Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Cha Raymond J. de Souza, chủ bút tập san Convivium, gọi đích danh vụ khởi tố Đức Hồng Y Pell là Bách Hại Tôn Giáo trong bài “Calling Cardinal Pell’s Prosecution What It Is: Religious Persecution”.
Theo cha Souza, ngay từ đầu, diễn trình dẫn đến việc kết tội là một chiến thuật được nâng đỡ và tính toán nhằm làm hủ hóa hệ thống công lý hình sự để đạt các mục tiêu do chính trị giật dây.
Việc Đức Hồng Y Pell vào tù chẳng có chi là tủi nhục đối với người Công Giáo cả: nhưng tủi nhục hiển nhiên phải chính là tâm tình phải có của những kẻ đã đặt ngài vào đó.
Đức Hồng Y Pell từng bị cáo gian năm 2002, và trước ngài, Đức Hồng Y Joseph Bernardin của Chicago cũng từng bị cáo gian vào năm 1993. Cả hai vụ cáo gian đều được dàn xếp bằng cách chạy đến với cảnh sát hay tòa án.
Trường hợp của Đức Hồng Y Pell là một vụ hoài thai công lý được thực hiện với cảnh sát và công tố viên có ác ý từ trước.
Vụ kiện chống lại Đức Hồng Y Pell kỳ quái một cách lố bịch đến nỗi các công tố viên phải mất hai lần mới có được các lời kết tội. Phiên tòa đầu tiên, vào tháng 9, đã kết thúc bằng một bồi thẩm đoàn ngang ngửa, trong đó, 10 bồi thẩm viên bỏ phiếu vô tội trong khi chỉ có 2 người khăng khăng buộc tội ngài.
Tuy không có thêm bất kỳ tố cáo nào mới từ nguyên cáo hay từ bất cứ người nào khác về bất cứ hành vi sai trái nào của ngài từ lần xử trước đến lần xử này; và đồng thời cảnh sát cũng bị chỉ ra là đã sơ suất trong việc điều tra hiện trường vụ án được cho là nơi xảy ra lạm dụng; thế mà bồi thẩm đoàn thứ hai đã bỏ phiếu 12-0 để kết tội ngài!
Chính thẩm phán phiên tòa cũng có vẻ ngạc nhiên khi nghe phán quyết. Trước tòa, mẹ của người được cho là nạn nhân thứ hai, nay đã chết, cho biết con bà đã nói với bà trước khi qua đời rằng anh ta chưa bao giờ bị lạm dụng tính dục.
Sau khi chứng minh rằng các cáo buộc là không thể đúng sự thật, ngài cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi một bồi thẩm đoàn gồm 12 công dân bình thường bị thuyết phục, trái với bằng chứng và lương tri, rằng Đức Hồng Y Pell đã phạm tội. Dù sao, hàng chục này đến hàng chục khác các cảnh sát và công tố viên được đào tạo và có kinh nghiệm đã quyết định rằng cựu tổng giám mục Sydney có tội ngay cả trước khi bất cứ cáo buộc nào được đưa ra. Đó là sự căm thù của chủ nghĩa thế tục cực đoan tại Úc đối với Giáo Hội Công Giáo nói chung và Đức Hồng Y George Pell nói riêng.
2. George Weigel: Chuyện Đức Hồng Y Pell: Nước Úc giờ đây đang được trắc nghiệm
Tờ First Things hôm 27 tháng Hai có đăng bài nhận định sau của Tiến Sĩ George Weigel với nhan đề “The Pell Affair: Australia Is Now on Trial” – “Chuyện Đức Hồng Y Pell: Nước Úc giờ đây đang được trắc nghiệm”.
Toàn văn như sau:
Có ai khác ngoài kia đang hăng máu tranh luận về bản án đồi bại được đưa ra để chống lại Hồng Y George Pell, để kết án ngài về “lạm dụng tình dục trong quá khứ”, nhận ra rằng Đức Hồng Y không nhất thiết phải trở về quê hương bản quán để đối mặt với phiên tòa hay không? Là thành viên của Hồng Y đoàn của Hội Thánh Rôma và là một quan chức của Vatican, Đức Hồng Y có hộ chiếu ngoại giao của Vatican và quyền công dân của Quốc gia Thành Vatican. Nếu thực sự ngài đã phạm tội, ngài lẽ ra có thể ở lại trong vùng an toàn đặc miễn ngoại giao của Vatican, chính quyền Úc không thể chạm tới. Nhưng vì Đức Hồng Y Pell biết mình vô tội, nên ngài quyết tâm về quê nhà để bảo vệ danh dự của mình, và theo nghĩa rộng hơn, để bảo vệ hàng thập kỷ làm việc của ngài để tái xây dựng Giáo Hội Công Giáo ở Úc, nơi nhiều phần sống động vẫn còn nợ rất nhiều sự lãnh đạo và lòng can đảm của ngài.
Đức Hồng Y Pell và tôi đã là bạn trong hơn năm mươi năm, và trong hai thập kỷ rưỡi của tình bạn đó, tôi đã kinh hoàng nhận ra các gian truân mà ngài đã phải gánh chịu, từ các phương tiện truyền thông Úc siêu thế tục và cả từ nhiều giới trong Giáo hội quyết tâm bám vào giấc mơ làm một cuộc cách mạng của họ sau Công Đồng Vatican II.
Một cuộc tấn công đáng nhớ nhắm vào ngài xảy ra ngay sau khi tôi đến chơi nhà ngài ở Melbourne vào cuối năm 2000: Tác giả bài báo vu cáo rằng Tổng Giám mục Pell lúc đó say mê các đồ phụng vụ đắt tiền và ngôi nhà của ngài chứa đầy những phẩm phục thêu gấm thêu hoa và những thứ lặt vặt đắt tiền dùng trong nhà thờ. Tôi rất vui khi có thể trả lời bằng văn tự hẳn hoi rằng, chỉ cần ở trong nhà vài ngày, tôi có thể báo cáo chính mắt nhìn thấy ngài chỉ có một phẩm phục duy nhất, nhưng tôi đã thấy sách ở khắp mọi nơi, cũng như những số ra gần đây nhất của mọi tạp chí đề xuất các ý kiến và những phản hồi trong khu vực nói tiếng Anh, từ mọi phía tả, hữu và trung dung.
Một thời gian sau đó, cáo buộc lạm dụng tình dục đầu tiên được đưa ra đối với Đức Hồng Y Pell,vào thời điểm đó ngài đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm tổng giám mục Sydney. Theo đúng các thủ tục pháp lý, ngài giải quyết vấn đề trước hết tại Melbourne rồi sau đó vấn đề được đưa đến New South Wales, Đức Hồng Y Pell đã tự nguyện rời khỏi chức vụ cho đến khi có một cuộc điều tra tư pháp, dẫn đầu bởi một cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Úc, đã làm sáng tỏ hoàn toàn mọi việc. Khi phán quyết được phát sóng lần đầu tiên, Đức Tổng Giám Mục Pell đã bị thúc giục bởi một quan chức cấp cao của Vatican, là hãy tiếp tục tấn công và công khai truy tố người tố cáo ngài. Đức Hồng Y đã từ chối lời khuyên đó, nhận xét một cách gượng gạo với tôi vào thời điểm ngài trả lời cho viên chức trong giáo triều Rôma rằng, đối với những người thuộc bộ lạc Công Giáo Ái Nhĩ Lan của ngài ở Úc, “Chúng tôi học môn tôn giáo từ Rôma còn môn chính trị chúng tôi học ở nhà.”
Niềm tin của Đức Tổng Giám Mục George Pell vào công lý Úc đã được minh oan trong dịp đó. Nhưng bây giờ, niềm tin của ngài vào hệ thống tư pháp Úc đã bị thử thách một lần nữa, và lần này là một thử thách cay đắng. Vì không phải là George Pell đang bị xét xử, nhưng là niềm xác tín của ngài; và vị Hồng Y, với sự thanh thản và điềm nhiên đối với cuộc tấn công vào nhân cách của ngài, đã phải ngồi trong một nhà tù ở Melbourne: “đi tĩnh tâm” như ngài nhắn tin với bạn bè.
Như tôi đã chỉ ra ở đây, cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell đầy rẫy những chuyện không thể xảy ra và tồi tệ hơn ngay từ đầu. Cảnh sát Victoria đã lần mò tìm phương thế chống lại Đức Hồng Y Pell, cả một năm trước khi nhận được bất kỳ khiếu nại nào từ bất kỳ người nào được cho là một nạn nhân. Phiên điều trần, trong đó bác bỏ nhiều cáo buộc mà cảnh sát đưa ra, đáng lẽ phải bãi bỏ tất cả chúng; nhưng giữa bầu không khí công cộng sôi sục có thể so sánh với Salem, và Massachusetts, trong cơn cuồng loạn săn lùng phù thủy vào thế kỷ XVII, một phán quyết tổ chức một phiên tòa hình sự đã được đưa ra. Trong phiên tòa đó, và sau khi các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y Pell chứng minh rằng những tội ác mà ngài bị cáo buộc không thể nào xảy ra nổi, một bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu 10-2 để tha bổng ngài; nhưng điều đó có nghĩa là một bồi thẩm đoàn bế tắc đã xảy ra (một số thành viên đã khóc khi phán quyết của họ được đọc [vì họ không thuyết phục được 2 người kia đồng thuận với họ]) và như thế tòa đã quyết định xét xử lại. Tại phiên tòa xét xử lại, các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y Pell đã chứng minh rằng có mười điều không thể tin được và không thể xảy ra đồng thời trùng hợp như thế trong cáo buộc chống lại ngài; không có thêm bất kỳ tố cáo nào mới từ bất cứ người nào khác về bất cứ hành vi sai trái nào của ngài từ lần xử trước đến lần xử này; và cảnh sát cũng bị chỉ ra là đã sơ suất trong việc điều tra hiện trường vụ án được cho là nơi xảy ra lạm dụng; thế mà bồi thẩm đoàn thứ hai đã bỏ phiếu 12-0 để kết tội ngài, sau những gì có thể được hiểu một cách hợp lý rằng họ đã từ chối thực hiện nghiêm chỉnh các hướng dẫn của thẩm phán về cách thức hình thành các bằng chứng.
Và như thế khi lệnh cấm đưa tin về bản án đã được dỡ bỏ và phán quyết thứ hai đã được tiết lộ vào đầu tuần này, một dòng thác Niagara những lời lăng mạ đã tới tấp đổ xuống Hồng Y Pell từ cả các giới chính trị và truyền thông, mặc dù thực tế là một số ít các nhà báo dũng cảm của Úc và Cha Frank Brennan (một tu sĩ dòng Tên người Úc nổi bật đứng ở đầu kia của quang phổ giáo hội so với Đức Hồng Y Pell) đã chỉ ra sự bất công trầm trọng trong bản án dành cho ngài.
Một cái gì đó rất, rất là sai ở đây.
Không ai nghi ngờ rằng Giáo Hội Công Giáo ở Úc đã sơ suất rất nhiều trong việc đối phó với tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ trong nhiều thập kỷ. Không ai thực sự hiểu biết lịch sử cải cách Công Giáo ở Úc có thể nghi ngờ rằng người lật ngược mô hình phủ nhận và che đậy chính là George Pell, cũng là người có sự trung thực và can đảm để áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt mà ngài áp đặt khi có người tố cáo chính mình. Nếu Đức Hồng Y Pell trở thành vật tế thần cho những thất bại mà ngài đã làm việc chăm chỉ để sửa chữa, thì những câu hỏi nghiêm trọng nhất phải được đặt ra về năng lực của dư luận Úc về lý trí và sự công bằng cơ bản, và về sự khát máu của một phương tiện truyền thông thế tục hung hăng, quyết tâm thắng cho bằng được về chính trị và giáo hội với một trong những công dân nổi tiếng nhất trên trường quốc tế, là người dám thách thức các nhóm “tiến bộ” về tất cả mọi thứ, từ việc giải thích Công Đồng Vatican II đến phá thai, biến đổi khí hậu và chiến tranh chống chủ nghĩa thánh chiến.
Khi sự thật cuối cùng được đưa ra, những người có lý trí trên khắp thế giới này sẽ thấy rằng hầu như tại mọi thời điểm trong quá trình khó khăn này, hệ thống tư pháp đã không đứng về phía Hồng Y Pell, người đã tự nguyện trở về nhà để tự biện hộ. Hệ thống đó cũng đã không đứng về phía nước Úc. Các luật sư của Đức Hồng Y bây giờ sẽ kháng cáo; Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể, và nên, đồng ý với đơn kháng cáo của Đức Hồng Y rằng bồi thẩm đoàn thứ hai không thể đưa ra phán quyết có tội một cách hợp lý, và sau đó bác bỏ hoàn toàn phán quyết này. Điều này, theo thuật ngữ kỹ thuật của luật pháp Úc, là một bản án không an toàn "unsafe verdict". Bản án ấy không chỉ là không an toàn đối với riêng Hồng Y George Pell.
Nếu nó không được đảo ngược tại phiên kháng cáo, bản án sai lầm đó sẽ tạo thành một bản cáo trạng mới: bản cáo trạng về một hệ thống pháp lý không thể tự đưa ra công lý khi đối mặt với sự hiềm khích của công chúng, sự trả thù chính trị và sự gây hấn của truyền thông. Điều đó có nghĩa là Úc, hoặc ít nhất là Tiểu bang Victoria, nơi mà phiên tòa này đã diễn ra là một nơi không an toàn, cho cả các công dân lẫn những du khách.
3. Rối loạn trong cuộc họp thường niên của United Methodist vì những tranh cãi chung quanh vấn đề đồng tính
Trong một cuộc bỏ phiếu với kết quả rất sát 438 trên 384, hội nghị khoáng đại thường niên của United Methodist (Hội Thánh Tin Lành Giám Lý) năm 2019, diễn ra từ 25 đến 27 tháng Hai tại St. Louis, đã khẳng định tiếp tục lệnh cấm phong chức giáo sĩ cho những người đồng tính, cấm cử hành phép cưới cho các cặp đồng tính, và cấm chúc phúc cho các cặp đồng tính bên trong nhà thờ.
Được thành lập vào năm 1968 từ sự hợp nhất của hai giáo phái Tin Lành, Hội Thánh Tin Lành Giám Lý có 12.7 triệu thành viên, trong đó 7 triệu người sống ở Hoa Kỳ.
Cuộc họp thường niên của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý đã trở nên căng thẳng khi xảy ra những tranh cãi liên quan đến đề xuất loại bỏ ba lệnh cấm nêu trên. Một số đã quỳ xuống cầu nguyện, khóc lóc, và van xin các đại biểu khác chấp thuận việc bãi bỏ các cấm đoán này.
Nancy Denardo, đại biểu miền Tây Pennsylvania, đã trích dẫn Kinh thánh trong cuộc tranh luận của cô chống lại đề xuất này.
“Bạn bè ơi, xin vui lòng ngưng ngay việc gieo rắc các hạt giống lừa dối,” cô nói. “Tôi rất tiếc nếu sự thật của Tin Mừng làm tổn thương bất cứ ai. Tôi yêu các bạn và tôi yêu các bạn rất nhiều đến mức tôi phải nói sự thật.”
Cảnh các đại biểu khác quỳ xuống cầu nguyện, khóc lóc xin Chúa “mở lòng trí” cho các đại biểu khác chấp thuận việc bãi bỏ các cấm đoán này khiến cô rùng mình. “Tại sao người ta có thể công khai cầu xin Chúa ban cho một chuyện tội lỗi như thế?”
Giám mục Scott Jones của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý Texas cho biết trong một tuyên bố rằng cuộc bỏ phiếu giải quyết một cuộc tranh luận lâu dài về việc làm thế nào mà hội thánh có thể hoàn thành tốt nhất sứ mệnh của chúng ta là như các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô trong việc chuyển hóa thế giới.
“Quyết định này phù hợp với giáo phái của chúng tôi, lập trường truyền thống về tình dục của con người, như được nêu trong Sách Kỷ luật phát hành năm 1972,” ông Scott Jones nói.
4. Hồng Y Nicaragua triều yết Đức Thánh Cha về tình hình tại quốc gia này
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết từ ngày 27 tháng 2, cuộc đối thoại giữa chính phủ và đại diện của phe đối lập đã được tái tục tại Nicaragua. Đại diện của Hội Đồng Giám Mục sẽ ngồi vào bàn đàm phán, với tư cách là nhân chứng và người trung gian hòa giải cùng với các đại diện của chính phủ và phái đoàn của xã hội dân sự.
Trong khi đó, tại Vatican đã có cuộc gặp riêng giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, Tổng Giám mục Managua, Chủ tịch Hội đồng Giám mục. Trong quá khứ, Đức Hồng Y cũng đã nhiều lần triều yết Đức Thánh Cha vì tình hình nghiêm trọng ở quốc gia Trung Mỹ này. Vào tháng Giêng vừa qua, toàn bộ Hội Đồng Giám Mục Nicaragua cũng đã gặp Đức Thánh Cha tại Ngày Giới trẻ Thế giới ở Panama.
Trước cuộc tổng biểu tình vào ngày thứ Bảy 28 tháng 7, năm ngoái 2018, các Giám mục đã gửi một bức thư trực tiếp cho Ortega bày tỏ mong muốn của các ngài tiếp tục làm trung gian trong các cuộc đối thoại hòa giải quốc gia. Các Giám mục Nicaragua cũng nói rõ ràng rằng các ngài đứng về phía người dân và yêu cầu cộng đồng quốc tế chú ý đến những gì đang xảy ra tại Nicaragua.
Hồi tháng Tư năm ngoái, khi các cuộc biểu tình nổ ra khắp nơi, Ortega đã mời các giám mục làm trung gian trong các cuộc đối thoại hòa giải quốc gia. Đây chỉ là một động tác giả để hắn ta có thời giờ điều động bọn công an Sandinista từ địa phương này sang địa phương khác cải trang thành côn đồ thân chính phủ.
Điều quân xong, Ortega phỉ báng các Giám Mục là “những kẻ mưu toan đảo chính” và sai bọn công an giả danh côn đồ tấn công các nhà thờ. Các linh mục và cả các Giám Mục cũng bị tấn công.
Tiêu biểu là hôm 11 tháng 7, 2018, nhà thờ Thánh Giacôbê Tông Đồ ở quận Jintotepe ngay trong thủ đô Managua đã bị bọn côn đồ trang bị dao phay, tiểu liên và cả các vũ khí hạng nặng tấn công và cướp bóc.
Tại thánh lễ phạt tạ hôm 25 tháng 7, 2018 cho các hành động tấn công, hôi của và phạm thánh tại nhà thờ này, Đức Hồng Y Leopoldo Brenes đã kêu gọi những người Công Giáo Nicaragua đừng ‘răng đền răng, mắt đền mắt’ với sự đàn áp bạo lực của bọn cầm quyền Ortega.
5. HĐGM Hoa Kỳ kinh hoàng trước quyết định chận đứng dự luật bảo vệ thai nhi đã chào đời của Thượng Viện
Tối thứ Hai, các thượng nghị sĩ phò sinh tại Thượng Viện Hoa Kỳ đã thất bại trong việc thuyết phục các đồng viện thông qua Born-Alive Abortion Survivors Protection Act (dự luật bảo vệ thai nhi sống sót sau các phẫu thuật phá thai).
Thượng nghị sĩ Ben Sasse, đại biểu Cộng Hòa ở tiểu bang Nebraska là tác giả của dự luật này. Ông đề nghị việc cấm các bác sĩ giết chết các thai nhi sống sót sau các phẫu thuật phá thai, và phải bảo đảm rằng những hài nhi này phải được chăm sóc như các hài nhi được sinh ra bình thường khác có cùng tuổi thai. 53 thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận, 44 bỏ phiếu chống, và 3 người không bỏ phiếu. Tại Thượng viện, một dự luật cần phải đạt được túc số 60 phiếu để được thông qua. Hiện nay, Thượng viện Hoa Kỳ gồm 100 nghị sĩ, 53 thuộc đảng Cộng Hoà, 45 thuộc đảng Dân Chủ và 2 thượng nghị sĩ độc lập.
Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) về các hoạt động vì sự sống, đã đưa ra tuyên bố sau đây:
“Không có dự luật nào dễ cho Thượng viện thông qua hơn cho bằng một điều rõ ràng rằng việc giết trẻ sơ sinh là sai và không nên được dung thứ. Một thượng nghị sĩ thôi, chứ đừng nói chi đến 44 thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu chống lại dự luật bảo vệ thai nhi sống sót sau các phẫu thuật phá thai, là một sự bất công gây kinh hoàng và tức giận cho người dân Mỹ và buộc chúng ta phải có những hành động chính trị quyết liệt. Một cuộc bỏ phiếu chống lại dự luật này là một cuộc bỏ phiếu để nới rộng giấy phép giết người Roe chống Wade, từ chỗ giết chết những đứa trẻ chưa sinh giờ đây lấn sang cả giết chết những đứa trẻ sơ sinh. Người dân Mỹ, đại đa số ủng hộ dự luật này, phải đòi hỏi công lý cho những đứa trẻ vô tội.”
6. Hội Đồng Giám Mục Pakistan âu lo về nguy cơ chiến tranh giữa nước này và Ấn Độ
“Chúng tôi lên án các cuộc tấn công khủng bố ở Kashmir, nhưng chúng tôi cũng lên án bất kỳ phản ứng vũ trang nào: chúng tôi cầu xin Chúa hoán cải lòng trí con người để ngăn chặn bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến chiến tranh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân và cầu nguyện cho hòa bình giữa Ấn Độ và Pakistan”.
Đó là một phần trong thư của Đức Cha Samson Shukardin, OFM, Giám Mục giáo phận Hyderabad, gởi cho thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.
Sau cuộc tấn công ở Kashmir vào ngày 14 tháng 2, trong đó 42 binh sĩ Ấn Độ bị giết, quân đội Ấn đã thực hiện một cuộc đột kích vào một trại huấn luyện của các phần tử cực đoan Hồi giáo nằm sâu bên trong lãnh thổ Pakistan. Đây là cuộc tấn công đầu tiên kể từ năm 1971, khi hai nước giao tranh với nhau về việc Bangladesh ly khai khỏi Pakistan.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố rằng “Trên 300 tên khủng bố đã bị giết chết trong cuộc tấn công vào nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammed.” Đây là một nhóm thánh chiến Hồi Giáo Sunni được hình thành tại Ấn Độ nhưng các trung tâm huấn luyện của chúng được đặt tại Pakistan. Chúng chạy qua chạy lại giữa biên giới hai nước.
Nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammed đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố ở Kashmir hôm 14 tháng 2.
Lo sợ sự leo thang này có thể dẫn đến chiến tranh quy ước, Đức cha Samson tuyên bố: “Cả hai nước, Ấn Độ và Pakistan, phải tôn trọng lẫn nhau và phải thực tế, và phải tìm hiểu thực tại, và làm việc cùng nhau vì thiện ích chung. Thay vì đe dọa lẫn nhau, các nhà lãnh đạo của cả hai nước phải làm việc cùng nhau và dành ưu tiên cho việc duy trì hòa bình.”
“Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị của cả hai quốc gia cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại thông qua các cuộc đàm phán tại bàn hòa đàm, thay vì tiếp tục leo thang các lời buộc tội lẫn nhau.”
Lãnh đạo Ấn Độ cáo buộc Pakistan liên quan đến vụ tấn công khủng bố ngày 14/2. Tuy nhiên, thủ tướng Pakistan, Imran Khan, phủ nhận sự liên can của chính quyền Pakistan trong vụ tấn công này và đã đề nghị Ấn Độ hỗ trợ cho một cuộc điều tra.
Cha Qaisar Feroz dòng Phanxicô Capuchin, thư ký điều hành của Ủy ban Truyền thông Xã hội thuộc Hội Đồng Giám Mục Pakistan nói với Fides: “Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo chính trị của cả hai nước nên sử dụng thiện chí chính trị để giải quyết vấn đề Kashmir. Chiến tranh không bao giờ là con đường đúng đắn: hòa bình và nới lỏng các căng thẳng chính trị chắc chắn sẽ mang lại sự thịnh vượng ở cả hai bên biên giới, chúng ta phải chọn con đường đối thoại và giải quyết xung đột trong hòa bình.”
7. Tuần tĩnh tâm đầu Mùa Chay của Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma
Chiều Chúa Nhật 10 tháng Ba, Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh sẽ rời Vatican đi tĩnh tâm mùa chay cho đến sáng thứ Sáu, 15 tháng Ba.
Giống như các năm trước, các vị dùng xe bus để tới trung tâm “Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolo ở Ariccia, cách Roma khoảng 30 cây số về hướng nam.
Vị giảng thuyết cho tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm nay là cha Bernardo Francesco Maria Giann, dòng Biển đức, viện phụ của đan viện San Miniato al Monte ở Florence. Chủ đề của các bài suy niệm là “Thành phố của những khát khao mãnh liệt. Để có những ánh nhìn và cử chỉ phục sinh trong đời sống của thế giới.”
Tuần tĩnh tâm bắt đầu lúc 16 giờ chiều Chúa Nhật với buổi Chầu Mình Thánh Chúa và kinh chiều. Những ngày sau đó có kinh sáng lúc 7 giờ rưỡi, tiếp đến là bài suy niệm thứ I lúc 9 giờ rưỡi, rồi thánh lễ đồng tế.
Ban chiều lúc 6 giờ có bài suy niệm thứ II, tiếp đến là Chầu Thánh Thể và kinh chiều.
Sáng thứ Sáu 15 tháng Ba, sẽ có thánh lễ lúc 7 giờ rưỡi và một bài kết thúc lúc 9 giờ rưỡi.
Tổng cộng có 10 bài suy niệm với các chủ đề lần lượt là: “Chúng ta ở đây là vì điều này”, “Giấc mơ của La Pira”, “Chúng ta ở đây để đốt cháy lại các hòn than bằng hơi thở của chúng ta” , “Sự hiện diện của tai tiếng, của máu, và của sự thờ ơ”, “Anh em có nhớ không?”, “Những khao khát mãnh liệt”, “Những lá cờ hòa bình và tình huynh đệ”, “Chúng ta hãy nắm tay nhau”, “Đêm đầy sao”, và cuối cùng là “Thành phố được đặt trên núi”.
Tuần tĩnh tâm của giáo triều Rôma đã được khởi xướng từ năm 1929 dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô XI. Trong thời gian đầu giáo triều dự tĩnh tâm vào Mùa Vọng. Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã đổi sang tĩnh tâm vào tuần thứ nhất Mùa Chay.
Trong tuần tĩnh tâm, Đức Thánh Cha sẽ ngưng tất cả các cuộc tiếp kiến, bao gồm cả buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 13 tháng Ba, là ngày kỷ niệm 6 năm ngài được bầu làm Giáo hoàng.
8. Giới thiệu vị giảng thuyết trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay 2019 của giáo triều Rôma
Trong bài “Pope Francis Chooses Italian Benedictine to Lead Lenten Retreat” – “Đức Thánh Cha đã chọn một tu sĩ dòng Biển Đức hướng dẫn tuần tĩnh tâm”, được đăng trên National Catholic Register hôm 28 tháng Hai, Edward Petin (một tỉ phú tại California, nhưng thường xuyên sống tại Rôma để làm ký giả đưa tin về Vatican cho hệ thống truyền hình EWTN của Hoa Kỳ) đã giới thiệu vị giảng thuyết trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm nay của giáo triều Rôma bắt đầu từ chiều Chúa Nhật 10 tháng Ba, đến sáng thứ Sáu, 15 tháng Ba.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn một tu sĩ dòng Biển Đức “với những hiểu biết sâu sắc về văn hóa”, và là một trong những kiến trúc sư trưởng của một hội nghị được tổ chức vào năm 2015 tại Florence về chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo, để thuyết giảng tại tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm nay của Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma.
Cha Olivetan Bernardo Gianni, viện phụ của đan viện San Miniato al Monte nổi tiếng nhìn xuống thành phố Florence, sẽ hướng dẫn các bài suy niệm ở Ariccia, ngoại ô Rôma, từ ngày 10 tháng 3.
Đan viện Đức Mẹ Núi Olivet đã được thành lập vào năm 1313 và tu hội Olivet đã được nhập vào Liên minh dòng Biển Đức từ năm 1960.
Trong một tuyên bố, Cha Gianni cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bất ngờ gọi điện thoại cho cha và mời ngài hướng dẫn các bài tĩnh tâm.
Đó là “một cuộc trò chuyện thoải mái”, ngài nói, và thêm rằng: “Khi tôi nói với ngài rằng tôi không có bất kỳ bằng cấp nào về giáo hội hay thần học nào khả dĩ có thể biện minh cho một lời mời như vậy,” Đức Giáo Hoàng với một phong cách phóng khoáng nói với tôi: “Ồ đó là điểm rất tích cực đấy.”
10 bài suy niệm trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay của cha Gianni đã được lấy cảm hứng từ bài thơ Siamo Qui Per Questo (Chúng ta ở đây là vì điều này) của nhà thơ người Ý Mario Luzi (sinh năm 1914 và qua đời năm 2005), là người có lòng sùng kính đền thánh San Miniato al Monte và đã viết bài thơ này riêng tặng cho đền thờ.
Tuần tĩnh tâm Mùa Chay hàng năm của Đức Giáo Hoàng, cũng có sự tham dự của các quan chức cao cấp trong Giáo triều Rôma, được cho là một trong những điểm nổi bật trong năm của Đức Thánh Cha. Ngài chọn những vị thuyết giảng trong tuần tĩnh tâm từ những người mà ngài thấy có chiều sâu tâm linh và ý thức sâu sắc về văn hóa.
Hôm 27 tháng Hai, Andrea Fagioli, viết trên tờ Avvenire, nghĩa là Tương Lai, tờ nhật báo của Hội Đồng Giám Mục Ý, rằng viện phụ Bernardo Gianni, 50 tuổi, là “một người có kiến thức sâu sắc về văn hóa và tâm linh” và là một “tu sĩ xã hội”, theo nghĩa là ngài đã mở toang cánh cửa của tu viện để giao lưu với thế giới, giúp nó trở thành “một nơi của vẻ đẹp, của sự gặp gỡ, hiệp thông và sự cởi mở với bên ngoài và với người khác.”
Cha Gianni đã tìm cách đổi mới tu viện, Fagioli nói thêm, bằng cách mở tu viện này ra với thành phố và chào đón những người tìm kiếm ý nghĩa, sự an ủi, và đức tin. Các nghi thức Phụng Vụ của tu viện là Hình thức Thông thường của Nghi lễ La Mã, trong khi Phụng Vụ Các Giờ Kinh được nguyện bằng tiếng Latinh.
Sinh tại Prato gần Florence, Francesco Gianni (tên khai sinh của ngài) đã sống xa cách đức tin trước khi trở lại với Giáo Hội và khám phá ơn gọi của mình vào năm 1992. Năm 2009, ngài được chọn làm phụ tá viện phụ. Tháng 12 năm 2015, ngài được bầu làm viện phụ.
Là người ủng hộ nhiệt tình sự nhấn mạnh của Công Đồng Vatican II về đối thoại và gặp gỡ với thế giới, ngài đã đóng một vai trò quan trọng vào tháng 11 năm 2015 trong việc chuẩn bị một hội nghị được tổ chức bởi Hội Đồng Giám Mục Ý về “một chủ nghĩa nhân văn mới trong Chúa Giêsu Kitô”, nhân chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Prato và Florence [hôm 10 tháng 11 năm 2015].
Trong một diễn từ thu hút sự chú ý đáng kể vào thời điểm đó, Đức Thánh Cha nói với hội nghị rằng thật là vô dụng khi đi tìm những giải pháp cho các bệnh tật và vấn đề trong Giáo hội thông qua “chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa cực đoan”, hay trong cố gắng “phục hồi các thực hành và các hình thức lỗi thời thậm chí không thể còn có chút ý nghĩa nào về mặt văn hóa”. Ngài cũng cảnh báo chống lại một đức tin “bị khóa trong chủ nghĩa chủ quan”.
Đức Giáo Hoàng tiếp tục chỉ trích những gì ngài cho là hai lỗi lầm phổ biến trong Giáo hội ngày nay: Chủ nghĩa Pêlagiô, một dị giáo phủ nhận tội lỗi nguyên tổ, và thuyết Ngộ đạo, phủ nhận thần tính của Chúa Kitô, đều là những cám dỗ sẽ đánh bại chủ nghĩa nhân bản Kitô Giáo chân thực. Sau này, ngài đã mở rộng các chủ đề này trong Tông huấn năm 2018 về sự thánh thiện trong thế giới hiện đại, Gaudete et Exsultate (Mừng rỡ hân hoan).
Ngài nói thêm rằng tín lý Kitô Giáo “không phải là một hệ thống khép kín, hết khả năng tạo ra các câu hỏi, các bận tâm, nhưng nó sống động, làm người ta không yên, sinh động hóa người ta. Gương mặt của nó không cứng nhắc, cơ thể nó động đậy và phát triển, da thịt nó mềm mại: đó là da thịt của Chúa Giêsu Kitô”. Ngài kết luận rằng “Chủ nghĩa nhân văn Kitô dựa trên nhu cầu đối thoại và gặp gỡ, để cùng nhau xây dựng một xã hội dân sự.”
Khi được hỏi một tháng sau đó, sau khi đã được bầu làm viện phụ, về những gì còn đọng lại trong ngài về thông điệp của Đức Giáo Hoàng, Cha Gianni cho biết “một chương trình nghị sự đầy những nhiệm vụ, đặc biệt cho trái tim của chúng ta, là phải tái khám phá tính trung tâm của Tin mừng, lời kêu gọi yêu thương của Phúc Âm, và chú ý đến những hình thức cũ và mới của sự nghèo nàn.”
Ngài nói rằng thông điệp của Đức Giáo Hoàng cũng nhắc nhở ngài đừng rơi vào một “ý thức hệ đức tin hay giáo hội” mà phải có một chương trình nghị sự quan tâm đến những người vẫn còn xa cách chúng ta, và không bao giờ được thỏa mãn bởi những thành quả mục vụ nhưng phải không ngừng nghỉ trong việc phụng sự Chúa bằng cách mang lại ý nghĩa và hy vọng cho mọi người.
Cha Gianni cho biết ngài tin rằng Đức Giáo Hoàng đã chọn ngài hướng dẫn tuần tĩnh tâm Mùa Chay vì ngài có liên quan đến hội nghị đó, và công việc tổ chức lễ kỷ niệm 1,000 năm tu viện San Miniato al Monte - một nhà thờ mà theo ngài, có “ơn gọi” là “trò chuyện với càng nhiều người càng tốt ở mọi nơi.”
Do đó, ngài nói rằng các bài suy niệm sẽ được rút ra từ cuộc sống đan tu, từ “ánh mắt của các tu sĩ và cộng đồng tu sĩ trên thành phố, với định hướng về Chúa, nhưng không bao giờ vô cảm với những gì được sống ở trung tâm thành phố.”
9. Các cử hành Phụng Vụ Mùa Chay tại Rôma
Tại giáo phận Rôma, các cử hành trong Mùa Chay sẽ diễn ra lần lượt tại các nhà thờ, và được gọi là các “Stazioni” – các “chặng” như các chặng đàng thánh giá (Stazioni della Via Crucis).
Thứ Tư Lễ Tro ngày 6 tháng Ba
Chặng đầu tiên đã do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự trong ngày thứ Tư Lễ Tro 6 tháng Ba.
Lúc 4:30 chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự cuộc rước kiệu sám hối từ nhà thờ thánh Anselmo của dòng Biển Đức tới đền thờ thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh.
Đi trong đoàn rước với Đức Thánh Cha, có đông đảo các Hồng Y và Giám Mục trong giáo triều Rôma, các tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.
Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ Năm, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân.
10. Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’ 29 tháng Ba
Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’, được khởi xướng trong Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa, sẽ được tiếp tục, và được cử hành tại Rôma vào chiều ngày thứ Sáu 29 tháng Ba, tức là thứ Sáu sau Chúa Nhật thứ Ba Mùa Chay. Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Phụng Vụ Sám Hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 5h chiều, với nghi thức thống hối chung, xưng tội và lãnh ơn xá giải cá nhân, tại Đền thờ Thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha, các Hồng Y, một số đông các Giám Mục và linh mục sẽ ngồi tòa giải tội trong dịp này.
Trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus, nghĩa là “Khuôn mặt xót thương”, nhằm thiết định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha đã giải thích về ý nghĩa cuả sáng kiến này và thời gian cử hành như sau:
“Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa,’ được cử hành vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước tuần thứ Tư của Mùa Chay, nên được thực hiện trong mỗi giáo phận. Rất đông người, kể cả giới trẻ, đang trở lại với Bí tích Hòa giải; qua cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta hãy đặt Bí tích Hoà giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự.”
11. Chúa Nhật Lễ Lá 14 tháng Tư
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Lễ Lá tại Quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 10h sáng Chúa Nhật 14 tháng Tư. Đây cũng là Ngày Giới Trẻ Thế Giới cấp giáo phận lần thứ 35.
Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép lá diễn ra tại chân cây tháp bút ở giữa Quảng trường và cuộc rước lá diễn ra tiếp theo đó với sự tham dự của đông đảo các bạn trẻ của giáo phận Rôma. Thánh Lễ đã được diễn ra tại trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô.
Lễ Dầu ngày thứ Năm Tuần Thánh 18 tháng Tư
Lúc 9h30 sáng thứ Năm 18 tháng Tư, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Lễ Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với đông đảo các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục thuộc giáo triều Rôma và khoảng 1,600 linh mục thuộc giáo phận Rôma.
Trong thánh lễ dầu các linh mục lặp lại những lời hứa các ngài đã tuyên thệ khi thụ phong linh mục. Sau đó, các loại dầu được làm phép để dùng trong suốt năm khi thực hiện các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, Phong Chức Linh Mục, và Bí tích Xức Dầu.
12. Lễ Tiệc Ly ngày thứ Năm Tuần Thánh 18 tháng Tư
Các vị tiền nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô thường cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly - Missa in coena Domini - vào chiều ngày thứ Năm Tuần Thánh tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô là nhà thờ chánh tòa của Đức Thánh Cha trong cương vị Giám Mục Rôma.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô giữ thực hành vốn có của ngài khi còn là Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giám Mục thủ đô Buenos Aires của Á Căn Đình, là cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly chiều ngày thứ Năm Tuần Thánh tại các nhà tù, các trung tâm cải huấn, trung tâm phục hồi nhân phẩm, bệnh viện…
Năm 2013, trong ngày thứ Năm Tuần Thánh đầu tiên triều Giáo Hoàng của ngài, ngài đã đến trại giam trẻ vị thành niên Casal del Marmo của Rôma, nơi ngài rửa chân cho các phạm nhân nam và nữ trẻ.
Năm sau, 2014, ngài chủ sự Thánh lễ và nghi thức rửa chân tại cơ sở phục hồi chức năng Don Gnocchi ở S.Maria della Provvidenza cho người già và người khuyết tật ở ngoại ô Rome.
Vào năm 2015, ngài đến nhà tù Rebibbia là nhà tù chính của Rôma, nơi ngài đã cử hành Thánh lễ với các tù nhân nam ở đó. Các phụ nữ từ một nhà tù nữ gần đó cũng được mời đến tham dự buổi lễ.
Năm 2016, ngài mừng lễ với những người tị nạn tại trung tâm tiếp nhận người di dân CARA ở Castelnuovo di Porto, cách Rôma 29km phía bắc.
Năm 2017, ngài đã đến một nhà tù ở Paliano cách Rôma khoảng 72 km.
Năm ngoái 2018, Đức Thánh Cha đã đến thăm và cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly tại nhà tù Regina Coeli, nghĩa là Nữ Vương Thiên Đàng, của thành phố Rôma cách Vatican khoảng 1600m.
Vào đầu tháng Tư, Phòng Báo Chí Tòa Thánh sẽ thông báo chi tiết địa điểm Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly năm nay.
13. Thứ Sáu Tuần Thánh 19 tháng Tư
Lúc 5 giờ chiều ngày thứ Sáu 19 tháng Tư cùng với giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Phụng Vụ Suy Tôn Thánh Giá tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Sau đó, lúc 9 giờ 15 phút tối Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại Hí Trường Colosseum và ban phép lành cho tất cả mọi người hiện diện.
Thứ Bẩy Tuần Thánh 20 tháng Tư
Lúc 8 giờ 30 tối, thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong thánh lễ, ngài sẽ ban bí tích Rửa Tội và Thêm Sức cho các tân tòng.
Chúa Nhật Phục sinh
Sáng Chúa Nhật ngày 21 tháng 4, Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ Phục sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 10 giờ sáng. Ngay sau đó, ngài sẽ đọc thông điệp “Urbi et Orbi” gởi Rôma và thế giới; và ban phép lành Tòa Thánh kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới.