Trong một bài phân tích tin tức ngày 16 tháng Tư, nữ ký giả Inés San Martín của tạp chí Crux cho rằng ba vị giáo hoàng gần đây nhất đã triển khai một quan điểm về tính có thể sai lầm nơi các vị giáo hoàng.

Như mọi người đã biết, gần 150 năm trước đây, Đức Piô IX đã dẫn dắt Giáo Hội tới chỗ tuyên bố tín điều Đức Giáo Hoàng vô ngộ trong các tuyên bố long trọng về đức tin và luân lý, nhờ thế, các ngài được gìn giữ khỏi mọi khả thể sai lầm. Đó là đỉnh cao của nhiều thế kỷ cố gắng cung cấp cho tín hữu một cảm thức tuyệt đối chắc chắn rằng các vị giáo hoàng không, thậm chí không thể, sai lầm khi nói tới giáo huấn.

Dù không hẳn nói ra, điều mà ba vị giáo hoàng gần đây nhất từng làm là khai phá một "tín điều" song song về tính có thể sai lầm của vị giáo hoàng khi nói tới các vấn đề thực hành.

Hàng thế kỷ nay, các vị giáo hoàng không bao giờ công khai xin lỗi về bất cứ điều gì; hoàn toàn đúng theo nghĩa đen, làm giáo hoàng có nghĩa là không bao giờ phải nói lời xin lỗi. Chắc chắn, điều này không có nghĩa các ngài thiếu lý do để làm thế, nhưng làm thế bị coi là không xứng hợp, không vương giả. Nó bị coi là dấu hiệu của yếu đuối, bất xứng với Người Kế Vị Thánh Phêrô.



Tuy nhiên, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phá vỡ lối suy nghĩ ấy phần nào liên quan tới việc xin lỗi. Năm 1998, nhà báo Ý, Luigi Accattoli, liệt kê ít nhất 94 lời xin lỗi của vị Giáo Hoàng người Balan này trong cuốn sách tựa là Khi Một Vị Giáo Hoàng Xin Sự Tha Thứ (When a Pope Asks Forgiveness).

Trong 27 năm trên ngôi giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã đưa ra nhiều lời xin lỗi, lên tiếng nhân danh Giáo Hội. Các loạt “lỗi tại tôi” này ngỏ với nhiều đối tượng khác nhau từ những cá nhân bị Giáo Hội gây hại như Galileo Galilei, tới những nhóm người như những ai bị Tòa Dị Giáo kết tội, các người Hồi Giáo bị Thập Tự Quân sát hại và các người Châu Phi bị bắt làm nô lệ với sự góp tay của Giáo Hội.

Đi xa hơn, trong năm 2000, năm Đại Thánh, vào “Ngày Hồng Ân”, Đức Gioan Phaolô II đã nhân danh Giáo Hội xin lỗi cho các tội mà con cái Giáo Hội đã phạm chống lại người Do Thái, lạc giáo, phụ nữ, Gypsies và các dân tộc bản địa.

Lúc đó, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, vị sau này trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, đã giúp đưa ra một cái khung thần học cho việc xin lỗi qua văn kiện có tựa đề là Ký Ức Và Hòa Giải: Giáo Hội và Các Lỗi Lầm Của Quá Khứ.

Văn kiện trên nhắc nhở chúng ta rằng cho dù việc xin lỗi là nhân danh Giáo Hội, nhưng việc làm sai là của các Kitô hữu cá nhân, vì Giáo Hội, tự mình, vốn luôn thánh thiện.

Người ta có thể lý luận rằng bất kể các việc xin lỗi này có tính cách mạng bao nhiêu, Đức Gioan Phaolô II vẫn không xin lỗi vì các sai phạm của chính bản thân ngài. Thay vào đó, ngài chỉ đưa ra các quyết định có tính định chế để xin sự tha thứ nhân danh Giáo Hội vì các tội lỗi và sai lầm trong quá khứ.



Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđictô XVI đã đẩy truyền thống ấy xa hơn nữa, bằng cách ban hành điều lúc ấy được coi như một lời xin lỗi có tính lịch sử đối với các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tình dục tại Ái Nhĩ Lan. Ngỏ lời trực tiếp với các nạn nhân và gia đình họ trong một lá thư mục vụ dài 8 trang, Đức Bênêđíctô viết: “Anh chị em đau khổ một cách nặng nề và tôi thực sự hối lỗi”.

Năm 2010, ngài viết “Tôi biết rằng không điều gì có thể tháo bỏ điều lầm lẫn anh chị em phải chịu. Niềm tín thác của anh chị em đã bị phản bội và phẩm giá anh chị em đã bị vi phạm”.

Nhưng vị giáo hoàng người Đức đã không chỉ xin lỗi vì các lỗi lầm có tính định chế của Giáo Hội mà còn vì các lỗi lầm riêng của ngài.

Lần đầu tiên ngài làm thế là năm 2006, sau bài diễn văn nổi tiếng về trạng thái Kitô Giáo trong thế giới ngày nay mà ngài đọc tại Đại Học Regensburg ở Đức. Bài diễn văn ấy, tựa là Đức Tin, Lý Trí và Đại Học: Các Ký Ức và Suy Tư, nói về khuynh hướng của Tây Phương muốn tách biệt lý trí khỏi đức tin.

Tuy nhiên, trong bài diễn văn ấy, ngài có trích dẫn một vị hoàng đế Byzantine thế kỷ 14, người cho rằng Muhammad chỉ mang đến “những điều xấu xa và bất nhân” và bạo lực “bất tương hợp với bản chất Thiên Chúa và bản tính của linh hồn”.

Bị lấy khỏi đồng văn, điều trên bị coi là một cuộc tấn công chống lại Hồi Giáo, và đã làm nổi lên một cuộc phản đối rộng lớn khắp thế giới Ảrập. Nhiều người bị giết vì thế.

Năm ngày sau, trong bài diễn văn lúc đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật, tại dinh mùa hè ở Castel Gandolfo, Đức Bênêđictô XVI đã xin lỗi vì nhận xét của ngài. Ngài nói rằng ngài “hối lỗi sâu xa” vì phản ứng mà một số đoạn của bài diễn văn đã gây nên.

Ngài nói: “Những đoạn này thực ra là lời trích dẫn từ một bản văn thời trung cổ, những lời trích dẫn không hề nói lên suy nghĩ riêng của tôi”.

Năm 2009, như một phần trong cố gắng bao quát hơn từ một con người vốn bị gọi là “Chó Canh của Thiên Chúa” (“God’s Rottweiler”) nhằm vươn tay ra với mọi người bất đồng, trong đó, có nhóm duy truyền thống là Hội Piô X, ngài đã cất vạ tuyệt thông cho 4 giám mục trước đó được tấn phong thành sự nhưng trái phép.

Trong số đó, có vị giám mục chối bỏ nạn Diệt Chủng Do Thái là Đức Cha Richard Williamson. Thế là không biết bao nhiêu hàng tít tố cáo Đức Giáo Hoàng “phục hồi chức vụ cho người bác bỏ Nạn Diệt Chủng” được loan truyền khắp thế giới.

Mấy tuần sau, Đức Bênêđictô ban hành một lá thư gửi mọi giám mục trên thế giới xin lỗi về những thương tích do vụ việc gây ra, tỏ “lòng hối tiếc sâu xa” trước lầm lỗi phạm phải trong diễn trình vươn tay ra với Hội và các thành viên của nó. Thậm chí, ngài còn thừa nhận rằng phần lớn những đau lòng này đáng lẽ đã tránh được nếu Vatican chịu dùng Internet để tìm hiểu về 4 vị giám mục đang bàn này.



Tuần trước, bằng lời xin lỗi một nhóm nạn nhân người Chile của nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục, Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn đi xa hơn nhiều bằng cách định chế hóa chính truyền thống các vị giáo hoàng đích thân xin lỗi. Trong lá thư gửi các giám mục Chile, ngài viết: “tôi nhìn nhận và tôi muốn các hiền huynh thông đạt điều này một cách chính xác, rằng tôi đã phạm các sai lầm nghiêm trọng trong phán đoán và nhận thức tình huống, nhất là do việc thiếu thông tin trung thực và quân bình”.

Cuối tháng này, Đức Phanxicô sẽ gặp 3 nạn nhân bị lạm dụng là James Hamilton, Juan Carlos Cruz và Jose Andres Murillo, những người đã lớn tiếng hơn hết liên quan tới nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục tại Chile và việc che đậy có hệ thống, nhưng lá thư được công bố hôm thứ Tư còn bao gồm lời xin lỗi “với mọi người tôi đã xúc phạm”.

Một trong các nạn nhân trên nhận định rằng Đức Phanxicô đã mở mắt ra với thực tại. Thiển nghĩ đây là một nhận định đúng đắn, chứ không hẳn một khai phá tín điều mới. Giáo Hội ngày càng gột bỏ những "trang phục" không cần thiết để được "lộng lẫy" bằng chính sự thánh thiện của mình. Thừa nhận thực tại lầm lỗi trong thực hành không hề là một tín lý mới, mà chỉ là một cố gắng gột bỏ, hồi tâm...