Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong lòng mỗi người “tinh thần thế gian” và “Thần khí Chúa” đối đầu với nhau mỗi ngày. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 04 tháng Chín tại nhà nguyện Santa Marta
Trái tim của con người giống như một “bãi chiến trường”, nơi hai “tinh thần” khác nhau đối đầu với nhau: một, là Thần khí Chúa, dẫn chúng ta “đến những việc lành, đến lòng bác ái, đến tình huynh đệ”; hai, là tinh thần thế gian, đẩy chúng ta “hướng tới phù hoa, niềm tự hào, tự mãn, tung tin đồn nhảm.”
Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài trên Bài đọc Một, trong đó “Tông đồ Phaolô dạy cho dân thành Côrinhtô cách suy nghĩ giống như Chúa Kitô” – đó là một con đường được đặc trưng bởi sự phó thác mọi sự cho Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần, trên thực tế, dẫn chúng ta đến “sự nhận biết Chúa Giêsu,” để chia sẻ “tình cảm của Ngài”, để hiểu được tấm lòng của Ngài.
“Người nào cậy dựa vào sức mạnh của mình thì không hiểu được những điều của Thần khí,” Đức Thánh Cha giải thích trong bài giảng của ngài.
“Có hai tinh thần, hai cách suy nghĩ, cảm giác, hành động: một tinh thần dẫn tôi đến với Thần khí của Thiên Chúa, và một tinh thần dẫn tôi đến với sự mê mải thế gian. Và điều này xảy ra trong cuộc sống của chúng ta: Tất cả chúng ta đều có hai ‘tinh thần’ này, có thể nói như thế. Tinh thần hướng đến Thiên Chúa, dẫn chúng ta đến những việc lành, phúc đức, đến tình huynh đệ, đến việc thờ phượng Chúa, nhận biết Chúa Giêsu, làm nhiều việc bác ái, và cầu nguyện; còn tinh thần kia, tinh thần thế gian, dẫn chúng ta đến phù hoa, tự hào, tự mãn, đến tung tin đồn - là một con đường hoàn toàn khác. Một vị thánh đã từng nói, tâm hồn chúng ta như một bãi chiến trường, nơi hai tinh thần này chiến đấu với nhau.”
“Trong đời sống của Kitô hữu, chúng ta phải chiến đấu để có chỗ cho Thần khí Chúa ngự trong lòng chúng ta,” và “loại bỏ đi tinh thần thế gian.” Vì thế, Đức Thánh Cha đề nghị chúng ta “xét mình hàng ngày”. Điều đó “có thể giúp xác định những cám dỗ, làm rõ cách thế các lực lượng đối lập với nhau này hoạt động”.
“Rất đơn giản: Chúng ta có ân sủng vĩ đại này, là Thần khí Chúa, nhưng chúng ta yếu đuối, chúng ta là những người tội lỗi, và vẫn còn trong ta những cám dỗ của tinh thần thế gian. Trong cuộc chiến tâm linh này, chúng ta cần phải là những người chiến thắng như Chúa Giêsu đã chiến thắng.”
Đức Thánh Cha kết luận rằng mỗi đêm người tín hữu Kitô nên suy nghĩ về những sự kiện của ngày vừa trải qua, để xác định xem “phù hoa” và “niềm tự hào” chiếm ưu thế hay liệu người ấy đã thành công trong việc bắt chước Con Thiên Chúa.
Nếu chúng ta không làm điều này, nếu chúng ta không biết điều gì xảy ra trong lòng chúng ta khi đó - không phải tôi nói đâu nhé, nhưng chính Kinh Thánh đã nói - chúng ta giống như 'những con vật không hiểu gì cả, bước đi theo bản năng mà thôi. Nhưng chúng ta không phải là những con vật, chúng ta là con cái của Thiên Chúa, được chịu phép rửa bởi ân sủng Chúa Thánh Thần, vì lý do này, điều quan trọng là phải hiểu những gì đã xảy ra mỗi ngày trong lòng ta. Xin Chúa dạy chúng ta biết luôn luôn xét mình hàng ngày.”
2. Câu chuyện trận hỏa hoạn tại căn cứ quân sự El Goloso Tây Ban Nha
Cách đây không lâu, hồi đầu tháng Năm, Như Ý có thuật cùng quý vị và anh chị em câu chuyện phép lạ tại Peshtigo, nơi duy nhất được giáo quyền Hoa Kỳ công nhận Đức Mẹ đã hiện ra.
Trong trận cháy rừng kinh hoàng ngày 8 tháng 10 năm 1871, tại Peshtigo, một vùng hẻo lánh của bang Wisconsin, gần 2,500 người đã thiệt mạng trong địa ngục kinh hoàng của biển lửa.
Nhưng một cách lạ lùng, một ngôi nhà thờ ở ngay giữa đám cháy và những người trốn trong ngôi nhà thờ đó đã không hề hấn gì dù rằng nhiệt độ bên ngoài lên đến cả ngàn độ.
Ngay trong thế kỷ của chúng ta, chỉ mới cách đây 3 năm thôi, một trường hợp tương tự đã diễn ra tạt Tây Ban Nha.
Infovaticana tường thuật rằng một vụ hỏa hoạn dữ dội đã diễn ra ngày 30 tháng 7, năm 2015 tại căn cứ quân sự El Goloso, gần thủ đô Tây Ban Nha, nơi trú đóng của lữ đoàn bộ binh Guadarrama.
Trong đợt nóng bao trùm Tây Ban Nha vào thời gian đó, ngọn lửa bùng lên và vượt ngoài tầm khiểm soát, thiêu rụi mọi cây cỏ.
Khi dập tắt được ngọn lửa, các lính cứu hỏa kinh ngạc thấy ở giữa đống hoang tàn, là một tượng Đức Mẹ Lộ Đức, hoàn toàn không bị hư hại gì. Và còn đáng kinh ngạc hơn nữa, khi họ thấy cỏ quanh bức tượng, cũng không hề hấn gì trước ngọn lửa, các nhánh hoa cắm trong bình đặt kính Mẹ cũng vậy, như thể ngọn lửa đã kiêng nể không gian quanh tượng Đức Mẹ vậy.
Các lính cứu hỏa không thể giải thích tại sao bức tượng không hề hấn gì, tại sao các nhành hoa thậm chí không bị ám khói hay khô héo vì sức nóng kinh hoàng. Câu chuyện này nhanh chóng lan ra trên mạng xã hội. Trong xã hội thế tục và có nhiều thế lực thù ghét Giáo Hội, cố nhiên nhiều tờ báo lập tức cho rằng đây chỉ là chuyện bịa, nhưng các điều tra sâu xa hơn đã xóa sách mọi hoài nghi. Trong bức hình, này quý vị và anh chị em có thể dễ dàng nhìn thấy mặt đất hoàn toàn bị thiêu rụi, ngoại trừ vùng quanh bức tượng.
Trong hoàn cảnh khó khăn của Giáo Hội hiện nay, chúng ta hãy cầu xin Mẹ chở che cho Giáo Hội chúng ta, quê hương đất nước chúng ta, gia đình, con cái và bản thân chúng ta.
Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, cầu cho chúng con.
3. Sự thật thì khiêm nhường, sự thật thì im lặng
Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái tục việc cử hành Thánh Lễ hàng ngày tại nhà nguyện Santa Marta. Bình luận về bài Tin Mừng trong ngày, ngài nói rằng “sự thật thì khiêm nhường, sự thật thì im lặng”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung bài giảng ngày thứ Hai tại nhà nguyện Santa Marta vào bài Tin Mừng trong ngày trích từ Phúc Âm theo Thánh Luca (4: 16-30) khi Chúa Giêsu trở về Nazareth và phải đương đầu với những chống đối trong hội đường Do Thái sau khi Ngài bình luận về một đoạn sách của Tiên tri Isaiah. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự im lặng bình thản của Chúa Giêsu không chỉ trong trường hợp này mà còn trong cuộc thương khó.
Đức Thánh Cha nói rằng khi Chúa Giêsu đến hội đường, Người đã khơi dậy sự tò mò. Mọi người đều muốn nhìn thấy người mà họ đã nghe rằng đang làm nhiều phép lạ ở những nơi khác. Thay vì thỏa mãn sự tò mò của họ, Đức Thánh Cha nói, Con của Chúa Cha chỉ sử dụng đến “Lời của Thiên Chúa”. Đây là thái độ Chúa Giêsu đã áp dụng khi đối đầu với ma quỷ. Đức Thánh Cha nói tiếp rằng sự khiêm nhường của Chúa Giêsu mở cửa cho những lời đầu tiên của Người với ý muốn kiến tạo một nhịp cầu; nhưng những lời ấy lại gieo nghi ngờ ngay lập tức và đã thay đổi không khí “từ hòa bình đến chiến tranh”, từ “kinh ngạc để giận dữ”.
Chúa Giêsu đáp lại với sự im lặng trước những người “muốn ném Ngài ra khỏi thành”, Đức Thánh Cha nói.
Họ không suy nghĩ, nhưng họ la hét. Chúa Giêsu vẫn im lặng… Đoạn Tin Mừng kết thúc bằng những lời này: “Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng phẩm giá của Chúa Giêsu tỏa sáng qua “sự im lặng đã chiến thắng” những kẻ tấn công Ngài. Điều tương tự sẽ xảy ra lần nữa vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha nói.
Những người đã gào lên “đóng đinh nó đi” trước đó đã từng ca ngợi Chúa Giêsu vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá mà rằng: “Chúc tụng Con Vua David”. Họ đã thay đổi.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự thật thì khiêm tốn và im lặng và không ồn ào, trong khi ngài thừa nhận rằng những gì Chúa Giêsu đã làm không dễ dàng đâu. Dù thế, “phẩm giá của Kitô hữu được neo trong quyền năng của Thiên Chúa”. Ngay cả trong một gia đình, ngài nói, có những lúc sự chia rẽ xảy ra vì “các cuộc thảo luận về chính trị, thể thao, tiền bạc”. Ngài đề nghị một sự im lặng và cầu nguyện trong những trường hợp này:
Với những người thiếu thiện chí, với những người chỉ tìm kiếm những vụ tai tiếng, những người tìm kiếm chia rẽ, những người tìm kiếm sự hủy diệt, ngay cả trong gia đình: hãy im lặng, và cầu nguyện.
Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài giảng của ngài với lời nguyện sau:
Cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để biết phân định khi nào chúng ta nên nói và khi nào chúng ta nên giữ im lặng. Điều này áp dụng cho mọi lúc trong cuộc sống: khi làm việc, khi ở nhà, trong xã hội…. Như thế, chúng ta sẽ là người bắt chước Chúa Giêsu nhiều hơn.
4. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Chín
Hôm thứ Ba 4/9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát hành một thông điệp video kèm theo ý cầu nguyện tháng Chín của mình: “Cầu nguyện cho các bạn trẻ ở Châu Phi”.
Trong ý cầu nguyện dành cho tháng 9 năm 2018 của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện để các bạn trẻ ở Châu Phi có thể được tiếp cận với giáo dục và công ăn việc làm tại quốc gia của họ”.
Việc phát hành một thông điệp video trình bày chi tiết ý cầu nguyện của mình cho mỗi tháng đã trở thành thói quen thường lệ của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Dưới đây là nội dung Ý cầu nguyện tháng 9 của Đức Thánh Cha Phanxicô:
Châu Phi là một lục địa giàu có, và nguồn tài nguyên quý giá nhất, to lớn nhất của nó chính là những người trẻ tuổi.
Họ phải được lựa chọn giữa việc tự cho phép mình vượt qua khó khăn hoặc biến khó khăn thành một cơ hội.
Cách thế hiệu quả nhất để giúp đỡ họ trong lựa chọn này đó chính là đầu tư vào sự giáo dục của họ.
Nếu những người trẻ tuổi không có khả năng được tiệp cận với giáo dục, liệu tương lai của họ sẽ ra sao?
Chúng ta hãy cầu nguyện để các bạn trẻ ở châu Phi có thể được tiếp cận với giáo dục và công ăn việc làm tại các quốc gia của họ.
Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu thuộc phong trào Tông đồ Cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô đã triển khai sáng kiến “Video Cầu nguyện của Đức Thánh Cha” để hỗ trợ trong việc phổ biến rộng rãi ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha liên quan đến những thách thức mà nhân loại hiện đang phải đối mặt.
5. Chúng ta phải cáo buộc chính mình, chứ không phải người khác
Ơn cứu rỗi đến từ Chúa Giêsu không phải để trang sức, nhưng để biến đổi chúng ta. Để được cứu rỗi, chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta là những kẻ tội lỗi - và tự cáo mình, chứ không phải là những người khác. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 6 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta.
Chúng ta cần phải nhận ra rằng chúng ta là những kẻ tội lỗi: không học cách cáo buộc chính mình, chúng ta không thể tiến bước trong đời sống người Kitô hữu. Đó là trọng tâm sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng Thánh lễ hàng ngày tại Casa Santa Marta hôm thứ Năm.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày các suy tư của ngài dựa trên bài Tin Mừng trong ngày, trích từ Phúc Âm Thánh Luca (Lc 5: 1-11), trong đó Chúa Giêsu rao giảng trên thuyền của thánh Phêrô, và sau đó Ngài bảo thánh Phêrô thả lưới chỗ nước sâu. Tin Mừng cho biết khi các môn đệ làm theo lời Ngài “họ bắt được rất nhiều cá.”
Trình thuật này nhắc nhở chúng ta về câu chuyện mẻ cá kỳ diệu khác, diễn ra sau khi Chúa sống lại, khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của Ngài xem có gì để ăn không. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng trong cả hai trường hợp, Chúa đã “xức dầu cho Thánh Phêrô”: đầu tiên là để trở thành một người đi thu phục người, sau đó, là để trở thành một mục tử. Rồi Chúa Giêsu đổi tên ông từ Simôn thành Phêrô; và “như một người Israel tốt”, Phêrô biết rằng thay đổi tên họ biểu thị một sự thay đổi sứ vụ. “Phêrô” cảm thấy tự hào vì ông thực sự yêu mến Chúa, “và mẻ cá kỳ diệu này tiêu biểu cho một bước tiến mới trong cuộc sống của mình.
Sau khi thấy hai thuyền đầy cá, đến gần chìm, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”
“Đây là bước tiến có tính quyết định đầu tiên của Phêrô trên con đường trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, đó là cáo mình: Con là kẻ tội lỗi. Đây là bước đầu tiên của Phêrô; và cũng là bước đầu tiên của mỗi người chúng ta, nếu anh chị em muốn tiến lên trong đời sống tâm linh, trong đời sống của Chúa Giêsu, phục vụ Chúa, theo Chúa, đó phải là điều này: hãy cáo buộc chính mình: nếu không cáo buộc chính mình, anh chị em không thể bước đi trong đời sống người Kitô hữu.”
Tuy nhiên, có một mối nguy ở đây. Tất cả chúng ta đều “biết rằng chúng ta là kẻ có tội” một cách tổng quát, nhưng “không dễ dàng” để buộc tội mình là người tội lỗi một cách cụ thể. “Chúng ta rất quen với việc nói, 'Con là kẻ có tội’”. Đức Thánh Cha quan sát rằng chúng ta làm điều ấy theo cùng một cách khi chúng ta nói, “Tôi là một con người,” hoặc “Tôi là một công dân Ý.” Nhưng thực sự cáo buộc chính mình có nghĩa là thực sự cảm thấy sự đau khổ của chính mình: “cảm thấy đau khổ”, đau khổ trước mặt Chúa. Nó liên quan đến cảm giác xấu hổ. Và đây là cái gì đó không đến từ lời nói, nhưng từ con tim. Nghĩa là, có một cảm nhận cụ thể, như trong trường hợp của Phêrô khi thánh nhân nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Ngài thực sự cảm thấy mình là kẻ tội lỗi; và rồi thánh nhân cảm thấy mình được cứu rỗi.
Ơn cứu rỗi mà “Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta” đòi hỏi sự xưng thú tội lỗi chân thành này chính vì “ơn cứu rỗi không phải là một thứ mỹ phẩm”, thay đổi vẻ bề ngoài của anh chị em bằng “hai nét vẽ.” Thay vào đó, ơn cứu rỗi biến đổi chúng ta - nhưng để tiến vào ơn cứu độ, anh chị em phải dọn chỗ trong tâm hồn mình với một lời thú nhận chân thành về tội lỗi của chính mình; và như thế chúng ta mới cảm thấy ngạc nhiên như Phêrô đã cảm nhận.
Như thế, bước đầu tiên trên con đường hoán cải là cáo buộc chính mình với sự xấu hổ, và để trải nghiệm được sự kỳ diệu của cảm nhận mình được cứu rỗi. “Chúng ta phải thay đổi,” “chúng ta phải làm việc đền tội,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói và mời gọi cộng đoàn suy ngẫm về những cám dỗ cáo buộc người khác:
“Có những người ngày qua ngày nói về người khác, cáo buộc người khác và không bao giờ nghĩ đến tội lỗi của chính mình. Và khi tôi đi xưng tội, tôi làm sao để xưng tội? Phải chăng giống như một con vẹt? ‘Bla, bla, bla. .. Con đã phạm điều này, điều nọ. ..’ Nhưng anh chị em có xúc động bằng con tim của mình trước những gì anh chị em đã gây ra không? Biết bao nhiều lần chẳng mảy may xúc động. Anh chị em đến đó để trang điểm một chút, để làm cho mình trông đẹp đẽ hơn. Nhưng nó chưa hoàn toàn ăn sâu vào trong trái tim anh chị em, bởi vì anh chị em không dành ra chỗ trong tâm hồn mình cho ơn cứu độ, bởi vì anh chị em không có khả năng tự tố cáo bản thân mình.”
Và do đó bước đầu tiên cũng là một ân sủng: ân sủng biết buộc tội chính mình, chứ không phải là người khác:
“Một dấu chỉ cho thấy một Kitô hữu không biết cách tự buộc tội mình là khi người ấy quen thói cáo buộc người khác, nói về người khác, và tò mò về cuộc sống của người khác. Và đó là một dấu chỉ xấu. Tôi có làm điều này không? Đó là một câu hỏi hay để đi đến cốt lõi của vấn đề. Hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa cho ân sủng, ân sủng để tìm thấy chính mình mặt đối mặt với Ngài với sự diệu kỳ mà sự hiện diện của Ngài mang đến; và ân sủng cảm thấy rằng chúng ta là kẻ có tội, nhưng một cách cụ thể, và có thể nói cùng với Phêrô: ‘Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!’”