Theo dõi dư luận mấy ngày qua trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo về tin Đức Hồng Y Pell vào tù về “tội” lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, người ta thấy đủ phản ứng. Phần lớn là phẫn nộ. Nhưng có người, dù là vị vọng trong Giáo Hội như Đức Tổng Giám Mục Comensoli của Melbourne, lại đi dùng chữ “tủi nhục”. Tủi nhục là thế nào. Mình có làm gì đâu mà tủi nhục. Tủi nhục chăng là cái vụ khởi tố, kết án không dựa vào “corroborating evidence” (chứng cớ làm vững thêm) của tòa Melbourne, như Cha xứ gốc Đại Hàn của tôi viết trong Bản Tin Giáo Xứ Beverly Hills, New South Wales, Australia. Có ai dám bảo đảm là lời tố cáo của 1 người duy nhất là hoàn toàn đáng tin cậy hay không. Trên đời, lời vu oan cáo vạ không thiếu gì. Nên người ta mới cần đến “corroborating evidence”. Đàng này thì bất cần loại “evidence” này mà vẫn có thể kết án. Không ai lại không tin lời của 1 nạn nhân đích thực. Nhưng 1 nạn nhân không đích thực thì sao. Nếu ta tin người này, ta vô tình tạo ra thứ nạn nhân khác. Công lý ở đâu?

Linh mục Raymond J. de Souza, chủ bút tập san Convivium, vì thế, gọi đích danh vụ khởi tố Đức Hồng Y Pell là Bách Hại Tôn Giáo trong bài “Calling Cardinal Pell’s Prosecution What It Is: Religious Persecution”. Chỉ có như vậy người ta mới hiểu được sự vô lý của bản án.

Trích dẫn lời của Henry David Thoreau, nhà bác học Hoa Kỳ thế kỷ 19: “Dưới 1 chính phủ cầm tù bất cứ ai một cách bất công, nơi ở thực sự cho 1 người công chính cũng là nhà tù” (Civil Disobedience), Cha de Souza viết rằng: Đức Hồng Y George Pell chính xác đang ở nơi ngài đáng lẽ nên ở vào đêm thứ Tư ở Melbourne: trong nhà tù. Sau đây là nguyên văn bài báo của Cha de Souza:

Bây giờ khi “lệnh cấm tường trình” kỳ cục ở Úc đã được hủy bỏ, ta được tự do tuyên bố điều vốn hiển nhiên trong một số năm qua.Việc khởi tố Đức Hồng Y Pell vốn là một cuộc hoài thai công lý quái gở, một cuộc bách hại tôn giáo do các phương tiện tố tụng thi hành.

Đức Hồng Y Pell đã bị kết tội Tháng Mười Hai vừa qua vì tấn công tình dục 2 thiếu nam 13 tuổi năm 1996. Ngay từ đầu, diễn trình dẫn đến việc kết tội là một chiến thuật được nâng đỡ và tính toán nhằm hủ hóa hệ thống công lý hình sự để đạt các mục tiêu do chính trị giật dây.

Thế là nay Đức Hồng Y Pell đang ngồi tù, chờ ngày bị kết án vào đầu tháng Ba. Việc Đức Hồng Y Pell vào tù chẳng có chi là tủi nhục cả: tủi nhục rõ ràng là điều đủ dư để phải mang bởi những kẻ đã đặt ngài vào đó.

Lời tố cáo gian

Hoài thai công lý (xử oan) quả có diễn ra. Đức Hồng Y Pell từng bị cáo gian năm 2002,và trước ngài, Đức Hồng Y Joseph Bernardin của Chicago bị cáo gian năm 1993. Cả hai vụ cáo gian đều được giải quyết bằng cách chạy đến với cảnh sát hay tòa án.

Tuy nhiên, trường hợp của Đức Hồng Y Pell không phải là một vụ hoài thai công lý giống như một sai lầm. Nó được thực hiện với cảnh sát và công tố viên có ác ý từ trước.

Người Mỹ không nên ngạc nhiên về điều này, vì danh sách những người bị kết án sai rất dài. Ngay cả một số tử tù cũng đã được gỡ tội trước khi vụ hành quyết họ được thi hành.

Truy tố cách ác ý những người nổi tiếng

Trường hợp nổi tiếng gần đây nhất ở Hoa Kỳ là vụ kết tội năm 2008 của Thượng nghị sĩ Ted Stevens, R-Alaska, người đã mất một cuộc vận động tái tranh cử xít xao sau khi bị kết tội không báo cáo điều bị coi là một món quà. Chỉ sau khi một nhân viên kiểm soát (whistleblower) của FBI tiết lộ hành vi sai trái đáng tiếc của công tố viên, ông Stevens mới được miễn tội. Việc này đến quá muộn để ông được tái cử, nhưng tiếng tốt của ông đã được khôi phục. Stevens qua đời năm 2010.

Nếu một Bộ Tư pháp do Đảng Cộng hòa lãnh đạo có thể kết án một cách có chủ ý, ác ý và sai trái thượng nghị sĩ Cộng hòa phục vụ lâu nhất trong nước, lúc ấy vẫn còn nổi tiếng ở bang nhà của ông, thì quả là trò chơi tương đối trẻ em để các công tố viên ở Victoria kết tội cách có chủ ý, ác ý và sai trái Đức Hồng Y Pell, người đã phải chịu một chiến dịch phỉ báng của truyền thông kéo dài hàng năm ở Úc. Chính cường độ của sự phỉ báng này đã khiến người ta có thể tìm được một bồi thẩm đoàn 12 người ở Melbourne, sẵn sàng tin rằng Đức Hồng Y Pell cũng đã lạm dụng tình dục các thiếu nam.

Tuy nhiên, vụ kiện chống lại Đức Hồng Y Pell kỳ quái một cách lố bịch đến nỗi các công tố viên phải mất hai lần mới có được các lời kết tội. Phiên tòa đầu tiên, vào tháng 9, đã kết thúc bằng một bồi thẩm đoàn ngang ngửa (hung jury), trong đó, có báo cáo cho rằng các bồi thẩm viên bỏ phiếu 10-2 để tha bổng. Một phiên tòa tái thẩm tiếp theo sau đó, với 1 bồi thẩm đoàn đạt được sự nhất trí cần thiết để kết tội vào tháng Mười Hai.

Các sự kiện được giả thiết của vụ án

Điều quan trọng đối với người Công Giáo là biết chi tiết chuyên biệt của vụ án, không phải chỉ là các tuyên bố tóm tắt cho rằng nó “yếu”.

Công tố viện buộc tội rằng Đức Hồng Y Pell, thay vì chào hỏi mọi người sau Thánh lễ, như thông lệ của ngài, lập tức rời bỏ mọi người trong Nhà thờ chính tòa Thánh Patrick, và đi vào phòng áo lễ không có ai đi cùng. Một mình vào phòng áo lễ, ngài thấy hai cậu bé ca viên, lúc đó cũng rời khỏi đám rước có cả năm chục cậu bé ca viên khác và đang uống trộm rượu lễ.

Bắt được các em quả tang, sau đó ngài nhanh chóng quyết định tấn công tình dục các em – “giao hợp bằng miệng”, nói cho chính xác một cách không đẹp lắm.

Điều này ngài đã hoàn thành ngay sau Thánh lễ, với cánh cửa phòng áo mở toang, mặc dù còn mặc đủ các lễ phục và hợp lý biết rằng ông từ coi phòng áo lễ, vị trưởng nghi, các cậu giúp lễ hoặc các vị đồng tế có thể ra vào hoặc thậm chí đi ngang qua cánh cửa mở, như thường lệ sau thánh lễ.

Trong khi đó, có hàng chục và hàng chục người trong nhà thờ chính tòa, cầu nguyện hoặc rảo quanh.

Toàn bộ sự việc diễn ra trong vòng sáu phút, sau đó các cậu trai đã đi tập hát và không bao giờ nói về điều đó với bất cứ ai trong 20 năm, thậm chí không nói với nhau. Thật vậy, một trong hai cậu bé, người đã chết vì dùng heroin quá liều lượng vào năm 2014, đã nói rõ với mẹ mình trước khi chết rằng anh ta chưa bao giờ bị lạm dụng tình dục.

Các điều được giả thiết là sự kiện hầu như không thể nào hoàn thành được. Hãy hỏi bất cứ linh mục của một giáo xứ có kích thước bình thường - huống hồ là một nhà thờ chính tòa - xem có thể cưỡng hiếp các cậu bé ca viên trong nhà thờ ngay sau Thánh lễ được không. Sáu mươi giây – chứ đừng nói sáu phút - sẽ không trôi qua nếu không có ai, hoặc vài người, đi vào đi ra, hoặc ít nhất là đi ngang qua cánh cửa mở. Hãy hỏi bất cứ linh mục nào xem ngài có thường ở một mình trong phòng áo ngay sau Thánh lễ, trong khi vẫn còn người trong nhà thờ và thánh đường chưa được dọn sạch.

Hơn nữa - một lần nữa, xin lỗi vì đã dùng đồ họa - không thể thực hiện việc cho là giao hợp khi mặc đầy đủ phẩm phục để cử hành Thánh lễ. Một lần nữa, hãy hỏi bất cứ 1 linh mục nào - huống chi là một tổng giám mục, người được mặc nhiều phẩm phục hơn - về sự lúng túng khi phải đến viếng Phòng tắm, nếu cần thiết, sau khi đã mặc phẩm phục. Nó đòi hỏi phải cởi phẩm phục, ít nhất một phần, hoặc phải xử lý vụng về các phẩm phục khác nhau, khiến việc sử dụng nhà vệ sinh trở nên khó khăn, không nói chi đến tấn công tình dục.

Người khiếu nại nói rằng Đức Hồng Y Pell chỉ vạch phẩm phục của ngài sang một bên, một điều không thể có, vì áo anba không có các lỗ hổng như vậy.

Điều mà Đức Hồng Y Pell bị buộc đã làm chỉ đơn giản là điều không thể có, ngay cả khi ngài đủ điên rồ cách nào đó để thử làm như vậy. Hơn nữa, bất cứ người đàn ông nào cố gắng hãm hiếp các bé trai ở nơi công cộng với người ta đi qua đi lại hẳn phải là loại người phạm tội liều lĩnh, mà về họ, đã có cả một lịch sử lâu dài về hành vi đó. Tất nhiên, không hề có một lịch sử như vậy.

Việc tham nhũng của cảnh sát

Không có gì đáng ngạc nhiên khi một bồi thẩm đoàn gồm 12 công dân bình thường có thể bị thuyết phục, trái với bằng chứng và lương tri, rằng Đức Hồng Y Pell đã phạm tội. Dù sao, hàng chục và hàng chục cảnh sát và công tố viên được đào tạo và có kinh nghiệm quyết định rằng cựu tổng giám mục Sydney có tội ngay cả trước khi bất cứ cáo buộc nào được đưa ra. Đó là sự căm thù của Úc đối với Giáo Hội Công Giáo nói chung và George Pell nói riêng.

Vào năm 2013, cảnh sát Victoria đã phát động “Cuộc Hành Quân Tethering” để điều tra Đức Hồng Y Pell, mặc dù không có khiếu nại nào chống lại ngài. Sau đó, một chiến dịch kéo dài bốn năm để tìm những người sẵn sàng cáo buộc lạm dụng tình dục, một chiến dịch bao gồm cảnh sát Victoria lấy quảng cáo trên báo yêu cầu người ta khiếu nại về lạm dụng tình dục tại nhà thờ chính tòa Melbourne - trước khi có bất cứ khiếu nại nào.

Cảnh sát đã có người của họ, và chỉ cần một nạn nhân.

Với việc Úc đang trải qua một cuộc điều tra của ủy ban hoàng gia về lạm dụng tình dục - với việc Giáo Hội Công Giáo thu hút phần lớn sự chú ý - chỉ là vấn đề thời gian trước khi tìm thấy một ai đó có thể nói điều gì đó, hoặc nhớ điều gì đó, hoặc, nếu cần thiết, chế tạo nó hoàn toàn. Việc, sau tất cả những nỗ lực đó, cảnh sát Victoria chỉ có thể kết hợp được một vụ án mỏng manh như vậy tự nó là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Đức Hồng Y Pell không phải là kẻ lạm dụng tình dục.

Chứng từ - hoặc không - của các người khiếu nại

Trong các vụ lạm dụng tình dục ở Victoria, nạn nhân làm chứng tại tòa án kín, nên công chúng không biết và không thể đánh giá tính đáng tin cậy của những gì được nói ra.

Trong phiên tòa đầu tiên, người khiếu nại đã làm chứng trước bồi thẩm đoàn. Bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu không kết án. Trong phiên tòa thứ hai, người khiếu nại hoàn toàn không làm chứng, nhưng các ghi chép về lời khai của anh ta trong phiên tòa đầu tiên đã được đưa ra thay thế. Dường như bồi thẩm đoàn đầu tiên, những người được nghe người khiếu nại trực tiếp, thấy anh ta ít đáng tin hơn bồi thẩm đoàn thứ hai, những người không gặp anh ta trực tiếp.

Do đó, Đức Hồng Y Pell đã bị kết án dựa trên lời khai của một nhân chứng đã trình bày một câu chuyện không đáng tin, không có bằng chứng thêm (corroboration), không có bất cứ bằng chứng vật lý nào và không có bất cứ mẫu tác phong nào trước đó, trước sự kiên quyết nhất mực của người bị coi là thủ phạm rằng không có chuyện gì thuộc loại này xảy ra cả. Điều đó, gần như theo định nghĩa, đáp ứng các tiêu chuẩn của sự nghi ngờ hợp lý.

Càng ngạc nhiên hơn nữa, bồi thẩm đoàn kết án Đức Hồng Y Pell đã tấn công cậu bé thứ hai, mặc dù anh ta đã phủ nhận với chính gia đình mình rằng mình từng bị quấy rối. Người được cho là nạn nhân thứ hai đã chết năm 2014. Anh ta không bao giờ khiếu nại, không bao giờ được cảnh sát phỏng vấn và không bao giờ được kiểm tra tại tòa án.

Không có sự thù hận công cộng đối với Đức Hồng Y Pell, một trường hợp như vậy thậm chí sẽ không bao giờ được đưa ra tòa. Nhưng chỉ vì cảnh sát đã có người của họ trước khi họ có bất cứ cáo buộc hay bằng chứng nào, các công tố viên biết rằng họ có cơ hội tốt để có được một bồi thẩm đoàn quyết kết án Đức Hồng Y Pell đến mức họ chỉ phải cho những người này cơ hội mà thôi.

Một phiên tòa bí mật

Theo luật Victoria, một thẩm phán có thể ban hành lệnh cấm bất cứ và mọi tường trình về vụ án, khi họ nghĩ là cần thiết để bảo vệ một phiên tòa khỏi bị áp lực công cộng không đáng có. Lệnh cấm tường trình này, có nghĩa là ngay cả các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell cũng không được tiết lộ cho đến tuần này, hơn hai tháng sau khi bị kết án, rõ ràng là để bảo vệ Đức Hồng Y Pell được xét xử công bằng.



Trong thực tế, nó bảo vệ các công tố viên khỏi phải bảo vệ sự yếu kém của vụ án của họ trước tòa án công luận. Nếu, gần hai năm trước, các công tố viên đã phải tranh luận trước công chúng rằng Đức Hồng Y Pell đã hãm hiếp hai cậu bé ca viên trong một nhà thờ chính toà đông đúc ngay sau Thánh lễ Chúa Nhật, ít nhất sẽ có một chút áp lực đối với bộ trưởng tư pháp Victoria phải duyệt lại xem liệu công lý đám đông (mob justice) có đang tiến hành hay không, như năm ngoái tại Úc, nơi Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson của thành phố Adelaide bị kết án vì che đậy một vụ lạm dụng tình dục. Ngài đã bị kết án, và mặc dù ngài không muốn từ chức trước khi việc kháng cáo của ngài được thụ lý, áp lực từ Vatican, các giám mục anh em và thủ tướng Úc đã buộc ngài phải từ chức.

Chỉ vài tháng sau, ngài được tha bổng khi chống án, với thẩm phán tòa phúc thẩm phán quyết rằng bồi thẩm đoàn kết án ngài có khả năng bị ảnh hưởng bởi cơn giận dữ công khai đối với Giáo Hội Công Giáo.

Việc ấy đã xảy ra một lần nữa.