"Tiên tri" al-Awlaki |
“Bạn không thể tin tưởng những thông điệp bày tỏ tình đoàn kết mà bạn có thể nhận được từ một nhóm công dân hay một đảng phái chính trị, hoặc từ một người hàng xóm hoặc một đồng nghiệp tốt bụng,” ông nói trong đoạn video được tờ New York Times trích dẫn.
Đoạn tiếp theo là đoạn khiến các “chiến binh thánh chiến trên mạng” chú ý đến nhiều nhất.
“Phương Tây cuối cùng sẽ quay sang chống lại chính các công dân Hồi giáo của mình” nhà giảng thuyết đạo Hồi cảnh báo.
Nhà giảng thuyết al-Awlaki là một tên khủng bố, một tên lãnh đạo tinh thần của bọn khủng bố Al-Qaeda, chuyên dựa vào kinh Quran để kích động bạo loạn, đã được tờ New York Times phong lên hàng “tiên tri”, sau lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump.
Ông Trump hôm thứ Sáu 27 tháng Giêng đã ra lệnh cấm công dân của bảy quốc gia đa số Hồi giáo là Iraq, Iran, Syria, Sudan, Somalia, Libya và Yemen nhập cảnh vào Hoa Kỳ ít nhất trong vòng 90 ngày tới.
Tân Tổng thống cũng đình hoãn chương trình tị nạn sang Mỹ trong 120 ngày và cấm việc nhập cảnh từ Syria vào Mỹ vô thời hạn.
Sắc lệnh này đã gây ra phản ứng dữ dội trên khắp Hoa Kỳ cũng như trên toàn cầu. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với ông Trump rằng cuộc chiến chống khủng bố không thể được dùng để biện minh cho việc cấm nhập cảnh vào Mỹ những người tị nạn và những công dân của các nước nơi người Hồi giáo chiếm đa số.
Tờ Washington Post tường trình là các chiến binh thánh chiến “mừng ra mặt” trước sắc lệnh này của ông Trump và gọi đó là một “lệnh cấm thật may mắn”, vì nó đóng dấu xác nhận chính nghĩa khủng bố của chúng là đúng; và vì thế sẽ khiến nhiều người Hồi Giáo trên thế giới quyên góp tiền bạc và cả mạng sống của mình cho chúng.
Những người Hồi Giáo cực đoan sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội đã viết rằng lệnh cấm này chứng tỏ “Tây phương ghét người Hồi giáo” như al-Awlaki nhiều lần tuyên bố, trước khi bị giết chết tại Yemen trong cuộc tấn công trả đũa của Mỹ vào tháng Chín 2011.
Sứ điệp chính của al-Awlaki trong một số đoạn video kêu gào thánh chiến là người Hồi giáo đang bị tấn công và có trách nhiệm phải thực hiện các cuộc tấn công vào những kẻ không tin nơi đạo Hồi.
Theo tờ Washington Post, bây giờ các chiến binh thánh chiến đang sử dụng sắc lệnh của ông Trump, và thông điệp của al-Awlaki, như là những bằng chứng rõ ràng rằng phương Tây đang quay lưng lại với các công dân Hồi giáo của nó.
Tờ này nói một người Hồi Giáo viết cho tòa soạn như sau :”Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: ‘Chúng tôi không muốn họ ở đây’ và ra lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh, một điều ập đến trong tâm trí tôi là những lời tiên tri của al-Awlaki”..
Còn người khác thì nói rằng lệnh cấm này là bằng chứng của “lòng căm thù của chính phủ Mỹ đối với người Hồi giáo.”
Nhiều bài viết theo khuynh hướng ủng hộ bọn khủng bố Hồi Giáo IS, ca ngợi Tổng thống Mỹ là “người kêu gọi tốt nhất” cho chính nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Tuy nhiên, tiến sĩ Rodger Shanahan, một nhà nghiên cứu tại Viện Lowy của Australia, cho biết các lời bình loạn này chỉ tạo được những cơn bão trong chén nước.
Ông nói rằng các tuyên truyền viên sẽ sử dụng bất kỳ lý do nào có thể để thúc đẩy ý hướng của họ cũng như cái ý tưởng cho rằng người Hồi Giáo đang có chiến tranh với Tây phương hoặc chí ít là người Hồi Giáo đang bị ghét bỏ bởi các chính phủ của họ.
Tiến sĩ Shanahan nói ông tin rằng ít người sẽ coi nặng những ý tưởng này.
Ông nói IS và al-Qaeda đã tuyệt vọng và sẽ sử dụng bất kỳ thứ tuyên truyền nào có thể, nhưng hầu hết mọi người sẽ có thể nhìn thấy những thông điệp của chúng là không đúng sự thật.
“Sắc lệnh của ông Trump bị nhiều người phản đối”, Tiến sĩ Shanahan nói.
“Những cuộc biểu tình lan rộng trên thế giới thực sự đã cân bằng sắc lệnh này. Hiện nay báo chí tường thuật ở một mức độ như nhau về sắc lệnh này và các cuộc biểu tình chống đối”.
Theo tiến sĩ Shanahan, những phản ứng dữ dội cho người Hồi giáo thấy sắc lệnh này không được tất cả mọi người ưa chuộng.
“Vì thế, tôi không tin bọn khủng bố Hồi Giáo IS, là những kẻ đang trên đường rút chạy, hay là bọn al-Qaeda, là những kẻ đang quá bận rộn chiến đấu chống lại IS, có thể đục nước béo cò với sắc lệnh này”.
“Sắc lệnh này chẳng mang lại một biến chuyển to lớn nào trong công tác tuyên truyền, nó không thay đổi cuộc chơi.”
Tiến sĩ Shanahan nói những kẻ kêu gào thánh chiến đã nói phương Tây ghét người Hồi giáo trong một thời gian dài và thông điệp này của họ chẳng phải là cái gì đó mới mẻ. Hơn thế nữa, Obama cũng đã từng cấm nhập cảnh từ Iraq trong 6 tháng. Jimmy Carter cũng từng cấm người Iran vào Mỹ.
“Sắc lệnh này vô lý chăng? Có thể. Nhưng nó có mang lại chút hiệu quả nào trong trò tuyên truyền thánh chiến hay chăng thì tôi nghi ngờ điều đó.”