Theo tin CNA, ngày 4 tháng 7, Đức Phanxicô đã dành cho Tổng Thống Nga, Valimir Putin, cuộc yết kiến kéo dài 55 phút tại Tông Điện Vatican.
Sau cuộc hội kiến, Tổng Thống Nga nói “cám ơn ngài về thì giờ ngài đã dành cho tôi”.
Đây là cuộc hội kiến Đức Giáo Hoàng lần thứ ba và là lần thứ năm thăm Vatican của Tổng Thống Nga, Valimir Putin. Ông đến Tòa Thánh trễ gần 1 tiếng đồng hồ, cũng như hai lần hội kiến trước đây.
Lý do có thể là vụ hỏa hoạn trên tiềm thủy đỉnh nguyên tử tối mật của Nga vào hai hôm trước. Đức Phanxicô đã gửi điện chia buồn vì thảm họa này. Các viên chức Nga đã xác nhận rằng tiềm thủy đỉnh tối mật của họ chạy bằng hạch nhân non một giờ trước cuộc hội kiến Đức Giáo Hoàng. Vụ hỏa hoạn khiến 14 thủy thủ Nga thiệt mạng.
Ngày 3 tháng 7, Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho hay: “Đức Thánh Cha được thông tri về thảm họa của tiềm thùy đỉnh Nga. Ngài bày tỏ lời chia buốn và sự gần gũi với các gia đình nạn nhân và những người bị ảnh hưởng bời thảm họa này”.
Đại sứ Nga tại Tòa Thánh, Aleksandr Avdeev, trước cuộc hội kiến, nói rằng ông mong đợi Ông Putin và Đức Giáo Hoàng thảo luận “sự bất ổn trong các bang giao quốc tế, cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, số phận Syria, vấn đề giải giới hạch nhân, tình hình ở Iran”.
Trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Nga Ogonek, Ông Avdeev nói rằng “thì giờ đã đến để người Công Giáo không còn có thể giải quyết nhiều vấn đề và thách thức bỏ ngỏ, nếu không lưu ý tới luận lý học chính trị của Nga và kinh nghiệm của Đạo Chính Thống của chúng ta”.
Người ta cũng mong đợi Ông Putin sẽ thảo luận tình hình ở Ukraine sau khi Giáo Hội Chính Thống Ukraine tách khỏi Giáo Hội Chính Thống Nga năm ngoái. Thượng Phụ Đại Kết của Constantinople đã chính thức nhìn nhận sự độc lập của Giáo Hội Chính Thống Ukraine hồi tháng Giêng năm nay.
Tổng Giám Mục Công Giáo Ukraine Svyatoslav Shevchuk của Kiev, cùng với các nhà lãnh đạo khác của Giáo Hội Công Giáo Ukraine theo nghi lễ Hy Lạp, mong hội kiến với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các viên chức Vatican vào cuối tuần này.
Trong cuộc hội kiến giữa Ông Putin và Đức Phanxicô hồi tháng Sáu năm 2015, Đức Giáo Hoàng yêu cầu nơi Ông Putin “một cố gắng thành thực và toàn diện để đạt hòa bình” tại Ukraine sau khi Nga sáp nhập Crimea 1 năm trước đó. Cuộc hội kiến đầu tiên của hai vị hồi tháng 11 năm 2013 tập chú vào cuộc nội chiến Syria.
Sau chuyến viếng thăm Vatican, Ông Putin sẽ gặp Tổng Thống và Thủ Tướng Ý trong chuyến viếng thăm Rome 1 ngày.
Ông Putin cũng đã hội kiến với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 2000 và năm 2003 và hội kiến với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI năm 2007. Tòa Thánh và Liên Bang Nga tái lập liên hệ ngoại giao đầy đủ năm 2009.
Hợp tác giữa “Bambino Gesu” và các bệnh viện nhi khoa Nga
Theo tin Zenit ngày 4 tháng 7, Ông Putin cũng đã hội kiến với Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, và Tổng Thư Ký Văn Phòng Liên Lạc với các Quốc Gia, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher.
Tuyên bố báo chí của Tòa Thánh cho hay “Trong các cuộc thảo luận thân hữu, hai bên bày tỏ sự hài lòng trước viêc phát triển các mối liên hệ song phương, được củng cố hơn nữa nhờ các qui thức hiểu nhau được ký kết hôm nay liên quan tới việc hợp tác giữa Bệnh Viện Nhi Khoa 'Bambino Gesù' và các bệnh viện nhi khoa của Liên Bang Nga”.
Tuyên bố viết tiếp: Hai bên sau đó đã lưu tâm “tới một số vấn đề liên quan tới đời sống của Giáo Hội Công Giáo tại Nga”.
Hơn nữa, “hai bên tiếp tục xem xét vấn đề sinh thái và nhiều đề tài khác nhau liên quan đến quốc tế sự vụ hiện nay, nhất là có liên hệ với Syria, Ukraine và Venezuela”.
Không có cuộc thảo luận nào về lời mời Đức Giáo Hoàng thăm viếng Nga. Về khía cạnh này, ngày 1 tháng 7, trong cuộc phỏng vấn của Zenit, Đức Cha Paolo Pezzi, Tổng Giám Mục Giáo Đô của tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Mạc Tư Khoa cho hay “điều đó không có trong ý định của Ông Putin. Tôi không nghĩ Tổng Thống Nga có thể tự ý đưa ra bước đó được, mà trước đó không có sự ủng hộ rõ rệt của Giáo Hội Chính Thống”.
Ngài nhận định “Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ trương rằng tùy thẩm quyền chính trị đưa ra lời mời chính thức. Tuy nhiên, trước nhất mọi thực tại tôn giáo liên hệ đến vấn đề phải quan tâm đến việc tiếp đón Đức Giáo Hoàng. Và, cho đến nay, đối với tôi xem ra về phần Giáo Hội Chính Thống ở Nga, thành phần tôn giáo quan trọng nhất, chưa có lời mời chính thức”.
Nhân dịp này, Zenit nhắc lại một số cuộc hội kiến trước đây của Ông Putin với các vị Giáo Hoàng và với Tòa Thánh. Cuộc hội kiến năm 2013 tập chú vào hòa bình và Trung Đông nhưng vấn đề cộng đồng Công Giáo ở Nga cũng đã được thảo luận. Ai cũng biết, hồi đó, Ông Putin đã bày tỏ lòng biết ơn với Đức Giáo Hoàng về các cố gắng của ngài đối với Syria.