Theo John Allen, tháng 7 tại Rôma là tháng nóng bức nhất, nên các vị Giáo Hoàng thường ngưng các buổi yết kiến và rời thành phố để tránh cái nóng nung người của Mùa Hè.
Chuyện nổi tiếng là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho xây một hồ tắm tại dinh mùa hè Castel Gandolfo để dìm mình trong những ngày nóng bức của tháng 7 và tháng 8. Đức Bênêđíctô XVI thì nổi tiếng vì việc đầu tiên khi vừa được bầu năm 2005 là tổ chức nghỉ hè ở Les Combes thuộc Valle d’Aosta, miền Bắc Ý cạnh dãy núi Alps ngay tháng 7 năm đó.
Đến thời Đức Phanxicô thì tình hình ra khác, ngài không chịu phí phạm thì giờ trong tháng nóng bức này, trái lại, còn thực hiện nhiều chuyện rất đáng lưu ý.
Tháng 7 năm 2013: đi Lampedusa như dấu chỉ tình liên đới với các di dân; Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Ba Tây, trong đó có câu nổi tiếng “tôi là ai mà dám phê phán?”; và chấp thuận một phép lạ dọn đường cho việc phong thánh Đức Gioan Phaolô II.
Tháng 7 năm 2014: Gặp lần đầu các nạn nhân của nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục; cho Eugenio Scalfari phỏng vấn lần thứ hai, sau đó, nhà báo ở tuổi 90 này nói rằng Đức Giáo Hoàng nói với ông: luật độc thân linh mục sẽ không còn; vị Giáo Hoàng đầu tiên tới thăm một nhà thờ của Phái Ngũ Tuần do một mục sư bạn người Á Căn Đình coi sóc.
Tháng 7 năm 2015: Thăm 3 nước Châu Mỹ La Tinh: Bolivia, Ecuador và Paraguay, trong đó, ngài cực lực lên án chủ nghĩa tư bản với câu nói thời danh tiền bạc là đống phân của ma qủy.
Tháng 7 năm 2016: Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, Ba Lan, trong đó, có chuyến viếng thăm Auschwitz, nơi ngài cố tình giữ im lặng; bổ nhiệm nhà báo Mỹ kỳ cựu Greg Burke làm phát ngôn viên; gọi việc ISIS ám sát linh mục già yếu người Pháp Jacques Hamel là “phi lý”.
Tháng 7 năm 2017: Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự ủng hộ đối với cha mẹ của bé Charlie Gard, những người yêu cầu phải giữ cho đứa con của họ bị chứng bệnh hiếm hoi được sống bất chấp lệnh tòa cho phép ngưng việc điều trị; không tiếp tục bổ nhiệm Đức Hồng Y người Đức Gerhard Müller đứng đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin; và bài báo gây tranh cãi bởi 2 cộng tác viên thân tín của Đức Giáo Hoàng, Cha Dòng Tên Antonio Spadaro và Mục sự Thệ Phản người Á Căn Đình Marcelo Figueroa, những người cho rằng có thứ “đại kết thù hận” tại Hoa Kỳ giữa các người Công Giáo bảo thủ và người Tin Lành.
Tháng 7 năm 2018: Loại Theodore McCarrick khỏi Hồng Y đoàn vì các cáo buộc lạm dụng tình dục (sau đó, ông này còn bị loại khỏi hàng giáo sĩ); và chuyến viếng thăm đại kết thành phố Ý Bari.
John Allen tự hỏi: còn tháng 7 năm 2019 này thì sao? Ai cũng biết, ngày 4 tháng 7 vừa qua, đúng vào ngày Độc Lập của Hoa Kỳ, Đức Phanxicô đã gặp Putin, lãnh tụ của địch thủ lớn nhất trong Chiến Tranh Lạnh của Hoa Kỳ, trong một buổi gặp gỡ được Vatican mô tả là “những cuộc thảo luận thân tình”.
Ta cũng biết ngày 8 tháng 7 sắp tới, Đức Phanxicô sẽ cử hành một Thánh Lễ đặc biệt cho di dân tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Cử chỉ này có thể để nói lên quan điểm của Đức Giáo Hoàng đối với điều cuộc thăm dò của CNN cho là ba phần tư người Hoa Kỳ gọi việc di dân là một “cuộc khủng hoảng” vì người Dân Chủ cho rằng khủng hoảng vì đối xử tàn tệ với di dân, trong khi người Cộng Hoà thì cho tại nhiều người tràn qua biên giới.
Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề Đức Phanxicô có thể gây ngạc nhiên trong tháng 7. John Allen kể ra 3 trường hợp khả hữu sau đây:
Cải tổ Giáo Triều: Một dự thảo tông hiến tựa là Praedicate Evangelium đã hoàn tất nhằm cải tổ Giáo Triều Rôma, vốn là dự án hàng đầu của triều Giáo Hoàng này. Hiện đang được Đức Phanxicô duyệt xét và trên lý thuyết, ngài có thể phê chuẩn và công bố bất cứ lúc nào.
Các kế hoạch du hành: Có tin đồn Đức Phanxicô sẽ viếng Nhật Bản, trở về gốc rễ công cuộc truyền giáo hàng đầu của Dòng Tên, nhưng kế hoạch chưa chính thức được xác nhận. Cũng có tin đồn trên đường đi hay trên đường về, ngài sẽ dừng chân ở Thái Lan, cả việc này cũng chưa được chính thức xác nhận. Các việc xác nhận này có thể xẩy ra trong tháng 7 này.
Thay đổi nhân sự của Giáo Triều: Lúc này, 5 vị đứng đầu các bộ của Tòa Thánh đến tuồi về hưu (75), có nghĩa là đơn từ chức của các vị đang nằm trên bàn giấy của Đức Giáo Hoàng: Đức Hồng Y Marc Ouellet, Bộ Giám Mục; Đức Hồng Y Luis Ladaria, Bộ Giáo Lý Đức Tin; Đức Hồng Y Giuseppe Versaldi, Bộ Giáo Dục Công Giáo; Đức Hồng Y Beniamino Stella, Bộ Giáo Sĩ; Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Bộ Các Giáo Hội Đông Phương; và Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa. Ngoài ra còn Văn Phòng Kinh Tế hiện trống vị bộ trưởng vì Đức Hồng Y Pell đã quá tuổi 75 và hiện đang kháng án vụ Tòa sơ thẩm Melbourne kết tội ngài. Tháng 7 cũng là tháng Đức Phanxicô có thể bổ nhiệm các chức vụ này.
Theo John Allen, rất có thể những điều trên sẽ xẩy ra mà cũng có thể là nhiều điều khác. Vì Đức Phanxicô vốn là Giáo Hoàng của những điều ngạc nhiên.