Ngày 26-11-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Như ngọn đèn chầu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:08 26/11/2008
NHƯ NGỌN ĐÈN CHẦU

Chúa Nhật I Mùa Vọng B

Từ thuở tiểu học, ai cũng thuộc 2 câu thơ: Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh. Nàng Tô Thị ôm con chờ chồng, mỏi mòn đợi chờ, mịt mù xa thẳm để rồi hóa đá. Hòn vọng phu là một di tích văn hóa của Dân tộc. Hòn Vọng Phu như là một biểu tượng lòng thủy chung của người vợ đợi chờ chồng. Linh mục Thiện Cẩm đã ví von: đối với tôi, hòn vọng phu có một ý nghĩa biểu tượng khác. Nó như là biểu tượng Giáo hội đang ôm ấp cả nhân loại trong lòng và đứng thẳng trên cao, nhìn vào chân trời xa thẳm, đợi chờ Đức Giêsu - vị Hôn Phu của mình đang ngự đến, như lời sách Khải Huyền đã viết: Thần Khí và Tân nương nói "Xin Ngài ngự đến. ..Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài ngự đến" ( Kh 22, 17- 20). Toàn bộ cuốn Thánh Kinh kết thúc như vậy. Hình ảnh Hôn Thê chờ Hôn Phu. Kinh Thánh là một câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và nhân loại mà phần lớn được diễn tả bằng ngôn ngữ tình yêu nam nữ, vợ chồng. Nhắc lại vài câu Thánh Kinh cũng đủ nói lên điều ấy: Ngươi sẽ được Thiên Chúa đem lòng sủng ái Và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rễ Ngươi cũng là niềm vui cho thiên Chúa ngươi thờ. ( Is 66, 4- 5) Thánh Phaolô trong 2 Cor 11,2; Ep 5,26-27 đã diễn tả Giáo hội là Hiền thê, là bạn trăm năm của Đức Kitô. Hình ảnh Hôn Thê chờ Hôn Phu là một hình ảnh đẹp biểu trưng lòng tín trung của Giáo hội đối với Chúa Kitô. Phụng vụ Giáo hội đã bước vào năm mới với khởi đầu là mùa vọng. Mẹ Giáo hội đang ôm ấp tất cả con cái nhân loại đợi chờ Đức Kitô đến trong hai lần Người ngự đến.Ngự đến trong thời gian là Nhập Thể và kết thúc thời gian là Quang Lâm. Từ Chúa Nhật I mùa vọng đến ngày 16.12 phụng vụ nói lên sự mong đợi ngày Chúa đến khi kết thúc thời gian; tám ngày cuối cùng trực tiếp nói đến ngày sinh nhật của Người. Tại các nhà thờ Đức có một tục lệ rất ý nghĩa là mỗi nhà thờ đều trang điểm vòng hoa Mùa Vọng với những cành thông tươi xanh và bốn cây nến, tượng trưng cho 4 Chúa nhật Mùa Vọng. Khởi đầu thánh lễ mỗi Chúa nhật, đang khi cộng đoàn hát bài Mùa Vọng, cây nến được thắp sáng. Chúa nhật thứ nhất thắp sáng một cây. Chúa nhật thứ hai thắp sáng hai cây. Khi cả bốn cây được thắp sáng, thì đại lễ giáng sinh cũng đã gần kề. Tục lệ này cũng được lan rộng trong nhân gian, tới hầu hết các công sở, các gia đình. Nơi nào cũng trưng bày vòng thông Mùa Vọng với đủ loại nến mầu đỏ, tím...

Theo tinh thần canh tân phụng vụ, mùa vọng không còn là mùa thống hối nữa mà là mùa hân hoan mong đợi. Các Chúa nhật trong mùa vọng không đọc kinh Vinh danh không phải vì đặc tính đền tội của mùa chay, nhưng là để bài ca của các Thiên thần được xem như là một tiếng hát mới mẻ trong đêm Giáng sinh. Mùa vọng cũng là mùa của những lời loan báo. Loan báo việc Chúa Giêsu sinh ra, loan báo thời gian cứu độ, loan báo ngày trở lại của Chúa Kitô. Những lời loan báo này được công bố rõ ràng trong các bài đọc ngày Chúa nhật. Bài đọc 1 trích trong sách Isaia, đó là những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế mà đỉnh cao là Chúa nhật IV, loan báo một trinh nữ sẽ sinh hạ tại Bêlem một Hài Nhi thuộc chi tộc Đavit và sẽ được gọi là Emmanuel. Bài Phúc âm Chúa nhật I mùa vọng nói lên niềm mong đợi ngày Chúa Kitô trở lại với lời nhắn nhủ: Hãy tỉnh thức. Chúa nhật II, III dành cho Gioan tiền Hô với lời mời gọi: Hãy dọn đường cho Chúa. Chúa nhật IV là Chúa nhật Truyền tin cho Đức Mẹ và Thánh Giuse. Các bài đọc 2 là các bài Thánh thư Phaolô, Giacôbê, Phêrô, đặc biệt làm cho mùa vọng trở thành một mùa loan báo việc Chúa Kitô trở lại lần thứ hai. Tin Mừng Chúa nhật I mời gọi: hãy tỉnh thức để đón chờ ngày tái ngộ với Chúa Kitô. Cuộc tái ngộ có thể xảy đến bất ngờ đối với mỗi người và đối với cả nhân loại. Vì Chúa đến rất bất ngờ và rất âm thầm. Muốn gặp được Chúa cần phải tỉnh thức. Tỉnh thức là thái độ sống của một gia nhân trung thành. Tỉnh thức và đợi chờ là lời mời gọi của Chúa đối với mỗi ngày sống của chúng ta. Chúa đến rất âm thầm và rất bé nhỏ. Chúa đến trong hiền lành khiêm nhường như một người phục vụ, đơn sơ trong y phục người nghèo. Chúa đang đến qua những con người bé nhỏ quanh chúng ta. Chúa hoà mình vào giữa đám đông vô danh tiều tốt. Phải tỉnh thức lắm mới gặp được Chúa.Tỉnh thức là luôn làm việc. Luôn nhìn thấy ý Chúa trong những trào lưu biến cố của thời đại và quãng đại dấn thân phục vụ. Mùa Vọng là mùa tỉnh thức, là chờ đợi trông mong. Chờ đợi nên luôn có hy vọng. Hy vọng gắn với tin yêu. Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến trong tin yêu.

Kitô giáo là tôn giáo của hy vọng vì dựa trên lời hứa của Thiên Chúa. Thiên Chúa hứa và Ngài sẽ thành tín thực hiện lời hứa. Thiên Chúa thực hiện từng giai đoạn và ngày càng trọn vẹn hơn. Vì thế người Kitô hữu luôn hướng về tương lai chờ đợi lời hứa cứu độ đã được thực hiện trong lịch sử và sẽ hoàn tất sau lịch sử. Chờ đợi hướng về tương lai tức là hy vọng. Hy vọng luôn gắn liền với lòng tin. Không có đức tin hy vọng chỉ là ảo tưởng. Không có hy vọng đức tin sẽ chết khô. Nhờ đức tin chúng ta chọn đúng hướng. Nhưng chỉ có hy vọng mới làm cho ta đi tới cùng đường.Thiên Chúa hy vọng vào con người là để cho con người được hy vọng vào Thiên Chúa, và bởi Thiên Chúa luôn hy vọng vào con người qua những đường đến bất ngờ, nên con người chỉ có cách là hy vọng vào Thiên Chúa qua niềm tỉnh thức không mỏi mệt của mình.

Những ngày vừa qua, hẳn nhiều người đã nhận được một file powerpoint bằng tiếng Pháp cùng với bản dịch tiếng Việt, dưới tựa đề là “Lời Tiên Báo thứ ba - Bí mật Fatima”. Những lời trong văn bản gợi lên hình ảnh rất rùng rợn của một đại họa sắp xảy ra, tương tự như một ngày tận thế.

Ngay sau đó, nhiều người báo cho biết rằng đấy là một ‘lời tiên báo giả mạo’. Cũng lưu ý rằng bản tiếng Pháp được thực hiện cách đây ba năm và bản dịch thì mới xuất hiện năm nay (từ 1917 đến nay là 88 năm trong bản tiếng Pháp so với 91 năm trong bản dịch tiếng Việt).

Trước hết, không hề có ‘Lời tiên báo thứ ba’, mà chỉ có phần thứ ba của ‘bí mật’ Fatima mà thôi. Kế đến, phần thứ 3 này đã được Đức Gioan Phaolô II cho phép công bố. Ngày 26-06-2000, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã phổ biến văn kiện “Message of Fatima” (1), ghi lại toàn bộ ‘phần 3’ của bí mật Fatima, cùng với những bình luận thần học của bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, mà hiện nay là Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI.

Phải mất 3.000 năm để cho Dân Chúa đi từ việc tôn thờ một Yavê thịnh nộ và thẳng tay trừng phạt đến một Thiên Chúa của Đức Kitô, Người Cha nhân từ và sẵn sàng tha thứ. Vậy thì những lời kêu gọi được gán cho Đức Mẹ trên kia đã vẽ lên một bức hí họa về Kitô giáo. Đã có quá nhiều người trên thế gian bôi nhọ Giáo Hội và Thiên Chúa rồi, không cần những người tự xem mình ‘sứ giả của Đức Mẹ’ góp phần nữa, để biến một Tôn Giáo của Yêu Thương, của xả kỷ, của hy sinh, của quên mình, thành một Tôn Giáo của mê tín, của ích kỷ, của sợ hãi, của ngây ngô. Phúc âm từng nhắc đến tận thế, và trước mắt ta nên hiểu đấy là tận thế của từng người. Vì vậy Giáo hội không ngừng kêu gọi ăn năn sám hối; nhưng sám hối để sống mầu nhiệm Tình Yêu, để biến cái thế giới còn bất công này thành một ngôi nhà của những người con cùng một Cha chung và biết đối xử với nhau trong tình huynh đệ, chứ không phải sám hối bằng cách bỏ tiền đi xin lễ, mua nến, mua bình đựng nước thánh với mục đích cho mình sống sót, hoặc ít ra là chuẩn bị một cái ghế hầu an vị ở thế giới bên kia, nếu ‘trời sập’ vào một ngày gần đây.

Xin đừng nhân danh lòng tôn sùng Đức Mẹ mà biến Mẹ thành một ngẫu tượng, biến Đạo Công Giáo thành một tập tục nhảm nhí, biến sứ điệp Tin Mừng thành một thông báo Tin Lo. (x.Trần Duy Nhiên, memaria.org).

Niềm hy vọng cánh chung không cản trở công cuộc xây dựng trần thế và mưu tìm hạnh phúc hiện tại. Trái lại, đó là một động lực thúc đẩy mỗi người góp phần kiến tạo gia đình, làng xóm,xã hội sống công bình, huynh đệ và hạnh phúc hơn.Ai thấy rõ đường đi thì càng vững tâm mà đi. Chỉ có một Đức Kitô, chỉ có một Giáo hội là bạn trăm năm của Người. Giáo hội không chỉ là Trinh Nữ, là Hiền Thê mà còn phải là Mẹ. Do đó hình ảnh người Mẹ bồng con là hình ảnh thích hợp để biểu tượng cho Giáo hội. Hình ảnh Hòn Vọng Phu tượng trưng cho Mẹ Giáo hội đứng trên đỉnh núi giữa trời mây sông nước, ẵm chặt vào lòng đứa con của sự sống là tương lai và hạnh phúc của mình hướng về trời cao với niềm hy vọng là Đức Kitô. Mẹ Giáo hội cưu mang các thực tại của mọi dân tộc là sự sống, là tương lai, là hạnh phúc để nuôi dưỡng và ấp ủ cho đến ngày hoàn toàn viên mãn, ngày Đức Kitô ngự đến. Mùa vọng được khai mở với lời mời gọi của Chúa Giêsu: Hãy tỉnh thức.Bước đầu là bước quyết định cho cả một cuộc đời,một chương trình kế tiếp như như sách Nho có câu: Nhất nhật chi kế tại ư thần, nhất niên chi kế tại ư xuân ( Kế hoạch một ngày hệ tại giờ ban mai, kế hoạch một năm hệ tại mùa xuân). Tỉnh thức là thái độ sống của người tín hữu suốt năm phụng vụ. Xin Chúa cho chúng con như ngọn đèn chầu trong nhà thờ, thức luôn và sáng luôn trước nhan Chúa.

Tài liệu liên quan đến Sứ điệp Fatima của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin:

Tiếng Anh: http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20000626_message-fatima_en.html

Tiếng Pháp: http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20000626_message-fatima_fr.html
 
Sống tâm tình biết ơn phải là tâm niệm của kẻ chịu ơn
LM Trần Bình Trọng
08:02 26/11/2008
SỐNG TÂM TÌNH BIẾT ƠN PHẢI LÀ TÂM NIỆM CỦA KẺ THỤ ƠN

Mừng Lễ Tạ Ơn: A, B, C (Is 63:7-9; Cl 3:12-17; Lc 1:39-55)

Người Hoa Kì dành ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng Mười Một để nghỉ ngơi và tạ ơn. Món ăn đặc biệt của họ trong ngày Tạ ơn là gà tây. Những người Việt sành ăn ở Mĩ thì biến chế và thêm gia vị như thái nhỏ gan và mề gà, miến, kim châm, cần tây, hạt đìu, nấm tươi, hạt tiêu với chút muối trộn đều với bánh mì cũng cắt nhỏ rồi nhét vào bụng con gà, đã lấy hết ruột gan đi, rồi bọc kín con gà bằng giấy bạc hay giấy plastic mà không cháy, rồi nướng trong lò với nhiệt độ 375oF trong vòng ba giờ đồng hồ. Gà nhỏ thì nướng ít giờ hơn. Thịt gà sẽ được mềm mại, thơm ngon, hợp khẩu vị của người mình. Người Mĩ được mời ăn gà tây nấu pha kiểu Việt cũng rất thích và thích ăn mãi. Ðúng là: Quen mui thấy mùi ăn mãi.

Lễ Tạ ơn của người Hoa Kì không phải là ngày lễ tôn giáo. Tuy nhiên Giáo hội công giáo cũng như người Thiên Chúa giáo tại Hoa Kì cố đem ý nghĩa tôn giáo, ý nghĩa thiêng liêng vào ngày lễ Tạ ơn. Vậy thì tại những quốc gia không có lễ tạ ơn trong năm, thì gia đình hay gia tộc cũng nên dùng ngày nào đó trong năm làm ngày tạ ơn chính thức của gia đình hay gia tộc mình để tạ ơn Chúa và sum họp gia đình.

Mừng lễ tạ ơn là dịp nhắc nhở cho người tín hữu về những hồng ân, những ân huệ về vật chất cũng như tinh thần và thiêng liêng, mà mỗi người nhận được. Người ta thường coi thường hoặc quên lãng những ân huệ mà họ nhận được, coi đó là ngẫu nhiên. Tuy nhiên nếu phải vất vả khổ cực trong việc làm ăn để tranh thủ miếng cơm manh áo, người ta mới đánh giá được những ân huệ mà họ nhận được. Tạ ơn nói lên tâm tình thiếu thốn, muốn tuỳ thuộc vào Chúa, và muốn nhớ đến người đã làm ơn cho mình, mà không quên. Ðó là cảm tình của người uống nước nhớ nguồn, hoặc ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ðó cũng là cách thế nói lên rằng mình cần người khác. Nhớ ơn người khác thì cũng nhớ ơn Chúa. Chúa là Ðấng vô hình nên ta không biết diễn tả lòng biết ơn thế nào. Ta cần học cách diễn tả lòng nhớ ơn đối với loài người để ta có thể diễn tả lòng biết ơn đối với Chúa.

Trong dịp lễ tạ ơn, ta ghi nhớ lời ngôn sứ Isaia nhắc nhở cho dân chúng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những gì Người đã làm cho họ (Is 63:7). Thánh Phaolô thì khuyên giáo hữu Côlôxê đối xử với nhau bằng tâm tình biết ơn lẫn nhau nên phải: Có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em, người này có điều gì phải trách móc người kia (Cl 3:13). Còn trinh nữ Maria cảm tạ Thiên Chúa đã làm những việc trọng đại nơi mình bằng cách ra đi phục vụ bà chị họ đang mang thai trong tuổi cao niên (Lc 1:39-44). Khi còn tại thế, Ðức Giêsu thường dạy các môn đệ sống tâm tình biết ơn. Khi ngồi vào bàn ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời cảm tạ (Mt 15:36; Mc 8:6; Ga 6:11). Khi lập Bí tích Thánh thể trong bữa Tiệc Li, Chúa Giêsu cũng cầm bánh, dâng lời tạ ơn (Lc 22:19), rồi cầm chén rượu cũng dâng lời cảm tạ (Mt 26:27; Mc 14:23).

Mỗi người có nhiều lí do để tạ ơn: những ơn mà ta nhận được cách chung như ơn được sinh ra làm người, ơn được nhận lãnh đức tin, ơn có nhà ở, việc làm, có cơm ăn áo mặc, ơn được cắp sách đến trường học. Mỗi người còn nhận được những ân huệ và tài năng khác nhau nữa như tài nói năng hoạt bát, làm thơ bay bướm, hát hay, có năng khiếu về văn chương, nghệ thuật, khoa học, âm nhạc, thể thao.. Tài năng và ân huệ Thiên Chúa ban phải được phát triển và được dùng để phục vụ đồng loại và để làm vinh danh Thiên Chúa.

Vậy còn những điều không may xẩy đến cho ta thì sao? Ta có cảm ơn Chúa hay là than trách, oán hận Chúa? Thường người ta hay phàn nàn, than trách về những rủi ro bệnh tật họ gặp, hoặc về những sự vật người ta không có mà người khác lại có, cho nên mắt họ bị che đậy lại, không nhìn thấy chiều sáng của cuộc đời, không nhìn thấy những điều may mắn. Kết quả là người ta nảy sinh ra thái độ tiêu cực như: ghen tuông, bất mãn, hận đời và còn hận cả đấng Hoá công như Cung Oán Ngâm Khúc: Hoá công sao khéo trêu ngươi hoặc Thuý Kiều: Phũ phàng chi bấy hoá công. Với con mắt đức tin, những gì xem ra bề ngoài là rủi ro, có thể lại mang lợi ích cho ta về đường dài hay về đời sống tinh thần và thiêng liêng.

Chỉ khi nào sống trong tâm tình biết ơn, ta mới nhìn thấy chiều sáng của cuộc đời. Nếu nhìn quanh, ta sẽ thấy còn bao nhiêu người nghèo đói, thiệt thòi, đau khổ về phần xác và tinh thần. Như vậy phải chăng ta còn được may mắn hơn nhiều người.

Vậy thì để áp dụng thực hành, trong ngày sống, người tín hữu phải dâng lên Thiên Chúa những lời cảm tạ, những cử chỉ tạ ơn. Tạ ơn phải là tâm tình phải có hàng ngày, hàng giờ của người tín hữu. Chẳng hạn tạ ơn Chúa cho một ngày đẹp trời, có nắng ấm dưới bầu trời xanh biếc với những vầng mây trắng điểm tô, thêm gió hiu hiu thổi nhè nhẹ và tiếng chim hót véo von. Tạ ơn Chúa cho một giấc ngủ yên lòng, khiến tâm thần được thanh thản. Cảm tạ Chúa cho một bữa ăn ngon lành. Nhiều người không dám cảm tạ Chúa cho bữa ăn ngon, sợ làm như vậy là mất nhân đức hi sinh hãm mình.

Ði du lịch sang Mĩ, người ta thường nghe thấy hai tiếng cám ơn và xin lỗi trên cửa miệng họ. Một lời mình khen họ về bất cứ chuyện gì, họ cũng cám ơn mình. Sơ ý chạm vào họ, họ cũng xin lỗi mình. Có lẽ năng cám ơn nhau, cũng phải nhắc nhở cho người ta đừng quyên cám ơn Chúa. Khi Chúa Giêsu chữa mười người phong cùi, mà chỉ có một người trở lại cám ơn, mà người ấy lại là người ngoại bang, thì Chúa mới hỏi: Còn chín người kia đâu ? (Lk 17:14-18).

Nói lời cám ơn thôi có thể chỉ là bôi bác bề ngoài, nếu lời cảm tạ không phát xuất tự đáy lòng hoặc không có việc làm đi theo. Trên một chuyến bay chở hàng giám mục Mĩ sang La mã họp Công Ðồng Vaticanô II, tổng Giám mục Fulton Sheen, một nhà giảng thuyết hùng biện và cự phách trên truyền hình Mĩ, thấy một chiêu đãi viên trẻ đẹp, ghé vào tai cô hỏi có bao giờ cô đã tạ ơn Chúa về sắc đẹp mà Chúa ban chưa? Sau đó cô đến xin ý kiến tổng Giám mục Sheen xem cô nên làm gì để tạ ơn.

Bất chợt không sửa soạn đề nghị cách thế cảm tạ cho cô, mà lại vừa nghe tin Tổng Giám mục Sàigòn xin từ chức để phục vụ người phong cùi tại Di Linh, Ðức Cha Sheen mới đề nghị cô nên sang Việt Nam giúp Ðức Cha Cassaigne phục vụ người cùi ở đây một thời gian để làm dịu bớt những đau khổ và buồn tủi của người xấu số. Thất vọng về lời đề nghị, cô quay ngoắt ra về mà không thèm chào. Ðến năm 1963, báo chí Sàigòn loan tin về một chiêu đãi viên trẻ đẹp, hãng máy bay PANAM Mĩ, tình nguyện sang phục vụ người phong cùi ở trại Di Linh sáu tháng.

Thánh lễ theo nguyên tự Hi Lạp Eucharistos có nghĩa là tạ ơn. Người tín hữu thời Giáo hội sơ khai khi đi dâng lễ, họ mang trong tâm tư ý niệm và tâm tình tạ ơn. Ðối với người tín hữu, đến nhà thờ dâng lễ là cách thế tốt nhất để bầy tỏ tâm tình tạ ơn. Vậy tạ ơn Thiên Chúa mà không đến nhà thờ dâng thánh lễ tạ ơn là một thiếu sót lớn, làm mất đi nhiều ý nghĩa của ngày tạ ơn vậy.

Lời cầu nguyện xin cho được sống tâm tình biết ơn:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh,
Ðấng tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá đời con.
Con xin tạ ơn Chúa về muôn hồng ân Chúa đã ban cho con.
Với đức tin, con tin rằng mọi sự vật con có là do Chúa ban.
Xin dạy con bớt phàn nàn kêu trách
và cho con được nhận thức rằng
sống trong tâm tình biết ơn hằng ngày, hằng giờ, hằng phút
phải là tâm niệm của kẻ thụ ơn. Amen
 
Cuộc đời là một giấc mơ
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
08:19 26/11/2008
Chúa Nhật I Mùa Vọng – B (Mc 13:33-37)

Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B của Cha Raniero Cantalamessa, Cha giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng. Ngài nói về việc làm sao để Mùa Vọng giúp chúng ta chừa tật xấu.

Khi ấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết khi nào chủ nhà sẽ trở về, buổi chiều hay nửa đêm, khi gà gáy hay buổi sáng. Ông ấy có thể về vào lúc các con không ngờ và thấy các con đang ngủ. Ðiều Thầy bảo các con, Thầy cũng bảo mọi người là, Hãy tỉnh thức!”

Cách nói này của Đức Chúa Giêsu ám chỉ một cái nhìn rất chính xác về thế gian: thời buổi hiện đại như một đêm dài; cuộc đời mà chúng ta đang sống giống như một giấc mơ; các hoạt động điên cuồng mà chúng ta đang làm trên thực tế là một giấc mơ. Một văn hào Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ 17, Calderón de la Barca, đã viết một vở kịch thời danh về đề tài: “Cuộc đời là một giấc mơ.”

Cuộc đời chúng ta trên hết phản ảnh sự ngắn ngủi của giấc mơ. Giấc mơ xảy ra ngoài thời gian. Trong giấc mơ sự vật không tồn tại như trong thực tế. Những hoàn cảnh, cần nhiều ngày hay tuần lễ, xảy ra trong giấc mơ trong vài phút. Đó là một hình ảnh của cuộc đời chúng ta: Khi đến tuổi già, người ta nhìn lại và có cảm tưởng rằng mọi sự đều qua đi trong nháy mắt.

Một đặc tính khác của giấc mơ là sự không thực tếhư vô. Người ta có thể mơ thấy mình ở trong một bữa tiệc, và ăn uống đến mức no nê; nhưng khi thức dậy thì cơn đói vẫn luôn còn đó. Một hôm, một người nghèo mơ thấy mình trở nên giàu có: anh ta được tâng bốc trong giấc mơ của mình, anh làm ra vẻ quan trọng, anh khinh dể cả cha anh, làm bộ như anh không nhận ra ông, nhưng khi thức giấc, anh ta thấy mình vẫn nghèo như xưa!

Điều này cũng xảy ra khi một người ra khỏi giấc mơ của cuộc đời này. Một người có thể rất giàu có ở dưới thế này nhưng khi chết người ấy thấy mình ở chính tình trạng của người nghẻo trên, là người thức giấc sau khi đã mơ thấy mình giàu có. Có gì còn lại trong sự giàu có của anh ta nếu anh ta đã không dùng chúng cho nên không? Chẳng còn gì cả.

Còn một đặc tính nữa của giấc mơ mà không áp dụng cho đời sống được: sự vắng mặt của trách nhiệm. Bạn có thể giết người hay ăn cướp trong giấc mơ; một khi thức dậy, bạn không có một chút mảy may tội nào cả; hồ sơ tiền án của bạn vẫn còn trắng. Trong đời sống thì không như thế, chúng ta biết rõ điều đó. Điều gì chúng ta làm trong cuộc đời cũng để lại những dấu vết, và dấu vết thế nào! Đã có lời viết rằng “Thiên Chúa sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo việc họ làm” (Rm 2:6).

Về mặt thể lý, có những dược liệu có thể “làm cho người ta ngủ” hay giúp cho dễ ngủ; chúng được gọi là những viên thuốc ngủ và được thế hệ như thế hệ của chúng ta, là thế hệ không muốn mất ngủ, biết rõ. Về mặt luân lý cũng có một loại thuốc ngủ kinh khủng. Tên nó là thói quen.

Một thói quen giống như một con ma cà rồng. Ma cà rồng – ít ra là theo điều người ta tin -- tấn công những người đang ngủ và, trong khi nó hút máu họ, thì cùng một lúc nó cũng chích chất mê ngủ làm cho giấc ngủ dễ thương hơn, để người không may rơi vào một giấc ngủ mê man và con ma cà rồng có thể hút hết máu nếu cần. Thói quen tội lỗi cũng ru ngủ lương tâm, để một người không cảm thấy ân hận; người ấy nghĩ rằng mình rất khỏe mạnh mà không biết rằng mình đang chết về tâm linh.

Chỉ có một cách cứu chữa khi mà “con ma cà rồng” này đã đè lên chúng ta, là có một điều gì bất ngờ xảy ra làm cho chúng ta tỉnh cơn mơ. Đó là điều mà Lời Chúa mà chúng ta nghe thường xuyên trong Mùa Vọng quyết tâm làm, là kêu gào lên để chúng ta thức dậy!

Chúng ta kết thúc bằng một Lời của Chúa Giêsu là Lời mở tâm hồn chúng ta ra để tin tưởng và hy vọng: “Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về mà thấy còn tỉnh thức. Thật, Thầy bảo các con, chủ sẽ thắt lưng, mời họ vào bàn ăn, và ông sẽ đến mà hầu hạ họ” (Lc 12:37) .

 
Học và Sống Năm Thánh Kinh: Bài 2 - Mặc Khải của Thiên Chúa
Phaolô Phạm Xuân Khôi
09:30 26/11/2008
Trong bài bài trước chúng ta đã tìm hiểu về các định nghĩa khác nhau về Lời Chúa. Lời Chúa còn hơn cả các sách Thánh Kinh, vì Lời Chúa chính là Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng xuống trần để mặc khải cho chúng ta trọn vẹn chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta tìm hiểu cách tóm tắt về mặc khải của Thiên Chúa và mặc khải này được lưu truyền thế nào trong Hội Thánh.

Thiên Chúa đã tỏ mình ra qua sự nhân lành và khôn ngoan của Ngài, và mặc khải mầu nhiệm ý định của Ngài cho chúng ta qua Ðức Kitô. Ngài đã truyền dạy cho con người cách tiệm tiến, để họ có thể đón nhận mặc khải siêu nhiên của Ngài. Mặc khải này đạt tới cao điểm nơi con người và sứ mạng của Ngôi Lời Nhập Thể, là Đức Chúa Giêsu Kitô (GLCG 51-53)

I.  Các Giai Ðoạn Mặc Khải

Ðầu tiên Thiên Chúa tỏ mình ra bằng cách luôn cung cấp cho con người những bằng chứng về sự hiện hữu của Ngài qua các tạo vật hữu hình. Ngài đã tỏ mình ra cho nguyên tổ và ban cho các ngài ân sủng cùng đức công chính nguyên thủy. Sau khi hai ông bà phạm tội, Ngài đã nâng các ngài lên bằng lời hứa ơn cứu độ và tiếp tục săn sóc nhân loại (GLCG 54-55).

Sau trận Ðại Hồng Thủy, Thiên Chúa lập Giao Ước với ông Noe. Ngài chia con người ra thành nhiều dân tộc với ngôn ngữ khác biệt để giới hạn tội kiêu ngạo của bản tánh loài người. Giao Ước với ông Noe vẫn có hiệu lực cho Dân Ngoại cho đến khi Tin Mừng được loan báo khắp thế gian (GLCG 56-58).

Thiên Chúa chọn ông Abram và ông đã đáp lại. Ngài đổi tên ông là Abraham, và hứa cho ông thành tổ phụ của nhiều dân tộc (GLCG 59-61).

Thiên Chúa Hình Thành Dân Israel . Thiên Chúa chọn dân Israel làm Dân Riêng của Ngài. Khi dân Israel làm nô lê tại Ai Cập, Ngài đã tuyển chọn ông Môsê để giải phóng họ, đã thiết lập Giao Ước với họ, và ban cho họ Mười Ðiều Răn để họ nhận biết Ngài và phụng sự Ngài như một Thiên Chúa hằng sống, chân thật và duy nhất. Qua các ngôn sứ, Ngài đã nuôi dưỡng họ trong đức tin, và trong niềm hy vọng Cứu Ðộ qua một Giao Ước Mới được viết trong lòng họ (GLCG 59-64).

II. Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Trung Gian và viên mãn của tất cả Mặc Khải

Qua Ðức Kitô, Thiên Chúa đã hoàn tất công việc mặc khải của Ngài. Sau Chúa Giêsu và các Thánh Tông Ðồ thì không còn một mặc khải công khai nào nữa. Tất cả các mặc khải tư và thị kiến đều phụ thuộc vào Mặc Khải của Thiên Chúa qua Ðức Kitô. Chúng không bổ túc, nhưng giúp chúng ta sống trọn vẹn Mặc Khải chính này (GLCG 65-73).

Việc Lưu Truyền Mặc Khải Của Thiên Chúa

 “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý”, tức là “nhận biết Chúa Giêsu Kitô”. Mặc Khải này được truyền lại cho chúng ta trong Hội Thánh qua các Thánh Tông Ðồ và những người kế vị các ngài. (GLCG 74)

I. Truyền Thống các Tông Ðồ (Tông Truyền)

Ðức Kitô truyền cho các Tông Ðồ rao giảng Tin Mừng cho toàn thể nhân loại. Tin Mừng này là nguồn gốc của mọi chân lý cứu độ và quy luật luân lý. Các Thánh Tông Ðồ truyền lại Tin Mừng các ngài nhận được bằng hai cách, truyền khẩu qua lời giảng dạy, và bằng văn tự qua Thánh Kinh. Các ngài trao nhiệm vụ này lại cho các giám mục là những người kế vị các ngài trong việc lưu truyền những giáo huấn của Ðức Kitô. Sự lưu truyền sống động này được hoàn thành nhờ Chúa Thánh Thần, và được truyền lại cách không gián đoạn cho đến tận thế, được gọi là Thánh Truyền (GLCG 75-79).

II. Liên quan giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền

Thánh Kinh và Thánh Truyền có chung một nguồn là Thiên Chúa. Cả hai đều làm cho mầu nhiệm Ðức Kitô được hiện diện và sinh hoa kết quả trong Hội Thánh. Nhưng hai cách lưu truyền thì khác nhau. Thánh Kinh là Lời Chúa được ghi lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Thánh Truyền là trọn vẹn Lời Chúa mà Ðức Kitô và Chúa Thánh Thần đã trao phó cho các Thánh Tông Ðồ, và truyền lại cho những người kế vị các ngài.

Ngoài Thánh Truyền, còn có các "truyền thống" thần học, kỷ luật, phụng vụ hoặc thờ phượng. Những truyền thống này có thể thay đổi, nhưng Thánh Truyền thì không thay đổi được (GLCG 80-83).

III. Việc giải thích Gia Tài Ðức Tin

Thánh Kinh và Thánh Truyền hợp thành một Kho Tàng Đức Tin, và được các Tông Ðồ trao phó cho toàn thể Hội Thánh để giữ gìn và truyền lại cho đến tận thế. Nhiệm vụ giải thích cách trung thực Lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền được ủy thác cho Huấn Quyền sống động của Hội Thánh, nhân danh Đức Kitô. Huấn quyền là các giám mục hiệp thông với Đức Thánh Cha. Huấn Quyền chỉ dạy những gì đã được truyền lại mà thôi. Chúng ta có nhiệm vụ vâng phục Huấn Quyền như Chúa Giêsu đã truyền trong Luca 10:16.

Khi những chân lý thiết yếu được Huấn Quyền long trọng công bố như là các tín điều, thì tất cả dân thánh phải tin. Toàn thể tín hữu được đồng chia sẻ sự hiểu biết và sử dụng các tín điều và những chân lý khác được Chúa mặc khải. Hơn nữa, toàn thể tín hữu không thể sai lầm trong đức tin khi họ cùng với các Ðức Giám Mục “đều đồng ý về những chân lý liên quan đến đức tin và luân lý".

Nhờ Chúa Thánh Thần, sự hiểu biết về đức tin có thể gia tăng trong đời sống Hội Thánh qua việc các tín hữu suy niệm, học hỏi và nghiên cứu thần học, và cảm nghiệm và sống Lời Chúa (GLCG 84-100).

Kết Luận

Vì khả năng hiểu biết của loài người có hạn và phát triển theo thời gian nên Thiên Chúa đã mặc khải cho con người cách tiệm tiến. Đầu tiên qua các công trình tạo dựng của Ngài, rồi từ từ qua các tổ phụ, các ngôn sứ, và sau cùng là Đức Kitô. Đức Kitô là sự viên mãn của mặc khải. Sau Đức Kitô và các Tông Đồ thì không còn mặc khải công nữa. Tất cả các mặc khải tư đều phụ thuộc vào mặc khải của Đức Kitô. Mặc khải được truyền lại trong Hội Thánh qua Thánh Kinh và Thánh Truyền. Tuy mặc khải đã được hoàn tất nơi Đức Kitô, nhưng loài người vẫn không thể hiểu biết trọn vẹn mặc khải. Nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Hội Thánh mỗi ngày một hiểu biết rõ hơn về mặc khải, và kho tàng hiểu biết này được truyền lại trong Hội Thánh qua các Thánh Tông Đồ, các Giáo Phụ, các Tiến Sĩ Hội Thánh, và tất cả các tín hữu. Chúa Thánh Thần hướng dẫn Huấn Quyền để gìn giữ Hội Thánh khỏi sai lạc trong việc giải thích và lưu truyền mặc khải của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta không được cắt nghĩa Lời Chúa theo ý riêng, mà phải theo truyền thống sống động của Hội Thánh. Trong bài sau chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về Thánh Kinh theo giáo huấn của Hội Thánh.

 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:50 26/11/2008
NÓI KHÁY

N2T


Có một môn đồ xưa nay vốn rất dễ chịu, nay bắt đầu báo oán: anh ta từ trước đến nay chưa có kinh nghiệm thực hành qua sự yên lặng mà sư phụ thường nói đến.

Sư phụ nói: “Loại thinh lặng này thường phấn khởi tiến lùi xảy ra trên con người.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Có hai loại thinh lặng: một là thinh lặng của hoàn cảnh, hai là thinh lặng của tâm hồn.

Thinh lặng của hoàn cảnh thì thường chuẩn bị cho một đại họa của thiên nhiên hay do con người đưa đến, mà sự thinh lặng của tâm hồn thì đưa con người ta về lại chính bản thân của mình, để nhìn thấy Đấng vô hình đang hiện diện khắp nơi trong vũ trụ và trong tâm hồn mình.

Nếu không có ơn Chúa và sự quyết tâm, thì thinh lặng tâm hồn sẽ chỉ là sự phấn khởi tiến lùi theo hoàn cảnh mà thôi, lúc đó thì không ích lợi gì cho bản thân mình cả.

Ai hiểu thì hiểu.

Người không hiểu thì nói sư phụ chỉ nói kháy mà thôi, chứ thinh lặng thì làm gì có sự phấn khởi tiến lùi. ha ha ha...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:52 26/11/2008
N2T


16. Người trên núi cao, càng leo lên cao càng nhìn được xa, tu đức của con người thì giống như leo núi cao, càng đi phía trước càng nhìn được cao xa, và càng nhận biết Thiên Chúa.

(Thánh Bonaventura)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha thôi thúc triều đại Chúa Kitô trong các trái tim
Bùi Hữu Thư
00:37 26/11/2008

Đức Thánh Cha thôi thúc triều đại Chúa Kitô trong các trái tim



VATICAN CITY, ngày 25, tháng 11, 2008
(Zenit.org).- ĐT C Benedict XVI nói, triều đại Chúa Kitô trên trần thế có thể bị ngăn cản nếu con người vẫn còn từ chối không cho Chúa ngự trị trong trái tim họ.

ĐTC khẳng định điều này khi nói với các khách hành hương đến từ Tổng Giáo Phận Amalfi-Cava de' Tirreni, tại miền nam nước Ý. Giáo dân thuộc tổng giáo phận này đã tụ tập vào đêm vọng Lễ Chúa Kitô Vua.

ĐTC nói, "Lời Chúa chúng ta nghe ngày mai sẽ nhắc lại cho chúng ta rằng khuôn mặt Chúa Kitô, sự mạc khải của mầu nhiệm bí ẩn của Chúa Cha, là mầu nhiệm của Chủ Chiên Nhân Lành, sẵn sàng chăm sóc đoàn chiên tản mác, và tụ họp chúng lại để chúng có thể ăn cỏ và nghỉ ngơi yên lành. Lời Chúa cũng nhắc chúng ta về gương mặt của Chúa Kitô Vua vũ trụ, của vị thẩm phán, vì Chúa vừa là chủ chiên nhân lành và hay xót thương, vừa là một vị thẩm phán công bằng.”

ĐTC tiếp, vào ngày chung thẩm, Chúa Kitô “mời gọi người công chính bước vào thừa hưởng gia tài đã được dọn sẵn cho họ ngay từ thuở tạo thiên lập địa, trong khi Người đầy ải những kẻ gian tà vào lửa đời đời, nơi được chuẩn bị cho những quỷ dữ và các thiên thần nổi loạn khác. Tiêu chuẩn để phán xét rất quyết liệt. Tiêu chuẩn ấy là tình yêu, là lòng bác ái cụ thể đối với tha nhân, và đặc biệt đối với ‘những kẻ bé mọn,’ những người đang gặp rất nhiều khó khăn: đói khát, ngoại kiều, trần trụi, bệnh tật và bị cầm tù.”

ĐTC tiếp, "Anh chị em thân mến, đây chính là điều Chúa ưa thích. Người không màng đến các vương quốc lịch sử; nhưng muốn ngự trị trong tâm hồn mỗi người, và từ đó, trên khắp thế giới: Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ nhưng điểm thiết yếu, nơi vương quốc của Người đang lâm nguy, chính là trong trái tim chúng ta, vì ở đó Chúa gặp được sự tự do cuả chúng ta.

"Chỉ riêng chúng ta mới có thể ngăn cản không cho Người ngự trị trên chúng ta và do đó làm cản trở vương quốc của Người trên toàn thế giới: trên các gia đình, xã hội, và lịch sử. Chúng ta có khả năng lựa chọn mình thuộc về đám người nào: với Chúa Kitô và các thiên thần của Người hay với quỷ dữ và những kẻ theo chúng, nếu dùng cùng một lời lẽ trong Phúc Âm.”

ĐTC Benedict XVI nói rằng mỗi cá nhân phải quyết định “thực hành điều công chính hay gian tà, ôm ấp tình yêu và sự tha thứ hay thù hận chết người.”

Ngài khẳng định, "Sự cứu rỗi của cá nhân chúng ta và của thế giới tùy thuộc vào quyết định này. Chính vì thế mà Chúa Giêsu muốn kết hiệp chúng ta với vương quốc của Người; chính vì thế mà Người mời gọi chúng ta cộng tác cho Vương Quốc tình yêu, công lý và hòa bình của Người mau đến."

ĐTC kết luận, "Bổn phận chúng ta là phải đáp trả lời mời gọi này, không bằng lời nói mà bằng việc lành: bằng cách lựa chọn con đường tình yêu hữu hiệu và quảng đại đối với tha nhân, để cho Chúa có thể bành trướng vương quốc của Người trong thời gian và không gian.”
 
Giáo dục Công giáo có giá trị như một viên ngọc
Tú Nạc
07:55 26/11/2008
TORONTO- Giám mục Grard Bergie, trợ tá Giáo phận Hamilton đã nói nền giáo dục Công giáo có giá trị như "một viên ngọc tuyệt vời" cần phải được duy trì và bảo vệ.

Trong bài diễn văn chủ đạo trước 1,300 giáo viên tại một giảng đường chật ních vào ngày 23 tháng 10, lần họp thường niên thứ 13, khi Hội nghị Khoa sư phạm họp mặt đầu tiên kéo dài từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 10, Ngài nói: "Nếu chúng ta tin rằng nền giáo dục Công Giáo là một viên ngọc của sự khôn ngoan cao cả thì chúng ta cần phãi gìn giữ nó kỹ càng, cẩn thận.". Cuộc Hội nghị gồm có các Ban quản lý nhà trường, Hội Giáo viên Công Giáo Anh, và Hội đồng Hiệu trưởng Ontorio.

Trong thời gian tuyển cử Hội đồng thành phố năm 2007, Giám mục Bergie đã đề cập đến cuộc tranh luận châm ngòi cho sự bộc phát một cách công khai cho việc tài trợ những trường học có sự tin tưởng tuyệt đối. Ngài nói những ai đang kêu gọi dỡ bỏ hệ thống nhà trường Công Giáo trong việc ủng hộ một trong những hệ thống tài trợ này là "mù quáng trước vẻ đẹp mà nhà trường Công Giáo sở hữu."

Ngài nói nhà trường Công giáo đang đào tạo những công dân tương lai, nhũng người góp phần cho sự phát triển của xã hội khi những sinh viên đưa giá trị Phúc Âm vào hành động, việc làm. Ngài nói: "Họ mang niềm tin đến cho một thế giới chung, vì niềm tin là cái gì đó thuộc cá nhân nhưng không phải cùa cá nhân.".

"Và Chúa Jesus là mẫu mực mà tất cả giáo viên Công Giáo có thể noi theo bởi tiếng gọi của Chúa tới sự lãnh đạo tôi tá". Ngài nói thêm: "Trong phụng sự, luôn có sự hy sinh. Chúng ta không thể vị kỷ. Chúng ta phải vị tha.".

Đúc Giám mục Bergie cũng chỉ ra mối liên hệ quan trọng giữa nhà trường Công Giáo với gia đình, và xứ đạo; sự liên kết thiên hướng của các nhà giáo dục và thiên hướng của Chúa Jesus với tư cách là một người thầy.

Nhưng cho dù phải đứng trước những thử thách,Đức Giám Mục đã khuyên người Công Giáo không nên ngã lòng: "Trái yêu thương của chúng ta là phụng sự, phụng sự Chúa và phụng sự tha nhân."

(Nguồn "The Catholic Register")
 
Truyền Thống Nhân Bản Ngày Lễ Tạ Ơn Thanksgiving Day Năm Nay Tại Hoa Kỳ
Đỗ Hữu Nghiêm
08:08 26/11/2008
Truyền Thống Nhân Bản Ngày Lễ Tạ Ơn Thanksgiving Day Năm Nay Tại Hoa Kỳ

1. Ngày Tạ Ơn Thanksgiving Đầu Tiên Tại Mỹ

Ngày Thanksgiving Mỹ đầu tiên được cử hành năm 1621, để kỷ niệm vụ mùa mà nhân dân Plymouth Colony thu hoạch được sau một mùa đông khắc nghiệt. Năm đó Thống Đốc William Bradford công bố ngày Tạ Ơn. Các nhà thuộc địa Anh đã cử hành lễ đó làm lễ hội truyền thống mùa gặt của người Anh và họ mời cả các thổ dân Wampanoag cùng tham dự. Thói quen này giống như Lễ Cầu Mùa Cầu An của người Đông Nam Á.

Những ngày Tạ Ơn được ăn mừng trên khắp thuộc địa sau mùa thu hoạch thu sắp chuyển sang Đông. Tuy nhiên tất cả 13 thuộc địa ban đầu đã không cử hành lễ Tạ Ơn vào cùng một ngày cho mãi đến tháng 10/1777, George Washington mới công bố ngày Thanksgiving là một ngày nghỉ năm 1789.

2. Một Ngày Nghỉ Quốc Lễ Mới

Tuy nhiên khoảng giữa thập niên 1800, nhiều tiểu bang giữ ngày nghĩ lễ Tạ Ơn. Đồng thời thi sĩ và nhà biên tập Sarah J. Hale đã bắt đầu vận động ở hành lang làm luật cho ngày nghỉ Tạ Ơn quốc gia. Trong Cuộc Nội Chiến Nam Bắc Civil War, Tổng thống Abraham Lincoln đang tìm đường thống nhất đất nước, đã bàn luận với Hale. Năm 1863, ông ra Tuyên Ngôn Tạ Ơn, công bố ngày Thứ Năm cuối cùng trong tháng thứ Mười Một [November] trong mỗi năm là ngày Tạ Ơn

Năm 1939, 1940 và 1941 Franklin D. Roosevelt đã công bố Lễ Tạ Ơn vào ngày Thứ Năm thứ ba trong tháng November vì muốn kéo dài mùa sắm hàng dịp Giáng Sinh. Sau đó người ta tranh cãi nhau và Quốc Hội đã thông qua một quyết nghị chung vào năm 1941, định rằng Lễ Tạ Ơn sẽ là ngày Thứ Năm Thứ Tư trong tháng November hằng năm mãi cho dền nay

3. Abraham Lincoln Tuyên Ngôn Lễ Tạ Ơn Tại Washington, DC Ngày 3/10/1863

“Năm sắp hết được nhiều ơn lành với đồng ruộng nhiều hoa trái và trời quang đãng. Chúng ta vẫn luôn được hưởng quà tặng, thế mà ta có xu hướng quên đi nguồn gốc ta đến đây. Được thêm nhiều cái khác quá phi thường nữa, thâm nhập tràn lan đất nước mà trái tim còn mền yếu trở nên vô cảm trước mặt Chúa Toàn Năng quan phòng an bài.

Ta đang lâm vào giữa cuộc nội chiến ngày một lan rộng và trở nên nghiêm trọng. Cuộc chiến tranh đó đôi lúc dường như tràn lan sang các nước ngoài khác, như mời gọi và khiêu khích họ tấn công. Nhưng ta vẫn giữ được hòa bình với mọi quốc gia, duy trì được trật tự, tôn trọng và tuân phục luật pháp. Hài hòa vẫn thắng thế khắp nơi nơi, trừ ở sân khấu tranh chấp quân sự. Nơi đó lục quân và hải quân của Liên Minh vẫn tiến lên giao chiến lớn lao.

Của cải và sức mạnh cần thiết vẫn bị tiêu khiển từ các lãnh vực kỹ nghệ hoà bình cho quốc phòng, nhưng không làm ngưng cây cầy, con thoi, hay tàu bè; tay rìu đã mở rộng biên cương các vùng định cư, và các mỏ khoáng, cũng như sắt thép, than đá và quí kim của ta, sinh ra hiều kết quả dồi dào hơn trước. Dân số gia tăng vững vàng, dù có phung phí xẩy ra tại doanh trại, có thời kỳ khó khăn, và chiến trường. Đất nước vui mừng nhận thức sức mạnh và dũng khí gia tăng, cho ta trông mong những năm tiếp theo có thêm quyền tự do.

Không lời khuyên nào của con người đã mưu tính, mà cũng không bàn tay loài hay chết nào đã làm ra những điều lớn lao này. Tất cả là ân huệ nhân từ của Thiên Chúa Tối Cao. Ngài luôn đối xử với ta dù vẫn giận vì tội lỗi ta, nhưng lại nhủ lòng thương xót ta.

Tôi thấy có vẻ thích hợp xứng đáng là toàn thể dân Mỹ phải một lòng một tiếng, trang trọng chấp nhận chúng với lòng tôn kính, tâm tình tri ân. Vì thế tôi tha thiết mời gọi các đồng bạn công dân tại mọi nơi ở Hiệp Chúng Quốc và cũng nhu mọi người ở trên đất nước ngoài, hãy dành riêng ngày thứ Năm cuối cùng trong tháng November kế tiếp như một ngày Tạ Ơn và ngợi khen các Tổ phụ nhân hậu của chúng ta đã ở trên Trời.

Va tôi nhắn nhủ họ hãy dâng lời tán tụng lên chính Ngài vì đã giải thoát ta và cũng ban nhiều ơn phúc. Trong khi đó, hãy sám hối vì đất nước hư đốn và bất tuân; hãy phú thác cho ngài nhân hậu chăm lo cho tất cả những ai thành góa bụa, mồ côi, khóc thuê, hay chịu đau khổ trong cuộc nội chiến đáng than trách nhưng ta vẫn phải dấn thân không thể tránh được. Và hãy sốt sắng khẩn khoản Chúa Quyền Năng giơ tay chữa lành các vết thương của đất nước và phục hồi đất nước này, càng sớm càng tốt hợp với ý Chúa định, cho mọi người được vui hưởng đầy đủ bình an, hài hòa, thanh tĩnh và hợp nhất.

Để làm chứng việc này, tôi đã để lại chữ ký của tôi và đóng dấu ấn của Hiệp Chủa Quốc tại đây.”

Làm tại Washington DC ngày mồng ba tháng October năm 1863 công nguyên, và Nền Độc Lập Hoa Kỳ Thứ Tám Mươi Tám.

Abraham Lincoln
Thay cho Tổng thống
Wlliam H. Seward, Ngoại Trưởng


4. Ngày Thứ Năm Thứ Tư Fifth and Last Thursday Trong Tháng November Năm Nay, Rơi Vào Ngày 27/11/2008.5

Đối với dân chúng tại Hoa Kỳ, Tạ ơn là thời gian vui chơi, mua sắm, đoàn tụ gia đình, mừng lễ hội và gia đình xum họp dùng ăn thịnh soạn. Người ta dùng thời gian để cám tạ Chúa vì ơn huệ thường xuyên và và mọi của cải vật chất con người được hưởng. Với nhiều người Tạ Ơn là thời gian cám ơn những thân nhân và cận nhân vì lòng từ ái của họ..

5. Người Ta Làm Gì Trong Ngày Lễ

Cống Phẩm Tặng Người Bản Địa

Cho đến gần đây, ngùi ta tin rằng Ngày Tạ Ơn là một ngày mừng lễ của những người hành hương [pilgrim], cống hiến thực phẩm cho người bản địa (Inđians). Tuy nhiên đó là một ngày được đánh dầu bằng một cử chỉ tạ ơn Chúa Toàn Năng vì những ân phúc cùa Ngài. Đó cũng là ngày đáng dấu lòng tôn kính đối với người Bản Địa vì đã dậy người hành hương biết các nấu ăn. Người hành hương không thể sống sót nếu không có người bản địa giúp đỡ

Các Món Ăn Trong Bữa Tiệc Gia Đình

Ngày Tạ Ơn, các gia đình Mỹ thường dùng bữa tiệc có gà tây thái thịt, bánh bí ngô, ngô bắp, nước chấm nam viet quất là những món ăn truyền thống trang trí bữa ăn tối. Ngày Tạ Ơn epitomizes kiểu nghỉ lễ của nhân dân.

Truyền Thống Biếu Tặng

Tạ Ơn là một thời gian bạn tặng quà cho gia đình và ban bè. Ngày đó là một thời gian bày tỏ lòng biết ơn và tôn trọng đối với người cao niên, ban bè anh chị em và đồng nghiệp. Các quà tặng bình dân thường thấy là hoa, đồ trang sức, giỏ bánh kẹo, giỏ quà tặng sôcôla, xâu kẹo, rượu nho,…

Ngày Thứ Sáu Đen Black Friday và Tinh Thần Lễ Hội

Ngày Tạ Ơn là thời gian đánh dấu chính thức bắt đầu vào Mùa Giáng Sinh. Nước Mỹ chứng kiến số lượng buôn bán tối đa vào ngày hôm sau. Ngày sau ngày Tạ Ơn được người ta gọi là Ngày Thứ Sáu Den Black Friday.

Gọi như thế vì thói quen tính toán tiêu chuẩn là viết các lợi tức bằng màu đen. Tinh thần lễ hội tiếp theo, mua sắm lu bù giúp người bán hàng ghi số hàng bán và lợi tức tối đa. Toàn bàu khí trong thời gian đó là người ta nhơn nhơ vui chơi. Nhiều gia đình đi thăm nhau, thăm các nhà hàng ăn, các công trường giải trí, tặng quà cho nhau, trang hoàng nhà cửa,…

6. Ngày Tạ Ơn: Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại, Cách Riêng ở Hoa Kỳ Nên Làm Gì?

“Đáo Giang Tùy Khúc, Nhập Gia Tùy Tục” chắc là tâm trạng và chọn lựa khôn ngoan nhất của mỗi người Việt Nam ở bất cứ đâu, theo bất kỳ tín ngưỡng nào. Nhưng hãy giữ ấy truyền thống ngày Tết Nguyên Đán mà chế biến hài hòa với những vui chơi Thanhksgiving Day cùa những người trong bối cảnh bầu khí văn hóa phương Tây.

Mỗi người nên cám ơn tổ tiên đã sinh thành ra mình và các thân nhân cũng như cận tha nhân đã nhân hậu đối xứ hằng ngày với ta và nguyện cầu cho những người lạc bước trong cuộc đời tại thế của mình. Nhưng đừng quên Tạ Ơn Tán Tụng Cội Nguồn Tối Cao của mình dù Đấng đó là ai trong niềm thâm tín chọn lựa tự do chân thành của ta: Thiên Chúa, Thượng Đế, Ông Trời, Allah, Đấng Thiêng Liêng, Đâng Tối Cao,…

Hãy Tạ Ơn Trời, Đất và Người, vì mình còn được sống trên đất nước tự do dân chủ này, cho dù chưa phải là hoàn hảo, sau những ngày thàng lao đao trên quê hương đã bị người đoạt quyền biến đổi cả nước thành nhà tù bất hạnh, gây nên cảnh nhà tan cửa nát, vợ phải xa chồng, cha con anh chị em phải lìa bỏ nhau tất tuởi và biết bao anh hùng chiến sĩ vô danh đã nằm xuống cho chúng ta được sống.

Hãy tôn trọng mọi người, kẻ đến trước, người đi sau, dù bằng cách nào, theo điều kiện sẵn có để chọn lựa liều thân vượt biên, hay các chương trình bỏ nước ra đi có trật tự, HO, PIP, Con Lai, Bảo Lãnh Thân Nhân, Nhân Đạo,…

Cách tri ân tốt nhất là sống đúng nhân phẩm của mình với những quà tặng bẩm sinh của mình trong đất nước có tự do, nhưng mau khôn ngoan chớp lấy những cơ hội tiến thân, trau giồi bản thân, và tự do tối hảo cho người biết thế nào là tự do dân chủ và nhân quyền.

Không thể có một nền tự do dân chủ chính đáng cho những ai chỉ biết viết càn, chửi bậy, nói càn, làm càn với những lời lẽ và hành động thô tục nhất và thiếu nhân phẩm nhất, không biết đến tương quan giữa bản thân mình và người khác trong xã hội để tự đánh giá mình.

Hãy dùng ngay những cơ hội rất dồi dào sẵn có trên đất nước tự do, mà trau giồi bản thân để thành người xứng đáng, trước khi có thể làm bất cứ điều gì có lợi cho bản thân và người khác trong xã hội, cho quê hương đất nước sau này khi cờ đến tay, hơn là chỉ biết “nhày đầm”, đua đòi những thói rởm ở đời.

Người có tâm tình Tạ Ơn tri ân là người biết sử dụng những cơ hội tiến thân khiêm tốn và nhân bản nhất để mưu cầu hạnh phúc của bản thân và phục sụ xã hội vậy.

Tham Khảo
http://www.infoplease.com/spot/tgturkey1.html
http://www.infoplease.com/spot/tgproclamation.html
http://www.thanksgiving-day.org/celebration-united-state.html
 
Vấn nạn của Đức giáo hoàng về đối thoại liên tôn giáo
Phụng Nghi
08:54 26/11/2008
Rome (New York Times) – Với những lời bình luận hôm Chủ nhật vừa qua – trong đó có thể chứa nhiều hàm ý ở một thời kỳ có những xung đột mạnh mẽ về tôn giáo - Đức giáo hoàng Bênêđictô đã gieo mối nghi ngờ về khả năng đối thoại liên tôn giáo, nhưng kêu gọi thảo luận nhiều hơn về hệ quả thực tiễn của những khác biệt về tôn giáo.

Lời bình luận của Đức giáo hoàng xuất hiện trong thư ngài viết cho ông Marcello Pera, một chính trị gia thiên hữu người Ý và cũng là một học giả. Trong cuốn sách của ông sắp xuất bản nhan đề “Tại sao chúng ta phải tự gọi mình là Kitô hữu”, ông lý luận rằng Âu châu phải trung thành với nguồn gốc Kitô giáo của mình. Như người ta được biết, một chủ đề trọng tâm trong triều đại giáo hoàng Bênêđictô cũng đặt vào những nguồn cội Kitô giáo của một châu Âu đang không ngừng tục hóa.

Cứ theo trích dẫn lá thư xuất hiện trên số ra ngày Chủ nhật của nhật báo hàng đầu nước Ý là tờ Corriere della Sera, thì Đức giáo hoàng nói: cuốn sách kể trên “giải thích rất rõ rệt rằng một cuộc đối thoại giữa các tôn giáo theo nghĩa chặt chẽ của từ ngữ này là điều không thể có được.” Đức giáo hoàng nói thêm: Nói theo kiểu thần học, “một cuộc đối thoại đích thực là điều không thể thực hiện được nếu không đặt đức tin của con người vào giữa hai dấu ngoặc.”

Nhưng Đức giáo hoàng Bênêđictô nói thêm rằng “cuộc đối thoại giữa các nền văn hoá để đào sâu thêm hệ quả văn hóa của các tư tưởng tôn giáo căn bản” là điều quan trọng. Ngài kêu gọi đem đối chiếu “các hệ quả văn hoá của những quyết định căn bản về tôn giáo trong một diễn đàn công cộng.”

Lm Federico Lombardi, người phát ngôn của Tòa thánh Vatican, nói rằng lời bình luận của Đức giáo hoàng cốt ý là để lôi kéo người ta quan tâm đến cuốn sách của ông Pera, chứ không phải để gieo mối nghi ngờ lên nhiều cuộc đối thoại liên tôn của Tòa thánh hiện đang tiếp diễn.

Cha Lombardi nói: “Triều giáo hoàng của ngài được ghi nhận là có nhiều cuộc đối thoại tôn giáo; ngài đã tới một đền thờ Hồi giáo, đến các nguyện đường đạo Do thái. Điều đó có nghĩa là ngài nghĩ rằng chúng ta có thể gặp gỡ để nói chuyện với nhau và để có một mối liên lạc tích cực.”

Đối với một số học giả, lời nhận xét của Đức giáo hoàng hình như nhằm đẩy mạnh các cuộc đàm thoại liên tôn từ lý thuyết đi vào thực tiễn hơn.

“Ngài đang cố gắng đưa cuộc đối thoại Công giáo-Hồi giáo ra khỏi những đám mây mù về lý thuyết và đi sâu vào chi tiết thực tiễn của vấn đề: làm thế nào để chúng ta nhận thức được phương cách chúng ta phải sống với nhau cho đúng mặc dầu có những khác biệt căn bản về đức tin?” Đó là lời của ông George Weigel một học giả Công giáo và là người viết tiểu sử Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Trong tháng 11 này, Tòa thánh Vatican đã tổ chức một cuộc hội nghị với các nhà lãnh đạo và học giả Hồi giáo nhằm mục đích cải tiến các mối liên lạc. Các tham dự viên hội nghị đã đồng ý lên án những hoạt động khủng bố và thỏa thuận bảo vệ tự do tôn giáo, nhưng họ đã không đề cập tới vấn đề cải đạo, và quyền được phụng tự của người Kitô hữu trong những nước đa số theo đạo Hồi.

Giáo hội cũng đã tham gia cuộc đối thoại với người Hồi giáo do quốc vương nước Saudi Arabia đứng ra tổ chức, ở nước này những người không theo đạo Hồi bị cấm không được thờ phượng nơi công cộng.

Nguồn RACHEL DONADIO/New York Times
 
Tòa thánh kêu gọi cảnh giác nhiều hơn trong các hoạt động tài chánh trên thế giới
Phụng Nghi
10:24 26/11/2008
Vatican (CNS) – Tòa thánh Vatican nói rằng cuộc khủng hoảng thị trường hiện nay thúc đẩy phải có một thỏa hiệp quốc tế mới, nhằm theo dõi một cách có hiệu quả các hoạt động tài chánh trên toàn thế giới và cho những nước nghèo có được một tiếng nói lớn hơn trong các chính sách kinh tế.

Lời tuyên bố nói trên, do Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình soạn thảo, cho biết thêm: Đặc biệt là cần phải có những bước ngăn chận các lạm dụng của những cơ chế tài chánh bên ngoài nước, mà theo quan sát của nhiều người, đã là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay.

Theo tường trình của Đài phát thanh Vatican thì bản tuyên bố này là để chuẩn bị cho cuộc Hội nghị Quốc tế về Tài chánh và Phát triển do Liên hiệp quốc bảo trợ, sẽ họp tại Doha nước Qatar từ ngày 29 tháng 11 đến 2 tháng 12 năm nay. Cuộc hội nghị sẽ có sự tham dự của đại diện các nước đã phát triển và những nước đang phát triển, nhằm đề ra những bước tiến hầu ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Bản tuyên bố của Tòa thánh Vatican nói rằng điều quan trọng là các giải pháp đưa ra không được làm lợi cho các nước giầu có bằng sự trả giá của những nước nghèo như hiện nay:

“Có một điều cần phải tránh là đừng gây ra một loạt những chế độ tự bảo hộ. Trái lại, phải tăng cường sự hợp tác liên quan đến sự trong sáng và cảnh giác đối với hệ thống tài chánh.

“Điều quan trọng là sự xem xét tình hình chính trị giữa các quốc gia giầu có nhất, tuy cần thiết, nhưng đừng dẫn tới các giải pháp chỉ dựa trên các thỏa hiệp đặc biệt.”

Bản tuyên bố nói rằng trong hệ thống kính tế hiện nay, “các quốc gia nghèo đang tài trợ cho các nước giầu” bằng việc di chuyển vốn của tư nhân và nguồn dự trữ của nhà nước, đem đầu tư vào các thị trường được thiết lập hoặc các cơ sở nước ngoài.

Những cơ sở nước ngoài đã là phương tiện lớn lao để chuyển dịch tài sản, một số bị thúc đẩy bởi việc trốn thuế, và một số khác muốn rửa tiền do các hoạt động bất hợp pháp mang lại.

Bản tuyên bố nói rằng trong khi đề cập đến cuộc khủng hoảng, các chuyên gia đừng nên quên lãng tính cách yếu ớt mỏng dòn của châu Phi và những nhu cầu khẩn thiết tại các địa phương của lục địa này. Khi soạn thảo ra giải pháp, các nhà lãnh đạo thế giới nên tuân theo các nguyên tắc trợ cấp và đồng cảm, đó là những yếu tố chính yếu trong giảng huấn vế xã hội của giáo hội Công giáo.
 
Đức Thánh Cha nhắc nhớ bổn phận của tôn giáo là cổ võ cho hòa bình
Bùi Hữu Thư
22:13 26/11/2008

Đức Thánh Cha nhắc nhớ bổn phận của tôn giáo là cổ võ cho hòa bình



LYON, Pháp, 26, tháng 11, 2008
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nhắc nhớ rằng các tôn giáo có bổn phận cổ võ việc sống chung và hòa giải.

ĐTC khẳng định điều này trong một điện văn được Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chuyển đến Đại Hội thứ 83 về các Tuần Lễ Xã Hội của Pháp.

Biến cố thường niên này được khởi sự năm 1904 theo tinh thần của thông điệp "Rerum Novarum" của ĐTC Leo XIII. Chủ đề năm nay là: “Tông Giáo: Nguồn Đe Dọa hay Niềm Hy Vọng cho Xã Hội chúng ta.”

Theo điện văn của ĐTC, “việc tự do sống một cuộc sống đức tin và một cuộc sống dân chủ,” được xây dựng trên sự phân biệt giữa hai lãnh vực chính trị và tôn giáo.

Ngài khẳng định, các quốc gia không thể tự “lãnh nhận trách nhiệm tối hậu” là đáp ứng “ước vọng của mọi người, mọi cộng đồng, mọi dân nước” trong khuôn khổ của “một trật tự xã hội có sự tôn trọng phẩm giá của con người.”

Mặt khác, ĐTC nhấn mạnh là tôn giáo có “bổn phận” đề xướng một viễn tượng đức tin trong đó loại bỏ được sự bất dung thứ, kỳ thị, tranh chấp, và biểu lộ được “sự tôn trọng chân lý tuyệt đối,’ cũng như thúc đẩy “sự sống chung và hòa giải” và cổ võ “nhân quyền.”
 
Top Stories
Catholics to face Kangaroo court
J.B. An Dang
04:06 26/11/2008
A lawyer who defends Thai Ha parishioners has complained that so far he has not been able to contact his clients. There are also other indications that Thai Ha parishioners now face a Kangaroo trial.

Le Tran Luat, a defense counsel who represents eight Thai Ha’s parishioners who were wrongfully accused of “damaging state property and disorderly conduct” during their protests at Thai Ha parish said that he has not been able to contact two of his eight clients.

“While I can talk to the six defendants who have been bailed out recently, so far, I have not been able to contact two of them,” said lawyer Le during an interview with BBC News on Nov. 24. The two mentioned parishioners, who have been detained for months without a trial, are Mrs. Nguyen Thi Nhi, born 1962; and Mrs. Ngo Thi Dung, born 1954.

Le disclosed that the two are currently being held at Hoa Lo prison, known to American prisoners of war as the "Hanoi Hilton". The facility was used for prisoners of war during the Vietnam War and now for political prisoners.

Access to prisoners jailed in Hoa Lo prison is strictly limited. “I was denied the permission to visit my clients there,” he claimed. But, even if he is allowed to visit them, it is very unlikely that his clients dare to see him. “Prisoners are often forced to refuse any contact with their lawyers,” Mr. Luat added. Those who request to see their lawyers are believed to suffer mistreatment by prison guards as punishment.

From the legal standpoint, Le believes that the eight Thai Ha’s parishioners are innocent of the charges. “I have enough evidences to prove that the land belongs to them. The wall was built illegally on their land. They have their rights to destroy it,” he said. “The government cannot charge them for damaging state property,” he added. Also, “They prayed within their premise. Praying is a solemn gesture. How can it be interpreted as an act of ‘disorderly conduct’?” he asked.

However, despite his best efforts, he doesn’t anticipate an acquittal or a not guilty verdict, as it is by nature another Kangaroo and heavily politicized trial, not a criminal trial as claimed by the government.

“I cannot expect an acquittal verdict for my clients in this case. However, I still take the case as I want to prove to public opinion that they actually are innocent” Le said.

As the trial is more political in nature, Le believes the verdict depends heavily on the attitude of defendants at the court.

“In my experience, in such a case, if defendants plead guilty as the government expects, they may get a tolerant verdict. Those who insist that they are not guilty will be sentenced more harshly.” In more details, “it may up to 2.5 or 3 years in jail,” he said.

Hanoi Redemptorist community fears that at least four of them who have been criminally charged under articles 143 and 245 of the Penal Code may face a sentence of up to 36 months in prison. In particular, Mrs. Nguyen Thi Nhi and Mrs. Ngo Thi Dung may face severe sentences.

The case of Mrs. Nguyen Thi Nhi

Nhi has been subject to harsh criticisms from state-run media which depicts her as a criminal for her active involvement in protests at both Thai Ha and Hanoi former nunciature.

On Jan. 25, during a protest at Hanoi former nunciature, Nhi climbed over a fence to place flowers at a statue of the Virgin Mary inside the building.

As soon as her action was discovered by security personnel, Nhi was chased around the garden of the building. Despite her logical explanations for her venturing into the building, the guards kicked and slapped her severely. In the witness of more than 2,000 Catholics, a security commander even loudly ordered his subordinates to beat her to death.

A Catholic attorney, who was praying outside the fence, climbed over it to intervene. He told the security officials that their acts were unlawful and that they should stop beating the woman. However, they turned to attack him and dragged him to an office where he was beaten cruelly.

The outrageous police brutality would have been worst had it not for the timely rescue effort of the other parishioners and bystanders. In order to save Mr. Quan’s and Mrs. Nhi’s lives, the rescuers had no other choice than breaking through the gate to confront the security officers.

On Sep. 1, when praying among other Catholics at Thai Ha, she was dragged out by police and has been jailed since then.

The case of Mrs. Ngo Thi Dung

Since protests at Thai Ha out broke at Jan. 5, braving cold rain and harsh weather, Dung had slept on the side to protect the land in dispute. Her and other parishioners’ presence had prevented further construction on the site.

When the government made a series of arrests at the end of August, she went fugitive to avoid the revenge of local government officials who had been extremely upset for the failure of their plot to sell the land for money. However, on early of October, she had to hand herself to police to save her family from numerous harassments. She has since been jailed.
 
太河堂区八位教友将于十二月五日出庭受审
Asia-News
05:39 26/11/2008
对他们的指控是摧毁公共财产、扰乱公共秩序。这里所指的是他们推翻了三米长的一段围墙。事实上,当局为了建造公园将整堵墙都推倒了

河内(亚洲新闻)—十二月五日将开始的对越南太河堂区八位参加保护堂区教产祈祷活动天主教友的审理,充满了政治色彩。这男女各四名天主教徒,四人是太河堂区的教友、两人为首都其它堂区教友、还有两人分别来自北部的兴化教区和巴宁教区。他们全部被控“摧毁公共财产”、“扰乱公共秩序”罪。

事件发生在八月十五日,当时,为了收回太河堂区教产,教友们跨越了将圣堂和地产分隔开的围墙,要求归还属于教会的土地。大家推倒了部分围墙,建起了一个小型的圣母朝圣地。以后的日子里,在这里“为公道”祈祷,并坚持到了九月底。当时,越共和青年团成员攻击了教友(见照片),匆匆将这片土地改建成了一座公共公园。

警方的初步调查中,就已经推翻了对他们的上述指控。据《亚洲天主教》杂志介绍,十月二十四日地方法院的起诉书中仅提到了“扰乱公共秩序”。但到十月二十八日,显然迫于政治压力,法院将卷宗退给了调查人员,指原来撤消了“摧毁公共财产”一条。上周,地方当局对被推倒的三米长围墙作价370万盾(大约合200美元)。

太河堂区的阮神父向《越南天主教新闻》发表评论指出,“这起案件的审理是不公正的”。因为,“这片土地曾经是,并仍然是”堂区的财产。教会要求归还教产的司法诉讼程序仍在进行中。当地阮修女表示,“当局用推土机铲平了整堵墙,在这片土地上建成了公园。为什么却要坚持同我们的教友过不去呢”?
 
Non possono vedere il loro avvocato i cattolici vietnamiti sotto processo
Asia-News
07:27 26/11/2008
Il legale dice di avere le prove della loro innocenza, ma tema che il carattere politico del procedimento ne impedirà l’assoluzione. La Federazione dei media cattolici vietnamiti chiede a Hanoi di rispettare le sue stesse leggi.

Hanoi (AsiaNews) – Non possono neppure incontrare il loro avvocato due degli otto cattolici che il 5 dicembre saranno processati per la vicenda del terreno dela parrocchia di Thai Ha. A denunciarlo è lo stesso legale, Le Tran Luat, il quale prevede che difficilmente gli imputati saranno assolti, benché innocenti, in quello che ha tutti i connotati del processo politico.

Intervistato dalla BBC, l’avvocato ha detto di aver potuto incontrare solo sei degli otto accusati di danneggiamento di beni dello Stato e di avver turbato l’ordine pubblico. I due con i quali non ha potuto parlare sono due donne, Nguyen Thi Nhi, che ha 46 anni, e Ngo Thi Dung, che ne ha 54. Entrambe sono rinciuse nel carcere di Hoa Lo, usato un tempo per i prigionieri di guerra ed ora per i “politici”.

L’accesso vi è fortemente limitato. “Mi è stato negato il permessi di visitare i miei clienti”, ha detto il legale, che ha spiegato che “i prigionieri sono sempre spinti a rifiutare ogni contatto” e chi cerca di vedere gli avvocati viene sottoposto a punizioni e matrattamenti.

Parlando delle accuse di danneggiamewnto – per aver abbattuto un tratto di muro - Le dice di “avere abbastanza prove che il terreno appartiene alla parrocchia, il muro era stato costruito illegalmente sul loro terreno ed avevano il diritto di abbatterlo. Non possono essere accusati di aver danneggiato una proprietà statale”. Ed inoltre, “vi andavano a pregare. Come si può interpretare questo come ‘condotta disordinata’?”.

Ciò malgrado, “non posso aspettarmi una sentenza di assoluzione”, vista la natura politica del processo. “Nella mia esperienza – aggiune – in questi casi, se l’accusato si dichiara colpevole, come il governo vuole, ottiene una sentenza mite. Coloro che invece insistono a dirsi non colpevoli sono trattati più duramente, con condanne tra i due e i tre anni di carcere”. Comunque “voglio provare all’opinone pubblica che sono innocenti”.

La comunità dei Redentoristi di Hanoi, che guida la parrocchia di Thai Ha, teme in particolare per le due donne incarerate a Hoa Lo. Nhi, in particolare, è stata oggetto di aspri attacchi da parte della stampa governativa, in quanto ha preso parte anche alle manifestazioini riguardanti la ex delegazione apostolica.

Il processo contro gli otto cattolici sta suscitando reazioni a livello internazionale: da Sydney la Federazione dei media cattolici vietnamiti ha lanciato un documento nel quale si chiede la fine della “campagna della stampa governativa contro i cattolici” e della “persecuzione contro sacerdoti e fedeli”. Esso chiede anche al governo “il rispetto delle sue stesse leggi e la restituzione delle proprietà ai legittimi proprietari” ed è firmato, tra gli altri, da mons. Peter Tai Van Nguyen, direttore di Radio Veritas Asia, nelle Filippine, padre John Nghi Tran, direttore di VietCatholic News Agency (Usa), padre Joachim Viet-Chau Nguyen Duc, direttore, di People Of God Magazine in America, padre Anthony Quang Huu Nguyen, direttore di People Of God Magazine in Australia, padre Stephen Luu Thuong Bui, direttore di People Of God Magazine in Europa e padre Paul Van-Chi Chu, direttore di Gospel and Peace Radio (Australia
 
Vietnam: Un certain nombre de mesures indirectes vont limiter considérablement la participation du public au procès des huit fidèles de la paroisse de Thai Ha
Eglises d'Asie
08:47 26/11/2008
Vietnam: Un certain nombre de mesures indirectes vont limiter considérablement la participation du public au procès des huit fidèles de la paroisse de Thai Ha

Par divers moyens, les autorités civiles de Hanoi s’emploient à limiter le nombre de participants au procès des fidèles de la paroisse de Thai Ha, qui doit s’ouvrir le 5 décembre prochain. Répondant à des questions posées par un journaliste de Radio France Internationale (émissions en vietnamien), le 21 novembre dernier, Me Lê Trân Luât, chargé de la défense des huit inculpés (1), a fourni un certain nombre de détails concernant le choix de la date et du lieu où se déroulera ce jugement ainsi que les modalités de la participation à ce procès. Tout indique que les pouvoirs publics craignent une trop grande affluence du public.

L’avocat fait remarquer que la date du procès coïncide avec celle, prévue depuis longtemps, de la consécration du nouvel évêque auxiliaire de Hanoi, Mgr Chu Van Minh, une cérémonie à laquelle la totalité du clergé et la grande majorité des fidèles ont coutume de participer. Il s’agit là peut-être une coïncidence mais on peut aussi penser à un calcul destiné à empêcher les prêtres de Hanoi d’être présent au procès.

Il a été précisé par ailleurs que le procès n’aurait pas lieu à l’intérieur des locaux du Tribunal de Hanoi mais au quatrième étage d’un immeuble appartenant au Comité populaire, situé au 55 de la rue Hoàng Cau, dans un quartier de l’arrondissement de Dông Da. Selon la loi vietnamienne, il est obligatoire que le procès soit public. Il n’y a huis clos que pour les procès susceptibles de porter tort à l’honneur et à la dignité du plaignant. Pour le procès des fidèles de Thai Ha, il a été stipulé par oral aux accusés que les personnes qui voudraient y participer, à l’exception d’eux-mêmes et de leurs avocats, devraient en faire la demande par écrit. Ce qui, selon l’avocat, est en contradiction formelle avec le principe du procès public et reflète la volonté des autorités de limiter le nombre de participants.

Les huit fidèles sont inculpés au titre d’une double accusation: destruction de biens et troubles à l’ordre public. Au départ, ils n’avaient été accusés que du délit de destruction de biens. La destruction de biens aurait eu lieu le 15 août, jour où les fidèles sont entrés sur le terrain de la paroisse, accaparé par l’Etat. Les assemblées de prières auraient causé les troubles à l’ordre public. La première faute s’étant révélée impossible à démontrer, le chef d’inculpation était ensuite devenu « troubles à l’ordre public ». En fin de compte, le tribunal populaire avait estimé cette accusation insuffisante et renvoyé le dossier. C’est à la suite de cette intervention que les huit fidèles se trouvent chargés d’une double inculpation.

Interrogés par RFI, l’avocat et certains inculpés ont affirmé à tour de rôle que les accusations portées contre eux étaient sans rapport avec leurs actions réelles. Ils ont particulièrement souligné que la prière commune ne pouvait, en rien, être considérée comme perturbant l’ordre public. Les uns et les autres comptent grandement sur le soutien de l’opinion internationale et de diverses organisations humanitaires.

(1) Les huit fidèles inculpés, « victimes de la justice et de la vérité », sont Mme Bà Ngô Thi Dung, Mme Nguyên Thi Nhi, M. Thai Thanh Hai, M. Nguyên Dac Hùng, Mme Lê Thi Hoi, M. Lê Quang Kiên, M. Giuse Pham Tri Nang et Mme Nguyên Thi Viêt.

(Source: Eglises d'Asie, 26 novembre 2008)
 
Vietnam: un catholique vietnamien encourage l'Eglise catholique à aller de l'avant
Eglises d'Asie
12:05 26/11/2008
Thai Ha: regarder en arrière pour mieux aller de l’avant
par Jean Nguy Thach Hà


[NDLR - Le texte ci-dessous, signé de Jean Nguyên Thach Hà, a été diffusé par l’agence VietCatholic News, traduit et adapté par Eglises d’Asie. Il est difficile d’estimer dans quelle mesure il représente l’opinion générale de la communauté catholique. Il témoigne cependant que, pour certains chrétiens, les luttes pacifiques, en forme de rassemblements de prières, menées à Thai Ha et à l’archevêché de Hanoi, ne sont pas des actions isolées et temporaires. Pour l’auteur de ce texte, les deux récentes affaires s’inscrivent au sein d’un mouvement plus général de transformation de la société vietnamienne, une transformation que l’Eglise catholique se doit de mener, associée aux autres organisations de la société civile. Le texte montre enfin le profond changement intérieur, la « conversion » que les événements sont en train d’opérer dans les cœurs et les esprits de la communauté catholique qui découvre le rôle qu’elle est capable de jouer.]

Hanoi, le 13 novembre 2008,

Le silence est retombé sur la paroisse de Thai Ha. Un calme provisoire a succédé aux récentes confrontations. Cependant, les vagues soulevées par le mouvement pour la justice et la paix continuent de déferler sur l’ensemble du pays, où se succèdent les processions aux flambeaux et les assemblées de prières en communion avec ces revendications. Où que l’on aille, on se réfère aux événements de Thai Ha comme à une sorte de lueur venue éclairer une société étouffante et pleine de confusion. Partout où l’on va, ces événements sont considérés comme ayant commencé à transformer les conceptions de la société à propos de la vérité, de la religion et à réveiller les consciences des hommes de bonne volonté (…).

Plus encore, les événements de Thai Ha ont obligé l’Eglise catholique du Vietnam à prendre conscience que jamais la foi ne peut être séparée de la vie quotidienne. Les événements ont suscité l’intérêt de nombreuses catégories de personnes, de nombreux milieux. Depuis 1954 (date de l’établissement de la République démocratique du Vietnam), jamais un événement religieux n’avait attiré l’attention de l’opinion publique comme ceux qui viennent d’avoir lieu à Thai Ha.

Cette fois, la hiérarchie a s’est senti investie par la mission prophétique que le Seigneur lui a confiée, à savoir manifester au grand jour la communion qui est au cœur même de l’Eglise, une communion certes fort ancienne mais qui, par suite des circonstances et de la peur, n’avait pas encore été estimée à sa juste valeur.

En ce qui concerne la communauté des fidèles, après avoir vécu de longues années dans la discrimination religieuse, la persécution et la terreur, ils ont ouvert à deux battants les portes derrière lesquelles ils s’étaient retranchés. Ils ont échappé à la terreur intérieure qui altère la conscience de tant de gens. Beaucoup d’entre eux se sont convertis. On peut voir dans ces événements un signe surnaturel donné par le Seigneur à son Eglise, signe avant-coureur d’une orientation pastorale de l’Eglise conforme à son époque.

Que ces événements aient préoccupé et préoccupent aujourd’hui les détenteurs du pouvoir de ce régime injuste et sans respect pour la justice et la vérité, cela est un signe évangélique au sein d’un monde obscur et pécheur. Les dirigeants de l’Eglise, les fidèles chrétiens ont ainsi pu faire connaissance avec un élément nouveau, important et nécessaire pour l’édification d’une société civile, fondement d’une société démocratique et civilisée.

Les analyses récentes de la situation politique et sociale montrent que si nous voulons progresser vers la démocratie et la justice, il est nécessaire d’édifier une société civile où les droits de l’homme seront respectés. Mais, pour ce faire, il est nécessaire de rassembler les forces des organisations, des associations religieuses, les voix diverses du pluralisme… Avant tout, il est indispensable d’avoir avec soi la force du peuple.

Le point fort de l’Eglise catholique, c’est la communion dans la foi. C’est elle qui, dans les affaires de Thai Ha et de la Délégation apostolique, a constitué le défi le plus important pour les pouvoirs publics. Ils en ont été embarrassés et ont été conduits à prendre des initiatives erronées qui ont créé la division intérieure et affaibli le régime. Le texte intitulé « Point de vue de la Conférence épiscopale du Vietnam » envoyé au gouvernement de la République socialiste du Vietnam a, en fait, repris le point de vue du concile Vatican II qui affirme le rôle de l’Eglise dans la société: « L’Eglise ne fait pas de politique mais ne se tient pas en marge de la société. »

La foi nous apprend que le Seigneur Jésus s’est incarné pour entrer dans le monde. Il ne s’est pas tenu en marge de la société. Bien au contraire, il a condamné avec vigueur un régime social immoral, injuste, foulant au pied la vérité et la justice. S’adressant aux dignitaires de la religion juive, il les a traités de serpents venimeux. Hérode a été traité de « vieux renard » (Luc 13,32). Il s’est engagé pour une société plus libre et plus juste. Il a dit: « Je suis venu témoigner de la vérité. Qui se tient du côté de la vérité écoute ma voix. » Se tenir du côté de la vérité et de la justice, c’est se tenir du côté du Seigneur Jésus, c’est aussi se tenir du côté des pauvres et des opprimés.

L’Eglise ne peut se tenir à l’écart de la vérité. La mission prophétique des catholiques se réalise avant tout et surtout par la dénonciation des injustices et l’annonce, à l’exemple du Christ, d’une paix authentique dans la vérité et la justice. Aujourd’hui, le flambeau de la justice de la paix a été allumé. Ne vous endormez pas de peur que cette flamme ne s’éteigne !

(Source: Eglises d'Asie, 26 novembre 2008)
 
Vietnamese Catholics on trial denied access to their lawyer
Asia-News
13:15 26/11/2008
Lawyer says he has evidence of their innocence but is afraid proceedings will turn into a political show trial that will prevent acquittal. The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media calls on Hanoi to respect its own laws.

Hanoi (AsiaNews) – Two of the eight Catholics set to go on trial for the Thai Ha parish land dispute have not been allowed to meet their lawyers, said one of them, Le Tran Luat. More importantly, he believes that the defendants are not likely to be acquitted despite their innocence because the trial is turning more and more into a political show trial.

During an interview with the BBC Mr Le said that he was able to meet only six of the eight people accused with “damaging state property and disorderly conduct” during their protests at Thai Ha parish.

The two defendants he was not able to see are Nguyen Thi Nhi, 46, and Ngo Thi Dung, 54. Both women are being held at Hoa Lo Prison, once known as the ‘Hanoi Hilton’ to US prisoners of war and now infamous for holding political prisoners. Access to this facility is generally limited.

“I was denied the permission to visit my clients there,” Mr Le said. However, even if he could see them, “prisoners are often forced to refuse any contact with their lawyers,” he added.

Those who do get to see their lawyers suffer mistreatment and punishment by prison guards.

For Mr Le from a legal point of view the charge of damaging state property is flawed because he has “enough evidence to prove that the land belongs to them [the parishioners].

In fact “the wall [they tore down] was built illegally on their land,” he said. And “they had every right to destroy it.” Hence the “government cannot charge them for damaging state property.”

In addition, the defendants prayed inside the place. “Praying is a solemn gesture,” the lawyer said. “How can it be interpreted as an act of ‘disorderly conduct’?”

Yet, despite his best efforts, “I cannot expect an acquittal verdict for my clients in this case,” he lamented.

“In my experience, in such a case, if defendants plead guilty as the government expects, they may get a tolerant verdict. Those who insist that they are not guilty will be sentenced more harshly [... ], two and half or three years in jail.” But “I want to prove to public opinion that they actually are innocent,” Mr Le said.

Hanoi’s Redemptorist community, which oversees Thai ha Parish, is concerned about the fate of the two women, especially Ms Nguyen because she was targeted by vehement attacks in the state-run media for taking part in demonstrations over the former apostolic delegation compound.

Never the less, the eight Catholics’ trial is drawing international attention.

In Sydney the Federation of Vietnamese Catholic Mass Media has launched a worldwide appeal, calling on the Vietnamese government to “stop the media campaign against the Catholic clergy, their faithful, and the Church” and instead “respect its own law and return the property to its rightful owner.”

The appeal is signed among others by Mgr Peter Tai Van Nguyen, director of Radio Veritas Asia (Philippines); Fr John Nghi Tran, director of VietCatholic News Agency (United States); Fr Joachim Viet-Chau Nguyen Duc, director of People Of God Magazine in America; Fr Anthony Quang Huu Nguyen, director of People Of God Magazine in Australia; Fr Stephen Luu Thuong Bui, director of People Of God Magazine in Europe; and Fr Paul Van-Chi Chu, director of Gospel and Peace Radio, Sydney (Australia).
 
Interview between the BBC and the lawyer of Catholics on trial
Thuy Dung
14:00 26/11/2008
Transcription on the Interview between the BBC and Mr. Le Tran Luat, Defense Counsel to the 8 Thai Ha Parishioner-Defendants

Attorney: I don’t expect to see my clients acquitted at the trial at all, but I hope by taking this case I am able to prove the innocence of those parishioners who only came to pray for justice in the court of opinion.

BBC News: On the state’s side they claimed that it was obvious that those parishioners had damaged the brick wall at the disputed area. For that accusation, what is your defense?

Attorney. My clients have been charged with two counts, disorderly conduct and damaging (property). I would like to say this, it was impossible for a disorderly conduct to happen, since the nature of praying is to do it in self control and silence, where would disorderly conduct stand in all of this? This is first issue,

The second issue is the charge of damaging property. One has to remember that this property happens to be built on Thai Ha Parish’s land. I am affirmed, I have collected enough evidence to prove that the property in question belongs to Thai Ha. So when someone who build (a wall) illegally on Thai Ha’s land, and the parishioners break (the wall) down, it can not be viewed as damaging property, since the property had been erected on the land illegally seized by Chien-Thang Garment Company.

Furthermore, it’s perfectly ok for the state to prosecute in order to clarify the public view of the government, but in reality after charges had been filed, they (the state ) bulldozed the wall themselves so it became clearly understood that the wall was only at a limited value but it served as an excuse for (the state) charging (the people) with damaging property, not to mention it was the property illegally built on Thai Ha’s land.

BBC News: In the process of representing your clients, were you able to get access to either your clients or to their files?

Attorney: I have a total of 8 defendants to represent, 6 of those were out on their own recognizance pending trial and 2 of them were detained. The two still being detained at Hoa Lo prison in Ha Noi are Nguyen Thi Nhi and Ngo Thi Dung. To those who are out awaiting their trial I am allowed by the Investigative Bureau to meet with them from the beginning of the case, however for any other motions filed, I have not been granted, claiming that since I was not their lawyer at the time I would not be able to see my clients in jail. But when I brought in my Certification of Representation in, they would employ other tactics including coercing the defendants into refusing to meet with me as their defender.

BBC News: What would possibly the sentence for those 8 defendants be?

Attorney: I would predict, based on my past experience, those who were convinced (by the prosecution) and agreed to plead guilty, they can receive a stay of imposition of less than 3 years. As for those who insisted of their innocence would be receiving a sentence of incarceration.

BBC News: How long would you predict the sentence would be?

Attorney: I would think anywhere from 2 ½ - 3 years in prison
 
Legal rights of Catholics on trial violated, lawyer outcries
J.B. An Dang
15:27 26/11/2008
The trial was carefully scheduled to be held at the same time with the ordination ceremony of the new Auxiliary Bishop of Hanoi, and not at a court but at an office with a limited number of selected attendances.

Crying for injustice outside People's Court of Hanoi
The right to be tried publicly of Thai Ha parishioners, who were wrongfully accused of “damaging state property and disorderly conduct” during their protests at Thai Ha parish, is violated. Le Tran Luat, a defense counsel who represents eight Thai Ha’s parishioners, stated in an interview with Radio Free Asia (RFA) on Nov. 25.

Le noticed that the trial was scheduled to be held on Dec. 5, right on the day priests, religious and faithful of Hanoi would gather in Nam Dinh, 90 km away from Hanoi, for the ordination ceremony of the new Auxiliary Bishop of Hanoi Laurent Chu Van Minh. Obviously, Vietnam government does not want to cope with a huge protest outside the court.

In addition, “They will not try at the premise of Hanoi court but on the fourth floor of a building claimed as the office of the People’s Committee of O Cho Dua, a precinct of Dong Da district, Hanoi”, he added.

Furthermore, “According to Vietnam’s law, the trial must be public. Everyone above 16 years old should be able to attend,” he explained. “However, in this case, People’s Court of Hanoi ordered that except defendants and their lawyers, anyone wish to attend the trial must submit an application form. It obviously offends the principle of public trial, and suggests that Hanoi’s government clearly wants to limit the number of attendances,” he warned.

“I wish domestic and international public opinion support me and defendants by raising their voice to reveal the true nature of the government of Vietnam. While stating that this is a public trial, they have actually carried out plans to make it a secret one,” he asked.

A day earlier, on Nov. 24, Le complained with the BBC that he had not been able to meet with Mrs. Nguyen Thi Nhi and Mrs. Ngo Thi Dung. The two have been jailed at Hoa Lo prison for months.

“To those, who are out awaiting their trial, I am allowed by the Investigative Bureau to meet with them from the beginning of the case. However, for any other motions filed, I have not been granted, claiming that since I was not their lawyer at the time I would not be able to see my clients in jail. But, when I brought in my Certification of Representation in, they would employ other tactics including coercing the defendants into refusing to meet with me as their defender,” Le said.
 
受审天主教徒无法同辩护律师见面
Asia-News
15:53 26/11/2008
律师指出,有证据显示其代理人是无辜的。但担心充满政治色彩的审判将阻挠审理工作。“越南天主教传媒联盟”要求河内尊重其自己制定的法律

河内(亚洲新闻)—十二月五日将就太河堂区教产问题接受审判的八名越南天主教徒中的两位,甚至都未能获准同她们的辩护律师见面。上述天主教徒的律师揭露了这一事件,并指出他的代理人不被定罪的可能性甚微。因为,整个案件的审理过程中充满了政治色彩。

这位律师在接受英国广播公司BBC的采访时表示,他只见到了六名被控损害国家财产、扰乱公共秩序罪的被告。未能见到的是两位女教友,被关在以前专门关押战俘,现专门关押政治犯的监狱里。

这座监狱的管理十分严格,“他们禁止我同我的代理人见面”。律师继续介绍说,“犯人被禁止同外界联络”。一旦有人要见律师,“便会遭到惩罚和虐待”。

谈到被告被指控破坏国家财产罪,律师表示,“我们有足够的证据表明这片土地属于堂区;那堵墙完全是在堂区的土地上非法建成的。所以,天主教徒完全有权将其推倒,且不能指控他们损害国家财产”。此外,“他们是去祈祷的,怎么能说是‘捣乱行为’呢”?

尽管如此,“我对案子的结果丝毫不乐观”,因为其间充满了政治色彩。“根据我个人的经验,如果被告按照政府的意愿认罪,可能会被轻判。一旦坚持无罪,那么就会被判以重刑,可能被判两年至三年的徒刑”。总之,律师明确表示“我要向公众舆论证实他们是无辜的”。

负责太河堂区的河内赎主会会士们,十分担心两位女教友的命运。特别是其中一位,遭到了官方媒体的强烈抨击。

针对八位天主教徒的审判,在国际社会激起了强烈反响。“越南天主教传媒联盟”在澳大利亚悉尼发表一项声明,要求结束“政府媒体对天主教徒的攻击”;结束“对司铎和教友的迫害”。要求政府“尊重其自己制定的法律、将地产归还给合法的主人”。总部设在菲律宾的亚洲真理电台台长;美洲、澳大利亚、欧洲的《天主子民》杂志主编以及澳大利亚“天主与和平电台”台长均在声明上签字。
 
Birmingham: Archbishop Nichols leads prayers for Vietnam
Independent Catholic News
21:58 26/11/2008
BIRMINGHAM - 27 November 2008 - During a special Mass to mark the 20th anniversary of their Canonisation in 1988, Archbishop Vincent Nichols spoke of the powerful witness and example of the Vietnamese Martyrs who were tortured and died for their Catholic.

The Archbishop of Birmingham warmly thanked the 11 Vietnamese priests of the Archdiocese, for their dedication and work in the diocese. The Mass of Christ the King was celebrated in English and Vietnamese.

"The blood of the martyrs is the seed of the Church," Archbishop Nichols reminded the congregation of all ages, many wearing their colourful national costumes, at St Francis, Handsworth, in Birmingham, on Sunday 23 November.

"We are inspired and encouraged by these Vietnamese Martyrs and we think of the difficulties being faced by the Catholic Church in Vietnam today."

"Pray for Catholics in Vietnam who are being harassed by the government today," encouraged Archbishop Nichols.

"Remember, Jesus Christ is King, We obey him. He is present in every corner of the world and in particular with those who are suffering for their faith," concluded the Archbishop.

Pope John Paul II canonised the Vietnamese Martyrs, St Andrew Dung-Lac and his 116 companions, in Rome on 19 June 1988. The Polish Pope also beatified a young Vietnamese Martyr, Andrew Ph� Y�n, in March 2000.

At the start of the Mass the relics of the Vietnamese Martyrs were carried in procession in a beautiful ornate gold reliquary by men wearing national costume.

Before the final blessing, Mgr Tom Fallon, parish priest of St Francis, Hunters Road, shared some of his memories of the day of the Canonisation with Vietnamese of all ages who packed the church.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cảm xúc nhân dịp tham dự Lễ phong Chân Phước cho 188 vị Tử Đạo Nhật Bản
Nguyễn Lưu
08:38 26/11/2008
Cảm xúc nhân dịp đi dự lễ phong chân phước cho 188 vị tử đạo Nhật Bản

NAGAZAKI - Ngày 19 tháng 6 năm 1988, lễ phong Thánh cho 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam đã được tổ chức tại Roma. Không ít tín hữu Việt Nam sống tại Nhật cũng muốn đi tham dự biến cố trọng đại này của giáo hội. Tuy nhiên, địa lý, điều kiện xã hội đã ngăn trở chúng ta cơ hội hưởng diễm phúc có một không hai này.

Xem hình ảnh Lễ Phong Chân Phước tại Nhật

20 năm sau, tại miền đất tôi tạm dung, 188 vị tử đạo Nhật Bản đã được tòa thánh quyết định phong Chân phước. Dù không cùng quốc gia, nhưng cùng là con cái Chúa và được con cháu của các vị đùm bọc bao năm trời, chúng tôi cũng hưởng trọn niềm vui này không khác gì họ. Đặc biệt, lễ phong Chân Phước lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật ngay “thánh địa” Nagasaki, cái nôi công giáo Nhật Bản.

Là một tín hữu bình thường, tôi từng nghĩ rằng có lẽ trong cuộc đời không dễ gì tham dự được một nghi thức phong chân phước hoặc phong thánh ngay tại nơi mình sinh sống. Thêm nữa, trong lúc tình hình kinh tế khó khăn, để đưa cả gia đình vượt trên 800 cây số đi dự lễ thì cũng trở thành một vấn đề. Tuy nhiên khi bà bộ trưởng tài chánh của gia đình quyết định, “đời người chỉ có một lần” thì tôi mừng không khác gì trúng số! Tôi nhẩm thầm, “cái đời người chỉ có một lần” giữa tôi với bà bộ trưởng không chừng đã diễn ra nhiều lần... những rõ ràng lần này chắc chắn chỉ có 1 lần.. đợi đến khi các ngài được phong Thánh ở Nhật thì không chừng mình đã hóa ra người thiên cổ!

Sau khi được “ơn trên” tôi lao vào Internet để tìm tòi vé rẻ. Máy bay thì thua, vì vé rẻ đi Nagasaki đã được các tìn hữu địa phương nhanh tay đặt trước. Đi theo tour của địa phận thì đành chịu vì ngoài khả năng tài chánh. Ngay cả Giáo xứ cũng cho biết không thể tổ chức đi thành đoàn vì bó tay trong vấn đề đặt vé và chỗ ở. Một vài gia đình người bạn rủ đi bằng xe hơi, tôi phân vân... đi thì được nhưng về thì lại cày không nổi. Cuối cùng giải pháp đi bằng Shinkansen và xe điện tốc hành từ Osaka- Nagasaki đặt ra, tổng cộng mất khoảng 5 tiếng. Vấn đề di chuyển đã xong, còn chuyện ngủ lại cũng vất vả không kém... tìm cái phòng ở được với giá bình dân không phải là chuyện dễ dàng vì nhằm ngay 3 ngày nghỉ của Nhật. Thế nhưng cuối cùng cũng còn sót 1 cái phòng 3 giường ở một khách sạn vừa vừa gần trung tâm thành phố. Việc chuẩn bị chuyến hành hương như vậy là tạm ổn.

Trước ngày khởi hành 3 ngày, không khí đón mừng đã đến sớm với Osaka và Kobe, khi phái đoàn gồm đức Hồng y Phạm minh Mẫn, 2 đức cha địa phận Phú Cường và Mỹ Tho cùng 3 cha khác đã ghé thăm và dâng lễ mừng các thánh tử đạo Việt Nam cho 2 cộng đoàn. Lần đầu tiên tín hữu công giáo Việt Nam tại Kansai được Đức hồng y, các Đức cha, các cha cùng Đức tổng chủ nhà Osaka dâng lễ. Thật không còn ý nghĩa gì hơn với sự trùng hợp ngày phong chân phước cho các vị Nhật Bản lại đúng vào ngày mừng các thánh tử đạo Việt Nam.

Ngày 23, gia đình chúng tôi khởi hành bằng xe điện đi Nagasaki. Một số gia đình bạn trước đó đã lên đường bằng xe hơi, vượt quãng đường dự trù dài 12 tiếng đồng hồ. Được cha Cao sơn Thân thông báo, tối 23 có tiệc gặp mặt gia đình tu sĩ tại Nhật với phái đoàn Việt nam, do một mạnh thường quân tại Nagoya bảo trợ; rất tiếc chúng tôi không thể nào tham dự buổi tiệc nghe nói rất vui, dự trù 30 người... đã lên tới trên 50 người; khiến một mạnh thường quân khác ở Kobe, người liên tục lo việc di chuyển cho phái đoàn Việt Nam, đã xin ra tay bảo trợ ké trong niềm vui “đời người chỉ có một lần”.

Đến Nagasaki, đường phố đã lên đèn, cây giáng sinh trước ga thật khổng lồ và rực rỡ... tới khách sạn nhận phòng, đã thấy để trên quầy các tờ giới thiệu ngày lễ phong chân phước. Không dự tiệc với gia đình tu sĩ được thì đành dùng cơm gia đình vậy. Tôi dẫn Bà bộ trưởng tài chánh và tiểu thơ đi xuống phố Tàu, chọn 1 cái nhà hàng tươm tất vào gọi món đặc sản mì của Nagasaki là Champon. Hai mẹ con vừa ăn vừa khen nức nở. Từng có dịp làm việc ở vùng Kyushu này cách đây mười mấy năm trước, tôi nhận thấy sở dĩ món mì Kyushu có hương vị đặc biệt là do một nguyên liệu nêm đặc chế có mùi thum thủm; chẳng khác gì người Nhật trước khi ăn bún riêu cũng cảm nhận cái mùi khăm khắm của mắm tôm cho vào bún riêu... nhưng lúc ăn thì tuyệt vời!

Buổi tối về khách sạn, việc đầu tiên là tôi xem dự báo thời tiết. Mưa 80% cho đến 6 giờ chiều... Thôi, đành phải đội mưa dự lễ vậy. Khí tượng Nhật đã thông báo trước 1 ngày thì chắc như đinh đóng cột. Tuy nhiên, trong thâm tâm chưa bao giờ tôi lại mong đài khí tượng Việt Nam sang Nhật công tác như lúc này... vì chắc chắn “đài nhà” sẽ làm mình an tâm hơn với bản tin: “trời nắng nhẹ, lắc rắc chỉ vài giọt mưa cho đến trưa...”

Quả nhiên sáng hôm sau, trời mù rồi mưa vần vũ... Tôi xúi con gái cầu nguyện với các vị Chân phước giang tay che chở bớt mưa được chút nào hay chút đấy. Nó giỏi tiếng Nhật hơn tôi may ra các ngài nghe dễ hiểu hơn. Một mặt tôi liên lạc cho ông anh ở gần địa điểm tổ chức xem tình hình như thế nào; ông ấy an ủi: Các đấng tử đạo ngày xưa chịu bao nhiêu khổ ải thì chúng ta đội chút xíu mưa thấm thía gì. Nghe cũng có lý...

May quá, đến 10 giờ nắng lên một chút, lợi dụng mưa nhẹ hạt, gia đình tôi ra khỏi khách sạn, ghé tiệm tạp hóa mua cái dù rồi nhảy lên xe điện nổi của thành phố đi tới cầu trường Nagasaki. Lên xe, thấy hầu hết hành khách đã đeo huy hiệu mừng lễ. Vài trạm kế tiếp có một số Sơ lên, sau đó thêm một số cha thầy... không khí rộn rã. Nắng lên cao khiến tôi hy vọng... kỳ này khí tượng Nhật sẽ phải học nghề khí tượng Việt Nam!

Tới địa điểm, hàng đoàn người lũ lượt tiến vào các cổng... Tôi gặp vài người quen của giáo xứ; tay bắt mặt mừng xong tiếng vào khu vực dành riêng cho Osaka. Gặp thêm một số bạn bè đến từ Himeji và Kobe cùng các em tập sinh Việt Nam dòng thánh Giuse. Ai nấy đều náo nức. Trong khí đó, phía dưới sân, ca đoàn 1200 người đang thánh thót những bản thánh ca vang vọng. Cảnh tượng 30.000 người ngồi đầy cầu trường quả là hình ảnh “đời người có một không hai”.

11 giờ rưỡi, Video được chiếu qua hai màn ảnh rộng, giới thiệu bối cảnh hy sinh của các vị chân phước. Năm 1981, nhân chuyến viếc thăm Nagasaki, cố Đức thánh cha Gioan Phaolo 2 đã tâm sự, ngài muốn thêm vào danh sách các thánh, các chân phước những vị tử đạo xứ Phù Tang. Năm 1984, Hội đồng giám mục Nhật Bản bắt đầu cuộc điều tra và tới năm 1996 thì hoàn tất hồ sơ xin phong chân phước cho 188 vị; đứng đầu là cha Phê rô Kibe; xuất thân từ tỉnh Oita; người đầu tiên của Nhật thăm viếng thánh địa Giêrusalem, du học tại Roma sau đó về nước truyền giáo và tử đạo tại Edo tức Tokyo ngày nay.

12 giờ, nghi lễ bắt đầu, cũng là lúc trời chuyển mưa nặng hạt. Chợt dưng một cái gì thật linh thiêng khi tiếng chuông đổ dồn, mắt tôi rưng rưng khi nhìn lên lễ đài. 30.000 người chìm đắm trong tiếng mưa và thánh ca. Từ xa, tôi thấy một số phụ nữ mặc Kimomo mang những bình dường như đựng đất hay tro cốt tới đặt dưới bàn thờ, kế đó là hàng trăm linh mục tiến vào hai bên bàn thờ. Cuối cùng là một màu đỏ rực áo choàng của các đức giám mục và hồng y.

Đức hồng y Shirayanagi chủ tế, trước khi khai mạc thánh lễ, đã giới thiệu Đặc sứ của Đức thánh cha Benedicto 16 cùng các vị hồng y và giám mục đến từ các nơi trên thế giới trong đó có Hồng y Phạm minh Mẫn cùng 2 đức cha của giáo hội Việt Nam. Kế đến các đức cha đại diện cho các địa phận có tín hữu tử đạo được phong chân phước giới thiệu những vị thánh ánh hùng đã đổ máu nơi địa phương mình. Đông nhất là Yonezawa ở phía Bắc nước Nhật, 53 vị; kế đến là Kyoto, 52 vị; khu vực Nagasaki gồm có 5 nơi Shimahara, Unzen 29 vị, Arima 8 vị, Nagasaki 4 vị, Ikitsuki 3 vị và Amasho 1 vị. Ngoài ra thủ phủ Kyushu là Kokura, Ota, Kumamoto có 18 vị, Yashiro 11 vị, Hiroshima 3 vị, Yamaguchi 2 vị và Satsuma của Kagoshima là 1 vị. Vùng Tokyo có 2 vị, trong đó có cha Phêro Kibe đã nhắc ở trên. Osaka được 1 vị. Trong lúc giới thiệu, thỉnh thoảng người ta nghe được tiếng gió thổi lồng lộng qua micro, nghe như tiếng sấm từ trời vang dội. Vị giám mục đang kể lại câu chuyện của 1 bà mẹ Chân phước bị thiêu cùng những đứa con nhỏ. Một đứa nói: -Mẹ ơi, sao nóng quá, con không thấy gì hết. Người mẹ trả lời: -Cố gắng đi con, còn một chút nữa thôi, một chút xíu nữa thôi...mẹ con ta sẽ thấy nhau trên trời.

Không ai nói ra, nhưng chắc mọi người đều có suy nghĩ như tôi là Bà mẹ thánh cùng những người con thánh và các đấng khác đang về cùng hiện diện với chúng tôi trong ngày trọng đại này

Sau phần nhập lễ, Đức hồng y đặc sứ José Saraiva Martins chậm rãi đọc tuyên thư của Đức giáo hoàng, quyết định phong chân phước cho 188 vị tử đạo Nhật Bản. Tấm màn che bức tranh biểu tượng của các Chân phước tử vì đạo cao gần 10 m được kéo xuống trong tiếng vỗ tay nức trời. Lạ lùng thay, nắng lên... không còn một hạt mưa. Những anh chị đã cùng tôi hiện diện trong buổi lễ này chắc chắn đã cảm nhận được hiện tượng lạ lùng trên, vì mưa đã ngưng luôn cho tới cuối thánh lễ. Tôi không cho đó là một phép lạ đâu, chỉ là một cảm nghiệm mà các vị Chân phước muốn truyền đạt cho chúng ta... những khó khăn, khổ nhọc của lúc ban đầu biểu hiện qua cảnh 30.000 người đứng dưới mưa nhằm chia sẻ với sự hy sinh của các đấng rồi sẽ qua đi để bắt đầu một tương lai tươi sáng trên nước trời qua hình ảnh ánh nắng rực rỡ của mặt trời.

Thánh lễ được tiếp tục trong niềm tri ân tới 4 giờ rưỡi chiều. Mặc dù còn muốn nấn ná lại để hưởng trọn vẹn cái không khí “đời người chỉ có một lần”; nhưng quãng đường 5 tiếng đồng hồ không cho phép.

Trên đường về lại Osaka, tôi mở trang báo của thành phố Nagasaki ấn bản đặc biệt, phát hành ngay sau thánh lễ để tìm lại cảm xúc, đồng thời tìm hiểu rõ hơn tiểu sử của những chứng nhân đã dùng chính mạng sống mình tuyên xưng đức tin. Nếu trước lúc đi, tôi hãnh diện thông báo cho bạn bè là mình sẽ đi tham dự lễ phong chân phước, thì hiện tại trong chuyến xe điện tốc hành đang xuyên qua núi đồi... tôi vứt bỏ lại niềm hãnh diện đã có; thay vào đó là suy nghĩ, mình phải sống làm sao cho xứng đáng với những giọt máu đào đã đổ ra trên mảnh đất này.
 
Giáo họ Tràng Tiền (Nam Định) mừng lễ Các Thánh Tử Đạo
Vũ Tộc
23:06 26/11/2008
Giáo họ Tràng Tiền (Nam Định) mừng lễ Cách Thánh Tử Đạo

Giáo Họ Trang Tiền thuộc giáo xứ Trang Hậu, xã Nam hải, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định thuộc giáo phận Bùi Chu là một giáo họ rất nhỏ bé, chỉ có 128 người, nằm sát cạnh giáo xứ Trang Hậu mà có một nhà thờ riêng rất khang trang, đẹp đẽ với một mộ các Thánh Tử Đạo để hài cốt 5 Tôi Tớ Chúa, người của giáo họ. Nhờ sự hối thúc và dâng cúng của ông Vũ Khánh Thành và một số bà con khác, ngay từ đầu năm 1990 đã làm lại thánh đường kính Thánh Gioan Tiền Hô, bổn mạng của Giáo Họ và xây lại mộ 5 vị Thánh của ngôi làng nhỏ bé xa xôi hẻo lánh này.

Nhà thờ họ Trang Tiền liền Trang Hậu
Nhờ xây lại rất sớm, công trình xây dựng đã không tốn kém là bao so với giá hiện nay. Một gương cần cù hy sinh vì Chúa vì giáo họ thí dụ như của cụ VŨ ĐÌNH TRIỆU (1901 – 1996), có con cháu đi được nước ngoài gửi tiền về biếu cụ lúc tuổi già, cụ vẫn dè sẻn chi tiêu. Lúc cụ qua đời còn mấy chỉ vàng, cũng dâng cúng cho giáo họ. Thí dụ nhỏ bé đó cũng nói lên tinh thần và lòng đạo đức của giáo dân Việt Nam miền Bắc, dù khó khăn gian khổ cũng luôn luôn giũ vững niềm tin của mình.

“Trang Tiền liền Trang Hậu” và “Trang hậu là cậu Trang Tiền” là câu nói của trẻ em hồi còn bé đã nói lên sự kết nối chặt chẽ giữa Giáo Họ Trang Tiền và Giáo Xứ Trang Hậu. Chính vì sự gắn bó này mà có nhiều người đặt câu hỏi tại sao hai họ quá liền nhau, quá ít người mà phải làm một nhà thờ Trang Tiền riêng như vậy. Có phải là do óc địa phương, lòng ghen tị mà ra không, kiểu như ai đã vào miền Nam, đi dọc theo Quốc Lộ 1 vùng Hố Nai, tỉnh Biên Hoà cũng thấy san sát toàn là nhà thờ.

Thực ra gốc ngọn của việc này không ai biết được vì không được truyền tụng hay ghi trên giấy để con cháu đời sau biết rõ ngọn ngành. Có lẽ Giáo Họ Trang Tiền đã được ơn sủng đặc biệt của Thiên Chúa cho 5 tôi tớ Chúa tuẫn tiết vì đạo mà các cụ thời xưa đã xây nhà thờ nhỏ bé kính thánh Gioan Tiền Hô và vinh danh các anh hùng tử đạo. Hậu duệ của các ngài đã đóng góp cho Giáo Hội Việt Nam cũng 5 Linh Mục và Tu Sĩ là:

Mộ 5 thánh tử đạo Họ Trang Tiền
1. Linh mục VŨ THANH TÙNG, chánh xứ Văn Hải, Bà Rịa Vũng Tàu,
2. Linh mục VŨ ĐÌNH TÂN, bang Iowa Hoa Kỳ,
3. Linh mục VŨ CHÍ THIỆN, dòng Phanxicô, Đức Quốc,
4. Thầy VŨ ĐÌNH HUYẾN, hoạ sĩ, dòng Đồng Công, Thủ Đức,
5. Nữ Tu VŨ THỊ LIÊN, Hiệu Trưởng, dòng Trinh Vương, Thủ Đức.

Về Xã Hội, Giáo Họ Trang Tiền cũng sinh ra được hai người con yêu quí là VŨ THỊ KIM LOAN, Tiến Sĩ Sử Học, Giáo Sư Đại Học San Diego California và Giáo Sư VŨ KHÁNH THÀNH, Cao Học Triết, Phụ Khảo cho Giáo Sư Triết Gia Kim Định. Ông Thành còn là Giám Đốc sáng lập Hội An Việt tại Vương Quốc Anh, Cựu Nghị Viên Thành Phố Biên Hoà (1970-1974) cựu Nghị Viên Việt Nam đầu tiên tại Âu Châu tham gia chính quyền thành phố Hackney London (2002-2006) và đã được Nữ Hoàng Anh ban tặng Bảo Quốc Huân Chương (2006).

Ngày 24 tháng 11 năm 2008 vừa qua là ngày đặc biệt của Giáo Họ Trang Tiền, sau thánh lễ là viếng mộ các thánh tử đạo, tổ chức liên hoan cũng là ăn mừng lần thứ hai Giáo Xứ Trang Hậu vừa khánh thành nhà thờ lớn, sau 9 năm ròng rã đã tự xây dựng thành công. Bà con đã vất vả, nhất là các chị em phụ nữ, sau ngày làm việc cho bản thân và gia đình trong thời buổi khó khăn này, còn hy sinh nung gạch “đội đất đến độ rụng hết cả tóc” mà vẫn cố công! Không mừng sao đuợc khi Giáo Xứ và Giáo Họ đã có Linh Mục Nguyễn Văn Đàm ở luôn với giáo xứ sau nhiều năm thiếu vắng Linh Mục. Nhờ ngài chạy đôn chạy đáo, vất vả ngược xuôi, đôn đốc, xin tiền … mà ngôi thánh đường đồ sộ đã hoàn thành. Ngoài nhà thờ, còn nhà xứ, hội trường, hang đá Đức Mẹ trên bờ hồ … công việc vẫn còn ngổn ngang mà tiền không có. Vô duyên nhất là các con đường đất dài từng cây số, rất hẹp, xuống cấp, ngập bùn và lỗ hổng, dẫn đến giáo xứ và các làng bên cạnh, đáng lý là nhiệm vụ của chính quyền địa phương phải lo cho dân, nhưng cũng chẳng ai đoái hoài đến. Thật khổ cực cho những vùng xa vùng sâu không ánh mặt trời. Mọi việc lại do Linh Mục chánh xứ phải tự lo liệu !!!

Ngày đại lễ này còn hiệp thông và cầu nguyện cho Tổng Giáo Phận Hà Nội với việc Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và giáo xứ Thái Hà bị vu khống bách hại, đàn áp.

VINH DANH CÁC ANH HÙNG TỬ ĐẠO VIỆT NAM
VÀ RIÊNG 5 TÔI TỚ CHÚA CỦA HỌ TRANG TIỀN ĐÃ GHI TRONG SỬ SÁCH CỔ XƯA NHƯ SAU:


Năm 1900 Die 10 Septembris

Bàn thờ họ Thánh Gioan Tiền Hô, Họ Trang Tiền
Tôi là Đôminicô Bỉnh làm thầy cả coi địa phận Thạch Bi thay mặt Đấng Vít Vồ tôi vâng phép Đấng Vít Vồ mà cải hài cốt 5 Đấng về họ Trang Tiền đã chịu tử vì đạo đời Vua Tự Đức. Một là ông Đôminicô Huynh. Hai là ông Phêrô cố Tính. Ba là ông Đôminicô Tuyên. Bốn là ông Phêrô Quang. Năm là ông Phêrô Phú. Bởi Nhà thờ họ nhà xứ Trang Hậu mà đưa về họ Trang Tiền, cùng táng ở nơi đất thuộc về họ ấy. Vậy khi cải lên nơi hài cốt ông Cựu - Huynh thì tiểu chẳng còn, song hài cốt hãy còn nhiều, mà thẻ thiếc khắc tên thì còn rõ không hồ nghi. Còn 4 ông nọ thì tiểu cũng nát hết mà hài cốt đã nát nhiều, và thẻ chẳng còn, cho nên phải thử máu cho được biết hài cốt thuộc về ông nào, mà đã có lẽ đủ cho được nhận thật là hài cốt về các đấng ấy. Vậy tôi đã sang tiểu mới. Ông Cựu Huynh và ông cố Tính tiểu bằng gỗ tốt, mà ông Tuyên, ông Quang, ông Phú tiểu bằng sành, tiểu ngoài bằng gỗ mỏng thường vậy. Cả 5 thẻ đều làm bằng gỗ lim tốt. Người khắc chữ An-nam tên Thánh tên gọi các Đấng ấy, mà bỏ vào tiểu làm một với hài cốt các đấng ấy. Đoạn táng đặt thứ tự thế này. ông Cựu Huynh hàng trên còn 4 ông một hàng dưới, bắt đầu tự bên bắc, thứ nhất là ông cố Tính, thứ hai là ông Tuyên, thứ ba là ông Quang, thứ bốn là ông Phú, mà giở về phía tây, chân giở về phía đông, mồ ấy ở bên Nam nhà thờ họ ấy. Khi táng thì có người họ ấy là ông trùm Nghĩa, ông trùm Miêng, ông lý Sự và đồ hào làm chứng kiến, và cũng có đông người trong 2 họ ấy - xem thấy nữa tư lưu từ.

Làm tờ này tại nhà xứ Trang Hậu ngày 18 tháng 08 An-nam năm Canh Tý

Die 11 Septembris 1900
Sacerdos Dominicus Bỉnh ký


-------
Hiện nay Hài cốt của các Ngài đã được di chuyển vào lăng mộ được làm bằng đá và được đặt ở sân cuối Nhà thờ giáo họ rất đẹp và trang trọng.

Bà con xa gần, nếu có lòng, xin giúp đỡ Giáo Xứ Trang Hậu. Xin liên lạc với:

Linh Mục Nguyễn văn Đàm
Nhà thờ Trang Hậu, xã Nam hải, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Email: jos.nguyenvandam33@yahoo.com.vn
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bản tin VnExpress của Cộng Sản Việt Nam cho biết gần 6900 văn bản trái luật đã được ban hành
Hoàng Khuê - VNExpress
00:05 26/11/2008
Gần 6.900 văn bản trái luật đã được ban hành

Bộ Tư pháp cho biết, khoảng 12% số văn bản được kiểm tra do các cơ quan chức năng ban hành đã bị phát hiện có dấu hiệu trái luật. Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp cho VnExpress.net biết, hiện mới có một vài người bị xử lý với hình thức "kiểm điểm", nhắc nhở.

Đó là kết quả sau 5 năm thực hiện quy định của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản pháp luật (2003-2008). Chỉ riêng 800 văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thấy khoảng 200 văn bản trái luật. Con số này tại Bộ Giao thông vận tải là 12 trong số gần 60 văn bản được kiểm tra...

Qua việc kiểm tra, nhiều văn bản có nội dung trái luật đã bị công luận lên tiếng. Chẳng hạn, Bộ Tư pháp đã phát hiện nội dung trái luật trong công văn không cho phép học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật tại vũ trường, quán karaoke; hay quyết định của Bộ Y tế về việc người dưới 40 kg không được điều khiển xe máy trên 50 phân khối.

Bộ Tư pháp cho biết, tỷ lệ vi phạm về ban hành văn bản trái luật do các địa phương tự kiểm tra phát hiện trong 5 năm qua là khá lớn. Tại tỉnh Cao Bằng có một nửa trong số 124 văn bản kiểm tra có sai phạm. Tỷ lệ này ở Nghệ An là 660 trong 1.000 văn bản được "sờ" tới, hay tại Bình Thuận là 150 trên gần 440.... Tổng cộng, 63 địa phương kiểm tra hơn 26.000 văn bản thì con số sai phạm bị phát hiện là hơn 3.100. Còn qua việc kiểm tra của Bộ Tư pháp, trong hơn 35.800 văn bản tiếp nhận do các đơn vị ban hành đã phát hiện hơn 4.300 sai luật.

Theo Bộ Tư pháp, các văn bản chủ yếu là sai về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày, một số ít có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung và thẩm quyền. Những việc này sẽ được xử lý qua việc rút kinh nghiệm, nhắc nhở, thông báo để người và cơ quan ban hành tự xử lý.

Liên quan trách nhiệm cán bộ khi để xảy ra những sai phạm trên, ngày 25/11, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp cho VnExpress.net biết, hiện mới có một vài người bị xử lý với hình thức "kiểm điểm", nhắc nhở.

nguồn: VnExpress
 
Công Lý và Sự Thật Cho Giáo Dân Thái Hà
Hiền Vy, RFA
01:35 26/11/2008
Công Lý và Sự Thật Cho Giáo Dân Thái Hà

Vào ngày 22 tháng 11 năm 2008, trên trang nhà của Vietcatholic.net có đưa một thông báo, với đề tựa: Ngày xét xử các nạn nhân vì Công Lý và Sự Thật ở giáo Xứ Thái Hà.

Miếng đất Thái Hà đã trở thành công viên
Trong thông báo cho biết 8 giáo dân của giáo xứ Thái Hà là: Bà Ngô Thị Dung, Bà Nguyễn Thị Nhi, ông Thái Thanh Hải, ông Nguyễn Đắc Hùng, Bà Lê Thị Hợi, Ông Lê Quang Kiện, Ông Giuse Phạm Trí Năng, Bà Nguyễn Thị Việt, sẽ ra tòa vào ngày mùng 5 tháng 12 tại Hà Nội.

Không xử ở tòa mà ở trụ sở UBND

HiềnVy đã tiếp chuyện với luật sư Lê Trần Luật, người sẽ bào chữa cho họ và đã được LS Luật xác định:

“Tôi đã chính thức nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử của tòa án quận Đống đa về những người Thái Hà vào ngày 5 tháng 12 năm 2008. Theo thông tin của các Cha thì ngày mùng 5 sẽ là ngày phong chức cho 1 giám mục ở một tỉnh phía Bắc.

Thông thường thì khi phong chức cho một Giám mục Hà Nội thì tất cả các linh mục của giáo phận Hà Nội sẽ có mặt để tham dự lễ tấn phong cho giám mục đó.

Có thể là một chọn lựa ngẫu nhiên, mà cũng có thể họ có một chủ đích. Nếu có chủ đích thì rõ ràng là họ muốn chọn ngày đó, vì các linh mục sẽ không có mặt ở Hà Nội để tham dự phiên tòa ngày hôm đó”

Vụ án của giáo dân Thái Hà sẽ không được xét xử tại tòa án như những vụ án khác.

“Họ không xét xử tại trụ sở của toà án Hà Nội mà họ xét xử ở tầng bốn của một tòa nhà mà họ bảo rằng đó là trụ sở của Ủy ban Nhân Dân phường Ô Chỗ Dừa, là một phường thuộc quận Đống Đa, Hà Nội, chứ không xử ở toà”

Xử công khai nhưng tham dự phải làm đơn

Và không phải ai cũng có thể tham dự được:

“Theo luật Việt Nam, thì tòa án phải xét xử công khai. Mọi người trên 16 tuổi đều có thể tham dự được. Một trong những nguyên tắc của phiên tòa là phải được xét xử công khai, trừ những trường hợp mà có thể ảnh hưởng đến danh dự, nhân phảm của người bị hại thì được xét xử kín, nhưng những vụ án khác thì bắt buộc phải xử công khai. Đặc biệt trong phiên tòa này thì tòa án nhân dân Hà Nội bảo rằng là, trừ luật sư và bị can ra, người nào muốn tham dự phiên tòa thì phải xin phép. Họ yêu cầu phải xin phép tòa mới được tham dự phiên tòa là trái với tắc xét xử công khai. Điều đó phản ánh là chính quyền Hà Nội muốn hạn chế số lượng người tham gia.”

Tuy nhiên những điều này lại không được viết trên một văn bản nào cả:

“Họ triệu tập bị can lên, và bảo rằng nếu người thân hay những người nào đó, mà bị can hay luật sư biện hộ, muốn họ có mặt thì những người phải làm đơn xin phép tòa”.

Phá rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản quốc gia

Theo luật sư lê Trần Luật, những giáo dân Thái Hà bị truy tố hai tội là phá rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản quốc gia.

“Lúc đầu họ khởi tố tội hủy hoại tài sản, nhưng sau đó họ thấy không ổn, vì tội này rất khó mà chứng minh là người giáo dân hủy hoại tài sản, nên họ lại chuyển qua một cái tội danh khác. Đó là tội gây rối trật tự công cộng.

Nên khi họ hoàn tất hồ sơ để truy tố những giáo dân này tội gây rối trật tự công cộng, thì đến khi chuẩn bị xét xử, tòa án lại yêu cầu họ khởi tố thêm một tội danh nữa là tội hủy hoại tài sản. Như vậy thì cho đến ngày 5 tháng 12 năm 2008 này, tất cả các giáo dân đó bị truy tố và xét xử 2 tội là tội gây rối trật tự công cộng và tội hủy hoại tài sản.”

Nhưng luật sư Lê Trần Luật tin rằng khi cầu nguyện thì giáo dân không thể gây rối loạn cho xã hội được.

“Theo quan điểm của tôi thì tất cả những giáo dân trong trạng thái cầu nguyện là một trạng thái thể hiện cái ước muốn, mong muốn bề trên ban ân phước hoặc là cầu nguyện cho một cái gì đó. Cầu nguyện trong tấm lòng họ im lặng thì không thể khởi tố họ vào tội gọi là gây rối trật tự công cộng như là Tòa Án Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố họ.”

Bà Ngô thị Dung, một bị cáo, cũng đã khẳng định điều này: “Chúng tôi chỉ có một mục đích là vào để cầu nguyện. Khi cha Uy làm lễ thì chúng tôi chỉ có làm dễ đường vào để cầu nguyện. Mọi người ở bên ngoài còn tôi đang ở bên trong. Những mảnh tường rơi xuống thì tôi lấy cái cuốc sang những gạch vỡ.

Chúng tôi không có một hành vi gì để gây phá hoại tài sản của xã hội. Họ cho là tôi phá hại tài sản nhưng mà tôi nghĩ đó là không phải. Tôi không có tội. Tôi nghĩ đơn giản là tôi không có tội. Sự việc của tôi làm đúng chứ tôi không có làm sai”.

Luật sư Lê Trần Luật rất mong được sự hỗ trợ của giới truyền thông để việc xét xử các giáo dân Thái Hà được công minh:

“Mặc dầu chính quyền muốn hạn chế dư luận trong nước và dư luận quốc tế bằng cách di chuyển trụ sở đến một nơi không phải là tòa án để xét xử, rồi lại bảo là những người muốn tham dự phiên tòa phải có đơn xin phép thì mới tham dự được. Như vậy thì họ đã cố tình hạn chế số lượng người tham dự phiên tòa để tránh đi những dư luận xấu.

Nên tôi rất mong muốn dư luận trong nước và quốc tế hãy hỗ trợ cho tôi và cho những giáo dân Thái Hà bằng cách lên tiếng để thấy rõ bản chất của nhà nước ViệtNam, là dù họ muốn vụ này, mặc dù gọi là xét xử công khai, nhưng bản chất kế hoạch của họ là một vụ xử kín để tránh dư luận, nên xin hãy hỗ trợ chúng tôi”.

(Nguồn: RFA, 2008-11-25)
 
Thương thay cũng một kiếp người
Phanxicô Xaviê
07:59 26/11/2008
THƯƠNG THAY CŨNG MỘT KIẾP NGƯỜI

Hơn 30 năm trước khi còn là cậu học sinh của một trường trung học tư thục. Cuộc sống gia đình tôi lúc đó cũng như bao gia đình công nhân khác. Không dám nói là giàu sang, nhưng có của ăn của để. Bố tôi học chưa hết bậc tiểu học, thì cùng gia đình di cư vào nam theo tiếng gọi tự do năm 1954. Được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cấp cho một miếng đất, và giúp dựng một căn nhà tạm vách gỗ mái lợp tôn. Đồng thời trợ cấp một số vốn để gia đình tôi ổn định cuộc sống với nghề làm bánh tráng (bánh đa). Đến năm 1965, thì ông vào làm công nhân cho một công ty Mỹ (sau này cộng sản gọi những thành phần như ông là tay sai cho đế quốc).

Với mức lương 30.000đ (tiền VNCH)/tháng. Không những đủ chi tiêu cho cả gia đình năm miệng ăn. Mà còn dành dụm để xây được một căn nhà cấp bốn với gác lửng vào năm 1970. Và tôi còn nhớ trong thập niên 60, gia đình nào có được chiếc xe Honda Dame là gia đình đó thuộc hạng khá giả. Tôi cũng từng có những giây phút hạnh phúc, vì vui mừng trong cái ngày bố tôi mua về chiếc Honda Dame màu đỏ tưoi, bằng chính đồng lương công nhân của ông, năm 1967 với giá 32000đ (tiền VNCH).

Thế rồi, kể từ sau cái ngày 30/04/1975, ngày mà những người cộng sản gọi là "chiến thắng lịch sử" (trên chính xương máu của đồng bào mình ở cả hai miền nam bắc trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn), cũng là ngày gia đình tôi, và bao gia đình sống ở miền nam lúc đó bước vào một cuộc sống đầy tăm tối. Toàn bộ tài sản dành dụm dược trong những ngày làm công, bố tôi gửi ở ngân hàng tư nhân đã tan theo mây khói. Chúng tôi phải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng.

Nhưng cho đến nay, nhìn lại đất nước sau hơn 30 năm sống dưới chế độ XHCN. Một người đi làm công nhân, không đủ nuôi thân, nói chi đến giúp đỡ gia đình hay nuôi vợ con.

Đã 33 năm trôi qua, với biết bao vật dổi sao dời, đời sống người dân các nước lân bang tiến lên vượt bậc. Nhưng riêng gia đình tôi và còn biết bao những gia đình khác vẫn không thể thoát khỏi cảnh nghèo. Mặc dù chúng tôi đã cố xoay sở kiếm sống với nhiều nghề khác nhau. Từ giã nghề giáo viên giữa cái thời bao cấp đầy khó khăn. Thời mà đồng lương được tính bằng cả những mặt hàng nhu yếu phẩm (chưa biết có dùng được hay không) và gạo cộng lại. Về nhà, gia đình tôi quay trở lại với nghề bánh tráng. Còn tôi bước ra ngoài xã hội kiếm sống, bằng nghề chở bột mì mướn cho các lò bánh nhỏ. Với chiếc xe đạp cọc cạch, mỗi chuyến hàng, tôi chở được ba bao bột (25kg một bao). Đi từ Biên Hòa về đến Sài Gòn thì được trả công 125 đồng/chuyến. Sau khi trừ tiền "lộ phí" dọc đường, tôi cũng còn được105đ.

Nhớ lại những năm đầu của thập niên 80. Bột mì ở nước ngoài, thông qua Tổ chức Caritas, viện trợ giúp người dân trong nước sau thời kỳ chiến tranh. Đã không được phân phối trực tiếp và miễn phí cho người dân, mà qua trung gian những lò bánh lớn (được bọc trong cái vỏ hợp tác xã), sau đó đem bán lại cho chúng tôi là những ổ bánh mì, mới để từ sáng đến trưa đã cứng như khúc củi khô. Nếu không ăn thì đói, vì lúc đó, dù có tiền cũng chỉ được mua đủ số theo tiêu chuẩn đầu người trong hộ khẩu. Chế độ XHCN đã cố gò ép chúng tôi đi vào cái họ gọi là "hợp tác xã", một lối sống tập thể Chẳng qua chỉ là hình thức sống theo "bầy đàn" dưới sự "chăn dắt" của đảng. Cho bao nhiêu, được hưởng bấy nhiêu. Muốn mua cây kim, ống chỉ, cũng phải có sổ "xã viên".

Không biết bằng cách nào, bột mì lúc đó dù rất nhiều, nhưng vẫn rất hiếm đối với những lò bánh cá thể nhỏ lẻ. Và nó trở thành hàng quốc cấm. Chúng tôi cũng thành những kẻ chở hàng lậu.

Với hơn 30 năm ấy, lẽ ra đời sống người dân Việt Nam phải được nâng lên đáng kể. Thậm chí mức sống có thể còn cao hơn những quốc gia trong khu vực như Miến Điện hay Thái Lan, Singapore ngày nay. Họ cũng chỉ thực sự mới phát triển khoảng hơn 20 năm trở lại đây. Nhưng điều nghịch lý đã xảy ra trên đất nước Việt Nam, nơi những người cộng sản tự ca ngợi là thiên đường XHCN ngày nay. Đời sống người dân ngày càng khó khăn, chạy ăn từng bữa. Nhiều khi vì cuộc sống, họ quên cả những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trên những chuyến hàng cồng kềnh, vượt quá giới hạn cho phép vận chuyển của một chiếc xe gắn máy. Khó khăn không chỉ về mặt kinh tế. Mà cả về đời sống tinh thần: quyền tự do căn bản cũng không có. Đã có thời muốn đi đâu, ở đâu thì phải xin phép. Muốn tổ chức đám cưới hay đám ma cũng phải xin phép. Nghĩa là, tất cả đều phải thông qua thủ tục "xin cho". Nhận thức của người dân thì lạc hậu so với thế giới bên ngoài. Ngay cả hiện nay, thời kỳ bùng nổ của thông tin hiện đại mà nhiều người, nhiều gia đình vẫn không thể tiếp cận với máy vi tính, hay với mạng internet.
Chỉ có những gia đình đảng viên cộng sản là được hưởng đòi sống sung túc, với nhiều thứ quyền lợi đi kèm.

Một đất nước mà những ngưòi tài trí, thực sự có tâm huyết với dân tộc. Bị vu khống, mạ lỵ làm mất danh dự, vì dám nói lên sự thật. Nơi mà Công Lý và Sự Thật bị cầm tù. Và người ta chỉ lo củng cố thế lực của bè phái. Bỏ mặc nền kinh tế tự phát. Dân tình lận đận vì giá cả lên xuống thất thường. Hỏi sao đất nước ấy không ngày càng tụt hậu về mọi mặt.

Buồn thương cho kiếp tơ tằm

Lại thương đến kiếp con người lầm than.
Bởi đâu phải sống cơ hàn,
Mấy mươi năm ấy với đàn sói hoang.
Sống theo bầy lũ ngang tàng,
Rủ nhau ăn cướp của làng, của dân
Lại còn cái miệng tham ăn,
Oang oang tranh lấy là phần của quan.
Chỉ thương cái kiếp thanh bần,
Càng thêm khốn khó là quần chúng đây.
Thưong thay cũng một kiếp này,
Làm dân một nước có bầy tham quan.
Lãnh đạo có đảng "vinh quang",
Dân lành đói rách lang thang kiếp ngưòi.
 
Xử án ngày 5 tháng12 - một sự trùng hợp?
Đức Tin
10:31 26/11/2008
Xử án ngày 5 tháng12 - một sự trùng hợp?

Khi được tin 8 giáo dân trong vụ việc Thái Hà sẽ được xử vào ngày 5 tháng 12 sắp tới. Tôi chợt nghĩ ngay đến ngày tấn phong Giám mục của Đức Cha Lô-ren-xô Chu Văn Minh. Phải chăng đây là một sắp xếp cố tình của giới cầm quyền Hà Nội. Họ sợ sức mạnh của sự hiệp nhất nên cố tình “phân mỏng” số lượng giáo dân?

Nếu ngày tấn phong Giám mục thay đổi, phải chăng CS Hà Nội cũng sẽ hoãn lại phiên tòa?

Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đặt mình trước những lựa chọn liên lỉ. Đã chọn một phải bỏ một. Vì thế, chọn lựa không dễ dàng chút nào. Có khi giữa cái tốt và xấu, đã biết rành rành, nhưng con người vẫn phải chọn cái xấu vì “chẳng đặng đừng”. Giữa hai điều tốt, đương nhiên phải chọn điều tốt hơn; còn giữa hai điều xấu, khi buộc phải chọn một, chúng ta phải chọn cái “ít xấu hơn”. Cũng vậy, giữa hai điều cần thiết, phải chọn điều cần hơn.

Đã đành được tham dự buổi lễ tấn phong Giám mục, đó là niềm vui lớn của giáo phận, chúng ta rất nên tham dự. Nhưng nếu chúng ta không thể đến tại nhà thờ lớn Nam Định vào sáng ấy, thì chúng ta vẫn còn nhiều dịp để chung chia niềm vui với Đức Cha Lô-ren-xô và giáo phận ngay tại nhà thờ lớn Hà Nội. Thế nên, chúng ta hãy để dành thời giờ quý báu sáng ngày 5.12 sắp tới để đến dự phiên tòa bất công tại Thủ đô, để xem chế độ này bất công như thế nào? Để ủng hộ cho tinh thần của anh em chúng ta thêm bất khuất, để lập lại trật tự và công bằng cho pháp luật vô tình.

Phải chăng, 8 anh hùng ấy chính là của lễ đẹp nhất dâng lên Thiên Chúa để nguyện cầu cho vận mệnh tương lai của Giáo phận Hà Nội trong ngày vui lớn của Giáo phận nhà?

Chúng ta hãy chung lời nguyện cầu, làm những tuần cửu nhật, với những việc hy sinh hãm mình; để hợp với Chúa Kitô và cùng với 8 người con ưu tú của giáo xứ Thái Hà nói riêng, của Giáo phận Hà Nội nói chung, dâng lên trước ngai tòa Thiên Chúa hiến tế núi sọ đang tái diễn lại một cách sống động nhất, để xin cho nền hòa bình và công lý đích thực, được thật sự hiện diện trên quê hương Việt Nam đau thương này.
 
Cách nói của quan lớn tiến sĩ Phạm Quang Nghị, bí thư thành ủy Hà Nội
Hà Long
10:39 26/11/2008
Hà Nội - Quan lớn tiến sĩ Phạm Quang Nghị, bí thư thành ủy Hà Nội vừa lên tiếng tại Hội nghị đảng bộ thành phố Hà Nội vào ngày 25-11-2008 về các vấn đề sinh hoạt của người dân Hà thành.

Ông Nghị lấy việc thiên tai vừa xảy ra tại Hà Nội so sánh bằng việc cướp đất TKS và Thái Hà: “Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, những việc khó khăn như khiếu kiện đất đai tại 42 Nhà Chung, 178 Nguyễn Lương Bằng, trận mưa lịch sử... là những thử thách trong quá trình thực hiện nghị quyết về mở rộng thủ đô Hà Nội“ (VNexpress, 25-11). Chúng ta vẫn còn nhớ những câu nói đao to búa lớn của quan lớn này và ông ta lấy luôn cả trời đất vào câu „Thiên tai không thể lường trước được“ để rảnh tay chạy tội trước cảnh khốn khó của người dân gặp nạn lụt.

Nếu đổ lỗi cho „Thiên tai“ về trận Đại Hồng Thủy tại Hà Nội thì việc cướp đất tại Thái Hà và Tòa Khâm Sứ đúng là „Nhân tai“ đang do bọn tham quan của ông Nghị gây ra. Nhân tai này chưa dừng tại 2 công viên vừa hoàn tất nham nhở, lồi lõm mà còn tiếp tục với cuộc đấu tố 8 người giáo dân vô tội sẽ diễn ra vào ngày 5-11-2008 tại nơi tòa hành chánh ủy ban Nhân Dân phường Ô chợ Dừa, đáng nhẽ ra phải được diễn tiến kiện tụng tại một tòa án thông thường.

Không phải lần đầu tiên ông Phạm Quang Nghị ăn nói hồ đồ với cung cách của kẻ thiếu văn hóa. Chúng ta còn nhớ đến khi ông Nghị lần đầu tiên khi bị chất vấn tại quốc hội vào ngày 13-11-2003 với nhiệm vụ của bộ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin. Ông đã sai lầm to lớn dùng hình ảnh “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa” để nói về tình trạng mất mát cổ vật di sản quốc gia. Lúc ấy trong buổi họp đại biểu Phan Thanh Bình (TP.HCM) lập tức đứng lên bình luận ngay: “Bộ trưởng nói lắm sãi không ai đóng cửa chùa, tôi cảm thấy băn khoăn quá!” Và ông Bình còn mạnh dạn tố cáo cách làm việc cẩu thả của tiến sĩ Phạm Quang Nghị: “Tôi còn băn khoăn hơn nữa khi trong suốt ba trang văn bản giải trình, bộ trưởng chỉ dành có... hai dòng rưỡi để nói về trách nhiệm của bộ”. (Xem http://vietbao.vn/Xa-hoi/Lam-sai-khong-ai-dong-cua-chua/40008690/157/).

Tiếp theo trong buổi họp này tiễn sĩ Nghị được dạy một bài học để đời qua vị chủ tịch quốc hội, Nguyễn Văn An: “Không thể nói rằng lắm sãi, mà chỉ có một sãi”. Theo ông An, phải có một người chịu trách nhiệm: đó là vị tư lệnh ngành. Ngay sau đó, Bộ trưởng Nghị đứng lên giữa hội trường: “Tôi xin rút câu ấy. Tôi xin nhận lỗi. Điều quan trọng là biết sai để sửa”. (http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=9035&ChannelID=87). Ngoài ra câu nói “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa” đã làm cho giới Phật Giáo nổi giận vì báo chí một thời đã làm rùm beng lên với câu: Cổ vật mất vì... nhiều "sãi" (Xem http://www.vnn.vn/thoisuquochoi/2003/11/36293/).

Dân gian vẫn có câu: „Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ“ để dùng vào trường hợp của ông Phạm Quang Nghị, người có học vị tiến sĩ thì không thể chê vào đâu được nữa. Ông vấp vào hòn đá này lẫn hòn đá khác trong cuộc đời thiếu văn hóa khi tiếp tục đổ lỗi cho người dân quá „ỷ lại nhà nước lắm“ lúc họ gặp khốn khổ vì ngập lụt.

Nếu lấy Toà Khâm Sứ và Thái Hà là những thử thách trong quá trình thực hiện nghị quyết về việc mở rộng thủ đô Hà Nội, rồi từ đó dùng bạo lực cướp đất cộng theo bắt bớ xử án 8 người giáo dân vô tội thì đúng là một dã tâm của những loài thú nói chung và của ông „sãi“ tiễn sĩ Nghị nói riêng.

Được nhắc thêm về một chút thông minh của ông tiến sĩ Nghị: Cũng trong buổi họp ngày 25-11 tiến sĩ Nghị nhìn thêm được viễn tượng kinh tế cho tương lai quá tuyệt vời vào năm 2009, ông ta và các đại biểu đều „nhất trí“ với phương án tăng trưởng kinh tế (GDP) lên đến 9,5 - 10% tại Hà Nội (Xem http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/11/3BA08C7E/).

Cả thế giới ngả nón khâm phục TP Hà Nội vì trong cuộc khủng hoảng và thoái hóa kinh tế lớn nhất thế giới từ thế chiến thứ 2, quốc gia Âu Tây nào cũng lo sợ, ngay cả người anh khổng lồ Tầu cộng còn phải rung rinh, chỉ có người em Việt Nam chân đứng vững vàng và sẽ tiến tới con số ảo vọng 9,5 - 10% do ông tiến sĩ Nghị nói ra như… trò đùa. Nhớ nhá, những người Việt Nam đi lao động nước ngoài đang thất nghiệp vì sự thoái hóa kinh tế toàn cầu tại Đài Loan, Ba Lan, Mã Lai… rất cần ông tiến sĩ Nghị thương ra tay cứu giúp kịp thời.

Một điều khó hiểu khi nhìn thấy các chuyên gia kinh tế quốc nội im hơi lặng tiếng về những con số tiên đoán ảo vọng 9,5 - 10% này?
 
Nhớ về Thái Hà
Xuân Văn
10:40 26/11/2008
NHỚ VỀ THÁI HÀ

Vì công việc, chúng tôi phải tạm rời xa Hà Nội, xa giáo xứ Thái Hà, nơi đó có những con người can đảm thắp lên những ngọn nến sáng khơi mào phong trào cầu nguyện cho công lý và hòa bình trên quê hương Việt Nam.

Nhớ Thái Hà lắm thay, vì ở đó có những “bà mẹ đất” vẫn tần tảo sớm hôm thắp những ngọn nến, nén nhang cho mọi người cầu nguyện! Nhớ Thái Hà, vì ở đó có những anh chị em di dân xa quê, ngoài việc kiếm kế sinh nhai hằng ngày, vẫn sớm hôm đến Thái Hà dọn dẹp vệ sinh, cắm hoa, cắm nến, trang hoàng khu vực tượng đài Nữ Vương Công Lý. Nhớ Thái Hà, vì ở đó tối nào cũng có đông đảo giáo dân đến tham dự những buổi cầu nguyện cho công lý và hòa bình tới tận 21h30. Nhớ Thái Hà, vì ở đó có những bà, những cô, những chị đã từng ôm chân tượng Nữ Vương Công Lý mà kêu gào, khóc lóc, xin Mẹ cứu giúp trước sự tấn công dữ dội của những kẻ xấu xông tới đập phá đền thánh Giêrađô. Nhớ Thái Hà, vì ở đó có những thanh niên nhiệt thành, hy sinh, đến tận bây giờ vẫn túc trực suốt đêm, canh chừng những kẻ xấu đột nhập, quấy phá nhà thờ. Nhớ Thái Hà, cũng vì ở đó có những linh mục can đảm cầm lá đơn đi sau thánh giá và ảnh Đức Mẹ, dẫn giáo dân của mình tới cơ quan công quyền để đòi thả những người vô tội. Đặc biệt, nhớ Thái Hà, vì ở đó có những anh chị em giáo dân vì nhiệt tâm với nhà Chúa, vì nhiệt thành với công cuộc tìm kiếm công bằng và sự thật cho giáo xứ mà bị giam giữ, tù tội.

Ngày rời xa Thái Hà, cũng là ngày chúng tôi cảm thấy lòng mình trống trải, hụt hẫng như đánh mất một cái gì quý báu, và đặc biệt ruột như quặn thắt lại khi được tin 8 anh chị em giáo dân của mình sẽ phải hầu tòa vì “tội” dám đòi hỏi công lý và sự thật!

Mới rời xa Thái Hà được mấy bữa mà chúng tôi cứ tưởng là cả mấy năm rồi! Vừa vào Sài Gòn hôm trước, hôm sau bạn bè đến chơi, chẳng hỏi han gì đến sức khỏe, công việc của chúng tôi, nhưng cứ dồn dập hỏi chuyện Thái Hà. Có anh bạn không đến được thì gọi điện thoại bày tỏ bức xúc: “Nghe BBC phỏng vấn luật sư Lê Trần Luật mà tớ tức điên lên với mấy thằng quan tham. Lương tâm chúng nó không còn biết cắn rứt hay sao mà lại đưa những người vô tội vào vòng lao lý!” Biết tôi vừa ở Thái Hà vào, một linh mục cũng đến hỏi chuyện. Nghe tôi kể sơ qua gia cảnh của những anh chị em giáo dân sắp bị truy tố ra tòa, ngài thờ dài, mắt rớm lệ: “Mình đi tu, có một thân một mình, dù tù tội cũng không sao, đằng này họ còn có gia đình, vợ chồng, con cái…!”

Anh chị em giáo dân Thái Hà sắp bị ra tòa cách bất công ơi, có lẽ mọi tín hữu toàn cầu đang rên siết nguyện cầu cho anh chị em đấy. Thái Hà ơi, có lẽ cả thế giới đã biết đến người, vì từ nơi người, tiếng nói công lý và hòa bình cho quê hương Việt Nam đã được gióng lên. Thái Hà ơi, mong lắm thay ngày trở về Thái Hà!
 
Phiên tòa “giận cá chém thớt”!
Alfonso Hoàng Gia Bảo
10:50 26/11/2008
Phiên tòa “giận cá chém thớt”!

Chẳng nói ra thì ai cũng biết, tám giáo dân sắp phải ra trước vành móng ngựa nay mai với hai tội danh rất ư là vớ vẩn, chỉ là cái cớ để chính quyền ‘dằn mặt’ các tu sĩ giáo phận Hà Nội, đặc biệt là đức TGM chủ chăn Ngô Quang Kiệt, LM Vũ Khởi Phụng chánh xứ Thái Hà cũng giống như việc ông chủ tịch Thảo đã từng cảnh cáo các Ngài trước đây và xa hơn nữa là toàn thể giáo hội công giáo.

Xử tội gì?

-Tội danh “phá hoại của công” rõ ràng không đủ thuyết phục bất cứ ai khi mà cái “của công” ấy chỉ là ba mét tường gạch cũ kỹ lâu đời, nếu xem là di tích cổ thì cũng chưa đủ tiêu chuẩn. Bức tường ấy, tám ‘bị cáo’ trên nếu không phải là người có đạo để phải ‘se nợ’ với nó, có lẽ Thủy thần cũng đã giúp nó trở về cùng bụi đất sau trận đại hồng thủy vừa qua.

Chỉ vì 3 triệu đồng theo định giá của bản cáo trạng mà họ phải ra tòa, thì hơn 3.000 tỷ đồng của Tp.Hà Nội thiệt hại vì ngập nước có do lỗi của cả con người, lớn hơn gấp một triệu lần, chính quyền sẽ kết tội phá hoại cho ai?

-Tội danh “gây rối nơi công cộng” nghe còn kỳ quái hơn! Sao lại gọi việc giáo dân đọc kinh cầu nguyện với những lời lẽ lành thánh như “Kinh Hòa Bình” của Thánh Phanxicô là hành vi “gây rối”?

Với kiểu kết tội như vậy, chẳng nhẽ chính quyền VN không sợ sẽ làm tổn thương một cộng đồng tôn giáo chiếm 1/10 số dân, vì đã phỉ báng nghi thức cầu nguyện của họ?

Theo tôi, tội danh gây rối này lẽ ra để dành cho chính quyền quận Đống Đa, vì họ mới chính là tác giả gây nên cảnh hỗn loạn tại giáo xứ này hôm 20/8, khiến các em nhỏ nước mắt giàn dụa, các cụ già bị sặc sụa bất tỉnh vì hơi cay.

Xin các luật sư biện hộ cho tám giáo dân chớ quên việc trình ra trước tòa cái biên bản vụ việc này, cùng các hình ảnh, âm thanh của lũ ‘quần chúng tự phát’ mà lại mặc đồng phục sinh viên, lũ nghiện ngập v.v… yêu cầu họ xác định xem ai mới thực sự là kẻ gây rối?

Như vậy, gọi phiên tòa này là “giận cá chém thớt” tôi nghĩ chắc cũng không quá lời, vì mục đích thực sự của nó chỉ để nhắm tới hai việc sau:

1. Trước hết đảng CSVN muốn khẳng định ‘luật rừng xanh’ của CH-XHCN-VN vẫn là trên hết!

Mắc mứu quan trọng nhất trong vụ án Thái Hà, cũng như bao vụ xử dân oan trên cả nước lâu nay, tôi cho chính là bản nghị quyết ‘tội đồ’ mang mã số 23/QH/2003 đang được dùng để bênh vực bên kẻ cướp là các đồng chí của họ chứ không phải nạn nhân. Điều 1 của bản Nghị Quyết này là sự ‘phủi tay’ và chối bỏ mọi trách nhiệm lịch sử một cách tàn nhẫn trước các nạn nhân của chính sách tịch thu, trưng dụng tài sản, đất đai, nhà cửa trái phép xảy ra trước thời điểm 1/7/1991.

Chẳng những thế nó còn được dùng để kết án ngược lại nạn nhân nếu họ dám đòi hỏi công lý như với giáo xứ Thái Hà hôm nay, mà tám bị cáo giáo dân chính là những nạn nhân của bản Nghị Quyết này.

Quí vị nào quan tâm muốn biết thêm chi tiết nội dung bản ‘Nghị Quyết tội đồ’, xin xem ở đây http://www.quehuong.org.vn/vi/nr041215095635/nr050111144245/ns050222121540.

2. Phiên tòa là lời cảnh cáo cho những ai muốn đụng đến một trong những ‘tử huyệt’ của đảng CSVN.

“Tử huyệt” đó chính là mớ rối ren về tài sản đất đai mà chính đảng CSVN đã các định nó cũng giống như ‘khối u ác tính’ ở cơ thể người ta, không tài nào chữa khỏi. Ngay từ năm 2003 khi rục rịch chuyện khiếu kiện đất đai lan rộng, đảng đã phải ‘cắt bỏ’ nó bằng nghị quyết 23 nói trên. Bởi vậy, nay bất cứ ai còn muốn thọc tay vào ‘ngoáy’ vào vết thương ấy làm đảng đau, ắt họ sẽ phải trả giá!

Tóm lại thông điệp của phiên tòa là “ai dám chống lại những sự bất công và bao chuyện trái tai gai mắt đang diễn ra trong xã hội sẽ phải trả giá. Bởi vì chúng luôn gắn liền với sự giàu sang phú quí của các tầng lớp đảng viên cộng sản và là sự sống còn của chế độ!”

Không biết phải nên xử sao !?

Tuy nhiên nhìn vào những gì đã diễn ra kể từ lúc họ bắt bớ các giáo dân từ cuối tháng 8 đến nay, dường như đang có một sự lúng túng hoặc giằng co nhau trong chính nội bộ chính quyền về việc xét xử 8 giáo dân trên nặng hay nhẹ tay? Bởi vậy, mới có chuyện khi thì họ bảo không truy tố nữa lúc thì là “gây rối” khi khác lại là “phá hoại” và cuối cùng là cả hai tội danh luôn.

Tại sao trước một hành vi đã quá rành rọt mà luật pháp lại có thể tùy tiện kết tội, lúc thì bảo ‘bị can’ phạm phải tội này, lúc lại nói họ phạm tội khác. Thế nghĩa là sao?

Lại thêm chi tiết này nữa, tầm vóc của ‘vụ án Thái Hà’ không hề nhỏ vì cả thế giới đều biết, thế nhưng khi kết tội chính quyền lại chỉ dám đưa vụ việc ra xét xử ở một tòa án cấp quận. Cấp mà trình độ quan tòa thường chỉ được dùng để xử các những vụ án kiện cáo dân sự nhỏ. Rồi lại mới hôm qua, trong bài viết “TOÀ XỬ “TRÊN TRỜI!!!” trên VietCatholic lại có tin “Toà án Nhân dân quận Đống Đa sẽ chọn Hội trường tầng 4, UBND phường Ô Chợ Dừa, số 55 phố Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa làm địa điểm xét xử.” mà không phải tại tòa án của Quận này.

Sao lại có chuyện lạ như vậy, chẳng hẽ chính quyền muốn gây bất ngờ cho “giơ cao đánh khẽ chăng”? Dù muốn tin nhưng bản thân tôi thấy rất khó có chuyện đó xảy ra và kinh nghiệm các lần xử kiểu này đối với những người đấu tranh cho dân chủ như trường hợp nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, xử ở phường có thể đó là cảnh đấu tố chứ không còn là tòa án.

Thật ra với một thể chế mà vai trò của tòa án chỉ là công cụ bảo vệ họ, thì chuyện xử ở đâu, nặng hay nhẹ, thậm chí cho ‘chìm xuồng’ luôn là hoàn toàn nằm trong tầm tay của họ. Tuy nhiên, trước các thông tin về vụ xử này bị thay đổi “xoành xoạch” thì điều đáng để chúng ta quan tâm đến số phận của 8 giáo dân trên, chính là khả năng họ đang bị “mắc kẹt giữa hai lằn đạn”. Giữa những sự xâu xé của các thế lực khác nhau trong chính quyền, mà không còn vì sự mâu thuẫn giữa chính quyền và giáo hội xung quanh bức tường và mảnh đất Thái Hà như ban đầu nữa.

Dư luận đang chờ một quyết định tỉnh táo và khôn ngoan từ chính quyền

Như đã nói trên, mấu chốt của toàn bộ vấn đề Thái Hà và TKS là các chính sách sai trái về đất đai nhưng nạn nhân lại bị vô hiệu hóa bởi Nghị Quyết 23/QH-2003. Mặc dù vậy như lời phát biểu của đức TGM Ngô Quang Kiệt trước UBND Tp.Hà Nội hôm 20/9, thì giáo phận Hà Nội hoàn toàn không có ý đòi lại gần 100 cơ sở đang bị nhà nước chiếm đoạt nếu nó tiếp tục được dùng vào mục đích công ích. Sở dĩ có vụ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ chính là vì nó đang bị rơi vào tay tư nhân.

Lời nói của một vị chủ chăn như Đức cha Ngô Quang Kiệt chẳng lẽ chưa đáng tin?

Mối quan hệ giữa nhà nước cộng sản và các tôn giáo luôn là những mối quan hệ sóng gió không riêng gì ở VN. Vì vậy, sau mấy mươi năm bất đắc dĩ phải chung sống, chúng ta đã quá hiểu nhau không cần phải ‘đóng kịch’ hoặc lấy giáo dân, tín đồ ra để răn đe nhau làm gì nữa. Những tồn tại khúc mắc về tài sản đất đai giữa đôi bên, nếu chính quyền muốn nhắn gởi lời ‘răn đe’ đến giáo hội, thiết nghĩ cách tốt nhất là chính quyền chớ có làm sai trước đã. Chớ có sang nhượng những tài sản của giáo hội mà hiện nay đang sử dụng. Không còn lửa thì lấy đâu ra khói?

Sau vụ TKS và Thái Hà, trước bao ngổn ngang và đổ vỡ mới gây nên, tôi tin nếu khả năng dự đoán trước của nhà nước tốt hơn để họ có thể hình dung ra sự việc sẽ đưa đến cái kết cuộc ra đời hai cái công viên, nhìn bề ngoài thì đẹp đẽ nhưng bên trong là bao điều tai tiếng bất lợi về dư luận cả trong lẫn ngoài nước, chắc chắn chính quyền đã phải chọn cách xử lý khác, có tình lý hơn ngay từ đầu.

Dẫu sao bài học Thái Hà và Tòa Khâm Sứ cũng đã được rút ra, các giáo dân rõ ràng là vô tội và vô can, nên việc trả tự do cho họ ngay sau phiên tòa là điều cần thiết và là lẽ phải.

Bởi lẽ, nếu họ còn phải ngồi tù chắc chắn các Cha DCCT sẽ còn đấu tranh, nghị quyết 23/QH-2003 sẽ còn bị đem ra phân tích mổ xẻ, mớ giấy tờ nhập nhằng của UBND Tp.Hà Nội trưng ra còn bị xăm soi v.v… toàn những chuyện bất lợi cho chính nhà nước chứ không phải giáo hội.

Sàigòn, 26/11/2008
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết (3)
Lm Nguyễn Hữu Thy
09:36 26/11/2008
Cái nhìn khách quan và độc lập về cái chết(3)

III. Sự chết và khoa thần bí học


Những tác động của những trải nghiệm về sự chết «giả» như đã trình bày đã chứng tỏ cho thấy rằng vấn đề được đề cập tới ở đây không chỉ là sự chuyển tiếp giữa sự sống và cái chết, nhưng những người trong cuộc còn lãnh hội được những cảm nghiệm thiêng liêng rất mạnh mẽ. Những người này phải đối mặt với một thực tại tinh thần rộng lớn. Thỉnh thoảng họ còn trải nghiệm cả đến một sự tan hòa, một sự kết hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa. Bởi vậy, sự cảm nghiệm về sự chết như thế cũng có thể được coi như là sự «cảm nghiệm về Thiên Chúa». Một sự cảm nghiệm như thế chứa đựng màu sắc tôn giáo, tức sự cảm nghiệm mang tính cách thần bí học.

1) Những cảm nghiệm thần bí học

Nhưng trước hết thần bí học (mystique) là gì? Trong sách tự điển, thần bí học được định nghĩa là hình thức đặc biệt của lòng mộ đạo hay sự trải nghiệm thiêng liêng, trong đó một người đạt tới được trạng thái kết hiệp với Thiên Chúa, qua sự tận hiến và suy ngắm sâu lắng cao độ. Và qua đó, tự bản chất, thần bí học không phải là tôn giáo, nhưng là sự trải nghiệm đột biến tự nhiên về một thực tại siêu việt ở bên kia biên giới của cuộc sống vật chất này. Mỗi người trong chúng ta - bất kể tôn giáo, sự xác tín cá nhân - đều có thể trải qua những cảm nghiệm thần bí. Tự bản chất của nó, thần bí học là một tình trạng ý thức rộng lớn, vượt mọi giới hạn và mọi phạm trù của sự hiểu biết tự nhiên, tương tự như sự ý thức trong khi cảm nghiệm về sự chết, đến nỗi người trải nghiệm đó cảm nghiệm được sự đơn nhất của tất cả mọi sự vật.

Người có cảm nghiệm thần bí có thể nhìn thấy được những thực tại siêu việt, vượt lên trên tất cả mọi phạm trù hiểu biết của trí năng con người và làm cho người ấy được hạnh phúc siêu thoát trong cõi linh thiêng. Những vấn nạn «tôi là ai?» và «ý nghĩa đời tôi là gì?» đều được giải đáp trong việc thực thi tình yêu thương và sự hợp nhất một cách vô điều kiện trong đời sống xã hội(1). Tất cả những mâu thuẫn của cuộc sống sẽ được giải quyết, và nhất là chân lý – Thiên Chúa hiện hữu – trở nên một sự tri thức toàn diện.

2) Ánh sáng

Nguồn cội chung của những cảm nghiệm như thế chính là ánh sáng mà người trong cuộc được chiêm ngắm. Nhà thần bí người Ba Tư Sumi nói: «Có nhiều ngọn đèn, nhưng chỉ có một ánh sáng.» Còn ông Sai Baba, nhà hiền triết Ấn Độ, lại thêm: «Tất cả mọi tôn giáo là những thực tại của một chân lý.» Còn Công Đồng Vatican II còn cụ thể hơn, khi dạy rằng: «Mọi dân tộc đều có chung một mục đích tối hậu là Thiên Chúa.»(2)

Tất cả mọi tôn giáo đều trình bày một khía cạnh nào đó của Thiên Chúa và luôn khẳng định rằng niềm xác tín của mình là trọn hảo và đầy đủ nhất.

Nhưng nếu đứng trước một Thiên Chúa tuyệt đối, Đấng hoàn toàn vượt lên trên mọi phạm trù hiểu biết của trí năng phàm nhân, mà con người lại khẳng định một cách tuyệt đối rằng chỉ có một con đường duy nhất dẫn tới cùng Thiên Chúa, hay ngườit ta chỉ có thể tôn thờ Thiên Chúa bằng một cách nhất định nào đó, v.v…, là một tội phạm thượng, vì đã tương đối hoá Đấng Tuyệt Đối, đã đặt ra một giới hạn nhất định cho Đấng Vô Hạn.(3) Bởi vậy, Lão Tử đã hoàn toàn chí lý khi nói: «Đạo khả đạo phi thường đạo; Danh khả danh phi thường danh», nghĩa là: Đạo mà có thể gọi được, thì không còn phải là đạo thường; Danh mà có thể gọi được, thì không còn phải là danh thường nữa.(4)

Dĩ nhiên, một sự thật hiển nhiên khác mà không ai có thể chối cãi được, đó là nếu có nhiều con đường khác nhau dẫn tới cùng một mục đích, thì điều đó không có nghĩa là mọi còn đường đều giống nhau. Vâng, có những con đường mòn vòng vo theo các bụi bờ, có những con đường băng qua các núi rừng, có những con đương quốc lộ tương đối thẳng, nhưng lại chạy qua các làng xã thôn xóm, và cuối cùng có những con đường xa lộ thẳng tắp. Nếu vậy, khi vượt qua các con đường khác nhau như thế, người ta sẽ kinh nghiệm được rằng có những con đường dẫn người bộ hành thẳng đến đích dễ dàng và nhanh chóng hơn và có những con đường có thể làm người ta dễ bị lạc đường, mất định hướng, và nhiều khi thay vì đạt được mục đích tối hậu, người ta chỉ dừng lại tại những mục đích phụ thuộc thứ yếu.

Cũng thế, nếu mọi tôn giáo đều dạy con người phải «ăn ngay ở lành» hay nói theo quan điểm của Công Đồng Vatican II là các tôn giáo ngoài Kitô giáo «cũng thường mang lại ánh sáng chân lý»(5) nào đó, thì không có nghĩa là mọi tôn giáo đều có thể dẫn đưa con người đi thẳng tới mục đích tối hậu của đời họ là Đấng Tối Cao, là Thiên Chúa và là nguồn sống của mọi sự sống. Đó là chưa nói đến trường hợp của những tôn giáo - ví dụ Phật giáo - không nhằm tìm về cùng Đấng Tối Cao, tức Thiên Chúa như mục đích tối hậu của đời con người.

3) Sự chết và cảm nghiệm thần bí

Ngay trong thời cổ đại, văn hào Themistios người Hy Lạp đã viết: «Linh hồn con người vào lúc chết cảm nhận được những người đã được đem vào trong những huyền nhiệm cao cả như thế nào. Trước hết người ta phải mệt nhọc vội vàng đi đi lại lại và hành trình trong tối tăm một cách đầy ngờ vực như một đứa bé chưa có kinh nghiệm. Tiếp đến, tất cả những sự khiếp đảm trước cuộc chung thẩm xuất hiện: Rùng mình ớn lạnh, toát mồ hôi, run rẩy và kinh ngạc; tiếp sau đó, người ta được bao phủ bởi một ánh sáng kỳ diệu và được đem vào trong một cánh đồng cỏ tinh khiết, đầy những tiếng ca và những vũ khúc và vẻ uy nghiêm của những âm thanh và hình thể thần linh. Ở đây, những ai đã hoàn tất được cuộc chung thẩm thì có thể thong dong tản bộ đó đây; được giải cứu, người ấy được đội triều thiên, được tham phần vào cộng đồng thần linh và được giao hảo với những người tinh tuyền và thánh thiện»(6) Tất cả những yếu tố mà Themistios trình bày trong bản văn của ông, luôn là những nguyên tố nền tảng của cuộc sống con người hằng được tái lặp lại.

Còn những nhà thần bí Kitô giáo đã gọi diễn tiến sự biến đổi này là «đêm tối của linh hồn», mà người ta phải trải qua để đạt tới được sự hạnh phúc của Thiên Chúa.

Mỗi người đều có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa. Người ấy trở nên một thành phần của sự thánh thiêng bao la vô bờ bến, một sự thánh thiêng ở khắp mọi nơi và ngự trị trong tâm hồn mỗi người. Nhưng con người với trí năng bình thường sẽ không nhận ra được mối tương quan đó trong cuộc sống thường ngày của mình. Tất cả các nhà thần bí đều nổ lực tìm cách hoà tan mình vào trong ánh sáng tinh tuyền của các thần thánh, hoàn toàn tan chảy ra trong đó, nhưng đồng thời vẫn đầy đủ ý thức về chính mình.

Cảm nghiệm đó đã được hằng triệu người kể lại khi họ trải nghiệm về sự chết. Vâng, chắc chắn rằng sự chết là một cảm nghiệm thần bí, mà mỗi người trong chúng ta, dù muốn hay không, cũng sẽ một lần phải trải nghiệm. Chỉ có sự khác biệt trong thực tế là ở chỗ: một khi chúng ta đã chết thì chúng ta không còn cơ hội quay trở lại trong thể xác của mình nữa, trái ngước lại với những cảm nghiệm thiêng liêng và những cảm nghiệm về sự chết «giả». Điều được đề cập tới trong sự chết cũng như trong những trải nghiệm thần bí, là sự sẵn sàng loại bỏ tư duy vật chất và trực tiếp bước vào trong sự cảm nghiệm, hầu trở nên ý thức được rằng mình là thành phần của sự vô biên. Tuy nhiên, người ta cũng không tránh khỏi được nỗi sợ hãi trước sự xa lạ.

Những cảm nghiệm tiêu cực về sự chết thường xảy ra trong giai đoạn vượt qua đường hầm tối đen. Nhiều người sợ không còn kiềm soát được chính mình. Có thể họ sẽ không đón nhận sự trải nghiệm của mình và qua đó sẽ làm cho những cảm xúc mạnh bùng nổ. Và khi chúng ta thường xuyên phải đối mặt với chính thế giới nội tâm của mình, và cả những nỗi lo sợ của chúng ta cũng có thể làm cho chúng ta mất đi cảm nghiệm về ánh sáng. Công trình khảo cứu về sự chết đã rõ ràng cho thấy rằng một khi loại bỏ được những sợ hãi thì cuộc hành trình được tiếp tục ngay và sẽ có được sự cảm nghiệm tích cực. Các ranh giới đối với tất cả những tiêu cực được vượt qua trong đường hầm, khi sự ý thức của chúng ta thay đổi và trải rộng ra. Trên một lãnh vực sâu xa, thì những cảm nghiệm về sự chết chính là những trải nghiệm thần bí.

4) Cảm nghiệm về sự chết của thánh nữ Têrêxa Avila

Thánh nữ Têrêxa Avila, một trong những vị đại thánh thuộc Giáo Hội Công Giáo, thường hay được trải nghiệm tình trạng xuất thần. Những gì thánh nữ trình bày sau đây hoàn toàn đồng hóa với một sự cảm nghiệm về sự chết: «Tôi cảm thấy mình được đưa lên trời; và những người đầu tiên tôi nhìn thấy ở đó là hai ông bà thân sinh của tôi.» Và thánh nữ Têrêxa cũng so sánh những cảm nghiệm của bà với sự chết. Bà thường nói về giây phút: «… khi linh hồn thoát ra khỏi ngục tù giam hãm nó trong một giây lát và được đưa vào trong sự an bình yên tĩnh… và sự mặc khải về những điều thật cao siêu mà linh hồn chiêm ngắm trong lúc xuất thần như thế, thì đối với tôi là một điều hết sức tương tự giống như sự linh hồn lìa ra khỏi xác… Linh hồn chấp nhận điều đó»; Thánh nữ tâm sự là bà được kết hiệp với Thiên Chúa. Và từ đó bà nhận thức được một cách chắc chắn rằng bà hoàn toàn không thể rời bỏ đức tin đó được: «… Tôi đã không biết được rằng Thiên Chúa hiện hữu trong mọi sự, và theo tôi là một điều bất khả, là Thiên Chúa lại hiện diện cách thân tình với tôi dường ấy, như tôi đã trải nghiệm được điều đó.»(7)

Tiếng nói chính thức của thần bí học vượt lên trên các quan điểm truyền thống và siêu việt hoá thời gian và không gian. Chứng từ về chân lý vĩnh cửu của ánh sáng mang đến cho chúng ta những cảm nghiệm về sự chết. Có một người nữ bệnh nhân bị mổ não và trong suốt thời gian mổ như thế thì não bộ của bà ngừng hoạt động, sau đó tỉnh lại bà đã viết: «Ánh sáng tràn ngập trong tâm hồn, chung quanh và chiếu toả ra khắp mọi nơi. Đó là ánh sáng làm nên các hào quang trên đầu các thánh nhân. Đó chính là Thiên Chúa hiện thực: ở trong tâm hồn, ở chung quanh bên ngoài và khắp mọi nơi.»(8) Qua đó chúng ta thấy được rằng tuy mỗi người diễn tả hơi khác nhau một chút, nhưng cảm nghiệm của thánh nữ Têrêxa Avila và của người nữ bệnh nhân hoàn toàn đồng nhất, tức cả hai cùng cảm thấy mình được kết hiệp với Thiên Chúa.

Và ánh sáng, mà các người trong cuộc đã cảm nghiệm được như thế, bao trùm toàn vũ trụ tạo vật. Đồng thời ánh sáng quán triệt và gói ghém trọn tình yêu thương, bao hàm các tư duy, các ước muốn, sự hiểu biết và ý chí của người thị kiến. Những cảm nghiệm trọng điểm như thế vượt lên trên các ranh giới của văn hoá và lịch sử. Ánh sáng là sự minh triết và sự đồng cảm, tràn ngập tinh thần và làm tăng sự ý thức vượt mức, đến nỗi những người trong cuộc cho rằng chỉ duy trong một nháy mắt họ đã hiểu thấu được các bí nhiệm của vũ trụ:

«Nói một cách tóm tắt là người ta hoàn toàn trở nên sung mãn: Sự ý thức của tôi trải rộng ra, trở nên bao la và có thể tiếp nhận được nhiều điều hơn nữa, tôi đã phát huy chính mình, và luôn có thêm được nhiều điều hơn nữa. Đó quả thật là một ơn huệ, một điều hoan lạc! Và tiếp đến, càng ngày tôi càng cảm nhận được một điều gì đó, điều mà cuối cùng tôi đã nhận thức ra được là mình bất tử, bất khả bị hư hoại. Tôi không thể bị đả thương. Tôi không thể bị hư mất. Chúng ta không cần phải lo lắng sợ hãi… và vũ trụ thì hoàn hảo, tất cả những gì qua đi là thành phần của một kế hoạch trọn hảo. Hôm nay tôi không còn hiểu được thành phần này nữa, nhưng tôi biết chắc chắn rằng thành phần đó có thực.»(9)

5) Những cảm nghiệm của Carl Gustav Jung

Carl Gustav Jung (1875-1961), một triết gia và là một nhà phân tâm học thời danh người Thụy sĩ, đã nhấn mạnh trong tác phẩm quan trọng để đời của ông là giữa thần bí học và sự cảm nghiệm về sự chết có một sự tương quan chặt chẽ. Trong tác phẩm «Aion», một công trình khảo cứu về hiện tượng của cái mình, ông đề cập đến một sự kiện hoàn toàn tương đồng: «… nơi sự chết của sinh vật… và tương tự như thế nơi sự chết tượng trưng đều được coi như là một sự trải nghiểm thần bí.» Vào đầu năm 1944, Jung bị tai nạn què mất một chân và hậu quả tiếp theo sau đó là ông bị đứng tim. Trong suốt thời gian bệnh kéo dài mấy tháng trời, ông đã trải qua nhiều thị kiến. Một chỗ trong bài tường trình của ông về những chiêm ngưỡng này, Jung đã viết: «Vào buổi chiều, tôi ngủ thiếp đi và giấc ngủ của tôi kéo dài đến khoảng nửa đêm. Sau đó tôi tỉnh lại và có lẽ tôi thức như thế vào độ một giờ đồng hồ, nhưng trong một trạng thái hoàn toàn thay đổi khác hẳn. Tôi thấy mình như ở trong một trạng thái xuất thần hay trong trạng thái được hạnh phúc tột độ. Tôi cảm thấy mình như thể bay lượn trong một căn phòng, như thể được che chở trong lòng của vũ trụ - trong một sự trống rỗng lạ thường, nhưng lại chứa đầy cảm giác vô cùng hạnh phúc. Đó chính là sự hạnh phúc vĩnh cửu, một sự hạnh phúc không ai có thể diễn tả được. Tôi nghĩ rằng đó là một điều quá tuyệt vời…»(10)

Giáo sư Jung còn trải nghiệm được cả «Đám cưới con chiên» ở Giê-ru-sa-lem. «Tôi không đủ khả năng để diễn tả hết được sự kiện đó với các chi tiết nhỏ được. Đó là những trạng thái hạnh phúc khôn tả. Trong đó có các Thiên thần và ánh sáng. Còn chính tôi là đám cưới con chiên.» Đối với Carl Gustav Jung thì vẻ kiều diễm và cường độ các cảm xúc của ông trong khi thị kiến là một điều không sao diễn tả nổi. Ông có cảm giác «… sự sống là một mảnh nhỏ của cuộc hiện hữu, một mảnh nhỏ xảy ra trong một hệ thống vũ trụ ba chiều đã được thiếp lập.»

Những gì xảy ra trong thời gian thị kiến, thì đã được gồm tóm lại trong một toàn thể khách quan. «Tôi không bao giờ nghĩ rằng người ta có thể trải nghiệm được những điều như thế, tức có thể có được sự hạnh phúc vĩnh cửu. Những thị kiến và những trải nghiệm hoàn toàn thực tiễn; chứ không có chút gì gọi là do cảm xúc cả, tất cả hoàn toàn đều khách quan.»

Giai đoạn thực sự thành công của giáo sư Jung được bắt đầu ngay sau cơn bệnh và những thị kiến của ông. Những tác phẩm chính của ông được viết ra sau đó, vào lúc mà sự nhận thức và sự gẫm suy về sự tận cùng của mọi sự đã mang lại cho ông sự can đảm biết tin tưởng vào các trực giác của chính mình. Như vậy, thần bí học và sự cảm nghiệm về sự chết gặp nhau trong sự hiện hữu thực tiễn là con người, một sự hiện hữu cống hiến cho chúng ta một vận may hy hữu độc nhất vô nhị, để đạt tới được sự cứu rỗi vĩnh cửu, để linh hồn được bước vào trong hạnh phúc Thiên Đàng.

6) Sự cảm nghiệm về Thiên Chúa

Ý niệm về Thiên Chúa hoàn toàn vượt khỏi mọi phạm trù hiểu biết của trí năng con người. Thomay Sawyer, nhà thể thao chạy xe đạp nổi danh ở New York, Hoa Kỳ, đã kể lại: «Tim tôi ngừng đập… sự trống rỗng đó mang hình thức một con đường hầm, sau đó tôi đã nhìn thấy trước mặt tôi một ánh sáng chói loà. Đó là ánh sáng của tất cả mọi ánh sáng. Nói một cách đơn giản, đó chính là yếu tính của Thiên Chúa. Yếu tính của Thiên Chúa chứa đựng tất cả mọi tri thức, chứa đựng sự toàn tri và tình yêu tuyệt đối; và tôi có thể tiếp cận với tình yêu đó. Tôi đã tự hỏi mình là điều gì sẽ xảy đến cho tôi, và bấy giờ tôi cảm thấy rằng tất cả mọi vấn nạn đều được Thiên Chúa giải đáp lập tức. Tôi đã trải nghiệm được một sự hiểu biết trọn vẹn. Nơi đây không hề có niên đại của các biến cố đã xảy ra, bởi vì sự thông tri viễn cảm xảy đến trực tiếp. Tất cả đều là hiện tại, thời gian như ngừng lại, chứ không qua đi.»(11)

Sự hiệp nhất với Thiên Chúa như thế, vốn được coi như là sự hiển linh ngời sáng, chính là mục đích, là ý nghĩa của cuộc sống chúng ta. Con người được tràn ngập ánh sáng ấy và qua đó được hoà nhập với Thiên Chúa. Vâng, sau khi đã bỏ lại sau lưng tất cả mọi sự thuộc cuộc sống trần thế, con người trở nên một với Thiên Chúa. Trạng thái ý thức này được gọi là «unio mystica», sự hiệp nhất huyền nhiệm.

Meister Eckhart (1260-1327), nhà thần bí nổi danh thuộc Dòng Đa Minh, đã phát biểu như sau: «Nếu anh được Chúa Cha đưa vào trong chính ánh sáng ấy, … thì Người ban cho anh quyền cùng với Người sảnh sinh ra chính anh và tất cả mọi sự…Như vậy, cùng với Chúa Cha và trong sức mạnh của Người, anh sảnh sinh không ngừng chính mình anh và tất cả mọi sự trong giây phút hiện tại. Trong ánh sáng ấy, như tôi đã nói, Chúa Cha không còn nhận ra sự khác biệt giữa anh và Người… Bởi vì Chúa Cha và chính anh và tất cả mọi sự và cả chính Ngôi Lời (= Đức Kitô) trở nên một trong ánh sáng ấy.»(12)

Những nhà đạo sĩ Ấn giáo và Phật giáo coi sự cảm nghiệm về sự hiệp nhất như thế là cái Không, là cái Trống rỗng tuyệt đối. Nền tảng sâu kín nhất của sự nhận thức về Thiên Chúa như thế, ngày nay người ta cũng tìm gặp trong những cảm nghiệm về sự chết: Người ta trải nghiệm được Thiên Chúa như là nguồn cội của mọi hữu thể. Trong yếu tính của Người, Thiên Chúa phải được hiểu như là nguồn mọi năng lực, mà nhờ đó vũ trụ được phát sinh và tồn tại, và tất cả mọi sự đều tác động hỗ tương lên nhau và cho nhau. Trong sự hiệp nhất trọn vẹn cuối cùng với Thiên Chúa, thì toàn bộ mọi vấn nạn của cuộc sống đều được minh giải.

Sứ điệp mà các nhà thần bí cũng như những người đã trải nghiệm được sự chết qua các thị kiến của họ muốn truyền đạt cho chúng ta, đó là tất cả mọi sự đều liên kết ràng buộc với nhau trong mạng lưới vũ trụ sống động của sự hiệp nhất. Như thế, bao lâu chúng ta xét như con người là một toàn thể không phân chia và không tách lìa khỏi Thiên Chúa, thì chúng ta là thành phần của sự biểu hiện của Người. Các nhà thần bí cũng như các người có cảm nghiệm về sự chết tường trình về một ý thức bao la, có thể đạt tới nguyên ủy của sự sáng tạo. Một sứ điệp đầy an ủi cho mỗi người trong chúng ta chính là con người nhận thức được sự hiện hữu một nơi chốn giữa trung tâm ánh sáng, một nơi mọi vấn nạn của cuộc sống đều được giải đáp. Thật vậy, những vấn nạn của con người như «tại sao» hay «làm thế nào» sẽ được giải đáp, sẽ được chấm dứt khi gặp gỡ được Thiên Chúa chân thật, Đấng là nguyên ủy của mọi quyền lực và sức mạnh được che giấu phía sau tất cả mọi sự hữu.

Sự so sánh những cảm nghiệm về sự chết với những trải nghiệm thần bí trong mọi thời đại đã cho thấy rằng sự trải nghiệm về ánh sáng mang một ý nghĩa trọng tâm. Đó cũng là điều được minh chứng trong Kinh Thánh và trong quan niệm truyền thống của các dân tộc về sự chết.

___________________

Chú thích:

1. x. Mt 22,40; Cl 3,14; Gl 5,14.

2. Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 1.

3. Trích theo: Timothy Freke/Peter Gandy: „Die Welt der Mystik”. München 2001. trang 34.

4. Đạo Đức Kinh, chương 1.

5. Nostra Aetate, số 2.

6. Trích theo: L.R. Farnell: „The cults of the Greek States”. Band III. Oxford 1907, trang 179.

7. Michael Baigent: “Spiegelbild der Sterne.” Trang 233.

8. Carol Zaleski: „Nah-Todeserlebnisse und Jenseitsvisionen vom Mittelalter bis zur Gegenwart.“ Frankfurt a.M. 1993, trang 191.

9. cùng chỗ, trang 191.

10.Tất cả các trích dẫn ở đây được lấy từ: Carl Gustav Jung: „Erinnerungen, Träume, Gedanken.“ Zürich và Stuttgart 1962, trang 293-301.

11.Flenburger Hefte. „Nah-Todeserfahrungen. Rückkehr zum Leben.“ IV, 1995, trang 114.

12. Peter Reiter: „Geh den Weg der Mystiker. Meister Eckhards Lehren für die spirituelle Praxis im Alltag.“ Freiburg 2001, trang 256.
 
Thông Báo
Thông báo về ngày Đại Lễ Khai Mạc Năm Thánh Đức Mẹ TàPao
Lm Giuse Hồ Sĩ Hữu
10:53 26/11/2008
Thông báo về ngày Đại Lễ Khai Mạc Năm Thánh Đức Mẹ TàPao

Tòa Ân Giải Tối Cao đã ban sắc lệnh cho phép Giáo Phận Phan Thiết được tổ chức Năm Toàn Xá nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ TàPao (8/12/1959- 8/12/2009).

Năm Thánh Đức Mẹ TàPao 2009 là dịp để Giáo Phận bày tỏ lòng tri ân và cảm tạ Thiên Chúa vì những hồng ân mà Ngài đã ban cho Giáo Phận qua Đức Maria, đồng thời là dịp để cổ vũ lòng yêu mến Chúa, Đức Mẹ và Giáo Hội.
Giáo Phận sẽ khai mạc Năm Thánh tại Trung Tâm TàPao, vào ngày 08/12/2008 và kết thúc vào 8/12/2009.

1-Chương trình lễ khai mạc:

a-Đêm diễn nguyện: 19g00 đến 22g00 đêm 07/12/2008.
b-Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh: 8g00 sáng 08/12/2008.

2-Lịch Hưởng ứng Năm Thánh 2009
(dành cho các giới vào các ngày 13 tại trung tâm hành hương Đức Mẹ TàPao )

Tháng Giêng: Các Linh Mục.
Tháng Hai: Liên Tu sĩ.
Tháng Ba: Gia Trưởng.
Tháng Tư: Legio
Tháng Năm: Bà Mẹ Công Giáo
Tháng Sáu: Thiếu nhi.
Tháng Bảy: Giáo lý viên.
Tháng Tám: Giới trẻ, Ca đoàn.
Tháng Chín: Lễ sinh
Tháng Mười: Phan Sinh, các Dòng Ba, Têrêxa.
Tháng Mười Một: Hội Đồng Mục vụ các Giáo Xứ.

3-Các lễ hành hương để lãnh ơn toàn xá:

- Các ngày 13 trong tháng tại Trung Tâm TàPao,
-Các lễ Mân côi, Vô Nhiễm, Mẹ Thiên Chúa, Truyền tin, Mẹ Thăm Viếng, Mẹ Lên Trời, Sinh nhật Đức Mẹ, tại các nhà thờ: Chính Tòa, Long Hà, Võ Đắt, Thanh Xuân, Hiệp Đức.

4-Phục vụ khách hành hương:

a) Bí tích: Có các linh mục thường xuyên ban bí tích Sám Hối tại Trung Tâm.
a) Vận chuyển: trên các tuyến tại Trung Tâm TàPao, có xe buýt phục vụ ngày đêm trong các ngày 07 và 08/12/2008.
b) Ăn uống: Trung tâm phục vụ nước giải khát miễn phí, các quán ăn do các Đoàn thể bán với giá phục vụ.

Xin Anh Chị Em sốt sắng tham dự cử hành Năm Thánh để lãnh ơn Toàn Xá trong dịp đặc biệt này.

Văn Phòng Tòa Giám Mục Phan Thiết.
 
Văn Hóa
Con sư tử vĩ đại, một hư cấu về Thánh Phaolô
Vũ Văn An
00:04 26/11/2008
Con sư tử vĩ đại, một hư cấu về Thánh Phaolô

Bà mẹ nhìn thằng con trai ngao ngán: “Sao nó xấu thế! Các anh em tôi có ai xấu đâu, mẹ tôi thì hết xẩy, nổi danh nhờ sắc đẹp siêu thành đổ vách; tôi cũng đâu có tệ, mà lại hẩm hiu sinh ra đứa con xấu đến phát khiếp thế này?”. Ông chồng nhỏ nhẹ: “Phải biết ơn vì có con trai mới đúng chứ, em há không sẩy thai đứa con gái đầu đó sao? Mình có đứa con trai, phải vui lên mới đúng!”. Bà mẹ giọng hờn mát: “Đúng là giọng Do Thái. Nhưng xin ông nhớ cho chúng ta cũng là công dân La Mã đấy nhé, một thứ công dân La Mã nói tiếng Hy Lạp, chứ không nói cái thứ A-ra-mích quê mùa đâu đấy”.

Nói xong, bà lại ngắm đứa nhỏ trong nôi, lòng thêm tiếc nuối pha lẫn ghét bỏ, vì bà vốn có nhiều kỳ vọng Hy Lạp và từng làm thơ theo quy luật Nhã Điển. Bạn bè của thân phụ bà thán phục khiếu thẩm mỹ của bà, từng so sánh bà với Sappho. Thân phụ bà, vốn là một học giả, hết sức hãnh diện vì con.

Hillel ben Borush nhẹ nhàng trả đũa: “Mình vẫn là Do Thái em ạ”. Ông vừa vuốt bộ râu đẹp của mình vừa nhìn đứa con trai. Con trai vẫn là con trai, dù không đẹp như “người ta” hy vọng. Vả lại, đẹp là cái quái gì trước mặt Thiên Chúa, nhất là cái đẹp thể xác? Đã có nhiều ý kiến bất đồng, nhất là trong những ngày này, về việc liệu con người có linh hồn hay không, nhưng chính những người đạo hạnh há đã không luôn luôn bất đồng về chuyện ấy đó sao? Chức năng con người là vinh danh Thiên Chúa, cho nên có linh hồn hay không đâu phải là vấn đề. Tuy nhiên, Hillel rất hy vọng con trai ông có linh hồn vì rõ ràng hình dáng bề ngoài của cậu không làm các y tá mến mộ. Nhưng thân xác là cái quái gì? Chỉ là buị đất, là phân, là nước tiểu, là ngứa ngáy chứ là cái gì? Vẻ sáng bên trong mới là điều quan trọng, còn việc cái vẻ sáng ấy có tồn tại sau khi người ta khuất bóng hay không đâu có quan trọng. Thôi cứ để ông già mặc tình tư lự và hy vọng.

Deborah thở dài. Làn tóc óng ả của bà nửa phần bị chiếc khăn lụa mịn màng che khuất. Đôi mắt lam rộng của bà, đầy sinh khí như chính bầu trời Hy Lạp, vừa có nét ngây thơ vừa có nét không hài lòng, luôn dõi tìm và bất ổn. Chỉ trừ chồng bà, ai cũng coi bà là một mệnh phụ học rộng và sâu sắc. Bạn hữu ai cũng cho Hillel ben Borush may mắn vì Deborah bas Shebua đem về cho ông một của hồi môn tuyệt hảo, và trong khi ông chỉ là một kẻ sĩ nghèo, thì vợ ông rất nổi tiếng về duyên dáng, nụ cười tươi như hoa, học thức và phong nhã, từng được sư gia rèn cặp tại Giêrusalem và là niềm sảng khoái dưới mắt cha già. Bà dong dỏng cao và rất hấp dẫn với bộ ngực yêu kiều, tay chân như hình tượng Hy Lạp, quần áo lúc nào cũng chỉnh tề như người đi dạ hội. Dù mới 19 tuổi, bà đã kinh qua ba lần sinh nở, hai con đầu là gái, chết yểu lúc mới sinh, đứa thứ ba sống sót là con trai, đang nằm trong nôi đàng kia.

Bà có khuôn mặt trái soan hơi tái và nước da như đá hoa cương. Miệng bà giống đóa hồng chụm lại với chiếc cằm cứng cáp và lúm đồng tiền. Mũi bà có đường cong duyên dáng. Bà mang chiếc khăn choàng theo kiểu Rôma, mầu xanh với đường thêu óng ánh, chân mang giầy da dát vàng. Bà như mang theo mình cả một hào quang sắc đẹp, một thứ ánh sáng thanh quang. Một chàng tuổi trẻ Rôma thuộc gia đình danh giá, xuất thân từ một dòng họ giầu có lâu đời, từng xin cưới bà và chính bà cũng rất mê chàng tuổi trẻ hào hoa ấy. Nhưng rồi mê tín dị đoan cũng như thành kiến đã nhúng tay vào, và bà được đem hứa hôn cho Hillel ben Borush, một thanh niên nghèo, chỉ được tiếng là đạo hạnh và học cao, và cũng thuộc một dòng họ xưa và đáng kính.

Quả là đáng buồn, đến người cha ưa sống nơi phố thị của bà cũng không thoát ra ngoài các truyền thống đã chết từ lâu. Bất hạnh xiết bao cho thế hệ trẻ! Cụ nhất định không chịu tin rằng thế giới đang thay đổi, các thần minh mờ mờ ảo ảo kia đang dần dần mất hết đi, các đền thờ đang từ từ tự biến thành những thành quách tan hoang, các bàn thờ đang bị lật nhào và tên tuổi trên đó bị quên lãng. Người thờ phượng thì không còn một ai sống sót. Bà, vâng, quả bà là nạn nhân của truyền thống và các ý niệm xưa cũ. Tất cả đều đang bị bác bỏ. Bà thấy mình sinh trước thời cuộc. Nhưng rất có thể con trai của bà sẽ sống trong một thế giới mới đầy tiếng cười và ánh sáng, trong một môi trường người ta coi trọng địa vị tối ưu duy nhất của con người trong sáng thế, mà nay ai cũng phải công nhận đang hiện thân nơi người Hy Lạp có học. Ý niệm về một Thiên Chúa nào đó quả là một ý niệm tẻ nhạt và phi lý trong thời buổi tân tiến này, và còn làm người ta bối rối nữa. Không thể hoà giải ý niệm ấy với các hiện tượng khách quan. Derobah cương quyết nhất định không để tâm trí con trai bà sao chép những thứ mê tín như thế, để phải trở thành chiếc gương cũ phủ đầy bụi bặm xưa và những vết nhơ của những bàn tay không rửa ráy.

Hillel ben Borush bảo “Tên nó là Saul”. Deborah hét lên: “Cái gì, Saul là cái quái gì. Đối với bằng hữu của mình, đó đâu phải là cái tên đáng giá”.

Hillel vẫn cương quyết: “Tên nó là Saul, là sư tử của Thiên Chúa!”.

Deborah đâm ra tư lự, lông mày cau lại. Bà vội để chúng thư giãn, vì sự cau có đem lại nhiều vết nhăn mà dù có ăn mật và hạnh nhân đến bao nhiêu cũng khó lòng làm chúng biến đi. Sù sao, bà cũng là một mệnh phụ, mà một mệnh phụ thì không nên hùng hùng hổ hổ tranh cãi với chồng, bất kể ông ta vô lý đến đâu. Nhưng bà cố gắng gỡ gạc “Thôi thì Paulus vậy, phu quân của em, chắc anh không phản đối chứ. Paulus chỉ là tên dịch qua chữ Rôma thôi mà!”

Nhưng cha cậu bé cứ nhất định: “Không, tên nó là Saul”. “Là Paulus”, bà mẹ cãi lại, miệng nở một nụ cười cầu tài, một nụ cười pha đủ mùi qúy tộc Hy lạp và La Mã.

Hillel hơi xẵng giọng “Saul thành Tarshish!”; Deborah cố gắng lần chót “Paulus thành Tarsus. Chỉ có thứ mọi rợ mới gọi Tarsus là Tarshish”. Hillel mỉm cười, và nụ cười của ông vừa dịu dàng vừa chinh phục được cả người vợ trẻ của mình, bởi nó chứa đầy tình âu yếm cũng như hài hước. Ông đặt tay lên vai vợ. Dù sao, mình vẫn có bổn phận phải hài hước với phụ nữ. Ông bảo: “thì cũng như nhau thôi”. Ông nghĩ Deborah làm người ta say mê, tuy hơi “đần độn” một chút. Nhưng điều ấy, đáng tiếc, có lẽ do nàng sinh ra từ cha mẹ theo phái Xa-đốc, những người hết sức nông cạn và ngu dốt về những điều làm vui lòng Thiên Chúa, mà làm vui lòng Chúa mới chính là lý do tại sao con người sinh ra, tiếp tục sống và duy trì hữu thể của mình. Không còn lý do nào khác. Hillel thường thương hại phái Xa-đốc, những con người chỉ biết sống trong thế giới phàm tục, chỉ chấp nhận những điều có thể dùng giác quan mà kiểm chứng được, những người cho rằng cái học bình thường là trí thức, những cái bá láp khéo nói là nhận thức. Ông nghĩ họ như những người sinh ra đã không có khả năng nhận thức được muôn mầu muôn vẻ của vũ trụ, nên đã bị tước đoạt hết mọi vẻ huyền nhiệm, vui khoái và hân hoan vô tận của suy đoán, suy niệm và vẻ hùng vĩ của diệu kỳ. Ông vẫn lấy làm lạ làm sao con người có thể chịu đựng được một thế giới không có Thiên Chúa. Một thế giới như thế chỉ là thế giới loài vật với một cuộc sống vô nghĩa mà thôi.

Deborah khó chịu hỏi: “anh đang nghĩ gì vậy?” vì bà rất ghét dáng vẻ của chồng mỗi khi ông nói với chính ông. Dáng vẻ ấy làm bà không yên vì nó khiến bà ý thức rõ tuổi trẻ của mình so với tuổi ngoài ba bó của chồng.

Ông trả lời: “Anh là dân Biệt Phái. Bọn anh tin có tái sinh. Cho nên anh đang suy tư tới tiền kiếp của con trai, xem nó từ đâu tới và tại sao nó lại ở đây với bọn mình”. Deborah cau mày tỏ ý không bằng lòng: “Nói chi kỳ cục vậy? Con nó là thịt bởi thịt bọn mình, máu bởi máu bọn mình mà tinh thần cũng bởi tinh thần bọn mình, làm chi có ai khác hơn nó trước đây, cũng như làm gì có ai khác sau này như nó!”.

“Đã đành là thế”, Hillel trả lời. “Thiên Chúa có bao giờ lặp lại y trang, không, ngay cả chiếc lá, cọng cỏ cũng không. Mọi linh hồn đều độc đáo ngay từ nguyên thủy, nhưng ta vẫn không thể bác bỏ được điều này nếu linh hồn có tính vĩnh cửu, điều mà mọi người trong chúng ta đều khẳng định, thì sự sống của nó cũng phải vĩnh cửu, nên nó hẳn phải di chuyển từ thân xác này qua thân xác nọ tùy theo ý muốn của Chúa. Việc thu lượm nhận thức có bao giờ chấm dứt đâu. Nó đâu chịu chấm dứt với ngôi mộ”.

Deborah ngáp dài. Ngày mai, bà phải trẩy Đền để hành lễ dâng con trai. Chỉ nghĩ đến đấy cũng làm bà chán nản. Người Xa-đốc cũng biết tuân hành luật xưa, nhưng họ cười nhạo luật ấy một cách kín đáo, chỉ giữ chúng theo tập truyền. Bà làm sao có thể giải thích nghi lễ này cho bạn bè Hy lạp và La Mã tại Tarsus? Chắc họ sẽ cười nhạo ghê lắm! Bà lơ đễnh vuốt tấm khăn choàng, và đưa mắt nhìn đứa con trai một cách không mấy chút thiện cảm.

Hillel biết rõ tại sao người ta gả bà cho ông. Rất có thể người Xa-đốc không tin sự sống vĩnh cửu, kể cả việc có Thiên Chúa nữa, và họ hết sức thế tục và trần đời, nhưng họ lại hay cố chấp, cứ nằng nặc phải gả con gái cho những người đàn ông đạo hạnh. Một thứ đầu tư khôn ngoan hòng lợi lớn sau này. Cũng có thể vì họ nghĩ: làm thế là dâng con gái làm con tin Thiên Chúa, Đấng tuy họ không tin, nhưng dám hiện hữu lắm, mà Đ1âng ấy, có tin đồn, là rất dễ nổi giận.

Hillel có đôi mắt lớn và lóng lánh mầu nâu, một khuôn mặt trắng và khắc khổ, một sống mũi lớn như người Khết, một bộ râu và lông mày vàng ươm, một vừng trán rộng với mớ tóc vàng óng ả, bị che kín phân nửa vì chiếc nón đội đầu mà Deborah rất khó chịu. Vai ông rộng, bàn tay trắng nhưng mạnh khỏe và đôi chân vững chãi, và ông không cao như vợ. Điều ấy cũng không làm Deborah vui. Chàng hào hiệp Hy Lạp há đã không có lần cúi đầu trước nàng để đọc câu thơ của Homer: “Ái nữ thần minh, cao như thần đẹp như tiên” đó sao? Hillel lại còn đeo những chiếc khuyên kỳ cục ở tai và lúc nào cũng mặc chiếc đai cầu nguyện vì xem ra lúc nào ông cũng cầu nguyện thì phải, Deborah nghĩ thế. Các nghi lễ trong cuộc sống của người Giu-đa làm bà không thể hiểu nổi, bà gần như không biết gì tới chúng. Thời gian thay đổi; thế giới luôn chuyển vần; sự thật của ngày qua nay trở thành trò cười. Thiên Chúa là một giả thuyết kỳ lạ, lẫn lộn cả với các thần minh Hy Lạp và La Mã, đôi chút có hương vị Babylon và Ai Cập. Ngôi nhà ở Giêrusalem, nơi bà sinh ra, vừa yên tĩnh vừa nức tiếng cười, một ngôi nhà có tính quốc tế. Bà rất ân hận phải rời bỏ nó tới sống tại ngôi nhà này nơi những người Biệt Phái tới lui tranh luận một cách trịnh trọng và soi mói nhìn bà bằng cặp mắt rõ ràng không chấp nhận và ghét bỏ, như thể bà là thứ tỳ thiếp người Ionia, như Aspasia chẳng hạn.

Bà nhớ có lần, khi được hỏi: “Anh có coi em như một con Aspasia khác hay không?”, chồng bà bỗng phá lên cười sặc sụa rồi âu yếm ôm lấy bà mà nói: “Đâu có cưng, không bao giờ anh lại gọi em là Aspasia cả”, làm bà không hiểu gì.

Bên ngoài, con công bỗng rít lên inh ỏi. Nó ghen với những con hắc thiên nga đang bơi lội trong hồ giữa vườn, vì nó biết những con thiên nga này được người ta chiêm ngưỡng say mê. Hillel cau mày; ông rất thính tai. Ông nói bâng quơ: “Con vật ấy giống mụ đàn bà khó tính. Nó lại làm thằng nhỏ mất ngủ mất”.

Deborah cảm thấy khó chịu vì câu nhận xét bâng quơ của chồng, một nhận xét rõ ràng khinh thường phụ nữ. Bà hất hàm nói: “Vậy thì em cũng khuất mắt anh cho rồi, để anh khỏi phải bực mình vì phụ nữ nữa”.

“Đâu có, Deborah” Hillel vội lên tiếng. Nhưng thoát chốc, Deborah đã ra khỏi phòng. Hillel thở dài nhưng đồng thời lại nở một nụ cười. Ông luôn làm Deborah phật lòng, dù nàng là một cô gái nhỏ bé đáng yêu, ông chưa bao giờ coi nàng như một người đàn bà đã trưởng thành. Tiệm sách vừa cho ông hay một năm trước đây người ta mới phám phá ra một thủ bản ít nổi tiếng thuộc các tác phẩm đầu tay của Philo thành Larissa, và các bản sao của nó sẽ được đưa tới Tarsus. Ngày mai, ông sẽ đặt mua một bản; cuốn sách này chắc sẽ làm Deborah vui và sẽ làm nàng hãnh diện, tuy nàng chẳng hiểu được một chữ. Mặt khác, nàng vốn tấm tắc chiếc vòng cẩm thạch tại tiệm kim hoàn, dù hơi e ngại về giá cả. Biết chọn cái nào đây? Philo thành Larissa hay vòng cẩm thạch? Hillel quyết định chọn thợ kim hoàn. Hai con tầu chở đầy hàng hóa trước đó đã từ Cilicia tới Rôma mà không bị giặc cướp chặn đường. Hillel vốn đầu tư lớn vào hai con tầu này cũng như số hàng hóa chúng chuyên chở. Một món lợi lớn đã vào túi ông. Nên Deborah sẽ nhận được chiếc vòng cẩm thạch của mình.

Con công lại kêu rít một lần nữa, làm đứa nhỏ trong chiếc nôi bằng ngà và gỗ mun ọ oẹ. Căn phòng nuôi trẻ phảng phất mùi hoa nhài thơm ngát dù mặt trời chưa lặn và ánh sáng đỏ vàng vẫn còn rực rỡ trên tường và nền phòng bằng đá hoa cương. Bóng cây chà là dật dờ trên bức tường cạnh nôi em bé. Em bỗng quay đầu rất nhanh ngắm nhìn bóng ấy, làm Hillel bỡ ngỡ. Một đứa trẻ quá nhỏ, chỉ vừa mới sinh, đã biết nhìn! Người ta vốn kháo với nhau là phải đến hai tháng, hài nhi mới có thể nhìn được ánh sáng và bóng tối. Thế mà con trai ông không những nhìn mà còn hiểu nữa. Hillel cảm thấy tâm hồn tràn ngập yêu thương, cúi mình trên nôi nựng con nhẹ nhàng: “Saul con, Saul của cha”.

“Saul sao?”, đứa nhỏ chưa được đặt tên tại Đền Thờ, nhưng người cha đã ghi khắc tên con trong trái tim mình trước đó. Hillel và hài nhi ở một mình trong căn phòng nuôi trẻ rộng lớn và rực sáng. Khuôn mặt và bộ râu vàng của ông ánh lên như thể được ánh sáng tinh thần ông chiếu vào. Ông thấy một tình yêu say sưa dâng lên trong lòng và lập tức thốt ra một lời cầu nguyện, vì trên hết, con người phải yêu Thiên Chúa của mình hết lòng, hết trí khôn và hết linh hồn, tình yêu ấy phải vượt trên bất cứ mối tình nhân bản nào dành cho bất cứ con người nào. Giờ này đây, Hillel hy vọng mình sẽ không bao giờ xúc phạm tới Thiên Chúa luôn hiện hữu cũng như đừng bao giờ bị Người giận dữ, một thứ giận dữ sẽ giáng xuống cái cục cưng bé nhỏ đang nằm trong nôi này.

Đứa nhỏ lại quay đầu rất nhanh và lần này nhìn người cha đang nghiêng mình nhìn mình. Như lời Deborah, đứa nhỏ này không đẹp, xấu là đàng khác. Cậu nhỏ hơn một đứa trẻ trung bình, ấy thế nhưng cậu có một thân mình chắc nịch, đang trần trùng trục ngoài chiếc tã quấn đến lưng. Tuy thân mình ấy không xinh xắn như cha mẹ nhưng có mầu ngà như thể đã tắm nắng lâu ngày. Cô đỡ ví em với Hercules, làm Deborah khoái trí. Còn Hillel thì nghĩ tới David, nhà vua dũng sĩ. Các bắp thịt ở ngực em rắn chắc và hiện rõ sau làn da đang rỉ mồ hôi, giống như những mảnh áo giáp tí hon. Cánh tay em là cánh tay dũng sĩ. Đôi chân em chắc nịch, nhưng hơi cong giống đôi chân người cỡi ngựa từ hồi còn nhỏ. Em gập các ngón chân một cách mạnh mẽ, như theo một thứ nhịp điệu nào đó, những ngón tay nhỏ nhắn cũng thế. Rõ ràng chúng chuyển động một cách có mục tiêu, chứ không vô định, Hillel nghĩ thế.

Em có chiếc đầu tròn trĩnh, rất đàn ông và vững chắc, nhưng hơi quá khổ so với thân mình, và đôi tai lớn mầu đỏ. Không may, tóc em vừa dầy vừa thô, còn đỏ hơn cả mầu tai. Mầu ấy không duyên dáng mấy, như mầu tóc của Deborah. Vì người Do Thái mê tín vốn không tin tưởng những người có mầu sắc thô và quá mạnh. Đàng khác, bộ tóc ấy lại mọc quá sâu xuống phía trán khiến em có dáng hùng hổ như một tên lính Rôma dễ nổi đóa.

Hiệu quả của tính dễ nổi đóa ấy còn gia tăng hơn qua cặp mắt đặc biệt. Chúng tròn xoe, vừa vĩ đại vừa có tính ra lệnh, dưới đôi lông mày đỏ gần như đụng nhau xuyên qua sống mũi, càng cho thấy em giống người Khết hơn là giống Hillel. Ít nhất chúng cũng không có cái mầu anh đào như những tên nhà quê, Hillel nghĩ vậy. Thực thế, điều gây ấn tượng hơn cả nơi đôi mắt phần lớn hệ ở mầu sắc của chúng, một thứ mầu lam kim khí hết sức lạ lùng, giống mầu óng ánh trên một chiếc dao găm đánh bóng. Mầu lam ấy vừa đậm vừa mạnh, đến nỗi hàng mi mầu nâu, dài và óng ánh cũng không làm giảm chút nào. Có cái nét gì đó hết sức hăm hở và đầy sức mạnh trong đôi mắt ấy, không giống trẻ con, không hoàn toàn ngây thơ, nhưng đầy ý thức và nghiêm nghị. Dù là người Biệt Phái, Hillel không hoàn toàn tin truyện linh hồn rời cư (transmigration), nhưng lúc này đây, ông lấy làm lạ về truyện đó, cũng như mấy lúc gần đây ông hay lấy làm lạ như vậy. Đôi mắt Saul không phải là đôi mắt trẻ thơ. Chúng gặp đôi mắt ông, ông chắc chắn như vậy, như có suy đoán và nhận dạng. Ông bỗng thốt lên: “Con yêu qúy, con là ai? Con từ đâu tới? Số phận con sẽ ra sao?”

Đứa trẻ chăm chú nhìn ông. Chiếc miệng, vâng chiếc miệng rộng và mỏng giống chiếc miệng của một người đàn ông đang tức giận, bỗng mấp máy, nhưng không phát ra một âm thanh nào. Rồi nó lại khép kín trở lại, và đứa nhỏ quay đầu khỏi người cha, dán mắt chiêm ngưỡng cảnh ánh sáng và bóng râm đang nhẩy múa giữa những hàng cột đá hoa cương. Hình như nó đang suy nghĩ. Hillel cảm thấy đôi chút kính sợ. Cái gì đang diễn biến trong bộ óc non nớt kia, ý nghĩ gì, giấc mơ nào, quyết tâm chi, hoài niệm nào?Chiếc cằm nhỏ, chắc chắn, lúm đồng tiền và đầy sức mạnh kia xem ra đang cương lên với quyết tâm. Saul tự thu mình lại với chính mình.

Gaia, cô nuôi trẻ nhỏ bé người Hy Lạp, vốn là đầy tớ riêng của Deborah, từ chiếc cửa đồng đàng xa tiến vào phòng giữ trẻ. Cô chỉ mới qua tuổi thiếu niên, nhưng rất có khả năng. Thấy chủ, cô cúi đầu chào. Như thói quen, Hillel giơ tay chúc lành cho cô, dù cô là người ngoại giáo, và ân cần chào hỏi cô. Cô thưa với chủ: “Thưa ông chủ, tớ gái xin hầu hạ cậu nhỏ”. Hillel rất mong Deborah cho con bú, nhưng người mẹ lại nghĩ khác. Ngày nay, không một mệnh phụ phu nhân Hy Lạp hay La Mã nào chịu làm việc ấy, ngay cả các mệnh phụ Do Thái có chút hiểu biết cũng không làm việc ấy nữa. Hillel hết sức thất vọng. Ông vẫn cho rằng hình ảnh người mẹ cho con bú là hình ảnh đẹp đẽ nhất ở trên đời. Ông chắc chắn mẹ ông đã cho mọi đứa con của bà bú bẫm và ông nhớ như in sự ấm áp và dịu dàng của phòng giữ trẻ cũng như giọng ru và ánh sáng buổi chiều đọng trong tóc mẹ, nhất là nét tươi mát của thân thể mẹ vào buổi sáng trời hồng. Ông chưa bao giờ kêu ca Deborah điều gì vì ông vốn là người tốt bụng và dịu dàng. Ông biết thế và tỏ ra ân hận. Các tổ phụ xưa hạnh phúc biết bao vì được các bà vợ và con gái kính phục, nhưng than ôi, Hillel đâu phải là tổ phụ mà than!

Ông đành im lặng đứng đó ngắm Gaia ôm con ông lên và ông nghe cô ta thán về tình trạng chiếc tã mà người nuôi trẻ của ca trước đã quên không kiểm soát. Cô khéo léo quấn cậu vào một chiếc tã mới rồi ẵm cậu ra ngoài. Lúc cô gái vừa tới cửa, thì cậu bé phát ra một tiếng la lớn và lạ, không phải tiếng khóc của trẻ thơ nhưng là một tiếng thét bực mình, như muốn nói: “Ôi, sao tôi ghét cái tình trạng yếu đuối này quá, tôi chịu hết nổi rồi!”.

Hillel nghĩ trong đầu: “có lẽ mình nhiều tưởng tượng quá chăng, y hệt bất cứ người nào mới làm cha?”. Rồi ông lững thững bước qua cửa vòm, tiến ra vườn. Đã đến giờ ông đọc kinh chiều trong cảnh thinh lặng ấm áp và đầy hương hoa. Là một người Do Thái ngoan đạo, ông biết đáng lẽ phải tới hội đường đọc kinh, nhưng ông và Deborah sống trong căn nhà do nhạc phụ mua cho tại thị trấn Tarsus, xa xôi quá! Ông cụ còn nhấn mạnh: “con gái tôi mảnh mai lắm đấy cậu!”. Mà từ chỗ họ cư ngụ tới nguyện đường gần nhất, đi bộ nhanh chăng nữa, cũng phải mất hơn một giờ đồng hồ. Nói cho ngay, chính Hillel cũng vừa bình phục khỏi chứng số rét từng làm chân trái của ông ra yếu, và tim ông dễ hồi hộp khi phải cố gắng. Ông lại không phải là người cưỡi ngựa, mà lại ghét đi cáng, và dù ông sở hữu một cỗ xe lớn cũng như chiếc xe kéo nhỏ hơn, nhưng ông ghét dùng chúng như ông ghét dùng cáng vậy. Ông chủ trương người ta sinh ra để cuốc bộ. Đáng lẽ ông không bác bỏ ý niệm dùng con lừa khiêm tốn đâu, nhưng Deborah không đồng ý, mà Hillel thì vốn có tính hiếu hòa. Người ta hay đề cập tới các tổ phụ nhất định không chịu nhượng bộ, nhưng các đức ông chồng đâu có giá bằng các tổ phụ!

Hillel dõi mắt nhìn tứ phía trong bầu không khí buổi chiều yên tĩnh. Nhà ông ở khu ngoại ô Tarsus, luôn giữ được sự yên tĩnh, ngay cả lúc các nô lệ và tôi tớ đang bận bịu với công việc hay đang cười đùa ca hát, vì đây là một gia đạo hạnh phúc. Ngay những tiếng kêu thiếu hòa hợp của công, của thiên nga và chim mồi cũng hòa thành âm nhạc ở đây với hậu cảnh thầm thì của chà là, cam chanh, cà-rốp, sung vả và bụi hương… Toà nhà này quả nằm sâu ở phía cuối một mảnh đất có lá xanh tươi quanh năm, với đủ giếng và suối nước róc rách ngay trong mùa khô nhất. Nó vốn là một phần của thung lũng Issus, phì nhiêu và trù phú, một khu nhiều hoa trái bao la bát ngát của vùng Cilicia Pedias, vốn được Julius Caesar sáp nhập vào Syria và Phoenicia.

Căn nhà được trang trí bằng nhiều ảnh tượng. Vì muốn tuân giữ Mười Giới Răn, Hillel muốn tháo bỏ mọi thứ ảnh tượng đó, dù ở ngoài vườn hay ở trong nhà. Nhưng Deborah phản đối khiến ông, vốn là người biết thoả hiệp, đành phải giữ lại. Căn nhà này được thân phụ Deborah mua lại với giá rất đắt. Ông cụ không bỏ lỡ cơ hội mang cái giá ấy ra mà “mặc cả” với Hillel. Ngoài ra, ông cụ còn gửi cả tôi trai tớ gái, trong đó có tay đầu bếp chuyên nghiệp, qua hầu con gái. “Nên nhớ là con ta, con gái yêu qúy duy nhất của ta, quen với lụa là gấm vóc và tiện nghi rồi, nó không chịu được thiếu thốn đâu”. Câu nói ấy bao giờ cũng được kèm theo với cái liếc vừa sắc vừa ý nhị coi như cậu con rể hiểu ý và chịu tuân theo. Tuy nhiên, dù là người dễ thỏa hiệp, Hillel vẫn mỉm cười trong bụng.

Thế là chiều nay, trong ngôi vườn xanh um của ngôi nhà ấy, Hillel chắp tay, miệng lẩm nhẩm: “Hỡi Israel, hãy lắng nghe đây! Chúa là Thiên Chúa chúng ta, Chúa là Đấng Duy Nhất! Ôi, lạy Vua vũ trụ, lạy Chúa các chúa, chúng con ngợi khen Chúa, chúng con phủ phục trước Nhan Chúa, chúng con tôn vinh Chúa, vì không có gì ngoài Chúa”.

Hillel dừng lại ở câu “không có gì ngoài Chúa”. Vũ trụ vô tận nhiễm đầy sự cao cả của Thiên Chúa. Tinh tú xa xăm rẫy đầy vinh quang Người. Mọi thế giới, bất tận như cát biển, thẩy đều ngợi ca Người. Bông hoa dại nhỏ bé vàng ươm đang bám vào sườn đá hồ bơi, ngu ngơ, nhưng đã dùng mầu sắc, sự sống và sinh khí mình mà công bố quyền năng, sự sống vô địch và sự hiện hữu đời đời của Người cho mọi tạo vật từ nhỏ và khiêm hạ nhất tới lớn lao và hùng vĩ nhất. Mỗi cọng cỏ đều phản ảnh quyền sở hữu của Người. Bàn thờ của Người không phải chỉ có nơi Đền Thờ và hội đường, nhưng ở khắp mọi mỏm đất, cành cây, mọi chim trời cá biển cùng côn trùng thú dữ. Giọng nói Người vang trong tiếng sấm, ánh mắt Người lóe sáng trong tầm sét trời cao, và gió bão từ tà áo di chuyển của Người đem lại. Hơi thở Người lay động cỏ cây. Bước chân Người phát hiện đá núi… Người là bóng râm bóng mát, là tiếng khóc của em bé thơ ngây, là sương chiều xuất hiện, là hơi thở êm mát của loài hoa, là hương thơm của đất của nước. “không có gì ngoài Chúa”. Không sự gì hiện hữu ngoài Chúa.

(Còn tiếp)
 
Họ là ai? Bài thơ về những anh hùng tử đạo của Lương Nhi Tử
Trần Văn Cảnh
10:06 26/11/2008
HỌ LÀ AI, BÀI THƠ VỀ NHỮNG ANH HÙNG TỬ ĐẠO của LƯƠNG NHI TỬ

Cách đây 20 năm, ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II, đã tôn vinh hiển thánh 117 chân phước tử đạo Việt Nam tại Rôma. Từ ngày ấy, hai mươi năm qua, nhiều người, vì yêu mến và thán phục Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, đã thử tìm hiểu xem « họ là ai » ?

Nhiều câu trả lời đã quen thuộc với chúng ta, như câu trả lời lịch sử của linh mục sử gia Vũ Thành [1], Câu trả lời truyền giáo của Đức giáo hoàng Gioan Phao lô II [2], hay câu trả lời mục vụ đức tin của Đức Ông Mai Đức Vinh [3].

Trong bầu trời ảm đạm mùa thu, mùa của gió mưa, của mây trăng, mùa kỷ niệm các thánh Tử Đạo Việt Nam, đôi khi chúng ta tự hỏi « Với một cái nhìn thi sĩ », người công giáo việt nam, đa số có tâm hồn rất thi sĩ, sẽ trả lời thế nào cho câu hỏi « Họ là ai, những anh hùng tử đạo » ? Xin mời bạn đọc khám phá cái nhìn của Lương Nhi Tử, một linh mục thi sĩ [4].

« HỌ LÀ AI » ?

Họ là ai, những anh hùng tử đạo ?

Là Quan cao, Cai, Đội, Tổng, thường dân,

Là Linh mục, là Tu sỹ, Giáo dân,

Là Chủng sinh, là Trùm họ, Thày giảng,

Là Giám Mục, y thương gia, lính tráng,

Tóc hoa râm, tuyết trắng hay còn xanh

Là nam nữ nổi tiếng hay vô danh

Tên tuổi đủ hay mơ hồ khiếm khuyết.. .

Họ là ai trong số ít được biết

Thuộc dòng tộc Lê, Nguyễn, Phạm, Trần, Hoàng

Chi Đinh, Trương, Đỗ, Vũ, Tống, Bùi, Đoàn

Ngành Phan, Võ, hay Hà, Hồ, Tạ, Đặng ?

Họ là ai muốn nói trong im lặng

Để nêu CAO TRUNG HIẾU vẻ HIỀN KHOAN

PHỤNG sự Chúa trong DŨNG LẠC hân HOAN

Nhằm phát HUY nét MỸ HÒA huynh ĐỆ

Mục ĐÍCH ĐẠT AN BÌNH TỰ cõi THẾ

HƯỞNG LỘC Trời nhờ NGÔN HẠNH tinh TÂN

ĐƯỜNG MINH ĐỨC QUÍ hơn TRIỆU kim NGÂN

Lòng THÀNH KÍNH dưỡng tâm ĐIỀM LIÊM TỊNH

Việc hành THIỆN ĐÔNG NAM BẮC hưng THỊNH

Như QUỲNH UYỂN LƯU HƯƠNG XUYÊN CAO xa

Như YẾN TƯỚC VEN TƯỜNG cất tiếng ca

THÔNG bốn cõi DƯƠNG gian cùng tiên CẢNH

Họ là ai được xếp hàng Thần Thánh

Không tham sinh ÚY tử không KHOA trương

Lấy THI THỂ làm HY TẾ HIẾN dưng

Bả VINH HOA huyện đường không DỤ nổi.

Họ là ai TRÔNG LOAN THẾ giới MỚI

Nơi VÂN hương phú TÚC THỌ KHANG NINH

Nơi THUẦN NGUYÊN ân TRẠCH phúc Thiên đình

Nơi CẨM tú ĐA mầu không phiền TOÁI

Họ là ai không tính TOÁN NGHI ngại

Như thơ NHI dung MẠO nét tin yêu

Câu tạ ơn trong suy GẪM sớm chiều

TÙY Thánh ý TUÂN hành sao VIÊN mãn.

Họ là ai dốc một niềm LIÊM HẠNH

Lời chân THÀNH THỂ hiện TỰ tâm XUYÊN

Ý MỸ miều LỰU đỏ sắc thần tiên

ĐẠT VINH phước nguồn MẬU huân MINH giám.

Họ là ai GIA đình đông vô hạn

Chín tầng trời dưới luyện ngục trần ai

TẢ sao nổi đoàn KHANH tướng KHÂM sai

Cơn thử thách CẦN qua thừa DŨNG cảm

Họ là ai cho miêu DUỆ kiêu hãnh

Đọc những tên MẬU THÌN TRUẬT PHAN BƯỜNG

TUẦN CỎN ĐẬU KHUÔNG LỰU CHIỂU HUYÊN PHƯƠNG

Như đọc thấy cả ba miền Dất Nước.

Họ là ai muôn đời quên sao được

Lãy máu đào viết Giáo Sử Quê hương

Gieo vào lòng đất mẹ hạt yêu thương

Bằng hằng trăm ngàn con tim bác ái…

Lạy tiên tổ vô cùng thánh ái

Giúp chúng con vững chãi niềm tin

Trung kiên thờ Chúa hết mình

Đi đâu vẫn thắm mối tình Việt Nam.

(Kính dâng các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam đặc biệt 117 vị có Họ, Tên (chữ hoa) chức phận, nghề nghiệp,… được phong Hiển Thánh ngày 19.06.1988 tại quảng trường Thánh Phê rô, Lamã, trước 10.000 dân Việt từ các Cộng Đoàn thế giới đổ về, trong đó có Cộng Đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris. LƯƠNG NHI TỬ)

Vừa đặt câu hỏi, vừa trả lời, linh mục thi sĩ LƯƠNG NHI TỬ đã đặt vấn nạn « Họ là ai », đã đi vào chi tiết, đã đưa một trả lời rất việt nam bằng cách nêu Họ và Tên (viết hoa) của hết 117 vị hiển thánh mà ngài gọi là CÁC ANH HÙNG TỬ ĐẠO VIỆT NAM và đã đưa ra mười đường mô tả qua những nét căn bản của văn hóa việt nam và của đức tin công giáo: cảnh sống họ, dòng tộc họ, tư cách họ, chí khí họ, đức tin họ, tâm hồn họ, chí hướng họ, sĩ số họ, gương lành họ, công lao họ.

Mười đoạn tả, nhưng đoạn nào cũng vẫn hỏi lại « Họ là ai ». Những trả lời, mười lần khác nhau đã được đưa ra, nhưng dường như không lần nào câu trả lời đã thỏa mãn hồn thi sĩ công giáo việt nam.

Rút cục, không cần đặt câu hỏi nữa và cũng chẳng cần câu trả lời nào.

Nhưng là một lời cầu cùng « tiên tổ vô cùng thánh ái ».

Hồn thi sĩ công giáo việt nam đã tìm được hạnh phúc của mình !

Paris, ngày 26 tháng 11 năm 2008

Trần Văn Cảnh

-------------------------------------------

Ghi chú

[1]. http://nguoitinhuu.com/martyrs/tudao53.html

[2]. Bài giảng của ĐGH Gioan Phaolô II trong đại lễ tôn vinh hiển thánh 117 chân phước tử đạo Việt Nam tại Rôma ngày 19-06-1988

[3]. http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=5588

[4]. Kỷ yếu 50 năm thành lập GXVN tại Paris, 1997, trang 109
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bé Cầu Nguyện
Sen K.
00:14 26/11/2008

BÉ CẦU NGUYỆN



Ảnh của Sen K. – Philippines

Tạ ơn cơm bữa hàng ngày

Tạ ơn đời rất ngọt ngào với con

Tạ ơn chim hót trên non

Tạ ơn mọi sự cho con Chúa dành!

Thank you for the food we eat

Thank you for the world so sweet

Thank you for the birds that sing

Thank you God for everything!

(Trích Children Prayers, nđc chuyễn ngữ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News