Ngày 29-04-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:15 29/04/2009
PHÂN BIỆT NAM NỮ

N2T


Tiểu Thang Mẫu từ bãi cát chạy về, mẹ hỏi: “Có em bé nào khác đến chơi không ?”

- “Có ạ.”

- “Nam hay nữ ?”

- “Con làm sao biết được, chúng nó không mặc bất cứ áo quần gì ?”


(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Người Ki-tô hữu và người không phải là Ki-tô hữu thì khác nhau ở chỗ có đức tin và không có đức tin, và người ta biết rằng, bác ái chính là đồng phục của người Ki-tô hữu.

Có một câu chuyện nhỏ như thế này:

“Có một đám thanh niên uống rượu rồi to tiếng qua lại với nhau, cuối cùng thì đánh nhau không ai can nổi, kết quả kẻ thì bị bể đầu chảy máu, kẻ thì ôm bụng kêu la.v.v... ông cha sở đi ngang hỏi bà chủ quán: “Thế bà có biết đứa nào là giáo dân không ?” Bà chủ quán trả lời: “Dạ không biết, vì chẳng có đứa nào mang thánh giá trên mình cả !”

Nếu trong cuộc sống người Ki-tô hữu không mặc cho mình chiếc áo “bác ái” thì không ai biết mình là người Ki-tô hữu, và mình cũng chỉ là “trần trụi” như những người không có đức tin mà thôi.

Em bé chỉ phân biệt được ai là con trai khi người đó mặc áo quần của con trai, và biết được ai là con gái khi người đó mặc áo quần của con gái mà thôi, chứ không mặc áo quần gì cả thì chịu, không phân biệt được.

Cũng vậy, mang thánh giá trên mình, đi tham dự thánh lễ, làm việc bác ái, phục vụ tha nhân.v.v...là những chiếc áo bác ái làm cho người khác nhận ra mình là người Ki-tô hữu, tức là người có đức tin vậy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:16 29/04/2009
N2T


4. Khi Thiên Chúa hình như tỏ cho chúng ta thấy sai sót của người khác, thì không nên quá tự tin vào phán đoán của mình, có thể đó là giả đấy.

(Thánh nữ Catharina)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:18 29/04/2009
N2T


100. Tôi hy vọng bạn nên theo ý tứ của mình để lý giải mình, không nên xem thường mình rồi bị ý kiến của người khác dẫn vào đường sai.

 
Vị mục tử nhân lành
Giuse Đinh Lập Liễm
01:38 29/04/2009
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH B

VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH

+++

A. DẪN NHẬP

Nhiều người đã nghe Đức Giêsu giảng và làm phép lạ. Họ chỉ hiểu một phần nào giáo lý của Ngài nhưng chưa nhìn ra con người thật của Ngài. Câu hỏi “Ngài là ai” phải được đặt ra. Tuy nghe Đức Giêsu giảng và làm phép lạ như vậy, nhưng họ vẫn nghi ngờ về thân thế, uy quyền và sứ mạng của Ngài.

Để nói lên sứ mạng của Ngài, Đức Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn về người mục tử tốt lành. Người mục tử biết lo cho con chiên, tha thiết với đàn chiên, hiệp thông với đàn chiên, quên bản thân mình và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đàn chiên. Đức Giêsu tự nhận lấy danh hiệu ấy cho mình khi Ngài nói với họ:”Ta là Mục tử nhân lành”(Ga 10,14). Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta như mục tử ở giữa đàn chiên. Sự hiện diện của Ngài không phải là sự hiện diện của một người lãnh đạo đầy tham vọng, cũng không phải là sự hiện diện của một người cầm đầu mong được tung hô, nhưng là sự hiện diện của một người mục tử sống chỉ vì đoàn chiên và chỉ lo cho đoàn chiên được nuôi sống và được sống dồi dào.

Chúa Giêsu là mục tử nhân lành tối cao, Ngài lo cho mọi con chiên, nhưng Ngài cũng muốn dùng con người làm mục tử thay mặt Ngài mà săn sóc cho đàn chiên như khi Ngài nói với thánh Phêrô: ”Hãy chăm sóc các chiên của Thầy”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 4,8-12

Sau khi Phêrô chữa cho người què từ mới sinh được lành bệnh, ngài cùng với ông Gioan bị điệu đến Thượng hội đồng Do thái về việc chữa lành người què và vì việc ấy đã phạm đến cấm kỵ không cho phép người tàn tật vào đền thờ.

Trước Thượng hội đồng, Phêrô xác nhận người què ấy được khỏi không phải do quyền phép gì riêng của ông mà chỉ nhờ danh Đức Giêsu, Đấng mà họ đã giết chết nhưng Thiên Chúa đã cho sống lại.

Lợi dụng dịp này, Phêrô giảng về Đức Giêsu: Ngài là viên đá bị những người thợ xây loại bỏ, nhưng Thiên Chúa dùng Ngài làm viên đá góc. Trên trần gian này khó có một Đấng cứu độ nào khác ngoài Đức Giêsu Kitô, nhờ danh Ngài mà mọi người được ơn cứu độ.

+ Bài đọc 2: 1Ga 3,1-2

Thánh Gioan nói đến mức độ vô cùng lớn lao của tình yêu Thiên Chúa dành cho tín hữu. Ngài nói về tình yêu tuyệt vời mà Thiên Chúa đã bầy tỏ cho chúng ta, bằng cách làm cho chúng ta trở nên những con cái của Ngài. Tình trạng tương lai của chúng ta sẽ được trở nên giống như Đức Giêsu vinh quang. Bài học này mời gọi chúng ta hãy vui lên trong tình trạng của mình, với tư cách là những dưỡng tử của Thiên Chúa.

+ Bài Tin mừng: Ga 10,11-18

Trong những người nghe Đức Giêsu giảng, có nhiều thính giả là người chăn chiên. Đức Giêsu muốn giới thiệu mình là mục tử nhân lành đối với đàn chiên. Ngài muốn so sánh và phân tích mục tử tốt lành và người chăn chiên thuê.

* Người mục tử tốt lành có những đặc điểm này:

a) Thí mạng sống để bảo vệ đàn chiên.

b) Sống thông hiệp với đàn chiên: biết các chiên từng con một, và được các chiên biết.

c) Lo cho đàn chiên được no đủ và tăng thêm, lo tìm chiên lạc và đưa các chiên khác về

cùng một đàn và cùng một chủ chiên.

* Kẻ chăn chiên thuê thì không tha thiết gì với đàn chiên, gặp nguy hiểm thì bỏ chạy, họ

chỉ biết lo cho bản thân mình, để cho đàn chiên tan tác.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Ta là Mục tử nhân lành

I. MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH

1. Trong Cựu ước.

Ngày xưa, đề tài người mục tử xả thân cho đàn chiên là nguồn hứng khởi cho các văn sĩ Thánh kinh, khiến họ mô tả Thiên Chúa như một Đấng Mục tử. Thiên Chúa đã xả thân cho Israel không khác gì người mục tử, vì thế tác giả Thánh vịnh đã hát lên:

Đức Giavê là Mục tử tôi,

Tôi không còn thiếu gì.

Dù phải đi qua thung lũng tối đen

Tôi cũng không hề lo sợ.

(Tv 23,1-4)

Đức Giavê là Chúa chăn dắt Israel. Đây là một hình ảnh được thành hình do kinh nghiệm đời sống du mục từ thời tổ phụ của Israel. Hình ảnh người chăn chiên đưa ra hai liên lạc giữa Giavê và Israel: Ngài vừa là Thủ lãnh của Israel, nhưng đồng thời lại là Bạn. Ngài có đủ uy quyền với Israel, và đủ quyền lực để bảo vệ Israel, nhưng đồng thời Ngài đối xử với Israel một cách hết sức nhân từ và tế nhị. Chính Ngài lo liệu việc chăm sóc đó (x. Tv 23).

Từ đó những nhà lãnh đạo tôn giáo của Israel thay mặt Chúa ở trần gian, cũng được ví như các vị mục tử. Nhưng tiếc thay, có một số thủ lãnh thay vì lo cho đàn chiên, lại tác hại chúng, lợi dụng chúng cho mục đích riêng tư, làm cho chúng tan tác đáng thương hại. Khi điều này xẩy ra, tiên tri Ézéchiel đã nhân danh Chuá nói lên:

“Hỡi các mục tử của Israel, các ngươi đã bị băng hoại rồi ! Các ngươi chỉ biết lo cho bản thân mình chứ chẳng hề nghĩ đến bầy chiên... Các ngươi chẳng chăm sóc những con yếu đuối, chữa lành những con bệnh hoạn, băng bó những con bị thương tích, dẫn về những con lệch đường, hoặc tìm kiếm những con bị lạc mất. Vậy hỡi các chủ chăn, hãy nghe đây, Ta, vị Chủ Tể tối cao, Ta tuyên bố rằng... Ta sẽ tách bầy chiên ra khỏi các ngươi... Ta sẽ giao chúng cho một vị vua giống như Đavít tôi tớ Ta để làm mục tử của chúng và Người ấy sẽ lo lắng chăm sóc chúng”(Ez,2-4,9-10,23).

2. Trong Tân ước

Đứng trước bối cảnh này, Đức Giêsu đã thổ lộ tâm tình khi Ngài nói:”Ta thương dân này, vì chúng như đàn chiên không người chăn dắt”(Mt 9,36; Mc 6,34). Vậy chúng ta phải đọc bài Tin mừng hôm nay trong bối cảnh này để hiểu lời tuyên bố của Đức Giêsu:”Ta là Mục tử nhân lành, sẵn sàng liều mạng vì đàn chiên... Chúng sẽ nghe tiếng Ta và chúng sẽ trở nên một đàn chiên dưới quyền một chủ chiên”.

Nói cách khác, Đức Giêsu chính là nhân vật mà tiên tri Ezéchiel tiên báo. Giống như Đavít, người mục tử nhân lành, Ngài chăm sóc những con yếu đuối bơ vơ, chữa lành con nào bệnh hoạn, và đi tìm những con chiên lầm đường lạc lối. Nhưng Đavít chỉ là hình ảnh một người chăn chiên khác hoàn hảo hơn. Đó là Đavít mới (Gr 3,15; Ez 34,23t). Người chăn chiên hoàn hảo Thiên Chúa sai đến là Đức Giêsu Kitô.

II. ĐỨC GIÊSU, VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Người Do thái thời Đức Giêsu thường có thái độ nghi ngờ về thân thế, việc làm, uy quyền và sứ mạng của Đức Giêsu. Trong bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu dùng dụ ngôn về người chăn chiên nhân lành để họ thấy rõ uy quyền đích thực của Ngài. Ngài khẳng định:”Ta là Mục tử nhân lành”

Ta thấy có sự khác biệt giữa người chủ chăn và người chăn chiên thuê:

1. Người chăn chiên thuê:

Người chăn chiên thuê không phải là chủ đàn chiên nên không mấy tha thiết với đàn chiên, họ không dám hy sinh bảo vệ đàn chiên khi gặp nguy hiểm. Vì không có tình yêu tha thiết với đàn chiên nên họ cũng không sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, vất vả, họ trốn tránh trách nhiệm một cách dễ dàng.

Đức Giêsu gọi những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái là những kẻ chăn thuê, họ chỉ lo lắng đến các tư lợi do chức vụ đem đến, chứ không tha thiết gì đến đàn chiên, vì vậy khi gặp nguy hiểm là họ chạy trốn để đàn chiên tản mát.

2. Người chủ chăn

Trái lại, người chủ chăn thương yêu đàn chiên, tha thiết với đàn chiên, không nghĩ đến ích lợi cho mình, sẵn sàng hy sinh cho đàn chiên bất chấp nguy hiểm. Người chủ chăn có ba đặc điểm sau đây:

a) Hiệp thông với đàn chiên:

Người chủ chiên biết các chiên, biết từng con một, và ngược lại chiên biết chủ. Đây là hành động hỗ tương. Biết một cách riêng biệt, từng con chiên một với các hoàn cảnh, nhu cầu, khát vọng của con chiên. Con chiên biết nhận ra tiếng của chủ chăn. Thật là những người bạn tri âm. Như thế sự biết hỗ tương này sẽ đưa đến một cuộc sống thân mật giữa hai bên. Đúng thế, chữ “Biết” của Gioan, không những bao hàm nghĩa trí tuệ, nhưng còn là sự hiệp thông cuộc sống dựa trên tình yêu và lý trí. Sự thông hiệp này đã có nơi Chúa Cha và Chúa Con. Đức Giêsu cũng sánh ví sự hiệp thông như thế giữa Ngài và các con chiên.

Truyện: Con mắt của vị hoàng đế

Đại tướng Marbot, trong một tập ký sự có kể lại: một hôm khi còn là thiếu úy, vua Napoléon sai ông làm một việc cực kỳ nguy hiểm. Đó là giữa đêm khuya, luồn qua bọn lính tuần tiễu đối phương, bắt một người lính Áo đứng canh bên kia bờ sông Danube, tra khảo để xem tình thế quân địch. Sau bao nhiêu cố gắng không thể tưởng tượng được, toán quân của thiếu úy vượt qua được khúc sống và bắt được ba người lính Áo. Sau khi đã hoàn thành công tác, họ đẩy thuyền ra xa, chèo về. Bỗng giòng nước cuốn mạnh đẩy một gốc cây lớn xô mạnh vào thuyền. Tiếng động đó báo hiệu cho bọn lính tuần tiễu Áo. Họ vùng lên bắn xối xả.

Trong cơn nguy biến cùng cực ấy, viên thiếu úy bỗng nhìn thấy một ánh lửa toả ra từ sườn núi chỗ đóng quân bên kia bờ. Viên thiếu úy đã hiểu rằng Napoléon đã theo dõi cuộc xô xát và đang chăm chú nhìn từ cửa sổ của ông.

Đôi mắt phượng hoàng của Napoléon đã xoá tan bóng tối để gửi đến cho những người lính trẻ sự cổ võ, khuyến khích. Viên thiếu úy có cảm tưởng như nhà vua đã quên hết cả một đạo binh để chỉ nhìn về phía anh. Sự chăm chú theo dõi của nhà vua đã đem lại cho những người lính trẻ sự phấn khởi để giúp họ vượt qua được khó khăn và trở về an toàn.

Như người Mục tử nhân lành, Chúa cũng đã chăm chú theo dõi, và nhìn chúng ta như thể chỉ có mỗi người chúng ta là đáng được chú ý. Thiên Chúa chăm sóc chúng ta như chăm sóc một đàn chiên trong đó mỗi con vật chỉ là một con số. Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu biệt loại. Người gọi tên từng người trong chúng ta. Ngài đối xử với chúng ta như thể chỉ có ta là người duy nhất hiện hữu trên trần gian này.

(Cử hành Phụng vụ CN và Lễ trọng, tr 136)

b) Qui tụ và hợp nhất đàn chiên

Người chủ chăn mở đường tìm lối cho những con chiên lạc trở về một đàn vì có những con chiên lầm đường lạc lối. Ngoài ra, còn muốn thu thập các con chiên khác qui tụ lại trong đàn chiên này là dân Israel, ám chỉ Giáo hội sau này, nói lên tính cách phổ quát của Giáo hội. Biểu tượng người chăn chiên nhân lành là một dịp để Chúa quảng diễn vai trò của Ngài hướng dẫn cả thế giới:”Ta còn những con chiên khác không thuộc về đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn... và sẽ có một đàn chiên và một chủ chiên”. Tất cả mọi người là con chiên của Chúa, chỉ có một Thiên Chúa độc nhất và một Giáo hội duy nhất.

Truyện: Pho tượng Chúa chiên lành

Pho tượng gây xúc cảm nhất cho khách hành hương La mã là pho tượng Chúa chiên lành vác con chiên thất lạc trên vai đem trở về. Dưới pho tượng, có ghi câu của Abercies vào cuối thế kỷ II rằng:”Ta là môn đệ của một Mục tử thánh thiện đã dẫn đàn chiên ra đồng cỏ xanh tươi bên sườn núi và dưới đồng bằng, vị mục tử có đôi mắt lớn nhìn đến khắp mọi nơi”.

Chúa Kitô chính là người Mục tử nhìn xa thấy rộng ấy. Nhờ sự chết và phục sinh, Chúa đã đạp đổ mọi ngăn cách để mở rộng đàn chiên, bao trùm cả thế giới.. Đàn chiên ấy, ngày nay chúng ta chỉ được nhìn thấy một phần nhỏ và hạn hẹp, sau này trên chốn vinh quang mới được chứng kiến tầm vóc vĩ đại của đại gia đình Thiên Chúa.

(Hồng Phúc, Suy niệm Lời Chúa, năm B, tr 70-71)

c) Thí mạng để bảo vệ đàn chiên.

Đoạn Kinh thánh này vạch ra nét tương phản giữa người chăn tốt và kẻ chăn xấu, người chăn trung thành và kẻ chăn bất trung. Người chăn ở Palestine phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về bầy chiên, nếu có sự gì xẩy ra cho chiên, người ấy phải trưng bầy bằng cớ để chứng minh mình không có lỗi. Luật pháp qui định: ”Nếu con vật bị thú rừng xé chết, người lãnh giữ phải đem nó ra làm chứng”(Xh 22,12). Ở đây muốn nói la kẻ chăn phải mang về một bằng cớ nào đó, để chứng minh rằng chiên ấy đã chết, và anh không thể ngăn chặn được cái chết ấy.

Với người chăn, liều mạng để bảo vệ bầy chiên là điều tự nhiên. Lắm khi họ còn phải làm nhiều điều hơn thế nữa để cứu chiên.

Truyện: Liều mạng cứu chiên

Trong quyển The land and the Book, Thomas Thompson có ghi lại câu chuyện bi đát như sau: Một ngày nọ có chàng mục đồng trẻ tuổi dẫn đàn súc vật đi về vùng lân cận ngọn núi Thabor. Bỗng có ba tên cướp đường người Ả rập xuất hiện. Chàng thanh niên biết rõ chàng sẽ gánh chịu những hậu quả khôn lường, thế nhưng chàng đã không bỏ trốn. Chàng kiên cường chiến đấu để giữ cho bầy súc vật của chàng khỏi rơi vào tay lũ thổ phỉ. Đoạn cuối được kết thúc bằng cái chết liều mạng của chàng thanh niên cho đàn cừu của chàng.

III. KITÔ HỮU CŨNG LÀ MỤC TỬ

1. Sứ vụ của Đức Giáo hoàng

Đức Giêsu đã trao phó trách nhiệm coi sóc đàn chiên của Chúa khi Chúa nói với ông Phêrô tới ba lần:”Hãy chăm sóc chiên của Thầy”(Ga 21,15-17). Và sau khi Chúa về trời, thánh Phêrô trở nên vị lãnh tụ tối cao trong Giáo hội, vị Giáo hoàng đầu tiên đặt ngai tòa tại Rôma, các tông đồ và mọi tín hữu phải qui phục quyền hướng dẫn của Ngài. Giáo hoàng là vị đại diện Thiên Chúa ở trần gian.

Truyện: Quo vadis ?

Dưới thời bạo chúa Néron bắt đạo. Rôma ngập tràn máu lửa, biết bao nhiêu tín hữu đã chết dưới tay ông bạo chúa điên loạn, bạo tàn.

Giáo hội non trẻ do Đức Giêsu thiết lập như sắp rã rời tan tác. Phêrô là con chim đầu đàn, là trụ cột của Giáo hội. Các tín hữu tha thiết xin Phêrô trốn khỏi Rôma, để tiếp tục hướng dẫn đoàn chiên. Người anh cả một thoáng phân vân, chần chừ. Quả thật đoàn chiên đang nao núng vì sợ thiếu vắng đầu đàn, sao có thể giữ vững niềm tin ? Thầy đã chẳng khuyên khi người ta bắt bớ chúng con ở thành này, thì hãy trốn sang thành khác sao ? Phêrô xách bị gậy đi trốn. Đụng Thầy ở cổng thành, Phêrô hỏi:

- Quo vadis, Domine ? Thưa Thầy, Thầy đi đâu ?

Chúa Giêsu trả lời:

- Nếu con bỏ các Kitô hữu của Thầy thì Thầy sẽ quay lại để chịu đóng đinh cho họ một lần nữa.

Phêrô hiểu ngay lời Thầy, quay trở lại Rôma để an ủi khích lệ đoàn chiên.

2. Sứ vụ các Giám mục, Linh mục

Theo kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, một số ít người trong dân Chúa được gọi, được chọn để đóng vai người mục tử của cộng đoàn. Đó là các Giám mục. Linh mục tức các thừa tác viên có chức thánh. Công việc được giao cho các vị, chính là việc chăn dắt, chăm lo cho đoàn chiên của Thiên Chúa. Tác vụ của các vị là làm sao cho đoàn chiên chẳng những được an toàn mà còn được ăn uống no nê, béo tốt. Trách nhiệm ấy thật cao cả nhưng cũng thật khó khăn và nặng nề. Cao cả vì các vị phải hiện-tại-hoá tấm lòng và cách sống yêu thương và hy sinh xả kỷ của Chúa Giêsu và của Thiên Chúa đối với cộng đồng anh chị em được giao phó cho các vị. Khó khăn và nặng nề vì các vị vẫn là những con người phàm trần với nhiều yếu đuối và đam mê như mọi người khác.

Nhìn vào thực tế, một thực tế không thể chối cãi được và cũng rất bình thường, chúng ta thấy các vị chủ chăn có một vai trò quan trọng trong đời sống thiêng liêng của một cộng đoàn. Nhìn vào thực tế chúng ta cũng thấy rõ là không phải tất cả các vị chủ chăn đều có được tấm lòng yêu thương và cách sống hy sinh quên mình vì đoàn chiên. Vẫn còn đó, những ích kỷ, nhưng vụ lợi, những hưởng thụ không chính đáng ! Vẫn còn đó, những lạm dụng danh nghĩa, những tự tôn tự đại ! Vẫn còn đó những ngại hy sinh, những cách phục vụ nửa chừng nơi các vị chủ chăn của chúng ta.

Nhưng cũng không thiếu gì những vị mục tử hy sinh vì đàn chiên, những gương lành sáng chói còn ghi trong sử sách. Một Gioan Vianney đã tô điểm sáng chói cho khuôn mặt vị Mục tử nhân lành tối cao ! Chính vì thế mà Giáo hội mới tha thiết mời gọi tất cả mọi Kitô hữu cầu nguyện cách đặc biệt cho các vị, để các vị trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng chăn chiên nhân lành. Không có ơn đặc biệt của Thiên Chúa, không ai làm được những chuyện “ngược đời” mà Phúc âm đòi hỏi.

3. Sứ vụ của mọi Kitô hữu

Mọi người đã được chịu phép Thánh tẩy đều được tham gia vào ba chức năng của Chúa Kitô, đó là: chức năng tư tế, chức năng tiên tri và chức năng cai trị. Nhưng theo tư tưởng của Đức Kitô thì “Cai trị là phục vụ”. Ai mà không có quyền phục vụ ? Ai có thể nói là mình không thể phục vụ được trong bất cứ một lãnh vực nào hay một hoàn cảnh nào ?

a) Trong đời sống Kitô hữu nói chung

Nhìn sâu hơn nữa vào tinh thần Phúc âm, chúng ta phải quả quyết rằng: không chỉ có các thừa tác viên có chức thánh mới có sứ vụ mục tử, mà mọi Kitô hữu lớn nhỏ, nam nữ đều được tham gia vào sứ vụ chăm sóc của Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, bí tích Thánh Tẩy đã khiến chúng ta thành chi thể của Thân Mình Mầu nhiệm mà Chúa Kitô là Đầu. Là chi thể, chúng ta mang trong mình tư cách, tính chất, sứ vụ của Đầu. Nếu Đức Giêsu là Mục tử thì mọi Kitô cũng đều là người chăm lo cho anh em là chi thể của Thân mình

b) Trong đời sống gia đình nói riêng

Gia đình được gọi là Hội thánh tại gia. Trong Hội thánh lớn hay nhỏ đều phải có tổ chức, phải có đầu có cuối như người ta thường nói: ”Kim chỉ phải có đầu”. Chúa Kitô đã trao cho thánh Phêrô nhiệm vụ coi sóc Hội thánh toàn cầu, thì Ngài cũng trao cho các Giám mục, rồi đến Linh mục nhiệm vụ chăm sóc Hội thánh tại địa phương là Giáo phận, giáo xứ.

Như vậy, Chúa cũng trao cho cha mẹ nhiệm vụ chăm sóc gia đình – một Hội thánh tại gia – để cha mẹ thi hành sứ vụ mục tử đối với con cái cũng như con cái có sứ vụ chăm lo cho cha mẹ; vợ có sứ vụ mục tử đối với chồng và chồng có sứ vụ mục tử đối với vợ; anh em chị em có sứ vụ mục tử đối với nhau và cứ thế mà rộng ra toàn xã hội và thế giới: mọi người có sứ vụ chăm lo cho nhau, vì mọi người là con cái của Thiên Chúa, đều là anh chị em của nhau, đều thuộc về một ràn chiên duy nhất của Chúa Giêsu Kitô.

4. Sứ vụ hiệp nhất của Kitô hữu

Đức Giêsu muốn qui tụ tất cả các chiên vào trong một đàn chiên, dưới sự hướng dẫn của một Chúa chiên. Nỗi thao thức của Đức Giêsu trước khi vào cuộc tử nạn là cho mọi người hiệp nhất nên một. Tâm tình này đã được Đức Giêsu thổ lộ trong bữa Tiệc ly:”Xin cho chúng hiệp nhất nên một”(Ga 17,23). Nhưng sau khi Chúa về trời rồi, Hội thánh vẫn còn chia rẽ. Hội thánh được ví như một tấm vải bị xé ra nhiều mảnh, cần phải được nối kết lại.

Công đồng Vatican II tha thiết mong mỏi tái lập sự hiệp nhất giữa tất cả các môn đệ của Chúa Kitô, nên muốn cung ứng cho mọi người Công giáo sự trợ lực, đường lối và phương sách để họ có thể đáp ứng lời mời gọi và ân sủng của Thiên Chúa (Sắc lệnh về hiệp nhất, số 1).

Hàng năm Giáo hội tổ chức tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất từ ngày 18-25 tháng giêng. Tuần lễ hiệp nhật này là sáng kiến của một mục sư Anh giáo ở New York, ông Wattson và người bạn của ông là ông Spencer Jones ở Luân đôn. Kết quả đầu tiên của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất này là sự trở lại Công giáo của chính mục sư Wattson, sau là Linh mục Paul Francis, đồng thời cả cộng đoàn (Association de Réparation) của ông lập cũng trở lại Công giáo. Đức Piô X đã chấp thuận tuần lễ hiệp nhất này trong Giáo hội.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Việc làm chứng của người môn đệ trong Tông Đồ Công Vụ
Thanh Quang, CSsR
01:39 29/04/2009
VIỆC LÀM CHỨNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ TRONG CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ

Qua sách Công Vụ Tông Đồ (Cv), thánh Luca đã cho ta thấy Giáo Hội Công Giáo thời sơ khai là một Giáo Hội hết sức “sầm uất”, đầy năng động, đầy khí thế, đầy sinh lực. Giáo Hội hay nói đúng hơn là các Tông đồ, môn đệ đã hăng say loan báo Tin Mừng và đẩy mạnh việc làm chứng. Chúng ta thấy rõ điều này trong Cv 1,12-5,42. Tuy nhiên, chúng ta chưa thấy rõ sách Cv hiểu thế nào về việc làm chứng của các môn đệ. Chúng ta cùng nhau lược qua Cv 1,12-5,42 để có thể thấy rõ hơn sách Cv có cái nhìn thế nào về “việc làm chứng của các môn đệ”. Vậy chúng ta cùng nhau tìm hiểu vấn đề này để có thể đưa ra được lời giải đáp thỏa đáng.

1. “Việc làm chứng của các môn đệ” được hiểu như thế nào? Nội dung của việc làm chứng ấy là gì?

Khi nói về “chứng nhân” ta thấy Sách Cv là quyển sách thuộc Tân Ước trong đó từ chứng nhân và các từ phát sinh (làm chứng, chứng tá, chứng từ) được sử dụng nhiều nhất: 29 lần. Bởi lẽ quyển sách này là sách về việc làm chứng. Quả thế, sách Cv là sách về việc làm chứng vì tác giả sách kể lại những lời chứng, những việc làm chứng, những phép lạ, những điều lạ lùng mà Thiên Chúa đã thực hiện qua các môn đệ, những người theo Chúa Kitô. Vậy việc làm chứng này là những việc gì? Và nội dung việc làm chứng ra sao? Dựa vào Cv 1,12-5,42, chúng ta thấy rõ và có thể trả lời cho những câu hỏi này. Làm chứng ở đây không hẳn giống như làm chứng qua việc trình bày những gì đã thấy, đã nghe, đã đụng chạm như đã thấy, nghe, đụng chạm. Việc làm chứng ở đây phải được hiểu là một chứng nhân. Chứng nhân này đã từng gắn bó, trải nghiệm, kinh qua – có thể nói là sống chết – với người, với hoàn cảnh, với biến cố mà nay có nhiệm vụ nói ra, “tuyên cáo”, “chứng thực” những sự kiện biến cố ấy, kể cả việc lấy mạng sống mình để làm chứng cho sự thật (x. thêm Thánh Công đồng chung Vatican II, Phân Viện khoa thần học Giáo hoàng Học viện thánh Piô X, Đà Lạt – Việt Nam, 1972, tr 1006-1007). Bởi thế, chúng ta thấy rõ vì sao Luca đề cập đến việc tuyển chọn ông Matthia để thay thế cho Giuđa – kẻ phản bội Đức Giêsu. Việc chọn này không đơn thuần là việc chọn nhưng bao hàm lòng tin, cầu nguyện xin ơn Chúa soi sáng để việc làm này mang lại kết quả – chọn ra đúng chứng nhân tông đồ – theo đúng thánh ý Chúa chứ không theo ý người phàm (x. Cv 1,15-26). Lời của thánh Phêrô cho chúng ta thấy rõ: “… Phải có một người trở thành chứng nhân cùng với chúng tôi để làm chứng Người đã Phục Sinh” (Cv 2,22).

Đến đây, chúng ta mới có thể nói được rằng, việc làm chứng ở đây chính là việc làm chứng của các tông đồ, môn đệ Đức Giêsu. Họ là những chứng nhân – những nhà thần học về các hoạt động cứu độ của Chúa. Các môn đệ làm chứng cho Chúa Kitô, cho biến cố tử nạn, Phục Sinh Của Đức Kitô (x. Thuật ngữ Thần học, 2002, tr 25), cho sứ mạng Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa,… làm chứng tất cả những điều Người đã nói với mình (x. Cv 26,16; x. J.Dheilly, Từ điển Kinh Thánh, I, A-C, Desclec, 1993, tr 283-287; x. Ga 20,21; Lc 24,48; Mt 28,19-20; x. J.Dheilly, Sđd, IV, Q-Z, tr 1710-1715). Việc làm chứng ấy cũng chính là việc rao giảng Tin Mừng (Cv 2,14-36; Mt 24,14). “Các môn đệ sẽ phải long trọng chứng thực trước mặt mọi người về tất cả những sự kiện đã xảy ra từ Phép Rửa thánh Gioan Tẩy Giả đến lúc Người về trời, và đặc biệt về sự sống lại, biến cố này đã xác nhận Người là Chúa” (x. Cv 1,22; 2,32)… “Vai trò làm chứng nhân cho Đức Giêsu còn trở nên rõ rệt hơn, khi các môn đệ phải ra trước các quyền bính và tòa án để làm chứng về Người,…” (Điển Ngữ Thần học Thánh Kinh, I, Phân Viện Thần học Giáo Hoàng Học viện thánh Piô X, Đà Lạt – Việt Nam, 1973, tr 326-327; x. Cv 4,1-22; 5,21-33).

Vậy việc làm chứng ở đây bao hàm cả lời nói, việc làm (x. Cv 5,21-33; 3,1-10), đời sống (x. Cv 2,42-47; 5,32-35) và cả mạng sống nữa (x. Cv 5,40-41). Tất cả nhằm làm chứng cho Chúa Kitô chết và Phục Sinh và ơn cứu độ của Người.

2. Việc làm chứng của người môn đệ là một sứ mạng?

Đúng vậy. Đó là một sứ mạng cao cả mà chính Chúa Kitô trao phó (x. Mt 28,19-20; x. Cv 1,8; 4,10; Gl 13,16; x. Điển Ngữ Thần học Thánh Kinh, I, Sđd, tr 326-327), để làm cho muôn dân được cứu độ và trở thành môn đệ Chúa Kitô (x. Mt 28,19; Cv 5,42). Vì là sứ mạng từ Thiên Chúa, từ Chúa Kitô nên Giáo Hội hay đúng hơn là các môn đệ phải vâng lời Thiên Chúa hơn người phàm (x. Cv 4,4). Quả vậy, sứ mạng này quá cao cả, sức con người khó có thể thực hiện nếu không có ơn Chúa trợ giúp (x. Cv 4,33).

3. Việc làm chứng ấy dựa vào đâu? Và ai cộng tác với các môn đệ trong việc làm chứng?

Sau khi đã được đầy tràn Thánh Thần (x. Cv 2,4), và dường như Thánh Thần đòi buộc các tông đồ phải làm chứng cho Đức Giêsu” (x. Chú thích “l” Cv 4,20 của CGKPV, Kinh Thánh, Tân Ước, Tòa Tổng GM Tp.HCM, 1994, tr 512), các môn đệ đã mạnh mẽ giảng dạy, làm phép lạ,… nói chung là can đảm làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh (x. Cv 2,14-36); dù có bị bắt bớ, tống ngục cũng không từ nan, không chùn bước. Vì sao? Bởi vì các môn đệ đã dựa vào chính Thiên Chúa, Đức Giêsu, Lời Thiên Chúa, Lời Đức Giêsu Kitô, dựa vào sức mạnh của Thánh Thần để thực hiện việc làm chứng. Chúng ta thấy rõ điều này khi các môn đệ quả quyết mạnh mẽ trước chất vấn của Thượng Hội Đồng Do Thái: “Bấy giờ ông Phêrô và các Tông đồ khác đáp lại rằng: ‘Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm (Cv 5,29). Sau đó, các môn đệ tiếp tục mạnh mẽ việc làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh – là Chúa và là Đấng Cứu Độ – (x. Cv 5,30-31). Các môn đệ không cậy dựa vào sức mình. Các ông có làm chứng được là nhờ vào sự biến đổi của Thánh Thần và ân huệ của Thiên Chúa. Người ta quá biết các môn đệ xuất thân từ đâu, trình độ thế nào. Các môn đệ chỉ “là những người không có chữ nghĩa và thuộc giới bình dân” (x. Cv 4,13-17; 2,14-36; 3,1-10), khiến cho người ta phải kinh ngạc, sửng sốt và thán phục (x. Cv 2,6-8; 4,13).

Tự sức các môn đệ không thể làm được gì. Sách Cv cho ta thấy rõ, chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã cùng cộng tác với các môn đệ trong việc làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh. Chỉ sau biến cố Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-12), các Môn đệ mới được đổi mới hoàn toàn: từ nhút nhát đến mạnh mẽ, từ dốt nát đến giỏi giang và uyên thâm, từ ngư phủ lưới cá trở thành dân được tuyển chọn để trở thành người “chài lưới người”, thu phục muôn dân về cho Chúa Kitô, để họ cũng được cứu độ (x. Cv 2,7-8; 4,13). Sách Cv cho chúng ta thấy rõ, tất cả việc làm chứng của các môn đệ đều được tác động, hướng dẫn, soi sáng của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần là “cộng tác viên” đắc lực nhất của các môn đệ trong việc làm chứng để đem muôn dân về cho Chúa Kitô.

Ngoài ra, chúng ta cũng còn thấy tất cả tín hữu trong cộng đoàn cũng đồng tâm hiệp lực, cùng cầu nguyện, cùng sống và làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh (x. Cv 2,42-47; 4,32-34).

Các môn đệ đã dùng mọi khả năng, sức lực do Thánh Thần ban (x. Cv 2,1-4), phương tiện qua việc dùng lời nói, cử chỉ, hành động, việc làm để làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh trong mọi hoàn cảnh. Có khi gặp thử thách, khó khăn nguy hại đến mạng sống, nhưng các môn đệ vẫn sẵn sàng can đảm để làm chứng cho sự thật, cho Đức Giêsu Phục Sinh (x. Cv 4,31.33; 5,40-41).

4. Kết quả của việc làm chứng:

Sách Cv cho ta thấy, việc làm chứng của các môn đệ đã đem lại những kết quả thật kinh ngạc, nhanh chóng, hiệu nghiệm. Bởi lẽ, việc làm chứng (theo quan niệm rõ ràng của Sách Cv) của các môn đệ có liên hệ, liên quan mật thiết đến sự sống còn của con người, đến ý nghĩa, cùng đích tối hậu của con người, đến sự sống và ơn cứu độ của con người, đến khát vọng thâm sâu của con người là sự sống đời đời. Chính vì thế, sau việc làm chứng của các môn đệ, có rất nhiều người đã bị đánh động và tin theo, trở thành môn đệ Chúa Kitô (x. Cv 5,14). Nhiều người kéo đến (Cv 2,6), tin theo (2,41; 4,4; 4,7; 5,14),… “Mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,47); cộng đoàn tín hữu sống gương mẫu, đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện, làm lễ bẻ bánh,… (x. Cv 2,42-47; 5,32-35), đóng góp của cải để cộng tác vào việc làm chứng (x. Cv 4,36-37).

Việc làm chứng của các môn đệ đã đem lại kết quả đáng khâm phục và mỹ mãn: nhiều người tin nhận Đức Giêsu là Chúa và được đón nhận ơn cứu độ.

Sách Tông đồ Công vụ đã hiểu “việc làm chứng của các môn đệ” thật rõ ràng, không mơ hồ: việc làm chứng này có giá trị cả về mặt lịch sử và nhất là giá trị về ơn cứu độ. Việc làm chứng này là việc làm chứng về một sự thật có liên quan hệ trọng đến vận mạng của con người: Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa – đã nhập thể, nhập thế làm người để thực thi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha, qua chính đời sống, cái chết và Phục Sinh vinh hiển của Người. Tất cả những ai tin và đón nhận việc làm chứng này (cho Tin Mừng) cách tích cực thì đều được sống trong ân huệ, tình yêu, sự sống và ơn cứu độ sung mãn của Chúa Kitô (x. 1 Ga 1,2) – Đấng Phục Sinh – vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi (x. Dt 12,8) – và được sống trong sự sống sung mãn của Thiên Chúa hằng sống.
 
Mục tử với đoàn chiên
LM Inhaxiô Trần Ngà
14:35 29/04/2009
Chúa Nhật 4 phục sinh (Gioan 10, 11-18)

Hình ảnh mục tử sống giữa đàn chiên là hình ảnh rất thân quen đối với dân Do-Thái ngày xưa chuyên sống đời du mục. Hình ảnh nầy được Thánh Kinh Cựu Ước sử dụng nhiều lần để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dùng lại hình ảnh nầy như một biểu tượng cao đẹp để diễn tả tình thương cao vời Người dành cho nhân loại với những nét lớn sau đây:

1. Thiên Chúa muốn sống hoà mình thân mật với chúng ta

Thiên Chúa là Chúa Tể càn khôn, là Tạo Hoá quyền năng cao cả, còn loài người chỉ là tạo vật thấp hèn. Cách biệt giữa Thiên Chúa và loài người thật quá bao la.

Thế nhưng Thiên Chúa muốn vượt qua mọi cách biệt để sống chan hoà với con người. Người không muốn duy trì quan hệ đẳng cấp kiểu vua-tôi, chủ-tớ với con người nhưng muốn sống hài hoà thân mật với hết thảy chúng ta.

Để diễn tả tình thân nầy, Chúa Giê-su tự ví mình như mục tử nhân lành sống giữa đoàn chiên nhân loại.

Đẹp thay hình ảnh người chăn chiên hiền lành đang ngồi giữa bầy chiên đông đúc: có chiên thì được ẵm vào lòng; có chiên thì được khoác lên vai; còn những chiên khác thì quấn quýt chung quanh, hếch những chiếc mõm hồng hồng dễ thương và giương những cặp mắt ngây thơ nhìn người mục tử.

Qua biểu tượng mục tử với đàn chiên, Chúa Giê-su tỏ cho thấy Thiên Chúa muốn vui sống giữa loài người và tương quan giữa đôi bên hết sức thân mật không còn khoảng cách.

2. Thiên Chúa nuôi dưỡng chúng ta cách chu đáo

Thánh vịnh 23 phác hoạ chân dung Thiên Chúa như Vị Mục Tử nhân lành tận tình nuôi dưỡng đoàn chiên cách chu đáo, chẳng để chiên phải thiếu thốn điều gì.

“Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi” (Tv 23, 1-3)

Các mục tử trên đời nầy nuôi chiên nhằm khai thác chiên: xén lông, xẻ thịt hoặc bán chiên lấy tiền, còn Mục Tử Giê-su thay vì khai thác trục lợi đoàn chiên thì lại hiến thân mình làm lương thực để chiên được dồi dào sức sống: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên tôi được sống và sống dồi dào” (Gioan 10, 10)

Người chấp nhận trao ban chính mình làm bánh nuôi sống nhân loại đang lầm than đói khát: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Gioan 6, 35),

3. Chúa là Đấng chăm sóc chúng ta tận tình

Qua miệng ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa tỏ cho thấy Người chăm lo săn sóc từng người chúng ta rất ân cần: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta. Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh” (Edekien 34, 15-16)

Qua dụ ngôn người mục tử bỏ 99 con chiên nơi hoang địa để đi tìm con chiên lạc, Chúa Giê-su tỏ cho thấy Thiên Chúa chăm sóc chi li từng người một, không muốn bất kỳ một ai phải hư vong. (Luca 15, 4-7)

4. Chúa là Đấng hy sinh mạng sống để bảo vệ chúng ta

Khác xa người chăn thuê cao chạy xa bay khi thấy đàn sói hung tàn xông tới vồ xé bầy chiên, Mục tử Giê-su chấp nhận hy sinh mạng sống mình để bảo vệ đến cùng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành... tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Gioan 10, 11-15)

Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Mục tử có một không hai trên đời:

Chúa sống hoà mình thân mật với chiên,
nuôi dưỡng chiên chu đáo,
chăm sóc chiên tận tình,
và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đoàn chiên.
Xin cho gương sống tuyệt vời nầy sẽ mãi mãi là lời mời gọi và là động cơ thúc đẩy chúng con trở nên mục tử nhân lành như Chúa.

Xin thương giúp cho các bậc cha mẹ trở thành mục tử tốt trong gia đình, các linh mục trở thành mục tử nhân lành trong giáo xứ, Thầy Cô trở thành mục tử cao quý ở trường học… để mỗi người chúng con tuỳ theo chức phận mình, biết tận tình nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ đoàn chiên Chúa trao cho chúng con theo gương người Mục Tử nhân lành là chính Chúa. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:16 29/04/2009
TRÒ ĐÙA THANG MÁY

N2T


Bách Bang không chịu nỗi, sau khi ấn nút thang máy thì đợi muốn nổi khùng, tức giận vì thang máy quá chậm chưa xuống.

Cuối cùng thì thang máy cũng xuống, bà ta dùng tay túm lấy cô gái thang máy hét lớn: “Cô đi lên chỗ nào ?”

“Thưa bà, ở trong thang máy bà có thể đi đâu được chứ ?”

(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Con người ta khi giận dữ thì mất khôn, cho nên thường làm hỏng việc của mình cũng như của người khác.

Tốc độ nhanh chậm của thang máy thì ngày nào giờ nào cũng như nhau, hôm nay không chậm hơn hôm qua, và ngày mai thì tốc độ của nó vẫn thế nếu không có sự cố, thế nhưng bởi vì con người ta vì nôn nóng, giận dữ nên cảm thấy nó đi chậm mà thôi.

Giận dữ thì như cái thang máy chật hẹp, khi vận hành thì không ai có thể bước ra ngoài được, và chỉ bước ra ngoài khi thang máy dừng lại mà thôi.

Giận dữ hủy hoại nhanh chóng nhân cách của con người như tốc độ của thang máy, và chỉ có can đảm tự kiềm chế mình thì mới giải tỏa nó được, giống như thang máy chỉ dừng lại khi có người điều khiển nó mà thôi.

Người Ki-tô hữu thường dùng sự khiêm tốn để điều khiển cơn nóng giận, và dùng sự hiền lành để thay thế cho sự giận dữ...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:19 29/04/2009
N2T


5. Không thể kết tội người khác, thậm chí cũng không được dùng mắt để kết tội, bởi vì chúng nó thường bị che khuất.

(Thánh Clemens I)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:20 29/04/2009
N2T


101. Muốn thu hoạch như thế nào, thì trước hết phải trồng như thế ấy.

 
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH - Từ ngày 01 đến 15.05.2009
Pt Nguyễn Văn Định
23:11 29/04/2009
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Từ ngày 01 đến 15-05-09

Ngày 01-05-09: Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi. (1Ga 2, 6)

Ở lại trong Người là sống mật thiết liên lỉ với Chúa Giêsu trong Thánh Thần như bạn tâm tình, để đem tinh thần ấy chia sẻ cho anh em. Tôi quyết sống hy sinh và chia sẻ cho tha nhân như Chúa làm.

Ngày 02-05-09: Tay hữu Người cầm bảy ngôi sao và từ miệng người phóng ra một thanh gươm hai lưỡi sắc bén. (Kh 1, 16)

Bảy ngôi sao ám chỉ bảy Hội Thánh ở Tiểu Á và lưỡi gươm chỉ quyền bính xét xử kẻ gian ác của Lời Chúa. Bạn cần sống xứng đáng trước ngày Thiên Chúa đến phán xét về mọi hành động của mình.

Ngày 03-05-09: Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người như chết vậy. Người đặt tay hữu lên tôi và nói: “Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. (Kh 1, 17) - Trong Cựu Ước ai thấy Thiên Chúa thì phải chết. Danh xưng là Đầu và Cuối là thuộc về Thiên Chúa, do Đức Giêsu mặc khải. Tôi luôn tôn thờ Thiên Chúa là Chúa tể vạn vật.!

Ngày 04-05-09: Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết và nay Ta Sống đến muôn thuở muôn đời, Ta giữ chìa khóa Tử thần và Âm phủ. (Kh 1, 18) - Đức Giêsu có quyền trên kẻ chết, có thể tha tội hay giam giữ họ. Xin Chúa thương xót con và cứu vớt con là kẻ có nhiều tội lỗi.

Ngày 05-05-09: Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (Mt 5, 1)

Núi là hình ảnh lập Giao Ước, Ông Mô-sê lên núi lãnh Luật Giao Ước, Đức Giêsu lên núi ngồi xuống công bố Luật Mới của Nước Trời. Xin cho mọi Tín hữu biết thi hành đúng Tám Mối Phúc Thật.

Ngày 06-05-09: Người mở miệng dạy họ rằng: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. (Mt 5, 2-3)

Tâm hồn nghèo khó là có lòng tin, khiêm nhường, sẽ được tái sinh vào Nước Thiên Chúa. Xin cho con tử bỏ tất cả để chấp nhận sứ điệp của Chúa Giêsu là có Nước Trời ngay ở trần gian từ bây giờ.

Ngày 07-5-09: Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mt 5, 4)

Hiền lành hiểu là nhỏ bé, hèn mọn, yếu đuối, thiệt thòi. Xin giúp con vui chấp nhận những điều trên để xứng đáng,vào Nước Chúa.

Ngày 08-05-09: Phúc cho ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. (Mt 5, 6)

Công chính là sống bác ái, ngay thẳng trước những bất công gian ác. Tôi không lợi dụng quyền hành, lấn áp trong giáo hội và xã hội.

Ngày 09-05-09: Thiên hạ sửng sốt về Lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền… (Mc 1, 22)

Đức Giêsu và các môn đệ vào thành Caphacnaum giảng dạy với quyền năng của Thiên Chúa trừ quỉ và chữa các bệnh nhân. Xin dạy con biết dùng Lời Chúa bởi Thánh Thần để là nhân chứng cho Chúa.

Ngày 10-05-09: “Ông Giêsu Nazaret, chuyện chúng tôi can gì đến ông…tôi biết ông là ai rồi, ông là Đấng Thánh… (Mc 1, 24)

Người bị thần ô uế nhập đã la lên: Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Xin thanh tẩy tâm hồn con để nhìn thấy Chúa hiện diện.

Ngày 11-05-09: Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy, cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài. (Mc 1, 31).

Hành động Chúa cầm tay bà mẹ vợ ông Simon đỡ dậy nói lên sự chết và sống lại. Xin quyền năng của Thánh Thần giúp con chết đi, đổi mới là bỏ đi những tính nóng nảy, hờn giận, bè phái, cửa quyền.

Ngày 12-05-09: Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. (Lc 1, 39)

Dù đường xá xa xôi hiểm trở, bà Maria đã làm một việc bác ái là đi thăm chị họ là bà E-li-sa-bet. Xin dạy con biết mau nghe tiếng Chúa Thánh Thần thúc đẩy để đem tin vui đến cho người khác.

Ngày 13-05-09: Bà Ê-li-sa-bet vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần. (Lc 1,41)

Thánh Thần qua Mẹ Maria đã tràn ngập trên bà Elisabet và ông Gioan. Con sẵn sàng mở lòng nhận quyền năng của Chúa Thần Thần.

Ngày 14-05-09: Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. (Lc 1, 42)

Bà Êlisabet đã lớn tiếng chúc tụng Mẹ Maria là người phụ nữ có phúc. Con luôn luôn cùng Mẹ Maria ca ngợi lòng Chúa thương xót.

Ngày 15-05-09: Bởi đâu tôi được tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy. (Lc 1, 43)

Êlisabet nhận ra Chúa nơi người con Đức Maria đang cưu mang là quyền năng của Thánh Thần, vì Chúa là một danh xưng của Đấng Mê-xi-a. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Đức Giêsu là Chúa. Tôi tôn vinh bà Maria để noi gương Mẹ trong Chúa Giêsu Kitô.

Phó tế: JB Nguyễn văn Định/Huyền Đồng * johndvn@yahoo.com
 
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH - Từ ngày 16 đến 15.31.2009
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
23:13 29/04/2009
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Từ 16 đến 31-05-2009

Ngày 16-05-09: Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” (Ga 1, 36)

* Ông Gioan Tiền Hô đã mạnh dạn giới thiệu Chúa Giệsu với hai môn đệ. Tôi luôn dùng lời nói và việc làm để người khác thấy Chúa hiện diện.

Ngày 17-05-09: Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi: “Các anh đi tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” (Ga 1, 38).

* Hai môn đệ nghe ông Gioan nói, đã mau mắn đi theo Chúa. Tôi nhất quyết bỏ những ham muốn, của cải, vật chât để bước theo Chúa Giêsu.

Ngày 18-05-09: Chúa Giêsu bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến thăm chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy… (Ga 1, 39)

* Chắc là họ thấy nơi Chúa ở nghèo nàn, nhỏ bé, thiếu thốn, nhưng nhiều hy vọng. Con đường theo Chúa luôn khổ cực, gian nan và thử thách; nhưng có Chúa ban sức mạnh và bình an, nâng đỡ ủi an tôi trong mọi lúc.

Ngày 19-05-09: Ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho. (Cv 2,4) - * Các Tông đồ nói tiếng khác nhau, có ơn ngôn ngữ để diễn tả về Đức Kitô Phục sinh, làm cho mọi người đều nghe thấy tiếng của chính mình. Xin giúp con dùng lời nói làm cho mọi người được thấy Chúa và sống hiệp nhất.

Ngày 20-05-09: Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? (Cv 2, 7)

* Người Giu-đê tự khen mình học rộng và chê người Ga-li-lê it học. Bạn được nói hay, chia sẻ dễ hiểu là do quyền năng Thánh Thần ban cho.

Ngày 21-05-09: Ai nấy đều sửng sốt và phân vân, họ bảo nhau: “Thế nghiã là gì?”. Nhưng người khác lại chế nhạo: “mấy ông này lại say bứ rồi.” (Cv 2, 12-13) - * Tin Mừng cho mọi dân tộc, chứ không ai được độc quyền chiếm hữu, ngôn ngữ không còn là một giới hạn, từ người ít học tới văn minh, tất cả tụ họp quanh Đức Giêsu Kitô chịu chết cho tất cả mọi người.

Ngày 22-05-09: Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa cho họ thấy rõ. (Rm 1, 19) - * Con người đã chiêm ngắm những vật đã được Người sáng tạo. Con tôn thờ Chúa hết lòng và không để lòng đam mê thế gian chóng qua.

Ngày 23-05-09: …Từ khi Thiên Chúa tạo thánh vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. (Rom 1, 20) - * Nhờ mặc khải tự nhiên, lý trí con người có thể nhận biết Thiên Chúa là nguyên ủy và cùng đích của mọi loài. Xin Thánh Thần giúp con thấy Chúa qua con người và các tạo vật Chúa đã dựng nên.

Ngày 24-05-09: Vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Ngài cho phải đạo. Trái lại đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. (Rom 1, 21)

* Thiên Chúa là Đấng toàn năng; dân ngoại đã không tôn thờ, cảm tạ; nhưng đầu óc lại trống rỗng. Xin giúp con và họ cảm nhận Chúa.

Ngày 25-05-09: Họ khoe mình khôn ngoan; nhưng đã trở nên điên rồ. (Rom 1, 22) - * Thật đáng thương cho người kiêu ngạo không tin Chúa. Xin Chúa Thánh Thần mở lòng con tôn thờ Chúa là Vua vũ trụ.

Ngày 26-05-09: Lời rao giảng về Thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất; nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. (1Cor 1,18) - * Xin Mẹ Maria giúp con can đảm rao giảng sự khôn ngoan trong công trình cứu độ của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô.

Ngày 27-05-09: Vì có Lời chép rằng: Ta sẽ hủy diệt khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. (1Cor 1, 19) - * Sức mạnh của Thiên Chúa là dùng chính những gì thế gian cho là điên dại để thắng cái khôn ngoan của nó. Xin dạy con sáng suốt, có lòng qủa cảm, và tránh cái ngu xuẩn của người dại dột.

Ngày 28-05-09: Thế gian không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa, ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa muốn dùng Lời rao giảng điên rồ để cứu những kẻ tin ( 1Cor 1, 21) - * Chúa biểu lộ Sự khôn ngoan là vũ trụ tốt đẹp, hùng vĩ. Còn dùng lời rao giảng điên rồ là mầu nhiệm thập giá. Tôi ca ngợi công trình sáng tạo của Chúa và bước theo Đức Kitô Phục sinh mỗi ngày.

Ngày 29-05-09: Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan. (1Cor 1,22)

* Do thái và Hy lạp đều đòi hỏi những minh chứng trần gian. Đức tin của tôi là lắng nghe Lời Đức Giêsu giảng dạy trong Phúc âm.

Ngày 30-05-09: Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. (1Cor 1,24) - * Những ai đã được Chúa kêu gọi sẽ lướt thắng tất cả. Tôi sẽ can đảm bước theo Ngài trong mọi hoàn cảnh.

Ngày 31-05-09: Anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quí phái. (1Cor 1, 26) - * Theo Thánh Phaolô người đời là thế gian, xác thịt, hãy khiêm tốn đi ! Bạn nên trở lại với chính mình, để sống xứng đáng với chức vụ Chúa trao hiện tại.

Phó tế: Nguyễn văn Định
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nói: Tôn Giáo tại Trường Học không vi phạm quyền tự do
Bùi Hữu Thư
02:34 29/04/2009

Đức Thánh Cha nói: Tôn Giáo tại Trường Học không vi phạm quyền tự do



Khuyên các giáo lý viên là những nhân chứng đức tin


VATICAN, ngày 28, tháng 4, 2009 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói học hỏi về tôn giáo tại trường học không ngăn trở quyền tự do của học sinh, nhưng là một gương sáng về sự tương kính.

Đức Thánh Cha khẳng định như vậy Chúa Nhật vừa qua khi ngài tiếp kiến các giáo lý viên người Ý, được Đức Hồng Angelo Bagnasco, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ý hướng dẫn.

Các giảng viên tham dự hai ngày hội thảo có chủ đề trích từ Rôma 1:16: "Tôi không xấu hổ vì Phúc Âm: [phục vụ] một nền văn hóa để phụng sự con người."

Đức Thánh Cha nói, "Thay vì ngăn cản hay giới hạn quyền tự do, sự hiện diện của các bạn là một gương sáng quý báu về tinh thần giáo dân cho phép cổ võ một sự sống chung dân sự tốt đẹp, đặt nền tảng trên sự tương kính và đối thoại trung thành, là những giá trị một quốc gia luôn luôn cần thiết.

Trong bài nói chuyện, Đức Thánh Cha suy niệm về mối tương quan đặc biệt nhiều khi được tạo nên giữa một giáo lý viên và các học sinh. Ngài ghi nhận rằng, Điều đáng kể là các học sinh vẫn liên lạc với các thầy cô sau khi họ đã mãn khoá."

Ngài tiếp, "Hơn nữa, con số đông các học sinh lựa chọn môn học này còn là một dấu chỉ về giá trị không thể thay thế là giáo lý đóng góp cho việc giáo dục con em, và là dấu chỉ của phẩm chất tốt đã đạt được."

Đức Thánh Cha Benedict XVI nhận xét rằng việc học hỏi về tôn giáo không những cung cấp nhiều kiến thức bổ ích, mà còn “giúp cho việc suy tư về ý nghiã sâu xa của đời sống."

Ngài tiếp, "Điều này khả dĩ vì việc giảng dậy đặt con người và phẩm giá bất khả xâm phạm vào trọng tâm, để cho giáo huấn này có thể được soi sáng bởi kinh nghiệm độc đáo của Giêsu thành Nazareth; và giáo lý tìm kiếm việc nghiên cứu căn tính của Người, điều mà trên 2.000 năm qua con người vẫn không ngừng đặt câu hỏi."

Đức Thánh Cha ghi nhận, "Nhờ việc giảng dậy giáo lý Công Giáo, các trường học và xã hội được phong phú hóa bởi các phòng thí nghiệm về văn hoá và nhân loại, trong đó, khi khám phá những đóng góp đáng kể của Kitô giáo, con người được chuẩn bị để khám phá ra sự lành thánh và tăng trưởng về trách nhiệm.”

Ngài tiếp, muốn đạt được điều này, một giáo lý viên không những chỉ cần phải chuẩn bị ở mức độ nhân bản, văn hoá và sư phạm, mà trên hết, phải có ơn gọi để trình bầy “là Thiên Chúa các bạn đang đề cập tới trong lớp học chính là đích điểm chính của cuộc đời các bạn."

Đức Giám Mục thành Rôma bầy tỏ ước vọng về các giáo lý viên là “Thiên Chuá sẽ ban cho các bạn niềm vui để không bao giờ cảm thấy xấu hổ về Phúc Âm của Người, được ban cho ân sủng để sống Phúc Âm, được ban cho niềm hăng say để vun trồng những mầm non đang nẩy nở từ nơi Người, cho sự sống của thế giới."
 
Đức Thánh Cha viếng thăm các nạn nhân động đất
Trần Đức Anh OP
15:52 29/04/2009
ROMA. Sáng ngày 28-4-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã đến viếng thăm và ủy lạo dân chúng và các tín hữu bị động đất tại thành phố L'Aquila, cách đây 3 tuần lễ. Cuộc viếng thăm được mọi người chào mừng như một hoạt động mang lại hy vọng và khích lệ cho dân chúng, cũng như các giới chức hữu trách trong nỗ lực tái thiết.

L'Aquila, thành phố cổ kính với khoảng 70 ngàn dân, thủ phủ miền Abruzzo, ở cao độ hơn 500 mét so với mặt biển, và cách Roma lối 90 cây số về hướng đông, đã bị động đất lúc 3 giờ rưỡi và 5 giờ sáng ngày 6-4-2009, ở mức độ 5,8 và 6,3 theo thước Richter, làm cho gần 300 người thiệt mạng, hơn 1 ngàn người bị thương và 65 ngàn người phải tản cư, trong đó hơn 35 ngàn người vẫn còn tạm trú dưới gần 5.700 căn lều được dựng lên tại L'Aquila và vùng phụ cận.

Trong thời gian qua, đất tiếp tục rung hầu như hằng ngày, tuy ở mức độ nhẹ hơn, nhưng điều này vẫn làm cho dân chúng sợ hãi không dám về nhà, dù gia cư của họ được xác nhận là có thể cư ngụ được. Chính phủ Italia đã tích cực xúc tiến các công tác cứu trợ và đã quyết định dành 8 tỷ euro cho công trình tái thiết.

Trong 3 tuần qua, nhiều lần ĐTC đã bày tỏ sự chia buồn, cầu nguyện và liên đới bằng nhiều cách với các nạn nhân, kể cả việc cử ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Tarcisio Bertone, đến chủ sự lễ an táng các nạn nhân, và cử Đức ông bí thư riêng, đến bày tỏ tình liên đới cảm thông đặc biệt của ngài. Và nay tình hình tạm ổn định hơn, ĐTC mới có thể đến viếng thăm dân chúng và các tín hữu như đã hứa.

Hành trình viếng thăm của ĐTC kéo dài 4 tiếng đồng hồ và ngài dừng lại tại những nơi bị thiệt hại nặng nhất trong cuộc động đất. Lẽ ra ĐTC dùng trực thăng để đến L'Aquila, nhưng vì trời xấu nên ngài dùng đường bộ và cũng vì thế chương trình bị trễ 1 tiếng đồng hồ so với dự kiến ban đầu. Thứ trưởng tại Phủ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ông Gianni Letta, đã tháp tùng ĐTC suốt trong cuộc hành trình.

Viếng thăm tại làng Onna

Chặng dừng đầu tiên là làng Onna bé nhỏ. Phần lớn nhà cửa tại đây bị động đất phá hủy và trong số 350 dân cư, có tới 40 người bị thiệt mạng.

Đến nơi ĐTC đã được Đức TGM sở tại Molinari và thứ trưởng bảo vệ dân sự, Ông Bertolaso đón tiếp, và hướng dẫn đi thăm dân chúng. Ngài gặp gỡ nhiều nạn nhân còn tạm trú trong các căn lều màu xanh dương và chào thăm nhiều gia đình. Ngỏ lời với mọi người trong dịp này, ĐTC nói:

”Các bạn thân mến,

”Tôi đích thân đến phần đất tươi đẹp và bị thương này của các bạn, phần đất đang trải qua những ngày rất đau thương và bấp bênh, để bày tỏ với các bạn một cách trực tiếp hơn sự gần gũi nồng nhiệt của tôi. Tôi gần gũi với các bạn ngay từ lúc đầu tiên, từ khi tôi được tin về cuộc động đất dữ dội, trong đêm 6-4, đã làm cho gần 300 người thiệt mạng, nhiều người bị thương và thiệt hại vật chất rất lớn lao cho nhà cửa của các bạn. Tôi lo lắng theo dõi những tin tức, cảm thông nỗi kinh hoàng và những giọt lệ của các bạn cho những người quá cố, cùng với những lo âu hồi hộp vì những gì các bạn bị mất đi trong giây lát. Toàn thể Giáo Hội ở đây với tôi, cạnh những đau khổ của các bạn, chia sẻ những đau khổ vì mất những người thân yêu và ban hữu, Giáo Hội muốn giúp đỡ cac bạn trong việc tái thiết nhà cửa, thánh đường, công xưởng bị sụp đổ hay bị hư hại nặng vì động đất. Tôi ngưỡng mộ lòng can đảm, phẩm giá và niềm tin qua đó các bạn đương đầu với thử thách cam go này, biểu lộ ý chí cương quyết không nản chí trước nghịch cảnh. Thực vậy, đây không phải là trận động đất đầu tiên tại miền của các bạn, và giờ đây, như trong quá khứ, các bạn không đầu hàng, không nhụt chí. Trong các bạn có một sức mạnh nội tâm khơi dậy hy vọng. Về vấn đề này, thật là điều ý nghĩa câu tục ngữ vẫn được các tiền nhân của các bạn quí chuộng: 'Vẫn còn bao nhiêu ngày đàng sau ngọn núi Gran Sasso”.

”Khi đến Onna này, một trong những trung tâm bị thiệt hại nặng về nhân mạng, tôi có thể tưởng tượng được đất cả những đau buồn đổ ập trên các bạn trong những tuần lễ này. Giả sử có thể, tôi muốn đến từng làng, từng khu xóm, đến thăm tất cả các căn lều và gặp gỡ tất cả mọi người. Tôi nhận thấy mặc dù có sự dấn thân liên đới được biểu lộ tứ mọi phía, nhưng những cơ cực hằng ngày của các bạn vẫn còn rất nhiều, phải sống ngoài gia cư, hoặc trong các xe hơi, hay trong những căn lều, và hơn nữa phải chịu lạnh và mưa. Tôi cũng nghĩ đến bao nhiêu người trẻ phải ngưng việc học với những quan hệ kèm theo, tôi nghĩ tới những người già không còn được sống theo các thói quen của mình.

ĐTC nói thêm rằng:

”Các bạn thân mến, người ta có thể nói các bạn cũng đang ở trong tình trạng tâm hồn của hai môn đệ làng Emmaus, mà Phúc âm theo thánh Luca đã nói tới. Sau biến cố thập giá thê thảm, hai ông trở về nhà lòng đầy thất vọng và cay đắng, vì cái chết của Chúa Giêsu; dường như chẳng còn hy vọng gì nữa, Thiên Chúa ẩn khuất và không hiện diện trong thế giới này nữa; nhưng dọc đường, Chúa đến gần và nói chuyện với hai ông. Dù họ không nhận ra Chúa bằng đôi mắt, nhưng có một cái gì đó đánh thức trong tâm hồn hai ông: những lời của Người Khách Lạ ấy khơi dậy trong tâm hồn lòng nhiệt thành và tín thác mà kinh nghiệm về đồi Canvê đã dập tắt trước đó.

Các bạn thân mến, sự hiện diện của tôi nơi các bạn cũng muốn là một dấu chỉ cụ thể về sự kiện Chúa chịu đóng đanh đã sống lại, Chúa không bỏ rơi các bạn; Ngài không để cho những lời cầu xin của các bạn về tương lai không được lắng nghe, Chúa không điếc trước tiếng kêu lo âu của bao nhiêu gia đình đã mất mát tất cả: nhà cửa, tiền tiết kiệm, công ăn việc làm và nhiều khi cả mạng sống nữa. Dĩ nhiên câu trả lời cụ thể của Chúa được thể hiện qua tình liên đới của chúng ta, tình liên đới này không thể chỉ giới hạn vào giai đoạn cứu trợ cấp thiết khởi đầu, nhưng phải trở thành một dự án lâu dài và cụ thể với thời gian. Tôi khích lệ tất cả mọi người, các tổ chức và xí nghiệp, để thành phố và phần đất này được hồi sinh. Ngày hôm nay tôi đến đây giữa các bạn cũng để nói lên một an ủi về những người qua đời của các bạn: họ đang sống trong Thiên Chúa và mong đợi nơi các bạn chứng tá can đảm và hy vọng. Họ mong đợi được thấy phần đất của các bạn được hồi sinh, với những nhà cửa và thánh đường, đẹp đẽ và vững chắc. Nhân danh các anh chị em đã qua đời ấy, cần phải tái dấn thân sống và sử dụng tất cả những gì không chết được, và những gì trận động đất này không phá hủy, đó là tình thương. Tình thương cũng tồn tại vượt quá giới hạn cuộc sống trần thế bấp bênh này của chúng ta, vì Tình Thương đích thực chính là Thiên Chúa. Ai yêu thương, thì trong Thiên Chúa, họ chiến thắng sự chết và họ biết rằng mình không nất những người mình yêu thương.

ĐTC kết thúc huấn từ ngắn với lời nguyện dâng lên Thiên Chúa cho các nạn nhân động đất và ngài ban phép lành cho mọi người, trước khi giã từ làng Onna, tiếp tục cuộc viếng thăm tại thành phố L'Aquila.

Viếng thăm thành L'Aquila

ĐTC dừng lại tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Collemaggio, được kiến thiết cách đây hơn 720 năm (1287) và bị hư hại nặng trong trận động đất.

Tại một góc thánh đường không bị hư hại, ĐTC đã tôn kính di hài cốt thánh Celestino V (1294-1296) vị Giáo Hoàng dòng Biển Đức đã thoái vị. ĐTC đã quì cầu nguyện rồi đặt dây pallium trên hòm đựng hài cốt thánh nhân. Đây là đây là ngài đã nhận lãnh trong thánh lễ khai mạc sứ vụ chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ ngày 24-4 năm 2005.

Tiếp đến, ngài đi qua cư xá sinh viên đại học L'Aquila, ngôi nhà này bị sụp đổ thảm thương ”như một tòa nhà giấy” trong trận động đất. Thành phố này có rất đông sinh viên đến theo học. Đến nơi, ĐTC đã chào thăm 12 sinh viên đại diễn những người sống sót trong căn nhà bị sập. Ngài hỏi han từng người.

Hoạt động chính của ĐTC diễn ra vào lúc gần 12 giờ tại doanh trại lính quan thuế ở L'Aquila, nơi đã diễn ra lễ an táng hơn 200 nạn nhân ngày 10-4 vừa qua. Đây cũng sẽ là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của 8 cường quốc kinh tế, quen gọi là G-8 vào tháng 7 tới đây.

Đến nơi, vào quân trường, ĐTC đã chào thăm 72 cha sở tại các xứ đạo bị thiệt hại nặng nhất cùng với các vị lý trưởng xã trưởng, trước khi tiến ra lễ đài đơn sơ để gặp gỡ 3 ngàn người, mặc áo mưa nhiều mày đã chờ đợi ĐTC ở sân quân trường. Hàng chục GM miền Abruzzo cùng với chính quyền cũng có mặt tại đây.

Diễn văn

Sau lời chào mừng của Đức Cha Molinari, TGM L'Aquila sở tại, cùng với ông chủ tịch chính quyền miền Abruzzo và thị trưởng thành L'Aquila, ĐTC đã ngỏ lời cám ơn và chào thăm tất cả mọi người và ca ngợi sự tận tâm cứu trợ của chính quyền, cũng như các tổ chức cứu hỏa, hội chữ thập tỏ và những người thiện nguyện. Ngài nhắc đến bao nhiêu đổ vỡ tang thương đã đích thân chứng kiến trong cuộc viếng thăm này, đồng thời đề cao quyết tâm tái thiết của người dân trong vùng. ĐTC nói:

”Như Đức TGM vừa nhắc lại, cuộc viếng thăm của tôi nơi anh chị em, mà tôi mong muốn thực hiện ngay từ đầu, muốn nói lên sự gần gũi của tôi với mỗi người trong anh chị em và tình liên đới huynh đệ của toàn thể Giáo Hội. Thực vậy, trong cộng đồng Kitô, chúng ta họp thành một thân mình thiêng liêng duy nhất, và nếu một phần bị đau, thì tất cả các phần khác cùng chịu đau khổ với phần ấy. Tôi phải nói với anh chị em rằng từ các nơi trên thế giới tôi đã nhận được những biểu lộ tình liên đới với anh chị em. Nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Chính Thống giáo cũng viết thư cho tôi cam kết cầu nguyện và bày tỏ sự gần gũi tinh thần, cũng như gửi những trợ giúp kinh tế cho anh chị em.

Tôi muốn nhấn mạnh giá trị và tầm quan trọng của tình liên đới, tuy được biểu lộ đặc biệt trong những lúc khủng hoảng, nó cũng giống như một ngọn lửa được che giấu dưới đống tro. Tình liên đới là một tâm tình cao thượng về phương diện dân sự và Kitô giáo, nó đo lường mức độ trưởng thành của một xã hội. Trong thực tế, tình liên đới ấy được biểu lộ qua hoạt động cứu trợ, nhưng không phải chỉ là một bộ máy tổ chức hữu hiệu, vì còn có một cái hồn, một sự hăng say, xuất phát từ lịch sử lâu dài về dân sự và về phương diện Kitô của dân tộc chúng ta, nó được biểu lộ qua những hình thức cơ chế cũng như qua các hoạt động tự nguyện.

“Vụ động đất bi thảm mời gọi cộng đoàn dân sự và Giáo Hội suy tư sâu xa. Trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta phải tự hỏi: ”Chúa muốn nói gì với chúng ta qua biến cố đau buồn này?”. Chúng ta đã mừng lễ Phục Sinh, đối chiếu với biến cố đau thương ày, tìm hiểu về Lời Chúa và đón nhận ánh sáng mới từ cuộc đóng đanh và phục sinh của Chúa. Chúng ta đã cử hành cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô, mang trong tâm trí sự đau khổ của anh chị em, cầu nguyện để những người bị tổn thương không bị giảm bớt lòng tín thác nơi Thiên Chúa và niềm hy vọng. Nhưng cả cộng đồng dân sự cũng cần phải nghiêm túc xét mình, để mức độ trách nhiệm trong mọi lúc không bao giờ bị giảm suy. Với điều kiện ấy, L'Aquila có thể tái bay bổng, cho dù bị thương.

Sau cùng, ĐTC mời gọi tất cả mọi người hướng nhìn lên Đức Mẹ Roio, rất được dân chúng tại miền Abruzzo này tôn kính, phó thác cho Mệ thành phố và tất cả những làng mạc bị thương tổn vì động đất. Ngài nói: ”Tôi để lại, dâng cho Đức Mẹ đóa hoa hồng vàng, như biểu hiệu lời cầu nguyện của tôi cho anh chị em, đồng thời tôi phó thác tất cả những nơi bị tổn thương cho sự bảo vệ từ mẫu của Mẹ Thiên Quốc”.

ĐTC đã cùng mọi người đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng, và Ngài đặt đóa hoa hồng vàng trước tượng Đức Mẹ Thánh Giá rất được tôn kính tại làng Roio bên cạnh.

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC đã rời L'Aquila lúc 1 giờ rưỡi trưa để trở về và tới Vatican lúc 14 giờ 40.
 
Top Stories
Pro-Life hero under state runs media's attack
Emily Nguyen
03:24 29/04/2009
A very highly respected Redemptorist among Vietnamese Catholics and a Pro-Life hero has been under attack for his work against abortion and his open criticism on the government's reckless policy when he set up a Web site asking all Vietnamese nationals at home and overseas to sign a petition expressing disapproval of the state's bauxite exploitation plan.

Amid the Thai Ha continuous clashing with the government on the land issues, Fr. Le Quang Uy of the Saigon Redemptorist community has suddenly found himself in the spotlight of the Vietnamese government for his active role in mobilizing Catholics youths to tackle social evils in a spiritual, humane way, and his calling out for all Vietnamese to question the government's decision when they open central highlands of Vietnam to mining plans which are viewed by a collective number of Vietnamese scientists, intellectuals, former government officials and many concerned citizens as too risky for the environment and national security in the long run.

The effort of Fr. Joseph Uy evidently seemed to anger the government enough for them to launch a swift, blunt attack against his personal character as well as his political view by means of their state-run media. Specifically on Monday April 27, the Capital Security newspaper had mocked Fr. Joseph Le of being “stupid” and “ignorant”, sabotaging the national unity block, the national construction and development process; and plotting to overthrow the communist regime. The paper then called on its owner-Vietnam government- for “immediate and severe punishment” against Fr J. Uy and another Redemptorist priests Fr. Nguyen Van Khai “before they go too far”. The accusations leveled against the two priests, especially “the sin” of plotting to overthrow communist regime - an offense that leads to capital punishment, were so severe that many have believed that Vietnam government has been preparing public opinions for an imminent crackdown.

Fr. J. Uy, 50 yrs old, has long been known by Vietnamese Catholics and non-Catholics alike for his tireless work against homelessness, AIDS, and abortion in a country with the highest rate of abortion in the world.

Family Planning Association, the country has one of the world's highest abortion rates. About 1.4 million abortions are performed annually in the country, which has a population of 82 million. Gender inequality -- which increases the rate of sex-selective abortion -- and the communist party’s population planning policy are the main causes of the high abortion rate, experts say. In addition, the average age sexual debut in the country has decreased from age 19 seven years ago to age 14.5 today, according to a survey by the National Committee for Population, Family and Children.

He has been dubbed by many Saigon youths as the spiritual leaders of DOJs or "Disciples of Jesus" who set out every day to help comfort the poor, the homeless with small donation or to look for aborted fetuses to give them a proper burial ritual in a makeshift cemetery. Some of those courageous people are determined to follow the young girls with unwanted pregnancy, trying to persuade them not to opt for abortion but adoption instead. Unfortunately, Fr J. Uy's operation didn't seem to be welcomed by the Vietnamese government since abortion is considered one of the most effective tools widely utilized in their family planning policy.

Facing unwavering attacks from state-owned media, so far, Fr. Uy has maintained his silence. But his superior has not. Fr. Vincent Nguyen Trung Thanh, the Redemptorist provincial superior of Vietnam, on April 28 has issued a statement in which he defends action of Fr. Uy and Fr. Khai, also praising them as patriotic noblemen whose worries and concerns “are proper which serve as proof of their patriotism”.
 
Pakistan: Les attaques d’islamistes visant des chrétiens menacent de gagner l’ensemble du pays, malgré la reprise des opérations militaires gouvernementales contre les talibans
Eglises d'Asie
14:46 29/04/2009
Le 22 avril dernier, des islamistes ont attaqué la communauté chrétienne de Taiser Town, un quartier d’une banlieue de Karachi où vivent plus de 700 familles chrétiennes dont 300 dépendent de la paroisse catholique St Jude. Une foule d’environ 600 hommes, dont certains étaient armés est entrée dans plusieurs maisons, tirant sur les habitants, brûlant les bibles, saccageant les biens et mettant le feu à six habitations.

L’attaque a fait quatre blessés graves et un mort, Irfan Masih, un enfant de 11 ans, décédé le 28 avril de sa blessure par balle à la tête (1). Depuis l’incident, quatre familles ont quitté la région et plusieurs musulmans en possession d’armes lourdes ont été arrêtés par la police, dont les chrétiens dénoncent aujourd’hui l’inaction pendant l’attaque.

Selon différents témoignages recueillis sur place, le groupe d’islamistes a envahi Taiser Town une vingtaine de minutes après qu’une manifestation pacifique eut été organisée par une quarantaine de chrétiens, protestant contre des inscriptions récemment badigeonnées sur six de leurs lieux de culte chrétiens, telles que « Vive les talibans ! » ou encore « Chrétiens, convertissez-vous à l’islam ou préparez-vous à payer la jizia (taxe prélevée sur les non-musulmans vivant sous la charia, la loi islamique) ! ». Les manifestants chrétiens s’étaient rapidement dispersés après qu’un groupe d’hommes armés leur ait lancé des pierres avant d’ouvrir le feu.

L’attaque a pris par surprise la communauté chrétienne de Taiser Town: « C’était horrible de les voir pénétrer dans les maisons, frapper les femmes et les traîner par les cheveux », raconte Qudoos Masih, blessé au coude par balle. Zarina Masih, quant à elle, a sauvé sa vie et celle de ses deux sœurs en se cachant sous un lit. « Environ une douzaine d’hommes avec de longues barbes ont pénétré dans notre maison alors que nous étions en train de faire la vaisselle. Ils ont commencé à frapper nos cousins et à détruire nos biens », témoigne-t-elle (2). Elle ajoute que les assaillants les ont traités de kafir (‘infidèles’) et leur ont dit « d’adhérer à l’islam ou de mourir », tout en brûlant les bibles et d’autres ouvrages chrétiens.

A la suite de cette attaque meurtrière, les Eglises chrétiennes ont demandé que tous au Pakistan prient pour les victimes. Le 24 avril, quatre prêtres catholiques se sont rendus sur les lieux du drame, ont visité les blessés à l’hôpital et se sont entretenus avec la communauté chrétienne ainsi qu’avec des représentants du Muttahida Quami Movement (MQM), l’unique parti politique pakistanais qui s’est déclaré opposé à l’application de la charia dans la vallée de Swat.

« Il est temps aujourd’hui pour les chrétiens de faire l’unité. Nous condamnons la talibanisation du pays et l’extrémisme religieux. Nous devons porter l’affaire en justice », a déclaré le P. Emmanuel Yousaf Mani, directeur de la Commission ‘Justice et Paix’ de la Conférence des évêques catholiques du Pakistan (NCJP). Il s’est engagé à faire verser 5 000 roupies à chaque victime et 10 000 roupies pour ceux dont les maisons avaient été incendiées.

Taiser Town est désormais patrouillée par d’importantes forces de police, mais les chrétiens ont reçu comme conseil de ne pas sortir de leurs habitations pour le moment. Cette attaque, inhabituelle dans la province du Sind, relance l’inquiétude grandissante des chrétiens envers le processus de talibanisation du Pakistan, qui menace de s’étendre au-delà de la Province de la frontière du nord-ouest, où il était jusqu’ici cantonné.

Depuis la signature en février dernier (et sa validation définitive début avril) du très controversé accord entre le gouvernement pakistanais et les islamistes, permettant à ces derniers d’instaurer la charia dans la région de Malakand (comprenant les districts de Swat, Buner, Shangla et Lower Dir) en échange d’un cessez-le-feu (3), les talibans, forts de cette victoire, avaient annoncé leur volonté d’appliquer la loi islamique dans tout le Pakistan.

Les talibans ont rapidement tenté de pousser leur avantage en s’emparant, fin avril, du district de Buner, à une centaine de kilomètres seulement de la capitale, Islamabad. Le 28 avril, cédant à de fortes pressions internationales, le gouvernement pakistanais a lancé une offensive de grande ampleur contre les forces islamistes, reprenant le Lower Dir et, le 29 avril, la ville de Dagar, chef-lieu du district de Buner. Les combats auraient, selon les sources militaires, faits plus de 70 morts chez les talibans et provoqué l’exode de la population de la région, évalué pour l’heure à plus de 30 000 personnes (4).

(1) Daily Times, 29 avril 2009.
(2) Ucanews, 28 avril 2009.
(3) Cet accord, qui mettait fin à l’affrontement armé opposant le gouvernement pakistanais aux talibans installés dans la vallée de Swat, avait été très froidement accueilli par la communauté internationale et en particulier les Etats-Unis, ces derniers reprochant à Islamabad d’« abdiquer » face à des islamistes liés à Al-Qaida.
(4) Reuters, 29 avril 2009, AFP, 28 avril 2009, AFP, 29 avril 2009.

(Source: Eglises d'Asie, 29 avril 2009)
 
HANOI, Vietnam: tandis que la presse officielle élève le ton, une lettre envoyée à la police affirme le soutien de la paroisse de Thai Ha au P. Nguyên Van Khai
Eglises d'Asie
14:47 29/04/2009
Le 28 avril, une lettre à l’en-tête de la paroisse de Thai Ha, signée de l’ensemble des prêtres et des fidèles, a été envoyée aux services de police de Hanoi. Elle concerne la fonction du P. Nguyên Van Khai au sein de la communauté rédemptoriste et de la paroisse de Thai Ha. C’est en tant que leur porte-parole qu’il avait signé le communiqué appelant les catholiques de Hanoi à venir prier, le 25 avril dernier, pour que cesse l’exploitation de la bauxite sur les Hauts Plateaux du centre du pays (1). Aussi bien, c’est lui qui a été l’objet des soupçons de la police et la cible des attaques publiées dans les colonnes de deux journaux de la capitale. Deux convocations lui ont été envoyées par la police le jour de la veillée, convocations auxquelles il n’a pas répondu. Son nom a été cité comme principal instigateur du « mouvement d’opposition à l’Etat » par la presse de Hanoi du 26 et 27 avril. Il a été accusé d’avoir outrepassé ses fonctions de prêtre et de s’être profondément impliqué dans l’action politique et l’opposition au gouvernement.

La lettre explique aux autorités policières que la communauté rédemptoriste et la paroisse de Thai Ha avec ses prêtres et ses fidèles ne forment en réalité qu’une seule entité. Celle-ci a choisi comme porte-parole le P. Khai. C’est pourquoi tous les textes et les déclarations de ce religieux doivent être considérés comme l’expression de la volonté, des aspirations, des prises de position et des points de vue de l’ensemble du clergé et du laïcat de Thai Ha. Les signataires de la lettre se déclarent alors en total accord avec lui et assument la responsabilité de ses récentes prises de position et déclarations. Ils considèrent que la convocation de la police n’aurait pas dû être envoyée au seul P. Khai. C’est l’ensemble de la communauté qui doit être entendue par les agents de la Sécurité.

Le même jour, le journal de la capitale Hanoi Moi a renouvelé ses accusations contre le P. Khai auquel il associe, sans doute a-t-il entendu la leçon, toute la communauté rédemptoriste. Le journal élève le ton et passe à la menace devant les exactions de plus en plus graves commises par le groupe de prêtres de la paroisse de Thai Ha. « Pourquoi, demande-t-il, ces prêtres qui sont aussi des citoyens vietnamiens n’ont-ils pas été encore châtiés par la justice alors qu’ils se livrent à des actions antigouvernementales, appellent à la violence et portent atteinte à l’unité nationale ? » Le journal énumère ensuite les opinions d’un certain nombre de lecteurs, dont le bâtonnier du barreau de Hanoi. Tous sont unanimes pour fustiger l’attitude des prêtres et la condamner sans nuance.

(1) Voir dépêche EDA diffusée le 27 avril 2009.

(Source: Eglises d'Asie, 29 avril 2009)
 
VIETNAM: Catholics march against government housing project
UCAN
15:58 29/04/2009
BANGKOK, (UCAN) -- Tens of Catholics from a parish in Ha Noi have marched on the site of a proposed government housing project as they step up their protest against construction work there.

Local Redemptorists say the plot of land belongs to them.

On April 27, the protesters carried a big iron cross and hung images of Our Lady of Perpetual Help on the fence of the site, praying for the government to stop its building works. The site is 500 meters away from the parish church.

Protesters also recently petitioned government authorities to scrap the housing project.

In his petition to Dong Da District's Committee of People dated April 18, Redemptorist Father Matthews Vu Khoi Phung suggested the committee "ask the state-run construction company to stop its work and move its machinery out of our plot of land."

The petition was also filed with Ha Noi archdiocese's leaders, the superior of the local Redemptorists and the government authorities of Ha Noi city.

Father Phung, head of Thai Ha parish, says it is "illegal" to carry out the housing project that started in mid-April on the 18,230-square-meter plot near the parish church. "The land is legally owned by the parish," he said.

Father Phung said local Redemptorists bought the plot of land in 1928 and registered it in the government's land records in 1961, 1993 and 1996. The priest also showed the local government's records that recognize Church-ownership.

"We have never given, presented or sold the land to anyone," he said. "Since 1994 we have petitioned the government many times to return the plot of land that will be used for religious and charitable activities. But we have not received any reply."

A lay leader of the parish, who requested anonymity, said he is very sad that the Church property had been confiscated.

"They (government authorities) will try to confiscate Church properties regardless of laws because they have power. It is unfair," he complained.

But he conceded that the government would not easily capitulate because of high land prices in the district.

Local Redemptorists said they will continue to pray for the government to return the plot of land, and will continue to file petitions.

Last month, eight Catholics lost an appeal against convictions for causing social disturbance and damaging public property in protests against another project built on a nearby 14,000 square-meter plot of land also owned by local Redemptorists. Government authorities built a public flower garden on the plot of land last year.

Seven of those charged were given suspended jail sentences ranging from 12 to 17 months, with the eighth let off with a warning.

Despite the convictions, the Redemptorists and other Catholics have refused to give up the fight.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đón chào Anh Em Tân Tòng tại Giáo Xứ Việt Nam Paris
Trần Văn Cảnh
01:48 29/04/2009
Từ dự tòng đến tân tòng

Mùa Phục Sinh 2009 năm nay, Giáo Xứ Việt Nam đã được hân hạnh đón tiếp 18 tân tòng. Đây là một chuẩn bị kỹ lưỡng và tương đối lâu dài. Có người đã theo học cả hơn năm nay. Không kể lễ nghi chung « Được gọi chính thức » với các dự tòng khác ở nhà thờ Đức Bà Paris với Đức Hồng Y Tổng Giám Mục André Vingt-Trois, riêng tại Giáo Xứ hai lễ nghi đã được cử hành: lễ dự tòng gia nhập công đoàn vào chủ nhật I mùa vọng và lễ tân tòng lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức vào chủ nhật Phục Sinh.

Chủ nhật 30.11.2008, chủ nhật thứ I mùa Vọng, 18 anh chị dự tòng đã làm lễ gia nhập cộng đoàn tại Giáo Xứ Công Giáo Việt Nam. Trong nghi thức gia nhập cộng đoàn này, Đức Ông Mai Đức Vinh, cùng toàn Ban Giám Đốc Giáo Xứ và tất cả cộng đoàn, đã tiếp đón các anh chị dự tòng. Ngài nói: « Quí anh chị thân mến, Chúng tôi cũng như cả Cộng Đoàn và cả Giáo Hội rất vui mừng đón tiếp quí anh chị hôm nay. Bởi vì sự hiện diện của quí anh chị hôm nay, chứng tỏ quí anh chị muốn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, mà chính mỗi người quí anh chị đã nghe biết, và chính Chúa dẫn quí anh chị tới đây để xin cùng Giáo Hội của Chúa ơn đức tin, ơn được sống trong Chúa Kitô. Quí anh chị đang đồng hành với Chúa Kitô, và nhờ người, quí anh chị học biết tường tận hơn về Thiên Chúa, yêu thương Ngài đằm thắm hơn, sẵn sàng tích cực đáp lại những điều Ngài đang chờ đợi nơi quí anh chi » (1).

Chủ nhật Lễ Lá 05.04.2009, Bản tin Giáo xứ loan báo « Đón chào và cầu nguyện các anh chị em Tân Tòng: Xin Cộng Đoàn cảm tạ Chúa và Đức Mẹ đã khấng cho Cộng Đoàn chúng ta được gần 20 anh chị em dự tòng sẽ gia nhập Giáo Hội vào chủ nhật Phục Sinh 2009 này. Xin mọi người hân hoan đón chào và chung lời cảm tạ với anh chị em cũng như với mọi tân tòng khác trong Tổng giáo phận Paris và trên khắp thế giới ».

Chủ nhật Phục sinh 12.04.2009, gần 20 anh chị dự tòng, sau một thời gian học hỏi kỹ lưỡng, đã được ước lượng đủ hiểu biết và ý muốn để lãnh nhận Bí tích rửa tội.
Ngay sau bí tích rửa tội, các anh chị cũng đã được lãnh nhận Bí tích thêm sức. Bí tích đã được diễn ra với lời huấn dụ cho các thỉnh nhân và cho toàn cộng đoàn; lời cầu nguyện cho các thỉnh nhân và ban phép bí tích: « Anh (Chị) hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần ».
Sau hai bí tích này, người tân tòng đã thực sự là một giáo dân, một tín hữu, hay nói như Đức Ông Mai Đức Vinh, họ đã qua ba đoạn đường học hỏi và đã đến được với Thiên Chúa Tình Yêu.

Ba giai đoạn trên đường dẫn đến Thiên Chúa Tình Yêu

Là người có trách nhiệm dậy giáo lý, đặc biệt là giáo lý tân tòng trong 21 năm (1977-1998) cho người Việt Nam tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, Đức Ông Mai Đức Vinh đã cho biết những động lực thúc đẩy người Việt Nam xin học giáo lý để gia nhập đạo Công Giáo và ba chặng đường học đạo như sau trong một bài mới viết cho cuốn sách « Giáo Xứ Việt Nam 60 năm », đang in và sẽ phổ biến nay mai.

Những động lực nào đã thúc đẩy người Việt Nam xin học giáo lý để gia nhập đạo Công Giáo? Xin thưa: vì đã khấn hứa với Chúa và Đức Mẹ (đặc biệt trước khi rời Việt Nam…), vì đã lãnh nhận một ân huệ Chúa và Đức Mẹ ban (ơn khỏi bệnh, thoát nạn, được việc làm…), vì muốn gia đình được hiệp nhất trọn vẹn và bảo đảm hạnh phúc lâu bền (các đôi bạn đã lập gia đình một số năm, hay sắp lập gia đình), vì cảm mến đạo công giáo (thấy đạo công giáo quan tâm nhiều về bác ái nhân đạo, có những nhân vật nổi tiếng như Mẹ Têrêsa Calcutta, Abbé Pierre, Đức Gioan Phaolô II, hoạt động bác ái của Giáo xứ Việt nam…), vì ảnh hưởng tốt của các bạn công giáo (ngoại quốc hay Việt Nam, có khi đã quen thân lâu năm, có khi những năm ở ca đoàn, trong một sinh hoạt … như JMJ, trại hè).

Hành trình đức tin của một tân tòng Việt Nam dài vắn tùy theo hoàn cảnh: Nếu là một người cao niên, tức là trên 70 tuổi, thời gian ngắn và chương trình học đơn giản hơn. Nếu là người bình thường duới 70 tuổi chương trình đầy đủ với thời gian dài hơn như chúng tôi sẽ nói tới dưới đây. Nếu là một bệnh nhân, tất nhiên thời gian và chương trình chỉ là tối thiểu. Thời gian bình thường là từ sáu tháng đến một năm, học đều đặn mỗi tuần một lần, mỗi lần một giờ tới môt giờ rưỡi hoặc với một linh mục, hay một phó tế hoặc một tu sĩ, hay đôi khi với một giáo dân. Ngày giờ học được xếp theo sự thuận lợi tối đa cho dự tòng, vì thế có khi học từng nhóm bốn năm người, có khi một hay hai người theo ngày và giờ hẹn. Cũng vì nương theo hoàn cảnh của mỗi dự tòng, nên việc học giáo lý có thể vào thời điểm thuận lợi, nhưng thường là đầu tháng chín mỗi năm. Thời gian học được chia thành ba giai đoạn chính (étapes) mỗi giai đoạn được kết thúc bởi một « ngày nghi lễ »:

1. Gia Nhập Cộng Đoàn (Entrée dans la Communauté) là chủ nhật thứ nhất Mùa Vọng: Sau một thời gian học giáo lý, thường là ba tháng và riêng rẽ về người dạy và về ngày học, nay được xum họp lại trong một buổi cử hành nghi thức mang nhiều ý nghĩa:

• Người dự tòng thấy mình không lẻ loi, trong Cộng Đoàn còn có nhiều anh chị em khác cũng đang đi tìm Chúa như mình. Họ sẽ phấn khởi thêm…
• Người dự tòng được đón tiếp vào Cộng Đoàn hay Giáo Xứ là đơn vị cơ bản của Giáo Hội. Người công giáo không thể sống đạo ngoài khuôn khổ Cộng Đoàn. Cộng Đoàn phấn khởi đón tiếp họ và ý thức bổn phận phải cầu nguyện cho anh chị em dự tòng. Ý nghĩa này nổi bật bởi hai sự kiện: chính cha sở chủ sự nghi lễ, người Đại Diện Cộng Đoàn chào mừng và đón tiếp anh chị em dự tòng.
• Đây là bước thứ nhất chính thức đi dần vào Giáo Hội hoàn vũ…
• Nghi thức Gia Nhập Cộng Đoàn gồm ba phần: - Phần tiếp đón, nổi bật ‘Chúa Giêsu là Ánh Sáng chiếu soi tâm hồn dự tòng’, và lời chào mừng của vị đại diện cộng đoàn. – Phần nghi thức, chính yếu là ‘linh mục vẽ Thánh Giá trên trán, hai tai, hai mắt, môi miệng, trước ngực, hai vai và toàn thân mỗi dự tòng’. – Phần Lời Chúa: bài Thánh thư, bài Tin Mừng và bài chia sẻ diễn tả ‘việc Chúa kêu gọi và con đường dự tòng đi theo Chúa’, và Lời nguyện giáo dân (xem Rituel du Baptême des Adultes par Etapes, II, ‘L’Entrée en Catéchuménat).

2. Được gọi chính thức (Appel Décisif): Tại Paris, nghi thức này thường được tổ chức vào chiều thứ bảy tuần thứ nhất Mùa Chay tại một nhà thờ lớn của Paris, dưới sự chủ toạ của Đức Hồng Y với những ý nghĩa sau đây:

• Sau ngày ‘Gia nhập Cộng Đoàn’, hôm nay anh chị em dự tòng lại tiến thêm một bước nữa, là gia nhập vào Giáo phận hay Giáo hội địa phương. Một lần nữa họ thấy mình không cô đơn trên đường đi tìm Chúa. Nếu tại Giáo Xứ Việt Nam trung bình có 17-20 dự tòng, thì tại Tổng Giáo phận Paris trung bình có 300 dự tòng mỗi năm. Cả tổng giáo phận và chính những anh chị em thuộc nhiều sắc tộc đều phấn khởi hân hoan lên trình diện với vị Chủ Chăn…
• Hôm nay, chính ngài sẽ chính thức mời gọi dự tòng tiến lên, tiếp tục dọn mình gần để lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội vào dịp lễ Phục Sinh, ‘Gia nhập vào Giáo Hội hoàn vũ, đại gia đình dân Chúa, thành phần tử của Giáo Hội, thành ‘đàn em của Chúa Giêsu’ và ‘con cái của Thiên chúa…’.
• Hôm nay Đức Hồng Y sẽ xướng tên từng dự tòng, như giới thiệu họ với cộng đồng dân Chúa trong Tổng giáo phận. Tên họ được ghi vào cuốn sổ riêng và Đức Hồng y giao cuốn sổ qúy ấy cho các dòng tu trong Giáo phận với trách nhiệm cầu nguyện cho anh chị em dự tòng cách riêng trong Mùa Chay là thời gian chuẩn bị gần đến giếng Rửa tội.
• Một nhắc nhủ đặc biệt cho dự tòng là chiếc khăn tím dài mà Đức Hồng Y sẽ quàng vào cổ cho mỗi người: «Qúy anh chị đã được Thiên Chúa kêu gọi, qúy anh chị sẽ học hỏi kỹ càng về các Bí Tích Đức Tin trong suốt Mùa Chay này cho đến đêm lễ vọng Phục Sinh ». – « Chúng con tạ ơn Chúa ». - «Thiên Chúa trung thành với lời kêu gọi của Ngài, thì đến lượt qúy anh chị em, anh chị em hãy trung thành với Ngài… » (xem id tr. 79-92; xem thêm GLNTT 393).

3. ‘Ngày cử hành các Bí Tích Khai Tâm’ (Célébration des Sacrements de l’Initiation) cũng gọi là ngày ‘Gia nhập vào Giáo Hội hoàn vũ’ hay ‘Ngày lãnh Bí Tích Rửa Tội’. Đây là trạm chót của hành trình dự tòng.

• Theo Giáo Luật hiện nay (Đ 863) việc cử hành Bí tích Rửa Tội cho người lớn (từ 14 tuổi trở lên) dành cho Đức Giám Mục giáo phận, tuy nhiên Ngài có thể ủy quyền cho một linh mục, như trường hợp của Giáo Xứ Việt nam từ nhiều năm nay.
• Thường cử hành trong đêm thứ bảy Tuần Thánh, tuy nhiên có thể cử hành vào chính ngày lễ Phục Sinh hay một ngày nào khác tùy tiện. Tại Giáo Xứ Việt Nam trong khoảng 1978-1985, số dự tòng đông, trên 30 người mỗi năm, nên việc cử hành Bí tích Rửa Tội được tổ chứùc vào hai ngày, lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh, kể từ 1986 tới nay, chỉ cử hành vào ngày lễ Phục Sinh.
• Sau thời gian ‘ảm đạm của Mùa Chay và u buồn của Tuần Thánh’, bầu khí phụng vụ trở nên rực rỡ và tràn ngập hân hoan kể từ đêm lễ vọng Phục Sinh… Cũng vậy, hôm nay Cộng Đoàn thêm hồ hởi nhìn thấy qúy anh chị em dự tòng đổûi khăn tím và mang khăn trắng, cải tên ‘dự tòng’ thành tên ‘tân tòng’, sau những tháng học giáo lý vất vả, hôm nay phấn khởi đón nhận tràn đầy ơn thánh qua ba Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Từ nay, anh chị em thực sự là nghĩa tử của Thiên Chúa, là chi thể của nhiệm thể Giáo Hội, là thành viên trong Cộng Đoàn dân chúa » (2)


LỚI KẾT

Giáo hội Việt Nam đang hồ hởi chuẩn bị cử hành NĂM THÁNH 2010, kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Chính Tòa Việt Nam (1960-2010). 50 năm đầy hồng ân Chúa, nhưng cũng là 50 năm mà công việc tông đồ truyền giáo có chiều không tăng mà lại giảm. Phải chăng đây là dịp để giáo sĩ và giáo dân việt nam nhìn lại để dấn thân hơn và hữu hiệu hơn trong công việc tông đồ ? để dẫn đưa nhiều lương dân hơn vào « Đường dẫn đến Thiên Chúa Tình Yêu » ?

Năm 1533, Theo « Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục », vào tháng 3 năm Nguyên Hoà thứ I (1533), một người Âu Châu tên là Inêkhu lén đến truyền giáo ở làng Ninh Cường, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ thuộc giáo phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định ngày nay (3). Năm 1533 được các nhà làm sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam coi là năm đầu tiên Công Giáo đi vào xã hội Việt Nam, mở đầu cho thời kỳ gọi là BẢO HỘ, 1533-1659. Kết quả, nhờ sự giảng đạo của các cha Đaminh, Phanxicô và nhất là Dòng Tên, đặc biệt là cha Đắc Lộ, vào năm 1659, Giáo Hội Việt Nam, chưa có giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, nhưng có khoảng 100.000 tín hữu, 20.000 trong Nam và 80.000 ngoài Bắc (4), với 265 nhà thờ (5). Cùng với các thừa sai khác, cha Đắc Lộ đã khai sinh ra Chữ Quốc Ngữ.

Ngày 09.09.1659 ÐTC Alexandre VII ban sắc lệnh thiết lập 2 giáo phận truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam: ÐC François Pallu được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Đàng Ngòai, thêm quyền cai quản 5 tỉnh Vân Nam, Quí Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc và Tứ Xuyên của Trung Quốc và nước Lào; và ÐC Pierre Lambert de la Motte được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Đàng Trong, thêm quyền cai quản các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây và Đảo Hải Nam của Trung Quốc và gồm luôn cả Chiêm Thành. Từ đây, ngày 09.09.1659 được coi là ngày mở đầu cho thời kỳ thứ hai trong lịch sử truyền giáo ở Việt Nam: thời kỳ TÔNG TÒA (6). Kết quả là 300 năm sau, vào năm 1960, Giáo hội Việt Nam có 17 giáo phận, có 130.000 người tử vì đạo, trong đó 117 vị đã được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II Tuyên Phong Hiển Thánh tại Rôma ngày 19/06/1988, có 23 giám mục, 1.914 linh mục, 5.789 tu sĩ, 1.530 đại và tiểu chủng sinh, có 2.096.540 tín hữu, trên tổng số 29.200.000 dân, chiếm tỷ số 7.17% dân số (7). Số giáo hữu tăng gấp 21 lần. Giáo Hội, dẫu không ngừng bị bách hại bởi chính quyền, đã tạo ra một nền văn học quốc ngữ mới cho Việt Nam, đã tham gia tích cực vào việc xây dựng và cải tiến văn hóa, giáo dục và xã hội cho Việt Nam.

Ngày 24-11-1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam; các giáo phận hiệu toà trở thành CHÍNH TÒA với 3 toà Tổng giám mục ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Thành lập thêm ba giáo phận Đà Lạt, Mỹ Tho và Long Xuyên trong giáo tỉnh Sài Gòn. Số các giáo phận tăng lên thành 20: 10 ở giáo tỉnh Hà Nội, 4 ở giáo tỉnh Huế và 6 ở giáo tỉnh Sài Gòn. Sau 50 năm Chính Tòa (1960-2010), « Tính đến 31-12-2007, Giáo hội Công giáo Việt Nam có 26 giáo phận: 10 ở Giáo tỉnh Hà Nội, 6 ở Giáo tỉnh Huế và 10 ở Giáo Tỉnh TP-HCM, 2 Hồng y, 2 Tổng Giám mục, 38 giám mục, 3.510 linh mục, 14.968 tu sĩ nam nữ, 6.087.659 tín hữu trên tổng số 85.154.900 người, chiếm 7,15% dân số. Trong gần 50 năm qua, GHCGVN đã có thêm 6 giáo phận mới, số tín hữu tăng gấp 3, số linh mục tu sĩ tăng gấp đôi » (8). Giáo dân Việt Nam có một tâm thức mới: ý thức rõ rệt mình là việt nam công giáo, dấn thân tham gia trách nhiệm xây dựng quốc gia dân tộc, thậm chí dám đương đầu với các bạo lực bất công thế quyền, để bảo vệ và phát triển chân lý và công bình xã hội.
Nhưng tỷ số sút 0.02%. Đây là một vấn đề lớn mà Giáo Hội Việt Nam hôm nay phải đặt ra cho mình. Kết quả truyền giáo chẳng những không tăng, mà còn giảm, tại sao ?

Paris, ngày 28 tháng 04 năm 2009

Ghi chú:
(1). Trần Văn Cảnh, 18 dự tòng gia nhập cộng đoàn GXVN Paris, 30.11.2008
http://www.giaoxuvnparis.org/htm/vanhoagiaoxu/cambut/tranvcanh/phongsu/34_18dutong_301108.htm
(2). Mai Đức Vinh, Đường dẫn đến Thiên Chúa Tình Yêu, 19.03.2007
(3). Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, q. XXXIII, tập II, tr.301, Viện Sử học, NXB Giáo dục 1998
(4) HĐGMVN, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên giám 2004, tr. 189
(5) Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ, Sài Gòn: Đường mới, 1972, tr. 129
(6) Trần Văn Cảnh, Thành lập Thừa Sai Hải Ngoại Paris 1658, Thiết lập hai Giáo Phận Việt Nam đầu tiên 1959, http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=13&ia=641
(7) HĐGMVN, sđd, tr. 199
(8) Lm Nguyễn Ngọc Sơn, Từ kinh nghiệm truyền giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc đến việc xây dựng văn hóa Nhân bản Tâm linh, http://www.vietcatholic.org/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=65180
 
Một tuần chầu với nhiều mong ước tại giáo xứ Yên Lý, GP Vinh
JB. Ngọc Hùng
02:01 29/04/2009
VINH - Giáo xứ Yên Lý, giáo phận Vinh, thuộc xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An, đã tổ chức Tuần chầu Thánh Thể Chúa Giêsu vào Tuần III Phục Sinh trong một khu nhà tạm tại xứ đường Yên Lý.

Xem hình ảnh

Theo linh mục Phêrô Trần Đình Lai cho hay, ngôi nhà thờ dang dở đang được tích cực gấp rút hoàn thành để giáo dân có nơi thờ phượng Chúa cho xứng đáng, nhưng hoàn cảnh giáo dân hiện nay rất khó khăn. Cha Phêrô đã tìm nhiều cách để có thể có được nguồn kinh phí cho công trình nhà Chúa nhưng vẫn không thấm vào đâu.

Tuần chầu này giáo xứ phải tổ chức trong một ngôi nhà tạm bợ đã được sử dụng từ hơn một năm nay để làm việc phụng thờ Chúa. Tuy trong một điều kiện như vậy, nhưng tuần chầu đã được tổ chức rất sốt sáng trang nghiêm.

Cầu cho giáo xứ Yên Lý sớm hoàn thành ngôi nhà thờ mới để việc phụng thờ Chúa có nơi xứng hợp hơn.
 
Các linh mục giáo phận Thái Bình đến Thái Hà dâng thánh lễ để cùng hiệp thông
CTV/CSsR
02:10 29/04/2009
THÁI HÀ - Thánh lễ lúc 10g sáng ngày 28 - 4 - 2009 tại giáo xứ Thái Hà có đông giáo dân tới tham dư lễ hơn thường lệ.

Họ tới để cầu nguyện đặc biệt cho cha Phê-rô Nguyễn Văn Khải.

Đặc biệt hơn nữa là có 2 linh mục đến từ giáo phận Thái Bình để cùng hiệp thông dâng thánh lễ cầu cho cha Phê-rô Nguyễn Văn Khải và cầu nguyện cho công lý và hoà bình được sớm thể hiện trên quê hương Việt Nam thân yêu.

 
Đại lễ kỉ niệm 50 năm thành lập giáo xứ Thái Hiệp GP Xuân Lộc
Giuse Hoàng Thiên Quốc
02:24 29/04/2009
Năm mươi năm là một khoảng thời gian có lẽ chẳng là gì đối với Thiên Chúa cũng như với lịch sử loài người, nhưng đối với một giáo xứ thì đó quả là một chặng đường dài trải qua nhiều thử thách và gian nan, đó cũng là thời điểm để mọi người nhìn lại chặng đường đã qua, nhìn lại những gì mà Giáo xứ đã nhận được từ muôn vàn Hồng Ân của Thiên Chúa.

Xem hình ảnh

"Năm mười năm giáo xứ đầy hồng phúc,

Bốn mười năm linh mục toàn Thánh ân"


Sau những ngày tháng chờ mong, cùng với sự chung tay góp sức về tinh thần cũng như vật chất của biết bao người, hôm nay (29-4-2009) Giáo xứ Thái Hiệp đã tròn 50 tuổi và thật ý nghĩa hơn, đây cũng là dịp kỷ niệm 40 năm Cha Chánh xứ Gioakim Nguyễn Bá Tước lãnh nhận tác vụ linh mục.

Giáo xứ Thái Hiệp thật hạnh phúc biết bao khi đến tham dự thánh lễ có sự hiện diện của Đức Cha Đaminh Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, Đức Cha Giuse Giám mục Giáo phận Hải Phòng, quý Cha bề trên, quý Cha tổng đại diện, quý Cha trong và ngoài Giáo Phận, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh, cùng toàn thể bà con giáo dân xa gần.

Đúng 8h45 Đức Cha Đaminh, Đức Cha Giuse cùng quý Cha đồng tế cắt băng khánh thành và cử hành nghi thức làm phép nhà giáo lý và Thánh đường Giáo xứ.

Đoàn rước tiến vào Thánh đường cùng với các Cha đòng tế, ai ai cũng đểu nở trên môi một nụ cười, tâm trạng của mỗi người giờ đây như đang tràn đầy hạnh phúc.

Trước khi Thánh lễ được bắt đầu là lời phát biểu của Cha Chánh Xứ Gioakim " xin được gửi lờicảm ơn đến quý Đức Cha, quý Cha đồng tế và ân nhân xa gần, đã thương đến nơi đây để cầu nguyện cho con cũng như cho Giáo xứ, để mỗi ngày chúng con được tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa hơn". Tiếp đến là phần hai Đức Cha trao bằng ân nhân Giáo xứ cho Cha Đaminh Trần Xuân Thảo nguyên chánh xứ Thái Hiệp và 250 vị có mặt trong buổi lễ.

Thánh lễ được bắt đầu với không khí trang nghiêm và ấm áp tình yêu thương. Đức Cha Chủ tế ( Đức Cha Đaminh) đọc lời chúc mừng giáo xứ. Ngài gợi nhớ những năm tháng đầu tiên đến ngày hôm nay, mọi người đã trải qua biết bao hy sinh, gian khổ nhưng Đức Cha nhấn mạnh "trong Chúa con có thể làm tất cả"; Đức Cha Giuse Giám mục Giáo phận Hải phòng dù đường sá xa xôi cũng như bận rộn với công việc mục vụ nhưng Ngài vẫn đến để cùng cầu nguyện và chia sẻ niềm vui với Giáo xứ.

Thánh lễ được diễn ra trong bầu khí sốt mến, thể hiện sự hiệp nhất yêu thương giữa mục tử và chủ chăn.

Kết thúc Thánh lễ là phần liên hoan, văn nghệ. Đăc biệt lần này có sự tham gia của các ca sĩ công giáo nổi tiếng như: Gia Ân, Phi Nguyễn, Kim Cúc, Tuyết Mai Ly,..và nhóm múa Ánh Hồng của giáo xứ, đã làm buổi văn nghệ rực lửa một tình yêu nồng nàn, tình yêu Thiên Chúa và tình yêu huynh đệ.

Đêm trình diễn thánh ca hợp xướng mừng giáo xứ Thái Hiệp 50 năm

Để kỳ niệm 50 năm thành lập giáo xứ và 40 năm Cha Chánh xứ Gioakim Nguyễn Bá Tước lãnh tác vụ linh mục, Giáo Xứ Thái Hiệp ( Hạt Biên Hòa - GP Xuân Lộc) đã tổ chức một đêm trình diễn Thánh Ca hợp xướng với chủ đề " Gieo bước trong hồng ân".

Xem hình ảnh

Chương trình được diễn ra vào lúc 19h30 ngày 28-04-2009. Mặc dù, thời tiết của miền Đông Nam Bộ vào những ngày này thường đổ mưa, giông vào chiều tối. Và quả như vậy, từ 13h đến 18h mưa như "chút nước" không ai dám nghĩ là sẽ tạnh, nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra đúng 18h trời tạnh nhường lại một không gian ấm cho buổi trình diễn thánh ca, có người nói rằng đó là mưa hồng ân Thiên Chúa để thông ban sức sống, sự bình an và niêm vui đến cho mọi người.

Đúng 18h các ghế ở sân nhà thờ đã đầy lấp chỗ, "chứng minh những giáo dân của chúng yêu thánh ca đến dường nào" một Thầy tham dự phát biểu.

Hiện diện trong đêm thánh ca này có Cha Chánh xứ Gioakim, Cha phó Phanxicô, Cha Giuse Trần Công Hiển Thư ký Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Xuân Lộc, Quý Cha trong Giáo Hạt, quý Cha Giáo Phận Hải Phòng, cùng quý tu sĩ nam nữ và bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ.

Chương trình được dẫn dắt bởi 2 MC Kim Anh và Cha Phó Phanxicô, đã tạo được một bầu không khí sôi động làm nóng cả khuôn viên Thánh đường giáo xứ, đánh tan đi cái lạnh lẽo ảm đạm của cơn mưa qua.

Đêm trình diễn Thánh ca này mang đậm màu sắc Thánh thiêng, các tiết mục hợp xướng: "Hoan Ca cảm tạ", "Truyền tin","50 năm hồng ân giáo xứ Thái Hiệp",...; tiết mục đàn tranh:" con chỉ là tạo vật"; tiết mục múa: "Xin cho mỗi gia đình","Xin Chúa dùng con","tiếng chuông"; hoạt cảnh: "Anrê", với sự tham dự của các ca đoàn trong và ngoài giáo hạt như: Ca đoàn Giáo xứ Bùi Đức, ca đoàn giáo xứ Bình Hải, ca đoàn giáo xứ Phúc Hải, ca đoàn Micae Giáo xứ Thái Hiệp và Ca đoàn Têrêsa giáo xứ Thái Hiệp, các Mẹ Hội Hiền Mẫu, giáo lý viên Giáo xứ Thái Hiệp...Ngoài ra còn các nghệ sĩ đến từ nhà văn hóa Tỉnh Đồng Nai.

Đêm diễn gần kết thúc, trời bắt đầu nặng hạt, nhưng không vì thế mà làm giảm đi sự cuồng nhiệt của khán giả khi trên sân khấu là ca sĩ Thanh Sử, Thanh Sử đã thật sự thổi một luồng gió mới khi anh hát liên hợp 3 ca khúc để dành tặng cho Cha Chánh Xứ Gioakim và mọi người.

Với tâm tình hiệp nhất yêu thương, đêm thánh ca hợp xướng đã mang đến cho mọi giáo dân trong và ngoài giáo xứ Thái Hiệp một đêm tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và bình an,
 
Làm đẹp Nghĩa Trang Thiên Thần - Huế
Maria Ngọc Hạnh
05:20 29/04/2009
HUẾ - Huế những ngày đầu hè thật oi bức, đâu đó tiếng ve kêu và những chùm hoa phượng nở đỏ rực như báo hiệu hè sắp đến.

Trong cái nắng oi bức đó, có hơn 35 bạn sinh viên Công Giáo đã bất chấp cái nóng nghiệt ngã của Huế, gồng mình trên những chiếc xe đạp cà tàng tìm tới Nghĩa trang Thiên Thần để quét vôi, để làm đẹp cho phần mộ của các Hài Nhi trong ngày Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót.

Nhìn những giọt mồ hôi thấm đẫm vạt áo các em, nhìn những khuôn mặt đỏ ửng lên vì nắng, và nhìn những nụ cười hạnh phúc của các em, tôi thầm hỏi không biết động lực nào đã cho các em sức mạnh và sự hy sinh nhiều đến như vậy. Hôm đó là Chúa Nhật, các em đã có thể cùng bạn bè đi chơi, đi uống cà phê để giải trí sau một tuần học căng thẳng. Hoặc có thể nằm nhà đọc báo, xem truyền hình để quên đi cái nắng cháy người bên ngoài.

Và giờ này khi các em đang hăng say quét vôi cho các phần mộ cũ, đào thêm phần mộ mới cho mấy em nhỏ mà hôm qua bị ba mẹ đành lòng xô đẩy em ra khỏi thế giới loài người, thì có biết bao bạn cùng trang lứa đang say sưa bên những quán Internet để lướt Game, để chat, thả trôi cuộc đời mình vào những trò chơi, thú tiêu khiển vô bổ.

Nhắm mắt trong nguyện cầu tôi đã tìm ra được câu trả lời cho chính mình: Chính tình yêu Thiên Chúa đã làm nên điều kỳ diệu này.

Xin tạ ơn Lòng Chúa Thương Xót. Xin cám ơn các nhà hảo tâm, cám ơn các bạn sinh viên và các anh chị em trong nhóm Bảo vệ Sự Sống Huế vì những nghĩa cử cao đẹp, những hành động chứa đầy tình Chúa và tình người.

Các bạn sinh viên! Hy vọng những gì các bạn làm hôm nay sẽ giúp các bạn tránh xa những cạm bẫy trong ngày mai, khi cuộc đời bắt bạn phải đối diện trước vấn đề sự sống và chết của một con người, nhất là của một sinh linh bé bỏng và vô tội.

Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót 19/4/2009
 
Nô lệ thời đại mới trên đất Malaysia
LM. Trương Văn Phúc, S.J.
05:36 29/04/2009
NÔ LỆ THỜI ĐẠI MỚI TRÊN ĐẤT MALAYSIA

XIN MỞ LÒNG QUẢNG ĐẠI ĐỂ LIÊN ĐỚI VỚI CÁC NÔ LỆ THỜI ĐẠI MỚI TRÊN ĐẤT MALAYSIA

Tôi là linh mục Trương văn Phúc, S.J., thuộc Tỉnh Dòng Tên Việt Nam.

Nhân dịp tôi được sai đến đất Malaysia để chăm sóc mục vụ cho các công nhân người công giáo và đồng thời cũng tìm cách liên đới với tất cả các công nhân Việt nam đang làm việc tại Địa Phận Melaka - Johor. Tôi đã đi thăm nhiều nơi làm việc, nơi ở và cả nhà tù nơi giam giữ những người Việtnam một cách bất công. Dưới đây, tôi xin chia sẻ một vài điều mắt thấy tai nghe với mong ước xin quý vị, vì tình đồng bào Việt Nam, hãy mở rộng lòng quảng đại để liên đới với các công nhân nhân Việt nam, “ những nô lệ thời đại mới”, trên đất Malaysia.

Ngày 06.03.09

Tôi đến thăm nhóm công nhân ở Masai, Johor Bahru, chị Nguyễn Thị Loan, đến từ vùng Phương Lâm - Đồng Nai, đang làm việc cho công ty Điện ôtô, cho biết: đã mấy tháng trôi qua rồi, mỗi tuần công nhân của nhả máy nơi chị đang làm việc chỉ được làm việc có 1 hoặc 2 ngày thôi. Công ty hiện đang không có việc làm. Những ngày không đi làm việc, các chị không được phép đi đâu cả, vì nhóm quản lý, cũng là nhóm môi giới, đã giữ tất cả các giấy tờ tùy thân của các chị hầu các chị không thể tìm việc làm nơi khác. Các chị xin họ giải quyết cho về nước nhưng không được chấp nhận.

Ngày 07.03.09

Tôi gặp gỡ các bạn công nhân ở Plentong, Johor Bahru. em Hải, một công nhân đến từ vùng Bắc Cạn, đang làm việc cho công ty Venture cho biết, cứ mổi lần các nữ công nhân có việc đi đâu đó về sau 10 giờ tối, thì ông bảo vệ block nhà trọ lại ép các cô phải ngũ với ông với lập luận xàm sở: “ mày đi ngủ với bạn trai được thì mày cũng ngủ với tao được, vì tao cũng là đàn ông vậy”. Hải cũng cho biết hôm gần tết vừa rồi, có một nữ công nhân bị mệt đang khi làm việc, cô này được người quản lý sản xuất đưa vào nhà vệ sinh để ngồi nghỉ ở đó. Thế nhưng, vì thấy lâu không quay trở lại làm việc nên người quản lý nay cửa nhà vệ sinh vào gọi. Khi cửa nhà vệ sinh mở ra thì thấy cô ta đã chết trong nhà vệ sinh.

Ngày 08.03.09

Tôi đến thăm nhóm công nhân vùng Krupong, Melaka. Giang, một cô gái đến từ Phú Thọ, cho biết: cô và các bạn trong nhóm bị bán cho các nơi làm việc đến 2 lần rồi. Lúc còn ở Việt nam, các cô ký hợp đồng làm việc cho một nơi, nhưng qua đến Malaysia, các cô bị đưa tới làm việc moat nơi khác. Chủ hợp đồng củ đã bán các cô cho một công ty khác để kiếm lời. Giang cũng cho biết, khi đến làm việc, nếu ai đó không làm được việc như chủ mong muốn, thì họ bị trả về cho chủ môi giới. Ở đó, họ bị nhốt không cho ăn, bị đánh đập, bị uy hiếp, được răn bảo đôi điều và sau đó là được bán trở lại cho moat công ty khác. Theo những người bạn của Giang cho biết, có ít nhất 2 trường hợp nữ công nhân Việt Nam bị bán làm người giúp việc nhà và cũng là vợ bé của gia đình người Malaysia. Họ gặp các chị này ở chợ, đang khi các chị gánh trái cây đi bán hàng rong. bên cạnh các chị có một người vừa canh gác vừa thu tiền. Hiện các chị đã có con với người Malaysia nhưng chỉ là người giúp việc nhà không được phép liên lạc với bất cứ người Việt nam nào.

Ngày 09.03.09

Báo chí Malaysia đưa tin: tại vùng Penang, cảnh sát đã nổ súng bắn chết 5 người Việt Nam bị nghi là cướp có vũ trang.

Thưởng, một công nhân đang làm việc ở Melaka đến thăm tôi và kể cho tôi nghe tình hình hiện tại của khá nhiều công nhân Việt Nam ở vùng Melaka. Họ chỉ thu nhập hàng tháng được từ 150 RM đến 250 RM ( # 50 - 70 USD), do chỉ có việc làm mỗi tuần được 3 buổi và mỗi buổi chỉ 8 giờ. Họ phải làm việc ăn lương theo số sản phẩm, nên càng ít việc họ càng ít thu nhập. Tuy thu nhập của họ đã quá thấp, vậy mà mỗi tháng họ còn bị những người môi giới thu 100 RM. Do vậy, tình trạng sống của họ nay đã đến mức bần cùng. Nhiều tháng qua, họ không đủ tiền sống chứ chưa nói đến có một chút gởi về phụ giúp gia đình.

Những người bạn của Thưởng kể cho tôi nghe chuyện họ đình công đòi công ty phải tìm việc làm cho công nhân. Công ty đã gọi Đại Sứ Quán Việt nam đến để đối thọai giải quyết. Sau khi nhóm Đại Sứ Quán ra về, tất cả những người có tên trong danh sách nhóm đình công hôm đó đều bị công ty phạt 500 RM trừ vào lương của họ. Thật là bất công và đau xót!

Ngày 11.03.09

Tôi đến thăm các bạn công nhân thuộc công ty Konica vùng ngọai ô Melaka. Bích, một bà mẹ trẻ đến từ Nghệ An, cho biết: hơn một tháng nay nhóm của cô cứ bị công ty hẹn đến 4 lần rồi sẽ có việc cho các cô làm. Thế nhưng đến giờ này thì vẫn thất nghiệp. Bích may mắn vì công ty Konica cho mỗi công nhân 200 RM như một khỏang phụ cấp thất nghiệp.

Tôi được chị Vi, một bà mẹ luống tuổi vùng Hương Sơn - Hà Tĩnh, kể về tình trạng của mình: Chị đến đây qua trung gian môi giới. Công ty của chị chẳng bao lâu sau khi chị đến làm việc thì bị phá sản. Chị bị môi giới nhốt, không cho đi làm ở bất cứ nơi đâu vì lý do chưa tìm được nơi làm việc mới cho chị. Bây giờ chị mới mượn được tiền của bạn bè để đóng cho môi giới 1700 RM hầu để có thể có tự do ra ngòai kiếm việc. Chị hiện tại đi lau dọn nhà cho các gia đình gần nơi chị ở với ao ước có đủ tiền trả nợ và mua vé máy bay về nước. Chia sẻ với tôi, chị bảo: “ Họ ác lắm em ơi! Aùc không tưởng tượng được!”

Ngày 14.03.09

Tôi đi thăm nhóm công nhân vùng Saleng. Lành. cô gái trẻ của vùng Lộc Mỹ - Nghệ An cho biết: cô đã sống nhờ bè bạn giúp đến nay là 3 tháng rồi. Cô bị thất nghiệp do công ty không có việc làm. Các cô không được phép đi đâu cả, và cũng không được giải quyết để tìm việc nơi khác hoặc là cho về nước. Các cô mong sao sớm có việc làm để có cơm an hằng ngày.

Ngày 15.03.09

Tôi đến thăm vùng Ulu Tiram, nơi vừa xảy ra nhiều vụ cướp liên tục tuần vừa qua. Tôi đã gặp 56 bà mẹ nông dân chân chất đến từ Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, đang hoang mang trong nước mắt. Tối hôm 11.03.09 vừa qua, nhà của họ bị nhóm cướp 10 tên xông vào nhà khống chế và cướp đi tất cả những gì họ có: tiền bạc, điện thọai, thẻ ngân hàng… Chúng tôi có mang theo 100 Kg gạo và 120 gói mì gói để bày tỏ tình liên đới với họ, nhưng chừng đó thì thấm vào đâu so với nổi đau mật mát của họ. Do tình hình khủng hỏang kinh tế tòan cầu, nhiều công nhân bi thất nghiệp đã liều mình đi cướp của người khác. Họ làm thành những nhóm hổn hợp Ấn-Indonesia-Việtnam. Thường họ nhắm tấn công các nhà của những người không biết nói tiếng Malaysia hoặc tiếng Anh hòng để không biết báo cho cảnh sát kịp thời. Tôi cũng được biết tuần vừa qua ở Tanjong Lansat, các nhóm cướp cũng đã tấn công và rất nhiều người Việt nam trở thành nạn nhân đang cần được sự giúp đỡ.

Ngày 16.03.09

Ông John Foo, một tình nguyện viên giúp công nhân Việtnam ở Majodi Center đưa tôi đến thăm một gia đình người tàu địa phương. Tôi đến đó để cám ơn gia đình này vì vừa qua họ đã giúp 2 chiếc quan tài để chôn 2 người công nhân Việtnam xấu số, chết trong một giấc ngũ đêm sau khi làm việc tăng ca quá tải. Dạo này một số công ty, như công ty Venture … ép công nhân làm việc đôi lúc không cho nghĩ ăn trưa. Một số công ty còn lấy lý do tiết kiệm điện nên không cho chay quạt thông gió khi các công nhân làm việc. Do vậy, các công nhân bị ngộp và dẫn đến tình trạng tử vong là tất yếu. Khi các công nhân tử vong trong nhà máy thì công ty còn bồi thường chút ít, nhưng khi họ tử vong ở nhà thì công ty hòan tòan phủi tay, không hề bày tỏ liên đới chút nào.

Ông John Foo cũng đem tôi đến gặp chị Phạm Thị Kim Tuyến, một bà mẹ trẻ đến từ Thạnh Phú - Bến Tre. Đây là người mà ông John Foo vừa dùng mưu kế để giúp chị thóat khỏi nhà của ông Jame đang giam giữ chị một cách phi nhân. Chị Tuyến được công ty môi giới Sona tại Sài gòn do ông Trường làm giám đốc đưa đi làm công nhân lại Malaysia vào ngày 20/8/2007. Đến Malaysia, chị được công ty môi giới của ông Jame ( ở vùng Putri Wangse) tiếp nhận. Sau đó, công ty môi giới này đưa chị đi làm ở công ty Sinco. Lương của chị bị môi giới ăn chặn đến 50%. Từ tháng 11/2008 đến nay, chị trở bệnh. Công ty môi giới đã đưa đi khám sức khõe đến 5 lần và kết quả là chị bị suy tim, rối loan chức năng nhiều bộ phận nội tạng. Theo chị cho biết ông Jame đã gọi chị đến văn phòng để lo thủ tục về nước, nhưng khi chi lên văn phòng thì chị bị nhốt chung với chừng 20 người khác trong một căn nhà do vợ ông Jame làm quản giáo. Mấy tháng trôi qua, chị chỉ được ăn mỗi ngày một bữa. Một số người Việt Nam biết nơi này và thỉnh thỏang có tiếp tế cháo cho chị. Cách nay gần một tuần, do nhờ một cuộc đột nhập khám xét nhà của cảnh sát, vợ của ông Jame mới cho nhóm bị nhốt này chuyển sang công việc “ đục tường nhà” như là một trá hình tránh cảnh sát. Chị đã liên lạc được với chị Hồng làm phiên dịch cho cảnh sát địa phương sắp xếp cho chị chạy thoát. May thay, chị Hồng biết ông John Foo và nhờ ông đưa xe đến gần ngôi nhà ấy để chị Tuyết vượt ra cửa là đón ngay. Cuộc vượt ngục thành công. Hiện chị Tuyến đang ở với nhóm công nhân Việtnam ở địa chỉ: No. 7, Jalan Batik 8, Taman Putri Wangse, Ulu Tiram. Chi rất cần được giúp đỡ để có thể về nước trước khi bị nhóm ông Jame lùng bắt trở lại.

Ngày 17.03.09

Tôi đến thăm trại tù Pekan Nanes ở địa chỉ 81500 Ponian Johor. Ở đó tôi biết có 57 trường hợp các công nhân Việt nam đang bị giam giữ. Họ vào đây vì không có giấy tờ tùy thân khi đi trên đường. Các công nhân việt nam đến làm việc ở Malaysia đều bị môi giới giữ hết giấy tờ tùy thân. Họ chỉ có một giấy do công ty cấp cho, với giới hạn đi lại trong một vùng nào đó có nhà máy họat động. Chính vì vậy, trong trường hợp họ ra khỏi vùng cho phép, họ sẽ bị bắt vì giấy tờ không hơp lệ. Đến đó, tôi trao một chút quà liên đới với các tù nhân. Tôi cũng được phép gặp một số trường hợp đặc biệt, đó là những trường hợp bị nhốt từ 7 đến 9 tháng không người đến thăm nuôi giúp đở. Trong số những trường hợp này, tôi đã gặp 8 bà mẹ đáng thương:1/ chị Quách Thị Hằng, số tù: 2531.08, 38 tuổi, đến từ hải Dương, bị nhốt ở nay 9 tháng rồi, với tội trạng: lãnh đạo nhóm công nhân đòi tăng lương. Theo chị kể: nhóm chị làm ca đêm mỗi giờ được trả 7 RM nhưng môi giới ăn chặn 5 RM, chỉ trả cho các chị 2 RM mà thôi. Do chị biết một chút tiếng Malaysia, nên chị em nhờ chị viết thư lên công ty. Chị đã bị công ty môi giới lừa và đem nộp cho cảnh sát với lý do không có giấy tờ tùy thân; 2/ Chị Nguyễn Thị Nga, số tù 474.09, 31 tuổi, đến từ Tân Kỳ - Nghệ An, do công ty May của chị bị phá sản, chị trốn chủ môi giới để đi phụ bán quán với mong ước kiếm tiền đủ trả nợ 27.000.000 VNĐ chi phí cho thủ tuc chị đi xuất khâu lao động. Chị bị bắt chẳng bao lâu sau khi trốn khỏi nhà của nhóm môi giới; 3/ chị Hà Thị Dinh, số tù 68.09; 4/ chị Hà Thị Nga, số tù 645.09; 5/ chị Hà Thị Hoa, số tù 646.09. nay là ba bà mẹ true đên từ Phú Thọ, cùng làm công ty may, cùng bị thất nghiệp, cùng trốn, cùng bị bắt khi chưa tìm được việc làm. 3 trường hợp khác:6/ chị Dương Hồng Hạnh; 7/ chị Lê Thị Ngọc; và 8/ chị Đinh Thị Hạnh, số tù 115.09, đều là những người bị bắt trong khi lang thang tìm việc làm do công ty của họ bị phá sản. Theo luật hơp đồng, khi công ty phá sản thi công ty phải trả chi phí vé may bay cho các công nhân về nước. Thế nhưng các công ty ở Malaysia lại mua công nhân từ các môi giới lao động nên họ không chịu trách nhiệm chi trả trong các khỏang này. Hiện nay 8 bà mẹ trong tù này đang sống trong những ngày không có niềm hy vọng. Họ không có bạn bè, thân quen trên đất Malaysia. Họ cho tôi số điện thoại ở gia đình của họ tại Việtnam. Tôi đã liên lạc với gia đình họ và cũng không sao giải quyết được, vì gia đình họ nghèo quá. Tôi có hỏi khỏan chi phí cho mọi thủ tục, kể cả vé máy bay cho một trường hợp từ trong tù về ViệtNam, và được cảnh sát cho biết: mỗi trường hợp mất chừng 1000 RM ( # 300 USD hoặc # 450 SGD). Mong sao các bà mẹ này sớm có người rộng lòng giúp đỡ, để họ sớm đạt ước nguyện đòan tụ với gia đình sau những tháng ngày dài thất vọng trong lao tù.

Còn quá nhiều điều thương tâm đã, đang và sẻ xảy ra cho người công nhân nghèo trên đất Malaysia mà tôi không sao tả hết được. Tôi chỉ biết rõ một điều: những gì tôi kể cho quy vị trên nay chỉ là một vài trường hợp mà tôi được dịp chứng kiến bằng mắt thấy tai nghe. Lòng tôi quặn đau khi thấy người Việt của mình bị bán làm nô lệ, bị trở thành những nạn nhân của bất công. Tôi muốn liên đới với họ, và chắc chắm cũng muốn quý vị rông lòng liên đới với họ. Những chia sẻ của quy vị sẽ phần nào thoa dịu nỗi khổ đau của những anh chị em này, hay ít là góp phần đem lại tự do cho một vài bà mẹ trẻ đáng thương đang ngồi trong lao tù. Theo tôi được biết hiện đang có chừng 130.000 công nhân Việt nam đang làm việc ở Malaysia, trong số này có chừng 30.000 công nhân đang thất nghiệp do ảnh hưởng khủng hỏang kinh tế tòan cầu.Tôi cầu nguyện xin Chúa - Trời chúc phúc cho những tấm long hảo tâm của quý vị qua việc bày tỏ tình liên đới bằng cách này hay cách khác cho những người nghèo Việtnam trên đất Malaysia.

Vai dòng chia sẻ với quý vị. Tôi mong có dịp sẻ kể thêm những gì mình chứng kiến về nổi khổ của người Việt Nam trên đất Malaysia.

Malaysia ngày 18.03.2009
 
Hình ảnh Giáo Xứ Thánh Marcô Inala Khai Giảng Khóa Giáo Lý Xưng Tội, Rước Lễ Lần Đầu và Thêm Sức 2009
Phạm Minh Nhật
12:55 29/04/2009
Chúa Nhật ngày 26 tháng 4 vừa qua, giáo xứ St Mark đã khai giảng khóa giáo lý cho 59 em, tuổi từ 9 tới 13, học hỏi về bí tích hòa giải, thánh thể, và thêm sức.

Lm Vũđình Tường, cha xứ, đã mở lời khai mạc khóa học năm 2009. Cha tóm lược chương trình giáo lý và giới thiệu ban giáo lý viên tới các em và phụ huynh. Khóa học bao gồm 10 buổi sáng Chúa Nhật và các em sẽ học mỗi tuần 2 tiếng.

Để giúp các em có cơ hội quen biết nhau và các giáo lý viên, trong ngày gặp gỡ đầu tiên, ban giáo lý viên đã cho các em sinh hoạt với những trò chơi tập thể rất vui nhộn và trước khi ra về, mọi người cùng chia sẻ món chả giò thật hấp dẫn.

Khóa học sẽ kết thúc vào Chúa Nhật ngày 2 tháng 8 bằng việc cử hành Thánh Lễ Rước Lễ Lần Đầu và Thêm Sức do Đức Giám Mục Brian Finnigan chủ tế.



Ban giáo lý viên



Xem hình ảnh

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phản đối khai thác Bauxite, chuyện đâu còn của riêng ai!
Alfonso Hoàng Gia Bảo
00:51 29/04/2009
Có thấy vừa xảy ra thêm chuyện các Lm Nguyễn Văn Khải, Lê Quang Uy DCCT bị các bồi bút của tờ hai Hà Nội Mới và An Ninh Thủ Đô vu khống, bị bên công an hăm he đòi tra khảo chúng ta mới càng thấy rõ đúng như sự nhận định của nhiều người am hiểu tình hình trong nước khi họ cho rằng, sau hàng loạt các cụ bắt bớ giam cầm các nhà báo chống tiêu cực và những người đấu tranh đòi hỏi dân chủ hóa đất nước và sự “lộng hành” ngày một gia tăng của các thế lực dựa vào đảng Csvn, những người đang ngày đêm mong mỏi đất nước sớm thoát khỏi sự cai trị của đảng độc tài Csvn đang dung túng bao che cho những bất công, quốc nạn tham nhũng ngày một bất trị… họ chỉ còn biết trông cậy vào tiếng nói của các vị lãnh đạo các tôn giáo, nhất là người công giáo chúng ta, một giáo hội được tổ chức chặt chẽ và có số tín đồ tới trên 6 triệu người. Chính vì lý do này mà mọi việc làm của các linh mục, tu sĩ thậm chí giáo dân mang tầm vóc xã hội đều bị kiểm soát rất chặt chẽ.

Bằng chứng rõ ràng nhất của nhận định này chính là những gì chúng ta chứng kiến chung quanh vấn nạn khai thác “bất hợp pháp” quặng nhôm ở Tây Nguyên và Lâm Đồng hiện nay.

Cùng là việc vận động nhiều người tham gia phản đối “chủ trương lớn” của đảng và nhà nước về khai thác Bô-xít vì sự bất cập ‘lợi ít hại nhiều của nó, nhưng trong khi các vị đại diện cho 135 nhân sĩ trí thức cả nước là các GS Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, GS TS Nguyễn Thế Hùng đến văn phòng chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ để gởi kiến nghị, thì họ bị những nơi này tỏ thái độ khinh khỉnh, bị từ chối thẳng thừng “không có tiền lệ nhận đơn kiến nghị đưa tay như vậy” và yêu cầu họ ra gởi bằng bưu điện (việc làm mà không có bất kỳ bảo vệ nào dám tự ý làm khi không có ý kiến của chủ nhà), thì các cha DCCT vừa mới chỉ mở cuộc vận động “HÃY CỨU LẤY TÂY NGUYÊN KHỎI THẢM HOẠ BAUXITE ĐỎ” trong phạm vi giáo hội, lập tức hai Lm Nguyễn Văn Khải và Lê Quang Uy của DCCT liền bị tờ Hà Nội Mới đưa lên mặt báo, rồi bị công an Tp.Hà Nội mời lên chất vấn v.v…

Cùng một nội dung kiến nghị vì sao ý kiến của những 135 nhân sĩ trí thức không được nhà cầm quyền VN trọng thị nhưng họ lại hết sức quan tâm tới hai linh mục?

Chúng tôi thấy không còn lời giải nào hợp lý hơn là do mọi giá trị luân thường đạo lý trật tự xã hội ngày nay bị băng hoại và đảo lộn, đến mức ngay như các nhân sĩ trí thức trên họ cũng đành bất lực trước mấy anh gác cổng phủ chủ tịch, văn phòng thủ tướng chẳng hạn là hình ảnh minh họa rõ nét nhất. Trước tình cảnh ấy, những con người tử tế phải tự điều chỉnh lấy cái bản năng hướng thiện của mình về phía các tôn giáo. Nhà cầm quyền VN cũng nhận ra rất rõ sự trỗi dậy về tâm linh trong dân chúng đang mạnh mẽ ra sao, cũng như việc họ đang cố lái nó đi theo “định hướng XHCN” gặp phải khó khăn như thế nào qua vô số lễ hội tốn kèm gần như quanh năm.

Vì sợ mất uy tín và sợ các tôn giáo sẽ giành giật mất ảnh hưởng sau vụ ‘lỡ làng’ Bauxite này mà nhà cầm quyền Hà Nội đã phải phát hoảng lên khi thấy chỉ trong 2 ngày đã có cả ngàn người ký tên vào bản kiến nghị do các cha DCCT khởi xướng. Mặc dù các Ngài chẳng hề nắm giữ bất kỳ một địa vị nào ngoài xã hội dù là nhỏ nhoi, nhưng vẫn được nhà cầm quyền ‘trân trọng’ hơn những 135 trí thức hàng đầu của đất nước. Động thái này chúng tôi cho rằng căn cứ đáng tin cậy để 135 trí thức đã ký tên vào bản kiến nghị có quyền hoài nghi về kết quả mà họ đang mong đợi. Bởi cái mà nhà nước quan tâm đâu phải là chuyện về Bauxite đỏ mà lại là ai đứng ra tổ chức vận động cùng với những lo lắng kèm theo liên quan đến quyền lợi của họ.

Có hai điều chúng ta cần nhớ:

1. Họ, tức đảng Csvn rất sợ hình thành nên những sự liên kết nhiều người, nhiều thành phần xã hội lại với nhau mà họ không kiểm soát được, kể cả khi đó là với những ý định tốt đẹp như phản đối khai thác Bauxite hiện nay.

2. Họ chỉ sợ số đông có tổ chức chứ không hề sợ tên tuổi sáng giá của bất kỳ ai nhưng chỉ là một nhóm nhỏ.


Một sự phản đối có tổ chức như vụ Bauxite hiện nay đang đảng csvn sợ hãi hơn bao giờ hết, vì việc này họ đã âm thầm ký kết với TQ mà không hề thông qua quốc hội. Bởi vậy chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyên Ngọc đã dám gọi việc khai thác Bauxite ở Tây Nguyên là “bất hợp pháp”. Xưa nay bất cứ ai làm điều gì bất hợp pháp ở mọi quốc gia, mọi thời đại, họ đều phải trả lời trước pháp luật về hành vi phạm pháp của mình. Nếu nhà văn Nguyên Ngọc nói sai, cớ sao nhà cầm quyền im lặng mà chẳng dám hạch sách ông như đã và đang các với các cha Nguyễn Văn Khải, Lê Quang Uy? Ngược lại nếu phát biểu của nhà văn là chính xác thì ai sẽ phải ra tòa trong vụ khai thác Bauxite hiện nay? Hơn sáu triệu Người công giáo chúng tôi cũng là công dân của nước CH-XHCN-VN, chúng tôi có bổn phận với đất nước nên cũng có quyền được biết về việc này.

Gần đây, Bộ Chính Trị đảng Csvn tỏ ra xuống nước bảo sẽ “xem xét lại việc khai thác Bauxite” nhưng mục đích chỉ để xoa dịu dư luận là chính. Vì lo sợ rằng nếu cứ tiếp tục, sẽ còn nhiều người tham gia ký kiến nghị và như vậy sẽ hình thành nên thói quen chống đối lại họ “một cách có tổ chức” trong dân chúng. “Một cách có tổ chức” là nhóm từ mà chúng ta vẫn thường thấy nhà cầm quyền dùng trên các bản án bị qui kết tội ai đó chống lại họ, vì “một cách có tổ chức” luôn là nỗi ám ảnh lớn nhất với họ.

Trở lại chuyện vu khống xách nhiễu Cha Khải, nếu việc này chỉ dừng ở mức hăm dọa thôi thì xin miễn bàn, vì đó là chuyện thường ngày ở VN với những tờ báo chuyên đi hại người công chính bởi những bồi bút như “Trọng Nhân”. Nhưng nếu nó vượt quá giới hạn này, như một vụ bắt giam để truy tố chẳng hạn, giáo dân chúng tôi đang tự hỏi không biết họ sẽ dựa vào luật nào để kết tội người đứng ra kêu gọi bảo vệ môi trường? Liệu những kẻ ra lệnh làm việc này có lại bị lâm vào cái tình thế tiến thoái lưỡng nan như lần ‘hung hăng’ truy tố tám giáo dân cuối năm ngoái? Đến nỗi sau đó phải cử cả một vị tướng vào DCCT Sàigòn để xuống nước điều đình xin thôi với các cha bề trên nhà dòng đừng làm “rùm beng” chuyện này nữa!

Mới có mấy ‘con kiến’ giáo dân phải ra tòa mà cả một hệ thống công quyền phải vất vả chạy theo chống đỡ với hàng ngàn giáo dân, thì tôi thật sự không hình dung nổi nếu cha Uy cha Khải phải ra tòa vì những lời kêu gọi rất đúng đắn “HÃY CỨU LẤY TÂY NGUYÊN KHỎI THẢM HOẠ BAUXITE ĐỎ” thì chuyện sẽ còn lớn đến đâu?

Những giáo dân công giáo chúng tôi cũng rất thiết tha mong mỏi các nhân sĩ trí thức cả nước, nhất là những vị đã ký tên vào bản kiến nghị của các GS Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, GS TS Nguyễn Thế Hùng xin lưu ý giúp rằng hai Lm Lê Quang Uy và Nguyễn Văn Khải của DCCT vì kêu gọi giáo dân ký tên kiến nghị tẩy chay khai thác Bauxite trong phạm vi giáo hội, cũng như việc quí vị làm ngoài xã hội, nhưng các cha đang bị nhà cầm quyền mượn tay các bồi bút đe dọa bằng những giọng điệu lăng mạ và lập luận hết sức vô lý “vượt quá giới hạn của người tu hành” !!!

Bấy nhiêu cho thấy phản ứng của nhà cầm quyền trước những kiến nghị của nhiều người nhiều giới hiện nay, chẳng phải vì họ quan tâm đến những điều mọi người nêu lên trong kiến nghị về thảm họa Bauxite, mà họ chỉ lo lắng cho quyền lực và lợi ích cục bộ của họ bị giới hạn lại mà thôi.

Sàigòn, 29/4/2009
 
Nỗi đau còn dài
Phanxicô Xaviê
01:54 29/04/2009
Năm ngoái, cũng tại giáo xứ Thái Hà đã xảy ra vụ tranh chấp đất đai mà kết quả là một công viên được xây dựng gấp rút trên khu đất gây nhiều tranh cãi. Nỗi đau của người giáo dân Thái Hà chưa nguôi, thì nay lại một lần nữa họ đang phải kêu cứu khắp nơi vì chính quyền tiếp tục chiếm giữ trái phép khu đất Hồ Ba Giang vốn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của giáo xứ.

Qua đơn khiếu nại do Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng, chính xứ Thái Hà ký ngày 18-4-2009 gửi ông chủ tịch quận Đống Đa, Tp Hà Nội đề nghị: "Đình chỉ thi công trái phép tại khu đất Hồ Ba Giang, trả lại đất bị chiếm giữ trái phép cho giáo xứ Thái Hà - Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội". Mặc dù trong đơn có trưng dẫn đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc khu đất Hồ Ba Giang do Dòng Chúa Cứu Thế quản lý suốt từ năm 1928 cho tới nay, nhưng chính quyền Hà Nội vẫn ngang nhiên cho thi công trái phép trên phần đất này, bất chấp những cơ sở pháp lý.

Việc làm này của chính quyền Hà Nội chứng tỏ lời nói: tôn trọng dân chủ nhân quyền, tôn trọng tự do tín ngưỡng trong bản Báo cáo về nhân quyền mà nhà nước cộng sản Việt Nam sắp trình bày tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 8-5 tới.chỉ là những lời sáo rỗng, một hình thức mị dân, nhằm che đậy những sự thật đau lòng đang diễn ra từng ngày trên quê hương Việt Nam. Bằng mọi thủ đoạn, thông qua hình thức quy hoạch hết lần này đến lần khác, chính quyền cộng sản Việt Nam đang tìm cách chiếm đoạt dần đất đai, ruộng vườn của người dân. Nhất là ở những nơi mang lại nhiều lợi nhuận cho họ. Bất chấp đời sống người dân ra sao: nhà cửa dột nát không được sửa chữa hoặc muốn sang nhượng nhưng không ai dám mua vì tất cả đã bị "quy hoạch". Cuối cùng, đẩy người dân dến cuộc sống vô gia cư hoặc nhân đạo hơn thì đưa họ tới những nơi định cư mới: đường xá lầy lội, điện nước thiếu thốn...nghĩa là nơi không thể "phát triển kinh tế" mà chỉ để ở !

Thế nhưng nếu có ai lên tiếmg thì lập tức bị báo chí "một bề" công kích và chụp mũ là "kích động, xuyên tạc sự thật". Chỉ mới đây thôi, vì muốn cầu nguyện "cho bất công sớm chấm dứt, sự thật được tôn trọng, công lý và hòa bình được sớm hiển trị trên quê hương Việt Nam. Cho các nhà lãnh đạo quốc gia sáng suốt...quyết định ngưng dự án khai thác bauxite." mà Linh mục Nguyễn Văn Khải DCCT - Hà Nội đã bị báo chí trong nước gọi là "kích động giáo dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, can thiệp thô bạo vào những quyết sách của đảng và nhà nước" (Báo An ninh Thủ đô số ra ngày Thứ ba 28/04/2009)

Chắc hẳn mọi người còn nhớ vụ 8 giáo dân Thái Hà phải ra tòa 2 lần chỉ vì dám đòi lại đất cho nhà thờ. Dù có luật sư bào chữa nhưng vì vụ án đó đụng chạm đến quyền lợi kinh tế của những người cộng sản nên phần thắng đã thuộc về phía cơ quan nhà nước. Để rồi một công viên được vội vã xây dựng chỉ trong một đêm. Trong khi còn biết bao công trình thiết thân hơn đối với người dân như nhà cửa, cầu cống, đường xá v.v...thì bị trì hoãn hoặc kéo dài hết năm này qua năm khác.

Đau lòng hơn, vì muốn bênh vực cho 8 anh chị em giáo dân Thái Hà mà Luật sư Lê Trần Luật đã bị nhà nước cộng sản Việt Nam đàn áp, sau nhiều lần gây khó dễ đã bắt ông đóng cửa văn phòng Luật sư Pháp Quyền của mình. Ngay cả luật pháp vốn là nền tảng trật tự trong đời sống xã hội còn không được tôn trọng, bị lạm dụng cho mục đích riêng tư của phe nhóm. Thử hỏi làm sao những người cộng sản có thể "tôn trọng dân chủ, nhân quyền hay tôn trọng tự do tín ngưỡng" được. Điều này càng cho thấy, mặc dù hiện nay có rất nhiều văn phòng luật sư được mở ra và hoạt động cũng chỉ là tấm bình phông cho những người cộng sản lợi dụng để khoác lác về tự do, dân chủ, nhân quyền. Luật pháp của chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay đã không còn chút giá trị nào khiến người dân có thể tin tưởng hay mong đợi được điều gì.

Bởi như Cố TT -VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã từng nói " Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm". Ngày nào còn sống dưới chế độ cộng sản, thì người dân còn phải thấp thỏm lo âu: đất đai, ruộng vườn, nhà cửa sẽ có ngày bị quy hoạch cho những "công trình phúc lợi ?" kiểu giống như công viên Tòa Khâm Sứ ngày nào. Chắc chắn nỗi đau của người dân sẽ còn kéo dài trên đất nước độc đảng này.
 
Chính quyền Hà Nội ra lệnh ngưng ngay việc xây cất trên phần đất hồ Ba Giang của giáo xứ Thái Hà.
Nguyễn Long Thao
04:19 29/04/2009
HANOI 28/04/09 – Hãng thông tấn AFP đánh đi bản tin từ Hà Nội cho biết chính quyền Việt Nam đã ra lệnh cho quận Đống Đa phải ngưng ngay việc xây cất nhà cửa trên phần đất của nhà thờ thuộc giáo xứ Thái Hà.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Lê Dũng, hôm thứ Ba đã tuyên bố với ký giả hãng thông tấn AFP rằng: “Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan ngưng triển khai công tác xây cất trên miếng đất hồ Ba Giang”

Ông Lê Dũng cũng cho ký giả AFP biết biết thêm là Ủy Ban cũng đã yêu cầu giới chức quận Đống Đa và Quang Trung “củng cố công việc điều hành đất đai, giữ nguyên như tình hình hiện nay, tránh việc chiếm cứ đất, bảo đảm an ninh và trật tự trong khu vực”.

Được biết vào hôm thứ Bảy tuần qua, tại nhà thờ Thái Hà khoảng 1000 người Công Giáo đã dự thánh lễ và sau đó dự buổi canh thức cầu nguyện để phản đối dự án đang được chính quyền thi công trên phần đất mà giáo xứ Thái Hà đã sở hữu từ năm 1928.

Vào hôm thứ Sáu, Linh Mục nguyễn Văn Khải nói với AFP rằng một trường học đã được dựng lên trên phần đất của giáo xứ và một kiến trúc khác cũng đã bắt đầu. Một hàng rào gỗ vây quanh công trường đã được dựng lên chứng tỏ một tòa nhà chung cư sẽ được xây dựng ở đây.

Năm ngoái giáo xứ đã phản đối chính quyền vì đã xây cất trên trên phần đất của giáo xứ bị chế độ công sản chiếm dụng.

Cũng vào buổi canh thức hôm thứ Bảy, giáo dân đã phản đối chính quyền về vụ khai thác bâu xít tại Tây Nguyên. Việc làm này của người Công Giáo là phối hợp với dân chúng, với các khoa học gia và giới trí thức Việt Nam phản đối dự án khai thác mỏ bâu xít. Những người phản đối cho rằng khai thác mỏ bâu xít thì môi trường và xã hội sẽ bị thiệt hại rất nghiêm trọng, vượt quá lợi ích về kinh tế. Đồng thời họ cũng lo ngại vấn đề an ninh vì một công ty Trung Quốc đã được cấp giấy phép khai thác mỏ bâu xít.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Lê Dũng bác bỏ những lời chỉ trích của giáo xứ Thái Hà.
 
Ông Lê Dũng không thuộc bài hay âm mưu chia rẽ?
Mai Văn Lành
05:13 29/04/2009
Đọc mấy câu trả lời báo chí của Lê Dũng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam về vụ đất hồ Ba Giang mà không thấy khỏi buồn cười cho sự ngớ ngẩn và dốt nát của quan chức Cộng sản Việt Nam: "Cho đến nay, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ nhận được đơn khiếu nại đề ngày 18/4/2009 của ông Vũ Khởi Phụng, linh mục chính xứ nhà thờ Thái Hà về việc “Đình chỉ thi công trái phép tại khu đất hồ Ba Giang, trả lại đất bị chiếm giữ trái phép cho giáo xứ Thái Hà – Dòng chúa cứu thế Hà Nội” chứ không nhận được đơn khiếu nại nào của giáo dân giáo xứ Thái Hà”.

Một lần nữa, người đọc và người nghe không khỏi bật cười về sự hiểu biết, tư duy và cách nói của Lê Dũng nói riêng và các quan chức nhà nước đang “quản lý” đất nước, con người Việt Nam.

Chẳng nhẽ Lê Dũng không biết rằng ở một Giáo xứ, thì Linh mục chính xứ là đại điện cho tất cả Giáo xứ. Những vấn đề liên quan đến bất cứ ai, bất cứ công việc nào trong xứ đều phải thông qua linh mục chính xứ. Nó cũng giống như ông chủ tịch nước trong một đất nước vậy, ông ta có quyền nói lên tiếng nói của mình nhưng la đại diện cho tất cả nhân dân trong nước. Ông ta có thể thay mặt nhân dân ký kết các hiệp định, các văn bản liên quan đến đất nước, nhưng vẫn là đại diện cho nhân dân thôi.

Vì thế, tiếng nói của linh mục chính xứ là đại diện tất cả giáo dân. Ở Thái Hà cũng vậy, linh mục chính xứ đại diện cho tất cả giáo dân, linh mục và tu sĩ dưới quyền, tiếng nói của linh mục chính xứ là tiếng nói của giáo dân, linh mục và tu sĩ ở Giáo xứ Thái Hà.

Vậy nhưng Lê Dũng lại leo lẻo: “Chỉ nhận được đơn của linh mục Chính xứ Vũ Khởi Phụng, chứ không nhận được đơn của giáo dân”? Nghĩa là theo Lê Dũng, linh mục Chính xứ Vũ Khởi Phụng chẳng liên quan gì đến giáo dân Thái Hà?

Hay Lê Dũng muốn tách linh mục Chính xứ ra khỏi giáo dân? Xin chớ có làm việc tát biển đông như thế. Đừng chơi trò chia rẽ đó giữa giáo dân và linh mục của họ, đó là một sự rồ dại và không bao giờ đủ sức.

Hay bởi Lê Dũng không biết thế nào là linh mục chính xứ, giáo dân, giáo hội… những danh từ đó là sự xa lạ với quan chức cộng sản đang “quản lý” đất nước? Có lẽ vì thế mà Đài THVN đã từng gọi Thái Hà là Giáo Phận Thái Hà, hoặc là Đảng viên Công giáo trên tở Hà Nội mới?

Hay Lê Dũng muốn chơi trò đánh lận con đen rằng giáo dân Thái Hà chưa có ý kiến, phải là mấy tay “giáo dân cốt cán” mà Nguyễn Đức Nhanh đưa cả xe đến đón lên Sở Công an Hà Nội thì mới là tiếng nói của giáo dân?

Hay Lê Dũng cũng suy từ ngay hệ thống của mình rồi áp dụng với Giáo hội Công giáo giống như việc Tổng Bí thư, Thủ tướng… ký kết với nước ngoài những hiệp định bán lãnh thổ quốc gia như Hiệp định biên giới, lãnh hải… thì chỉ là việc của mấy ông đó với quan thầy Tàu thôi, chứ nhân dân Việt Nam chẳng ai đồng ý thế? Và cứ thế ông suy ra Giáo hội công giáo cũng vậy, ông linh mục chính xứ làm trời làm đất gì là riêng của ông ấy chứ giáo dân không biết được?

Xin đừng nhầm lẫn như vậy, ở Giáo hội Công giáo không có những kẻ mạo danh, tiếm quyền của người khác để làm những việc thiệt hại cho họ. Ông Linh mục chính xứ không phải do cơ cấu mà tạo thành, họ không được đưa lên bằng những cuộc bầu cử giả hiệu hoặc cơ cấu theo ý của Đảng. Vì vậy, những hoạt động và công việc của linh mục chính xứ tất cả đều thật sự vì nhu cầu của giáo dân. Ông ta không thu vén tài sản cho mình, vì ông ta là nhà tu, ông ta không có vợ để nhận quà cửa sau, ông ta không có con để lấy tiền của nhân dân mà đốt, ông ta không có tài sản để mua nhà mặt phố, mua trang trại… ông ta cũng không có tiền gửi ở ngân hàng nước ngoài.

Tóm lại, các linh mục, tu sỹ khác nhiều với đám quan chức nhà nước lắm, nó như nước với lửa, nên Lê Dũng cứ suy ra như vậy là không ổn rồi. Chỉ càng cho thiên hạ thấy sự ngô nghê của mình và bản chất của nhà nước mà ông ta là “phát ngôn” mà thôi.

Lê Dũng còn nói tiếp về Thông cáo của Thái Hà: “Thông cáo này có nội dung sai trái, đề cập đến những nội dung không liên quan đến tôn giáo, vu cáo chế độ, xuyên tạc sự thật, gây tổn hại đến khối đoàn kết toàn dân tộc, kích động giáo dân đến nhà thờ Thái Hà vào 18 giờ 30 phút thứ Bẩy ngày 25/4/2009 để cầu nguyện, trong đó có việc đòi quyền sử dụng diện tích đất tại khu vực hồ Ba Giang”.

Sai trái chỗ nào nhỉ? Nếu đất đai của Nhà thờ bị cướp thì cầu nguyện để cho bọn cướp biết sai trái mà dừng lại. Nếu Tây Nguyên đang bị xẻ thịt để cho Tàu cộng vào cắn gà nhà mà những công dân nói lên tiếng nói của mình thì là sai trái sao? Hay đất nước này trong tay người cộng sản, muốn cho, muốn bán cho ai thì bán.

Thực ra, Lê Dũng đã cố tình không nói đến điều cơ bản là Thông cáo đó đã kêu gọi cầu nguyện cho Tây Nguyên trước thảm hoạ bauxite, một tử huyệt của Cộng sản hiện nay.

Điều cuối cùng cần nói với Lê Dũng là để làm đúng vai trò của mình thì cần học thêm nữa, đừng nói xằng nói bậy trước cộng đồng quốc tế mà có ngày không còn cái để mà nhai.
 
Nói với luật sư Nguyễn Trọng Tỵ
Luật sư Lê Sáng
05:32 29/04/2009
Mất dạy, là tính từ dùng để chỉ một người nào đó đã được đào tạo, đã được giáo dục, đã có nhận thức, nhưng sau đó vì nhiều lý do, mà không thực hành những gì đã được học… Việc dạy dỗ họ coi như bị mất. Mất dạy khác với thất học, vô giáo dục ở chỗ kẻ mất dạy biết việc nó làm là sai trái, nhưng nó vẫn làm có thể vì tư lợi, có thể vì thâm thù, có thể vì bị cường quyền khống chế áp đặt, v.v...

Luật sư là một nhân danh, một nghề nghiệp. Đặc tính nghề nghiệp họ không hưởng lương, không lệ thuộc vào ngân sách nhà nước… Nói đến luật sư, người ta nghĩ ngay đến vai trò bào chữa của họ - Bào chữa là một đặc tính nghề nghiệp nổi bật của luật sư, nó đối lập với uỷ viên công tố của nhà nước, người chuyên buộc tội nghi can … Không một luật sư nào, không một nền pháp lý nào, dù lạc hậu đến đâu lại đồng hoá luật sư với vai trò buộc tội cả.

Luật sư, là một nghề cao quí, vì nó là chỗ dựa cho bất cứ ai bị rơi vào cảnh đáo tụng đình. Nó là đối trọng với các cơ quan nhà nước đặc biệt là công an, công tố nhà nước thường có xu hướng thi hành quyền lực nhà nước một cách lộng quyền… Một trong những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư là bào chữa chứ không buộc tội. Chỉ khi phải bảo vệ quyền lợi cho một thân chủ nào đó của mình luật sư mới được phép cáo buộc kẻ thứ ba, gây ra thiệt hại cho thân chủ mình đang bảo vệ trong một hợp đồng cụ thể trong một vụ án cụ thể…

Nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp không cho phép luật sư đưa ra giả thuyết buộc tội người khác đã phạm vào điều này điều kia của bộ luật hình sự… Đặc biệt là nêu đích danh người ta ra… Ngay cả luật hình sự, tố tụng hình sự của nhà nước cộng sản cũng khẳng định không một ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của toà án… Vậy mà Nguyễn Trọng Tỵ dám đưa ra cáo buộc linh mục Nguyễn Văn Khải phạm vào điều 88 bộ luật hình sự (*) - Phải hiểu thế nào đây? Nếu nó được phát ra từ một luật sư trẻ… Thì dễ hiểu hơn là nó lại phát ra từ miệng một kẻ gần 80 tuổi. Trong giới luật sư, nhiều người biết Nguyễn Trọng Tỵ vẫn thường đi lễ chùa chiền khấn vái có vẻ thành kính… Vậy ông ta không nghĩ đến một ngày ông phải chết, phải đối diện với thượng đế, với luân hồi quả báo hay sao?

Ai cũng biết Nguyễn Trọng Tỵ từng là thẩm phán, vẫn đang là đảng viên cộng sản, đương nhiên là kẻ tôi đòi của đảng bởi điều lệ đảng cộng sản Việt Nam buộc những kẻ đứng trong hàng ngũ của nó phải như vậy. Nhưng Tỵ đã nghỉ hưu, làm luật sư không phải để mưu sinh hay ham hố thăng tiến vì đã hết tuổi… Và Tỵ cũng đã gần đất xa trời, cho nên chắc chắn chẳng có ai buộc ông ta phải phát ngôn này nọ dọn đường cho an ninh điều tra khởi tố bắt giam linh mục Nguyễn Văn Khải cả. Vậy Nguyễn Trọng Tỵ làm những việc này từ động lực nào? Có phải ông ta dốt nát về kiến thức, mù loà về lương tâm? Có lẽ như thế là cách lý giải nhẹ nhất cho những việc làm của ông ta.

Nguyễn Trọng Tỵ là kẻ không có chút kiến thức nào về Công Giáo, về chức vụ Linh Mục Công Giáo nhưng lại dám kết luận Linh mục Nguyễn Văn Khải đã “vượt quá giới hạn chức phận linh mục” Thật là nực cười! để đi đến kết luận này, cá nhân một Linh Mục, thậm chí cá nhân một Giám Mục cũng không có quyền… Theo Giáo Luật nó có cả một toà án để phán xử đấy. Nguyễn Trọng Tỵ cho rằng Linh Mục Nguyễn Văn Khải kêu gọi cầu nguyện cho việc dừng khai thác bô-xít Tây Nguyên là vi phạm luật pháp, là phạm tội hình sự… Vậy thì ông đại tướng Võ Nguyên Giáp hai lần kêu gọi dừng khai thác bô-xít bằng văn bản lên tận thủ tướng với lời lẽ khá gay gắt, thậm chí còn mắng vào mặt ông thủ tướng vì không thèm trả lời thư kêu gọi của Đại Tướng công thần đã từng quản lý dự án bô-xít khi xưa… Chắc phải phạm tội với tình tiết tăng nặng: “Cố tình thực hiện hành vi phạm tội đến cùng”. Mà không hiểu sao công an Hà Nội không gửi giấy mời, không lên thì gửi giấy triệu tập, không lên thì áp giải ông đại tướng Võ Nguyên Giáp nhỉ ? Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật - Luật pháp nhà nước cộng sản việt nam cũng khẳng định thế mà.

Cũng nên nhắc chung rằng: Có nhiều “luật gia” viết bài cho rằng nếu Linh Mục Nguyễn Văn Khải không lên công an theo giấy triệu tập thì sẽ bị áp giải, các “luật gia” này thậm chí còn trích dẫn cả điều luật trong bộ luật tố tụng hình sự về áp giải… Một nhận thức sai, thể hiện sự nông cạn về luật tố tụng hình sự. Áp giải như các vị này việc dẫn là áp giải theo luật tố tụng hình sự, nghĩa là sau khi một vụ án hình sự đã được khởi tố, mà linh Mục Nguyễn Văn Khải được xác định là “đối tượng liên quan” “nghi can” … thì mới được phép áp giải theo thủ tục tố tụng hình sự. Chưa có vụ án nào được khởi tố, quá lắm thì đây được gọi là triệu tập hành chính mà thôi. Triệu tập hành chính mà định lấy việc áp giải theo tố tụng hình sự để áp dụng hay sao? Nhưng nếu công an cộng sản vẫn áp dụng, thì lại thêm một bằng chứng nữa về việc nó chà đạp lên luật pháp của chính nó ban hành.

Thật là kỳ lạ! ở cái nước việt nam xã hội chủ nghĩa này những kẻ có cả quá trình học tập, công tác, va chạm trên trường đời … đến tận già sắp chết mà còn mất dạy, trách gì mấy đứa trẻ vị thành niên ăn cắp giết người mà ra toà vẫn tỉnh bơ ráo hoảnh. Không biết ngài luật sư Nguyễn Trọng Tỵ có nỗi lo này không ? Hay ngài cũng như những kẻ có danh cộng sản, cả đời ăn to nói lớn nhưng đến già về với việc nhà mới phát hiện ra mình không biết vót một cây tăm. Thương thay dân tộc Việt có quá nhiều kẻ mù loà, vô lương tâm, kề miệng hố mà không sám hối !

(*) Xem bài trên báo HNM ngày 28.4.2009

Hà nội ngày 28.04.2009
 
Đọc báo Hà Nội Mới sáng ngày 29.4.2009
Têrêxa Anh Thư
05:49 29/04/2009
Phải công nhận là sáng nay 29.4.2009 báo Hà Nội Mới có bản tin “cù léc” con nhà có đạo trong khi họ đang lo cái họa bauxite đỏ kè.

Báo viết rằng: "Ngày 25-4 vừa qua, trên trang điện tử Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam đăng "Thông cáo của Giáo xứ Thái Hà" của ông Nguyễn Văn Khải, linh mục Giáo xứ Thái Hà, phát ngôn viên Giáo xứ Thái Hà, Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội. Thông cáo này có nội dung sai trái, đề cập đến những nội dung không liên quan đến tôn giáo, vu cáo chế độ, xuyên tạc sự thật, gây tổn hại đến khối đoàn kết toàn dân tộc, kích động giáo dân đến Nhà thờ Thái Hà vào 18 giờ 30 phút ngày 25-4 để cầu nguyện, trong đó có việc đòi quyền sử dụng diện tích đất tại khu vực hồ Ba Giang. Cái gọi là "Thông cáo" nói trên đã đi ngược lại những tuyên bố chính thức, mang tính xây dựng của Hội đồng Giám mục Việt Nam".

Trước tiên xin cảm ơn nhà báo đã quảng cáo cho website Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam miễn phí. Thời đại thông tin, cho dù các bác không trưng ra cái địa chỉ thì cư dân mạng chỉ cần lên Google là “bao la” !

Thứ đến cũng cảm ơn các vị đã cho các độc giả trung thành của quý báo, trong đó có tôi, biết rằng Lm Nguyễn Văn Khải là phát ngôn viên của Giáo xứ Thái Hà. Nếu vị linh mục này bị bắt tức là nhà nước bóp cổ, bịt miệng Giáo xứ Thái Hà không cho nói. Đó là thể hiện tự do ngôn luận và nhân quyền theo kiểu Việt Nam, văn minh hơn nhiều so với mấy thứ nhân quyền “ấu trĩ” tại các nước khác !

Hà Nội Mới nói rằng trong thông cáo, Lm Khải đã đề cập đến những nội dung không liên quan đến tôn giáo. Chuyện này phải dùng đến văn bản của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mới rõ đúng sai thế nào.

Trong Bản “Quan điểm của Hội đồng Giám mục Công giáo Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay” có ghi rằng “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người dân Việt Nam cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của chúng tôi, các Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam” . Thưa các bác, thế thì vấn đề bauxite với tất cả những hệ lụy của nó có phải là ưu sầu và lo lắng của người dân Việt Nam hiện nay không ? Có phải là ưu sầu và lo lắng không khi mà có quá nhiều tầng lớp dân chúng từ các vị hàn lâm học sĩ cho đến các bà nội trợ trong nhà cùng ký tên kiến nghị phản đối ? Thế thì chuyện dính dáng đến toàn dân ấy có dính dáng đến Công giáo chúng tôi không ? Ưu sầu và lo lắng của dân tộc chắc chắn dính dáng đến các Giám mục của chúng tôi như các ngài đã xác nhận rõ ràng trong văn bản. Mà đâu phải chỉ có Công giáo chúng tôi, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ của Phật giáo còn lên tiếng trước chúng tôi. Tôn giáo không đứng ngoài, mặc mệnh nước nổi trôi, khoanh tay nhìn đạo đức xã hội xuống cấp. Chúa chúng tôi không chỉ ở trời cao nhưng xuống thế làm người, đang ở giữa lòng thế giới và đã từng khóc cho quê hương ngài, vậy có thể nào chúng tôi thờ ơ với quê hương yêu dấu này ?

Ơ, nếu Lm Khải không kêu gọi giáo dân cầu nguyện cho vấn đề bauxite thì biết đâu các bác lại bảo rằng dân Công giáo không đồng hành cùng dân tộc. Hóa ra đồng hành cùng với đảng mới được hiểu là đồng hành cùng dân tộc, còn đồng hành cùng toàn dân là phản động và bị đấu tố trên các phương tiện truyền thông. Thế đấy, yêu nước kiểu Việt Nam cũng “ưu việt” hơn yêu nước ở chỗ khác ! Thôi, việc linh mục Khải làm đúng sai đã rõ, có lẽ chẳng cần dài dòng làm chi nữa.

Báo Hà Nội Mới các bác chụp cho Lm Khải cái mũ “vu cáo chế độ”. Nghe ớn lạnh. Vì người Công giáo chúng tôi vốn bị “chụp” lia lịa từ xa xưa tới giờ nên nỗi sợ đã thành thâm căn cố đế. Lm Khải đã làm gì mà mắc tội lớn thế ? Vì ông ấy cầu nguyện cho các nhà cầm quyền được thông minh sáng suốt hầu quyết định chuyện hệ trọng của nước nhà. Bị chụp thế thì oan nhỉ ? Có lẽ các đấng quan quyền cho rằng “nó nghĩ mình ngu cho nên nó mới cầu cho mình thông minh sáng suốt”. Các quan bị chạm tự ái chăng ? Nếu quan mà tự ái đến độ sai bồi bút lên án Lm Khải thì chúng tôi nghĩ cũng đáng để cầu nguyện cho các vị. Xin cho các vị ấy quân tử và vững vàng hơn một chút. Mới có thế mà đã giảy lên như con nít thì tầm thường quá. Ấy, giấy mời, giấy triệu tập cứ tưng bừng như đĩa phải vôi. Quan mà chơi dân như thế thì tiểu nhân quá, kém cỏi quá ! Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu nếu đất nước này chỉ toàn những chính trị gia xôi thịt. Có lẽ chắc rồi cũng phải nghĩ đến thế này: Ưu sầu và lo lắng của dân tộc chính là Vui mừng và hy vọng của các bậc quan quyền cho nên nó mới sinh ra thế !

Báo Hà Nội Mới còn cho Lm Khải là xuyên tạc sự thật. Thật giả thế nào cứ để nhân dân phân biệt. Nhưng nhà báo đánh giá nhân dân hơi thấp đấy ! Lm Khải đứng trên bục giảng mà nói bậy tôi tin chắc người dân Hà Nội cả lương cả giáo nghe ông sẽ tẩy chay ông ngay lập tức. Hà Nội Mới sao lại đánh giá dân Hà Nội thấp kém vậy. Phải chăng người dân Hà Nội trả tiền xe ôm, xe buýt, … kéo đến nghe ông vì ông dám nói thật, và người ta trốn họp hành, tổng kết … của nhà nước vì chỉ toàn nghe nói phét, và có đi chăng thì chỉ tranh thủ tham dự cái tiệc mặn cuối cùng.

“Cù léc” nhất là Hà Nội Mới bảo rằng cái thông cáo kêu gọi cầu nguyện ấy đi ngược với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Xin phép cho tôi được thêm rằng đi ngược cả với Vatican nữa đấy. Vì mỗi năm, vào ngày kỷ niệm Chúa chết trên thánh giá, Giáo Hội trên khắp hoàn cầu đều phải cầu nguyện cho các nhà cầm quyền. Cha Khải kêu gọi giáo dân cầu nguyện thêm cho nhà cầm quyền như thế không khéo sẽ được Vatican khen thưởng, biết đâu lại được thăng giám mục thì phiền !

Lại nữa, kỷ luật trong Giáo Hội và dòng tu thuộc vào loại nghiêm cẩn đặc biệt, Lm Khải tuyên bố bậy bạ thì sẽ biết “thế nào là lễ độ” ngay lập tức. Nhưng đến nay chẳng thấy các đấng bề trên và anh em trong Dòng nói gì ngoài những cái vỗ vai, mĩm cười, email khích lệ … Các vị bề trên chắc không i tờ đến độ không biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nói rằng “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người dân Việt Nam cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của chúng tôi, các Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam” , chẳng lẽ lời ấy không chút giá trị nào chăng ? Lm Khải quan tâm đến nỗi lo của dân tộc là đi ngược với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chăng ? Hay là chính quyền đang có ý ra lệnh cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phải bịt miệng Lm Khải ? Báo Hà Nội Mới là cái thá gì mà dám mượn uy tín của Hội Đồng Giám mục Việt Nam để lên án một linh mục Việt Nam ?

Dẫu sao cũng cám ơn Hà Nội Mới đã viết rằng tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là mang tính xây dựng. Nghĩa là Hà Nội Mới đã thấy cái tính xây dựng đất nước trong câu này: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người dân Việt Nam cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của chúng tôi, các Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam”. Thế tại sao lại chửi Lm Khải dữ tợn thế !
 
Băm bốn năm! Nhìn lại...
Hiền Thạch
14:42 29/04/2009
Băm bốn năm! ta ngoái đầu nhìn lại
Quỹ thời gian sụp lở chưa đắp bồi
Một chủ nghĩa làm xã hội băng hoại
Đùn bất công, oan khuất ngút thấu trời

Băm bốn năm ! Lòi bình củ, rượu mới
Bình Cọng Sản, rượu-tư-bản-đỏ. .. lòm!!
Bầy dã nhân ngấm men cuồng danh lợi
Chẳng kể gì dân tộc với nước non.

Băm bốn năm ! Càng định hình lựa chọn
Thừa tai " nghe...", dư mắt sáng để "nhìn..."
Thượng bất chính thì hạ tầng tất loạn:
"Đảng ta" đang... tự đào hố chôn mình.

Băm bốn năm Cọng Sản thêm tội ác
Với dân tộc với tổ quốc Việt Nam
Quặng bôxít: chủ trương lớn quái đản
Một hủ trương lòi đuôi lũ Việt gian

Băm bốn năm ! dân càng than càng oán
Trước đỉnh cao của bạo ngược, tham tàn
Và SỰ THẬT- CÔNG LÝ càng rực sáng
Sớm đưa quân bán nước vào nghĩa trang

Băm bốn năm ! Viết thành trang giáo án
Cho chúng ta, muôn thế hệ mai sau
Một "độc" đảng mang cái tên Cọng Sản
Đẩy đồng bào vào tăm tối, thương đau

Băm bốn năm !- Đất Mẹ đang tươm máu !!!

30/4/1975-2009
 
Đọc lại thư ngỏ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2002
Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam
15:03 29/04/2009
THƯ NGỎ CỦA HỘI ÐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM GỞI CHO
QUÝ VỊ LÃNH ĐẠO CÁC CƠ QUAN LẬP PHÁP CỦA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM:
QUỐC HỘI VÀ CÁC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN


Sau khi kết thúc kỳ họp thường niên của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam tại Hà Nội, từ ngày 7-12/10/2002, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã gửi lên các vị lãnh đạo cơ quan Lập Pháp của Nhà Nước Việt Nam: Quốc Hội và các Hội Ðồng Nhân Dân, một lá thư ngỏ, trình bày những "góp ý của Hội Ðồng Giám Mục về công cuộc xây dựng và phát triển một xã hội vì con người", với nội dung như sau:

Kính gửi
Quý vị lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà nước Việt Nam:
Quốc hội và các Hội đồng Nhân dân.

Kính thưa Quý Vị,

Nhân dịp Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam họp Hội nghị Thường niên tại Hà Nội, từ ngày 7 đến 12/10/2002, chúng tôi, các Giám mục Việt Nam, xin kính gửi tới Quý Vị lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà Nước Việt Nam là Quốc Hội và các Hội Ðồng Nhân Dân những góp ý của chúng tôi về công cuộc xây dựng và phát triển một xã hội "vì con người".

"Phục vụ con người là mục đích tối cao" của mọi tổ chức và cơ chế xã hội (xem Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần VI), vì lẽ con người là mục đích, là cứu cánh, là trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội. Từ chân lý căn bản này về con người với nhân phẩm và nhân quyền của họ, nảy sinh những nhu cầu, những đòi hỏi bức thiết phải đáp ứng để xây dựng và phát triển một xã hội nhân bản, một xã hội không làm què quặt và hủy hoại con người. Những đòi hỏi bức thiết đó là:

I - Xóa giảm những khuyết tật hiện hữu của xã hội;
II - Phát huy những giá trị nhân bản làm cho con người ngày càng trở nên người hơn, sống xứng với phẩm giá của mình hơn.

I- Xóa giảm những khuyết tật hiện hữu của xã hội

1. Khuyết tật thứ nhất là hiện tượng tha hóa con người:

Sự tha hóa con người xuất hiện và lớn dần trong xã hội hiện nay:

- Khi chủ nghĩa tiêu thụ đưa đẩy con người vào trong một mạng lưới những thỏa mãn hời hợt, giả dối;

- Khi lao động được tổ chức nhằm bảo đảm tối đa cho lợi nhuận mà không lưu tâm cải thiện đời sống và thăng tiến phẩm giá người lao động;

- Khi diễn ra sự đảo ngược giữa phương tiện và mục đích: con người vốn là mục đích của sự phát triển thì lại bị biến thành đơn thuần là phương tiện sản xuất;

- Khi tự do được coi như là quyền được làm bất cứ điều gì mình thích, bất cứ điều gì mà cảm tính của mình cho là có lợi trước mắt cho bản thân, cho phe phái, đang khi tự do đích thực là quyền làm những gì mà lương tâm thấy được phép làm vì công ích, vì lợi ích của thế hệ hiện tại và mai sau.

Thực tế cuộc sống hiện tại cho thấy: khi tách lìa chân lý về con người với nhân phẩm và nhân quyền của họ, tự do trở thành sự tùy tiện hoặc ngẫu hứng của những kẻ có quyền thế.

2. Khuyết tật thứ hai là cơ chế bất công và tha hóa con người

Cơ chế xin-cho là một điển hình. Cơ chế xin-cho là một cơ chế bất công và tha hóa con người vì những lý do sau đây:

- Cơ chế xin-cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền mà Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép, đồng thời biến Nhà Nước từ một tổ chức có chức năng phục vụ công ích trở thành một chủ nhân ông nắm các quyền tự do của người dân và ban phát các phép tự do lại cho họ thường theo sự tùy tiện chủ quan hơn là theo những tiêu chuẩn khách quan. Như thế cơ chế xin-cho vừa đi ngược lại công ích và xóa đi các quyền tự do của người dân, vừa bôi đen hình ảnh của một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Ðó là điều làm tha hóa con người.

- Theo thông tin của báo chí, cơ chế xin-cho còn là nguyên nhân làm thất thoát 50% các nguồn thu vào công quỹ, và làm thất thoát 50% phần còn lại khi phải chi ra cho công ích. Ðiều này có nghĩa là 5% hoặc 7% dân số là những người có thế lực và quyền lực thì hưởng 75% từ công quỹ quốc gia (trong con số 75%, có 50.000 tỷ đồng một năm của riêng ngành xây dựng)!, phần còn lại của dân số là hơn 70 triệu dân chỉ hưởng được 25%. Thực tế này tạo ra một tình trạng bất công trầm trọng trong xã hội và không ngừng làm gia tăng hố sâu cách biệt giàu nghèo trong lòng một dân tộc. Chính vì thế mà tham nhũng một cách có hệ thống quy mô trong xã hội ngày nay không những là một quốc nạn, song còn là một tội ác đối với đất nước và dân tộc.

II- Phát huy những giá trị nhân bản làm cho con người ngày càng trở nên người hơn, sống xứng với phẩm giá của mình hơn

1. Phát huy phẩm giá con người. Ðiều này đòi hỏi trong các quan hệ xã hội phải quan tâm tôn trọng con người như là trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội, nghĩa là các sinh hoạt văn hóa, kinh tế, xã hội phải hướng đến sự phát triển và thăng tiến con người toàn diện cả mọi mặt vật chất, tinh thần và tâm linh. Khi một trong ba mặt thiếu phát triển, con người trở nên hụt hẫng, què quặt, dị tật.

2. Phát triển xã hội và thăng tiến con người trên nền tảng chân lý. Một xã hội được coi là có trật tự và phù hợp với nhân phẩm khi đặt nền tảng trên chân lý. Chân lý căn bản trong quan hệ giữa người với người là mọi người đều bình đẳng về nhân phẩm. Chân lý này đòi hỏi phải gạt bỏ mọi kỳ thị và phân biệt đối xử, phải xóa đi những hình thức chuyên chế, phải loại trừ mọi gian dối xảo trá ngày nay đang tràn lan trong mọi lãnh vực của cuộc sống con người và xã hội.

3. Phát huy tình liên đới trong mọi sinh hoạt gia đình và xã hội. Tình liên đới chỉ được xây dựng và phát huy vững bền trên nền tảng tôn trọng con người, tôn trọng các quyền của họ, tôn trọng sự tự lập chính đáng và quyền tự quyết của con người, tôn trọng các giá trị đạo đức trong truyền thống văn hóa. Tình liên đới đòi hỏi phải nhìn xa hơn bản thân của tổ chức, của phe phái để phục vụ cho sự phát triển của xã hội, cho sự thăng tiến của con người và gia đình.

4. Phát huy tính phụ đới. Tình liên đới trong sự tôn trọng các quyền tự do của con người đòi hỏi tổ chức xã hội phải mang tính phụ đới. Tính phụ đới là một đặc tính của tổ chức xã hội trong đó một tập thể cấp cao không can thiệp vào nội bộ của một tập thể cấp thấp, không làm mất thẩm quyền và tính tự lập của nó, song tạo điều kiện giúp nó phối hợp hoạt động của mình với những hoạt động của tập thể khác nhằm mưu cầu công ích. Do đó, con đường phát huy tính phụ đới đòi hỏi:

- Chính quyền tạo điều kiện cho các cá nhân và tập thể công dân sử dụng các quyền của con người. Trong các quyền đó, phải kể đến quyền bình đẳng, quyền và bổn phận chu cấp cho các nhu cầu vật chất, tinh thần và tâm linh của cuộc sống con người, gia đình và tập thể, quyền sáng kiến và tham gia các hoạt động phát triển xã hội, thăng tiến con người và gia đình, cả việc củng cố nền tảng pháp lý của cộng đoàn chính trị trong một quốc gia.

- Dành cho mình độc quyền hay một quyền hành quá lớn trong các lĩnh vực của đời sống gia đình và xã hội, đó là con đường dẫn đến chuyên chế và độc tài, quan liêu và bao cấp, áp bức và bất công, là những tệ nạn làm tha hóa con người.

- Tính phụ đới theo nghĩa trên là nền tảng để xây dựng một xã hội dân chủ, một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Thiếu nền tảng này, Nhà Nước với chức năng phục vụ công ích trở thành một cỗ máy thống trị độc tài, và nhân dân từ địa vị làm chủ đất nước trở thành phương thế phục vụ cho cỗ máy đó. Ðó là điều làm tha hóa con người và phân hóa xã hội.

5. Phát huy ý thức và thiện chí phục vụ công ích. Trước hết công ích đòi hỏi phải tôn trọng con người, tôn trọng nhân phẩm và các quyền tự do của họ. Do đó, chức năng phục vụ cho công ích đòi buộc chính quyền:

(1) tạo điều kiện bảo đảm cho mọi công dân hưởng những nhu yếu sao cho xứng hợp với phẩm giá con người;

(2) xóa bỏ những luật lệ bất công và những biện pháp trái với luân thường đạo lý trong truyền thống văn hóa của dân tộc, vì lẽ đây là những cơ chế và biện pháp làm tha hóa con người. Cơ chế xin-cho là một điển hình về luật lệ bất công. Phá thai hằng năm hơn cả triệu trường hợp là một điển hình về biện pháp trái với luân thường đạo lý mà những hậu quả đã và đang diễn ra không biết đưa tương lai dân tộc đi về đâu.

Kính thưa Quý Vị,

Là những người yêu mến quê hương, ai trong chúng ta cũng mong muốn xây dựng Việt Nam thành một đất nước giàu đẹp, văn minh, giàu tính nhân bản. Chính trong tinh thần đó, chúng tôi xin gửi đến Quý Vị thư ngỏ này.

Kính chúc Quý Vị luôn an lành, mạnh khoẻ và thành đạt.

Trân trọng kính chào.
 
Những người chỉ trích bauxite
La Thành
15:21 29/04/2009
Chính quyền lựa chọn tăng trưởng kinh tế thách thức tinh thần bài ngoại và an toàn môi sinh.

(Tựa của The Economist)

Trong một nhà nước độc đảng mà ở đó người phê phán chính quyền thường bị tống giam, rất hiếm ai dám nói thẳng trừ những cá nhân dũng cảm hoặc liều lĩnh nhất. Ấy vậy mà việc chính phủ Việt Nam toan tính để cho một công ty Trung Quốc bắt đầu khai thác một phần trong trữ lượng lớn quặng bauxite tàng ẩn dưới vẻ xanh mướt của Cao nguyên miền Trung đã kích động một làn sóng phản đối mạnh mẽ chưa từng thấy từ nhiều thành phần xã hội. Trong số họ có danh tướng đã non trăm tuổi Võ Nguyên Giáp, nhà sư bất đồng chính kiến Thích Quảng Độ cùng một loạt chuyên gia khoa học và nhà bảo vệ môi trường.

Việt Nam được thiên nhiên ban phú một trữ lượng bauxite (quặng để luyện ra nhôm) đứng thứ ba thế giới, và chính quyền cộng sản đang nôn nóng được thu lợi từ đấy. Trong một qui hoạch mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi là “chủ trương lớn của đảng và nhà nước”, chính phủ đang trông ngóng sẽ thu hút được 15 tỉ đô-la đầu tư để triển khai các dự án khai thác bauxite và tinh luyện nhôm vào năm 2025. Hợp đồng với một doanh nghiệp con của Chalco – tập đoàn khai khoáng quốc doanh của Trung Hoa – để xây dựng một xí nghiệp mỏ, và cả một thoả thuận với đại gia nhôm Alcoa của Hoa Kì về nghiên cứu tính khả thi của một mỏ khác, đã được kí kết.

Các chỉ trích vạch ra rằng việc tiến hành khai thác bauxite qui mô lớn tại vùng đất hiện đang canh tác cà-phê và các cây trồng khác sẽ gây nên một hiểm hoạ không thể hối cải đối với môi trường và một cuộc di dời vô hậu các nhóm sắc tộc thiểu số đang cư trú trên Cao nguyên. Việc khai thác bauxite trên các mỏ lộ thiên sẽ để lại những vết sẹo lớn về cảnh quan. Còn quá trình tinh luyện loại quặng này sẽ sản sinh một thứ “bùn đỏ” độc hại, khi trôi vào các dòng chảy có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Không chỉ có vậy, sự hiện diện của một công ty Hoa Lục trong dự án đang gây tranh cãi đã thổi bùng lên tình cảm chống Trung Quốc, người láng giềng lớn từng đô hộ Việt Nam trong 10 thế kỉ và vừa mới giao tranh với nước này trong một cuộc chiến ngắn nhưng đẫm máu vào năm 1979. Hoà thượng Thích Quảng Độ, lãnh tụ Giáo hội Phật giáo Thống nhất đã bị cấm hoạt động, cảnh báo rằng Việt Nam “đang bị đe doạ thôn tính”, với việc “những cư xá công nhân Trung Quốc đang mọc lên như nấm trên Cao nguyên, và khoảng một vạn di dân người Hoa sẽ đến tái định cư trong năm tới.” Nhận định của ông đã được phụ hoạ lại bởi một đội quân blogger hăng hái, và một liên kết chống khai thác bauxite Tây Nguyên được thiết lập trên Facebook, một trang mạng xã hội phổ cập, đã thu hút gần 700 thành viên (vào thời điểm post bài này, số thành viên đã là gần 900 – Người dịch). Hoá ra các blogger Trung Quốc không phải là cộng đồng duy nhất được dưỡng dục tinh thần bài ngoại đầy phẫn nộ. Song le, mặc dù phần nhiều sự phản đối bị chi phối bởi tinh thần này, những quan ngại về thành tích môi trường tồi tệ của nhiều công ty khai khoáng Trung Quốc là xác thực.

Tuy nhiên, bất luận được thúc đẩy bởi động cơ nào, sự phản đối Trung Quốc của công chúng đang khiến nhà đương cục Việt Nam lo lắng. Mới đây, chính quyền đã ra lệnh đình bản tờ bán nguyệt san Du Lịch trong ba tháng do báo này đã cho đăng tải một series bài về bất đồng lãnh thổ giữa hai quốc gia. Chính quyền viện lẽ rằng Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam đang phải hứng chịu một thâm hụt thương mại khổng lồ với nước láng giềng phía bắc và đang hối thúc giới chức Trung Quốc đầu tư mạnh hơn để hòng được bù đắp khoản thâm hụt. Với việc đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đã thuyên giảm 40 phần trăm trong quí đầu của năm 2009 so với một năm về trước, khi mà hầu hết các nước giàu đang cạn tiền, Việt Nam lúc này cần tiền của Trung Quốc hơn bao giờ hết.

Khoét sâu hơn sự xúc phạm đối với cuộc vận động chống Trung Quốc, thủ tướng Dũng vừa mới bỏ ra cả tuần lễ trong tháng này để thăm thú Hoa Lục, ra sức hô hoán đầu tư và hứa hẹn tạo mọi thuận tiện để các công ty Trung Hoa hoạt động dễ dàng trên đất nước ông. Trong cuộc hội kiến với thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Dũng phát biểu rằng hai nước cần phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương từ 20 tỉ đô-la năm 2008 lên 25 tỉ đô-la vào năm 2010, đồng thời nỗ lực loại bỏ sự bất cân bằng mậu dịch.

Trong hội nghị vừa qua (nhóm họp trong một ngày ở Khách sạn Meliã Hà Nội hôm mồng 9 tháng Tư – Người dịch) của các nhà khoa học đang quan ngại về hiểm hoạ môi trường, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phát biểu rằng Việt Nam sẽ không theo đuổi qui hoạch khai thác bauxite “bằng mọi giá”. Song trong thời buổi quẫn bách hiện nay của nền kinh tế, kẻ ăn mày đừng hòng mơ xôi gấc!

Dịch từ “Bauxite bashers” – The Economist April 23rd 2009
 
Đừng hy vọng quốc hội sẽ vì đồng bào Tây Nguyên
An Dân
15:25 29/04/2009
Chuyện Bauxite đang là đề tài nóng hổi, thu hút sự chú ý của nhiều giới, nhiều ngành. Vấn đề chắc chắn sẽ còn nóng cho tới kỳ họp Quốc hội giữa tháng năm tới đây.

Sau những phản ứng dữ dội của các nhà trí thức, các nhân sĩ, các lãnh đạo tôn giáo, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đã phải ra một thông báo (thông báo số 245 – TB/TW, ngày 24/4/2009) để gọi là “tiếp thu ý kiến phản biện của các nhà khoa học”, nhưng thực chất chỉ là để trấn an dư luận. Nội dung bản thông báo nói tới việc “sẽ trình Quốc hội dự án Bauxite trong kỳ họp tới” không đem lại cho người am hiểu tình hình chính trị xã hội Việt nam nhiều hy vọng.

Có lẽ vì biết trước điều này, nên trong Bản Kiến nghị các nhà trí thức, nhân sĩ gửi các cấp lãnh đạo Đảng cộng sản, các vị soạn thảo bản kiến nghị đã phải viết: “Kính mong Quốc Hội thấu suốt được tinh thần của đại đa số dân chúng không muốn dự án tiếp tục vì tất cả những hệ lụy nặng nề của nó”.

Thực tế, cách đây không lâu, chuyện sát nhập Hà Tây vào Hà Nội cũng gặp phải sự chống đối của nhiều giới, nhiều ngành. Những phân tích lợi hại của việc sát nhập được đưa ra bàn nghị sự. Người ta hy vọng Quốc Hội sẽ vì dân, nhưng …Hà Tây vẫn bị Hà Nội thôn tính bằng chính những cánh tay giơ cao của các ông Nghị gật, khiến cho biết bao người dân bị mất đất, mất ruộng.

Chuyện xây dựng Hội trường Ba Đình mới cũng đã từng gây nhiều tranh luận, vì đề án xây Hội trường mới sẽ xâm hại vào khu di tích Hoàng thành. Các phản biện đầy tâm huyết của các nhà khoa học, lá thư đầy nước mắt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó cũng không ngăn được những cánh tay của các ông Nghị trong kỳ họp quyết định chọn địa điểm cũ xây nhà Quốc Hội mới.

Vết nứt tại đập Thủy điện Sơn La cũng đã từng được các nhà khoa học, những người tâm huyết với dân tộc, với tiền đồ đất nước dự báo trước những nguy hiểm có thể xảy ra khi xây dựng đập thủy điện trên một vùng đất có cấu trúc địa tầng yếu như khu vực xây thủy điện Sơn La. Nếu đập thủy điện vỡ sẽ có khoảng từ 15 – 20 triệu người sẽ bị cuốn trôi theo dòng nước. Cũng giống như vụ Bauxite, vì đây là ‘chủ trương lớn của Đảng”, nên công trình vẫn đã được tiếp tục sau khi đã trình Quốc Hội.

Công trình phản ánh một cách đầy đủ việc Quốc Hội có vì dân hay không có lẽ là Nghị quyết 23/QH11/2003. Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, báo Đại Đoàn Kết đã phải thốt lên: “Quốc Hội biết mình đang nợ dân một món nợ”.

Do đó, đừng có ai ảo tưởng mà cho rằng Quốc Hội sẽ vì dân, cũng đừng “kính mong Quốc Hội thấu suốt được tinh thần của đại đa số dân chúng.” Câu nói: “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” hay câu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chỉ là những khẩu hiệu sáo rỗng, mị dân.

Vụ Bauxite đã được chính phủ Việt Nam ký kết với Tầu cộng cách đây cả mười năm, nhưng bây giờ dân mới biết. Khi biết, dân muốn bàn thì bị kết án là kích động, chống phá nhà nước XHCN, bị đem ra đấu tố trên các phường tiện truyền thông và ngay cả vị Đại công thần của chế độ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các nhà trí thức, các văn sĩ cũng bị qui kết, chụp mũ rằng:

“Cả ba nội dung trong Bản Kiến nghị ngày 17/4/2009 của các nhà trí thức gửi các đ/c lãnh đạo Đảng và Nhà nước là không có cơ sở và đúng với tình hình thực tế, hoàn toàn mang tính bịa đặt và kích động. Điều đáng buồn là các nhà khoa học do thiếu thông tin lại đi ký vào một bản kiến nghị sai trái như vậy” (trích văn bản của Bộ Công thương).

Trong một chính thể độc đảng như chính thể Việt Nam, một Quốc hội mà do đảng cử, dân bầu chỉ là hình thức, trong đó, hơn 90% đại biểu Quốc Hội là Đảng viên Công sản, thì những gì đã được coi là “chủ trương lớn của Đảng” sẽ chẳng có ông nghị nào dám cãi lời và nhất là những chủ trương ấy sẽ đem lại lợi ích cho một nhóm thiểu số những kẻ cầm quyền mà trong đó có họ.

Bài viết của Anh Quang trên Báo Hà Nội mới, ngày 27/4/2009, cho thấy Quốc Hội Việt Nam thực chất chỉ là con rối và là trò hề, khi Anh Quang – một đảng viên bồi bút cộng sản, cả gan dám tuyên bố “vấn đề Bauxite đã được đem bàn thảo ở Quốc Hội”, trong khi nhiều vị đại biểu Quốc hội cho tới giờ này còn không biết mặt mũi Bauxite là gì và cho đến giờ này cũng không ai trong số các đại biểu Quốc Hội dám lên tiếng phản đối lời nói dối của đảng viên Anh Quang. Phải chăng nói dối, nói sai sự thật, chụp mũ các nhà trí thức, các linh mục cũng là một “chủ trương lớn của Đảng”?

Chuyện Bauxite dù nóng thế nào thì cũng phải kết thúc, nhưng kết cục ấy có thấu suốt được lòng dân hay không, có đem lại lợi ích cho dân tộc hay không, thì chắc chắn phải do dân tự quyết.
 
Ngừng thi công tại hồ Ba Giang
BBC
16:14 29/04/2009
Ngừng thi công tại hồ Ba Giang

hồ Ba Giang
Mười ngày sau khi linh mục Chính xứ Thái Hà thuộc Dòng Chúa Cứu thế gửi đơn khiếu nại về vệc thi công tại khu vực hồ Ba Giang mà Nhà thờ nhận là đất của mình, chính quyền cho hay đã "dừng triển khai dự án".

Hôm thứ Ba 28/04, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng nói Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã "yêu cầu các cơ quan, đơn vị và các hộ dân dừng triển khai dự án và thi công xây dựng trên khu đất hồ Ba Giang".

Đơn khiếu nại do linh mục Chính xứ Mattheu Vũ Khởi Phụng ký gửi tới ông Trần Đức Học, Chủ tịch UBND quận Đống Đa hôm 18/04 yêu cầu "đình chỉ thi công trái phép tại khu đất hồ Ba Giang, trả lại đất bị chiếm giữ trái phép" cho giáo xứ Thái Hà.

Đơn này nói giáo xứ Thái Hà là chủ sở hữu hợp pháp của khu đất hồ rộng trên 18.000 m2 mà nay đang bị một đơn vị "đóng cọc thi công" một cách trái phép.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao xác nhận UBND Hà Nội đã nhận được đơn và đã "yêu cầu UBND quận Đống Đa xem xét và trả lời đơn của ông Vũ Khởi Phụng, linh mục chính xứ nhà thờ Thái Hà theo đúng quy định của pháp luật".

Tuy nhiên ông Lê Dũng cho hay: "Cho đến nay, UBND Hà Nội chỉ nhận được đơn khiếu nại của ông Vũ Khởi Phụng, linh mục chính xứ nhà thờ Thái Hà chứ không nhận được đơn khiếu nại nào của giáo dân giáo xứ Thái Hà".

Quá trình kiện tụng liên quan tới khu vực đất hồ Ba Giang, mà Giáo xứ Thái Hà nói thuộc về Nhà thờ từ năm 1928, đã kéo dài nhiều năm nay mà chưa ngã ngũ.

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, phát ngôn viên của Nhà thờ Thái Hà, nói với BBC: "Đang khiếu kiện chưa xong, thì năm ngoái lại nổ ra vụ khu đất liên quan xí nghiệp thảm len mà Nhà nước đã trưng thu làm công viên. Nổ ra vụ đó nên tạm thời dừng vụ bên này".

'Vu cáo chế độ'

Mấy ngày vừa qua, một số báo xuất bản tại địa bàn Hà Nội như Hà Nội Mới và An ninh Thủ đô đã có bài đả phá đích danh linh mục Nguyễn Văn Khải, nhất là sau cuộc thắp nến cầu nguyện của giáo dân Thái Hà tối thứ Bảy 25/04.

Tại buổi lễ, linh mục Khải đã giảng bài về nguy cơ tàn phá môi trường trong các dự án bauxite Tây Nguyên.

Trước đó một ngày, website của Dòng Chúa Cứu thế cũng đăng thông cáo của linh mục Nguyễn Văn Khải về lễ thắp nến cầu nguyện.

Tờ An ninh Thủ đô cáo buộc bản thông cáo này có "nội dung kích động, xuyên tạc sự thật" và linh mục Khải đã "vượt quá giới hạn của một người tu hành, can thiệp vào chính trị, đi ngược lại lợi ích của đất nước".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thì tuyên bố: "Thông cáo này có nội dung sai trái, đề cập đến những nội dung không liên quan đến tôn giáo, vu cáo chế độ, xuyên tạc sự thật, gây tổn hại đến khối đoàn kết toàn dân tộc, kích động giáo dân".

Tờ Hà Nội Mới thì nói linh mục Giáo xứ Thái Hà đã "lợi dụng tôn giáo để làm hại đất nước".

Giáo xứ Thái Hà qua các bài viết trên website của Dòng Chúa Cứu thế đã bác bỏ các cáo buộc trên.

Được biết, công an TP Hà Nội đã ba lần gửi giấy mời và một lần giấy tống đạt triệu tập linh mục Nguyễn Văn Khải để điều tra 'về việc có liên quan' nhưng vị linh mục này bất tuân.
 
Công ty Mỹ bỏ dự án khai thác bâu xít tại Nhân Cơ
BBC
16:19 29/04/2009
Công ty Mỹ bỏ dự án Nhân Cơ

Tin cho hay trước khi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam kết luận về việc không cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần dự án khai thác bauxite tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông), tập đoàn Alcoa của Hoa Kỳ đã quyết định rút lui khỏi dự án thứ hai.

Liên doanh Alcoa World Alumina & Chemicals (AWAC), trong đó Alcoa đóng góp 60% và tập đoàn Alumina Ltd. của Úc đóng góp phần còn lại, đã ký một thỏa thuận hợp tác hồi tháng Sáu năm ngoái để tham gia dự án sản xuất alumina Nhân Cơ, cùng một dự án khác tại Gia Nghĩa, Daklak.

Theo thỏa thuận này, AWAC có quyền mua tới 40% cổ phần của dự án Nhân Cơ, nếu chủ đầu tư là Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam được thành lập công ty cổ phần.

Nay người phát ngôn của Alcoa, ông Kevin Lowry, cho hay sau khi khảo sát thực tế, công ty này đã báo cho đối tác Việt Nam rằng họ không tham gia dự án Nhân Cơ, nhưng vẫn theo đuổi dự án Gia Nghĩa.

Như vậy, dự án khai thác bauxite và sản xuất alumin Nhân Cơ, với công suất dự kiến 600.000 tấn/năm, cần vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ nguồn khác.

Tự đầu tư

Trong kết luận mới đây, dường như Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định thay vì kêu gọi đầu tư từ các đối tác nước ngoài, mà gần nhất là Trung Quốc, Việt Nam sẽ tự đầu tư phát triển mỏ Nhân Cơ.

Bài phân tích đăng trong số tạp chí The Economist ra tuần trước bình luận rằng "Việt Nam cần đầu tư của Trung Quốc hơn bao giờ hết". Toàn bộ tổng thể quy hoạch khai thác bauxite và sản xuất alumin của Việt Nam từ nay tới năm 2015 cần 15 tỷ đôla hoặc hơn.

Tuy nhiên, dưới áp lực của xã hội và quan ngại về an ninh quốc gia, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải đưa ra lực chọn khó khăn.

Dự án Nhân Cơ nay được nhiều nhà quan sát cho là sẽ gặp chậm trễ, nhất là sau khi kết luận của Bộ Chính trị viết: "Riêng Dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện".

Kế hoạch phát triển bauxite Tây Nguyên đã thu hút dư luận chưa từng thấy từ trước tới nay.

Nhiều nhân vật từ giới cựu quan chức, tướng lĩnh cao cấp tới các nhà khoa học hàng đầu, đấ lên tiếng phản đối các dự án mà họ cho là "chưa được cân nhắc kỹ" và có nguy cơ gây tác hại nghiêm trọng về cả môi trường, xã hội và an ninh quốc gia.
 
Tin Đáng Chú Ý
Tiểu Bang California USA Thông Qua Nghị Quyết ‘Một Tuần Tưởng Niệm Tháng Tư Đen’
Thượng Viện TB California
01:41 29/04/2009
SACRAMENTO - Thuợng Viện Quốc Hội Tiểu Bang California đã thông qua Nghị Quyết SCR 29 Tưởng Niệm 30 Tháng Tư Đen do Thượng Nghị Sĩ Lou Correa đề trình. Nghị Quyết SCR 29 quy định ngày 23 đến ngày 30 tháng 4 năm 2009 là "Black April Memorial Week" tức là "Tuần Tưởng Niệm Tháng Tư Đen" tại tiểu bang California.

Trong những năm qua, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa cũng đã từng đề trình và tác giả những nghị quyết tại Hạ Viện cũng như Thượng Viện liên quan đến 30 Tháng 4 và tự do tôn giao tại Việt Nam. Đặc biệt năm nay, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa đã điều động các dân cử đồng nghiệp khắp tiểu bang California hổ trợ các sinh hoạt tưởng niệm 30 Tháng Tư Đen cũng như các sinh hoạt đấu tranh cho nhân quyền của cộng đồng Việt Nam. Thượng Nghị Sĩ Lou Correa đã mời 5 thượng nghị sĩ và 9 dân biểu tiểu bang đồng tác gỉa Nghị Quyết SCR 29 để ghi nhận Tuần Tưởng Niệm 30 Tháng Tư Đen tức Black April Memorial Week chính thức tại tiểu bang California. Đây là một nổ lực có ý nghĩa vì 15 dân cử này điều đại diện cho những vùng có đông cử tri Việt Nam. Ngoài ra, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa tuy thuộc đảng Dân Chủ đã vận động trong số này 9 vị dân cử thuộc đảng Cộng Hòa cùng làm việc với ông qua nghị quyết này.

Các đồng tác gỉa Nghị Quyết SCR 29 với Thượng Nghị Sĩ Lou Correa có Thượng Nghị Sĩ Elaine Alquist và Dân Biểu Joe Coto đại diện vùng San Jose, Dân Biểu Dave Jones đại diện vùng Sacramento, Thượng Nghị Sĩ Denise Ducheny vùng San Diego, và Thượng Nghị Sĩ Abel Maldonado vùng biển Santa Cruz, Monterey và San Luis Obispo. Tại Quận Cam có Thượng Nghị Sĩ Tom Harman và Mimi Walters và càc Dân Biểu Trần Thái Vân, Jim Silva, Jose Solorio, Diane Harkey, Chuck Devore, Jeff Miller, và Mike Duvall.

Nghị Quyết SCR 29 đã được đề nập vào ngày 25 tháng 3 và đã được thông qua Thương Viện với 39 trên 0 vào ngày 20 tháng 4. Nghị Quyết này sẽ quy định ngảy 23 tháng Tư đến ngày 30 tháng Tư năm 2009 là Tuần Tưởng Niệm Tháng Tư Đen tức Black April Memorial Week, “một thời gian đặc biệt cho cư dân tiểu bang California tưởng nhớ đến những hy sinh, mất mác của thời chiến tranh Việt Nam và sự hy vọng cho cuộc sống nhân bản và công lý hơn cho người Việt Nam.”

Trong Tuần Tưởng Niệm 30 Tháng Tư Đen, nhiều tổ chức, hội đoàn, và cộng đồng khắp nơi sẽ tổ chức những buổi hội thảo, triển lãm tội ác cộng sản, thi viết văn, đêm thắp nến cầu nguyện, và đặc biệt là những lễ tưởng niệm tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ từ thủ đô Washington, DC đến thủ đô tỵ nạn cộng sản Việt Nam. Nghị Quyết SCR 29 kêu gọi cư dân California phải tạo cơ hội cho con em chúng ta và những thế hệ tương lai về sự thật của chiến tranh Việt Nam, nhất là về hoàn cảnh đau thương của người Việt tỵ nạn sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt để con em chúng ta có thể hiểu biết thêm về giá trị tự do và dân chủ.

Theo lời phát biểu của Thượng Nhị Sĩ Lou Correa trước khi Thượng Viện bỏ phiếu, “Tuần Tưởng Niệm Tháng Tư Đen là cơ hội cho chúng ta cùng cộng đồng Việt Nam quyết tâm tiếp tục đấu tranh cho tự do, dân chủ, và nhân quyền tại Việt Nam.”

Sau đây là nguyên văn của Nghị Quyết SCR 29 Tuần Tưởng Niệm Tháng Tư Đen:

Nghị Quyết Thượng Viện Số 29



Đề trình và tác giả: Các Thượng Nghị Sĩ Correa, Alquist, Ducheny, Harman, Maldonado, và Walters (Đồng Tác Gỉa: Các Dân Biểu Coto, DeVore, Duvall, Harkey, Jones, Miller, Silva, Solorio, và Tran)

ngày 25 tháng 3 năm 2009

Liên Quan đến Tuần Tưởng Niệm Tháng Tư Đen.

SƠ LƯỢC CỦA LUẬT PHÁP


Nghị Quyết SCR 29, được đệ nập do Lou Correa. Tuần Tưởng Niệm Tháng Tư Đen. Nghị quyết này sẽ quy định ngày 23 đến ngày 30 tháng 4 là Tuần Tưởng Niệm Tháng Tư Đen như một thời gian đặc biệt dành riêng cho cư dân tại California để tưởng nhớ đến những người đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam, và hy vọng cho một đời sống nhân bản và công bằng hơn cho người dân Việt Nam.

XÉT RẰNG, Ngày 30 tháng 4 năm 2009 đánh dấu 34 năm sau khi Sài Gòn thất thủ dưới chế độ cộng sản vào ngày 30 tháng 4 năm 1975; và

XÉT RẰNG, đối với những chiến sĩ Việt và Mỹ đã trải qua chiến tranh Việt Nam và những người Mỹ gốc Việt đang cư ngụ tại Hoa Kỳ, chiến tranh Việt Nam đã đem đến nhiều sự đau thương, hy sinh và thiệt mạng cho người Mỹ, Việt Nam và Đông Nam Á; và

XÉT RẰNG, 58,169 người đã thiệt mạng và 304,000 người bị thương trầm trọng trong 2.59 triệu chiến sĩ đã tham gia trong chiến tranh Việt Nam. Một trong mười chiến sĩ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã trở thành thương vong của trận chiến.

XÉT RẰNG, sau ngày Sài Gòn thất thủ, hơn 135,000 người Việt Nam đã rời bỏ quê hương đến Hoa Kỳ, trong đó có những chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và nhiều dân Việt Nam đã làm việc cho Chính Phủ Hoa Kỳ trong thời chiến tranh và gia đình của họ.

XÉT RẰNG, hàng ngàn người đã đi vượt biên vào thập niên 70 cho đến giữa thập niên 80 để đến một xứ tự do. Những người đã vượt biên thành công đều đến những trại tỵ nạn tại Thái Lan, Mã Lai Á, Indonesia, Phi Luật Tân và Hồng Kông, nhưng hơn một nửa những người rời bỏ Việt Nam đã thiệt mạng trên biển cả.

XÉT RẰNG, theo thông báo của Thống Kê Hoa Kỳ (United States Census) năm 2000, có hơn 447,032 người Việt Nam đang sống tại tiểu bang California. Trong đó, đa số người Việt Nam đang cư ngụ tại Quận Cam.

XÉT RẰNG, chúng ta phải tiếp tục giáo dục cho con em chúng ta và những thế hệ tương lai về chiến tranh Việt Nam, nhất là về hoàn cảnh đau thương của người Việt tỵ nạn sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt để con em chúng ta hiểu biết thêm về giá trị của tự do và dân chủ.

XÉT RẰNG, cộng đồng Mỹ gốc Việt toàn tiểu bang California sẽ tưởng niệm ngày 30 tháng 4 năm 2009, tức Tháng Tư Đen, là một ngày tưởng nhớ và để ghi nhận sự hy sinh và mất mát của hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh Việt Nam.

XÉT RẰNG, để tưởng nhớ và ghi nhận sự hy sinh và mất mát trong chiến tranh Việt Nam, Nghị Quyết này quy định ngày 23 đến ngày 30 tháng 4 năm 2009 là "Black April Memorial Week" tức là "Tuần Tưởng Niệm Tháng Tư Đen" tại tiểu bang California, để chúng ta tưởng niệm về những sự hy sinh của cuộc chiến tranh Việt Nam cũng như sự hy vọng của tiểu bang Calfornia cho một đời sống nhân bản và công bằng hơn cho người dân Việt Nam.

XÉT RẰNG, chúng ta, cư dân của tiểu bang California, nên đích thân cống hiến đời mình cho lý tưởng nhân quyền, tự do, và công bằng dưới luật pháp của một thế giới tự do và dân chủ. Cư dân California nên dành thời gian mỗi năm vào ngày 30 tháng 4 để tưởng nhớ các chiến sĩ, bác sĩ và nhân viên quân y, và đồng bào đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam vì tranh đấu cho lý tưởng tự do; và

XÉT RẰNG, các cộng đồng người Mỹ gốc Việt khắp tiểu bang California sẽ tưởng niệm ngày 30 tháng 4 năm 2009, là ngày Tháng Tư Đen, một ngày tưởng nhớ; vì thế, nay:

QUYẾT NGHỊ Thượng Viện của Tiểu Bang California, và sự tán thành của Hạ Viện, trong việc công nhận sự kiện kinh khủng gây ra sự đau buồn và hy sinh tính mạng to lớn trong chiến tranh Việt Nam, ngày 23 đến ngày 30 tháng 4 năm 2009 sẽ là Tuần Tưởng Niệm Tháng Tư Đen, một thời gian đặc biệt dành riêng cho cư dân tại California để tưởng nhớ đến bao người đã hy sinh tính mạng trong chiến tranh Việt Nam, và hy vọng cho một đời sống nhân bản và công bằng hơn cho dân Việt Nam; và hơn nữa,

QUYẾT NGHỊ rằng, Chánh Văn Phòng của Thượng Viện chuyển sao bản của nghị quyết này đến người tác giả để được phổ biến.

(Nguồn: http://www.hoivanhoanguoiviettudo.com/)
 
Gĩa từ Việt Nam
Ed Oshiro / Trần Trúc Lâm
03:05 29/04/2009
GIÃ TỪ VIỆT NAM

Bài của Ed. Oshiro, MPH. Ông Oshiro hiện về hưu và ngụ tại Mereer Island (thành phố Seattle, tiểu bang Washington) nguyên là Phụ Tá Giám Đốc Chương Trình Giáo Dục Y Tế của Group Health Cooperatives.
Trần Trúc Lâm chuyển ngữ

Ba mươi phút sau khi chuyến bay của hãng Hàng Không Việt Nam chở chúng tôi rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, chúng tôi nhìn xuống những đồng bằng màu đỏ trơ trụi của xứ Cambodia, tôi và vợ tôi bỗng dưng có một cảm giác kỳ lạ của sự thoải mái và tự do. Hú vía, chúng tôi thực sự đã thoát khỏi những sự sách nhiễu, hăm dọa và tham nhũng thường nhật của các giới chức Việt Nam, và cái gánh nặng đè trên vai trong ba tháng qua chợt trút mất.

Mọi chuyện như bắt đầu từ mùa thu năm ngoái, khi tôi nhận làm quản lý hải ngoại vụ cho Cơ Sở Đông Gặp Tây (East Meets West Foundation) hiện đang trông coi một bệnh xá toàn khoa cho “kẻ nghèo nhất trong đám nghèo” và một cô nhi viện với 125 trẻ em ở ngoại ô thành phố Đà Nẳng, Việt Nam. Tôi đã quyết định chụp lấy cơ hội hưu trí sớm với đầy đủ cấp dưỡng do Group Health đề nghị và về hưu vào đầu tháng Giêng với ý định đi phục vụ tình nguyện khoảng một đến hai năm tại Việt Nam, bắt đầu vào giữa tháng Giêng.

Công tác của tôi là giúp bệnh xá hoạt động được hữu hiệu hơn và hướng dẫn những chương trình về giáo dục y tế công cộng cho bốn làng hẻo lánh. Vợ tôi thì được giao việc ở cô nhi viện như là giáo viên mỹ thuật và dạy Anh ngữ cho các nhân viên.

Một điều báo trước cho những việc sẽ gặp ở trong nước Việt Nam thực ra đã bắt đầu khi chúng tôi bay xuống San Francisco để nhận giấy chiếu khán đi Việt Nam. Khi đến San Francisco thì chúng tôi được báo rằng viên chức Bộ Ngoại Giao (Việt cộng) muốn chúng tôi phải thuê căn phòng của y ở Đà Nẳng với giá 700 đô la mỗi tháng, với sáu tháng tiền nhà đưa trước. Chúng tôi phản đối và y không chịu cấp giấy nhập cảnh nữa, chúng tôi đành phải quay về lại Seattle để chờ Cơ sở tiếp tục thương lượng. Cuối cùng đến tháng Hai, sau khi đồng ý với vụ sắp xếp, trả cho y 4200 đô la, và dấu nhập cảnh cho ba tháng thay vì một năm, chúng tôi bay đi Việt Nam. Khi đến nơi thì căn phòng, hỡi ôi! còn đang sửa chữa và chúng tôi đành ở khách sạn với giá 15 đô la một ngày.

Vừa vào đến Việt Nam thì tất cả đĩa điện toán của chúng tôi đều bị tịch thâu ngay, và mãi đến ba tuần mới được trả sau khi đóng 40 đô la gọi là “lệ phí bảo quản” và có cả khối bản phụ được sao chép (để bán về sau).

Ngày đầu làm việc trong văn phòng, tôi nhắc máy điện thoại để gọi con gái tôi ở Seattle và đã có thể nghe rõ tiếng nhạc quân hành văng vẳng trong máy suốt cuộc điện đàm. Tôi nhắc lại chuyện đó với nhân viên người Việt thì được họ cho biết là công an và quân đội luôn theo dõi nghe trộm mọi cuộc điện đàm.

Chúng tôi được khuyến cáo là ngay cả thư từ cũng được mở ra đọc ngang xương, cho nên phải cẩn thận khi viết. Có một lần công an gọi tôi phải đem tờ báo cáo tài chính cuối tháng cho họ xem để họ quyết định cho gởi hay không.

Vài ngày sau khi tôi bắt đầu làm việc, thì cô kế toán viên bay đi Florida để làm đám cưới với anh bác sĩ Mỹ mà cô đã quen trong thời gian anh ta phục vụ tình nguyện cho bệnh xá. Khi chúng tôi rao tuyển người thay thế thì viên Bộ Trưởng chuyển đến một danh sách ứng viên mà y muốn chúng tôi thâu dụng. Chúng tôi bác ngay vì họ không biết tí gì về kế toán và chẳng có chút năng khiếu gì về Anh ngữ. Chúng tôi tuyển được một cô có bằng kế toán và nói giỏi tiếng Anh, nhưng viên Bộ trưởng và Sở Công An lại trì hoản việc chuẩn y thâu dụng, cho mãi đến khi tôi nghĩ rằng, có chút tiền đút lót hoặc cô ta chịu chia một phần lương của cô.

Chúng tôi được biết rằng tất cả nhân viên người Việt đều buộc phải đóng một phần tiền lương cho công an, các viên chức nhà nước, đảng viên, v.v... Đã mấy lần công an đến văn phòng chúng tôi hạch hỏi vì sao chúng tôi không dùng người của họ.

Bất ngờ có một bác sĩ người Việt lại nộp đơn xin làm kế toán bởi vì anh đã thất nghiệp đến hơn 5 năm nay. Quả có hàng trăm bác sĩ thất nghiệp mặc dù họ thuộc hạng lao động có lương thấp nhất ở Việt Nam... 30 đô la một tháng. Tôi chẳng thể nào hiểu được vì sao lại có quá nhiều bác sĩ thất nghiệp tại Việt Nam. Tôi được nghe kể rằng họ buộc phải ghi danh quỹ 1,500 đô la để được thực tập và lấy kinh nghiệm ở bệnh viện sau khi học xong. Không có kinh nghiệm ở bệnh viện là thất nghiệp. Tôi lại được biết có một sự kỳ thị nặng nề đối với dân trong Nam, đặc biệt là những người đã từng phục vụ cho chế độ cũ. Hầu hết những bác sĩ thất nghiệp mà chúng tôi đã gặp là dân miền Nam.

Trong phần họp định hướng tại Hoa Kỳ, chúng tôi được báo cho biết rằng các bác sĩ tại bệnh xá làng Hòa Bình rất lười và ù lì, vì họ chỉ biết có một điều là viết toa cho thuốc bổ sinh tố. Sau khi làm việc với họ vài ngày, tôi nhận thấy họ rất thông minh, rất ham học để hành nghề tốt và sẵn sàng đón nhận những sự giúp đỡ để trở thành thầy thuốc giỏi. Điều đáng tiếc là sự đào tạo của họ tệ quá, cho nên họ chỉ giỏi viết toa sinh tố cho mọi bệnh trạng.

Mỗi ngày trong một tuần, các bác sĩ đi khám bệnh ở một trong những làng lân cận. Tôi đi theo họ vài lần và nhận thấy rằng sinh tố được cấp cho mọi chứng: sốt rét, mù lòa, sốt nóng, bệnh ký sinh trùng, tiểu ra máu, tiêu chảy, v.v... Họ đâu có thể làm gì khác hơn được? Họ chẳng có món thuốc nào ngoài vài lọ Ampicilin. Mấy bác sĩ bảo rằng ít ra cũng nên cho bệnh nhân món gì để đem về nhà, và họ cấp sinh tố. À ra thế! Trụ sinh thì ai cũng có thể mua được chẳng cần toa cho nên nhà nào cũng có vài lọ trữ sẵn. Ngay cả thông dịch viên của tôi cũng dùng trụ sinh cho nhức đầu, cảm, tiêu chảy, đau lưng, hoặc khi cô ta cảm thấy không được khỏe.

Một bác sĩ Sản Phụ Khoa từ San Diego đã làm việc vài ngày tại bệnh xá và bà chỉ cho các bác sĩ cách sử dụng mỏ vịt đế khám âm đạo. Năm sau, ông ta quay lại và bất bình vì các bác sĩ không dùng mỏ vịt. Ông ta báo cáo với Ban Quan Trị Cơ Sở Đông Gặp Tây ở San Francisco rằng các bác sĩ ở bệnh xá ù lì và lười biếng. Tôi báo cáo về Ban Quản Trị chất vấn sự giám định của ông ta. Các bác sĩ tại bệnh xá không thể nào học khám và chữa bệnh phụ khoa trong vài ngày được, và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm chỉ làm được dăm ba xét nghiệm đơn giản mà thôi. Cho dù họ có khám ra được điều gì đi nữa thì cũng chẳng có thuốc men và dụng cụ để điều trị. Tại sao phải đi học những chuyện mà dù có biết mình cũng đành bó tay? Tôi cảm thấy rằng bác sĩ Mỹ tình nguyện làm việc tại bệnh xá làng Hòa Bình thiếu nhạy bén và làm hại nhiều hơn là giúp đỡ.

Sau khi ổn định công việc, tôi liền gặp viên Bộ trưởng Y Tế (Việt Cộng) để đề nghị xúc tiến dự án hướng dẫn y tế công cộng cho bốn làng, và ông ta cũng thích thú về ý kiến đó. Ông ta nhận bản dự án đó và bảo rằng ông ta sẽ thảo luận với Ủy Ban Nhân Dân rồi cho tôi biết sau, hai tuần sau, ông ta gửi cho chúng tôi một lá thư nói rằng bản dự án đó đã được chấp thuận và Bộ sẽ thi hành, nhưng họ lại muốn tôi tài trợ 25 ngàn đô la. Tôi trả lời rằng tôi không có tiền mà chỉ có sự hiểu biết, thời giờ và lòng nhiệt thành muốn huấn luyện và làm việc với các nhân viên y tế mà thôi, nhưng họ chẳng tha thiết mấy đến sự tham gia của tôi – mà chỉ nghĩ đến tiền của tôi thôi. Tôi không được mời trở lại Bộ Y Tế nữa.

Khi tôi đi thăm ngôi làng đầu tiên để lượng định về y tế thì tôi được gặp Chủ Tịch Nhân Dân xã và y dẫn tôi đi thăm những gia đình nghèo nhất. Tại mỗi nhà y đòi tôi giúp cho những món mà gia đình đó cần như một mái nhà mới, tiền mua gạo, áo quần, xe lăn, v.v... Đến khi tôi nhắc đi nhắc lại rằng tôi đến đây không phải để cho tiền, y liền bảo thông dịch viên dẫn tôi ra khỏi làng ngay.

Ở một làng khác, các viên chức đòi tôi phải cấp một ngân khoản để xây một ngôi chợ mới, và khi họ biết tôi không thể làm được, họ bắt giữ tôi lại tại chỗ rồi ra lệnh cấm tôi rời khỏi trụ sở ủy ban. Đêm đó tôi bị buộc phải ngủ trên sàn gỗ bẩn thỉu với một mảnh mền rách, và một tên an ninh nằm ngủ bên cạnh canh phòng tôi trốn. Cho thêm phần khốn khổ, tên an ninh này lại bị cụt tay vì mìn, y đặt cánh tay cụt lên bụng tôi suốt đêm mà ngủ. Còn tôi thì làm sao mà ngủ được, nằm nghĩ ngợi lung tung, mấy ai tin được rằng tôi lại ngủ trên sàn nhà một văn phòng đảng Cộng Sản, cạnh một tên công an Cộng Sản, mà cánh tay cụt của hắn lại đặt trên bụng tôi! Đó là một trong những đêm kinh dị và hãi hùng nhất trong đời. Tôi cứ ngỡ mình bị ác mộng.

Vì tôi trú trong khách sạn nên phải đi ăn tiệm. Chỉ có một nơi mà chúng tôi và hầu hết các du khách đến ăn mà không sợ bệnh là nhà hàng mang tên Christies. Mỗi đêm chúng tôi gặp nhóm Thủy Quân Lục Chiến và quân nhân Mỹ đến Việt Nam tìm kiếm lính mất tích trong cuộc chiến (MIA’s). Họ bảo ràng mỗi làng đều có mánh khóe làm ăn trong vụ này. Chức sắc ở làng có thể báo cáo là đã chôn hai hay ba xác lính Mỹ ngoài ruộng. Thế là Hoa Kỳ phải mất khoảng 10 ngàn đô la cho việc đào xới và mướn phu phen địa phương.

Các giới chức Mỹ mà tôi chuyện trò bảo rằng từ năm 1991, họ chẳng tìm ra cái gì ráo và cũng chẳng mong mỏi tìm thêm cái gì khác. Họ được yêu cầu trú tại khách sạn của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam với giá 75 đô la một đêm và phải thuê phi cơ trực thăng chở họ đến các làng, mà giá của một giờ bay trực thăng là 750 đô la. Có khoảng 30 quân nhân Hoa Kỳ tìm kiếm MIAs tại Đà Nẳng và ở mỗi thành phố lớn đều có một nhóm như vậy. Dĩ nhiên là Hoa Kỳ tốn hàng triệu đô la vào túi các viên chức người Việt!

Sau hai tháng rõ ràng là chẳng ai cần đến chúng tôi tại Việt Nam. Cô nhi viện thì đã được Chính Phủ Hoa Kỳ tài trợ dồi dào và nhân viên Việt Nam thì làm việc xuất sắc. Trẻ em học ở trường nhà nước, được dạy nghề mộc, may vá, điện toán, v.v... và một bác sĩ toàn thời chăm sóc sức khỏe cho chúng. Chúng có cả sân bóng rổ, bóng bàn, máy truyền hình, mày chiếu hình, xe đạp, máy điện toán, một nông trại trồng rau, chúng nuôi gà và lợn để sinh lợi. Ai cũng biết rằng chúng sống khá hơn đại đa số trẻ con khác ở Việt Nam! Tôi đã tìm cách tăng lương cho tất cả các bác sĩ và nhân viên (Việt Nam) tại bệnh xá từ 30 đô la đến 50 đô la mỗi tháng. Nhà cầm quyền lại đòi rằng ai cũng được trả đồng hạng dù là bác sĩ hay y công.

Tôi cũng đã giúp vào một chương trình phát triển dài hạn giáo dục liên tục cho các bác sĩ. Một bác sĩ tim mạch ở Nhật chịu đỡ đầu hàng năm, trong nhiều năm về sau, cho một bác sĩ của bệnh xá luân phiên qua tu học tại bệnh viện Okasa khoảng sáu tháng. Người đầu tiên đi Osaka đã rời hồi tháng Sáu. Tôi cũng đã bắt liên lạc với bệnh viện Huế xin các bác sĩ của bệnh viện thực tập và chúng tôi chịu trả tiền phí tổn huấn luyện. Tôi đã đệ trình dự án này với Ban Quản Trị Cơ Sở Đông Gặp Tây vào ngày công tác cuối cùng của tôi ở Việt Nam. Hy vọng rằng Ban Quản Trị sẽ biểu quyết tán đồng chương trình này. Tôi cảm thấy quá rẻ để huấn luyện một bác sĩ với giá 1500 đô la.

Vài tuần sau khi đến Đà Nẳng, viên chức Bộ Ngoại Giao đòi thêm tiền để dứt điểm việc tu bổ căn phòng và mua đồ bày biện. Nhưng chúng tôi được biết rằng một bác sĩ Việt Nam kiếm được 30 đô la một tháng và đã trả, có lẽ từ 10 đến 15 đô la tiền thuê căn phòng như thế nên chúng tôi đã lịch sự phất lờ đòi hỏi thêm tiền của y. Y bèn trở mặt chèn ép, đòi chúng tôi phải báo cáo trước chi tiết lộ trình mỗi hai tuần, không cứu xét yêu cầu gia hạn chiếu khán và làm khó dễ các nhân viên người Việt của bệnh xá.

Ba tháng sau khi đến Việt Nam viên chức Bộ Ngoại Giao bảo rằng chúng tôi có thể vào ở được rồi, và chúng tôi chỉ trú – có mỗi một đêm. Căn phòng chỉ được tu sửa nửa chừng với dây điện còn lòng thòng từ trần nhà, tường được sơn một phần, ống nước chưa được nối vào, không có bàn ghế và gián thì ôi thôi, bò lổn ngổn khắp nơi. Chỉ trong mấy phút mà tôi xài hết một lọ xịt côn trùng và sàn nhà đầy la liệt cả gián dài khoảng 2 đốt tay đang nằm ngửa ngo ngoe.

Chúng tôi dọn trở lại khách sạn sau đúng một đêm. Viên chức Bộ Ngoại Giao rất bực dọc và gay gắt bảo chúng tôi nên rời khỏi nước nếu không hài lòng. Lần đầu tiên chúng tôi cảm thấy sợ hãi, chúng tôi biết rằng y có thể bỏ tù chúng tôi hoặc dàn cảnh một tai nạn mà chẳng ai có thể làm gì được.

Biết rõ rằng chẳng ai muốn và cần đến chúng tôi tại Việt Nam, sự đóng góp của chúng tôi cũng nhỏ nhoi, và có một sự đe dọa đến an ninh của chúng tôi, chúng tôi quyết định rời khỏi Việt Nam. Chúng tôi cũng bị dằn vặt bởi quyết định này vì chúng tôi đã đến và mến yêu trẻ mồ côi, những người làm việc chung và cái bệnh xá làng Hòa Bình. Chúng tôi mang theo một tình cảm rất nồng nàn đối với dân Việt, đối với đất nước tuyệt đẹp này, và mong một ngày nào đó sẽ trở lại để hoàn tất những công tác đã phát khởi.

Một ngày kia, cái thế hệ lãnh đạo hiện nay sẽ trao quyền lại và Việt Nam sẽ vươn mình như con bướm sặc sỡ của vùng Đông Nam Á.

(Nguồn: http://www.hoivanhoanguoiviettudo.com/)

GOOD-BYE VIETNAM
by Ed Oshiro, MPH (Master of Public Health)

Thirty minutes after our Vietnam Airline flight departed from Tan Son Nhut airport in Ho Chi Minh City, we looked down upon the denuded red plains and my wife and I instantaneously felt an incredible sense of relief and freedom. We were finally free from the daily harassment, intimidation and greed of the Vietnamese officials and we could actually feel the weight of the last three months lift off our shoulders.

It all began last fall when I was accepted as the overseas manager for the East Meets West Foundation which operated primary care clinic for the "poorest of the poor" and an orphanage for 125 children on the outkirts of Da Nang, Vietnam. I had decided to take advantage of the early retirement package offered by Group Health and retired in January with the intention of volunteering in Vietnam for a year or two, beginning in mid-January. My mission was to help the clinic become more efficient and effective and to conduct pilot public health education programs in four remote villages. My wife was assigned to work with the orphanage as an art and recreation instructor, and to teach English to the staff.

A preview of what we were to experience in country actually began when we flew to San Francisco to pick up our visa on our way to Vietnam. Upon our arrival in San Francisco, we were advised that the Foreign Minister, who issues the visas, wanted us to rent his appartment in Da Nang for $700 a month, with a six month advance payment. We objected, he refused to issue the visas, so we return to Seattle while the Foundation continued the negotiations. Finally, in February, we agreed to the arrangement, paid him $4200, and with a 3 month instead of a 12-month visa, flew to Vietnam. When we arrived, the apartment, of course, still being renovated so we were compelled to stay in a hotel at $45 a day. Upon entering Vietnam, all of our computer discs were cofiscated and only after paying a $40 "handling fee" and copies had been made (for later resale) were they returned to us three weeks later.

On our first day in the office, I picked up the telephone to call my daughter in Seattle and noticed that martial music could be heard in the background during our conversation. I later mentioned that to the Vietnamese staff and they stated the police and military were listening in on all of our telephone calls. We were also warned that our letters were opened and read by the government, so we had to be careful what we wrote. Once, I was required to take a month-end financial report to the police and they decided whether it should be sent off or not.

A few days after we began working in the office, the Vietnamese accountant left for Florida to marry an American doctor she had met when he came to Da Nang to volunteer at the clinic. When we announced the position, the minister sent us candidates who had no accounting training nor English language skills and hired a certified accountant who spoke fluent English. The Minister and the Security Police delayed approval of the new employee, untill, we suspect, some money changed hands or she agreed to kick back a percentage of her salary. We were informed that all the Vietnamese employees were required to pay the police, government offcials, party member, ect, a portion of their salary. The Security Police came to our office to demand, several times, why we refused to hire their candidates.

Incidentally, a Vietnamese physician applied for the accounting job because he had been unemployed for over five years. Apparently, there were hundreds of doctors that were unemployed in spite of the fact that they are some of the lowest paid workers in Vietnam... $30 a month. I never learned why there were so many unemployed doctors. I was told that they had to pay upwards of $1500 to get practical training and experience in a hospital after they completed their training. Without the training, they were unemployable. I also became aware that there was tremendous discrimination against the South Vietnamese, especially these whose family members supported the defeated government. Most of the unemployed doctors we met were South Vietnamese.

During my orientation in the States, I was warned that the doctors at the Peace Village Clinic were lazy and unmotivated, and only knew how to prescribe vitamins. After spending a few days with the doctors, I found them to be very intelligent, very willing to learn to practice good medicine and were eager to receive any assistance that would enable them to become good practitioners. Unfortunately, their medical training was so poor and inadequate that they were only qualified to prescribe vitamins for every affliction. One day a week, the doctors visited one of the surrounding villages and provided care to the people. I accompanied them on several visits and noted that vitamins were precribed for every ailment, malaria, blindness, fevers, parasites, blood in the urine, diarrhea, ect. What else could they do? They didn't have any other drugs except a few bottles of Ampicillin. The doctors claim that they had to give the patients something to take home so they prescribed vitamins. Made sense to me. Antibiotics may be purchased over the counter so every Vietnamese already had several bottles at home. My translater took antibiotics for headaches, colds, diarrhea, backache, and when she just was not feeling well.

An OB/GYN doctor from San Diego spent a few days at the clinic and showed the doctors how to use a vaginal speculum. A year later, he returned and was very upset that the doctors were not using the speculum and complained to the East Meets West Foundation Board in San Francisco that the doctors were unmotivated and lazy. My report to the Board questioned his assessment. The doctors could not be trained in diagnose and treat gynecological diseases in a few days and the lab tech was only able to do very simple tests. Even if they did, find something, there were no drugs or equipment to treat the problem. Why look for something if you can't do anything about it? I felt that some of the American doctors who volunteered at the Peace Village Clinic were very insensitive and did more harm than good.

As soon as I had settled in, I met with the Minister of Health with a proposal to conduct a pilot public health project in four villages and he seemed to be very enthusiastic about the idea. He accepted the proposal and informed me that he would discuss it with the People's Commitee and get back to me. Two weeks later, he sent me a letter stating that the project was approved and that the Ministry would implement it, but they wanted me to provide them with $20,000. I stated that I did not have the money, only the knowledge, time and willingness to do the training and work with the health workers, but they were not interested in my participation - only my money. I was not invited back to the Ministry.

When I visited my first village to do a health assessment. I was met by the Director of the People's Committee who took me around to the homes of the poorest families. At each farm house, he requested that I pay for something that the family needed, for example: a new roof, a new well, a new house, money for rice, clothes, wheel chair, etc. When I stated over and over that I was not there to give them money, he finally told my translator to get me out of the village. At another village, the officials demanded that I provide them with funds to build a new school and when they realized that I would not provide the funds, I was immediately put under house arrest and ordered not to leave the grounds of the People's Committe office. That night, I was ordered to sleep on the dirty wood floor of the office with only a tattered blanket, and one of the security police officer slept next to me to assure that I did not leave the building. To add to my misery, the officer, whose hand had been blown off by a land mine, place his stump on my stomatch all night while he slept. I, of couse, did not sleep a wink and keep thinking who would ever believe that I would be sleeping on the floor of a Communist party office, next to a Viet Cong policeman whose handless arm rested on my belly! It was one of strangest and scarrest night I have experienced. I kept wondering if I was having a nightmare.

Because we were living in a hotel, we had to eat our meals in restaurants. The only place we and most visitors could eat in Da Nang without getting sick was a restaurant called Christies. Every night, we met American marrines and soldiers who were in Vietnam searching for MIA's. They stated that every village had a scam in operation. The village leaders would claim to have burried in the rice fields two or three Americans who had died during the war. It would cost the American $10,000 to dig in the fields and to hire local workers. The officers we talked to claimed that since 1991 they had found nothing and they didn't expect to find anything. They were required to stay in Vietnam Army Hotel for $75 a night and hire the Vietnam helicopter to take them to the village. We were informed that it cost $750 an hour for the helicopter ride. There were about 30 US military personel looking for MIA's in Da Nang and every major city had a silmilar team. It is coating the US milion of dollars and the Vietnamese are laughing all the way to the bank!

After a couple of months, it became very evident to us that we were not needed in VietNam. The orphanage was being very adequately funded by the US Government and the Vietnamese staff was excellent. The kids were attended in the government school, being provided with training in carpentry, sewing, computer, etc. .. and a full time physician took care of the medical needs of the children. They had a basketball court, ping-pong tables, television, videos, bicycles, computers, a vegetable farm, and they raised chickens and pigs for income. The Vietnamese claimed that these chidren, in fact, lived better than all other children in Vietnam.

I was able to raise the salaries of all the doctors, and the rest of clinic staff from $30 to $50 a month. The government required every employee to be paid the same amount whether he/she were a doctor or janitor. I also assisted in development of a long term continuing education program for the doctors. A cadiologist from Japan is sponsoring each year, one doctor from the Peace Village Clinic, who will spend six months in her hospital in Osaka for next few years. The first doctor left Osaka in June. I also opened communication with the Hue hospital to accept our doctors into their resisdency program with us paying for the training. I presented this proposal to East Meets West Foundation Board on my last day in the country. Hopefully, the Boad will vote favourably on this program. I feel that it is very inexpensive to train the doctor for $1600.

Several weeks after we arrived in Da Nang, the Forein Minister demanded more money to finish renovating the apartment to purchase furniture. We were aware of this fact that a Vietnamese doctor makes $30 a month and he would pay, perhaps $10-$15 a month to rent that apartment so we politely ignore his demand for more money. He tightened the screws by requiring us to to provide him with a detailed itinerary as to where we would be every hour, two weeks in advance, by holding up our request for a visa extention and by intimidating our Vietnamese office staff. Three months after we arrived, the Foreign Minister said we could move into the house and we did - for one night. It was only partially completed with electric wires dangling from the ceiling, walls partially painted, plumbing unconnected, no furniture and cockroaches crawling everywhere. In a few minutes, I used up a can of insecticide and the floor was covered with two-inch long cockroaches lying on their backs, leg flailing away. We moved back to the hotel after one night. The minister became very upset and advised us to leave the country if we were unhappy. For the first time ever, we experience real fear. We realized that he could jail us or arrange an accident and no one could do anything about it.

Realizing that we were not really wanted or needed in the country, that our contributions would be negligible, and that there was a real threat to our safety, we made the decision to leave Vietnam. We agonized over the decision because we had come to love the children in the orphanage and the people working there as well as at the Peace Village Clinic. We have very warm feelings for the Vietnamese people and the incredibly beautiful country, and we would, someday, like to return there complete the work we have begun.

One day, this generation of leaders will pass on and then Vietnamese will emerge to become to the butterfly of Southeast Asia.
 
Văn Hóa
Lời kinh buồn tháng Tư
Minh Lê
16:36 29/04/2009
Lời Kinh Buồn Tháng Tư!

Tháng tư đen

Như vết thương không bao giờ lành lặn!
Khi trở trời lại buốt giá vào tim
Nỗi đau thương như mở ngõ đi tìm
Vị chua chát lời kinh buồn trước ngực!

Tháng tư đen

Lại cũng về sau tháng ngày ký ức,
Khi chân người vội vã lấn xô nhau,
Nghe âm vang tíếng súng nổ qua đầu!
Mẹ lạc con thét gào trong kinh hãi!

Tháng tư đen

Có thoáng buồn dậy lên niềm tê tái!
Vội vàng đi! mất hết nụ cười tươi
Vỡ tung ra cơn náo loạn rừng người!
Mong vượt thoát phút cuối cùng hấp hối

Tháng tư đen

Người chiến binh bỗng tan hàng bối rối!
Nỗi oan khiêng - bức tử - máu hùng anh!
Xô ngã đi - cung kiếm - với quân hành!
Ai bỏ nước đưa Người vào chiến bại?

Tháng tư đen

Tháng khăn tang của hồn oan biên ải!
Vị tướng nào tuẫn tiết thật hiên ngang!
Quyết hy sinh, chẳng khuất phục đầu hàng!
Không bỏ bạn cho đến giờ phút cuối!

Tháng tư đen

Đời bỗng dưng cuốn vào vùng tăm tối…
Kinh tế - tù đày - vượt biển - ra khơi …
Giông hay sấm sét ngang trời!
Vẫn hy vọng – bên kia bờ – lẽ sống!

Tháng tư đen

Trời bên nầy có tự do lồng lộng!
Vẫn chạnh lòng – thương nhớ, Việt nam ơi!
Trời tháng tư – từ trăm vạn nẻo đời …
Thắp ngọn nến trong tim người dân Việt!

LVD - ngày cuối tháng tư, 2009
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ điển thuật ngữ báo chí Công Giáo: Creationism – Curia Roman
Nguyễn Trọng Đa
01:15 29/04/2009
Creationism
Thuyết sáng tạo. Thuyết công giáo cho rằng linh hồn mỗi người được Chúa sáng tạo ngay lúc người ấy thụ thai trong lòng mẹ.
Creator
Đấng Tạo Hóa, Đấng Sáng tạo, Đấng Tạo thành, Hóa công. Chúa là Đấng Tạo hóa mọi loài từ hư không. Các kinh Tin kính dầu tiên bằng Latinh tuyên xưng niềm tin vào "Ðức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên [creatorem] trời đất." Một số kinh Tin kính đầu tiên bằng tiếng Hi Lạp nói về Chúa là “Đấng Sáng tạo [ktist_n] và Đấng Tạo thành [poi_t_n]," mặc dầu Kinh Tin kính Nicene từ thế kỷ thứ sáu chỉ nói “Đấng Tạo thành” trong bản Latinh và bản Hi Lạp và hiện nay được dịch sang các tiếng địa phương trong bản văn phụng vụ.
Crèche
Máng cỏ, hang đá Giáng sinh. Thường được dùng để diễn tả cảnh Giáng sinh. (Từ nguyên Pháp crèche, máng ăn, máng cỏ.)
Credence
Tiểu án, bàn đồ lễ. Là một bàn nhỏ hoặc một ngăn trong tường bên cạnh bàn thờ. Trên bàn thường đặt bình rượu, bình nước, đĩa đựng và khăn lau tay. Chén thánh, đĩa thánh, khăn thánh, khăn che chén trong Thánh lễ cũng có thể đặt ở đó cho đến phần Dâng lễ. (Từ nguyên Latinh credere, tin tưởng.)
Credibility
Khả tín tính, tính cách đáng tin. Nền tảng có thể lý luận được để tin điều gì là đúng thật. Khả tín tính thường áp dụng cho sự hiển nhiên từ thí nghiệm, lịch sử, và lý luận cho sự chân thật của mặc khải Kitô giáo hoặc là tổng quát hoặc là từng mầu nhiệm riêng chẳng hạn thiên tính của Chúa Kitô hay là sự Phục sinh của Ngài. Có ba giai đoạn lý luận để thiết lập khả tín tính cho một mầu nhiệm đức tin: 1. sự hiện hữu của Chúa được chứng minh bằng lý trí; 2. việc Chúa xứng đáng được tin, nếu Ngài tỏ lộ mặc khải, được nhìn thấy bằng lý trí, bởi vì một Thiên Chúa hoàn hảo biết hết mọi sự và rất đáng tin; 3. sự việc Chúa tỏ lộ mặc khải được chứng minh từ các phép lạ Ngài làm để khẳng định chứng tá của những người phát biểu nhân danh Ngài. (Từ nguyên Latinh credibilis, từ chữ credere, tin, giao phó.)
Credo
Credo, Tôi tin, Kinh Tin kính. Là một kinh gồm những điều phải tin trong đạo; cũng được dùng để gọi bất cứ tín điều nào. (Từ nguyên Latinh credo, tôi tin.)
Credo Quia Absurdum
Credo quia absurdum, Tôi tin vì là phi lý. Là một câu được gán cho Tertullian (160-220), có nghĩa rằng một Kitô hữu không bị vấp phạm bởi một sự phi lý bề ngoài hoặc sự bất khả của các mầu nhiệm đã được mặc khải, chẳng hạn mầu nhiệm Nhập thể (Chúa làm người) hoặc Sự Hiện diện thật sự (Chúa Kitô hiện diện thật sự dưới hình bánh rượu).
Credo Ut Intelligam
Credo ut intelligam, Tôi tin để mà hiểu. Câu nói của thánh Anselm thành Canterbury (1033-1109), khi ngài định nghĩa một trong các chức năng của đức tin là ban soi sáng cho tâm trí. Những người tin có khả năng hiểu biết, dầu là trong từ ngữ đơn sơ, những điều mà người không tin không có được.
Credulity
Sự cả tin, sự dễ tin, nhẹ dạ. Là niềm tin, nhất là niềm tin tôn giáo, không dựa vào lý luận đầy đủ. Một người cả tin chấp nhận lời nói của người khác mà không tìm hiểu kiến thức hoặc sự chân thật của người mà mình tin. Sự nhẹ dạ là niềm tin không nền tảng, chỉ tin theo bản năng, y phục hoặc tình cảm, mà không dựa vào các tiền đề khách quan, vốn có thể được chứng minh bằng lý luận. (Từ nguyên Latinh credulitas, từ chữ credulus, dễ tin.)
Cremation
Hỏa thiêu, hỏa táng. Hành vi thiêu hủy thi hài bằng lửa sau khi chết. Kitô hữu theo phong tục người Do Thái là chôn cất thi hài người chết, thay vì hỏa táng, vì nghĩ rằng việc hỏa táng là sự thiêu hủy thi hài một cách không tự nhiên và tàn bạo, trong khi thân xác khi còn sống là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự. Vì không có nguyên tắc đức tin nào có thể bị ảnh hưởng bởi sự hỏa táng, sự hỏa táng là luôn được phép khi y tế công cộng đòi hỏi. Trước đây, Giáo hội Công giáo đã luôn chống đối sự hỏa thiêu, mặc dầu sự này là xem thường niềm tin vào việc thân xác sẽ sống lại, và trong nhiều thế kỷ Giáo hội đã ra vạ tuyệt thông cho những ai ra lệnh hỏa thiêu cho chính mình hay cho kẻ khác. Hiện nay, để đáp ứng các điều kiện thế giới thay đổi, Giáo hội khoan dung hơn trong quan điểm của mình về phương pháp xử lý thi hài người chết, nhưng vẫn thích phương pháp chôn cất hơn. (Từ nguyên Latinh cremare, đốt, thiêu.)
Crescens Matrimoniorum
Sắc lệnh “Crescens matrimoniorum”. Là sắc lệnh của Thánh bộ Giáo hội Đông phương, nói về hôn nhân hỗn hợp giữa người Công giáo và Kitô hữu Đông phương đã rửa tội nhưng không phải là Công giáo. Ngòai các điều khỏan tạo dễ dàng cho nhưng người như thế kết hôn với nhau, Giáo hội chỉ xem là có tính hợp pháp, chứ không là hiệu lực tính, cho vị linh mục công giáo và các người chứng có mặt. Hơn nữa, một giám mục có thể miễn chuẩn cho điều này khi có lý do quan trọng. (ban hành ngày 22-2-1967).
Crescent Moon
Trăng lưỡi liềm, trăng non. Là biểu tượng ưa chuộng của Đức Mẹ Maria dưới tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội hồi thế kỷ 15. Sự diễn tả này dựa vào câu Kinh thánh “một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng” (Kh 12:1). Vẽ phối hợp với trăng khuyết, Thánh gía mô tả chiến thắng của người công giáo tại vịnh Lepanto nhờ sự cầu bầu của Đức Mẹ Maria.
Crib
Máng ăn. Là sự mô tả máng ăn trong đó Chúa Hài đồng nằm lúc mới ra đời. Vào dịp lễ Giáng sinh, nhiều máng cỏ được dựng nên trong các nhà thờ để kỷ niệm Chúa Giêsu nằm trong hang đá Bêlem. Thánh tích của Máng cỏ thật được lưu giữ tại nhà thờ Đức Bà Cả ở Roma.
Crime
Tội ác. Là ngăn trở hôn phối do tội ác, ngăn trở này phát sinh từ một tội trọng công khai của một hoặc hai phía. Nó liên quan đến những người, trong khi dây hôn nhân của hai bên còn hiệu lực, đã phạm tội ngọai tình với nhau và hứa sẽ kết hôn với nhau, hoặc đã kết hôn với nhau về phần đời; hoặc những người, trong khi dây hôn nhân của hai bên còn hiệu lực, đã phạm tội ngọai tình với nhau và một trong hai người giết chết người phối ngẫu hợp pháp của mình; hoặc những người, mặc dầu không phạm tội ngọai tình, đã hợp tác với nhau về thể lý hoặc luân lý và giết chết người phối ngẫu hợp pháp của mình.
Crimes Of Logic
Tội ác của luận lý. Một từ ngữ của triết học hiện sinh để nhận dạng một hiện tượng mới trong lịch sử thế giới: tội ác hàng lọat chống lại lòai người, chẳng hạn tội diệt chủng và phá thai hợp thức hóa. Chúng được gọi là các tội ác của luận lý, khác với tội ác của dục vọng đam mê, bởi vì chúng được thực hiện với kế họach cẩn thận và dựa vào một triết học sọan sẵn, vốn hợp pháp hóa tất cả những gì các người nắm quyền bính muốn phạm vào.
Criteriology
Tiêu chuẩn học, chuẩn tắc học, phê bình nhận thức luận. Là việc nghiên cứu triết học về các nguyên lý đầu tiên của tư tưởng con người và giá trị của chúng như là kiến thức. Cũng còn được gọi là nhận thức luận hay tri thức luận (epistemology), và tìm hiểu các tiêu chuẩn hoặc chuẩn tắc để xác định sự thật. Các tiêu chuẩn này vừa là khách quan vừa là chủ quan. Các tiêu chuẩn khách quan là bằng chứng nội khởi, nơi mà sự thật là có giá trị theo uy thế của Chúa, hoặc không có giá trị theo uy thế con người. Các tiêu chuẩn chủ quan là các khả năng hiểu biết của con người, mà đức tin nói rằng tín hữu phải được sự trợ giúp của ơn Chúa mới chấp nhận mặc khải từ Chúa được.
Criticism, Biblical
Phương pháp phê bình Kinh thánh. Là việc nghiên cứu khoa học và phân tích các yếu tố con người đi vào sự sọan thảo và bảo tồn Kinh thánh. Nghiên cứu này được Giáo hội khuyến khích và cổ vũ mạnh. Hai văn kiện giáo hòang nổi bật thúc giục các học giả Công giáo đi vào nghiên cứu Kinh thánh một cách khoa học là thông điệp Providentissimus Deus (Thiên Chúa rất mực quan phòng, năm 1893) của Đức Giáo hòang Lêô XIII, và thông điệp Divino Afflante Spiritu (Chúa Thánh Linh thổi, năm 1943) của Đức Giáo hòang Pius XII. Trong mọi phê bình Kinh thánh, Giáo hội Công giáo nhấn mạnh rằng các học giả cần nhận biết rằng Kinh thánh là lời linh ứng của Chúa, và do đó Kinh thánh không thể được xem như một tác phẩm thuần túy của con người. Hơn nữa, Giáo hội tự xem mình là người được Chúa cho quyền gìn giữ và giải thích Kinh thánh. Như thế các học giả Công giáo phải công nhận rằng huấn quyền của Giáo hội là tiếng nói cuối cùng trong các kết luận đạt được qua phương pháp phê bình Kinh thánh. (Từ nguyên Hi Lạp kritikos, có khả năng nhận định.)
Criticism, Higher
Phê bình thượng tầng. Một từ ngữ áp dụng cho việc phê bình lịch sử và văn học của Kinh thánh.
Criticism, Historical
Phê bình lịch sử. Liên quan đến Kinh thánh, đây là nghiên cứu tìm xác định các nguồn gốc lịch sử, các tác giả, và các nội dung đúng sự thật của Kinh thánh. Mục tiêu của phê bình này là nhắm đến lịch sử tính của các nhân vật và biến cố trong Kinh thánh.
Criticism, Literary
Phê bình văn học. Liên quan đến Kinh thánh, đây là nghiên cứu bản văn Kinh thánh như là một sáng tác văn học của con người. Nghiên cứu tập trung vào bản văn này, phân tích văn phong, hình thức ngữ pháp và cấu trúc bài văn, với cái nhìn nhằm hiểu tốt hơn những gì tác giả muốn nói từ sự hiển nhiên nội tại của các chữ trong bản văn.
Criticism, Lower
Phê bình hạ tầng. Là từ ngữ khác của việc phê bình văn bản Kinh thánh.
Criticism, Textual
Phê bình văn bản. Áp dụng cho Kinh thánh, đây là nghiên cứu bản văn để xác định, càng nhiều càng tốt, điều gì thực sự được viết bởi các tác giả có linh hứng. Phê bình văn bản làm việc với các bản viết tay, sự bảo tồn và so sánh, và là cơ sở cho mọi nghiên cứu khác về Kinh thánh.
Crosier
Gậy Giám mục. Là chiếc gậy được trang trí, trông giống như gậy của người chăn chiên. Các giám mục, đan viện phụ và các giám chức tương đương giám mục cầm gậy này. Gậy tượng trưng cho vai trò của Giám mục như là người chăm sóc đoàn chiên của mình.
Cross
Thập tự, thập giá, thánh giá, thử thách khổ đau. Trước tiên là dụng cụ chịu đau khổ mà Chúa Kitô đã chịu đóng đinh vào đó, đã chết trên đó và cứu chuộc nhân lọai. Nó còn có nghĩa là bất cứ thử thách đau khổ nào mà Kitô hữu phải chịu, và tự nguyện chấp nhận, để được kết hợp với Chúa và cộng tác với Ngài trong việc cứu rỗi các linh hồn. Như thế, Thánh giá là một mầu nhiệm được mặc khải, được Chúa dạy khi Ngài nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Mầu nhiệm Thập giá là một trong các chủ đề chính yếu của các thư thánh Phaolô (Rm 5:8; I Cr 1:17; Gl 4:16; và Pl 2:6-11).
Cross On Staff
Gậy Thánh giá. Gậy có thánh giá phía trên là biểu tượng của thánh Philipphê Tông đồ, bởi vì Ngài là một nhà truyền giáo lữ hành, dùng thánh giá để chống lại ngọai giáo và chính Ngài đã chết trên thánh giá. Thánh Bridget ở Thụy Điển (1303-73) chọn gậy thánh giá làm biểu tượng của mình. Thánh giá đầu quả táo kiểu Latinh (tức thánh giá có bốn đoạn cạnh bằng nhau, ở mỗi đầu có cục nhô tròn lớn) thường được dùng như là thánh giá nghi thức.
Crown
Vương miện, triều thiên. Là một biểu tượng của vương quyền, vinh dự và chiến thắng. Thường thấy nhiều nhất trong các ảnh vẽ Chúa Kitô là Vua, minh họa quyền tối thượng của Ngài, và các ảnh vẽ Đức Maria Nữ Vương Thiên đàng, nơi Ngài được tôn phong hơn mọi thiên thần và mọi vị thánh. Trong cách dùng của Giáo hội, triều thiên vinh hiển tượng trưng cho các thánh đã chiến thắng cuộc chạy đua của mình, và giờ đây đang ngự trị vinh thắng cùng với Chúa Kitô.
Crown Of Thorns
Vòng gai. Là một vòng gai được binh lính của Philatô đặt trên đầu Chúa Kitô để nhạo báng Ngài. Thánh Louis, Vua nước Pháp (1214-70), đã chuộc lại vòng gai này từ tay người Venice và đã xây dựng nhà thờ Sainte-Chapell thật đẹp tại Paris để tôn vinh vòng gai. Trong nghệ thuật, vòng gai tượng trưng cho nỗi đau khổ, được vẽ kết hợp với việc tử vì đạo.
Crucifix
Tượng Thánh giá, tượng Chịu nạn, ảnh Thánh giá. Là một tượng thánh giá mang hình Chúa Kitô. Tượng thánh giá phải được đặt trên bàn thờ hoặc trên cao, nơi thánh lễ được cử hành. Luôn phải có sự tôn kính đúng đắn với tượng thánh giá. Đôi khi tượng thánh giá dẫn đầu một đoàn rước hàng giáo sĩ. Diễn tả Chúa Kitô tử nạn hoặc khổ đau, tượng thánh giá không được sử dụng rộng rãi cho đến sau Cuộc Cải cách. Các tượng thời đầu diễn tả Chúa chúng ta như là Thầy Cả Thượng phẩm được tôn vương, mang áo đẹp và sinh động. Một số tu sĩ nam nữ mang tượng thánh gia như một phần của tu phục. Chuỗi hạt Mân Côi có tượng thánh giá, và nhiều lời chúc lành phụng vụ có kèm theo ảnh thánh giá. Thánh giá được làm phép là một á bí tích, và thường được đặt trong các bệnh viện, nhà ở và các học viện. (Từ nguyên Latinh cricifixus, người chịu đóng đinh thập giá.)
Cruelty
Sự độc ác, sự tàn bạo. Là một nết hư đối lập với sự khoan dung nhân từ. Nó đòi hỏi và đưa ra hình phạt quá mức.
Cruelty To Animals
Tội tàn ác với súc vật. Là việc gây ra đau đớn không cần thiết cho súc vật. Con người không có bổn phận đối với súc vật bởi vì chúng không có có cá tính độc lập. Vì vậy chúng có thể được sử dụng vì bất cứ mục đích đạo đức nào. Tuy nhiên, sẽ là có tội khi gây đau đớn không cần thiết cho súc vật. Tội lỗi không nằm trong việc vi phạm quyền của con vật, nhưng nằm trong sự cư xử không hợp lý của con người, bởi vì lý trí cấm gây ra đau đớn và cái chết không cần thiết. Hơn nữa, tội tàn ác với súc vật có tác động đối xử hung bạo trên người hành hạ súc vật.
Cruet
Bình rượu, bình nước. Một trong hai chai nhỏ hoặc ly nhỏ đựng nước và rượu dùng trong phần Truyền phép của Thánh lễ. Hai bình này được dâng như lễ vật của tín hữu trong phần Dâng lễ. Bình nước còn được dùng cho linh mục rửa tay sau phần Dâng lễ, và tráng chén thánh sau khi Hiệp lễ.
Crusader's Cross
Thánh giá nghĩa binh, thánh giá Jerusalem. Là một biểu tượng, còn được gọi là thánh giá Jerusalem, được cho là một biểu tượng trên huy hiệu của Godfrey Bouillon (1060-1100), nhà lãnh đạo đầu tiên của Vương quốc Jerusalem Latinh. Đây là một thánh giá Hi lạp, với bốn đọan cạnh bằng nhau, có một thánh giá Hi Lạp nhỏ hơn ở mỗi một trong bốn phần góc. Phần Thánh giá này thường là màu đỏ, được vẽ hay gắn vào vật liệu màu trắng.
Crusades
Thập tự chinh. Là các cuộc viễn chinh của người Kitô giáo từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14 để lấy lại Đất Thánh đã rơi vào tay người Hồi giáo. Tên này phát sinh từ thánh giá mà các nghĩa binh mang trên y phục của mình. Có tám cuộc Thập tự chinh lớn: từ cuộc Thập tự chinh thứ nhất (1096-99) đến cuộc Thập tự chinh thứ tám (1270). Tuy nhiên, từ ngữ này cũng được áp dụng theo nghĩa rộng cho mọi cuộc chinh phục được Giáo hội chúc phúc để chống lại người lạc giáo và lương dân. (Từ nguyên Pháp croisade; chữ Tây Ban Nha cruzada; chữ Latinh cruciata, đánh dấu thánh giá.)
Crux Ansata
Crux Ansata, thập giá chìa khóa. Một thánh giá hình chữ T với một vòng tròn bên trên, tượng trưng cho sự sống đời đời.
Crux Decussata
Crux Decussata, thập giá của thánh Anrê. Thánh giá hình chữ X của thánh Anrê hoặc thánh Patrick (389-461).
Crux Gemmata
Crux Gemmata, thập giá nạm đá quý. Là thánh giá được nạm nhiều đá quý, gợi ý cây sự sống với hoa đang nở và lá tô điểm cho cây. Được nạm đá quý, thánh giá này xuất hiện như một biểu tượng chiến thắng sau Chỉ dụ Milan năm 313. Ở phần dưới của thanh ngang thánh giá, có treo các chữ Hi Lạp alpha và omega.
Crypt
Tầng hầm nhà thờ, nhà nguyện tầng hầm. Là một nơi dưới hầm dùng như phòng chôn cất người chết. Các lễ nghi tôn giáo cũng thường được tổ chức ở tầng hầm nhà thờ. (Từ nguyên Latinh crypta; từ chữ Hi Lạp krypte, hóc hầm, hầm kín đáo.)
Csiksomlyo-Sumuleu
Ðền thánh Đức Mẹ Csiksomlyo-Sumuleu. Là đền thánh “Đức Bà Maria Yên Ủi Kẻ Âu Lo” tại Romania gần gần rặng núi Transylvanian Alps. Csiksomlyo là nơi ở của các tu sĩ Dòng Phanxicô, và thánh đường tại đó đã có từ thế kỷ 14. Nguồn gốc của bức tượng Ðức Bà khắc bằng gỗ ở đây đã được tranh cãi nhiều. Một số người nghĩ rằng tượng Đức Bà là một sản phẩm dân tộc của thổ dân Szeklers. Vào giữa thế kỷ 14, để có nơi đón tiếp bức tượng, giáo dân đã xây một nhà thờ chính tòa nguy nga theo kiểu Gothic, sau đó được trùng tu với các kiến trúc thêm vào kiểu Baroque và Byzantine. Đức Mẹ đã làm nhiều phép lạ tại đền thánh này kể từ thế kỷ thứ 16. Rồi nhà thờ bị đốt cháy, giáo dân bị tấn công, tượng Mẹ bị cắt xén, nhưng đền thánh vẫn luôn nguyên vẹn. Triều thiền đội trên đầu Mẹ có hào quang với các tia sáng vàng chói, và khảm các ngôi sao bằng đá quý. Đức Mẹ đứng trên mặt trăng lưỡi liềm. Theo thời gian, nhà thờ được nâng lên thành một vương cung thánh đường và được mở rộng thêm để đủ chỗ cho số lượng lớn khách hành hương.
Cubicula
Phòng chôn cất. Là phòng chôn cất người chết trong các hang tọai đạo Roma. Thường được đục từ đá dọc lối đi, phòng chôn cất mở về hai phía. Nhiều dãy ngang các phòng như thế cho đến tận trần. Hàng ngàn phòng chôn cất đã được khai quật. (Từ nguyên Latinh cubiculum, phòng nằm ngủ, nơi nghỉ ngơi.)
Cujus Regio, Ejus Religio
Cujus regio, ejus religio, “Đất địa nào, tôn giáo nấy”, “Miền nào đạo nấy”. Câu “Đất địa nào, tôn giáo nấy” tóm tắt hòa bình tôn giáo trong thời Cải cách. Nó có nghĩa rằng người cầm quyền chính trị có quyền quyết định tôn giáo cho lãnh thổ của ông. Các thần dân, nếu không muốn, có quyền chọn lựa đi đến một lãnh thổ khác hay một nhà nước khác mà ở đó tôn giáo của mình được chấp nhận. Nguyên tắc này không biết đến mọi quyền lợi lương tâm và chủ yếu giải thích tại sao nhiều quốc gia, trước đây là Công giáo, bỗng nhiên trở thành Tin lành.
Culpa
Lỗi, tội. Là một lỗi hay một tội, dù là luân lý có nhận thức hay chỉ là bề ngòai. Thường được dùng để mô tả các lỗi phạm chống lại kỷ luật tu trì, mà các tu sĩ trong một số cộng đòan tự cáo buộc mình theo định kỳ, hoặc là riêng tư với bề trên, hoặc là công khai trong một “hội trị lỗi”.
Culpable
Có tội, đắc tội, đáng tội, tội trạng. Là chịu trách nhiệm về mặt luân lý cho một hành vi xấu. Tội trạng thừa nhận một sự nhận thức vừa đủ và sự đồng ý nội tại cho hành vi xấu. Tội trạng là giống với tội cố tình. (Từ nguyên Latinh culpabilis, đáng quy trách; từ chữ culpare, quy trách.)
Cult
Phụng tự, tôn kính, sùng bái. Là một hình thức thờ phượng rõ ràng, hoặc sự cung kính tôn giáo, đôi khi trở nên "cultus" (sùng bái), nhất là khi nhắc đến sự tôn kính các thánh. Còn là một nhóm thờ cúng, tập trung chung quanh một niềm tin bất thường, thường không kéo dài trong thời gian, và có nghi thức ngọai lai hay xa lạ, và các tập tục khác. (Từ nguyên Latinh cultus, chăm nom, tôn thờ; từ chữ colere, ham mê.)
Culture
Văn hóa. Là tính cách của một xã hội. Theo triết học xã hội Công giáo, đây là toàn thể truyền thống (điều họ tin), thái độ (điều họ muốn), phong tục (điều họ làm), và định chế (cách họ sống). Một nền văn hóa có thể bắt nguồn từ nhiều thế kỷ và có thể xa rời với nơi người ta hiện đang sống. Các nền văn hóa là khác nhau cũng như các cá nhân là khác nhau, bởi vì nền văn hóa là không gì khác hơn tính cách phân biệt của một dân tộc do ý Chúa muốn, cũng như cá tính là tính độc nhất của mỗi người theo ý Chúa muốn vậy. Nhưng cũng giống như các cá nhân, các xã hội không chỉ có các đặc tính riêng của mình, mà còn có lịch sử riêng về các quyết định và kinh nghiệm, vốn phân biệt nền văn hóa này với nền văn hóa khác, và không hề có hai nền văn hóa hoàn tòan giống nhau.
Cum Admotae
Phúc nghị Tòa thánh Cum Admotae. Là phúc nghị của Phủ quốc vụ khanh Tòa thánh, ủy một số quyền của Tòa thánh cho bề trên cả của các Dòng tu thuộc Tòa thánh, và cho đan viện phụ của các cộng đòan đan tu. (Ngày 6-11-1964).
Cupidity
Tính tham lam, máu tham. Tính này nhấn mạnh đến cường độ và bản chất hấp dẫn của lòng tham của cải hoặc sở hữu của cải. (Từ nguyên Latinh cupiditas, tham lam, tham muốn; Cupid, thần ái tình.)
Curate
Cha phụ trách, cha phụ tá, cha phó. Là người phụ trách việc chăm sóc các linh hồn, nhất là cha chính xứ. danh từ này thường dùng để gọi cha phụ tá hoặc cha phó xứ. (Từ nguyên Latinh curator, người chăm sóc; từ chữ cura, chăm nom, quan tâm.)
Curé
Cha sở, linh mục quản xứ. Là cha chính xứ có nhiệm vụ coi sóc các linh hồn thuộc thẩm quyền của ngài. Thuờng dùng trong các nước nói tiếng Pháp. (Từ nguyên Pháp curé; từ chữ Latinh cura, chăm nom, quan tâm.)
Curia, Diocesan
Phủ giáo phận, giáo phủ, hội đồng giáo phận. Là danh từ kỹ thuật cho một giáo phủ, gồm có giám mục và mọi vị giúp cho ngài quản lý giáo phận. Đôi khi từ ngữ này được dùng nói về các tòa án giáo phận mà thôi, nhưng cách dùng này là không thống nhất. Mỗi giáo phủ có thể có các quy định riêng và thủ tục riêng, đôi khi còn gọi là hiến chương.
Curia, Roman
Giáo triều Roma. Là toàn bộ các văn phòng hành chính và tư pháp, nhờ đó Đức Giáo hòang hướng dẫn các họat động của Giáo hội Công giáo. Kể từ Công đồng chung Vatican II, Giáo triều Roma đã thay đổi đáng kể, với sự hợp nhất một số văn phòng, xóa bỏ một vài văn phòng, và lập ra một số văn phòng hoàn toàn mới. Đã nhiều lần, trong các tuyên bố hậu Công đồng, Đức Giáo hòang đã bênh vực Giáo triều chống lại những người chỉ trích, vì họ muốn phân biệt giữa giáo triều và các chức sắc giáo triều. Đức Giáo hòang Gioan XXIII nói về Giáo triều như cánh tay phải của Ngài, nhờ đó Vị Đại diện Chúa Kitô thực thi quyền tối thượng của Ngài trên Giáo hội hòan vũ.
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News