Ngày 02-10-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lời Xin Vâng ảnh hưởng như thế nào
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:46 02/10/2020
LỜI "XIN VÂNG" ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO

Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Khi thưa: "Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền", thì lời “Xin vâng” của Đức Mẹ, dù đơn sơ nhỏ bé, nhưng lại có nhiều ảnh hưởng. Những ảnh hưởng từ tiếng "Xin vâng" ấy là:

1. Chương trình của Thiên Chúa.

Từ đời đời, Thiên Chúa có chương trình tốt đẹp trê loài người. Đó là cho phép loài người được hưởng hạnh phúc của chính Thiên Chúa, sống gần gũi cùng Thiên Chúa, nên một trong sự thâm giao tuyệt đối với Người.

Nhưng nguyên tổ loài người đã bất tuân, thậm chí hết sức kiêu ngạo và chống lại Chúa. Nguyên tổ đã nghe ma quỷ xúi giục, làm theo ý riêng mình, tự mình tách khỏi ảnh hưởng của Thiên Chúa.

Chương trình của Thiên Chúa, vì thế đổ vỡ. Thiên Chúa không muốn chương trình của mình, liên quan đến chính loài người, được thành công mà không có sự đồng thuận và vâng phục của con người. Vì thế, Thiên Chúa không thể ban hạnh phúc cho con người, khi họ không tự nguyện đón nhận hạnh phúc.

Lời "Xin vâng" của Đức Mẹ nói lên sự đồng thuận của loài thụ tạo luôn được Thiên Chúa trung thành dành cho tình yêu của mình. Từ lời "Xin vâng" ấy, Chúa Kitô, Ngôi Hai cứu chuộc đi vào trần thế, lấy lại những gì mà loài người đánh mất trong tội của nguyên tổ. Từ đây, kế hoạch cứu độ mới dành cho loài người của Thiên Chúa thành công.

2. Lời “Xin vâng” của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Từ ngàn đời, Chúa Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa đã đáp lời "Xin vâng" với Chúa Cha, khi Chúa Cha muốn Người trở thành tác giả của chương trình cứu chuộc loài người. Vì thế, khi lời Đức Mẹ “Xin vâng” được cất lên, cũng chính là lúc Chúa kitô thực hiện hành động “Xin vâng” của mình với Chúa Cha.

Đức Mẹ “Xin vâng” là Đức Mẹ đồng thuận để Thiên Chúa thực hiện thánh ý của Người. Còn Chúa Kitô thực hiện hành động “Xin vâng” là Chúa Kitô khai thông chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Từ đây Người xuống thế làm người, bắt đầu từ việc tượng thai trong lòng Đức Mẹ.

3. Cả cuộc đời Đức Mẹ và Chúa Kitô.

Vì vâng lệnh Chúa Cha, Chúa Kitô từ trời xuống thế. Người hoàn toàn trút bỏ mình, không duy trì “địa vị ngang bằng với Thiên Chúa”, nhưng mang thân phận tôi đòi (x.Phil 2, 5-8).

Chúa Kitô thưa cùng Chúa Cha: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. … Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.” (Dt 10, 5-7). Hay như lời Thánh vịnh: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài” (39, 8).

Sự vâng lời ấy đã đưa Chúa Giêsu đến chỗ chấp nhận con đường bé nhỏ, khiêm nhường, làm người sống chốn trần gian. Sau cùng, Người vui nhận cái chết nhục nhã trên Thánh giá.

Còn Đức Mẹ, vì xin vâng, cũng đã theo Chúa Giêsu trên khắp các nẻo đường truyền giáo, đứng dưới chân thập giá, chịu mọi đau đớn, khổ nhục, hiệp cùng cái chết của con.

Như thế, để thưa “Xin vâng” với Thiên Chúa, Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã nói “không” với chính mình. Tiếng “Vâng” lớn thành hình nhờ những tiếng “không” khiêm cung. Ý Chúa được thể hiện nhờ Chúa Giêsu và Đức Mẹ bỏ ý riêng mình. Chương trình lớn thành công nhờ những hy sinh của Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

4. Chúng ta sống "xin vâng".

Thiên Chúa luôn quan phòng và ấn định đường lối của Người cho mỗi một người. Ta cần cộng tác với Chúa bằng lắng nghe và vâng phục thánh ý.

Ta là cộng tác viên, là một phần của chương trình ấy. Nếu ta không vâng theo ý Chúa, nhưng sống tiêu cực, phạm tội, nghe theo xúi giục của ma quỷ, của thế gian, chương trình thánh thiện của Chúa dành cho ta bị bẻ gãy.

Để chương trình của Chúa được thực hiện, ta hãy học nơi Chúa Kitô và noi gương Đức Mẹ, đáp lời “xin vâng” với Chúa bằng cả cuộc đời ta:

Đó là: Bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa; bỏ chương trình riêng để đi vào chương trình của Chúa.

Đó là: Xin vâng khi vui cũng như lúc buồn; khi hạnh phúc cũng như lúc khổ đau.

Đó là: Bước theo Chúa Kitô như Đức Mẹ, dù phải đối diện cùng bất cứ hoàn cảnh nào trong đời.

Hãy xin vâng từng giây phút để chương trình của Chúa được thực hiện. Xin vâng để tâm hồn ta hạnh phúc và đem hạnh phúc cho những người chung quanh.
 
Thứ Bẩy 3/10: Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha - Suy Niệm của Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao
Giáo Hội Năm Châu
06:27 02/10/2020

Tin mừng hôm nay thuật lại: sau một thời gian ra đi rao giảng, các môn đệ hân hoan trở về nói lên niềm vui của họ; vì nhờ quyền năng Chúa ban, các ông có thể xua trừ ma quỷ. Đức Giêsu lại nhắc các ông: “Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con...” vì niềm vui lớn lao và đích thực đó là tên các ông được ghi trên trời. Sau đó, Đức Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, và chúc tụng Thiên Chúa: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha... ” vì “đó là ý Cha đã muốn thế.”

Lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong tin mừng [“Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”] đã mời gọi chúng ta hãy chia sẻ niềm vui với Ngài, chia sẻ mỗi ngày, vì đây là “niềm vui vĩnh cửu” của Ngài. Niềm vui này đến từ việc nhận ra Chúa Cha đã hành động qua các môn đệ trong sứ mạng của họ. Niềm vui ấy giống Đức Maria đã thốt lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” vì đã nhận ra “những điều cao cả” Người làm cho Mẹ, là “Nữ Tì hèn mọn” và cho “những ai kính sợ Người”, cho “mọi kẻ khiêm nhường”, cho “kẻ đói nghèo”, cho tôi tớ đau khổ của Người là Israel.

Lời nguyện ngợi khen đó là một trong những hành động giúp con người chu toàn ý nghĩa nền tảng của cuộc sống mà Thánh I-nhã đã nói, như thứ bẩy tuần rồi tôi đã chia sẻ: “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa.”

Mặc dù các môn đệ nhận biết mọi việc họ làm đều “nhờ nhân danh Chúa”, nhưng Đức Giêsu vẫn nhắc nhở: “Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con.” Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta.

Có lẽ chúng ta cảm nghiệm con người thường thích “làm lớn”. Khi đạt được điều gì thành công, ta thường tự phụ cho rằng đó là sự khôn ngoan, khéo léo của mình, do mình có khả năng, có học vấn. Từ đó chúng ta tự kiêu, tự phụ, dễ dàng tự ái; cứ tưởng mọi sự chúng ta có thể làm tốt nhất và đúng nhất; cứ tưởng chúng ta là Thiên Chúa cại gì cũng làm được mà không nhận ra mọi sự đều “nhân danh Chúa” và do Chúa ban. Với quan điểm đó có ngày chúng ta lại tự tử vì thần dữ kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa và hủy diệt chúng ta.

Bởi vậy khi thành công, chúng ta cần nhận biết rằng Thiên Chúa ban cho mọi sự và qua Ngài chúng ta mới có kết quả như vậy. Về phần mình, chúng ta cố gắng hết sức và dùng mọi tặng phẩm Chúa ban là khả năng, học vấn, suy tư, khôn ngoan, v.v… làm phương tiện. Như vậy chúng ta mới cảm nghiệm niềm vui siêu nhiên hơn là tự nhiên. Được cứu độ hơn là những thứ bề ngoài, vì giá trị tinh thần thì cao trọng và có sức biến đổi chứ không phải hình thức hay số lượng bên ngoài.

Chúng ta là những người môn đệ của Chúa sống giữa trần gian, yêu mến trần gian, xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc. Tuy nhiên ta làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời. Cho nên người môn đệ thực của Chúa không tự phụ vì những thành công trong việc làm, mà là luôn khiêm tốn sống lệ thuộc vào Chúa để khắc phục bản thân mình.

Chúng ta nên luôn tìm niềm hạnh phúc đích thực là chính Thiên Chúa và được sống với Ngài mãi mãi trên quê trời, vì chỉ mình Ngài mới có đủ tình yêu và khả năng thực hiện mọi điều chúng ta mơ ước mà thôi. Đối với chúng ta, chỉ có một sự cần thiết, đó là tìm kiếm, nhận biết, hoạt động, ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa và cứu rồi linh hồn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Chúa trong đời sống hằng ngày, để mỗi khi chúng con là việc, chúng con đều làm để danh Chúa cả sáng. Xin cho chúng con ý thức phận người nhỏ bé, bất toàn của mình, để biết tạ ơn vì muôn hồng ân Chúa ban; để biết phó thác vào quyền năng Chúa; và để Chúa dùng con người nhỏ bé tầm thường của chúng con thực hiện những việc lạ lùng trong ân sủng và quyền năng của Chúa. Amen.'>

Tin mừng hôm nay thuật lại: sau một thời gian ra đi rao giảng, các môn đệ hân hoan trở về nói lên niềm vui của họ; vì nhờ quyền năng Chúa ban, các ông có thể xua trừ ma quỷ. Đức Giêsu lại nhắc các ông: “Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con...” vì niềm vui lớn lao và đích thực đó là tên các ông được ghi trên trời. Sau đó, Đức Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, và chúc tụng Thiên Chúa: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha... ” vì “đó là ý Cha đã muốn thế.”

Lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong tin mừng [“Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”] đã mời gọi chúng ta hãy chia sẻ niềm vui với Ngài, chia sẻ mỗi ngày, vì đây là “niềm vui vĩnh cửu” của Ngài. Niềm vui này đến từ việc nhận ra Chúa Cha đã hành động qua các môn đệ trong sứ mạng của họ. Niềm vui ấy giống Đức Maria đã thốt lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” vì đã nhận ra “những điều cao cả” Người làm cho Mẹ, là “Nữ Tì hèn mọn” và cho “những ai kính sợ Người”, cho “mọi kẻ khiêm nhường”, cho “kẻ đói nghèo”, cho tôi tớ đau khổ của Người là Israel.

Lời nguyện ngợi khen đó là một trong những hành động giúp con người chu toàn ý nghĩa nền tảng của cuộc sống mà Thánh I-nhã đã nói, như thứ bẩy tuần rồi tôi đã chia sẻ: “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa.”

Mặc dù các môn đệ nhận biết mọi việc họ làm đều “nhờ nhân danh Chúa”, nhưng Đức Giêsu vẫn nhắc nhở: “Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con.” Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta.

Có lẽ chúng ta cảm nghiệm con người thường thích “làm lớn”. Khi đạt được điều gì thành công, ta thường tự phụ cho rằng đó là sự khôn ngoan, khéo léo của mình, do mình có khả năng, có học vấn. Từ đó chúng ta tự kiêu, tự phụ, dễ dàng tự ái; cứ tưởng mọi sự chúng ta có thể làm tốt nhất và đúng nhất; cứ tưởng chúng ta là Thiên Chúa cại gì cũng làm được mà không nhận ra mọi sự đều “nhân danh Chúa” và do Chúa ban. Với quan điểm đó có ngày chúng ta lại tự tử vì thần dữ kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa và hủy diệt chúng ta.

Bởi vậy khi thành công, chúng ta cần nhận biết rằng Thiên Chúa ban cho mọi sự và qua Ngài chúng ta mới có kết quả như vậy. Về phần mình, chúng ta cố gắng hết sức và dùng mọi tặng phẩm Chúa ban là khả năng, học vấn, suy tư, khôn ngoan, v.v… làm phương tiện. Như vậy chúng ta mới cảm nghiệm niềm vui siêu nhiên hơn là tự nhiên. Được cứu độ hơn là những thứ bề ngoài, vì giá trị tinh thần thì cao trọng và có sức biến đổi chứ không phải hình thức hay số lượng bên ngoài.

Chúng ta là những người môn đệ của Chúa sống giữa trần gian, yêu mến trần gian, xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc. Tuy nhiên ta làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời. Cho nên người môn đệ thực của Chúa không tự phụ vì những thành công trong việc làm, mà là luôn khiêm tốn sống lệ thuộc vào Chúa để khắc phục bản thân mình.

Chúng ta nên luôn tìm niềm hạnh phúc đích thực là chính Thiên Chúa và được sống với Ngài mãi mãi trên quê trời, vì chỉ mình Ngài mới có đủ tình yêu và khả năng thực hiện mọi điều chúng ta mơ ước mà thôi. Đối với chúng ta, chỉ có một sự cần thiết, đó là tìm kiếm, nhận biết, hoạt động, ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa và cứu rồi linh hồn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Chúa trong đời sống hằng ngày, để mỗi khi chúng con là việc, chúng con đều làm để danh Chúa cả sáng. Xin cho chúng con ý thức phận người nhỏ bé, bất toàn của mình, để biết tạ ơn vì muôn hồng ân Chúa ban; để biết phó thác vào quyền năng Chúa; và để Chúa dùng con người nhỏ bé tầm thường của chúng con thực hiện những việc lạ lùng trong ân sủng và quyền năng của Chúa. Amen.
 
Từ Vườn Nho Đến Các Tá Điền: Hãy Là Chính Mình
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:04 02/10/2020
Chúa Nhật XXVII TN A

Sau khi nghe câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể về “những tá điền sát nhân”, các Thượng Tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ và họ tìm cách bắt Người. Dân Chúa xưa, đặc biệt những người lãnh đạo, những người được gọi là đạo đức hẳn thuộc nằm lòng bài ca về vườn nho của Ngôn sứ Isaia (Is 5,1-7) mà Hội Thánh lại trích cho chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất Chúa Nhật này. Trong khi Ngôn Sứ Isaia nhấn mạnh đến vườn nho là đoàn Dân Chúa xưa, thì Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến những tá điền là những người lãnh đạo mà Chúa trao phó quản lý vườn nho. Dù là vườn nho hay là người quản lý thì điểm chung hướng đến đó là: hãy trở nên chính mình. Nói nôm na là nho thì ra nho, quản lý thì ra quản lý.

Nho ra nho: Ngôn sứ Isaia đã minh nhiên nói rằng vườn nho chính là đoàn Dân Chúa xưa và chúng ta có thể hiểu rộng thêm mỗi người chúng ta là những cây nho, là những cành nho (x.Ga 15,1-17). Các khâu canh tác như làm cỏ, bón phân, tỉa cành sâu bệnh…thì chủ vườn nho là Thiên Chúa đã vuông tròn. Vấn đề còn lại là chính cây nho phải sinh hoa trái tốt tươi, ngọt ngào. Theo kinh nghiệm nông gia, khi đã đủ đầy các điều kiện tự nhiên và sự chăm bón thì chuyện sinh hoa kết trái của cây trồng, hệ tại ở khả năng cây “hấp thụ dinh dưỡng” từ đất, từ trời và hệ tại ở việc cây “giảm phát sinh để tăng phát dục”, nghĩa là giảm đâm cành, mọc lá mới để tăng ra hoa, kết trái.

Để hấp thụ dinh dưởng từ trời đất thì chính chúng ta, những cây nho, tiên vàn phải gắn bó, kết hiệp với Thiên Chúa. Cầu nguyện là một trong những phương thế tuyệt hảo để kết hiệp với Thiên Chúa. Để gia tăng hoa trái tốt lành thì việc hãm mình hy sinh là điều không thể thiếu. Như thế để nho ra nho nghĩa là sinh hoa trái ngọt ngào thì Kitô hữu chúng ta cần chuyên chăm cầu nguyện và hy sinh hãm mình. Hằng năm cứ đến mùa Chay thánh thì đề tài ăn chay cầu nguyện được nhấn mạnh và chúng ta nghiệm thấy ngay các hoa trái trổ sinh.

Quản lý ra quản lý: Người quản lý là người được trao phó một sự gì đó. Một việc gì đó để bảo quản, giữ gìn, chăm nom và dĩ nhiên theo tiêu chí mà người chủ yêu cầu. Các tá điền trong câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể được hiểu như là những người quản lý. Và tiêu chí người chủ đưa ra là đến kỳ thu hoạch, vườn nho phải sai hoa, mộng trái. Theo chiều kích xã hội thì những người quản lý là những người được giao phó các chức vụ của công quyền. Họ được trao phó đoàn dân của một tập thể, của một đất nước... Theo chiều kích tôn giáo, thì những người quản lý là những vị mục tử. Họ đuợc trao phó đoàn chiên là các tín hữu của tôn giáo mình. Dù là các mục tử trong Hội Thánh hay là những người nắm giữ công quyền trong xã hội thì chỉ một mình Thiên Chúa là người chủ duy nhất. Thánh Phaolô minh định điều này khi nói rằng các chính quyền hợp pháp đều là do Chúa đặt định (x.Rm 13,1).

Trong khoảng thời gian chờ đến mùa vụ, thì ông chủ thỉnh thoảng sai gia nhân của mình đến nhắc nhở những người quản lý về bổn phận và trách vụ của họ. Và bên cạnh đó chắc chắn có sự đánh giá về những gì mà những người quản lý đang thực thi. Tốt thì khen và khích lệ. Xấu thì chê và phê bình sửa sai. Trong lịch sử Dân Chúa xưa, các ngôn sứ chính là những gia nhân mà ông chủ vườn nho đã sai đến. Thay vì nghe những ý chỉ của Thiên Chúa qua các sứ ngôn thì những người tá điền là nhưng người quản lý đã bách hại các ngài.

Thiên Chúa, người chủ vườn nho vẫn kiên trì nhẫn nại đến cùng. Người đã sai chính Con Một đến với hy vọng là những người quản lý kia sẽ nể mặt mà nghe theo. Thế nhưng sự tham lam đã làm cho tâm hồn những người quản lý thành ác độc. Họ đã nhẫn tâm giết chết Người Con Một của ông chủ. Tưởng rằng sẽ từ vị thế quản lý trở thành chủ nhân của vườn nho, nhưng họ đã lầm. Ông chủ sẽ tru di họ và trao vườn nho cho những người khác.

Câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể đã làm chột dạ những vị lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Chuyện dụ ngôn này cũng đã ứng với nhiều triều đại vua chúa các nước trên thế giới. Chuyện dụ ngôn này cũng ứng với những chính phủ đang nắm giữ công quyền của các quốc gia mà không vuông tròn phận vụ. Và chuyện dụ ngôn này cũng đáng làm cho các vị mục tử trong Hội Thánh phải biết giật mình tự kiểm. Phải chăng mình tuy không phải là kẻ cướp nhưng mình chỉ là kẻ chăn thuê không hơn không kém?

Nho ra nho, quản lý ra quản lý. Nếu không thực là mình thì sẽ đến lúc phải bị loại trừ. Cành nho nào sinh hoa trái sẽ được chăm bón để trái hoa xum xuê thêm nhiều. Cành nào không sinh trái thì phải bị chặt đi. Nó sẽ khô héo và người ta sẽ bỏ nó vào lửa mà thiêu đốt đi (x.Ga 15,6). Người quản lý nào chuyên chăm cứ đến giờ mà phân phát lúa thóc cho kẻ ăn, người ở, thì sẽ được ân thưởng khi chủ về. Trái lại viên quản lý nào chểnh mảng, mãi mê chơi bời ăn uống mà bỏ bê bổn phận, thậm chí còn hành xử bạo lực với người dưới quyền, thì sẽ bị chung số phận với quân bất lương, sẽ bị giam vào nơi phải khóc lóc và nghiến răng (x.Lc 12,41-48).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Chính nhờ Người, với Người và trong Người
Lm. Minh Anh
23:33 02/10/2020
‘CHÍNH NHỜ NGƯỜI, VỚI NGƯỜI VÀ TRONG NGƯỜI’

“Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sau những biến cố được mất kinh hoàng, Gióp đã cảm nhận, mọi sự đến từ Thiên Chúa; sau những thành công thực tập loan báo Tin Mừng của các môn đệ, Chúa Giêsu cũng cảm nhận, mọi sự đến từ Thiên Chúa. Vì thế, sẽ thật thú vị khi chúng ta cùng suy tư một trong những chủ đề của phụng vụ Lời Chúa hôm nay, đó là, ‘Chính nhờ Người, với Người và trong Người’.

Trong bài đọc thứ nhất, trước Thiên Chúa, Đấng vượt quá trí tri, Gióp cảm nhận thân phận tro trấu của mình; trước một Đấng toàn trị vô song, Gióp hối hận và run sợ vì đã dại dột dám nói khó với Người, “Phải, con đã nói, dù chẳng hiểu biết gì về những điều kỳ diệu vượt quá sức con”; “Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại; trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn”. Giờ đây, Gióp xác tín, tất cả mọi sự đều ‘Chính nhờ Người, với Người và trong Người’.

Điều tương tự xảy ra nơi Chúa Giêsu qua Tin Mừng hôm nay. Thánh Luca cho biết, 72 môn đệ vui mừng trở về sau những chiến tích hiển hách; họ cảm nghiệm được quyền năng trên sự dữ từ danh thánh Thầy mình. Chúa Giêsu không phủ nhận vì chính Ngài đã ban cho các ông thần lực để đánh bại ma quỷ. Thế nhưng, thật bất ngờ, Ngài đi một bước xa hơn, cao hơn, đáng mừng hơn; một bước lên tận trời cao, lên tận Chúa Cha, thấu tận thiên đàng, “Các con chớ vui mừng vì các thần vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”; đó là niềm vui tồn tại đời đời. Xem ra Ngài muốn nói, đừng khoe khoang như thế, đừng làm như thể mình là nhân vật chính; chỉ một nhân vật chính duy nhất là Chúa Cha, ‘Chính nhờ Người với Người và trong Người’.

Luca tiếp tục gây ngạc nhiên bằng cách ghi lại sự việc xảy ra ngay sau đó. Hoan lạc trong Thánh Thần, Chúa Giêsu phấn chấn cất lời tạ ơn; Ngài nói mà như hát, kể lể mà như ca khen, “Lạy Cha là Chúa trời đất, con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì ý Cha muốn như thế”. Rõ ràng, với Ngài, Thầy trò làm được gì, đều là ‘Chính nhờ Người, với Người và trong Người’.

Như thế, xem ra Chúa Giêsu đã bỏ qua những chiến thắng trước Satan, điều quan trọng hơn cả đối với Ngài là Chúa Cha, Đấng ghi tên môn đệ vào sổ vàng của Người trên trời. Thật vậy, Kitô giáo không đơn thuần chỉ là đánh bại ma quỷ; niềm tin Kitô là niềm tin qua Chúa Giêsu, tin nhận Chúa Cha, yêu mến và hiệp nhất với Người; một niềm tin tích cực được ban tặng qua Chúa Con, trước hết, để giúp con người lớn lên trong tình yêu đối với Chúa Cha nhờ ân sủng của Thánh Thần. Từ đó, trong Chúa Giêsu, mỗi ngày chúng ta phải trở nên giống Ngài hơn. Thành công của các môn đệ chỉ như một bài tập của tình yêu với một kết thúc mở; nghĩa là tình yêu đó luôn mời gọi chúng ta làm nhiều hơn nữa cho vinh quang Chúa, cho Chúa Giêsu và cho tha nhân. Tình yêu đối với Chúa Cha không có giới hạn; vì vậy, đừng ai nghĩ, mình ‘đã đến nơi’. Mỗi người hãy xác tín, tôi được kêu gọi để yêu mến và noi gương Chúa Giêsu, hầu làm tất cả mọi sự cho vinh quang Chúa Cha đến tận giây phút cuối đời, và đừng bao giờ quên, ‘Chính nhờ Người, với Người và trong Người’.

Một khi làm được việc gì, chúng ta thường huênh hoang, tưởng đó là kỳ tích của mình và quên mất Thiên Chúa; bấy giờ, chỗ của Người trong tim chúng ta hẹp lại. Trái lại, càng nhận biết quyền năng Người, Người càng mặc khải cho chúng ta nhiều hơn. Hồng Y Thuận nói, “Kiêu ngạo là ăn cướp ơn Chúa, vinh danh Chúa… để làm của riêng con, công nghiệp con”; “Bao lâu con còn tôn thờ cái ‘tôi’ của con, khác nào con thưa với Chúa, ‘Lạy Chúa xin hãy tin con, hãy trông cậy vào con’”.

Anh Chị em,

Cứ mỗi phút, trên thế giới có bốn thánh lễ. Và như thế, nhân loại mọi lúc, mọi thời, mọi nơi trên hoàn vũ vẫn không ngừng vang lên lời tuyên xưng, ‘Chính nhờ Người, với Người và trong Người’. Trong Chúa Giêsu Kitô chúng ta sống, cử động, hiện hữu và được cứu chuộc. Chớ gì, lời tuyên xưng ấy đi vào cuộc sống của từng người trong chúng ta, bằng cách, mỗi người ra sức ‘bám lấy Chúa Giêsu, nên một với Chúa Giêsu và làm theo ý Chúa Giêsu’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, với Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Chúa”, con muốn thưa với Chúa rằng, không có Chúa, đời con sẽ tắt lịm; con làm được gì cũng là Chúa làm, vì tất cả, là ‘Chính nhờ Người, với Người và trong Người’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đáng quan ngại: Cả hai vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump đều nhiễm coronavirus
Đặng Tự Do
00:50 02/10/2020


Trong một diễn biến thật đáng quan ngại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận ông và Đệ nhất phu nhân Melania Trump đều có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus và đã được cách ly trong thời gian hồi phục.



Trong một tweet đánh đi lúc 12:54 khuya ngày thứ Năm rạng sáng thứ Sáu 2 tháng 10, tổng thống Trump cho biết:

“Tối nay, ĐỆ NHẤT PHU NHÂN và tôi đã có kết quả dương tính với COVID-19. Chúng tôi sẽ bắt đầu tiến trình cách ly và phục hồi ngay lập tức. Chúng tôi sẽ vượt qua điều này CÙNG NHAU!”

Trước đó hơn 2 giờ, Tổng thống Trump đã gợi ý trên Fox News rằng ông có thể cần phải cách ly sau khi một trong những cố vấn cấp cao nhất của ông, cô Hope Hicks, có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Tổng thống Trump đã liên lạc chặt chẽ với nhân viên này.

Trong tweet vào lúc 10:48 tối thứ Năm 1 tháng 10, ông viết:

“Hope Hicks, người đã làm việc chăm chỉ mà không hề nghỉ ngơi một chút nào, vừa có kết quả dương tính với COVID-19. Kinh khủng! Đệ Nhất Phu Nhân và tôi đang đợi kết quả xét nghiệm của chúng tôi. Trước mắt, chúng tôi sẽ bắt đầu tiến trình cách ly của mình!”

Hope Hicks đã có kết quả xét nghiệm coronavirus dương tính sau khi đi cùng tổng thống trên chiếc máy bay của Air Force One vào hôm thứ Ba để tham dự cuộc mít tinh trong khuôn khổ cuộc vận động tranh cử tổng thống và một lần nữa vào hôm thứ Tư tới một cuộc vận động tranh cử ở Minnesota.

Theo hướng dẫn của Tòa Bạch Ốc, những ai có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, thì cả gia đình cần phải ở nhà và tránh đến nơi làm việc hay trường học.

Viện Brookings, một nhóm nghiên cứu của Mỹ, cho biết dù có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, Tổng thống Trump vẫn có thể tiếp tục các công việc hàng ngày và vì thế không cần phải có các “hành động khẩn cấp”.

Viện Brookings nói: “Tổng thống có thể sẽ tiếp tục các hoạt động hàng ngày của mình và quản lý công việc mà không bị xáo trộn, cũng không có những thách đố nhẹ”.

“Một chẩn đoán dương tính của tổng thống sẽ tạo ra một số thách thức cho những người xung quanh ông. Nhu cầu bảo vệ của Cơ quan Mật vụ 24 giờ có thể khiến các nhân viên đặc vụ gặp rủi ro nhiễm bệnh”.

“Nhưng với công nghệ hiện đại, tổng thống có thể cách ly và liên lạc từ xa hoặc đủ xa với hầu hết, nếu không phải tất cả, các trợ lý, bao gồm cả những cá nhân sẽ tham gia vào cuộc họp báo hàng ngày của tổng thống.”

“Sẽ cần phải có các biện pháp phòng ngừa khác, ngay cả khi tổng thống không có triệu chứng.”

“Điều quan trọng là giữ cho những người có thể thay mặt tổng thống điều hành quốc gia như Phó Tổng thống Pence, Thượng nghị sĩ Grassley, và các thành viên trong nội các cách ly với tổng thống.”

Trong tình huống hiện nay, Viện Brookings đề nghị cần phải bảo đảm rằng phó tổng thống Pence hạn chế tiếp xúc với các cá nhân nói chung để giảm khả năng nhiễm bệnh.


Source:Sky News Australia
 
Đức Hồng Y Tagle mời gọi: Mùa tạo dựng, một ơn gọi để làm sống lại ơn gọi quản lý vũ hoàn của chúng ta.
Thanh Quảng sdb
03:54 02/10/2020
Đức Hồng Y Tagle mời gọi: Mùa tạo dựng, một ơn gọi để làm sống lại ơn gọi quản lý vũ hoàn của chúng ta.

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc, nhấn mạnh Mùa Tạo dựng là thời điểm để cầu nguyện và để tái khám phá lại ơn gọi của chúng ta là những người quản lý vũ hoàn.

(Tin Vatican - Benedict Mayaki, SJ)

Từ ngày 1 tháng 9 đến ngày 4 tháng 10, Giáo hội gọi là Mùa Sáng tạo.

Các Kitô hữu trên toàn thế giới được mời gọi dùng thời gian này để làm mới lại mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và các tạo vật. Điều này được thực hiện với những giới hạn của cơn đại dịch Covid-19 còn đang tiếp diễn...

Trong một bức thông điệp video được ghi hình trước khi ĐHY bị xét nghiệm dương tính với Covid-19, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle nhấn mạnh tới tầm quan trọng của thời gian một tháng này với chủ đề “Năm Thánh của Trái Đất”.

Thời gian kỷ niệm sẽ được kết thúc vào Chủ nhật - ngày lễ kính Thánh Phanxicô Assisi - người cũng là vị thánh bảo trợ của hệ sinh thái.

“Đây là một mùa mang tính chất phụng vụ”, Hồng Y Tổng trưởng Bộ Truyền giáo cho các Dân tộc giải thích, “vì những cử hành cầu nguyện, và đặc biệt là cử hành Bí tích Thánh Thể, tạ ơn về những sự tốt lành của tạo vật, ân ban và tình yêu của Thiên Chúa.”

Một mùa của thông điệp sinh thái

Hồng Y Tagle tiếp tục nói "Mùa sáng tạo, là một thời gian thực thi thông điệp về hệ sinh thái, cách thế chúng ta đối xử với tạo vật cũng thái độ của chúng ta đối với cuộc sống và con người."

“Đây là một thời gian kêu gọi để tái khám phá lại ơn gọi của chúng ta với tư cách là những người quản lý tạo vật.” ĐHY thường xuyên lưu ý rằng “chúng ta hành xử như những chủ nhân ông nhưng cũng đừng quên rằng chúng ta cũng là những người chăm sóc chúng.”

Đức Hồng Y cũng nhắc lại “với niềm vui và lòng biết ơn”, việc cử hành Mùa Sáng tạo ở giáo phận Imus và Tổng giáo phận Manila - cả hai sự kiện đều ở Phi luật tân.

Kết thúc sứ điệp của mình, Đức Hồng Y Tagle mời gọi mọi người hãy cử hành Mùa Sáng Tạo, một biến cố liên kết với gia đình vũ hoàn và trong gia đình nhân loại, đặc biệt với những người nghèo khổ và cô đơn...
 
Đức Hồng Y Timothy Dolan của Tổng giáo phận New York đã gọi Thẩm phán Amy Coney Barrett là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí tại Tòa án Tối cao Hoa kỳ.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
09:09 02/10/2020
Đức Hồng Y Timothy Dolan nói rằng bà ấy giống như ứng viên tiền nhiệm, bà phải đối mặt với những thành kiến về giới tính, gia đình và đức tin của bà. Phát biểu trên chương trình “Trò chuyện với Đức Hồng Y Dolan” trên Kênh Công Giáo ngày 29 tháng 9, ĐHY Dolan ca ngợi Barrett, một bà mẹ 7 con và là giáo sư tại Trường Luật Notre Dame trước khi bà được bổ nhiệm vào Thẩm phán Tòa phúc thẩm số 7 của Hoa kỳ, như một người “coi trọng đức tin của bà ấy.” Tuy nhiên, ĐHY nói, đó không phải là lý do tại sao bà được đề cử vào Tòa án Tối cao. Dolan nói: “Tôi nghĩ bà ấy được đề cử vì bà ấy là ứng cử viên sáng giá nhất." Tôi cũng mong là như vậy. Và từ những gì tôi nghe, bà ấy là như vậy. Vì vậy, chúng ta hãy hy vọng vào điều tốt nhất.

Barrett được Tổng thống Donald Trump đề cử ngày 26 tháng 9 để lấp chỗ trống của Tòa án Tối cao vì Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời vào ngày 18 tháng 9. ĐHY Dolan nói rằng mặc dù ĐHY chưa bao giờ gặp riêng Barrett, nhưng "bà ấy chắc chắn nhận được đánh giá tốt" từ những người biết bà ấy. Dolan cho biết, ngay cả những người có thể không đồng ý với triết lý tư pháp của bà cũng nói rằng bà là “một người phụ nữ liêm chính, mạnh mẽ và độc lập.” “Tất cả đều say mê về con người của bà ấy. Theo suy nghĩ của tôi, đó là điều quan trọng nhất,” Dolan cũng nồng nhiệt nói về Ginsburg và so sánh giữa bà và Barrett như những người phụ nữ có đức tin. “Điều tôi ngưỡng mộ trong những lời ca ngợi dành cho Ruth Bader Ginsberg là về đức tin Do Thái sâu sắc của bà ấy và cách bà ấy không ngại nói rằng những giá trị của đức tin Do Thái của bà ấy đã ảnh hưởng đến cách bà ấy sống và cách bà ấy đánh giá,” Dolan nói thêm rằng không có gì phải bàn cãi khi bà ấy mô tả đức tin của mình theo cách này.

ĐHY Timothy Dolan kể lại một câu chuyện rằng Ginsburg “luôn luôn nói rằng bà ấy phải đối mặt với ba thành kiến; một người phụ nữ, một người mẹ và một người Do Thái” và Dolan nói rằng Barrett sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự. “Có vẻ như Thẩm phán Barrett đang phải đối mặt với thành kiến ​​chống lại: người phụ nữ, người mẹ và người Công Giáo”. Nếu Barrett được phê chuẩn với chức Thẩm phán tại Tòa án Tối cao, bà ấy sẽ là người phụ nữ đầu tiên có mặt tại tòa với những đứa trẻ đang tuổi đi học. Đứa con út của bà Barrett là Benjamin tám tuổi.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Catholic News Agency
 
Trò vô luân: Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc hả hê: Trump nhiễm virus là đáng đời
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
10:10 02/10/2020


Tờ Business Insider cho biết: Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã lên tiếng chế nhạo tổng thống Hoa Kỳ sau khi có tin ông và Đệ Nhất Phu Nhân được chẩn đoán dương tính với COVID-19

Tổng biên tập của một trong những cơ quan truyền thông hàng đầu của nhà nước của Trung Quốc cho rằng Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania “đã phải trả giá”.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo (环球时报 - Global Times), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản bằng Hoa văn và Anh văn cho chạy các hàng tít lớn ngay sau khi chính Tổng thống Trump xác nhận mình và Đệ nhất phu nhân Melania đã có xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Trong một tweet đánh đi lúc 12:54 khuya ngày thứ Năm rạng sáng thứ Sáu 2 tháng 10, theo giờ miền Đông Hoa Kỳ, tức là lúc 11:54 sáng thứ Sáu giờ Việt Nam, tổng thống Trump cho biết:

“Tối nay, ĐỆ NHẤT PHU NHÂN và tôi đã có kết quả dương tính với COVID-19. Chúng tôi sẽ bắt đầu tiến trình cách ly và phục hồi ngay lập tức. Chúng tôi sẽ vượt qua điều này CÙNG NHAU!”

Trước đó hơn 2 giờ, Tổng thống Trump đã gợi ý trên Fox News rằng ông có thể cần phải cách ly sau khi một trong những cố vấn cấp cao nhất của ông, cô Hope Hicks, có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Tổng thống Trump đã liên hệ chặt chẽ với nhân viên này.

Trong tweet vào lúc 10:48 tối thứ Năm 1 tháng 10, tức là 9:48 sáng thứ Sáu giờ Việt Nam, ông viết:

“Hope Hicks, người đã làm việc chăm chỉ mà không hề nghỉ ngơi một chút nào, vừa có kết quả dương tính với COVID-19. Kinh khủng! Đệ Nhất Phu Nhân và tôi đang đợi kết quả xét nghiệm của chúng tôi. Trước mắt, chúng tôi sẽ bắt đầu tiến trình cách ly của mình!”

Ngay sau khi tin tức này được loan truyền rộng rãi trên thế giới, tổng biên tập của tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã tweet rằng tổng thống Mỹ và phu nhân của ông đáng bị mắc bệnh này.

“Tổng thống Trump và đệ nhất phu nhân đã phải trả giá cho canh bạc của mình khi tìm cách hạ thấp tầm mức của COVID-19,” tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu là Hồ Hi Kim (Hu Xijin-胡希金) viết trên Twitter.

“Tin tức cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình đại dịch tại Hoa Kỳ,” Hu nói thêm và không dấu được sự mừng rỡ khi cho rằng tin tức này “sẽ tác động tiêu cực đến hình ảnh của Trump và của Mỹ, và cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc tái đắc cử của hắn ta.”

Tổng thống Trump đã được xét nghiệm coronavirus sau khi cố vấn Tòa Bạch Ốc là cô Hope Hicks có kết quả dương tính vào hôm thứ Tư.

Cô luật sư Hicks, một thành viên trong ban cố vấn của tổng thống Trump, đã ở bên tổng thống trong suốt chuyến công du của ông trong tuần này, bao gồm chuyến bay trên chiếc Air Force One để bay đến Cleveland, Ohio tranh luận với ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden vào hôm thứ Ba.

Bác sĩ Sean Conley của Tòa Bạch Ốc đã đưa ra một lá thư trình bày chi tiết về các chẩn đoán. Ông cho biết cả tổng thống Trump và Đệ Nhất Phu Nhân “đều khỏe mạnh vào thời điểm này”. Bác sĩ Conley nói thêm rằng ông hy vọng tổng thống có thể “tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình không chút gián đoạn trong khi phục hồi.”

Hồ Hi Kim đã từng là người chỉ trích mạnh mẽ tổng thống của Trump, đặc biệt khi đại dịch coronavirus lan rộng trên toàn cầu và sau khi quan hệ Mỹ-Trung rơi vào tình trạng ngày càng sa sút. Tờ Thời báo Hoàn cầu, đã được nhiều người coi là một cơ quan tuyên truyền chuyên tung ra các thông tin sai lệch theo ý đồ của nhà nước.

Tháng 6 năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ định Thời báo Hoàn cầu và một số cơ quan truyền thông khác của Trung Quốc là cơ quan đại diện nước ngoài “do chính phủ ngoại bang kiểm soát” sau khi tờ báo này cho rằng coronavirus là do lính Mỹ gây ra.

Bộ Ngoại giao cũng hạn chế số lượng nhân viên làm việc cho các hãng truyền thông Trung Quốc tại Mỹ. Động thái này đã dẫn đến một đòn trả đũa từ Bắc Kinh. Hàng chục nhà báo của The New York Times, Washington Post và Wall Street Journal bị trục xuất về nước

Bình luận viên Andrew Bolt của Sky News Australia, bày tỏ nỗi buồn trước cách hành xử của Trung Quốc: “Đất nước có một nền văn hóa truyền thống lâu đời giờ đây lại đi cười nhạo những nạn nhân của đại dịch kinh hoàng do chính mình gây ra. Thật là một chuyện vô luân.”

Bất kể những trấn an của Bác sĩ Conley, Tổng thống Trump năm nay đã 74 tuổi, cho nên trên các mạng xã hội, nhiều người kêu gọi cầu nguyện cho Tổng thống Trump, Phu Nhân và cô Hope Hicks. Hiến pháp Hoa Kỳ đã dự trù cho trường hợp xấu nhất khi vì lý do nào đó tổng thống qua đời hay rơi vào tình trạng không thể điều hành đất nước. Điều 2, phần 1, triệt 6, cùng với các tu chính án thứ 12, 20 và 25 quy định phó tổng thống là người lên thay. Trong trường hợp hiện nay là phó tổng thống Mike Pence. Người kế tiếp là chủ tịch Hạ Viện Nancy Peolosi, rồi đến Phó Chủ Tịch Thượng Viện Chuck Grassley, sau đó mới đến Ngoại trưởng Mike Pompeo.


Source:Business Insider
 
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết các giới hạn thờ phượng ở San Francisco là quá hà khắc
Đặng Tự Do
17:07 02/10/2020


Hôm 25 tháng 9, Bộ Tư pháp Mỹ đã cảnh báo các quan chức San Francisco rằng những hạn chế hiện tại đối với việc thờ phượng công cộng trong thành phố có thể đã vi hiến. Tuyên bố này của Bộ Tư pháp đã nhận được lời khen ngợi từ Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu, Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng:

“Người Công Giáo ở San Francisco đã kiên nhẫn chịu đựng sự bất công trong nhiều tháng. Cuối cùng, một cơ quan pháp luật có thẩm quyền đang thách thức các quy tắc vô lý của thành phố, vốn không có cơ sở khoa học, nhưng dựa trên sự thù địch với niềm tin tôn giáo và đặc biệt là thù địch với Giáo Hội Công Giáo.”

Hôm 25 tháng 9, Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi một lá thư cho Thị trưởng London Breed, cảnh báo rằng quy tắc của thành phố chỉ cho phép “một người cầu nguyện” trong các thánh đường ở mọi thời điểm bất kể nhà thờ lớn đến mức nào - trong khi cho phép nhiều người hiện diện bên trong các cơ sở khác - là “quá hà khắc” và “trái với Hiến pháp và truyền thống tự do tôn giáo tốt nhất của quốc gia.”

Các hạn chế của San Francisco đối với việc thờ phượng công cộng vẫn là một trong những hạn chế nghiêm ngặt nhất trong cả nước. Cho đến ngày 14 tháng 9, việc thờ phượng công cộng trong thành phố bị giới hạn ở 12 người tham gia ở ngoài trời, và các cử hành phụng vụ trong nhà bị cấm.

Kể từ ngày 14 tháng 9, các nhà thờ phượng được phép có 50 người tham gia các buổi lễ tôn giáo ngoài trời, và các cử hành phụng vụ trong nhà chỉ được duy nhất một người cho đến ít nhất là ngày 1 tháng 10.

Lệnh của San Francisco từ ngày 14 tháng 9 quy định rằng “chỉ một cá nhân có thể vào nhà thờ tại mọi thời điểm,” mà không nêu được lý do tại sao.

Bức thư của Bộ Tư pháp kêu gọi thị trưởng London Breed đối xử bình đẳng với các nơi thờ phượng so với các địa điểm khác, nơi mọi người chia sẻ không gian bên trong nhà, chẳng hạn như phòng tập thể dục, tiệm xăm, tiệm làm tóc, tiệm mát-xa và nhà trẻ.

Tại các cơ sở đó, chính quyền thành phố San Francisco đã cho phép công suất từ 10 đến 50 phần trăm, tùy thuộc vào loại thương nghiệp và với điều kiện phải tuân theo các biện pháp vệ sinh và cách xa nhau 6 feet.

Hơn 19,000 người đã ký vào một bản kiến nghị hỗ trợ lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Cordileone về việc bãi bỏ các hạn chế liên quan đến các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự


Source:Catholic News Agency

 
Nhà thờ Công Giáo bị phá hoại ở California với các khẩu hiệu và hình vẽ đầy xúc phạm
Đặng Tự Do
17:08 02/10/2020


Một nhà thờ Công Giáo ở California đã bị vẽ bậy, với hình chữ thập của Đức Quốc Xã, cây thánh giá bị lộn ngược và các thông điệp khác được sơn trên cửa và lối vào nhà thờ.

“Sáng nay nhà thờ yêu dấu của chúng tôi đã bị bôi bẩn bằng những ngôi sao năm cánh biểu tượng của Satan, thánh giá lộn ngược, chữ vạn, Black Lives Matter... Điều này nhắc nhở chúng tôi cầu nguyện cho những người anh em của mình ở Iraq đang phải đối mặt với sự đàn áp. Xin hãy cầu nguyện cho những kẻ đã làm điều này”, cha sở nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô của Công Giáo nghi lễ Chanđê ở El Cajon, California cho biết như trên trong một tuyên bố đăng trên Facebook hôm 26 tháng 9.

Nhà thờ chính tòa này là nơi đặt trụ sở của giáo phận Công Giáo Đông phương Thánh Phêrô Tông đồ ở San Diego. Giáo phận Công Giáo Đông phương này có khoảng 70,000 người Công Giáo.

Một đoạn video được giáo xứ đăng trên Facebook cho thấy rất nhiều biểu tượng, có vẻ như trái ngược nhau, được phun bằng sơn trên tòa nhà và cửa nhà thờ bao gồm chữ vạn của Đức Quốc Xã, cùng với cây thánh giá lộn ngược. Bên cạnh, “BLM”, tượng trưng cho Black Lives Matter” còn có dòng chữ “White Power” và “ Biden 2020.”

Một số biểu tượng không thể giải thích được, những biểu tượng khác đại diện cho các khẩu hiệu hoặc các ý thức hệ thông thường không liên quan gì đến nhau, thậm chí là đối kháng nhau, khiến người ta khó hiểu được động cơ của hành động phá hoại này.

Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê là một Giáo Hội Công Giáo phương Đông với hơn 600,000 tín hữu. Có trụ sở chính tại Baghdad, Giáo Hội Công Giáo Chanđê có nhiều tín hữu Công Giáo ở Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và ở nhiều nước Tây phương. Giáo hội đã phát triển mạnh ở Hoa Kỳ trong những thập kỷ gần đây, trong bối cảnh làn sóng người tị nạn và nhập cư từ Trung Đông.

Vụ phá hoại xảy ra trong bối cảnh một loạt các vụ việc tương tự tại các nhà thờ Công Giáo đã kéo dài trong nhiều tháng qua. Đầu tuần này, một người đàn ông đã đốt các băng ghế trong một vụ tấn công đốt phá ở một nhà thờ Công Giáo ở Florida, và một người đàn ông khác dùng gậy bóng chày làm hỏng một cây thánh giá và một số cánh cửa tại một chủng viện ở Texas.


Source:Catholic News Agency
 
Bầu cử 2020: Lần đầu tiên viện Gallup công bố đa số dân Mỹ tin rằng ông Trump sẽ thắng
Trần Mạnh Trác
18:14 02/10/2020
Trong khi phần đông các hãng thăm dò đưa ra kết quả là ông Trump vẫn thua ông Biden khoảng 6,7 điểm, nhưng viện Gallup vừa mới công bố kết quả mới nhất cuả cuộc thăm dò kéo dài 2 tuần lễ trước, với kết luận đa số dân Mỹ tin tưởng ông Trump sẽ thắng cử.

Ngoại trừ có một bất ngờ vào tháng 10 này (không rõ tin ông Trump bị nhiễm COVID có là một bất ngờ không?) thì cứ theo đà phát triển hiện nay, ông Trump sẽ thắng giống như ông Obama hồi năm 2012.

Viện Gallup là cơ quan thăm dò đã đưa ra kết quả xít sao nhất về số phiếu cuả ông Trump và bà Clinton hồi năm 2016, tuy nhiên lúc đó họ cho rằng bà Clinton sẽ thắng, trái với thực tế là ông Trump tuy thua phiếu dân bầu nhưng lại thắng ở những tiểu bang xôi đậu cho nên số ‘cử tri đoàn’ cuả ông cao hơn.

Ngày thứ Năm hôm qua, Gallup công bố dữ liệu về sự hài lòng cuả dân chúng về ông Trump, chỉ số là 46% về nội trị và 50% về kinh tế. So với đầu tháng 9, thì có một sự tiến triển là 3%, mà viện Gallup cho rằng ông Trump đạt được nhờ ở sự đề cử Tối Cao Pháp viện mới đây.

Những con số trên cho thấy có sự tương đương nếu so sánh với ông Obama trong cùng một hoàn cảnh tái tranh cử năm 2012. Obama lúc đó được 47% về nội trị và 50% về kinh tế.

Một sự kiện đáng nói nữa là sự tin tưởng cuả giới cử tri:

Gallup cho biết có đến 56% người Mỹ tin rằng ông Trump sẽ thắng cử so với chỉ có 40% tin vào ông Biden.

Có tới 90% cử tri cuả đảng Cộng Hoà, 56% cử tri độc lập và 24% cử tri Dân Chủ tin rằng ông Trump thắng.

Còn những người theo phe Dân Chủ dường như càng ngày càng ít tin tưởng ông Biden, chỉ có 73% nghĩ rằng ông ta có thể thắng.
 
Tông thư Scripturae Sacrae Affectus của Đức Phanxicô nhân kỷ niệm lần thứ 1,600 ngày qua đời của Thánh Giêrôm 2
Vũ Văn An
18:46 02/10/2020

Từ Rôma đến Bêlem

Cuộc hành trình đời sống của Thánh Giêrôm đã đi qua những con đường của Đế quốc Rôma giữa Châu Âu và Phương Đông. Sinh ra vào khoảng năm 345 tại Stridon, biên giới giữa Dalmatia và Pannonia, thuộc Croatia và Slovenia ngày nay, ngài đã nhận được sự dưỡng dục vững chắc trong một gia đình Kitô giáo. Theo thông lệ vào thời đó, ngài đã chịu phép rửa khi trưởng thành vào khoảng năm 358 đến năm 364, trong khi học hùng biện ở Rôma. Trong thời gian lưu trú tại Rôma, ngài trở thành người đọc không biết chán các tác phẩm cổ điển tiếng Latinh, theo học với các bậc thầy nổi tiếng nhất của khoa hùng biện đang sống khi đó.



Sau khi học, ngài đã thực hiện một cuộc hành trình dài qua xứ Gaul, nơi đưa ngài đến thành phố đế quốc Trier, ngày nay thuộc Đức. Ở đó, lần đầu tiên, ngài gặp phong trào đơn tu phương Đông do Thánh Athanasius phổ biến. Kết quả là sự khao khát sâu sắc và lâu dài đối với trải nghiệm đó, dẫn ngài đến Aquileia, nơi cùng với một vài người bạn của mình, “một ca đoàn gồm những người có diễm phúc” [7], ngài bắt đầu một thời kỳ sống chung.

Vào khoảng năm 374, khi ngang qua Antioch, ngài quyết định ẩn dật tại sa mạc Chalcis, để thể hiện cách triệt để hơn lối sống khổ hạnh, trong đó một chỗ lớn được dành cho việc nghiên cứu các ngôn ngữ Kinh thánh, đầu tiên là tiếng Hy Lạp và sau đó, tiếng Do Thái. Ngài học dưới sự hướng dẫn của một người Do Thái đã gia nhập Kitô giáo, người đã dẫn nhập ngài vào kiến thức tiếng Do Thái và âm thanh của nó, điều mà ngài thấy là “khắc nghiệt và bật hơi [aspirate]” (8).

Giêrôm đã cố ý chọn sa mạc và cuộc sống ẩn tu vì ý nghĩa sâu xa hơn của chúng như là cứ điểm của những quyết định hiện sinh nền tảng, của sự gần gũi và gặp gỡ Thiên Chúa. Ở đó, qua chiêm niệm, thử thách nội tâm và chiến đấu tâm linh, ngài hiểu ra đầy đủ hơn các điểm yếu của chính mình, các giới hạn của chính mình và của những người khác. Cũng ở đó, ngài còn phát hiện ra tầm quan trọng của nước mắt [9]. Sa mạc đã dạy cho ngài sự nhạy cảm trước sự hiện diện của Thiên Chúa, sự phụ thuộc cần thiết của chúng ta vào Người và những niềm an ủi phát sinh từ lòng thương xót của Người. Ở đây, tôi nhớ lại một câu chuyện ngụy thư, trong đó thánh Giêrôm hỏi Chúa: "Chúa muốn gì ở con?" Nghe thế, Chúa Kitô trả lời: “Con vẫn chưa cho Ta mọi sự”. “Nhưng Chúa ơi, con đã cho Chúa đủ mọi thứ rồi”. "Một điều con chưa cho Ta". "Đó là điều gì?" “Hãy cho Ta tội lỗi của con, để Ta có thể vui mừng khi tha chúng một lần nữa” [10].

Sau đó, chúng ta thấy ngài ở Antioch, nơi ngài được phong linh mục bởi vị giám mục của thành phố đó, là Paulinus, và sau đó, vào khoảng năm 379, ở Constantinople, nơi ngài gặp Thánh Gregory thành Nazianzus và tiếp tục việc học của mình. Ngài đã dịch từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh một số tác phẩm quan trọng (các bài giảng của Origen và Biên niên sử của Eusebius) và có mặt tại Công đồng được cử hành ở đó vào năm 381. Những năm học tập đó đã bộc lộ lòng nhiệt tình rộng lượng và niềm khao khát tri thức dồi dào khiến ngài không mệt mỏi và say mê trong công việc của mình. Như ngài đã nói: “Đôi khi tôi tuyệt vọng; thường thì tôi bỏ cuộc, nhưng rồi tôi lại trở về với ý chí học hỏi ngoan cường”. "Hạt giống đắng đót" trong nghiên cứu của ngài phải tạo ra "hoa trái thơm ngon" [11].

Năm 382, Thánh Giêrôm trở lại Rôma và đặt mình phục vụ Đức Giáo Hoàng Damasus, người, trong khi đánh giá cao các tài năng xuất chúng của ngài, đã đặt ngài làm một trong những cộng sự thân cận của mình. Ở đó, thánh Giêrôm tham gia vào các hoạt động liên tục, nhưng không hề bỏ qua các vấn đề tâm linh. Trên đồi Aventine, được sự hỗ trợ của các phụ nữ Rôma quý tộc có ý định hướng đến một cuộc sống triệt để theo tinh thần Phúc Âm, như Marcella, Paula, và con gái của bà là Eustochium, ngài đã tạo ra một chuyên nhóm (cenacle) chuyên chăm đọc và nghiên cứu Kinh thánh một cách nghiêm túc. Thánh Giêrôm đóng vai trò nhà chú giải, thầy dạy và hướng dẫn tâm linh. Vào thời đó, ngài tiến hành việc sửa lại các bản dịch tiếng Latinh trước đó của các sách Tin Mừng và có lẽ cả các phần khác của Tân ước. Ngài tiếp tục công việc dịch các bài giảng và các bài bình luận Kinh thánh của Origen, tham gia vào hàng loạt công việc viết thư rất nhộn nhịp, công khai luận bác các tác giả dị giáo, một cách có lúc quá độ nhưng luôn luôn được khuyến khích bởi ý muốn thành thực này là bảo vệ đức tin chân chính và kho tàng Kinh thánh.

Thời kỳ căng thẳng và đầy hiệu năng này đã bị gián đoạn bởi cái chết của Đức Giáo Hoàng Damasus. Thánh Giêrôm thấy mình buộc phải rời Rôma, đi theo là bạn bè và một số phụ nữ mong muốn tiếp tục trải nghiệm đời sống tâm linh và nghiên cứu Kinh thánh đã bắt đầu; ngài rời đến Ai Cập, nơi ngài gặp nhà thần học vĩ đại, Thánh Didymus Mù. Sau đó, ngài đến Palestine và vào năm 386 định cư lâu dài tại Bêlem. Ngài tiếp tục nghiên cứu các bản văn Kinh thánh, các bản văn giờ đây đã bỏ neo ở lại chính những nơi chúng vốn nói tới.

Tầm quan trọng ngài dành cho các nơi thánh không những được thấy qua quyết định sống ở Palestine từ năm 386 cho đến khi ngài qua đời mà còn qua sự trợ giúp ngài dành cho những người hành hương. Tại Bêlem, một nơi thân thiết với trái tim ngài, ngài đã thành lập trong các khu vực xung quanh hang Chúa Giáng sinh, các tu viện "song sinh", nam và nữ, với các nhà tế bần để cung cấp chỗ ở cho các người hành hương thánh địa. Đây cũng là một dấu hiệu khác nữa cho thấy lòng quảng đại của ngài, vì ngài đã giúp cho nhiều người khác có thể nhìn thấy và chạm vào những địa danh của lịch sử cứu độ, và tìm được sự phong phú cả về văn hóa lẫn tinh thần [12].

Nhờ chăm chú lắng nghe Sách Thánh, Thánh Giêrôm tiến tới chỗ biết mình và tìm được thánh nhan Thiên Chúa và anh chị em mình. Ngài cũng được củng cố trong việc được cuốn hút vào đời sống cộng đồng. Mong muốn được sống với bạn bè, như khi ở Aquileia, đã khiến ngài thành lập các cộng đồng đơn tu để theo đuổi lý tưởng đơn tu của đời sống đạo. Ở đó, đan viện được coi như một “trường dạy võ” (palaestra) để huấn luyên những người đàn ông và đàn bà “coi mình là nhỏ bé nhất, để trở thành những người đứng đầu tất cả”, bằng lòng với sự nghèo khó và có khả năng dạy người khác bằng phong cách sống của riêng mình. Thánh Giêrôm coi đó như một kinh nghiệm đào tạo để sống “dưới sự quản trị của một bề trên duy nhất và trong sự đồng hành của nhiều người” để học đức khiêm nhường, kiên nhẫn, im lặng và hiền lành, trong ý thức rằng “sự thật không yêu những ngõ ngách tối tăm và không tìm kiếm những người cằn nhằn ” [13]. Ngài cũng thú nhận rằng ngài “khao khát những căn phòng chật hẹp của đan viện” và “mong muốn sự háo hức của những con kiến, trong đó, tất cả cùng làm việc với nhau, không điều gì thuộc về bất cứ cá nhân nào, và mọi sự thuộc về mọi người” [14].

Thánh Giêrôm xem việc nghiên cứu của mình không phải như một trò tiêu khiển thú vị và là mục đích tự tại, nhưng là một thao tác thiêng liêng và một phương tiện để đến gần Thiên Chúa hơn. Việc đào tạo cổ điển của ngài giờ đây hướng đến việc phục vụ cộng đồng giáo hội sâu sắc hơn. Chúng ta nghĩ tới sự hỗ trợ được ngài dành cho Đức Giáo Hoàng Damasus và sự cam kết của ngài đối với việc huấn giáo các phụ nữ, đặc biệt trong việc học tiếng Do Thái, từ thời có chuyên nhóm đầu tiên trên đồi Aventine. Bằng cách này, ngài đã giúp Paula và Eustochium “gia nhập hàng ngũ dịch giả đông đúc” [15], và, một điều chưa từng có trong thời đó, có thể đọc và hát các Thánh vịnh bằng ngôn ngữ gốc [16].

Sự thông thái tuyệt vời của ngài đã được sử dụng để cung ứng việc phục vụ cần thiết cho những người được kêu gọi rao giảng Tin Mừng. Như ngài đã nhắc nhở người bạn của mình là Nepotianus: “Lời lẽ của linh mục phải được thêm hương vị bởi việc đọc Kinh thánh. Tôi không muốn ngài là một người bác bỏ hoặc lang băm nhiều lời, nhưng là một người hiểu giáo lý thánh thiêng (mysterii) và biết sâu sắc những lời dạy dỗ (sacramentorum) của Thiên Chúa ngài. Điển hình của những kẻ ngu dốt là đùa giỡn với lời nói và thu hút sự ngưỡng mộ của những người kém cỏi bằng cách nói cho lưu loát. Những người không biết xấu hổ đó thường giải thích rằng điều họ không biết và giả vờ là một chuyên gia vĩ đại chỉ vì họ thành công trong việc thuyết phục được nhiều người khác ” [17].

Những năm của Thánh Giêrôm ở Bêlem, cho đến khi ngài qua đời năm 420, là giai đoạn có hiệu năng và mãnh liệt nhất trong cuộc đời ngài, hoàn toàn chuyên tâm vào việc nghiên cứu Kinh thánh và cho công việc đồ sộ là dịch toàn bộ Cựu Ước dựa trên nguyên bản tiếng Do Thái. Đồng thời, ngài bình luận về các sách tiên tri, Thánh Vịnh và các thư của Thánh Phaolô, và viết các hướng dẫn cho việc học hỏi Kinh thánh. Sự học hỏi sâu sắc vốn tìm thấy trong các tác phẩm của ngài là kết quả của một nỗ lực hợp tác, từ việc sao chép và đối chiếu các bản chép tay đến suy gẫm và thảo luận thêm. Như ngài từng nói: “Tôi chưa bao giờ tin tưởng vào sức mạnh của riêng tôi trong việc nghiên cứu các tác phẩm thần thiêng… Tôi có thói quen đặt câu hỏi, cả về điều tôi nghĩ tôi biết lẫn về điều mà tôi không chắc chắn” [18]. Ý thức được các hạn chế của mình, ngài đã cầu xin liên tục và sự chuyển cầu để ngài nỗ lực dịch các bản văn thánh thiêng “trong cùng một Chúa Thánh Thần mà nhờ Người chúng đã được viết ra” [19]. Ngài cũng không bỏ qua việc dịch các tác phẩm của các tác giả cần thiết cho việc chú giải, chẳng hạn như Origen, “để làm cho các tác phẩm này tới tay những người muốn nghiên cứu tài liệu này một cách sâu sắc và có hệ thống hơn” [20].

Là một công trình được thực hiện trong cộng đồng và phục vụ cộng đồng, hoạt động học thuật của thánh Giêrôm có thể được dùng như một điển hình của tính đồng nghị đối với chúng ta và đối với thời đại của chúng ta. Nó cũng có thể được dùng làm mô hình cho các định chế văn hóa khác nhau của Giáo hội, được kêu gọi trở thành “những nơi trong đó, tri thức trở thành phục vụ, vì không một phát triển nhân bản chân chính và toàn vẹn nào có thể diễn ra nếu không có khối tri thức vốn là kết quả của sự hợp tác và dẫn đến sự hợp tác lớn lao hơn” [21]. Nền tảng của sự hiệp thông đó là Kinh thánh, mà chúng ta không thể chỉ đọc một mình: “Kinh thánh do Dân Thiên Chúa viết cho Dân Thiên Chúa, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong sự hiệp thông này với Dân Thiên Chúa, chúng ta mới có thể, với tư cách là ‘chúng ta’, thực sự bước vào tâm điểm của chân lý mà chính Thiên Chúa muốn truyền đạt cho chúng ta ” [22].

Kinh nghiệm vững chắc của ngài về cuộc sống được nuôi dưỡng bởi lời Chúa đã giúp Thánh Giêrôm, qua nhiều bức thư ngài viết, trở thành người hướng dẫn tâm linh. Ngài đã trở thành bạn đồng hành của nhiều người, vì ngài tin chắc rằng “không thể học được kỹ năng nào nếu không có thầy dạy”. Vì vậy, ngài đã viết cho Rusticus: “Đây là điều tôi muốn làm cho bạn hiểu, bằng cách nắm lấy tay bạn theo kiểu người lính thủy thời xưa, sống sót sau một số vụ đắm tàu, cố gắng dạy một thủy thủ trẻ” [23]. Từ nơi trú ẩn yên tĩnh của ngài trong thế giới, ngài theo dõi các vấn đề của con người trong một thời đại có nhiều biến động, được đánh dấu bằng các biến cố như sự kiện thành Rôma bị cướp phá năm 410, một biến cố đã ảnh hưởng sâu sắc đến ngài.

Trong những bức thư đó, ngài đã bàn đến các tranh cãi về tín lý, kiên quyết bảo vệ tín lý đúng đắn. Những lá thư của ngài cũng cho thấy giá trị mà ngài đặt vào các mối quan hệ. Thánh Giêrôm có thể mạnh mẽ nhưng cũng dịu dàng, chân thành quan tâm đến người khác, và, vì “tình yêu là vô giá” [24], nên đã nhiệt tình trong việc thể hiện tình cảm chân chính. Điều này cũng có thể được nhìn thấy từ sự kiện ngài đã cung hiến các tác phẩm dịch thuật và bình luận của mình như một munus amicitiae (bổn phận của tình bạn). Trên hết, chúng phải là một món quà dành cho bạn bè, những người ngài thư từ với và những người mà tác phẩm của ngài được đề tặng - tất cả những người được ngài cầu xin đọc chúng bằng một con mắt thân thiện thay vì chỉ trích - mà cả các độc giả, những người cùng thời với ngài và những người sẽ đến sau họ [25].

Thánh Giêrôm đã dành những năm cuối đời để đọc Kinh Thánh bằng một tư thế cầu nguyện, cả riêng tư lẫn trong cộng đồng, bằng cách suy niệm, và phục vụ anh chị em qua các tác phẩm của mình. Tất cả những điều này ở Bêlem, gần hang nơi Ngôi Lời vĩnh cửu được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria. Vì ngài tin chắc rằng “Phúc thay những ai mang trong mình cây thập tự giá, sự phục sinh, các nơi Chúa giáng sinh và thăng thiên! Phúc thay ai có Bêlem trong trái tim, trong tim họ ‘Chúa Kitô sinh ra mỗi ngày!” [26].

Khía cạnh “khôn ngoan” trong đời sống của Thánh Giêrôm

Để hiểu đầy đủ về nhân cách của Thánh Giêrôm, chúng ta cần phải thống nhất hai chiều kích vốn là đặc điểm của đời ngài như một tín hữu: một mặt là sự tận hiến tuyệt đối và khắc khổ cho Thiên Chúa, từ bỏ mọi thỏa mãn của con người vì tình yêu Chúa Giêsu chịu đóng đinh (x.1 Cr 2: 2; Phil 3: 8.10), và mặt khác, một cam kết học tập chuyên cần, hoàn toàn nhằm mục đích hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về mầu nhiệm Chúa Kitô. Chứng tá kép này, do Thánh Giêrôm cung cấp một cách kỳ diệu, có thể là một kiểu mẫu trên hết cho các đan sĩ vì tất cả những ai sống đời khổ hạnh và cầu nguyện đều được thúc giục cống hiến đời mình cho công việc nghiên cứu và suy tư đầy đòi hỏi. Nó cũng là một mô hình cho các học giả, những người nên luôn ghi nhớ rằng tri thức chỉ có giá trị tôn giáo nếu nó được đặt cơ sở trên tình yêu độc chiếm dành cho Thiên Chúa, ngoài mọi tham vọng của con người và khát vọng trần tục.

Hai khía cạnh này của cuộc đời ngài đã được phát biểu trong lịch sử nghệ thuật. Thánh Giêrôm thường được các bậc thầy về hội họa phương Tây miêu tả theo hai truyền thống ảnh tượng khác biệt. Người ta có thể mô tả một truyền thống chủ yếu là đan tu và đền tội, cho thấy thánh Giêrôm với thân hình tiều tụy vì nhịn ăn, sống trong sa mạc, quỳ gối hoặc phủ phục dưới đất, trong nhiều trường hợp, tay ôm đá và đập ngực, mắt hướng về Chúa bị đóng đinh. Trong đường hướng này, chúng ta thấy kiệt tác cảm động của Leonardo da Vinci hiện đang trưng bày tại Viện bảo tàng Vatican. Một truyền thống khác cho thấy thánh Giêrôm trong trang phục của một học giả, ngồi bên bàn viết, có ý định dịch và bình luận các Sách thánh, bao quanh là các sách cuộn và sách bằng da, nhằm để bảo vệ đức tin bằng sự uyên bác và các tác phẩm của mình. Xin dẫn chứng một thí dụ nổi tiếng, Albrecht Dürer đã nhiều lần khắc họa ngài trong tư thế này.

Hai khía cạnh trên được kết hợp với nhau trong bức tranh của Caravaggio đặt tại Phòng trưng bày Borghese ở Rôma: thực vậy, trong một cảnh duy nhất, vị khổ hạnh già nua được trình bầy chỉ mặc một chiếc áo choàng màu đỏ với chiếc đầu lâu trên bàn, một biểu tượng cho tính phù phiếm của các thực tại trần thế; nhưng đồng thời ngài được miêu tả rõ ràng là một học giả, mắt dán vào cuốn sách trong khi bàn tay nhúng bút lông vào lọ mực - hành động điển hình của một nhà văn.

Hai khía cạnh “khôn ngoan” (sapiential) trên hết sức hiển nhiên trong cuộc đời của Thánh Giêrôm. Nếu, với tư cách là một “Sư tử Bêlem” thực sự, ngài có thể tàn bạo trong ngôn ngữ của ngài, thì ngôn ngữ đó luôn phục vụ cho một sự thật mà ngài vốn cam kết vô điều kiện. Như ngài đã giải thích trong phần đầu của tác phẩm của mình, Cuộc đời của Thánh Phaolô, Ẩn sĩ thành Thebes, những con sư tử biết gầm thét nhưng cũng biết khóc [27]. Điều thoạt đầu dường như là hai khía cạnh tách biệt nhau trong nhân cách Thánh Giêrôm đã được Chúa Thánh Thần kết hợp qua một diễn trình trưởng thành nội tâm.

Tình yêu đối với Sách Thánh

Đặc điểm nổi bật trong linh đạo của Thánh Giêrôm chắc chắn là tình yêu nồng nàn của ngài đối với lời Chúa vốn được giao phó cho Giáo hội trong Kinh thánh. Tất cả các Tiến sĩ của Giáo hội - đặc biệt là những vị thuộc thời kỳ sơ khai của Kitô giáo - đã rút tỉa nội dung giáo huấn của họ một cách minh nhiên từ Kinh thánh. Tuy nhiên, Thánh Giêrôm đã làm như vậy một cách có hệ thống và khác biệt hơn.

Trong thời gian gần đây, các nhà chú giải đã đánh giá cao thiên tài tường thuật và thi ca của Kinh Thánh và phẩm chất diễn đạt tuyệt vời của nó. Thay vào đó, Thánh Giêrôm đã nhấn mạnh trong Kinh thánh tính cách khiêm tốn của mặc khải Thiên Chúa, được trình bày dưới những ngữ điệu thô ráp và gần như nguyên sơ của ngôn ngữ Do Thái so với sự trau chuốt của tiếng Latinh nơi Ciceron. Ngài dành hết tâm sức cho việc nghiên cứu Kinh thánh không phải vì các lý do thẩm mỹ, mà - như ai cũng biết - chỉ vì Kinh thánh đã giúp ngài nhận biết Chúa Kitô. Thật vậy, thiếu hiểu biết về Kinh thánh là thiếu hiểu biết về Chúa Kitô [28].

Thánh Giêrôm dạy chúng ta rằng không những phải nghiên cứu và bình luận các sách Tin Mừng và Truyền thống tông đồ trong Công vụ Tông đồ và trong các Thư tín, mà cả toàn bộ Cựu ước cũng không thể thiếu để hiểu được sự thật và sự phong phú của Chúa Kitô [ 29]. Bản thân Tin Mừng cũng đủ cho ta bằng chứng về điều đó: nó nói với chúng ta về Chúa Giêsu như Người Thầy từng kêu gọi Môsê, các Ngôn sứ và Thánh vịnh (x. Lc 4: 16-21; 24: 27.44-47) để giải thích mầu nhiệm của chính Người. Lời rao giảng của các thánh Phêrô và Phaolô trong Công Vụ Tông Đồ cũng bắt nguồn từ Cựu Ước, ngoài điều này, chúng ta không thể hiểu đầy đủ về hình bóng của Con Thiên Chúa, Đấng Mêsia và Đấng Cứu Rỗi. Cũng không nên coi Cựu Ước chỉ đơn thuần là một kho trích dẫn khổng lồ nhằm chứng minh sự ứng nghiệm của những lời tiên tri cổ xưa về con người của Chúa Giêsu thành Nadarét. Đúng hơn, chỉ dưới ánh sáng các tiên trưng (prefigurement) của Cựu Ước, người ta mới có thể biết cách sâu sắc hơn ý nghĩa của biến cố Kitô như đã được mạc khải trong cái chết và sự sống lại của Người. Ngày nay, chúng ta cần khám phá lại, trong việc dạy giáo lý và giảng thuyết, cũng như trong việc trình bày thần học, sự đóng góp không thể thiếu của Cựu Ước, vốn cần được đọc và thẩm thấu như một nguồn nuôi dưỡng thiêng liêng vô giá (xem Edk 3: 1-11; Kh 10: 8-11) [30].

Lòng sùng kính hoàn toàn của Thánh Giêrôm đối với Sách Thánh được chứng tỏ qua cách nói và cách viết say mê của ngài, tương tự như cách nói của các nhà tiên tri xưa. Từ họ, vị Tiến sĩ Hội thánh này đã rút tỉa ngọn lửa bên trong vốn đã trở thành lời nói mãnh liệt và bùng nổ (xem Grm 5:14; 20: 9; 23:29; Mlk 3: 2; Hc 48: 1; Mt 3:11; Lc 12,49) rất cần để phát biểu lòng nhiệt thành bừng cháy của một người phục vụ chính nghĩa Thiên Chúa. Giống như Êlia, Gioan Tẩy Giả và Tông đồ Phaolô, sự phẫn nộ trước những lời nói dối, đạo đức giả và sự dạy dỗ sai trái đã làm cho ngôn từ của Thánh Giêrôm bừng lửa, khiến nó trở nên khiêu khích và có vẻ gay gắt. Chúng ta có thể hiểu rõ hơn chiều kích bút chiến của các tác phẩm của ngài nếu chúng ta đọc chúng dưới ánh sáng của truyền thống tiên tri đích thực nhất. Do đó, Thánh Giêrôm xuất hiện như một hình mẫu chứng tá kiên quyết cho sự thật, chuyên sử dụng sự hà khắc của trách móc để thúc đẩy sự hoán cải. Bằng sự mạnh mẽ trong các phát biểu và hình ảnh của mình, ngài cho thấy lòng can đảm của một người đầy tớ không muốn làm hài lòng người khác, mà chỉ mong muốn một mình Chúa của ngài mà thôi (Gl 1:10), chính vì vị này mà ngài đã dùng hết năng lực tinh thần của ngài.

Nghiên cứu Sách thánh

Tình yêu say mê của Thánh Giêrôm đối với Sách Thánh thấm đượm đức vâng lời. Trước hết, là vâng lời Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải trong những lời nói đòi được nghe một cách tôn kính [31], và sau đó vâng lời những người trong Giáo hội, vốn đại diện cho Truyền thống sống động nhằm giải thích sứ điệp được mạc khải. Tuy nhiên, “sự vâng phục của đức tin” (Rm 1: 5; 16:26) không phải là sự tiếp nhận thụ động đơn thuần một điều gì đó đã được biết đến; ngược lại, nó đòi hỏi một nỗ lực tích cực bản thân để hiểu những gì đã được nói. Chúng ta có thể coi Thánh Giêrôm như một “đầy tớ” của Lời Chúa, trung thành và siêng năng, hoàn toàn tận tụy cổ vũ nơi anh chị em mình trong đức tin một sự hiểu biết đầy đủ hơn về “kho tàng” thánh thiêng đã được trao phó cho họ (x. 1Tm 6: 20; 2 Tm 1:14). Nếu không hiểu những gì đã được các tác giả linh hứng viết ra, thì lời Thiên Chúa tự nó mất hết tác dụng (x. Mt 13:19) và tình yêu đối với Thiên Chúa không thể nảy nở.

Các đoạn Kinh thánh không phải lúc nào cũng có thể lĩnh hội ngay tức khắc. Như Isaia từng nói (29:11), ngay cả đối với những người biết “đọc” - tức là những người đã được đào tạo đầy đủ về trí thức - sách thánh dường như được “niêm phong”, đóng kín mít khó mà giải thích. Một nhân chứng cần phải can thiệp vào và cung cấp chìa khóa dẫn vào sứ điệp giải phóng của nó, đó là Chúa Kitô. Chỉ một mình Người có thể đập vỡ niêm phong và mở cuốn sách (x. Kh 5:1-10) và bằng cách này, Người mới có thể mạc khải việc nó tuôn đổ ơn thánh kỳ diệu (Lc 4: 17-21). Nhiều người, ngay trong các Kitô hữu thực hành đạo, nói một cách công khai rằng họ không đọc được nó (xem Is 29:12), không phải vì mù chữ, mà vì họ không được chuẩn bị về ngôn ngữ Kinh thánh, các phương thức diễn đạt và các truyền thống văn hóa cổ xưa của nó. Kết quả là, văn bản Kinh thánh trở nên không thể giải mã được, như thể nó được viết bằng một bảng chữ cái không ai biết và một ngôn ngữ bí truyền.

Điều này cho thấy sự cần thiết phải có sự trung gian của một người giải thích, người có thể thực hiện chức năng "phục vụ" (diaconal) thay cho người không thể hiểu được ý nghĩa của sứ điệp tiên tri. Ở đây chúng ta nghĩ đến phó tế Philíp, được Chúa sai đến gần chiếc xe ngựa của viên hoạn quan đang đọc một đoạn trong sách Isaia (53: 7-8), mà không thể mở toang được ý nghĩa của nó. "Ngài có hiểu ngài đang đọc gì không?" Philíp hỏi, và viên thái giám trả lời: "Làm sao tôi có thể hiểu được, trừ khi có người hướng dẫn tôi?" (Công vụ 8: 30-31) [32].

Thánh Giêrôm có thể đóng vai trò làm người hướng dẫn chúng ta bởi vì, giống như Philíp (xem Công vụ 8:35), ngài dẫn dắt mọi độc giả đến với mầu nhiệm Chúa Giêsu, đồng thời cung cấp một cách có hệ thống và có trách nhiệm thông tri văn hóa và chú giải cần thiết cho việc đọc Kinh thánh một cách chính xác và hữu hiệu [33]. Một cách tích hợp và khéo léo, ngài đã sử dụng tất cả các nguồn phương pháp luận có sẵn của thời ngài - khả năng về ngôn ngữ trong đó lời Chúa được truyền tải, phân tích và kiểm tra cẩn thận các bản chép tay, tìm tòi khảo cổ một cách chi tiết, cũng như kiến thức về lịch sử ngành giải thích - để đạt tới một sự hiểu biết đúng đắn về Kinh thánh linh hứng.

Khía cạnh nổi bật trên trong hoạt động của Thánh Giêrôm cũng có tầm quan trọng lớn đối với Giáo hội trong thời đại chúng ta. Nếu, như Dei Verbum dạy, có thể nói Kinh thánh cấu thành “linh hồn của thần học thánh thiêng” [34] và sự chống đỡ tinh thần của đời sống Kitô hữu [35], thì việc giải thích Kinh thánh nhất thiết phải đi kèm với những kỹ năng chuyên biệt.

Các trung tâm xuất sắc để nghiên cứu Kinh thánh - chẳng hạn như Viện Kinh thánh Giáo hoàng ở Rôma, và Trường Kinh Thánh và Viện Kinh Thánh của Dòng Phanxicô ở Giêrusalem - và để nghiên cứu giáo phụ, như viện Augustinianum ở Rôma, chắc chắn phục vụ mục đích này, nhưng mọi Khoa Thần học nên cố gắng đảm bảo để việc giảng dạy Kinh thánh được thực hiện theo cách các sinh viên được cung cấp việc huấn luyện cần thiết về các kỹ năng giải thích, cả trong việc chú giải các bản văn lẫn trong thần học Kinh thánh nói chung. Đáng buồn thay, sự phong phú của Kinh thánh bị nhiều người làm ngơ hoặc tối thiểu hóa vì họ không có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực này. Cùng với việc nhấn mạnh hơn đến việc nghiên cứu Kinh thánh trong các chương trình đào tạo linh mục và giáo lý viên của Giáo hội, cũng cần thực hiện các nỗ lực nhằm cung cấp cho tất cả các tín hữu những nguồn cần thiết để họ có thể mở sách thánh và rút tỉa từ đó những hoa trái khôn ngoan, hy vọng và sự sống vô giá [36].

Ở đây, tôi sẽ nhắc lại một nhận xét của Đức Bênêđictô XVI trong Tông huấn Verbum Domini: “[Bản chất bí tích] của hạn từ này có thể được hiểu bằng cách so sánh với sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô dưới vẻ bề ngoài của bánh và rượu được truyền phép… Thánh Giêrôm nói tới cách chúng ta phải có khi đến với cả Bí tích Thánh Thể lẫn Lời Chúa: 'Chúng ta đang đọc Sách Thánh. Đối với tôi, sách Tin Mừng là thân thể Chúa Kitô; đối với tôi, Kinh thánh là giáo huấn của Người. Và khi Người nói: ai không ăn thịt Ta và uống máu Ta (Ga 6:53), cho dù những lời này cũng có thể được hiểu về Mầu nhiệm [Thánh Thể], [Người cũng muốn nói] thân thể và máu của Chúa Giêsu thực sự là lời Kinh Thánh, giáo huấn của Thiên Chúa’” [37].

Đáng buồn thay, nhiều gia đình Kitô hữu dường như không thể - như đã được quy định trong Kinh Torah (xem Đnl 6: 6) – dẫn nhập con cái họ vào lời Chúa trong tất cả vẻ đẹp và năng lực thiêng liêng của nó. Điều này đã khiến tôi thiết lập Chúa Nhật Lời Chúa [38] như một phương tiện để khuyến khích việc đọc Kinh Thánh theo cung cách cầu nguyện và quen thuộc hơn với lời Chúa [39]. Mọi phát biểu khác của lòng mộ đạo, vì thế phải được làm cho phong phú thêm về ý nghĩa, được đặt đúng vào viễn ảnh của chúng, và hướng đến việc chu toàn đức tin bằng việc hoàn toàn tin theo mầu nhiệm Chúa Kitô.

Kỳ tới: Bản Phổ Thông
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Giáo Phận Đà Nẵng Chuẩn Bị Mở Khóa Mới
Tô-ma Trương Văn Ân
09:24 02/10/2020
Sáng 1 / 10 / 2020, nhân Lễ Kính Thánh Teresa- Bổn mạng Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình ( CTTTHN GĐ). Tại nhà Mục vụ Giáo xứ Nhượng Nghĩa – Giáo phận Đà Nẵng, Ban Điều Hành CTTTHN GĐ Giáo phận và Trưởng Phó các Liên Gia Song Nguyền tại các Giáo xứ của Giáo phận Đà Nẵng, đã gặp gỡ, bàn thảo, phân công, phân nhiệm cho từng Thành viên cụ thể, và chuẩn bị những công việc cần thiết về việc mở Khóa Căn Bản mới cho các Song Nguyền tại các Giáo xứ trong Giáo phận Đà Nẵng. Cha Phao –lô Nguyễn Luận- Tổng Vấn Nguyền Việt Nam; Cha Giuse Vũ Dần- Linh Nguyền, Cha Phê-rô Lê Hưng- Quản xứ Nhượng Nghĩa- Phó Linh Nguyền và Sơ Tê-rê-sa Phan Thị Thanh Hương - Vấn Nguyền CTTTHN GĐ Giáo phận Đà Nẵng, đã đến tham dự.

Đây là Khóa căn bản 3 ngày, với số thứ tự 799 của Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình trên toàn thế giới. CTTTHN GĐ giúp cho mỗi người sống đời Hôn nhân, nổ lực tìm lại sự ngọt ngào tình yêu thở ban đầu. Khóa sẽ được mở từ ngày 23 đến 25 / 10 / 2020 tại nhà mục vụ Giáo xứ Hoằng Phước – Giáo phận Đà Nẵng, thuộc xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình được xem như một giải pháp, một cơ hội hâm nóng tình yêu của các đôi bạn, là điểm tựa đáng tin cậy cho các gia đình về đời sống Đạo, về nhân bản, về việc giáo dục con cái. Và bảo đảm cho gia đình hạnh phúc trong Chúa, trong gia đình và trong môi trường xã hội đang sống và làm việc.

Các Anh chị muốn tham dự Khóa học, xin liên lạc với Quý Cha Quản xứ để được ghi danh !

Một niềm vui bất ngờ, Cha Phao-lô – Tổng Vấn nguyền Việt Nam đã giới thiệu tập sách CHỈ NAM và TOÁT YẾU được Cha Phê-rô Chu Quang Minh, SJ – Linh mục sáng lập Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình, bổ sung và chỉnh sửa, vừa mới phát hành trong năm 2020. Trong tập sách này có nhiều điểm ích lợi, nội dung thâm sâu và súc tích, bố cục sắp đặt rất thực tế. Các Song Nguyền có thể dùng song song với sách Chỉ Nam vẫn thường dùng.

Trong cuộc họp này, Quý Cha, Ban ĐIều Hành và Thành viên Tham dự đã lượng giá các hoạt động của CTTTHN GĐ Giáo phận trong thời gian qua. Những ưu điểm cần gìn gữu và phát huy, những điều chưa được, cần điều chỉnh. Để CTTTHN GĐ mang lại những hiệu quả tốt nhất cho đời sống hôn nhân gia đình của các Song Nuyền ( Người tham dự Khóa học ).

Tô-ma Trương Văn Ân
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ : Người Canh Gác Danh Dự Tại Tang Lễ
Lê Hải Nam
09:02 02/10/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma, Và Nói Thêm Về Cử Điệu Trong Kinh Cáo Mình

HỎI: Tại đám tang, khoảng 3 hay 4 người, có lẽ là bạn bè, người thân hay thành viên của tổ chức nào đó của người quá cố, có thể đứng xung quanh quan tài khi việc cử hành thành lễ đang diễn ra. Đây có phải là một chuẩn tắc có thể chấp nhận được trong phụng vụ không? Chúng ta có cho phép nó tiếp tục không? — M.L., Sierra Leone


ĐÁP: Ý tường về một đội canh gác danh dự tại đám tang của các thành viên đã khuất trong quân đội và các nhóm khác không phải là chưa biết đến, mặc dù nó phổ biến tại một số nước hơn các nước khác.

Họ thường không gây ra vấn đề cho việc tiến hành thánh lễ an táng bởi vì họ thường tham gia vào đầu và cuối cử hành thánh lễ. Cờ hay huy hiệu được lấy đi trong thánh lễ và theo phong tục từng nơi, quan tài được phủ vải che. Các nghi thức dân sự hay quân sự thường theo các nghi thức tôn giáo.

Để đưa ra ví dụ về các người canh gác danh dự này, trước tiên chúng ta có thể xem xét ví dụ về các thành viên Dòng Hiệp Sĩ Mộ Thánh Giêrusalem (tiếng La-tinh: Ordo Equestris Sancti Sepulcri Hierosolymitani, OESSH), còn gọi là Dòng Mộ Thánh hay Hiệp Sĩ Mộ Thánh. Đây là một dòng tu hiệp sĩ Công Giáo dưới sự bảo vệ của Tòa Thánh. Đức Giáo Hoàng là bề trên tối cao của dòng và một Hồng Y làm tôn sư.

Khi mô tả các thủ tục canh gác danh dự đám tang của các hiệp sĩ quá cố, một trong các trang mạng của dòng tu nói:

Khi chết cũng như khi sống, các thành viên của Dòng Mộ Thánh xứng đáng với sự tôn trọng cao nhất là được đón nhận một trong những vinh dự cổ xưa nhất và quan trọng nhất của Giáo Hội Công Giáo. Để bày tỏ lòng kính trọng đối với bất cứ thành viên quá cố nào, Hạt Nghi Lễ Đông Phương sẽ cung cấp một đội canh gác danh dự cho người quá cố.

Khi được báo về một thành viên qua đời, Hạt Nghi Lễ Đông Phương sẽ hỏi gia đình xem họ có muốn có đội canh gác danh dự hiện diện trong thánh lễ an táng không. Sau đó tất cả thành viên sẽ được thông báo qua thư điện tử và trên trang mạng của nhà dòng rằng gia đình đã yêu cầu có đội canh gác danh dự.

Dưới đây là các thủ tục tang lễ cho các Hiệp Sĩ và Quý Phu Nhân:

Hiện diện chỉnh tề ở cuối nhà thờ hay ở nơi mà vị chủ tế, giám đốc tang lễ hay người có trách nhiệm chỉ dẫn ít nhất 15 phút trước khi bắt đầu tang lễ.

Đứng canh gác ở một bên lối đi chính khi quan tài được đưa vào trong nhà thờ. Sau phép lành ban đầu, đi theo người giúp lễ trong đám rước khi quan tài được đưa đến trước nhà thờ. Ngồi đối diện với bên tang gia ngồi hay theo chỉ dẫn của chủ tế hay giám đốc tang lễ.

Trước bài ca ngợi cuối cùng, ra khỏi chỗ ngồi và xếp hàng ở một bên lối đi trung tâm – phía trước quan tài cho lễ tiễn đưa.

Sau phép lành cuối cùng, đi sau thánh giá và trước quan tài ra khỏi nhà thờ.

Hình thành một đội canh gác danh dự ở một bên để tang gia đi ngang qua khi họ ra khỏi nhà thờ.

Về mặt nghi thức Giáo Hội, chúng ta tìm thấy các chỉ thị sau đây cho các thành viên hội tương tế giáo xứ vốn cũng cung cấp người canh gác danh dự trong các đám tang.

Đội Canh Gác Danh Dự Tang Lễ nhằm “canh gác” người hội viên tương tế quá cố khi người này rời khỏi nhà thờ giáo xứ lần cuối cùng. Do đó mỗi hội viên tương tế phải tham gia làm Người Canh Gác Danh Dự Tang Lễ khi có thể, cho dù có quen biết người quá cố hay không … Điều quan trọng là giữ cho truyền thống này sống động bằng việc tham gia.

Mọi thành viên hội tương tế sẽ được thông báo bằng thư điện tử sớm hết sức có thể về ngày giờ tang lễ của một hội viên đã yêu cầu Người Canh Gác Danh Dự.

Lời Nhắc Nhở Đội Canh Gác Danh Dự

Đeo Huy Hiệu Phép Lạ đến tang lễ

Đến trước thánh lễ ít nhất 15 phút

Trong thánh lễ, các thành viên hội tương tế sẽ ngồi với nhau bên phía tượng thánh Giu-se, phía sau những người khiêng quan tài. Các hội viên tương tế sẽ đứng đầu hàng ghế ở lối đi giữa trước thánh lễ, lúc rước linh cữu vào và một lần nữa lúc tiễn linh cữu đi. Các hội viên tương tế bắt đầu từ phía trước và kéo dài ra hàng ghế sau đến khi hết người. Xin đứng đúng vị trí, nhìn thẳng phía trước và chắp bàn tay một cách thành kính, không chặn lối vào hàng ghế và đứng sát hàng ghế hết sức để dành chỗ cho lối đi. Ví xách, áo khoác và điện thoại đã tắt có thể để lại trên hàng ghế khi tham gia. Một đội Canh Gác Danh Dự thành công cần có tối thiểu 10 thành viên tương tế.

Nói chung các hội viên tương tế nên đứng đầu hàng ghế khi vị linh mục và các giúp lễ ra khỏi phòng thánh. Chúng ta giữ vị trí khi vị chủ tế đi xuống lối đi đến với linh cữu (bắt đầu tang lễ). Chúng ta trở vào hàng ghế sau khi rước linh cữu xong. Sau đó chúng ta quay trở về lối đi lúc có bài ca ngợi (cuối tang lễ), khi vị linh mục đến gần linh cữu. Lễ tiễn đưa diễn ra và chúng ta giữ vị trí cho đến khi nhạc kết thúc. Có thể điều chỉnh thủ tục này trong lúc tang lễ.

Những nhóm khác, đặc biệt các nhóm có bản chất quốc gia hay quốc tế, cũng có truyền thống tương tự. Do đó mặc dù chắc chắn có sự khác biệt giữa hai nhóm, một nhóm có các huy hiệu thời trung cổ rực rỡ, và nhóm kía có một huy hiệu đơn giản, thì vai trò của hành vi canh gác danh dự cơ bản là giống nhau và tìm cách bày tỏ sự tôn trọng với một thành viên tín hữu quá cố đã có vai trò tích cực trong một nhóm nào đó.

Nó cũng liên quan đến việc cầu nguyện cho người quá cố, vốn còn quan trọng hơn nhiều so với việc canh gác danh dự. Tuy nhiên vị độc giả của chúng ta nhắc đến những người muốn ở bên người quá cố trong suốt tang lễ. Như đã thấy trên đây, điều này không phù hợp với thực hành tổng quát của Giáo Hội, và phải mời họ vào vị trị hàng ghế trong cử hành thánh lễ.

* * *

Tiếp theo: Việc đấm ngực trong Kinh Cáo Mình

Nhân các nhận định ngày 15-9 của chúng tôi về việc đấm ngực trong Kinh Cáo Mình, một độc giả từ Bồ Đào Nha bình luận rằng trong cách diễn dịch của các quốc gia về kinh nguyện này, chỉ có hai chứ không phải ba lời nhận lỗi và do đó người Bồ Đào Nha thường đấm ngực hai lần.

Tôi tin rằng việc này cơ bản xác nhận quan sát của tôi rằng người ta sẽ làm những việc này một cách tự nhiên cho dù luật chữ đỏ có chỉ định một thực hành khác.

Một người khác từ Buffalo, New York, viết thư hỏi:

Thế còn các tín hữu bắt chước phó tế hay linh mục làm dấu thánh giá trên trán, miệng và ngực trước khi công bó Tin Mừng thì sao? Luật chữ đỏ trong sách lễ Rô-ma không nói gì về các tín hữu vào thời điểm này trong thánh lễ. Nhưng cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Về Sách Lễ Rô-ma, số 134, lại nói ‘mọi người khác cũng làm như vậy.’

Dường như không hợp lý luận để mọi người bắt chước cử chỉ ấy bởi vì chỉ có người đọc Tin Mừng dùng đến đôi mọi. Thay vào đó, điều thích hợp hơn cho người tín hữu là ghi đấu thánh giá lên đôi tai vì bổn phận của họ là chăm chú lắng nghe Tin Mừng.

Con cũng thấy rằng việc thực hiện hành vi ấy làm con chia trí không lắng nghe với tâm tình cầu nguyện phần đầu của Tin Mừng. Thông thường thấy phó tế hay vị linh mục bắt đầu đọc Tin Mừng trước khi mọi người khác kết thúc việc ghi dấu thánh giá.

Trong khi đúng là luật chữ đỏ không nói gì về việc người tín hữu làm cử chỉ này, điều này hoàn toàn hợp lý luận bởi vì chỉ có thừa tác viên ở ngay bên cuốn sách lễ trên bàn thờ.

Cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Về Sách Lễ Rô-ma, cũng là một phần không tách rời của Sách Lễ Rô-ma, chứa đựng tất cả các chỉ dẫn tổng quát về tư thế và cử chỉ của người tín hữu. Nói chung thì người tín hữu không cần một danh sách các chỉ dẫn bởi vì họ học phải làm gì từ thực hành. Văn bản đầy đủ của số đề mục trong cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Về Sách Lễ Rô-ma mà vị độc giả trích dẫn là như sau:

Số 134. Tại bục giảng, vị linh mục mở sách và chắp tay đọc: “Chúa ở cùng anh chị em,” rồi cộng đoàn thưa: “Và ở cùng cha.” Sau đó ngài đọc tên bài đọc Tin Mừng, trong khi dùng ngón tay cái ghi dấu thánh giá trên trán, miệng và ngực mình, và mọi người khác cũng làm như vậy. Cộng đoàn tung hô: “Lạy Chúa, vinh danh Chúa.” Linh mcu5 xông hương cuốn sách nếu có xông hương (xem các số 276-277). Rồi ngài công bố Tin Mừng và khi kết thúc thì đọc câu tunh hộ: “Đó là Lời Chúa,” và cộng đoàn thưa: “Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa.” Vị linh mục hôn sách thánh và đọc thầm công thức khi đọc Tin Mừng (Nhờ những lời Tin Mừng vừa đọc, xin Chúa xóa tội chúng con.)

Tôi nghị không hoàn toàn đúng khi nói rằng công đoàn bắt chước cử chỉ của thầy phó tế. Đúng hơn đó là một cử chỉ mà toàn thể cộng đoàn thực hiện đồng thời với thừa tác viên chứ không phải sau thừa tác viên.

Mặc dù luật chữ đỏ phải được tôn trọng y như thế, trực giác của vị độc giả của chúng ta rằng dấu thánh giá trên miệng là kém tự nhiên phần nào được lịch sử xác nhận. Các dấu thánh giá trên trán và trên ngực ít nhất có từ thế kỷ thứ tám hay sớm hơn nữa. Dấu thánh giá trên miệng đã được thêm vào nhiều thế kỷ sau đó và dường như được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1286.

Mặc dù thế thì nó đã tồn tại gần 800 năm và không có khả năng nó sẽ bị loại bỏ hay bị các cử chỉ khác thay thế.

Theo quan điểm nghi lễ, rỏ ràng là cử chỉ ấy là một trong nhiều phương cách để nhấn mạnh tầm quan trọng của Tin Mừng với các bài đọc khác và là một lời kêu gọi chú ý kỹ hơn đến những lời của Đức Ki-tô. Điều này cũng được nhấn mạnh bởi các yếu tố khác như việc rước sách Tin Mừng, xông hương và phải đứng khi lắng nghe Tin Mừng.

Tôi ngần ngại không đưa ra lời giải thích thần học về cử chỉ ấy. Những giải thích như thế có xu hướng hoàn toàn suy đoán và được thêm vào sau khi các cử chỉ ấy đã là một phần của nghi lễ. Tuy nhiên dấu thánh giá thứ nhất (trên trán) và thứ ba (trên ngực) sẽ dường như là một lời thỉnh cầu Chúa soi sáng trí óc và con tim chúng ta để hiểu và ôm ấp những giáo huấn nhận được. Dấu thánh giá sau này trên miệng có lẽ có thể được giải thích như lòng mong muốn làm chứng cho Tin Mừng bằng đôi môi chúng ta, nhưng cũng có thể không là gì hơn ngoài cái xu hướng tự nhiên làm các việc theo nhóm ba cái một lần và do đó được thêm vào dần dần sau nhiều thế kỷ thực hành.

https://zenit.org/2020/09/29/liturgy-qa-honor-guards-at-funerals/)
 
Thánh Phanxico, vị thánh sống hòa mình với thiên nhiên.
Lm. Đa Minh Nguyễn Ngọc Long
09:17 02/10/2020
Đời sống các Thánh phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa trên trần gian. Nhưng, như những nhà biên chép lịch sử đời sống các Thánh xưa nay đều nhất tề đồng một ý kiến, không có vị Thánh nào đã để hình ảnh Chúa Giêsu Kitô chiếu tỏa nổi bật rõ nét nơi trần gian như Thánh Phanxico thành Assisi.

Phanxico là vị Thánh của tình yêu và niềm vui, của sự thanh bần nghèo khó mà lại có sự thanh thản của một tâm hồn sống cung cách tự do, một vị Thánh với trái tim tràn đầy tình yêu thương và một nếp sống đơn sơ rộng lớn, một vị Thánh chiếm được cảm tình yêu mến của con người ngay từ lúc còn sinh thời.

Phanxicô sinh năm 1182 ở thành Assisi miền Umbrien bên nước Ý. Ngài là con của một thương gia buôn bán khăn vải giầu sang Pierro di Bernardone.

Theo truyền thuyết thuật lại Phanxico vào cầu nguyện ở thánh đường San Damiano, đã được nghe tiếng Chúa nói khi Phanxico đến gần chiêm ngắm thập gía Chúa Giêsu làm theo mô hình Byzantin: „ Con yêu qúi, con hãy xây sửa sang ngôi nhà cho ta đang bị hư hại.“.

Phanxico đã vâng nghe tiếng Chúa kêu gọi trước hết sửa sang lại ngôi thành đường nhỏ San Damiano đang xuống cấp bị hư hại. Không dừng lại nơi đó, Phanxico hiểu là Chúa muốn mình đi xây dựng sửa lại toàn thể Giáo hội.

Một biến cố thời danh cuộc đời của Phanxico nữa là Ông từ bỏ mọi sự đi ra khỏi nhà cha mẹ, cởi bỏ quàn áo trả lại cho cha của mình:“ Kể từ hôm nay, con không còn nói cha tôi là Bernadone, nhưng tôi chỉ còn một người Cha trên trời thôi!“

Phanxico bỏ nhà đi tu tập chia sẻ nếp sống đơn giản cùng với những người khác lập thành một cộng đòan. Nếp sống cầu nguyện là trung tâm chính của cộng đòan chung hợp, và đi đó đây khắp nơi để rao giảng tin mừng của Chúa. Để có cơm bánh sinh sống, những người trong cộng đòan làm việc nơi những nông trại. Cộng đoàn làm việc nhưng không muốn lấy tiến, chỉ nhận những thực phẩm ăn uống nuôi sống thôi.

Phanxico luôn sống vị trí là một người anh em khiêm hạ, nhưng lòng tràn đầy sự vui tươi luôn ca hát những ca khúc ngợi khen Chúa, và những bài giảng dẫn đường con người hướng về Chúa.

Năm 1209 Đức Giáo Hoàng công nhận Dòng của Phanxico. Vài năm sau số tu sĩ Dòng lên tới 5000 người. Nhiều anh em tu sĩ Dòng muốn có hiến pháp luật Dòng rõ ràng, nhưng Phanxico từ chối việc này. Hiến pháp luật Dòng là sách Kinh Thánh.

Với ý hướng căn bản đó, Phanxico từ bỏ đời sống trong khuôn khổ nhà Dòng đi lui vào sống ẩn tu một mình. Qua đau khổ đã giúp Phanxico phát triển đời sống tâm linh trong ý hướng tình yêu thương mới. Chúa Giêsu Kito đã thưởng công cho ngài được nhận những vết thương tình yêu như năm dấu Chúa Giêsu Kitô khi xưa bị đóng đinh vào thập gía nơi thân thể. Dù chịu đựng đau khổ, nhưng Phanxico đã sáng tác bài ca mặt trời, bài kinh hòa bình thời danh ca tụng công trình thiên nhiên của Chúa đã sáng tạo nên.

Có nhiều truyền thuyết về cuốc đời của Phanxico. Theo ngài không chỉ con người, nhưng cả tất cả mọi loài thú vật đều là anh chị em. Con chó rừng hoang vùng Gubbio được Phanxico giáo huấn trở nên thuần thục hiền lành. Phanxico tiếp xúc với tâm hồn cùng cung cách tràn đầy tình yêu thương với loài thảo mộc cỏ cây và các xúc vật. Khắp nơi ngài đều nhìn nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, và cảnh báo mọi tạo vật phải sống qui hướng về tình yêu của Đấng Tạo Hoá.

Phanxico rao giảng cho các loài chim, khi chúng đến nghe giảng. Phanxico âu yếm vuốt ve chúng. Phanxico được ân sủng chiếu tỏa tình yêu sâu thẳm trọn vẹn đến nỗi cảm hóa không chỉ con người mà cả loài thù vật nữa.

Phanxico có tình yêu lớn lao quảng đại cùng lòng kính trọng sâu thẳm công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Phanxico lòng vui mừng hân hoan với hơi nóng của mặt trời, với sự dịu mát trong lành của nước, với ánh sáng trong suốt của mặt trăng. Phanxico yêu mến thiên nhiên theo khía cạnh tâm linh đạo đức.

Dựa theo trình thuật trong phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh sử Luca ( Lc 2,1-20), Phanxico năm 1223 đã làm hang đá Chúa Giêsu sinh ra đầu tiên ở trong khu rừng Grecco vào ngày mừng lễ sinh nhật Chúa Giêsu. Từ thời điểm đó dần dần trong dòng lịch sử hang đá Chúa giáng sinh được làm phát triển theo nếp văn hóa thời đại cùng của mỗi dân tộc vào ngày lễ mừng Chúa giáng sinh hằng năm trên hoàn cầu.

Trải qua trong dòng lịch sử, Dòng Thánh Phanxico đã phát triển trên khắp thế giới thành ba cấp Hội Dòng:

- Cấp thứ nhất Dòng Nam gồm ba hội Dòng:
Tu sĩ Hèn mọn ordo fratrum minorum conventualium ( OFM Conv) mặc tu phục mầu đen.
2. Dòng Tu sĩ hèn mọn“ ordo fratrum minorum - OFM, mặc tu phục mầu nâu.3. Franziscus Capucino - OFM Cap - Ordo Fratrum minorum Cappucinorum, tu phục mầu nâu nhưng có mũ nhọn dài hơn.
- Cấp hai: Dòng nữ có hai nhánh: Dòng nữ Thánh Clara và Dòng nữ Capucino.

- Cấp ba Dòng ba dành cho mọi giáo dân.

Nếp sống từ bỏ, chọn sự khó nghèo đơn giản, lòng vui tươi yêu mến thiên nhiên vạn vật hướng về Đấng Tạo Hoá, bài ca mặt trời, kinh hòa bình và hang đá mừng lễ Chúa giáng sinh là những nét đặc thù thiên phú mà Đấng Tạo Hóa đã qua Thánh Phanxicô mang đến cho Giáo hội, cho con người trần gian.

Thánh Phanxicô qua đời ngày 3.10.1226 được an táng ở Assisi. Và hai năm sau đó ngày 16. 07. 1226 được Đức Giáo Hoàng Gregor IX. tuyên phong là vị Thánh trong Giáo hội.

„Tôi tin rằng, thánh Phanxicô là mẫu gương tuyệt vời cho việc tôn trọng những gì yếu đuối và cho một sinh thái được sống cách trọn vẹn đầy niềm vui đích thực. Ngài chính là vị thánh cho tất cả những ai tìm hiểu và làm việc trong lãnh vực sinh thái; ngài được nhiều người không phải là Kitô hữu yêu mến. Ngài cho thấy một sự chú tâm đối với sáng tạo của Thiên Chúa và đối những kẻ nghèo hèn và cô đơn nhất. Ngài yêu thích niềm vui với một tâm hồn thanh thản, ngài đã sống sự tận hiến quảng đại với tâm hồn rộng mở. Ngài là một vị huyền nhiệm và là một lữ khách sống trong sự đơn sơ và hòa hợp với Thiên Chúa, với kẻ khác, với vạn vật và với chính bản thân. Trong ngài, chúng ta thấy rõ mức độ ngài liên kết tất cả việc chăm sóc thiên nhiên, sự công bằng với kẻ nghèo, việc dấn thân cho xã hội và bình an nội tâm vào một điểm gắn kết chung với nhau, không thể phân ly. „( Đức Giáo Hoàng Phanxico, Laudato Si, Nr. 10.).

Thành phố Assisi bên nước Italia trở thành trung tâm thánh địa hành hương Thánh Phanxico, nơi có ngôi nhà sinh ra của Thánh Phanxico, có khu nhà Dòng mẹ Phanxico, trong đó có ngôi thánh đường nhỏ mà Phanxico đã tu sửa đầu tiên sau khi nghe tiếng Chúa kêu gọi, cùng có di tích mộ thánh Phanxico.

Trung tâm hành hương Assisi cũng là trung tâm sinh hoạt học hỏi về linh đạo theo nếp sống đạo đức của Thánh Phanxico.

Nhắc nhớ đến Thánh Phanxico thành Assisi bài ca Mặt trời, kinh Hòa bình và Hang đá Chúa giáng sinh là những công trình dấu vết của một thiên tài, không thể bỏ qua quên được với lòng vui mừng hân hoan cùng biết ơn, mà Thánh Phanxicô còn để lại cho trần thế từ hơn 8 thế kỷ nay.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput: Có một loại virus bài Công Giáo lan nhanh trong đảng Dân Chủ Mỹ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:21 02/10/2020

1. Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput: Khi Giáo điều sống ồn ào trong lòng

Ngay sau khi được Tổng thống Trump đề cử, Thẩm Phán Amy Coney Barrett đã phải gánh chịu những cuộc tấn công rất dữ dội. Những cuộc tấn công nhắm vào vị nữ Thẩm Phán thông minh xuất chúng này không nhắm vào khả năng của cô, nhưng nhắm vào đức tin của cô, vào đạo Công Giáo.

Oái oăm nhất là cuộc tấn công của nữ tu Campbell. Campbell nói rằng “Là một nữ tu Công Giáo luôn cố gắng nghe theo các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tôi không thể ủng hộ việc đề cử Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện”.

Bà nữ tu Campbell cho rằng: “Barrett được đề cử do một động cơ duy nhất: để lật ngược phán quyết phá thai Roe kiện Wade” được Tối Cao Pháp Viện đưa ra vào năm 1973 nhằm hợp pháp hóa hành động phá thai, mà bà nữ tu này cho rằng đó là một “nhân quyền liên quan đến việc sinh sản của phụ nữ”.

Trong bối cảnh các cuộc tấn công quyết liệt này, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Philadelphia có bài nhận định sau đăng trên tạp chí First Things.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

When the Dogma Lives Loudly

Archbishop Charles Chaput

Khi Giáo điều sống ồn ào trong lòng


Ba năm trước khi Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein tìm cách bác bỏ Amy Coney Barrett, lúc ấy là ứng viên tòa phúc thẩm liên bang - và hiện là ứng viên của Tòa án Tối cao – bà ta nói với Barrett rằng bà ta băn khoăn vì “giáo điều sống ồn ào trong cô. Và đó là điều đáng quan ngại.”

Với những định kiến rõ rệt như thế của mình, bà thượng nghị sĩ thực sự nên lo lắng. Câu chuyện cuộc đời của cô Barrett cho thấy rằng cô thực sự tin tưởng và tìm cách sống những gì đức tin Công Giáo dạy mình. Nguy hơn nữa, cô ấy có một trí tuệ siêu phàm, một sự hiểu biết sâu sắc về luật pháp và một thành tích xuất sắc trong tư cách là một luật gia. Nói cách khác, cô ấy là cơn ác mộng của một bộ tộc chính trị nhất định.

Hãy tạm gác qua một bên những lời nhảm nhí theo phong cách Chẳng Biết Gì của bà Thượng nghị sĩ Feinstein. Nói cho cùng, bà Thượng nghị sĩ ấy chắc chắn không đơn độc trong sự cố chấp của mình. Sự bất mãn đối với những ai có niềm xác tín tôn giáo mạnh mẽ, đặc biệt là đức tin Công Giáo, là một thứ vi rút đang lan tràn khắp nơi. Nó dường như đã lây nhiễm cho một số thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, bao gồm Thượng nghị sĩ Kamala Harris, đồng nghiệp của Feinstein ở California và hiện là ứng cử viên phó tổng thống, là người đã nhìn thấy nguy cơ tiềm ẩn trong một âm mưu quốc gia nguy hiểm được gọi là đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố.

Những lời của Thượng nghị sĩ Feinstein giúp chúng ta thấy rõ cách thế một số người trong tầng lớp chính trị của chúng ta hiện nay đối xử với những người Công Giáo thật sự, chứ không phải chỉ có “hư danh” Công Giáo. Đúng là bất kỳ ai đã được rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo, thì trên thực tế, là người Công Giáo. Nhưng, trong mắt đảng Dân chủ, đó không phải là vấn đề. Nếu người ta chụp được một tấm hình bạn đang cầu nguyện với chuỗi hạt Mân Côi một cách ngoan đạo — thậm chí còn tốt hơn. Sự trung thành về văn hóa của nhiều cử tri Công Giáo đối với một đảng thuộc tầng lớp lao động có thời mang đậm tính Công Giáo đã mai một đi rất nhiều, bất kể đảng đó ngày nay có khác biệt như thế nào. Là một quan chức được tuyển chọn, bạn thậm chí có thể nhận được giải thưởng từ một tổ chức Công Giáo lớn. Nhưng nếu bạn là loại người Công Giáo tìm cách gầy dựng cuộc sống của mình xung quanh niềm tin Công Giáo liên quan đến hôn nhân và gia đình, tự do tôn giáo, tình dục và phá thai — thì, đó là một vấn đề khác, như Nghị sĩ Dân chủ Dan Lipinski phát hiện khi đảng của chính ông đã bỏ rơi ông ta trong cuộc bầu cử sơ bộ đầu năm nay. Trong những câu nói bất hủ của Bill Maher, một người phụ nữ như Amy Coney Barrett, dù có bằng cấp chuyên môn gì gì đi chăng nữa, thì cũng chỉ là “một kẻ vô danh tiểu tốt”.

Trong một thời đại lành mạng, những cuộc tấn công kiểu này, thích hợp với những bức tường trong phòng vệ sinh hơn là trong một cuộc diễn thuyết ở một quốc gia pháp quyền, phải được coi là đáng ghê tởm. Nhưng chúng ta không sống trong một khoảnh khắc lành mạnh, như các Thượng nghị sĩ Feinstein và Harris, và như ông Maher, đã chứng minh một cách cụ thể.

Người Công Giáo ở đất nước này đã trải qua hơn một thế kỷ đấu tranh để xâm nhập vào dòng chính của Mỹ. Giá phải trả đã rất cao. Ở mức độ mà người ta hết còn phân biệt được quan điểm và hành động của các nhà lãnh đạo chính trị tự cho mình là Công Giáo với các đồng nghiệp hoàn toàn không có đức tin của họ, thì cái giá phải trả quả là quá cao. Hàng triệu người Công Giáo đã phục vụ và hy sinh để bảo vệ quốc gia này, các quyền tự do và các thể chế của nó. Trong các thế kỷ trước, tất cả các tuyên úy quân đội được trao Huân chương Danh dự đều là các linh mục Công Giáo. Một nền chính trị đa nguyên dân chủ đòi hỏi những khác biệt về niềm tin phải được tôn trọng. Người Công Giáo không thể và càng không mong đợi những người có niềm tin khác nhau đồng ý với niềm tin tôn giáo của mình. Nhưng người Công Giáo thực sự đòi hỏi sự lịch sự và tôn trọng đối với các giáo lý của Giáo hội của họ, đặc biệt là từ một Thượng viện được cho là có tinh thần phục vụ toàn dân tộc.

Sự thù địch ngày nay đối với những ai ủng hộ giáo huấn Công Giáo là đáng âu lo cho mọi người Công Giáo thực hành đạo — và bất kỳ ai coi trọng Tu chính án thứ nhất. Nếu các cuộc tấn công vào niềm tin là một tiêu chuẩn có thể chấp nhận được để xét duyệt các ứng viên tư pháp ngày hôm nay, thì ngày mai chúng sẽ được sử dụng cho những người còn lại trong chúng ta, những người ủng hộ những giáo huấn đức tin của chúng ta. Những gì đang diễn ra trong các phiên điều trần xác nhận tại Thượng viện và các cuộc tranh luận công khai về các ứng viên tư pháp là điềm báo về những cuộc tấn công trong tương lai vào chính Giáo Hội và vào bất kỳ người Công Giáo nào có đức hạnh nổi bật. Trong thập kỷ qua, chúng ta đã thấy Giáo Hội Công Giáo— và nhiều thừa tác viên cũng như các tổ chức của Giáo hội — trở thành nhắm mục tiêu cụ thể cho các vấn đề bách hại tín ngưỡng.

Những người coi trọng quyền tự do tôn giáo trong Tu chính án thứ nhất của chúng ta nên nhận ra rằng các xét đoán dựa trên niềm tin là những cuộc tấn công vào quyền tự do tôn giáo. Việc đồng hóa những người Công Giáo bất đồng với giáo huấn của Giáo Hội là “người Mỹ chính thống”, còn những người Công Giáo coi trọng các giáo huấn của Hội Thánh là “những kẻ cực đoan” – hiện đã trở thành một kỹ thuật chiến tranh văn hóa phổ biến và cực kỳ bất lương - và là một điều đặc biệt gây khó khăn cho việc thực hiện tự do tôn giáo. Nó khiến quyền của nhiều người Mỹ gặp rủi ro hơn bao giờ hết khi được đề cử vào tòa án.


Source:First Things

2. Trang web của People of Praise bị tấn công trong cố gắng loại bỏ Thẩm Phán Amy Coney Barrett

Vài ngày trước khi Thẩm phán Amy Coney Barrett được đề cử vào Tòa án Tối cao, trang web của People of Praise, một phong trào đại kết cổ vũ canh tân trong Thánh Linh, đã bị tấn công. Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, đã cho biết như trên. Vụ tấn công nhằm lấy cắp cơ sở dữ liệu của các thành viên trong phong trào có sức lôi cuốn rất lớn này, mà Barrett và gia đình cô là các thành viên.

“Vào ngày 23 tháng 9 năm 2020, nhân viên an ninh của chúng tôi đã xác định được một vụ tấn công vào trang web của chúng tôi liên quan đến việc truy cập trái phép vào thông tin liên hệ trong danh bạ thành viên của chúng tôi,” Sean Connolly, phát ngôn viên của nhóm, cho biết vào tối thứ Ba trước các câu hỏi của CNA về vụ tấn công này.

“Chúng tôi không có chi tiết nào khác, chẳng hạn như ai đã đề ra cuộc xâm nhập này. Chúng tôi đã cung cấp cho các thành viên của mình các tài nguyên cần thiết nếu họ nhận thấy các hoạt động đáng ngờ,” Connolly nói thêm.

Cô Barrett đã được Tổng thống Trump chính thức đề cử vào Tòa án Tối cao vào ngày 26 tháng 9.

Vào ngày 23 tháng 9, vị nữ thẩm phán liên bang này đã nổi lên như ứngviên hàng đầu cho chiếc ghế của Tòa án Tối cao đã bị bỏ trống sau khi Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg qua đời vào ngày 18 tháng 9.

Giữa những suy đoán về việc Barrett có thể được bổ nhiệm, nhiều phương tiện truyền thông đã tập trung vào People of Praise, một cộng đồng đại kết rất lôi cuốn có trụ sở tại Indiana mà Barrett là một thành viên. Dụng ý của họ là vu cáo Barrett là một người cuồng tín cực đoan.

Trong khi People of Praise từ chối suy đoán về việc ai có thể chịu trách nhiệm cho vụ hack, một nguồn tin am hiểu về tình hình nói với CNA rằng một số “thành viên cộng đồng đã được các cơ quan truyền thông quốc gia liên hệ trong vòng 36 giờ sau khi cơ sở dữ liệu bị xâm nhập.”

Connolly nói với CNA rằng “các bước ngay lập tức được thực hiện để giải quyết vụ việc, bao gồm thông báo cho cơ quan thực thi pháp luật liên bang thích hợp và các thành viên của chúng tôi.”

“Chúng tôi rất coi trọng vấn đề bảo mật và quyền riêng tư của tất cả các thành viên trong cộng đồng của chúng tôi,” ông nhấn mạnh.

People of Praise được thành lập vào năm 1971 như là một phần của “sự bùng phát rất mạnh các hoạt động mục vụ giáo dân và phong trào giáo dân trong Giáo Hội Công Giáo”. Đức Cha Peter Smith, thuộc một hiệp hội liên kết các linh mục Công Giáo, nói với CNA vào năm 2018.

Nhóm bắt đầu với 29 thành viên đã thành lập một “giao ước” - một thỏa thuận, không phải lời thề, tuân theo các nguyên tắc chung, cung cấp năm phần trăm thu nhập hàng năm cho nhóm, và gặp gỡ thường xuyên cho các dự án tinh thần, xã hội và dịch vụ.

Nhiều cộng đoàn cả Tin lành và Công Giáo đã phát triển mạnh vào thập niên 1970, nhờ ảnh hưởng của phong trào Canh tân Đặc sủng Kitô Giáo.

Trong khi hầu hết các thành viên của People of Praise là người Công Giáo, tôn chỉ chính thức của nhóm là đại kết; những người thuộc nhiều hệ phái Kitô có thể tham gia. Các thành viên của nhóm được tự do tham dự nhà thờ mà họ lựa chọn, bao gồm các giáo xứ Công Giáo khác nhau, Đức Cha Smith giải thích.

Đức Cha Smith nói với CNA rằng: “Chúng tôi là một phong trào giáo dân trong Giáo hội. Có rất nhiều mục tiêu. Chúng tôi tiếp tục cố gắng sống cuộc sống và ơn gọi của mình với tư cách là người Công Giáo, với tư cách là Kitô hữu đã được rửa tội, theo cách cụ thể này, như những người khác làm theo những cách thức khác mà Chúa có thể dẫn dắt.”

Phiên điều trần xác nhận Barrett tại Thượng viện và một cuộc bỏ phiếu của Thượng viện về đề cử của cô vào Tòa án Tối cao dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này, ngay trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 3 tháng 11.


Source:Catholic News Agency
 
Phản ứng ngoạn mục của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đối với chính sách đàn áp người Công Giáo ở San Francisco
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:06 02/10/2020

1. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết các giới hạn thờ phượng ở San Francisco là “quá hà khắc”

Hôm 25 tháng 9, Bộ Tư pháp Mỹ đã cảnh báo các quan chức San Francisco rằng những hạn chế hiện tại đối với việc thờ phượng công cộng trong thành phố có thể đã vi hiến. Tuyên bố này của Bộ Tư pháp đã nhận được lời khen ngợi từ Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu, Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng:

“Người Công Giáo ở San Francisco đã kiên nhẫn chịu đựng sự bất công trong nhiều tháng. Cuối cùng, một cơ quan pháp luật có thẩm quyền đang thách thức các quy tắc vô lý của thành phố, vốn không có cơ sở khoa học, nhưng dựa trên sự thù địch với niềm tin tôn giáo và đặc biệt là thù địch với Giáo Hội Công Giáo.”

Hôm 25 tháng 9, Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi một lá thư cho Thị trưởng London Breed, cảnh báo rằng quy tắc của thành phố chỉ cho phép “một người cầu nguyện” trong các thánh đường ở mọi thời điểm bất kể nhà thờ lớn đến mức nào - trong khi cho phép nhiều người hiện diện bên trong các cơ sở khác - là “quá hà khắc” và “trái với Hiến pháp và truyền thống tự do tôn giáo tốt nhất của quốc gia.”

Các hạn chế của San Francisco đối với việc thờ phượng công cộng vẫn là một trong những hạn chế nghiêm ngặt nhất trong cả nước. Cho đến ngày 14 tháng 9, việc thờ phượng công cộng trong thành phố bị giới hạn ở 12 người tham gia ở ngoài trời, và các cử hành phụng vụ trong nhà bị cấm.

Kể từ ngày 14 tháng 9, các nhà thờ phượng được phép có 50 người tham gia các buổi lễ tôn giáo ngoài trời, và các cử hành phụng vụ trong nhà chỉ được duy nhất một người cho đến ít nhất là ngày 1 tháng 10.

Lệnh của San Francisco từ ngày 14 tháng 9 quy định rằng “chỉ một cá nhân có thể vào nhà thờ tại mọi thời điểm,” mà không nêu được lý do tại sao.

Bức thư của Bộ Tư pháp kêu gọi thị trưởng London Breed đối xử bình đẳng với các nơi thờ phượng so với các địa điểm khác, nơi mọi người chia sẻ không gian bên trong nhà, chẳng hạn như phòng tập thể dục, tiệm xăm, tiệm làm tóc, tiệm mát-xa và nhà trẻ.

Tại các cơ sở đó, chính quyền thành phố San Francisco đã cho phép công suất từ 10 đến 50 phần trăm, tùy thuộc vào loại thương nghiệp và với điều kiện phải tuân theo các biện pháp vệ sinh và cách xa nhau 6 feet.

Hơn 19,000 người đã ký vào một bản kiến nghị hỗ trợ lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Cordileone về việc bãi bỏ các hạn chế liên quan đến các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự


Source:Catholic News Agency

2. Nhà thờ Công Giáo bị phá hoại ở California với các khẩu hiệu và hình vẽ đầy xúc phạm

Một nhà thờ Công Giáo ở California đã bị vẽ bậy, với hình chữ thập của Đức Quốc Xã, cây thánh giá bị lộn ngược và các thông điệp khác được sơn trên cửa và lối vào nhà thờ.

“Sáng nay nhà thờ yêu dấu của chúng tôi đã bị bôi bẩn bằng những ngôi sao năm cánh biểu tượng của Satan, thánh giá lộn ngược, chữ vạn, Black Lives Matter... Điều này nhắc nhở chúng tôi cầu nguyện cho những người anh em của mình ở Iraq đang phải đối mặt với sự đàn áp. Xin hãy cầu nguyện cho những kẻ đã làm điều này”, cha sở nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô của Công Giáo nghi lễ Chanđê ở El Cajon, California cho biết như trên trong một tuyên bố đăng trên Facebook hôm 26 tháng 9.

Nhà thờ chính tòa này là nơi đặt trụ sở của giáo phận Công Giáo Đông phương Thánh Phêrô Tông đồ ở San Diego. Giáo phận Công Giáo Đông phương này có khoảng 70,000 người Công Giáo.

Một đoạn video được giáo xứ đăng trên Facebook cho thấy rất nhiều biểu tượng, có vẻ như trái ngược nhau, được phun bằng sơn trên tòa nhà và cửa nhà thờ bao gồm chữ vạn của Đức Quốc Xã, cùng với cây thánh giá lộn ngược. Bên cạnh, “BLM”, tượng trưng cho Black Lives Matter” còn có dòng chữ “White Power” và “ Biden 2020.”

Một số biểu tượng không thể giải thích được, những biểu tượng khác đại diện cho các khẩu hiệu hoặc các ý thức hệ thông thường không liên quan gì đến nhau, thậm chí là đối kháng nhau, khiến người ta khó hiểu được động cơ của hành động phá hoại này.

Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê là một Giáo Hội Công Giáo phương Đông với hơn 600,000 tín hữu. Có trụ sở chính tại Baghdad, Giáo Hội Công Giáo Chanđê có nhiều tín hữu Công Giáo ở Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và ở nhiều nước Tây phương. Giáo hội đã phát triển mạnh ở Hoa Kỳ trong những thập kỷ gần đây, trong bối cảnh làn sóng người tị nạn và nhập cư từ Trung Đông.

Vụ phá hoại xảy ra trong bối cảnh một loạt các vụ việc tương tự tại các nhà thờ Công Giáo đã kéo dài trong nhiều tháng qua. Đầu tuần này, một người đàn ông đã đốt các băng ghế trong một vụ tấn công đốt phá ở một nhà thờ Công Giáo ở Florida, và một người đàn ông khác dùng gậy bóng chày làm hỏng một cây thánh giá và một số cánh cửa tại một chủng viện ở Texas.


Source:Catholic News Agency

3. Ðức Hồng Y Giáo chủ Hòa Lan cảnh giác rằng: Việc tôn trọng sự sống ngày càng hao mòn.

Ðức Hồng Y Willem Eijk, Tổng giám mục giáo phận Utrecht, Giáo chủ Công Giáo Hòa Lan, cảnh giác rằng một khi việc làm cho chết êm dịu được hợp thức hóa, thì dần dần những biện pháp bảo vệ sẽ bị bãi bỏ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin CNA, truyền đi ngày 24 tháng 9 năm 2020, Ðức Hồng Y Eijk, nguyên là một bác sĩ y khoa, nói rằng kể từ thập niên 1970, tại Hòa Lan, các tiêu chuẩn để chấm dứt cuộc sống ngày càng nới rộng, vì thế Ðức Hồng Y e ngại rằng sau cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Ba năm tới, một chính phủ mới có thể đưa ra dự luật cho phép các bác sĩ giúp tự tử đối với những người tin rằng cuộc sống của họ không làm cho họ mãn nguyện. “Ðiều này có nghĩa là việc tôn trọng giá trị thiết yếu của sự sống con người ngày càng suy tàn, vì một khi chấp nhận cho chấm dứt cuộc sống vì đau đớn quá, người ta sẽ luôn luôn đương đầu với vấn đề tại sao không cho kết liễu mạng sống trong đau khổ ở cấp độ ít hơn”.

Ðức Hồng Y Tổng giám mục Utrecht đưa ra nhận định trên đây, sau khi Bộ Giáo lý đức tin công bố Thư dài 26 trang, tái khẳng định việc làm cho chết êm dịu, hay là an tử, Euthanasia, là một hành vi tự nó là xấu, trong mọi hoàn cảnh hoặc trường hợp.

Ðức Hồng Y Eijk cũng nhắc lại rằng mới đây Tòa Án tối cao của Hòa Lan đã đưa ra một can thiệp quan trọng trong cuộc tranh luận về vấn đề giúp tự tử, khi đưa ra phán quyết về cuộc truy tố đầu tiên chống một bác sĩ kể từ khi Hòa Lan ban hành luật cho bác sĩ giúp kết liễu mạng sống người bệnh hồi năm 2002.

Tòa án tối cao Hòa Lan được yêu cầu xét lại phán quyết của tòa cấp dưới, hồi năm 2019 tha bổng một bác sĩ tại nhà dưỡng lão đã kết liễu sinh mạng của một bệnh nhân bị điên nặng hồi năm 2016. Trước đó bốn năm, nữ bệnh nhân ấy đã làm tờ yêu cầu kết liễu mạng sống của bà trong trường hợp bà bị điên.

Ðức Hồng Y Eijk nhận xét rằng nữ bệnh nhân ấy làm tờ yêu cầu trước khi vào nhà dưỡng lão, và một khi được nhận vào nhà ấy bà ta không còn biểu lộ ý muốn nữa vì bệnh điên của bà nặng hơn. Dầu vậy, bác sĩ đã quyết định giúp bà ta chết êm dịu sau khi tham khảo ý kiến gia đình và 2 bác sĩ khác chuyên làm tư vấn trong những vụ an tử, hai bác sĩ này đồng ý rằng đau khổ của phụ nữ ấy là không có triển vọng và không thể chịu được.

Ðức Hồng Y cho biết phụ nữ ấy đã rụt cánh tay lại, khi bác sĩ tìm cách chích thuốc độc cho bà. Phải chăng đó là một dấu hiệu không muốn được giết chết? Dầu vậy, bác sĩ đã cho bà uống cà phê có thuốc mê, rồi sau đó chích thuốc độc vào cánh tay bà. Nhưng lúc đó bà tỉnh dậy, những người thân của bà giữ chặt bà để bác sĩ tiếp tục truyền thuốc và hoàn thành việc kết liễu mạng sống của bà.

Ngày 22 tháng 4 năm 2020, Tòa án tối cao Hòa Lan đã phán quyết rằng tòa án cấp dưới đã hành động đúng khi tha bổng bác sĩ ấy về tội giết người.


Source:Catholic News Agency

4. Kho Tàng Ẩn Dấu

Chúng ta có biết rằng trong cơ thể của con người chúng ta, những yếu tố nhỏ nhất lại đóng vai trò quan trọng nhất không?

Lá lách của chúng ta chỉ tiết ra một lượng men rất nhỏ, nhưng rất cần thiết để giúp tiêu hóa chất Protin, chất béo trong thức ăn của chúng ta. Lượng dưỡng khí kết hợp với hồng huyết cầu để làm cho máu thành đỏ chỉ là một số lượng nhỏ. Tuyến não thùy nằm ở trong bộ não của chúng ta chỉ là một tuyến nhỏ nhưng vô cùng cần thiết bởi vì nó tiết ra một kích thích tố cần thiết cho sự tăng trưởng của con người. Những âm ba được truyền đến màn nhĩ trong lỗ tai là nhờ ở ba đốt xương nhỏ li ti nằm giữa lỗ tai của chúng ta. Những tế bào hình nón nằm trong võng mô của đôi mắt là những trạm tiếp nhận ánh sáng nhờ đó chúng ta mới thấy được. Mỗi một tế bào trong cơ thể chúng ta chứa đựng những nhiễm thể mà chức năng chính là quyết định về sự di truyền hay phái tính của mỗi bào thai. Tất cả những cơ cấu nhỏ bé và ẩn tàng ấy đóng vai trò xem ra quan trọng nhất trong sự sống và hoạt động của cơ thể con người.

Lại nữa, những tác nhân gây ra không biết bao nhiêu bệnh tật giết người cũng là những sinh vật nhỏ li ti mà mắt thường không thể nào trông thấy được. Phải chăng những cái nhỏ li ti nhất lại không là những cái chứa đựng nhiều sức mạnh nhất? Và phải chăng những công việc tầm thường vô danh nhất lại không là những công việc có giá trị nhất trong cuộc sống con người?

Có lẽ không phải do ngẫu nhiên hoặc vì chờ thời mà Con Thiên Chúa làm người, đã sống âm thầm ẩn dật trong 30 năm trước khi công khai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. 30 năm âm thầm ấy cũng có giá trị cứu rỗi như chính cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Với 30 năm âm thầm ấy, Chúa Giêsu muốn nói với con người rằng tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống con người, từ cái ăn, cái uống, cái ngủ nghỉ, tất cả đều được mặc cho một giá trị cao cả và trường cửu.

Sống một cách trọn vẹn, sống với tất cả niềm tin - tất cả những sinh hoạt tầm thường và nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống âm thầm, có khi độc điệu, buồn chán: đó chính là bí quyết để được hạnh phúc và bình an. Tất cả các vị thánh đều đi qua con đường nên thánh ấy.
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News