Ngày 11-09-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bao dung nhân hậu như Cha trên trời
Lm Đan Vinh
00:56 11/09/2019
Chúa Nhật 24 Thường Niên C
Xh 32,7-11.13-14 ; 1 Tm 1,12-17 ; Lc 15,1-32

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 15,1-32

(1) Tất cả những người Thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Đức Giê-su mà nghe Người. (2) Còn những người thuộc phái Pha-ri-sêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. (3) Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: (4) Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? (5) Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (6) Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. (7) Vậy, tôi nói cho các ông hay: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”. (8) Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được ? (9) Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất”. (10) Cũng thế, tôi bảo cho các ông hay: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. (11) Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. (12) Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con. (13) Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. (14) Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, (15) nên phải đi ở cho một người dân trong vùng. Người này sai anh ta ra đồng chăn heo. (16) Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. (17) Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! (18) Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với Người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, (19) chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. (20) Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. (21) Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa”. (22) Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, (23) rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! (24) Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng. (25) Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, (26) liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. (27) Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khỏe”. (28) Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. (29) Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh. Thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. (30) Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”. (31) Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. (32) Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

2. Ý CHÍNH:

Thấy Đức Giê-su gần gũi với những người thu thuế và tội lỗi, nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư lên tiếng trách cứ Người. Bấy giờ Người đã dùng ba dụ ngôn diễn tả lòng thương xót và niềm vui của Thiên Chúa đối với những tội nhân biết hối cải là: “Con chiên bị lạc”, “Đồng bạc bị đánh mất” và “Người Cha nhân hậu”. Hai dụ ngôn đầu nhấn mạnh đến thái độ của Thiên Chúa không bỏ rơi nhưng luôn đi tìm kiếm kẻ có tội. Dụ ngôn thứ ba nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa qua thái độ sẵn sàng khoan dung tha thứ tội nhân đi hoang và vui mừng đón nhận họ hồi tâm sám hối trở về.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-3: + Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi: Trong xã hội Do thái, những người thu thuế bị coi như tội nhân công khai. Người thu thuế và gái điếm là hai hạng người thường bị nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư lên án (x. Lc 5,30; 7,34). Ở đây Lu-ca ghi nhận những người thu thuế và tội lỗi thường đến nghe lời Đức Giê-su giảng. Điều này cho thấy Đức Giê-su không khinh dể xa lánh tội nhân, nhưng sẵn sàng đón tiếp để cứu độ họ.
- C 4-7: + Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con...: Hình ảnh người mục tử với đàn chiên là một đề tài cổ điển của Cựu ước, nói lên quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Người (x. Lc 12,32). Con chiên tìm lại được là biểu tượng về ơn cứu độ của Thiên Chúa (x. Mt 4,6-7). Lu-ca cho thấy tình thương của Thiên Chúa là Đấng luôn đi tìm và đưa các tội nhân trở về đàn chiên (x. Lc 15,4-7). + Để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất: Ở đây phải hiểu ngầm là chín mươi chín con chiên trong đàn đã được mục tử nhốt ở một nơi an tòan trong hoang địa, trước khi đi tìm con chiên lạc. Tuy chỉ là một con chiên, nhưng đối với mục tử cũng là một số lớn, đến nỗi ông quyết tâm đi tìm bằng được. Điều này cho thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với kẻ có tội thật lớn lao.
- C 8-10: + Người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng...: Đồng quan là một đơn vị tiền tệ của Hy-lạp. Đơn vị tiền tệ này tương đương với quan tiền Rô-ma (x. Lc 7,41), là tiền công nhật của một nông nhân làm việc đồng áng (x. Mt 20,2). + Lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được ?: Nhà của người dân Pha-lét-tin làm bằng đất sét và có ít cửa nên bị tối. Do đó, dù giữa ban ngày, để tìm kiếm một vật nhỏ như một quan tiền, người ta cũng phải thắp đèn cầy lên. Trong dụ ngôn này, một phụ nữ vốn liếng chỉ có mười quan tiền, nên phải vất vả tìm kiếm cho bằng được đồng quan bị mất... Điều này ám chỉ tình thương của Thiên Chúa đối với tội nhân. Người không muốn bất cứ ai bị hư mất, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống. + Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối: Thiên Chúa vui mừng và chia sẻ niềm vui với cả triều thần thánh trên trời khi thấy một người tội lỗi ăn năn hối cải trở về.

4. CÂU HỎI:

1) Những ai bị người Pha-ri-sêu và kinh sư khinh dể, nhưng được Đức Giê-su sẵn sàng đón tiếp ?
2) Thánh kinh thường dùng hình ảnh nào để diễn tả tương quan giữa Đức Chúa với Ít-ra-en là con dân của Người ?
3) Phải chăng người mục tử bỏ mặc 99 con chiên giữa hoang địa cho sói dữ cắn xé, để đi tìm một con chiên bị lạc ?
4) Hai dụ ngôn nào diễn tả tình thương của Thiên Chúa luôn quan tâm đi tìm các tội nhân, và dụ ngôn nào cho thấy tình thương của Người sẵn sàng tha thứ và đón nhận tội nhân sám hối trở về ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:
“Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7).

2. CÂU CHUYỆN:

1) NOI GƯƠNG CHÚA ĐỂ XÓT THƯƠNG NGƯỜI TỘI LỖI:

Một lần kia, các tu sĩ trong miền dẫn tới Đức Giám Mục An-mô-na một thiếu nữ mang bầu xin ngài ra hình phạt. Nhưng Đức cha đã ban phép lành cho thai nhi, rồi ra lệnh ban cho cô sáu tấm vải bằng lanh mịn. Những kẻ tố cáo lại nói:
- Tại sao Đức Cha làm như thế? Xin ra cho nó một hình phạt.
Ngài ôn tồn bảo:
- Anh em thử nghĩ xem, cô ta đã đau khổ muốn chết được; tôi phải làm gì hơn nữa?
Nói thế rồi ngài cho cô ta về. Từ đấy không tu sĩ nào còn dám tố cáo ai nữa.

2) SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA SỰ THA THỨ:

Ngày 13-5-1981, giữa lúc hàng chục ngàn người chen chúc nhau tại quảng trường thánh Phê-rô để đón Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên làm mọi người đứng tim. Đức Thánh Cha đã bị ngã gục trên chiếc xe mui trần, máu vọt lên tung tóe. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị giáo hoàng bị mưu sát. A-li A-ga-ca, hung thủ tội ác, đã bị bắt ngay tại chỗ. Sau đó hung thủ người Thổ Nhĩ Kỳ này đã bị giam tại nhà tù Re-bi-bli-a ở Rô-ma. Cả thế giới đều kinh hoàng về tội ác tày trời này. Năm 1984, thế giới còn kinh ngạc hơn nữa khi Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II, là người đã bị ám sát trước đó, đã đến thăm và nói chuyện với kẻ sát hại mình tại nhà tù. Không ai biết hai bên nói gì với nhau, nhưng qua hệ thống truyền thông, mọi người đều rất cảm động khi thấy Đức Thánh Cha bắt tay A-li A-ga-ca, với nụ cười trìu mến. Phải chăng đây là hình ảnh sống động nhất về tình yêu của Đức Giê-su khi Người niềm nở đón tiếp các tội nhân.
Ít lâu sau, vợ của kẻ sát nhân đã đến Rô-ma để bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha, vì ngài đã sẵn sàng tha thứ cho chồng của mình. Còn chính hung thủ A-li A-ga-ca sau khi mãn hạn tù, đã xin được nhập vào quốc tịch Va-ti-can và được trở thành em nuôi của Đức Thánh Cha.

3) LOÀI NGƯỜI THÍCH KẾT ÁN HƠN LÀ CẢM THÔNG VỚI TỘI NHÂN:

Bệnh HIV AIDS (hay SI-DA) ngày nay đã trở thành một vấn đề lớn của nhân loại, một “căn bệnh của thế kỷ” mà đến nay loài người vẫn chưa tìm ra phương thế chữa trị hữu hiệu. Cách đây ít lâu, trên đài VTV3 có chiếu một bộ phim nhiều tập khá hay, nhan đề là “Gió qua miền tối sáng”. Bộ phim đề cập đến số phận của nhiều nhân vật bị lây nhiễm vi-rút liệt kháng (HIV-AIDS). Thái độ của các bệnh nhân đầu tiên thường là bàng hoàng, không tin là mình lại bị mắc chứng bệnh quái ác này. Rồi sau khi đã chấp nhận thực tế, một mặt họ tìm xem ai đã lây bệnh cho mình, mặt khác họ vẫn cố che giấu không để người chung quanh biết mình đã bị mắc bệnh. Rồi trong số những người mắc bệnh, người thì chấp nhận hoàn cảnh để cố sống tốt đẹp và tránh lây bệnh cho tha nhân. Nhưng cũng có kẻ hận đời và sống buông thả, quan hệ tình dục bừa bãi, nhằm truyền bệnh cho nhiều người khác cùng chết với mình cho hả dạ. Còn quần chúng nói chung, do chưa hiểu về phương cách lây lan, nên khi vừa nghe người nào mắc phải thứ bệnh quái ác này là bắt đầu bàn tán xầm xì to nhỏ và cảnh giác cao độ, thể hiện qua thái độ xa lánh bệnh nhân... khiến người mắc bệnh cảm thấy cô đơn và tủi hổ. Cuối cùng người bệnh đành phải dời chỗ đến nơi không ai biết mình bị mắc chứng bệnh này.
Gần đây ở Phi-líp-pin cũng có chiếu một bộ phim tài liệu về việc phòng chống HIV AIDS. Phóng viên đã hỏi một thanh niên bị mắc bệnh AIDS thời kỳ chót: “Anh dự định thế nào về tương lai của anh ?” Chàng thanh niên đã thành thật cho biết như sau: “Tôi hy vọng sau khi tôi chết, hãng bảo hiểm nhân thọ sẽ trả cho tôi một số tiền để nuôi chú chó cưng của tôi. Vì từ khi tôi công khai thừa nhận chứng bệnh này, tôi đã bị mọi người khinh dể xa lánh, kể cả những người thân trong gia đình ruột thịt của tôi. Chỉ có chú chó cưng là không thay lòng đổi dạ. Nó vẫn tiếp tục vẫy đuôi mừng rỡ mỗi khi gặp mặt tôi như trước”.

4) LÒNG THƯƠNG XÓT SẼ CHIẾN THẮNG SỰ THÙ HẬN:

Cha PI-Ô là một vị linh mục nổi tiếng thánh thiện. Ngày kia, ngài tới Ro-ton-do và tình cờ gặp Ce-sa-re Fes-ta, một kẻ đứng đầu phái Tam Điểm tại đây. Khi gặp ngài, ông ta ngạc nhiên và nói:
- Ngài cũng ở đây với chúng tôi, những người theo phái Tam Điểm hay sao?
Cha Pi-ô đáp lại:
- Phải, thế mục đích của các anh là gì?
Ông ta trả lời:
- Chúng tôi chống lại Giáo hội.
Cha Pi-ô liền cầm lấy tay ông ta, nhìn ông ta bằng cặp mắt trìu mến, rồi kể lại cho ông ta nghe dụ ngôn đứa con hoang đàng, hay câu chuyện tấm lòng của một người cha.
Một giờ sau, ông ta đã quì gối xưng tội. Rồi sau đó, ở mọi nơi và trong mọi lúc, ông ta sẵn sàng tuyên xưng lòng khoan dung và thương xót bao la của Thiên Chúa.
Còn chúng ta hôm nay có sẵn sàng sám hối ăn năn trở về cùng Thiên Chúa để được ơn tha thứ không? Vì tâm tình sám hối ăn năn chính là phương thế để được Chúa thứ tha.

3. SUY NIỆM:

1) Về ba dụ ngôn diễn tả lòng Thương Xót của Thiên Chúa:

Khi thấy Đức Giê-su tiếp đón và ngồi ăn đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi thì các người Pha-ri-sêu và các kinh sư Do thái liền lẩm bẩm chê trách Người. Để trả lời, Đức Giê-su đã kể ra ba dụ ngôn cho thấy lòng thương xót bao dung của Thiên Chúa đối với tội nhân diễn tả ba khía cạnh của lòng thương xót mà các tín hữu cần thực hiện:

Một là dụ ngôn người mục tử tốt lành;
Hai là dụ ngôn người đàn bà lỡ đánh mất một quan tiền;
Ba là dụ ngôn người cha giàu lòng bao dung nhân hậu.

Qua đó Đức Giê-su trình bày Thiên Chúa từ bi thương xót: Xót thương những kẻ đi vào con đường lầm lạc tội lỗi; Người muốn giải cứu tội nhân ra khỏi vòng tội lỗi và vui mừng khi thấy họ quyết tâm hồi tâm sám hối trở về.

2) Đặc tính của lòng thương xót của Thiên Chúa:

a) Không bỏ rơi nhưng quyết tâm đi tìm chiên lạc:
Đức Giê-su là mục tử tốt lành biết rõ và gọi tên từng con chiên (x Ga 10,14), đến để cho chiên được sống và sống dồi dào (x Ga 10,10). Con người thật đáng quí trước mặt Người. Người tìm kiếm con người và không muốn một người nào bị hư mất. Như người mục tử tốt lành không đành bỏ rơi một con chiên lạc, nhưng quyết tâm đi tìm cho tới khi tìm thấy (x Lc 15,4); Như người đàn bà có mười quan tiền bị rớt một đồng, đã không bỏ mặc, nhưng đốt đèn, quét nhà quyết tìm lại bằng được (x Lc 15,8); Như người cha có hai đứa con trai, đã không bỏ mặc đứa con thứ bất hiếu đi hoang, nhưng hằng ngày mong chờ nó hồi tâm sám hối trở về (x Lc 15,20).

b) Vui mừng khi tìm lại những gì đã hư mất:
Đức Giê-su là hiện thân lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Người không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối để được sống. Người vui mừng đón tiếp tội nhân trở về giống như mục tử tốt lành đi tìm một con chiên lạc, khi tìm được rồi liền vui mừng vác nó trên vai và đưa về đàn. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó” (Lc 15,5-6);
Thiên Chúa cũng giàu lòng từ bi nhân hậu như người đàn bà kia có 10 đồng bạc đã bỏ công tìm kiếm một đồng bị mất. Khi tìm thấy rồi liền nói với người xung quanh: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được quan tiền tôi đã đánh mất” (Lc 15,9);
Thiên Chúa còn hành xử bao dung như người cha nhân lành, hằng ngày chờ mong đứa con đi hoang trở về, và khi thấy bóng nó từ đàng xa, đã chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ nó và hôn lấy hôn để. Rồi không để nó nói hết câu thú tội, đã sẵn sàng tha thứ và trả lại mọi quyền lợi mà nó đã mất khi bỏ nhà đi hoang: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,20-24).

3) Đối xử thế nào với tội nhân noi gương Mục Tử nhân lành Giê-su?

a) Cảm thông với tội nhân:
Trong cuộc sống, chúng ta thường có thái độ giống như các biệt phái và Kinh sư khi thích xét đoán và kết án tha nhân. Tin Mừng hôm nay cho thấy thái độ của Đức Giê-su đầy lòng thương xót: Người cảm thông khi ngồi đồng bàn với các người thu thuế tội lỗi; Người chọn một người thu thuế tên là Lê-vi vào số mười hai Tông đồ; Người bênh vực và cứu người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình khỏi bị ném đá chết… Sở dĩ Người ưu ái gần gũi tội nhân là vì muốn chữa lành cho họ như Người đã nói: “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9.13).
Chỉ có một tội không bao giờ được tha là tội kiêu ngạo của ma quỷ khi “xúc phạm đến Chúa Thánh Thần”. Đó là tội chết mất linh hồn mà các người Pha-ri-sêu và Kinh sư Do thái đã lỗi phạm, khi cố chấp không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, mượn tay Phi-la-tô kết án tử hình thập giá cho Người, và từ chối gia nhập Nước Trời do Người thiết lập.

b) Đi tìm kiếm tội nhân và vui mừng đón nhận họ trở về:
Thiên Chúa luôn yêu thương mọi người là con cái của Ngài. Ngài đã sai Con Một đến trần gian là Đức Giê-su để ban ơn cứu độ cho loài người. Khi đi giảng đạo, Đức Giê-su muốn cho mọi người đều gia nhập Nước Trời để được cứu độ. Đặc biệt Người ưu ái đối với các tội nhân: bênh vực người đàn bà ngoại tình khỏi bị kết án, tha thứ cho người trôm lành thật lòng sám hối ăn năn, đi tìm các con chiên lạc và vui mừng tiếp nhận họ, sẵn sàng kêu gọi người thu thuế Mát-thêu vào nhóm 12 tông đồ, cho cô gái tội lỗi Ma-ri-a Ma-đa-le-na theo làm môn đệ của Người… Việc đi tìm và đưa những tội nhân sám hối trở về với Chúa cũng chính là sứ mạng của mỗi người tín hữu chúng ta hôm nay.

c) Quảng đại tha thứ những xúc phạm của kẻ khác đối với chúng ta:
- Nếu Thiên Chúa đã tỏ lòng từ bi tha thứ tội lỗi chúng ta, thì Người muốn chúng ta cũng phải sẵn sàng tha thứ các xúc phạm của tha nhân đối với chúng ta, như người cha trong dụ ngôn đã yêu cầu người anh cả tiếp nhận đứa em đi hoang trở về. Trong thực tế, người ta chỉ dễ tha thứ lỗi lầm của kẻ khác khi ý thức được tình trạng tội lỗi của mình. Có nhận mình là tội nhân, chúng ta mới cảm thông và dễ tha thứ cho kẻ khác.
- Đừng đòi kẻ có tội phải bị trừng phạt mới vừa lòng: Mục sư Mác-tin Lu-thơ Kinh (Martin Luther King) đã nói như sau: “Nếu cứ áp dụng luật “mắt đền mắt” thì chắc mọi người đều đã trở thành những kẻ mù lòa từ lâu rồi !”. Một phóng viên đã hỏi Tổng thống LANH-CÔN (A Lincoln) là ông sẽ làm gì đối với dân Miền Nam sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ? Ông liền trả lời: “Tôi sẽ đối xử với họ như họ chưa bao giờ bỏ nhà đi hoang”.
- Đây cũng chính là cách đối xử của Đức Giê-su đối với các tội nhân. Người sẵn sàng tha thứ vô điều kiện, “phục hồi trọn vẹn” cho ông Phê-rô, như thể ông chưa bao giờ phạm tội chối Thầy. Đây cũng chính là cách chúng ta phải cư xử với kẻ xúc phạm đến chúng ta: Phải sẵn sàng tha thứ với một tình thương bao dung giống như Thiên Chúa đã bao dung với chúng ta, như lời cầu trong kinh Lạy Cha: “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12). Vì nếu chúng ta đối xử với tha nhân thế nào, thì Thiên Chúa công minh cũng sẽ xử với ta như thế: “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy” (Mt 7,2).
- Thánh Phao-lô dạy các tín hữu chúng ta sống đức mến như sau : “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc; không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù; không mùng khi thấy sự gian ác,nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả , tin tưởng tất cả; hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 4-7)

4. THẢO LUẬN:

Giả như bạn là người anh cả trong dụ ngôn hôm nay thì bạn sẽ làm gì: vào nhà cha để cùng tham dự bữa tiệc vui đón đứa em đi hoang trở về, hay đứng bên ngoài kêu trách lòng nhân hậu của Cha, như các người Pha-ri-sêu và kinh sư xưa đã làm?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHA. Chúng con thường hay cư xử như người con thứ trong bài dụ ngôn khi muốn tự do bay nhảy ngoài vòng tay che chở của Cha. Nhưng chính sự tự do ấy đã biến chúng con trở thành nô lệ cho ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt mình. Những hạnh phúc do thế gian ban tặng cuối cùng cũng chỉ là thứ hạnh phúc bọt bèo chóng qua. Xin dẫn dắt chúng con mau quay về với Cha, giúp chúng con điều chỉnh những sai lỗi. Xin giúp chúng con sớm trỗi dậy, vì tin rằng tình thương của cha còn lớn hơn muôn ngàn lần những tội lỗi của chúng con. Ước gì vấp ngã sẽ làm chúng con trưởng thành hơn, thấy được sự mỏng dòn yếu đuối của mình và cảm nghiệm được lòng Cha bao dung nhân hậu. Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ, chúng con cũng biết đối xử từ bi thương xót đối với những kẻ đã xúc phạm đến chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Người Cha nhân hậu
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:18 11/09/2019
Chúa Nhật XXIV Thường Niên, năm C
Lc 15,1-32

Hình ảnh người Cha nhân hậu là khuôn mặt của một Thiên Chúa, khiêm nhường, yêu thương, giầu lòng thương xót. Đọc Tin mừng của Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra gương mặt của một Thiên Chúa nhân từ, khiêm tốn, một Thiên Chúa quyền năng tuyệt đối nhưng lại luôn tôn trọng sự tự do của con người.

Nếu suy nghĩ về khía cạnh nhân loại, chúng ta không thể nào hiểu thấu : “ Tại sao Thiên Chúa quyền năng lại tỏ lòng nhân từ và tôn trọng tự do tuyệt đối của con người ?”. Người Do Thái xưa cứ tưởng rằng mình là dân được tuyển chọn, ơn cứu độ Thiên Chúa chỉ dành riêng cho họ…Họ đã lầm lớn, họ là dân được chọn nhưng họ lại từ chối ơn Chúa ban.Do đó, ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho mọi người miễn là con người biết mở rộng lòng để đón nhận ơn cứu độ Chúa tặng ban. Thiên Chúa quyền năng vô cùng lớn lao vì Người là Thiên Chúa, nhưng Người vẫn chờ đợi mỗi người tự do đáp trả lại lời mời gọi đón nhận hay không đón nhận ơn cứu độ Chúa ban.

Hình ảnh của người Cha trong Tin Mừng đã chấp nhận chia gia tài cho người con thứ, mặc dầu người Cha biết rằng đứa con thứ sẽ phung phí và đi vào chỗ trụy lạc. Tuy nhiên lòng thương của người Cha dạt dào bao la rộng lớn đã làm cho người con hoang đàng nhận ra tình thương và sự tha thứ của người Cha.

Hình ảnh của người Cha trong đoạn Tin Mừng hôm nay là gương mặt yêu thương nhân từ, giầu lòng thương xót của Thiên Chúa khiêm tốn, nhân hậu. Loài người, con người chúng ta dù có tội lỗi yếu hèn, dù có phản nghịch, vô ơn bội nghĩa, Thiên Chúa vẫn chờ đợi.Thiên Chúa yêu thương hết lòng, yêu thương tha thiết, nên Ngài sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho con người…Tình yêu của Ngài là tình yêu cứu độ. Sự tha thứ của Người trở nên dẫn chúng ta đến tình yêu dâng hiến trọn vẹn.

Thiên Chúa yêu thương tha thứ là Thiên Chúa đi ra để đón đứa con thứ trở về.Thiên Chúa cứu độ là Thiên Chúa đi ra để năn nỉ người con cả đi vô nhà để vui mừng với đứa em đi hoang trở về và nhân từ nói với người anh cả :” Tất cả những gì của Cha là của Con “. Thiên Chúa cứu độ, giầu lòng thương xót là một Thiên Chúa không sợ mất đi sự oai phong, lẫm liệt của một Thiên Chúa uy quyền để ra đón nhận người con đi hoang và người con cả đang ích kỷ, xeo nại vì người Cha đã quá yêu thương, nuông chiều người con.

Vâng, là Kitô hữu, chúng ta thuộc về Chúa. Chúng ta đừng sợ quay trở lại với Chúa mỗi khi chúng ta xa Chúa, mỗi khi chúng ta phản nghịch bội phản, vô ơn với Chúa. Bởi vì Thiên Chúa giầu lòng tha thứ, hết mực khoan nhân chờ đợi con người quay trở về với Ngài…Chúng ta hãy tuyệt đối tin tưởng vào Lòng Nhân Từ Thương Xót của Ngài.

Dụ ngôn hôm nay là hình ảnh sống động, một bức tranh tuyệt đẹp mà Thiên Chúa để lại cho con người. Hình ảnh này là hình ảnh của Một Thiên Chúa khiêm nhượng, nhân từ, luôn yêu thương thứ tha cho con người, đặc biệt cho các tội nhân biết ăn năn sám hối, quay trở về với Thiên Chúa.

Cho nên, là môn đệ của Chúa, chúng ta phải noi gương bắt chước lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Chúng ta cũng không được phép thất vọng về sự yếu hèn của ta và của những người chung quanh mà luôn tin tưởng vào lòng nhân từ yêu thương tha thứ của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết hoán cải để tin vào Chúa nhân từ và sửa đổi để nên giống Thiên Chúa nhân từ. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Hình ảnh người Cha nhân từ trong đoạn Tin Mừng của thánh Luca 15,1-32 là hình ảnh của ai ?
2.Người con thứ thế nào ?
3.Người con cả thế nào ?
4.Thái độ của chúng ta phải ra sao trước Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa ?
 
Màu Tím Buồn Với Người Con Thứ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
05:23 11/09/2019
Chúa Nhật 24 Thường Niên C

Ðọc bài Tin Mừng hôm nay, tôi thấy man mác một màu tím buồn với người con thứ.

Người con thứ đòi Cha chia gia tài rồi bỏ đi vô tình, rời khỏi ngôi nhà, nơi nó sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên. Trong phong tục dân Do thái thì gia tài chỉ được chia sau khi cha chết; vì thế mới có chuyện một người đến xin Chúa Giêsu bảo người anh chia phần gia tài (x. Lc 12,13). Đòi lấy phần gia tài lúc cha còn sống tức là anh ta coi như cha đã chết. Thật buồn cho đứa con ngỗ nghịch! Trẩy đi miền xa, người thanh niên có một nỗi khát khao là ra khỏi luỹ tre làng, muốn nhìn xem thế giới mới lạ bên ngoài, thích miền xa hơn là ở quê nhà.

Người con thứ bỏ nhà ra đi với tiền bạc, không phải để làm ăn xây dựng tương lai, nhưng để “sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình”. Khi trở về nó chẳng còn gì cả: tiền bạc, sức khoẻ, phẩm giá, lòng tự trọng, sự hối hận! mọi thứ đã bị nó tiêu xài hoang phí. Nó đã mất hết, may mà còn lại một điều duy nhất là "đứa con nhỏ của cha nó".

Ở đời, người ta thường vinh quy bái tổ khi công thành danh toại, còn người con thứ khi trở về thì thân tàn ma dại, hai bàn tay trắng.

Ðộng lực nào đã khiến nó trở về ? Thánh Luca viết rõ: "Hồi tâm lại, nó nói: biết bao người làm công cho Cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây! Thôi dậy, tôi sẽ về cùng Cha tôi". Như vậy động lực nó trở về là đói, cái đói cào cấu trong dạ dày làm cho nó hồi tâm. Trước khi bị đói chắc chắn nó không bao giờ nhớ đến Cha, không bao giờ sám hối vì bỏ Cha ra đi, không thấy băn khoăn hồi tâm về mái ấm gia đình, nơi còn có Cha già chẳng biết đau yếu ra sao, không thấy tiếc nuối vì phá tan cả sự nghiệp của Cha. Khi bị cơn đói hành hạ, phải đi chăn heo, nó mới băn khoăn tìm đường về. Cái hồi tâm, cái băn khoăn của nó là làm sao để được ăn.Nó dự tính nói với Cha là nó trót phạm lỗi nghịch với trời, nó không còn đáng gọi là con, nó chỉ xin được đối xử như người làm công. Ðó là một cuộc trở về trọn vẹn hay sao? Ðó là cuộc lên đường được thúc đẩy bởi lòng sám hối hay sao? Sự thống hối của nó chỉ là vị kỷ nhằm khả năng có thể sống sót mà thôi.

Nếu người con thứ thành công xây dựng cơ nghiệp, có lẽ sẽ không hiểu được tình Cha. Vì nếm mùi thất bại chua chát của cuộc đời nên nó lên đường trở về. Nó không đủ can đảm đi làm người ăn xin,không đủ liều mạng để đi trộm cướp, không dám đánh đổi cả cuộc đời để gây tiếng xấu. Nó sống bằng nghề lương thiện là đi chăn heo, dù sao cũng sống bằng sức lao động của mình. Từ kinh nghiệm của vực thẳm này nó mới hiểu được mặt trái cuộc đời. Đó không là chốn nương thân cho kẻ nghèo khổ, không là chỗ hạnh phúc cho kẻ khố rách áo ôm, không là chỗ cho kẻ cô thân cô thế. Vì vậy chỉ còn một con đường duy nhất là trở về xin tha thứ và làm công cho Cha để có cơm ăn áo mặc.

Tất cả ý nghĩa của cuộc trở về được diễn tả cách cô đọng trong những lời "Cha ơi... con không đáng gọi là con Cha nữa".

Giuđa đã phản bội Chúa Giêsu. Phêrô đã chối Chúa. Cả hai đều đánh mất tình con thảo. Giuđa không còn tiếp tục tin tưởng mình vẫn là con Chúa, không tin vào lòng tha thứ của Chúa nên đã đi thắt cổ tự vẫn.Còn Phêrô khi ở giữ sự tuyệt vọng đã muốn nối lại tình Cha con với những giòng nước mắt thống hối. Giuđa chọn cái chết. Phêrô chọn sự sống.

Ðọc câu chuyện, tôi thấy động lực của sự trở về nơi người con thứ là cái đói hành hạ. Sự trở về lý tưởng phải là sự trở về của lòng sám hối với tình yêu chân thành. Những khi ngồi Toà Giải Tội, tôi gặp những hối nhân sau 5 năm, 10 năm thậm chí đến 20 năm, 30 năm mới trở về cùng Chúa. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Những bầm dập của của cuộc đời, những gian truân vất vả, những thất bại chua chát đã cho họ rút kinh nghiệm là cần trở về với Chúa, nguồn mạch của bình an nội tâm, của niềm vui và hạnh phúc. Chính Chúa đã yêu thương, đã tác động và một khi nào đó như Chúa muốn họ trở về cùng Ngài. Như thế họ đã chọn lấy sự sống. Gặp gỡ những hối nhận đó tôi càng thấm thía hơn dụ ngôn "Ðứa Con Hoang Ðàng".

Chúa Giêsu Ðã Trở Nên "Người Con Hoang Ðàng" Vì Chúng Ta.

Anh Piere Marie người sáng lập Huynh Ðoàn Giêrusalem, một cộng đoàn các tu sĩ sống trong thành phố, đã suy niệm về Chúa Giêsu như người con hoang đàng theo Phúc Âm một cách thú vị. Xin trích dẫn tác phẩm "Người Cha Nhân Hậu" của Henri J. M. Nouwen, trong đó có một đoạn anh Pierre Marie đã viết:

"Ðức Giêsu được sinh ra không bởi dòng dõi, ước muốn hay ý chí của con người, nhưng bởi chính Thiên Chúa. Một ngày kia, Ngài đã để mọi sự dưới chân Người và ra đi với gia sản của Ngài, là tước hiệu làm Con Thiên Chúa của Ngài?

Với giá chuộc tất cả, Ngài đã ra đi tới miền xa... miền đất rất xa... nơi mà Ngài đã trở thành như con người và đã làm trống rỗng chính mình. Chính dân của Ngài cũng không nhận biết Ngài và cái giường đầu tiên của Ngài là một nệm rơm. Giống như một cây đâm rễ nơi đất khô cằn, Ngài trưởng thành trước chúng ta, đã bị khinh bỉ là hạng thấp nhất trong con người. Chẳng bao lâu Ngài đã nếm sự lưu đày, sự chống đối, sự cô độc... sau khi đã cho đi mọi thứ trong đời sống cách rộng rãi, của cải, bình an, ánh sáng, sự thật, chính đời sống của Ngài... mọi kho tàng hiểu biết, khôn ngoan và mầu nhiệm đã được giữ kín từ muôn đời.

Sau khi đã hạ mình xuống ở giữa những con cái hư mất của nhà Ítraen, Ngài đã phung phí thời giờ của Ngài với những người đau ốm tật nguyền, với những người tội lỗi, ngay cả với những gái điếm, Ngài cũng hứa cho họ vào Nước của Cha Ngài; sau khi đã bị đối xử như một tên tham ăn, như một bợm nhậu, như một người bạn của bọn thu thuế và tội lỗi, như một người Samaria, một người bị quỷ ám, một kẻ phạm thượng; sau khi đã hiến dâng tất cả mọi sự, ngay cả thân xác và máu Ngài; và khi linh hồn Ngài cảm thấy một nỗi buồn sâu xa, hấp hối, phiền sầu; sau khi đã đi tới đáy của sự tuyệt vọng, Ngài muốn mặc lấy nơi mình sự bị bỏ rơi bởi Cha, lìa xa ngưồn Nước Hằng Sống, Ngài đã kêu lên từ Thánh Giá nơi Ngài bị đóng đinh: "Ta khát". Ngài đã yên nghỉ trong bụi đất và bóng đêm sự chết. Ba ngày sau Ngài Phục Sinh, chỗi dậy từ chiều sâu ngục tối nơi Ngài đã xuống, Ngài đã mang lấy tội lỗi của chúng ta, Ngài đã gánh hết những đau thương của chúng ta. Ðứng thẳng, Ngài kêu lên: "Phải, Ta lên Trời với Cha Ta cũng là Cha của con, là Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa các con". Và Ngài đã trở lại Thiên Ðàng...

Trong sự thinh lặng chiêm ngắm tất cả con cái trong Người Con từ khi Người Con trở thành tất cả cho mọi người, Người Cha nói với các tôi tớ: "Nhanh lên, hãy mang áo đẹp nhất mặc cho cậu, hãy xỏ nhẫn vào tay cậu, giày vào chân cậu. Chúng ta hãy mở tiệc ăn mừng, vì con Ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy... Người Con Hoang Ðàng của Ta đã mang tất cả mọi ngươì trở về..."

Và tất cả bọn họ bắt đầu dự tiệc, mang trên mình chiếc áo trắng dài đã được giặt sạch trong máu của Con Chiên...".

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:06 11/09/2019
34. Khiêm tốn là do bởi linh hồn biết mình mà sinh ra khuynh hướng tự khinh khi mình; có khiêm tốn thì con người mới bằng lòng phục tùng Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa mà phục vụ người khác. (Thánh John Berchmans)
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:10 11/09/2019
12. CAO THẤP KHÔNG ĐƯỢC

Lúc Lý Hựu làm quan ở Hà Sóc, giám tư giận lây Lý Hựu nên khi đối đáp thì thanh âm điệu bộ không được đàng hoàng, cách ngày hôm sau Lý Hựu bèn cất cao tiếng ứng đối với giám tư, giám tư càng giận, Lý Hựu cũng không bằng lòng nên nói:

- “Cao không được thấp cũng không được, thế thì mời ngài tự mình làm một kiểu đáp ứng để tôi coi thử coi”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 12:

Ở đời cái gì thái quá cũng đều không được, nói giọng cao giọng thấp thì có gì phải giận, chẳng qua là trong bụng mình có thói kiêu căng mà thôi, con người ta khi đã cho mình là “cái rốn” của vũ trụ thì trên thế gian này xảy ra không biết bao nhiêu là điều bất hạnh…

Nếu một linh mục cứ bắt bẻ “giọng cao giọng thấp” với giáo dân thì nhà thờ sẽ ít dần người đến với Chúa; nếu các tu sĩ cứ cho mình là “người Thiên Chúa chọn” nên cứ ta đây là bậc cao sang thì Lời Chúa sẽ chẳng đến với một ai cả; nếu người Ki-tô hữu cứ nghĩ rằng mình là dân được tuyển chọn nên cứ vênh vênh cái mặt cho mình là thánh rồi mà không tự hạ, thì cuộc sống của họ cứ như là cái phèng la…

Nói giọng cao hay nói giọng thấp thì có gì là xấu, chỉ có những ai có tâm hồn cao thấp không bình an mới là người đáng bị phạt mà thôi…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.net

https:www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Suy Niệm Lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
15:58 11/09/2019
Phụng vụ Giáo hội hàng năm, dành ngày 14 tháng 9 để mời gọi con cái mình cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Giêsu với niềm vui vì được ơn cứu độ. Ngày này, Thánh Giá được trình bày không phải dưới khía cạnh khổ đau, hay nặng nề thiết yếu của cuộc sống cần phải vác theo Đức Kitô, nhưng dưới khía cạnh vinh quang, như cái cớ để những người tin vào Chúa Giêsu tự hào và không có khóc lóc.

Cử Hành Với Niềm Vui

Thánh Giá, một khí cụ man rợ và khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại người Do thái dùng làm hình khổ để đóng đanh Chúa Giêsu, nhưng Người đã biến nó thành phương thế để cứu độ thế gian. Từ đó, Thánh Giá trở nên Niềm Hy Vọng độc nhất trong Vinh Quang toàn thắng của Đức Kitô, ban tặng cho con ngươi hồng ân tha thứ và mọi phúc lành. Vì thế, “chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại; chính Người giải thoát và cứu độ ta” (Ca nhập lễ).



Horowitz: Chào Đức Thánh Cha buổi sáng, thưa Đức Thánh Cha. Trên chuyến máy bay tới Maputo, Đức Thánh Cha thừa nhận đang bị tấn công bởi một số giới trong Giáo hội Hoa Kỳ. Rõ ràng, có những lời chỉ trích mạnh mẽ, và thậm chí có một số Hồng Y và giám mục, đài truyền hình, người Công Giáo, các trang mạng của Mỹ - nhiều lời chỉ trích. Thậm chí một số đồng minh rất thân thiết đã nói về một âm mưu chống lại Đức Thánh Cha, một số đồng minh của Đức Thánh Cha ở giáo triều Ý. Có điều gì mà những nhà phê bình này không hiểu về triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha, hoặc có điều gì Đức Thánh Cha đã học được từ những lời chỉ trích [đến từ] Hoa Kỳ? Một điều nữa, Đức Thánh Cha có sợ một sự ly giáo trong Giáo hội Hoa Kỳ và nếu có, có điều gì Đức Thánh Cha có thể làm, đối thoại để giúp tránh điều đó không?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Trước hết, những lời chỉ trích luôn luôn hữu ích, luôn luôn, khi người ta nhận được một lời chỉ trích, ngay lập tức họ nên thực hiện một cuộc tự phê và nói điều này: với tôi, điều đó đúng hay không đúng, cho đến mức nào? Đối với các lời chỉ trích, tôi luôn nhìn thấy những lợi điểm. Đôi khi bạn tức giận, nhưng các lợi điểm có ở đó.

Rồi, trong chuyến bay tới Maputo, một trong số các bạn đã đến ... chính ông là người đã đưa tôi cuốn sách? ... Một trong số các bạn đã cho tôi cuốn sách đó ... bằng tiếng Pháp ... của ông? Bằng tiếng Pháp ... Giáo hội Mỹ tấn Công Giáo hoàng ... người Mỹ ... Không, giáo hoàng bị người Mỹ tấn công ... [Ban biên tập lưu ý: ngài đề cập đến cuốn sách tiếng Pháp “Nước Mỹ muốn thay đổi Đức Giáo Hoàng Ra Sao” của Nicolas Seneze thuộc tờ La Croix]. [Một giọng nói của một phóng viên: Tiếng Anh là “How the Americans want to change the Pope”]. Đây là cuốn sách mà ông đã cho tôi một bản, tôi đã nghe nói về cuốn sách này, tôi đã nghe về nó, nhưng tôi chưa đọc nó. Những lời chỉ trích không chỉ từ người Mỹ, mà còn từ mọi nơi, ngay cả ở giáo triều, ít nhất là những người nói với tôi, những người có lợi thế trung thực để nói điều đó, và tôi thích điều ấy. Tôi không thích khi các người phê bình nấp dưới bàn. Họ mỉm cười, họ cho bạn thấy hàm răng của họ và rồi họ đâm sau lưng bạn. Điều đó không phải là trung thành, không phải là nhân bản. Phê bình là một yếu tố xây dựng và nếu lời phê bình của bạn không đúng, bạn [phải] sẵn sàng nhận câu trả lời và đối thoại, [có] một cuộc thảo luận và đi đến một điểm hợp tình hợp lý. Đó là năng động tính của việc chỉ trích thực sự thay vì những lối chỉ trích dùng thuốc thạch tín (arsenic), mà bài báo mà tôi đưa cho ChaVuela đây đang nói về - ném đá nhưng giấu tay. Điều này không cần thiết, nó không giúp ích chi, chỉ giúp các nhóm nhỏ khép kín vốn không muốn nghe câu trả lời cho các lời chỉ trích. Một lời chỉ trích không muốn nghe câu trả lời là ném đá giấu tay. Thay vào đó, một lời chỉ trích hợp tình hợp lý, tôi nghĩ thế này, thế nọ ... Nó chào đón một câu trả lời, và bạn xây dựng, giúp đỡ.

Đối với trường hợp Đức Giáo Hoàng, "Nhưng tôi không thích điều này của Đức Giáo Hoàng", tôi chỉ trích và đợi câu trả lời, tôi rời xa ngài và tôi nói và tôi viết một bài báo và tôi yêu cầu ngài trả lời. Điều này hợp tình hợp lý, đó là tình yêu dành cho Giáo hội. Chỉ trích mà không muốn nghe câu trả lời và không đối thoại là không muốn điều tốt của Giáo hội. Đó là đi trở lại với một ý tưởng cố định, thay đổi giáo hoàng, thay đổi phong cách, tạo ra sự ly giáo, điều này rõ ràng, không phải sao? Một lời chỉ trích hợp tình hợp lý luôn được đón nhận, ít nhất là bởi tôi.

Thứ hai, vấn đề ly giáo: trong Giáo hội đã [có] nhiều cuộc ly giáo. Sau Vatican I, lần bỏ phiếu cuối cùng, về sự vô ngộ, một nhóm quan trọng đã ly khai. Họ tách khỏi Giáo hội, thành lập Những Công Giáo Cũ, để thực sự trung thực với các truyền thống của Giáo hội. Rồi, người ta phát hiện một sự phát triển khác và bây giờ phong chức cho phụ nữ, nhưng trong thời điểm đó, họ cứng ngắc. Họ đã trở lại với một thứ chính thống mà họ nghĩ công đồng đã sai lầm. Một nhóm khác ra đi mà không bỏ phiếu, im lặng, im lặng, nhưng không muốn bỏ phiếu.

Vatican II đã tạo ra những thứ này, có lẽ cuộc ly khai nổi tiếng hơn cả là của Lefèbvre. Luôn luôn có hành động ly giáo trong Giáo hội, luôn luôn, không phải sao? Đó là một trong những hành động mà Chúa luôn để lại cho tự do của con người. Tôi không sợ các vụ ly giáo, tôi cầu nguyện để chúng đừng hiện hữu vì ta có sức khỏe tâm linh của nhiều người [để xem xét], phải không? [Tôi cầu nguyện] cho có đối thoại, cho có sự điều chỉnh nếu có một số sai lầm, nhưng con đường ly giáo không thuộc Kitô giáo.

Nhưng hãy nghĩ lui trở lại buổi đầu của Giáo hội, Giáo hội đã bắt đầu như thế nào với nhiều cuộc ly giáo, hết cuộc này đến cuộc khác, chỉ cần đọc lịch sử của Giáo hội là đủ. Phái Ariô, phái ngộ đạo, phái nhất tính, tất cả những thứ ấy. Rồi, đến lượt tôi nhớ một giai thoại mà tôi đã kể một vài lần: đó là những người của Chúa đã cứu [Giáo hội] khỏi các ly giáo. Những người ly giáo luôn có một điểm chung: họ tách [bản thân] khỏi người ta, khỏi đức tin của người ta, khỏi đức tin của dân Chúa. Và khi, tại Công đồng Êphêsô, có một cuộc thảo luận về chức làm mẹ của Đức Maria, giáo dân - đây là lịch sử - đứng ở lối vào của nhà thờ chính tòa và khi các giám mục vào Công đồng, họ có gậy, họ đã cho các ngài xem gậy và hét lên: "Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Thiên Chúa". Như muốn nói, nếu qúy vị không làm điều này, đây là điều đang chờ qúy vị. dân Chúa luôn sửa chữa và giúp đỡ.

Ly giáo luôn là một tình huống duy ưu tú của một ý thức hệ tách rời khỏi tín lý. Một ý thức hệ có thể đúng, nhưng nó lại đi vào tín lý rồi tách ra và trở thành "tín lý" trong trích dẫn, nhưng chỉ trong một thời gian thôi. Vì vậy, tôi cầu xin để đừng có ly giáo nào. Nhưng tôi không sợ.

Để giúp đỡ, nhưng điều tôi sắp nói bây giờ, bạn không sợ tôi trả lời việc chỉ trích, tôi làm tất cả những điều này, có thể nếu ai đó đến với anh ta, một điều tôi phải làm, tôi sẽ làm điều đó. Giúp đỡ.

Nhưng đây là một trong những kết quả của Vatican II. Không phải từ vị Giáo hoàng này hay từ vị Giáo hoàng kia. Chẳng hạn, những vấn đề xã hội mà tôi nói giống như những gì Đức Gioan Phaolô II đã nói, giống hệt nhau. Tôi sao chép ngài. "Nhưng Đức Giáo Hoàng này rất cộng sản, hả?" Các ý thức hệ và tín lý dính vào, và khi tín lý lạc vào ý thức hệ, người ta có khả thể ly giáo.

Và còn có ý thức hệ duy tác phong nữa, nghĩa là tính ưu việt của nền luân lý khô cằn so với nền luân lý của dân Chúa, Dân mà ngay các mục tử cũng nên hướng dẫn, đoàn chiên, giữa ân sủng và tội lỗi. Đây là nền luân lý tin mừng.

Thay vào đó, nền luân lý của ý thức hệ, chẳng hạn như chủ nghĩa Pêlagiô, có thể nói thế này, làm cho bạn cứng ngắc và ngày nay chúng ta có nhiều, nhiều trường phái cứng ngắc trong Giáo hội. Họ không phải là ly giáo, nhưng họ là những ly giáo giả mà cuối cùng kết thúc cách tồi tệ. Khi bạn thấy các Kitô hữu, các giám mục, linh mục cứng ngắc, thì đằng sau họ luôn có vấn đề; ở đấy, không có sự thánh thiện của Tin Mừng. Vì vậy, chúng ta nên hiền lành, không nên nghiêm khắc, với những người đang bị cám dỗ bởi các cuộc tấn công này, vì họ đang trải qua một vấn đề, và chúng ta nên đồng hành với họ một cách hiền lành.

O’Connell và Pentin đều nhắc lại sự kiện, ngày 4 tháng 9, trên chuyến bay từ Rôma qua Mozambique, nhà báo Nicolas Senèze tặng Đức Phanxicô cuốn sách tựa đề như trên của ông. Dịp này, Ngài nói với ông rằng “thật là một vinh dự khi được người Mỹ tấn công”. Nhận định trên chuyến bay từ Mozambique trở về Rôma là tiếp nối dòng suy tư này, dù O’Connell cho đây là những nhận định “mới mẻ về bản chất” (substantially new).

Có người cho rằng nhà báo Pháp dường như không mấy thiện cảm với một số giới Công Giáo Mỹ nên mới đặt vấn đề ly giáo có thể xẩy ra trong Giáo Hội Hoa Kỳ. Chứ thực ra, viễn tượng ly giáo có cơ phát triển ở những nơi khác nhiều hơn, cụ thể như Đức chẳng hạn.
 
Đức Thánh Cha nhìn lại chuyến Tông du vừa qua của ngài
Thanh Quảng sdb
04:00 11/09/2019
Đức Thánh Cha nhìn lại chuyến Tông du vừa qua của ngài

Thứ Tư ngày 11 tháng 9, trong buổi triều yết, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn lại chuyến tông du từ ngày 4 đến 10 tháng 9 vừa qua tới ba quốc gia: Mozambique, Madagascar và Mauritius. Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày như sau:
Anh chị em thân mến: Đêm qua cha trở về lại Rome sau những ngày hành trình tông du đến Mozambique, Madagascar và Mauritius. Cha đã đi tới đó với tâm tình của một người hành hương mang hòa bình và hy vọng, để chia sẻ cái sứ điệp căn bản của Chúa Kitô là xây dựng tình huynh đệ, tự do và công lý trong thế giới chúng ta đang sống.

Tại Mozambique, cha khuyến khích các cấp chính quyền hãy cùng nhau làm việc vì lợi ích chung, mời gọi những người trẻ hãy đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước của họ, và kêu mời các giám mục, linh mục và tu sĩ hãy quảng đại dấn thân cho Chúa và cho dân chúng.

Tại Madagascar, cha chia sẻ niềm hy vọng cầu mong mọi người trong tinh thần đoàn kết truyền thống của đất nước, hãy góp sức dựng xây một tương lai phát triển, đoàn kết tạo thành một xã hội biết tôn trọng môi trường thiên nhiên và công bằng xã hội. Cha cũng mời gọi các nữ tu, giám mục, linh mục, tu sĩ và giới trẻ hãy nhìn lên Chúa và đáp lại cách quảng đại lời mời gọi dấn thân của Chúa.

Cuối cùng, tại Mauritius, một vùng đất có nền văn hóa đa dạng, cha đã bày tỏ sự ngưỡng một của cha trước những nỗ lực của họ nhằm hình thành một sự đoàn kết hài hòa giữa các nhóm khác nhau. Tin Mừng được công bố trong Thánh lễ cuối cùng này đã nhắc nhở tất cả về các mối phúc thật như là những nét nổi bật, nói lên cái căn tính chính yếu của người môn đệ Chúa Kitô – là căn nguyên cội gốc cho hòa bình và hy vọng.
Cha mời gọi tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cho những hạt giống mà cha đã gieo trồng trong chuyến tông du vừa qua được Thiên Chúa chúc phúc và giúp làm nẩy sinh nhiều hoa trái cho dân chúng Mozambique, Madagascar và Mauritius.

Sau đó Đức Thánh Cha chào đón các khách hành hương bằng tiếng Anh như sau:
Cha xin chào tất cả anh chị em hành hương và các du khách nói tiếng Anh, đặc biệt những anh chị em đến từ Anh quốc, từ Tô Cách Lan (Scotland), Ái Nhĩ Lan (Ireland), Đan Mạch, Các đảo quốc Faroe, Malta, Na Uy, Thụy Điển, anh chị em từ Zimbabwe, Ấn Độ, Malaysia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Canada và Hoa kỳ. Cha khẩn cầu Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em và gia đình của anh chị em…
 
Hướng về Thượng Hội nghị Giám mục đặc biệt về Amazon ngày 6-23 tháng 10 năm 2019 tại Vatican.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
07:42 11/09/2019
Chúa Nhật 15.10.2017, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh cho các chân phước tử đạo thuộc Mỹ châu Latinh: Andrea de Soveral, Ambrogio Francesco Ferro, Matteo Moreira và 27 bạn (1645); Cristoforo, Antonio e Giovanni (1527-1529); Faustino Míguez (1831-1925); Angelo da Acri (1669-1739). Trước khi đọc kinh Truyền tin, ĐTC loan tin: “Đón nhận mong muốn của một số Hội đồng Giám mục Mỹ châu Latinh, cũng như các yêu cầu của nhiều Mục tử và tín hữu từ các nơi khác trên thế giới, tôi đã quyết định triệu tập một Hội nghị Giám mục đặc biệt cho khu vực Pan-Amazon, sẽ diễn ra diễn ra tại Rome vào tháng 10 năm 2019. Mục đích chính của sự triệu tập này là xác định những con đường mới cho việc truyền giáo dành cho thành phần này của dân Chúa, đặc biệt là người dân bản địa, thường bị lãng quên và không có triển vọng về một tương lai thanh thản, vì cuộc khủng hoảng của rừng nhiệt đới Amazon, lá phổi có tầm quan trọng đối với hành tinh của chúng ta. Có thể các Thánh mới đã can thiệp vào sự kiện giáo hội này, để tôn trọng vẻ đẹp của tạo hóa, tất cả các dân tộc trên trái đất ca ngợi Thiên Chúa, Chúa tể vũ trụ và được Ngài soi sáng trên con đường công lý và hòa bình.”

Pan-Amazon hay gọi tắt là Amazon là một khu vực địa lý rộng lớn của Mỹ châu Latinh, được chia sẻ bởi chín quốc gia hiện đại có chủ quyền. Theo một ước tính định lượng, 67% diện tích thuộc về Brazil, 13% cho Peru, 11% cho Bolivia, 6% cho Colombia, 2% cho Ecuador và 1% còn lại thuộc biên giới của Venezuela, Suriname, Guiana và Guiana thuộc Pháp. Toàn bộ lãnh thổ của lưu vực Amazon có diện tích 7,8 triệu km2 và có 34 triệu dân, trong đó khoảng ba triệu người bản địa. Nhóm người bản địa thuộc về 390 dân tộc khác nhau, trong đó có 137 dân tộc chưa được liên lạc hoặc tự nguyện sống cô lập. Có 240 ngôn ngữ được người bản địa sử dụng, chúng ta có thể nhóm lại thành 49 nhóm ngôn ngữ riêng biệt. Do đó, Amazon là một sự giàu có chưa đo lường được về văn hóa, lịch sử, tôn giáo và nhân văn; nhưng ngày nay, hơn bao giờ hết bị đe dọa phá hủy.

Trong cuộc gặp những dân tộc thuộc Amazon ngày 19.1.2018 tại sân vận động Madre de Dios (Mẹ Thiên Chúa) thuộc Puerto Maldonado, nước Peru, ĐTC Phanxicô nói: “Có bao nhiêu nhà truyền giáo, nam và nữ, đã cống hiến cuộc đời của họ cho các dân tộc bạn và bảo vệ nền văn hóa bạn! Họ đã làm như vậy vị họ được cảm hứng từ Tin Mừng. Chính Chúa Kitô đã nhập thể trong một nền văn hóa Do Thái, và từ đó, ngài tự trao cho chúng ta chính ngài là nguồn mới cho tất cả, trong một cách thức mà mỗi người với căn tính sâu xa nhất, cảm thấy được được khẳng định trong chính ngài. Đừng nhường bước cho những nỗ lực nhổ rễ đức tin từ các dân tộc của bạn. Mỗi nền văn hóa và mỗi thế giới quan nhận được Tin Mừng làm phong phú Giáo hội bằng cách thể hiện một khía cạnh mới của khuôn mặt của Chúa Kitô. Giáo hội không xa lạ với những vấn đề và cuộc sống bạn, Giáo hội không muốn xa cách với lối sống và tổ chức của bạn. Chúng ta cần người bản địa định hình văn hóa của các giáo hội địa phương ở Amazon. Hãy giúp các giám mục của bạn, các nhà truyền giáo nam nữ, trở nên một với bạn, và theo cách này, bằng đối thoại bao gồm, để định hình một Giáo hội có khuôn mặt của người Amazon, một Giáo hội có khuôn mặt bản xứ. Theo tinh thần này, tôi đã triệu tập một Hội nghị về Amazon vào năm 2019.”

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Phán Quyết Của Chánh Án Weinberg Về Kháng Cáo Của Đức Hồng Y Pell: ‘Các trở ngại chắc chắn’ chống kết án, trở ngại 2
Vũ Văn An
17:50 11/09/2019
(2) Không thể có việc đương đơn đã ở trong phòng áo của các Linh mục trong vòng ít phút sau khi kết thúc Thánh lễ

682 Đệ trình tiếp theo của Ông Richter trước bồi thẩm đoàn về sự ‘bất khả’ liên quan đến các di chuyển của đương đơn ngay sau khi cử hành Thánh lễ vào mỗi một trong hai ngày của tháng Mười Hai.

683 Sự đệ trình đó dựa rất nhiều vào bằng chứng của cả Portelli lẫn Potter. Ông Richter lập luận rằng bằng chứng của Portelli về các di chuyển của đương đơn sau Thánh Lễ đã rõ ràng và không mơ hồ. Portelli đặc biệt nhớ rằng vào mỗi một trong hai dịp đầu tiên trong đó, Đức Tổng Giám Mục mới đã cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa, Portelli đã chờ đợi ngài trên các bậc thềm phía trước. Ông đã có mặt trong khi đương đơn tham gia cuộc trò chuyện với các giáo dân. Mỗi lần, cuộc ‘gặp gỡ và chào hỏi’ đó đã kéo dài ít nhất 10 phút. Portelli nói thêm rằng đây là thói quen bất biến của đương đơn sau Thánh lễ từ đó về sau.

684 Nếu bằng chứng của Portelli về việc ‘gặp gỡ và chào đón’ vào hai ngày tháng Mười Hai đó được chấp nhận [191], thì trình thuật của người khiếu nại không thể noà chính xác, theo bất cứ ý nghĩa thực tế nào. Về mặt thực tế, trình thuật của ông ta sẽ ‘bất khả’. Chủ trương này sẽ giống như chứng cứ ngoại phạm đã được nêu ra, mà công tố không thể, ở mức độ cần thiết, bác bỏ [192].

685 Nếu, dựa vào toàn bộ bằng chứng, một hành vi bị cáo buộc là phạm tội chỉ có thể được thực hiện vào một thời điểm chuyên biệt hoặc trong một khoảng thời gian chuyên biệt, khi đối diện với điều tương đương với 'bằng chứng ngoại phạm', cơ hội để phạm hành vi phạm tội đó ở thời gian đó, hoặc trong khoảng thời gian đó, vì mọi mục đích thực tế, có thể trở thành một yếu tố chủ yếu của hành vi phạm tội.

686 Đã có đệ trình trước Tòa án này, nơi ban bào chữa đưa ra bằng chứng ngoại phạm, hoặc tương đương, rằng bồi thẩm đoàn không được tự hỏi liệu họ có chấp nhận bằng chứng ngoại phạm đó là sự thật hay không. Luật pháp yêu cầu họ phải tha bổng trừ khi được thuyết phục quá sự nghi ngờ hợp lý rằng bằng chứng ngoại phạm đã hoàn toàn bị bác bỏ [193]. Gánh nặng (onus) bác bỏ bằng chứng ngoại phạm đặt lên công tố hoàn toàn. Để làm như vậy, công tố phải loại bỏ ngay cả ‘khả thể hợp lý’, rằng bằng chứng ngoại phạm có thể là sự thật.

687 Bằng chứng của Portelli về vấn đề của đương đơn đã chờ đợi trên các bậc thềm của Nhà thờ, sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật, vào cả ngày 15 và 22 tháng 12 năm 1996, như sau:

ÔNG RICHTER: Đức ông sẽ đứng đợi với ngài?

PORTELLI: Đúng, đúng.

ÔNG RICHTER: Đức ông có đứng đợi với ngài không?

PORTELLI: Tôi có làm thế.

ÔNG RICHTER: Bởi vì Đức ông nhớ những dịp đó, hai dịp đó, không phải sao?

PORTELLI: Phải.

ÔNG RICHTER: Bởi vì chúng đặc biệt. Không theo nghĩa giống như Lễ Giáng sinh, nhưng chúng đặc biệt bởi vì đây là hai lần đầu tiên Đức ông đi cùng với ngài trong tư cách chuởng nghi của ngài?

PORTELLI: Đúng. Đúng.

688 Sau đó, trong cuộc đối chất của ông Richter, bằng chứng tiếp tục:

ÔNG RICHTER: Được. Và trong hai dịp đầu tiên khi ngài đọc Thánh lễ Chúa Nhật, Thánh lễ trọng thể năm 96, vào hai dịp khi ngài nói Thánh lễ đó, Đức ông đã nhắc đến khoảng thời gian trong đó ngài sẽ đứng bên ngoài để chào đón giáo dân - - -?

PORTELLI: Vâng.

ÔNG RICHTER: - - - và khách?

PORTELLI: Vâng.

ÔNG RICHTER: Đức ông đã cho một khoảng thời gian trong đó những điều này có thể xảy ra. Ngài sẽ ở đó ít nhất mười phút, bất kể giới hạn trên đó là gì. Có đúng không?

PORTELLI: Đúng. Đúng.

ÔNG RICHTER: Đức ông nhớ điều đó?

PORTELLI: Tôi nhớ, đúng.

689 Ông Richter đệ trình rằng Portelli sẽ có lý do tốt để nhớ hai dịp đầu tiên trong đó Đức Tổng Giám Mục mới cử hành Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật tại Nhà thờ Chính tòa.

690 Người ta nhớ rằng Portelli thừa nhận rằng có thể đã có một dịp khi đương đơn không ở lại các bậc thềm để nói chuyện với các giáo dân, sau Thánh lễ. Ông nói rằng nếu có một dịp như vậy, nó sẽ rất hiếm. Mặc dù vậy, ông khăng khăng, ông sẽ luôn ở bên đương đơn, theo Luật Giáo hội.

691 Việc Ông Gibson kiểm tra lại Portelli, một việc hợp pháp được diễn ra dưới hình thức đối chất, đã không thách thức khẳng định căn bản của ông ta về việc chuyên biệt nhớ mỗi một trong hai dịp đầu tiên trong đó đương đơn đọc Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật tại Nhà thờ Chính tòa. Ông Gibson đã không nói với Portelli rằng ông ta nói dối, trước đây ông đã đặc biệt tránh bất kỳ gợi ý nào như thế [194]. Điều quan trọng là ông Gibson cũng không gợi ý với Portelli rằng ông ta mưu toan, dù có ý thức hay không, hỗ trợ bên bảo chữa cho đương đơn.

Trả lời của công tố - Có thể đương đơn đã ở trong phòng áo của các Linh mục trong vòng vài phút sau khi kết thúc Thánh lễ

692 Giống như đã làm khi khai mở lý lẽ cho bồi thẩm đoàn, trong diễn từ kết thúc của mình, ông Gibson đã chấp nhận rằng một số lượng đáng kể các nhân chứng đã đưa ra bằng chứng mà, nếu xét như một toàn thể, sẽ mâu thuẫn gay gắt với trình thuật của người khiếu nại.

693 Ông Gibson đã mời bồi thẩm đoàn phân biệt giữa điều ông mô tả như hai câu hỏi riêng biệt. Câu đầu tiên là liệu, như lời bên bào chữa, một điều gì đó đơn giản không thể xảy ra (‘bất khả’). Câu thứ hai là liệu, như công tố đã lập luận, bằng chứng mà bên bào chữa dựa vào về phương diện đó, thực sự không đi xa hơn là việc xác lập rằng đơn giản có ít cơ hội cho việc vi phạm đã xảy ra.

694 Ông Gibson xác định đúng và chính xác như một vấn đề căn bản để bồi thẩm đoàn xem xét liệu, như bên bào chữa tuyên bố, đương đơn, sau Thánh lễ ngày 15 và 22 tháng 12 năm 1996, vẫn ở trên các bậc Nhà thờ Chính tòa, trong một thời gian kéo dài. Ông nhận rằng nếu đúng như vậy, lý lẽ truy tố liên quan đến biến cố đầu tiên khó có thể thành công. Ông đã mời bồi thẩm đoàn kết luận rằng những nhân chứng mà bằng chứng ủng hộ ‘chứng cớ ngoại phạm’ không nên được chấp nhận, và làm như vậy trên cơ sở cho rằng ký ức về các sự kiện của họ là không đáng dựa vào.

695 Thay vào đó, ông Gibson đã mời bồi thẩm đoàn thấy ra rằng ngay cả khi đương đơn đã đứng trên các bậc thềm trong một thời gian sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật vào hai ngày tháng Mười Hai, ông ta làm như vậy trong một thời gian ngắn, một điều sẽ cho phép hành vi phạm tội theo mô tả của người khiếu nại xảy ra.

696 Ông Gibson đã đệ trình rằng, về các bằng chứng nói chung, ‘hoàn toàn có thể’ đương đơn đã không ở lại các bậc thềm trong 10 phút hay hơn, vào các ngày được đề cập. Và nếu ông ta vẫn ở trên các bậc thềm, vào một trong hai ngày của tháng Mười Hai, thì ‘hoàn toàn có thể’ ông ta đã không làm như vậy vào ngày thứ hai.

697 Ông Gibson nhận rằng có những nguy hiểm khi tiếp cận vấn đề này về điều tôi đã mô tả như ‘bằng chứng ngoại phạm’ trên cơ sở liệu đó có phải ‘hoàn toàn có thể’ việc đương đơn có thể không đứng trên các bậc thềm trong một thời gian dài. Ông ta nói với bồi thẩm đoàn rằng khi sử dụng kiểu nói ‘hoàn toàn có thể’, ông ta không có ý định đảo ngược gánh nặng phải chứng minh, hoặc hạ thấp nó bất cứ cách nào. Ông ta nói rằng ông ta chỉ đơn giản trả lời đệ trình của ban bào chữa vốn ẩn núp dưới kiểu nói duy tuyệt đối ‘bất khả’.

698 Tuy nhiên, ông Gibson đã mời bồi thẩm đoàn bác bỏ bằng chứng của McGlone. Ông ta tương phản điều ông ta mô tả như ký ức có tuyên thệ của McGlone về cuộc gặp gỡ giữa mẹ ông ta và đương đơn trên các bậc thềm của Nhà thờ Chính tòa (mà, theo đệ trình của ông ta, có khả năng có ý nghĩa cùng lắm là ngoại vi, liên quan đến McGlone), với trí nhớ của người khiếu nại về việc bị lạm dụng tình dục (mà, theo đệ trình của ông ta, chắc chắn phải có tầm quan trọng sâu xa nhất trong cuộc đời ông ta).

699 Khi ông Gibson phải đối phó với bằng chứng của Portelli, ông tập chú vào ngôn ngữ mà Portelli đã sử dụng trong một số câu trả lời của ông ta. Ông cho rằng một số bằng chứng của Portelli khá mơ hồ và hạn chế (qualified). Ông lập luận rằng trí nhớ của Portelli phải được coi là nghi ngờ. Thí dụ, Portelli chỉ có thể nói rằng 'có vẻ đúng' rằng lần đầu tiên đương đơn cử hành Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật với tư cách là Tổng giám mục 'có thể là' ngày 15 tháng 12 năm 1996. Tại một điểm khác, Portelli nói, khi trả lời cùng một câu hỏi, rằng 'có thể đúng'.

700 Ông Gibson, mặc dù đã nói rõ ràng rằng ông ta không cho rằng Portelli nói dối, đã nhận xét về 'trí nhớ tuyệt vời' của ông ta khi đối chất, nhưng nhận xét một cách chua chát rằng trí nhớ của ông ta 'không tốt như thế...' khi nói ở lúc kiểm tra lại. Ông lưu ý rằng Portelli tuyên bố có một ký ức chuyên biệt và khá sống động về hai Thánh lễ long trọng vào Chúa Nhật đầu tiên mà đương đơn cử hành, nhưng không thể nhớ, tự một mình mình, liệu đương đơn có cử hành Thánh lễ long trọng vào Chúa Nhật ngày 10 hay ngày 17 tháng 11 năm 1996 hay không. Ông ta cũng không nhớ nơi Thánh lễ đã diễn ra, giả sử đương có cử hành.

701 Ông Gibson đã đưa ra một lý thuyết khác thay thế. Ông đệ trình rằng thói quen đương đơn đứng trên các bậc của Nhà thờ Chính tòa ngay sau Thánh lễ long trọng vào Chúa Nhật có thể không bắt đầu vào tháng 12 năm 1996, nhưng có thể bắt đầu muộn hơn nhiều vào năm 1997.

702 Để hỗ trợ cho việc biến đổi đặc thù đó trong lý lẽ của công tố, ông Gibson nhắc nhở bồi thẩm đoàn rằng Portelli đã thừa nhận rằng ngay từ đầu trong nhiệm kỳ của đương đơn, 'đã có một số lỗi trong hệ thống cần được chấn chỉnh’. Ông ta mời họ coi câu trả lời đó như hỗ trợ cho đệ trình của ông rằng việc thói quen đứng lại trên các bậc thềm đã không bắt đầu cho đến mãi về sau trong nhiệm kỳ của đương đơn với tư cách là Tổng Giám mục.

703 Cuối cùng, về điểm này, ông Gibson lưu ý rằng cả đương đơn, trong hồ sơ phỏng vấn của ông ta và Portelli , trong bằng chứng của mình, đã đồng ý rằng nếu có một cam kết khác được lên kế hoạch sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật, cuộc gặp gỡ ở các bậc thềm với giáo có thể bị rút ngắn.

704 Mặc dù không có bằng chứng thực sự nào về một cuộc cam kết khác thuộc loại đó được lên kế hoạch vào ngày 15 hoặc 22 tháng 12 năm 1996, ông Gibson nêu ra khả thể có thể có một cam kết như vậy.

705 Ông Gibson cũng nhắc nhở bồi thẩm đoàn rằng Portelli, mặc dù bề ngoài rõ ràng về những gì diễn ra vào hai ngày tháng 12, đã không thể nhớ một cách chuyên biệt liệu đám rước vào những ngày đó là ở bên trong hay ở bên ngoài [195]. Do đó, ông mời bồi thẩm đoàn thấy ra rằng trí nhớ của Portelli không đáng dựa vào.

706 Theo các nhân chứng khác nói về 'thói quen bất biến' của đương đơn trong việc dừng lại tại các bậc thềm, ông Gibson đã đệ trình rằng 'thói quen' này có thể đã không được khai triển cho đến mãi sau này, vào năm 1997. Ông không đề cập đến sự khó khăn liên quan tới lập luận đặc thù phát sinh từ bằng chứng của Finnigan rằng ông ta đã thấy đương đơn đứng trên các bậc thềm, nói chuyện với giáo dân sau Thánh lễ, trước khi rời chức vụ của mình tại Nhà thờ Chính tòa, một điều sẽ được nhắc lại, vào Giáng sinh năm 1996.

707 Khi nói đến bằng chứng của McGlone, ông Gibson đã đệ trình rằng nó nên bị bác bỏ một cách quả quyết. Ông đã mời bồi thẩm đoàn kết luận rằng nếu biến cố liên quan đến mẹ McGlone, đã xảy ra, thì nhiều khả năng hơn là không rằng nó xảy ra vào năm 1997, thay vì năm 1996 [196]. Ông nói thêm rằng, ngay cả khi bồi thẩm đoàn bác bỏ đệ trình đặc thù đó, ‘chứng cớ ngoại phạm’ của McGlone vẫn sẽ chỉ đúng cho một trong hai ngày vào tháng 12. Điều đó có nghĩa là ngày khác kia có thể là dịp mà biến cố đầu tiên đã xảy ra.

Kỳ tới: Trở ngại chắc chắn thứ ba: (3) Không thể có việc đương đơn mặc áo lễ và ở một mình sau Thánh lễ
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Điểm Tựa Đời Con – Trình bày: Đình Trinh
Giáo Hội Năm Châu
17:57 11/09/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News