thanh thiếu niên và trẻ em ở Hồng Kông.

Sự lãnh đạo của các tổ chức Phật giáo chính thống đã liên kết với cơ sở chính quyền Hồng Kông về nhiều phương diện. Ví dụ, một số thành viên của hiệp hội đã ở trong Ban soạn thảo của Luật cơ bản HongKong.

Dưới sự lãnh đạo của cựu Giám đốc điều hành Tung Chee Hwa, chính phủ Hồng Kông chính thức công nhận ảnh hưởng của Phật giáo tại Hồng Kông. Năm 1997, chính phủ đã chỉ định Ngày sinh của Đức Phật là một ngày lễ, thay thế cho ngày lễ sinh nhật của Nữ hoàng. Bản thân Tùng là một Phật tử và tham gia các hoạt động Phật giáo lớn, được công bố rộng rãi ở Hồng Kông và Trung Quốc.

Các nghiên cứu học thuật và nghiên cứu Phật giáo tại Hồng Kông đã phát triển mạnh trong những thập kỷ qua. Đại học Hồng Kông có một Trung tâm nghiên cứu Phật giáo. Đại học Hồng Kông Trung Quốc cũng có một Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Nhân văn.

Kitô giáo Hồng Kông

Kitô giáo là một trong những tôn giáo có ảnh hưởng nhất ở Hồng Kông, một phần do ảnh hưởng dưới thời cai trị của Vương quốc Anh từ năm 1841 đến 1997, và công tác của nhiều cơ quan truyền giáo phương Tây từ nhiều quốc gia. Thật vậy, Anh giáo, đã được chính quyền Anh quốc trao cho địa vị đặc biệt.

Kể từ khi chuyển giao chủ quyền đối với Hồng Kông cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1997, sự hỗ trợ chính phủ này của Giáo hội Anh giáo đã bị giảm. Tại Trung Quốc, Đảng Cộng sản luôn ngờ vực đối với các tổ chức có quan hệ tôn giáo quốc tế. Trung Cộng luôn có xu hướng liên kết Kitô giáo với các cuộc chống đối chế độ Cộng sản và âm mưu lật đổ, do vậy Trung Cộn đã đóng cửa nhiều nhà thờ và trường học. Kể từ năm 2010, Trung Quốc đại lục đã dần hạn chế khả năng của cộng đồng Kitô giáo Hồng Kông trong việc mở rộng thêm các nhà thờ ở Trung Quốc đại lục. Các quan chức Trung Quốc đã cấm cư dân đại lục tham dự một số hội nghị tôn giáo ở Hồng Kông, tăng cường giám sát các chương trình đại lục do các mục sư Hồng Kông điều hành.

Tin Lành Hồng Kông

Sự hiện diện của cộng đồng Tin lành ở Hongkong có từ năm 1841. Theo dữ liệu của chính phủ, có khoảng 480.000 người Tin lành sống ở Hồng Kông vào năm 2016; các giáo phái chính là Cơ đốc phục lâm, Anh giáo, Báp-tít, Luther, Liên minh Kitô giáo và Hội Truyền giáo, Giáo hội Kitô giáo ở Trung Quốc, và người theo đạo Ngũ tuần.

Các tổ chức Tin lành điều hành 3 tổ chức hậu trung học: Cao đẳng Chung Chi tại Đại học Trung Quốc Hồng Kông, Đại học Baptist Hồng Kông và Đại học Lĩnh Nam. Họ điều hành khoảng 144 trường trung học, 192 trường tiểu học, 273 trường mẫu giáo và 116 vườn ươm.

Cộng đồng Tin lành điều hành khoảng 16 hội thảo thần học và các viện Kinh thánh, 16 nhà xuất bản và 57 hiệu sách. Họ điều hành 7 bệnh viện, 18 phòng khám và 59 tổ chức dịch vụ xã hội, 17 nhà trẻ em, 35 nhà cho người già, 106 trung tâm người già, 2 trường dành cho người mù và điếc, 47 trung tâm đào tạo cho người khuyết tật tâm thần và 15 trường khu cắm trại.

Hai tờ báo hàng tuần, The Christian Weekly và The Christian Times, được điều hành bởi những người theo đạo Tin lành. Hai cơ quan đại kết tạo điều kiện cho công việc hợp tác giữa các nhà thờ Tin lành ở Hồng Kông.

Công Giáo Hồng Kông

Giáo Hội Công Giáo Roma ở Hồng Kông được thành lập như Phủ doãn Tông Tòa vào năm 1841 và là một Giám quản Tông Tòa vào năm 1874. Trở thành một Giáo phận vào năm 1946. Khoảng 379.000 người Hồng Kông là người Công Giáo vào năm 2016, nhiều người trong số họ là người Philippines. Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội là nhà thờ chính tòa của Giáo Hội Công Giáo ở Hồng Kông.

Công Giáo ở Hồng Kong có một Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam đã sinh hoạt lâu năm và sắp mừng kỷ niệm 25 năm chính thức thành lập vào ngày 17/11/2019 tới đây, tuy nhiên Cộng đoàn này đã có ngay từ thời Boat People Thuyền Nhân VN sang Hongkong và bị giam giữ trong trại cấm. Chúng tôi đã nhiều lần đưa tin về sinh hoạt của Cộng đoàn này, nên trong bài này không nhắc tới nữa.

Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Quảng Đông, với khoảng 3/5 các giáo xứ cung cấp dịch vụ bằng tiếng Anh và tiếng Tagalog (cho cộng đồng người Philippines) trong một số trường hợp.

Giáo phận đã thiết lập cơ cấu hành chính và duy trì liên kết chặt chẽ với Đức Giáo Hoàng và các cộng đồng Công Giáo khác trên khắp thế giới. Tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Liên đoàn Châu Á có văn phòng tại Hồng Kông.

Giáo phận Hongkong điều hành khoảng 320 trường Công Giáo và nhà trẻ và có khoảng 286.000 học sinh. Hội đồng Giáo dục Công Giáo Hồng Kông hỗ trợ các dịch vụ này. Các dịch vụ y tế và xã hội bao gồm 6 bệnh viện, 15 phòng khám, 13 trung tâm xã hội, 15 ký túc xá, 12 nhà cho người già, 15 trung tâm dịch vụ phục hồi chức năng và nhiều câu lạc bộ và hiệp hội tự giúp đỡ. Caritas Bác Ái Công Giáo điều hành nhiều tổ chức thanh niên và xã hội và một bệnh viện là một tổ chức phúc lợi xã hội chính thức của Tổng giáo phận Hồng Kông.

Về phương tiện truyền thông, tổng giáo phận xuất bản hai tờ báo hàng tuần: Kung Kao Po và Sunday Examiner. Ngoài ra, Trung tâm Video của tổng giáo phận sản xuất băng và phim để sử dụng trong các trường học và giáo xứ, và nói chung, Văn phòng truyền thông xã hội Công Giáo Hồng Kông hoạt động như một kênh thông tin và phổ biến tin công chúng cho giáo phận.

Các ngày lễ và ngày lễ truyền thống của Trung Quốc tại Hồng Kông

Có năm lễ hội lớn trong âm lịch của Trung Quốc, trong đó Tết Nguyên đán là quan trọng nhất. Quà tặng và các chuyến thăm được trao đổi giữa bạn bè và người thân và trẻ em nhận phong bì tiền lì xì may mắn.

Trong lễ hội Thanh Minh vào mùa xuân, người ta viếng thăm các ngôi mộ của tổ tiên. Vào đầu mùa hè (ngày thứ năm của tháng năm âm lịch), lễ hội được tổ chức với các cuộc đua thuyền rồng và ăn gạo nếp nấu chín bọc trong lá sen.

Tết Trung Thu vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Quà tặng là bánh trung thu, rượu vang và trái cây được trao đổi và người lớn và trẻ em đi vào công viên và vùng nông thôn vào ban đêm với những chiếc đèn lồng đầy màu sắc. Chung Yeung vào ngày thứ chín của tháng chín âm lịch, khi nhiều người đến thăm mộ của tổ tiên hoặc leo lên núi để tưởng nhớ một gia đình ở Trung Quốc cổ đại đã được thoát khỏi bệnh dịch và thoát chết bằng cách chạy trốn lên đỉnh núi.

Ngoài các lễ hội truyền thống ở trên, một số lễ hội tôn giáo quan trọng là ngày nghỉ, bao gồm các lễ Tôn giáo chính như: Lễ Giáng Sinh, Thứ Sáu Tuần Thánh, Lễ Phục Sinh, Lễ Phật Đản.
 
Để Yêu Và Được Yêu
Nữ tu Têrêsa Hoàng Thị Ngọc Dược
21:14 23/04/2019
Để Yêu Và Được Yêu

Lão hay uống rượu và lại còn mê số đề. Mỗi lần lão thấm men ít ai dám tới gần.

Như một “thời khoá biểu cố định”, mỗi chiều, từ khoảng ba giờ hơn cho tới bốn giờ rưỡi, lão chỉ có biết có mỗi tờ vé số và cái điện thoại thôi.

Nhưng kể cũng lạ ! Vừa dở dở ương ương lại thêm chút gàn bướng, không ai nói lão nghe. Thế mà, với mụ vợ lại không như thế. Đây là người lão một mực yêu mến và nghe lời. Đang chăm chăm dò tờ vé số mà nghe tiếng vợ than đau thấp thoáng đâu đó, lão buông tất tần tậ, hộc tốc lao về nhà chăm sóc cho vợ, như lính vâng lệnh chỉ huy xông ra chiến trường !

Ở cái tuổi sáu mươi, lão đâu có cần nữa cái nhu cầu xác thịt; chuyện ăn nằm trai gái với lão giờ đây nhằm nhò gì với cái nghĩa vợ chồng mà lão và vợ lão đã cung cúc đắp xây trải qua mấy mươi năm với không biết bao nhiêu mồ hôi lẫn nước mắt.

***

Lão nhớ cái ngày đó…

-Cô gì đó ơi!…

-Cô gì đó ơi! Cho tôi xin miếng nước!

Người con gái quay lại, đôi mắt đen tròn, long lanh như hai hạt nhãn. Ngạc nhiên nhìn người vừa gọi như gặp thấy một người ngoài hành tinh.

-Cô cho tôi xin nước…

-Anh là bộ đội Việt Nam à ?

-Vâng! Tôi là bộ đội !

-Bộ đội sao anh lại xin nước tui ! Anh đi đi…tui không dám…

-Sao lại không dám? Cô cũng là người Việt mà !

-Cô làm ơn đi ! Tôi khát lắm!

Vừa nói người đàn ông “bộ đội” lại cố gắng lê thêm mấy bước nữa lại gần. Lúc này cô gái đã nhìn thấy rõ hơn. Khuôn mặt anh rất đỗi hốc hác, dáng vẻ mệt nhọc và dường như đứng không vững. Cô gái nhìn từ đầu đến chân có vẻ e dè, tay cô vẫn không rời cái lưỡi liềm đang dùng để cắt cỏ.

Giữa cái thời buổi nhiễu nhương này, chiến tranh đang sôi sung sục, lại chỉ có hai chị em cô độc trên đất nước Campuchia, bản năng dạy cô phải luôn dè dặt; tranh tối tranh sáng biết đâu mà lần. Đang lúc phân vân chưa biết phải làm gì thì giọng anh bộ đội lại một lần nữa vang lên, đem cô về với cõi thực :

- Cô giúp tôi…

Chưa kịp nói dứt câu đã nghe đánh uỵch một cái. Anh bộ đội ngã lăn kềnh xuống đất. Lúc này cô mới nhận ra anh đang bị thương ở chân phải. Tuy đã được băng bó nhưng máu đã tuôn ra ướt đẫm cả tấm gạt và còn chảy thành dòng xuống dưới bàn chân.

Cô gái bây giờ mới phát cuống lên:

- Ông bị thương mà sao hổng nói!

Buông cái lưỡi liềm xuống, cô chạy lại đỡ anh ta lên, miệng gọi í ới:

- Chị Hai ơi ! Ra phụ em một tay, có người bị thương nè.

Từ phía sau, trong một căn chòi lá, một người phụ nữ chạy ra, tiếp tay với cô gái và dìu anh bộ đội vào nhà…

Nhờ sự chăm sóc tận tình của hai chị em cô gái ấy mà anh bộ đội đã dần tỉnh. Uống được miếng nước, ăn được chút cháo, vết thương được rửa sạch và băng bó cẩn thận nên gương mặt anh ta cũng đã dần có thần sắc hơn. Giờ đây anh bộ đội mới có thể nhìn rõ hơn khuôn mặt của hai chị em cùng “đồng bào” trên đất nước bạn.

Người chị đã khoảng trung niên, nước da hơi sạm, có lẽ vì cái nắng và cái gió của vùng biên giới này. Còn cô em thì….Anh len lén nhìn cô ta một lần nữa. Ngoài đôi mắt to tròn đen láy, cô còn có cả một gương mặt trái soan đẹp thanh thoát. Mái tóc suôn mượt trôi xuống bên ngực, đen tuyền, làm nổi bật ảnh Thánh giá bằng kim loại cô đeo trước ngực, tôn thêm nét duyên dáng và vẻ đẹp thánh thiêng…

-Ông đã tỉnh rồi, cố gắng ăn thêm chút cháo nữa cho lại sức. Còn vết thương thì phải để tui thay băng ít lần nữa mới được, không thì bị nhiễm trùng, nguy hiểm lắm.

-Cảm ơn cô. Không nhờ cô chắc tôi chết mất!

Cô gái không trả lời mà chỉ cười hóm hỉnh.

- Chết làm sao được! Cùng lắm là cưa mất cái chân thôi!

Anh bộ đội đã bị cái nụ cười của cô gái hớp cả hồn ! Người đâu đã đẹp mà nụ cười còn đẹp hơn. Anh cũng đùa vui :

-Biết đâu được ! Không chết vì cái chân bị thương thì cũng chết vì cái lưỡi liềm cắt lúa của cô ! Người đẹp mà sao cô dữ vậy trời ?

-Tui mà dữ à ? Tui dữ thì ai mà đi cứu anh…

-Thôi ! Cho tôi xin lỗi…

Cô gái không nói gì, nhưng lại nhanh chóng đi lấy bông băng và một thau nước ấm. Cô lau rửa vết thương và thay băng một cách thành thục như một y tá chuyên nghiệp…

Anh bộ đội còn phải tá túc lại nhà chị em cô gái ấy cả tuần lễ để chờ cái chân có thể đi được rồi mới trở về đơn vị.

Câu chuyện tưởng chỉ có vậy. Không đâu. Cuộc “hạnh ngộ” hoàn toàn bất ngờ, ngẫu nhiên đó, trời xui, đất khiến, đã nảy sinh một mối tình tưởng như không thể ! Vâng, mối duyên tình giữa cô gái Công Giáo dịu dàng ngoan đạo và anh bộ đội cứng cỏi vô thần ngày càng nên thắm thiết keo sơn…và họ đã nên vợ nên chồng trong một hoàn cảnh khắc nghiệt cả đạo lẫn đời !...

***

Có tiếng rên ư ử trong nhà, có lẽ là chị đang trở mình và đang lên cơn đau. Lão vội vàng bước vào nhà pha một cốc sữa, lão đem đến với giọng trìu mến :

-Nãy giờ nằm yên cũng đã lâu, giờ lại đau à ? Em uống miếng sữa cho lại sức.

-Chưa uống được đâu anh ơi !Đang đau lắm.

Chị đưa tay xoa nắn cái bụng đang trương phình to tướng, miệng hít hà mặt nhăn nhó. Lão ngồi xuống mép giường lấy khăn lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán.

Có tiếng gọi ở phía trước:

-Anh Năm ơi ! Có nhà không anh Năm ơi !

-Ai đó?

Lão vội bước ra, dáng đi khập khiễng. Không đợi lão lên tiếng, hai người phụ nữ đã vội vàng giới thiệu thăm hỏi :

- Chào anh Năm ! Tụi em ở trong xóm đây í mà ! Nghe chị bệnh đã lâu, nay tụi em mới ghé thăm chị được, chị sao rồi anh Năm ?

-À. Cảm ơn các chị. Bà nhà tui vẫn vậy, chẳng thuyên giảm tí nào chị ơi !

-Cho phép tụi em vào thăm chị nghen anh Năm!

Chỉ đợi anh Năm ừ một tiếng, hai người phụ nữ đã đến sát giường bệnh của chị Năm; kẻ thoa người bóp, miệng bắt chuyện hỏi thăm chị Năm như những kẻ thân tình ruột thịt. Thấy cuộc hàn huyên của ba người phụ nữ trong phòng đã râm ran, anh Năm bước ra ngoài lo châm thêm phích nước sôi, bỏ chút trà vào bình rồi mang vào đãi khách. Chị Năm ngạc nhiên khi thấy một người vừa thăm hỏi chị rất thân tình vừa hai tay xoa bóp liên tục; còn người phụ nữ kia thì đưa tay lên làm dấu, thinh lặng nhìn vào một cõi thánh thiêng nào đó, vẻ đăm chiêu như đang cầu khẩn điều gì. Bất chợt chị Năm lòn tay vào cổ áo, đưa ra sợi dây đeo cây Thánh giá đã cũ kỹ sạm đen. Chị cố gắng nâng cây Thánh giá lên và hôn lấy hôn để. Nước mắt chị tràn ra và chị nói với giọng thổn thức, đứt quãng:

- Các chị ơi ! Em đã xa Chúa ba mươi bảy năm rồi ! Từ ngày chúng em gặp nhau, anh ấy là bộ đội nên không theo đạo được…Em vì công việc của anh nên cũng không dám cho ai biết mình có đạo…

Chị lấy hơi rồi nói tiếp trong tiếng nấc nghẹn ngào :

- Bây giờ thì em nhớ Chúa lắm. Em sợ mất linh hồn lắm!

Những lời vừa nói như trút được gánh nặng trong lòng bao nhiêu năm qua ! Chị Năm khóc tức tưởi như một đứa trẻ. Không khí trong căn phòng như chùng lại. Hai người phụ nữ cũng bất ngờ trước tình huống, nên chưa biết dùng lời gì để an ủi chị Năm.

Tiếng sụt sùi ngoài cửa phòng làm cho cả ba người phụ nữ giật mình quay về hướng đó. Anh Năm đứng đó tự bao giờ với đôi mắt đẫm lệ. Anh tiến dần đến bên giường bệnh, giọng anh như khẩn thiết :

-Anh sẽ làm tất cả vì em! Thủy ạ. Cả một đời em đã cho anh, em đã vì anh. Thì hà cớ gì lúc này anh không thể bù đắp cho em được!

Vừa vò đầu, vừa dơ tay lên như một lời đoan thệ, anh tiếp :

- Anh sẽ làm tất cả vì yêu em và để được em yêu anh mãi mãi Thủy ạ !

Hai người phụ nữ lặng thinh, không dám thở mạnh; dường như sợ phá đi giây phút ấm áp của hai vợ chồng già nhưng vẫn ắp đầy yêu thương và hạnh phúc.

Tháng Mân Côi đã về. Tôi được Cha xứ giao cho nhiệm vụ hướng dẫn anh Năm học giáo lý. Học hằng ngày tại nhà anh, vì căn bệnh của chị ngày một kéo dài và ngày càng nặng hơn. Anh vừa chăm sóc chị lại vừa học giáo lý. Với cái tuổi lục tuần, nhưng anh vẫn còn rất sáng dạ. Tiếp thu rất nhanh và mỗi ngày niềm tin càng xác tín. Chỉ với ba tuần lễ mà anh như đã lột xác thành một con người khác. Anh không còn bi quan yếm thế nhìn căn bệnh nan y của chị, nhưng thay vào đó là niềm cậy trông vững vàng và sẵn sàng đón nhận. Không còn trút sầu vào rượu mà thay vào đó là những giờ phút tĩnh lặng ngồi bên bàn thờ Chúa để cùng chị lần chuỗi đọc kinh, cầu nguyện. Còn chị, tuy cơn đau mỗi ngày một dồn dập hơn nhưng chị đã cố gắng trong niềm vui và tín thác. Tuy biết mình sẽ không qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo nhưng chị vẫn hy vọng vào một cuộc sống vĩnh hằng mai sau. Anh và chị từng ngày đợi chờ phút giây được đón nhận các bí tích và trở thành con cái trọn vẹn trong nhà Chúa.

Và ngày ấy đã đến !

Hôm ấy trời mưa tầm tã. Cơn mưa cuối cùng nơi “đất phương Nam”, miền đất hai mùa mưa nắng, rầm rập như hối hả trút hết nước cho xong để chuyển mình sang mùa mới.

Chị Năm đã bỏ ăn hai ngày rồi, và trở mình đau đớn liên tục giữa những ngày mưa chuyển mùa ấy. Dù mưa to gió lớn, nhưng Cha xứ cũng đội mưa mà đi đến với anh chị Năm. Một chiếc bàn trải khăn trắng muốt, trên đặt ảnh chuộc tội giữa hai cây nến trắng cháy sáng. Cha xứ đã cử hành các Bí tích khai tâm Kitô giáo cho anh Năm, giải tội và Xức Dầu Bệnh Nhân cho chị Năm và cử hành Bí tích hôn phối cho hai anh chị.

Thỏa nguyện tâm tình, anh chị khao khát cho nhau là để yêu nhau và được yêu nhau dù một trong hai đang đứng trước giờ sinh tử.

Sau khi được lãnh nhận các Bí tích, anh Năm chia sẻ với chúng tôi :

- Giờ này tôi mới thấy thật sự bình an. Và bắt đầu từ hôm nay tôi mới cảm nhận được chúng tôi là đôi vợ chồng chính thức !

Một tuần lễ sau thì chị đã nhẹ nhàng trút hơi thở trong vòng tay của anh và giữa những tiếc thương của cộng đoàn giáo xứ. Thánh lễ an táng của chị được tổ chức trang trọng theo nghi thức Công Giáo, cả cộng đoàn giáo xứ đã đón nhận chị, một người con lạc lối trở về và đón nhận anh, người công nhân giờ thứ mười một.

Năm nay, nơi nghĩa trang của giáo xứ có một lão già đã hom hem, nhưng lại có mặt rất sớm từ những ngày cuối tháng Mân Côi để chuẩn bị bước vào “mùa Các Đẳng”. Lão lau chùi kỹ lưỡng từng chút bụi bẩn trên nấm mộ vẫn còn rất mới. Lão thay hoa mới, thắp hai ngọn nến hai bên và ngồi bên mộ mà lần chuỗi Mân Côi. Hoà trong cơn gió nhẹ, thấp thoáng đâu đó những lời thì thầm :

Anh cảm ơn em ! Để yêu em và được yêu em là một hạnh phúc lớn lao cho anh. Nhưng lớn hơn nữa là qua mối tình nầy, anh mới được khám phá và đáp lại một tình yêu vĩ đại. Vâng, để anh yêu Chúa và được Chúa yêu anh. Chúa yêu vợ chồng mình, em nhỉ !

Têrêsa Hoàng Thị Ngọc Dược (Nữ tu MTG.QN)

Những ngày Mùa Chay 2019

ĐỂ YÊU VÀ ĐƯỢC YÊU

Truyện ngắn – Têrêsa Hoàng Thị Ngọc Dược

Lão hay uống rượu và lại còn mê số đề. Mỗi lần lão thấm men ít ai dám tới gần.

Như một “thời khoá biểu cố định”, cứ khoảng chừng ba giờ hơn cho tới bốn giờ rưỡi chiều, lão chỉ có biết có mỗi tờ vé số và cái điện thoại thôi.

Người đã dở hơi lại thêm bướng bỉnh và cố chấp. Không ai nói lão nghe… ngoài mụ vợ ! Mà thiệt, người như thế, nhưng lại là kẻ thương vợ và nghe lời vợ tất tần tật. Đang dò tờ vé số mà nghe tiếng vợ lão than đau thấp thoáng đâu đó, lão buông tất cả mọi sự, hộc tốc lao về chăm sóc cho vợ.

Ở cái tuổi sáu mươi, lão đâu có cần nữa cái nhu cầu xác thịt; chuyện ăn nằm trai gái giờ trở thành tầm thường kệch cởm trước cái nghĩa vợ chồng mà lão và vợ lão đã chung tay đắp xây gầy dựng trải qua mấy mươi năm với không biết bao nhiêu mồ hôi và cả nước mắt.

Lão nhớ cái ngày đó….

-Cô gì đó ơi!…

-Cô gì đó ơi! Cho tôi xin miếng nước!

Người con gái quay lại, đôi mắt to tròn như hai hạt nhãn. Tròn mắt nhìn người vừa gọi như một kẻ xa lạ đến từ một thế giới khác.

-Cô cho tôi xin nước…

-Anh là bộ đội Việt Nam à?

-Vâng! Tôi là bộ đội!

-Bộ đội sao anh lại xin nước tui! Anh đi đi…tui không dám…

-Sao lại không dám? Cô cũng là người Việt mà!

-Cô làm ơn đi! Tôi khát lắm!

Vừa nói người đàn ông lại cố gắng lê thêm mấy bước nữa lại gần. Lúc này cô gái đã nhìn thấy rõ hơn, khuôn mặt anh bộ đội này đang rất đỗi hốc hác, dáng vẻ mệt nhọc và dường như đứng không vững. Cô gái nhìn từ đầu đến chân có vẻ e dè, tay cô vẫn không rời cái lưỡi liềm cô đang dùng để cắt cỏ.

Giữa cái thời buổi nhiễu nhương này, chiến tranh đang sôi sung sục, lại sống

cô đơn trên đất nước Campuchia, bản năng dạy cô phải luôn dè dặt, tranh tối tranh sáng biết đâu mà lần.Đang lúc phân vân chưa biết phải làm gì thì giọng anh bộ đội lại một lần nữa gọi cô về với thực tế:

- Cô giúp tôi….

Chưa kịp nói dứt câu đã nghe đánh uỵch một cái.Anh bộ đội ngã lăn kềnh xuống đất. Lúc này cô mới nhận ra là anh đang bị thương ở chân phải.Tuy đã được băng bó nhưng máu đã tuôn ra ướt đẫm cả tấm gạt và còn chảy thành dòng xuống dưới bàn chân.

Cô gái bây giờ mới phát cuống lên:

- Ông bị thương sao mà hổng nói!

Buông cái lưỡi liềm xuống,cô chạy lại đỡ anh ta lên, miệng gọi í ới:

- Chế ơi! Ra phụ em một tay, có người bị thương nè.

Từ phía sau, trong một căn chòi lá ở xa xa, có một người phụ nữ nữa chạy ra, tiếp tay với cô gái và dìu anh bộ đội vào nhà.

Nhờ sự chăm sóc tận tình của hai chị em cô gái ấy mà anh bộ đội dã dần tỉnh.Uống được miếng nước, ăn được chút cháo, vết thương được rửa sạch và băng bó cẩn thận nên gương mặt anh ta cũng đã dần có thần sắc hơn.Giờ đây anh bộ đội mới có thể nhìn rõ hơn khuôn mặt của hai chị em họ.Người chị đã khoảng trung niên, nước da hơi sạm, có lẽ vì cái nắng và cái gió của vùng biên giới này.

Còn cô gái thì,…Anh len lén nhìn cô ta một lần nữa.Ngoài đôi mắt to tròn đen láy, cô còn có cả một gương mặt trái soan đẹp thanh thoát. Mái tóc suôn mượt vén xuống bên ngực, đen tuyền, làm nổi bật Thánh giá bằng kim loại cô đeo trước ngực, tôn thêm nét duyên dáng và vẻ đẹp thánh thiêng…

-Ông đã tỉnh rồi, cố gắng ăn thêm chút cháo nữa cho lại sức. Còn vết thương thì phải để tui thay băng ít lần nữa mới được, không thì bị nhiễm trùng, nguy hiểm lắm.

-Cảm ơn cô. Không nhờ cô chắc tôi chết mất!

Cô gái không trả lời mà chỉ cười hóm hỉnh.

- Chết làm sao được! Cùng lắm là cưa mất cái chân thôi!

Anh bộ đội đã bị cái nụ cười của cô gái hớp cả hồn! Người đâu đã đẹp mà nụ cười còn đẹp hơn. Anh cũng đùa vui:

-Biết đâu được!Không chết vì cái chân bị thương thì cũng chết vì cái lưỡi hái của cô!Sao cô dữ thế?

-Tui mà dữ à? Tui dữ thì ai mà thèm cứu anh…

-Thôi! Cho tôi xin lỗi.

Cô gái không nói gì, nhưng lại nhanh chóng đi lấy bông băng và một thau nước ấm. Cô lau rửa vết thương và thay băng một cách thành thục như một y tá chuyên nghiệp

Anh bộ đội còn phải tá túc lại nhà cô gái ấy tuần lễ để chờ cái chân có thể đi được rồi mới trở về đơn vị. Nhờ vậy mà một mối tình tưởng như không thể đã bắt đầu nhen nhúm giữa cô gái ngoan đạo và anh bộ đội ngày càng nên thắm thiết keo sơn…

Có tiếng rên ư ử trong nhà, có lẽ là chị đang trở mình và đang lên cơn đau. Lão vội vàng bước vào nhà pha một cốc sửa, lão đem đến với giọng trìu mến:

-Nãy giờ nằm yên cũng đã lâu, giờ lại đau à? Em uống miếng sửa cho lại sức.

-Chưa uống được đâu anh ơi!Đang đau lắm.

Chị đưa tay xoa nắn cái bụng đang trương phình to tướng, miệng hít hà mặt nhăn nhó.Lão ngồi xuống mép giường lấy khăn lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán. Có tiếng gọi ở phía trước:

-Anh Năm ơi! Có nhà không anh Năm ơi!

-Ai đó?

Lão vội bước ra, dáng đi khập khiểng. Không đợi lão lên tiếng, hai người phụ nữ đã vội vàng giới thiệu thăm hỏi:

- Chào anh Năm! Tụi em ở trong xóm đây í mà!Nghe chị bệnh đã lâu, nay tụi em mới ghé thăm chị được, chị sao rồi anh Năm?

-À. Cảm ơn các chị. Bà nhà tui vẫn vậy, chẳng thuyên giảm tí nào chị ơi!

-Cho phép tụi em vào thăm chị nghen anh Năm!

Chỉ đợi anh Năm ừ một tiếng, hai người phụ nữ đã đến sát giường bệnh của chị Năm, kẻ thoa người bóp, miệng bắt chuyện hỏi thăm chị Năm như là người thân đã lâu năm. Thấy câu chuyện của ba người phụ nữ trong phòng đã râm ran, anh Năm bước ra ngoài lo châm thêm phích nước sôi, bỏ chút trà vào bình rồi mang vào đãi khách.Chị Năm ngạc nhiên khi thấy một người vừa thăm hỏi chị rất thân tình vừa hai tay xoa bóp liên tục, còn người phụ nữ kia thì đưa tay lên làm dấu thinh lặng nhìn vào một cõi thánh thiêng nào đó mà đăm chiêu như đang cầu khẩn điều gì. Bất chợt chị Năm lòn tay vào cổ áo, đưa ra sợi dây đeo cây Thánh giá đã cũ kỹ sạm đen.Chị cố gắng nâng cây Thánh giá lên và hôn lấy hôn để. Nước mắt chị tràn ra và chị nói với giọng thổn thức, dứt quãng:

-Chị ơi!em đã xa Chúa ba mươi bảy năm rồi!

-Từ ngày chúng em gặp nhau, anh ấy là bộ đội nên không theo đạo được…Em vì công việc của anh nên cũng không dám cho ai biết mình có đạo…

-Bây giờ thì em nhớ Chúa lắm. Em sợ mất linh hồn lắm!

Như trút được gánh nặng trong long bao nhiêu năm qua, chị Năm khóc tức tưởi như một đứa trẻ. Không khí trong căn phòng như chùng lại. Hai người phụ nữ cũng bất ngờ trước tình huống,nên chưa dùng lời gì để an ủi chị Năm.

Tiếng sụt sùi ngoài cửa phòng làm cho cả ba người phụ nữ giật mình quay về hướng đó.Anh Năm đứng đó tự bao giờ với đôi mắt ướt sủng nước. Anh tiến dần đến bên giường bệnh, giọng anh như khẩn thiết:

-Anh sẽ làm tất cả vì em! Thủy ạ.Cả một đời em đã cho anh, em đã vì anh. Thì hà cớ gì lúc này anh không thể bù đắp cho em được!

- Anh sẽ làm tất cả vì yêu em và để được em yêu anh mãi mãi Thủy ạ!

Hai người phụ nữ lặng thinh, không dám thở mạnh, dường như sợ phá đi giây phút ấm áp của hai vợ chồng già nhưng vẫn ắp đầy yêu thương và hạnh phúc.

Tháng Mân Côi đã về.Tôi được Cha xứ giao cho nhiệm vụ hướng dẫn anh Năm học giáo lý. Học hằng ngày tại nhà anh, vì căn bệnh của chị ngày một kéo dài và ngày càng nặng hơn. Anh vừa chăm sóc chị lại vừa học giáo lý. Ở cái tuổi lục tuần như anh rất sáng dạ. Tiếp thu rất nhanh và mỗi ngày niềm tin càng xác tín. Chỉ với ba tuần lễ mà anh như đã lột xác thành một con người khác. Anh không còn bi quan yếm thế nhìn căn bệnh nan y của chị, nhưng thay vào đó là niềm cậy trông vững vàng và sẵn sàng đón nhận. Anh không còn trút sầu vào rượu mà thay vào đó là những giờ phút tĩnh lặng ngồi bên bàn thờ Chúa để cùng chị cầu nguyện.Còn chị, tuy cơn đau mỗi ngày một dồn dập hơn nhưng chị đã cố gắng trong niềm vui và tín thác. Tuy biết mình sẽ không qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo nhưng chị vẫn hy vọng vào một cuộc sống vĩnh hằng mai sau. Anh và chị từng ngày đợi chờ ngày được trở về và trở thành con cái Chúa.

- Ngày ấy cũng đã đến, hôm ấy trời mưa tầm tã. Cơn mưa cuối cùng cũng ầm ì như trút hết nước cho xong một mùa mưa để chuyển mình sang mùa nắng ở cái miền đất hai mùa mưa nắng này. Chị Năm đã bỏ ăn hai ngày rồi, và trở mình đau đớn liên tục giữa ngày mưa ấy. Tuy dù mưa to gió lớn, nhưng Cha xứ chúng tôi cũng đội mưa mà đi đến với anh chị Năm. Một chiếc bàn trải khăn trắng muốt, trên đặt ảnh chuộc tội giữa hai cây nến trắng cháy sáng. Cha xứ đã cử hành các Bí tích khai tâm kito giáo cho anh Năm, giải tội và Xức Dầu Bệnh Nhân cho chị Năm và cử hành Bí tích hôn phối cho hai anh chị. Thỏa nguyện tâm tình, anh chị khao khát cho nhau là để yêu nhau và được yêu nhau dù một trong hai đang đứng trước giờ sinh tử.

Sau khi được lãnh nhận các Bí tích, anh Năm chia sẻ với chúng tôi:

- Giờ này tôi mới thật sự thấy bình an. Và bắt đầu từ hôm nay tôi mới thấy được vợ chồng tôi là chính thức.

Một tuần lễ sau thì chị đã nhẹ nhàng trút hơi thở trong vòng tay của anh và trong vòng tay của cộng đoàn giáo xứ. Thánh lễ an táng của chị được tổ chức trang trọng theo nghi thức Công Giáo, cả cộng đoàn giáo xứ đã đón nhận chị, một người con tha phương trở về và đón nhận anh, người công nhân giờ thứ mười một.

Năm nay, nơi nghĩa trang của giáo xứ có một lão già đã hom hem nhưng lại có mặt rất sớm từ những ngày cuối tháng Mân Côi.Lão lau chùi kỹ lưỡng từng chút bụi bẩn trên nấm mộ.Lão thay hoa mới rồi thắp hai ngọn nến hai bên và ngồi bên mộ mà lần chuỗi Mân Côi. Tôi nghe được tiếng lão thì thầm:

Anh cảm ơn em! Để yêu em và được yêu em là một hạnh phúc lớn lao cho anh. Nhưng lớn hơn nữa là nhờ yêu và nhờ được yêu em, anh mới được khám phá và đáp lại, để anh yêu Chúa và được Chúa yêu anh. Chúa yêu vợ chồng mình, em nhỉ!

Thật vậy.Tình yêu Ki-tô giáo là thế đấy.Tình yêu đó không còn biên giới, không còn khoảng cách giữa người với người nữa. Nó biến chúng ta trở nên một trong Đức Ki-tô. Vì thế khi chúng ta sống và phục vụ cho những anh em của chúng ta là chúng ta sống và phục vụ cho chính chúng ta vậy.

Nữ tu Têrêsa Hoàng Thị Ngọc Dược
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đóa Hoa Vô Thường
Nguyễn Trung Tây Lm.
21:55 23/04/2019
ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Từ đó em là sương
Rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm
Nở đóa hoa vô thường.
(Trích thơ của Trịnh Công Sơn)
 
VietCatholic TV
Thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi 2019, phép lành và ơn toàn xá của Đức Thánh Cha
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
10:22 23/04/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 10h15 sáng Chúa Nhật 21 tháng Tư, trước hàng trăm ngàn tín hữu đứng chật quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ Phục sinh. Tiếp theo đó là thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới cùng nghi thức ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Lúc 12h Đức Thánh Cha đã có mặt tại bao lơn chính của Đền Thờ Thánh Phêrô.

Ban nhạc của đội Hiến Binh Vatican và ban quân nhạc các quân binh chủng của Italia đang trình tấu quốc thiều.

Trong thông điệp Phục Sinh Urbi et Orbi gởi đến dân thành Rôma và toàn thế giới, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chúc mừng lễ Phục sinh!

Hôm nay Giáo Hội canh tân việc loan báo đã được thực hiện bởi các môn đệ đầu tiên: “Chúa Giêsu đã sống lại!” Và mọi miệng lưỡi và con tim vang vọng lời mời chúc tụng ca khen: “Alleluia, Alleluia!” Vào buổi sáng này của lễ Phục Sinh, vốn là sự trẻ trung bất diệt của Giáo Hội và của toàn thể nhân loại, tôi muốn ngỏ lời với mỗi một người trong anh chị em bằng những lời mở đầu của Tông huấn gần đây của tôi dành cách riêng cho những người trẻ:

“Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và một cách tuyệt vời, Người mang sự trẻ trung đến với thế giới của chúng ta. Thành thử, những lời đầu tiên mà tôi muốn nói với mọi Kitô hữu trẻ là những lời này: Chúa Kitô đang sống và Người muốn các bạn sống! Người ở trong các bạn, Người ở bên các bạn và Người không bao giờ bỏ rơi các bạn. Bất kể các bạn có lang thang xa đến đâu đi nữa, Người, là Đấng Phục sinh, luôn ở đó. Người kêu gọi các bạn và Người chờ các bạn quay lại với Người và bắt đầu lại từ đầu. Khi các bạn cảm thấy mình già đi vì buồn sầu, oán giận hoặc sợ hãi, nghi ngờ hay thất bại, Người vẫn luôn ở đó để phục hồi sức mạnh và hy vọng của các bạn.” (Christus Vivit, 1-2).

Anh chị em thân mến, thông điệp này cũng được gửi đến mọi người trên thế giới. Sự sống lại của Chúa Kitô là nguyên tắc cho cuộc sống mới đối với mọi người nam nữ, vì sự đổi mới thực sự luôn bắt đầu từ trái tim, từ lương tâm. Tuy nhiên, Lễ Phục sinh cũng là khởi đầu của một thế giới mới, thoát khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi và sự chết: một thế giới cuối cùng mở ra với Nước Thiên Chúa, một Vương quốc của tình yêu, hòa bình và tình huynh đệ.

Chúa Kitô vẫn sống và Ngài vẫn ở với chúng ta. Khi sống lại [từ trong kẻ chết], Chúa cho chúng ta thấy ánh sáng của thiên nhan Ngài, và Ngài không bỏ rơi tất cả những người trải qua gian truân, đau đớn và buồn phiền. Xin Chúa, Đấng Hằng Sống, là niềm hy vọng cho người dân Syria yêu dấu, là nạn nhân của một cuộc xung đột đang diễn ra mà chúng ta có nguy cơ trở nên cam chịu và thậm chí là thờ ơ hơn bao giờ. Trái lại, bây giờ phải là thời khắc cho một cam kết được đổi mới để tìm ra một giải pháp chính trị có thể đáp ứng được những hy vọng chính đáng của mọi người về tự do, hòa bình và công lý, một giải pháp chính trị có thể đương đầu với cuộc khủng hoảng nhân đạo và tạo điều kiện cho sự trở về an toàn của những người vô gia cư, cùng với tất cả những người đã lánh nạn ở các nước láng giềng, đặc biệt là Li Băng và Jordan.

Lễ Phục sinh khiến chúng ta phải dán mắt vào Trung Đông, nơi tan nát bởi sự chia rẽ và căng thẳng liên tục. Cầu mong cho các Kitô hữu trong vùng biết kiên nhẫn bền đỗ trong việc làm chứng cho Chúa Phục sinh và cho chiến thắng của sự sống trên cái chết. Tôi nghĩ đặc biệt đến người dân Yemen, đặc biệt là các trẻ em, đã kiệt sức vì đói khát và chiến tranh. Cầu mong cho ánh sáng Phục sinh soi sáng cho tất cả các nhà lãnh đạo chính phủ và các dân tộc ở Trung Đông, bắt đầu với người Israel và người Palestine, và thúc đẩy họ giảm bớt những đau khổ to lớn như thế; và theo đuổi một tương lai hòa bình và ổn định.

Cầu mong cho xung đột và đổ máu chấm dứt ở Libya, nơi những người vô phương tự vệ một lần nữa phải thiệt mạng trong những tuần gần đây và nhiều gia đình đã bị buộc phải bỏ nhà cửa ra đi. Tôi kêu gọi các bên liên quan lựa chọn đối thoại hơn là vũ lực và tránh mở lại các vết thương gây ra do một thập kỷ xung đột và bất ổn chính trị.

Cầu xin Chúa Kitô Hằng Sống ban bình an của Người cho toàn bộ lục địa Phi châu thân yêu, vẫn đầy rẫy những căng thẳng xã hội, xung đột và đôi khi có cả những hình thức cực đoan bạo lực để lại sự bất an, hủy diệt và chết chóc, đặc biệt là ở Burkina Faso, Mali, Niger, Nigeria và Cameroon. Tôi cũng nghĩ đến Sudan, hiện đang trải qua một khoảnh khắc bất ổn chính trị; tôi hy vọng rằng tất cả các tiếng nói sẽ được lắng nghe, và mọi người sẽ làm việc để cho phép đất nước này tìm thấy tự do, phát triển và hạnh phúc mà nó đã khao khát từ lâu.

Cầu xin Chúa Phục sinh đồng hành với những nỗ lực của chính quyền dân sự và tôn giáo ở Nam Sudan, là những người đã được nâng đỡ bởi những thành quả trong khóa tĩnh tâm được tổ chức vài ngày trước tại đây tại Vatican. Xin cho một trang mới có thể được mở ra trong lịch sử của đất nước này, trong đó tất cả các thành phần chính trị, xã hội và tôn giáo tích cực cam kết theo đuổi thiện ích chung và hòa giải dân tộc.

Cầu mong sao cho lễ Phục sinh này mang lại niềm ủi an cho người dân ở các khu vực phía đông Ukraine, là những người phải chịu đựng cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn. Xin Chúa khuyến khích các sáng kiến viện trợ nhân đạo, cũng như các sáng kiến nhằm theo đuổi một nền hòa bình lâu dài.

Cầu xin cho niềm vui phục sinh đổ tràn đầy con tim của những ai ở lục địa Mỹ châu đang phải trải qua những ảnh hưởng của các tình huống chính trị và kinh tế khó khăn. Tôi nghĩ đặc biệt đến người dân Venezuela, đến tất cả những ai đang thiếu thốn các điều kiện tối thiểu để có một cuộc sống đúng phẩm giá và an toàn do một cuộc khủng hoảng kéo dài và càng ngày càng xấu đi. Xin Chúa ban cho tất cả những người có trách nhiệm chính trị có thể làm việc để chấm dứt những bất công xã hội, lạm dụng và các hành vi bạo lực, đồng thời thực hiện các bước cụ thể cần thiết để hàn gắn những chia rẽ và cung cấp cho dân chúng sự giúp đỡ mà họ cần.

Xin Chúa Phục sinh chiếu dọi ánh sáng của Người trên những nỗ lực ở Nicaragua hầu tìm ra càng nhanh càng tốt một giải pháp hòa bình dựa trên thương thảo vì lợi ích của toàn bộ người dân Nicaragua.

Trước quá nhiều những đau khổ trong thời đại chúng ta, cầu mong sao cho Chúa của sự sống đừng phải chứng kiến chúng ta lạnh lùng và thờ ơ. Xin Chúa biến chúng ta thành những người kiến tạo các cây cầu, chứ không phải những bức tường. Xin Đấng ban bình an của Người cho chúng ta chấm dứt tiếng gầm vũ khí, cả trong các khu vực xung đột và trong các thành phố của chúng ta, và truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia biết làm việc để chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang và sự lan rộng tai hại của vũ khí, đặc biệt là trong các nước tiên tiến về kinh tế. Nguyện xin Chúa Kitô Phục sinh, Đấng mở tung những cánh cửa mồ, mở rộng tâm hồn chúng ta trước những nhu cầu của những người chịu thiệt thòi, dễ bị tổn thương, người nghèo, người thất nghiệp, bị gạt ra ngoài lề và tất cả những ai đang gõ cửa nhà chúng ta để tìm kiếm cơm bánh, nơi nương tựa và sự công nhận phẩm giá của họ.

Anh chị em thân mến, Chúa Kitô vẫn sống! Người là niềm hy vọng và tuổi trẻ cho mỗi người chúng ta và cho toàn thế giới. Cầu xin cho chúng ta có thể để mình được Chúa đổi mới! Chúc mừng lễ Phục sinh!

Tiếp theo đó là nghi thức ban phép lành URBI ET ORBI cho Roma và toàn thế giới, kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới.

Mở đầu nghi thức, Đức Hồng Y trưởng đẳng phó tế, tuyên bố chủ ý của Đức Thánh Cha ban ơn toàn xá cho những người nói trên, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Xin quý vị và anh chị em hiệp ý để đón nhận ơn Toàn Xá.

Đức Thánh Cha long trọng đọc lời nguyện xin Thiên Chúa nhân lành, vì lời cầu bầu của Mẹ Maria, của các thánh tông đồ Phêrô, Phaolô và toàn thể các thánh, mà xá giải mọi tội lỗi và hình phạt bởi tội lỗi cho các tín hữu.

Ngài đọc như sau:

Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen.

Nhờ lời cầu bầu và công nghiệp của Đức Trinh nữ Maria, của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh Tông Đồ Phêrô, Phaolô cùng toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen.

Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen.

Sau khi ban phép lành toàn xá cho các tín hữu, Đức Thánh Cha một lần nữa chúc mừng Phục sinh các tín hữu đến từ các nơi trên nước Ý và từ các quốc gia khác, cũng như những người đang theo dõi diễn biến này qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.

Anh chị em thân mến,

Tôi rất buồn khi vừa biết tin về các cuộc tấn công nghiêm trọng, diễn ra đúng ngày hôm nay, ngày lễ Phục sinh, đã mang đến tang tóc và đau khổ cho một số nhà thờ và những nơi gặp gỡ khác ở Sri Lanka. Tôi muốn thể hiện sự gần gũi trìu mến của mình với cộng đồng Kitô giáo, bị ảnh hưởng khi đang họp nhau trong lời cầu nguyện, và cho tất cả các nạn nhân của bạo lực tàn bạo này. Tôi phó dâng cho Chúa tất cả những người đã thiệt mạng một cách bi thảm và tôi cầu nguyện cho những người bị thương và tất cả những người đau khổ vì sự kiện bi đát này.

Tôi lặp lại lời chúc mừng lễ Phục sinh đến tất cả các bạn, từ Ý và từ nhiều quốc gia khác nhau, cũng như cho những ai đang hiệp nhất với chúng ta thông qua truyền hình, đài phát thanh và các phương tiện truyền thông khác. Về mặt này, tôi vui mừng nhớ lại rằng bảy mươi năm trước, vào lễ Phục sinh năm 1949, một vị Giáo hoàng đã phát biểu lần đầu tiên trên truyền hình. Đức Pius thứ XII đã nói chuyện với khán giả truyền hình ở Pháp, và chỉ ra rằng đôi mắt của người kế vị Thánh Phêrô và các tín hữu có thể được nhìn thấy thông qua một phương tiện truyền thông mới. Lễ kỷ niệm này cho tôi cơ hội khuyến khích các cộng đồng Kitô giáo sử dụng tất cả các công cụ mà công nghệ tạo ra để thông báo tin mừng về Chúa Kitô phục sinh.

Được soi sáng bởi ánh sáng Phục sinh, chúng ta mang theo hương thơm của Chúa Kitô phục sinh đến những cô đơn, đau khổ, sầu buồn của quá nhiều anh em của chúng ta, bằng cách lật sang một bên hòn đá thờ ơ. Trên quảng trường này, niềm vui của sự phục sinh được tượng trưng bởi những bông hoa, mà năm nay cũng đến từ Hà Lan, trong khi những bông hoa trong Đền Thờ Thánh Phêrô đến từ Slovenia. Tôi đặc biệt cảm ơn các nhà tài trợ vì những cống hiến đẹp đẽ này.

Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cầu chúc một bữa ăn Phục Sinh ngon miệng và tạm biệt!
 
Tiết lộ kinh hoàng: Chính quyền Sri Lanka biết trước nhưng không hành động để ngăn chặn vụ khủng bố
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:47 23/04/2019
Chúng tôi xin gởi đến quý vị và anh chị em bản tin đặc biệt về vụ khủng bố cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé tại Sri Lanka.

Trong chương trình này chúng tôi sẽ nói về bài học đắt giá của Sri Lanka và sau đó là đám tang khổng lồ ngày thứ Ba 23 tháng Tư tại nhà thờ Thánh Sebastian.

1. Bài học đắt giá của Sri Lanka

Chính phủ Sri Lanka đã công bố ngày thứ Ba 23 tháng Tư là ngày quốc tang tưởng niệm 310 nạn nhân đã thiệt mạng trong các vụ tấn công diễn ra hôm Chúa Nhật Phục sinh.

Một chi tiết quan trọng chúng tôi muốn trình bày với quý vị và anh chị em là vụ khủng bố này lẽ ra đã có thể tránh được. Tình báo Hoa Kỳ đã báo trước nhưng Sri Lanka đánh giá thấp một bọn chuyên vẽ bậy lên các tượng Phật.

Các quan chức Sri Lanka cho biết nhóm phiến quân Hồi giáo National Thowheeth Jama'ath là bọn phải chịu trách nhiệm về các vụ đánh bom hôm Chúa Nhật Phục sinh ở đảo quốc này giết chết ít nhất 310 người và làm bị thương thêm 500 người nữa.

Rajitha Senaratne, bộ trưởng y tế, cho biết bảy kẻ đánh bom tự sát thực hiện các cuộc tấn công hôm Chúa Nhật, đều là công dân Sri Lanka , nhưng chắc chắn có quan hệ với những phần tử nước ngoài. “Có một mạng lưới quốc tế, nếu không, những cuộc tấn công không thể thành công,” ông Senaratne cho biết trong một cuộc họp báo.

Điều đáng nói là nhà chức trách ở Sri Lanka đã nhận được cảnh báo về các vụ tấn công khoảng hai tuần trước, Senaratne cho biết trong một cuộc họp báo. Tư lệnh cảnh sát Sri Lanka, tướng Pujith Jayasundara đã gửi một cảnh báo hồi đầu tháng này nói rằng National Thowheeth Jama'ath đang lên kế hoạch tấn công.

Ông viết:

“Một cơ quan tình báo nước ngoài đã thông báo rằng National Thowheeth Jama'ath đang có kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công tự sát nhắm vào các nhà thờ lớn cũng như Cao Ủy Ấn Độ tại Colombo”.

Phát biểu với các phóng viên, Senaratne cho biết các quan chức đã nhận được cảnh báo nhưng Thủ tướng và những người khác “hoàn toàn mù tịt về tình hình.” Tờ New York Times cho biết có những căng thẳng giữa Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremeinghe và Tổng thống Maithripala Sirisena. Đó có thể là một phần gây nên thảm họa này.

Hôm Chúa Nhật, thủ tướng Wickremeinghe cho biết rằng ông và nội các của mình đã không nhận được thông tin gì về lời cảnh báo này:

“Chúng ta phải nhìn vào lý do tại sao các biện pháp phòng ngừa thích hợp đã không được thực hiện”, ông nói.

Alan Keenan, một nhà phân tích cao cấp về Sri Lanka thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết có rất ít thông tin về nhóm National Thowheeth Jama'ath.

Trước các cuộc tấn công vào hôm Chúa Nhật, nhóm này chủ yếu liên quan đến việc phá hoại các bức tượng Phật ở Sri Lanka, mà cao điểm là vào tháng 12, năm ngoái. Các thành phần trong nhóm này đi vào các ngôi chùa và nhân lúc vắng người xịt sơn lên mặt các pho tượng Phật.

Tháng 12 năm ngoái, một số thành viên trong nhóm bị bắt quả tang khi xịt sơn vào một số pho tượng Phật trong một cuộc triển lãm.

Chính phủ Sri Lanka có lẽ đã đánh giá thấp nhóm National Thowheeth Jama'ath.

Keenan nói nhóm này có thể đã được tách ra khỏi tổ chức chính trị “Sri Lanka Thowheeth Jama'ath,” là nhóm có quan điểm cứng rắn và chủ trương bài Phật giáo. Keenan cũng lưu ý rằng nhiều tổ chức ở Sri Lanka cũng sử dụng tên “Thowheeth Jama'ath,” gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc của nhóm.

Thowheeth Jama'ath hiểu nôm na là “một nhóm vì danh một Thiên Chúa duy nhất.”

Tính chất phối hợp cao, và gây tiếng vang lớn trong các vụ tấn công nhắm vào các nhà thờ Công Giáo vào giữa lễ Phục sinh, cùng với các khách sạn sang trọng cho thấy nhóm này không thể thực hiện được các vụ đánh bom nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, Keenan nói.

Những cuộc tấn công như vậy là chưa từng có ở Sri Lanka

Quá khứ phức tạp của Sri Lanka chưa bao giờ ghi dấu bạo lực giữa Kitô hữu và người Hồi giáo ở nước này, Keenan nói.

“Sri Lanka là một nơi rất phức tạp. Nói chung, đã có sự căng thẳng và bạo lực giữa khá nhiều tầng lớp,” ông nói. “Nhưng tại Sri Lanka, người Hồi giáo là một cộng đồng rất tự chế và không thích đối đầu. Đó là lý do tại sao biến cố này phải có bàn tay của các thế lực bên ngoài.”

Theo dữ liệu điều tra dân số hồi năm ngoái 2018, 70.2% người Sri Lanka nhận mình là Phật giáo, 12% theo Ấn Giáo, 9.7% theo Hồi giáo và 7.4% theo Kitô giáo, trong số này rằng 82% các Kitô hữu Sri Lanka là người Công Giáo.

“Trong những năm gần đây, bạo lực ở Sri Lanka đã được truyền bá bởi những kẻ cực đoan Phật giáo,” Keenan nói. “Các nhóm Phật giáo cứng rắn, như Bodu Bala Sena, còn được gọi là Lực lượng Phật giáo, đã bị buộc tội gieo rắc thù hận và bạo lực chống người Hồi giáo.”

Tổng thống Maithripala Sirisena nói hôm thứ Hai rằng ông sẽ có cuộc gặp gỡ với các vị đại sứ các nước và các tổ chức Liên Hiệp Quốc để tìm kiếm sự trợ giúp chống lại các mưu toan khủng bố của các nhóm Hồi Giáo cực đoan trên đất nước ông.

2. Phóng sự của CNN về đám tang khổng lồ tại nhà thờ Thánh Sebastian ở Negombo, Sri Lanka

Các phóng viên Ivan Watson, James Griffiths, và Rebecca Wright có bài tường trình sau từ Negombo, Sri Lanka vào sáng thứ Ba 23/4/2019.

Sáng thứ Ba 23 tháng Tư, hàng trăm anh chị em giáo dân, hầu hết mặc đồ trắng, buồn bã đứng chật trong sân Nhà thờ Thánh Sebastian ở Negombo, phía bắc thủ đô Colombo, để tham dự thánh lễ an táng cho hơn 100 người đã chết tại nhà thờ này.

Sau vụ nổ tại nhà thờ vào Chúa Nhật Phục sinh, phần lớn nội thất của ngôi thánh đường đã bị hư hại nặng nề. Mái ngói đỏ của nhà thờ cũng không còn nữa. Những mảnh vỡ thủy tinh có thể được nhìn thấy rải rác xung quanh sân nhà thờ, khi các công nhân dọn ra ngoài những hàng ghế dính đầy máu của anh chị em giáo dân, cùng với một đống quần áo và giày dép của những người bị thương và những người đã chết.

Một cái lều lớn, màu trắng đã được dựng lên trong khuôn viên của nhà thờ, che chắn cho một bàn thờ tạm để dâng các thánh lễ. Người ta phải rùng mình trước một rừng các quan tài của những người thiệt mạng trong cuộc tấn công vào hôm Chúa Nhật.

Cha Ivan, một linh mục cao niên, là người điều hành một số trường Công Giáo ở Colombo, nói với CNN rằng ngài chưa từng thấy một đám tang lớn như thế tại Nhà thờ Thánh Sebastian từ năm 1984, ngay sau khi cuộc nội chiến đẫm máu bùng nổ.

Hơn 100 người đã chết trong các lễ Phục sinh tại nhà thờ, nằm ở trung tâm của một cộng đồng nơi có đông người Công Giáo tại thành phố Negombo. Đây là một trong số ít các khu vực ở quốc gia này mà Kitô hữu chiếm được đa số. Mọi người trong cộng đồng đều biết ít nhất một người thiệt mạng hoặc bị thương.

Đoạn phim do hệ thống an ninh của nhà thờ thu được về những khoảnh khắc trước khi vụ tấn công xảy ra cho thấy đó là một buổi lễ chật cứng anh chị em, tràn ra đến ngoài cổng nhà thờ, và mọi người đang chăm chú lắng nghe. Một linh mục nói rằng toàn bộ nhà thờ bị bao phủ bởi bụi và những mảnh vụn gây ra bởi vụ nổ.

Một số người được CNN phỏng vấn cho biết họ hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tấn công, không có bất kỳ sự căng thẳng nào với các tín hữu của các tôn giáo khác hoặc bất kỳ mối đe dọa nào chống lại người Công Giáo.

An ninh được thắt chặt - cảnh sát xếp hàng dài trên đường đến ngôi nhà thờ, là một trong ba địa điểm bị đánh bom vào ngày Chúa Nhật Phục sinh.

Các lực lượng an ninh, bao gồm quân đội và các bộ phận khác nhau của cảnh sát, lục soát túi xách và nắn trên thân thể từng người tham dự thánh lễ tại ba trạm kiểm soát khác nhau. Các lực lượng an ninh còn được trang bị cả những con chó đánh hơi.

Rebecca Wright của CNN, có mặt tại hiện trường, cho biết cô trông thấy anh chị em giáo dân khi đi qua một căn nhà gần nhà thờ đã dừng lại để tỏ lòng tôn kính, có lẽ là nhà của một trong những nạn nhân được nhiều người biết đến. Hàng trăm người đang tập trung tại cổng ngôi nhà bị hư hại, hát những bài thánh ca được dùng trong các lễ an táng.