TIỀN PHONG - Cái tin Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ nói với báo giới rằng ông Bush sẽ cầu nguyện tại một nhà thờ ở Hà Nội khi ông đến Việt Nam dự APEC loang khá nhanh.
Tổng thống G. Bush và phu nhân tại Nhà thờ Cửa Bắc Ảnh: TTXVN |
Còn nhà thờ Thiên Chúa giáo? Tà tà xe trong gió thu Hà thành, tôi ghé qua Ngõ Trạm. Bặt vắng không thấy sự chuẩn bị đón rước gì? Tôi bấm máy cho ông Huy Thông - Nhà báo công giáo kiêm nhà nghiên cứu Thiên Chúa giáo. Mấy năm trước ông vừa hoàn thành luận án tiến sĩ về đề tài công giáo.
Ông đã từng lưu ý mấy đồng nghiệp chuyên viết về đề tài công giáo rằng, 2005 là năm có nhiều dấu ấn. Việt Nam và Vatican chưa có quan hệ ngoại giao nhưng việc mời Bộ trưởng Truyền giáo, Đức Hồng y Crescenzio Sepe - Quyền lực chỉ sau Đức Giáo hoàng - sang thăm Việt Nam là một tín hiệu hết sức tốt lành.
Rồi nhân chuyến thăm trọng thể của Đức Hồng y Bộ trưởng Truyền giáo, Giáo hội Việt Nam mở mang thêm giáo phận. Đó là giáo phận Bà Rịa, nâng số giáo phận ở Việt Nam lên con số 26.
Đức Hồng y lại được Bí thư Thành ủy TPHCM khi ấy là ông Nguyễn Minh Triết, mời cơm thân mật. Một sự kiện nữa không kém phần long trọng là ngài được dâng lễ ở nhà thờ Đức Bà và thực hiện lễ đồng tế với 400 linh mục Việt Nam.
Rồi để góp phần khắc phục tình trạng thiếu linh mục, Thủ tướng đã chấp thuận cho Hội đồng Giám mục Việt Nam mở lớp bổ túc ngắn hạn 2 năm cho các chủng sinh lớn tuổi.
Trở lại việc đi lễ của ông Bush, nhà báo Huy Thông cho hay cũng chỉ mới nghe chứ chưa biết địa điểm cụ thể? May là ngay hôm sau, ông nhắn cho tôi, Hội đồng Giám mục và các cơ quan có trách nhiệm sau nhiều ngày bàn thảo đã quyết định địa điểm mà hai vợ chồng ông Bush sẽ tới cầu nguyện là ở nhà thờ Cửa Bắc.
Tôi loáng thoáng biết vị linh mục nhà thờ Cửa Bắc là chỗ thân thiết với Đức cha F.X Nguyễn Văn Sang mà tôi đã có vinh hạnh được tiếp chuyện vài lần. Có lẽ một dịp nào đó xin được nói nhiều về vị Giám mục nhà văn này.
Trong câu chuyện điện thoại, ngài giám mục cho hay, cha Nguyễn Quốc Khánh - Linh mục ở nhà thờ Cửa Bắc - vốn là học trò của cha vì trước cha có tham gia giảng dạy ở Đại chủng viện. Giám mục nói sẽ điện cho cha Khánh và việc đến thăm cha xin cứ tự nhiên, chớ ngại!
Bữa ấy đến nhà thờ Cửa Bắc thì đã thấy mấy cái xe mang biển APEC đậu ở sân. Băng qua khuôn viên nhà thờ rộng thênh bước vào khu vực giáo đường thì đã thấy một tốp người tây lẫn ta.
Bõ nhà thờ cho tôi biết là người của bề trên về để coi xét việc mai kia vợ chồng ông Tổng thống Mỹ đến đây dâng lễ. Chà, lo xa ghê! Nếu theo lịch thì cũng phải đến mươi hôm nữa, vợ chồng Tổng thống Mỹ mới tới Việt Nam.
Hỏi thăm qua người bõ của cha thì mới biết cha Khánh đang tuần cấm phòng. Việc gặp cha là không thể. Mấy hôm sau tôi mới gặp được cha Khánh vào tầm tối khi cha đi mục vụ ở mạn Phú Thượng về. Câu chuyện với cha Khánh cứ dài mãi ra về lịch sử nhà thờ Cửa Bắc.
Nhà thờ được dựng năm 1927. Toàn bộ hồ sơ thiết kế hiện đang lưu tại nhà MEP (dòng Thừa sai) bên Paris. Nhà thờ được xây để tưởng niệm một cố bị chặt đầu do chính sách cấm đạo từ thời Tự Đức. Nhà thờ có tên là Nữ Vương các thánh sau này gọi tắt là nhà thờ Đức Mẹ Hà Nội.
Do hồ sơ xây dựng ở tít bên xứ người nên bây giờ người ta chỉ mang máng tác giả đâu như cùng một kiến trúc sư tài năng tên là Paxkier. Ngoài Cửa Bắc, cùng thời điểm, Paxkier còn thiết kế khu nhà của Bộ Tài chính tức Bộ Ngoại giao bây giờ cùng với Bảo tàng Lịch sử ngày nay.
Mấy năm nay nhà thờ cũng như giáo xứ Cửa Bắc thêm phấn khởi là Nhà nước đã cho nhượng phần đất trong khuôn viên nhà thờ trước đây làm nhà mẫu giáo để nhà thờ xây nhà Giuse lấy địa điểm này làm nơi bồi bổ giáo lý cho giáo xứ...
...Các nhà báo hành nghề ở nhà thờ bữa nay, ngoài những giấy tờ cần thiết phải có cả giấy phép của Sứ quán Mỹ nữa. Bằng mấy cái giấy phép dày mỏng khác nhau ấy, phải mất kha khá thời gian để len lỏi qua các thủ tục an ninh quanh và trong nhà thờ.
Khi tôi đến thì các hàng ghế trong giáo đường đã đông chật các tín hữu Thiên Chúa giáo lẫn đạo Tin Lành. Họ tề tựu đông đủ từ 6 giờ sáng. Ngoài cha xứ Nguyễn Quốc Khánh, còn có Đức Giám mục Ngô Quang Kiệt thay mặt cho Giáo hội Công giáo Việt Nam và Mục sư Huyến - Đại diện cho Giáo hội Tin Lành.
Đúng 7 giờ 40, Tổng thống Mỹ G.W.Bush trong sắc phục màu xám sáng, cà vạt nâu đỏ cùng phu nhân nền nã trong bộ đồ màu tro xuất hiện và ngồi vào ghế phía trước. Không một lời giới thiệu lẫn thủ tục đón rước nào ngoài cái bắt tay của Tổng thống với hai đại diện của hai tôn giáo Việt Nam.
Âm thanh của kinh nguyện thoát ra từ lồng ngực của mấy trăm con chiên làm hàng chữ tít trên trần vòm giáo đường cao vòi vọi dường như cũng rung rinh? Regina-Martyrum-Ora-Pro-Nobis (bữa trước cha Khánh có giải thích đại để nghĩa của dòng chữ là Kính Nữ Vương các Thánh, hãy cho chúng con bình an).
Nghĩ cũng phục cho cái tài của ai đó, do sự kiện vợ chồng ông Bush đến nhà thờ chăng, hay là ban tổ chức không biết nữa, nhưng hình như ở Việt Nam chưa bao giờ có tiền lệ là chiên Tin Lành và Kito lại ngồi chung với nhau mà cầu nguyện như thế?
Tôi chợt nhớ câu chuyện của cha Khánh bữa trước là ông Bush theo đạo Tin Lành. Mà Tin Lành có đâu như hơn hai trăm dòng. Dòng của ông Bush thuộc Baptis chi đó có nhiều lời răn lẫn kinh kệ dùng chung với Kito giáo. Phải vậy chăng nên lời ca của những bản thánh kinh từ mấy trăm chiên, Tin Lành lẫn Kito đều cất lên hòa quyện thánh thót.
Giữa chừng hát kinh, Mục sư Huyến bằng chất giọng trầm ấm đứng lên như một MC dẫn cho người dự lễ hát kinh và xen vào những câu đại loại cái đẹp là sự hợp nhất của Đức Tin. Ông nói đây là cơ hội hiếm có để hai tôn giáo chung một đức tin. Giai điệu bài kinh Xin cho con biết lắng nghe dậy lên trầm ấm...
Bản kinh Hòa bình thánh thót kết thúc buổi cầu nguyện, tôi thấy ông Bush như một thoáng ngước lên mái vòm nhà thờ vòi vọi cùng tượng Đức Mẹ ẵm chúa Hài đồng, phía dưới là bàn lễ cùng cây thánh giá bằng gỗ mộc đơn sơ đang lung linh trong giá nến.
30 phút cầu kinh chung ở một nhà thờ bình yên như Cửa Bắc mà ông Bush đã cùng nước Mỹ mất đứt gần nửa thế kỷ để đến đây! Từng nghe, ông Bush vốn là người mộ đạo. Viên Thư ký Nhà Trắng bao giờ cũng phải ghi cái câu cuối cùng trong tất tật những bài diễn văn của ông là Xin Chúa chúc lành cho nước Mỹ!
Ông đang cùng bà Laura vừa thong thả theo chân một linh mục vừa khẽ cúi đầu chào những người dự lễ. Trên lối đi trong khuôn viên nhà thờ đã sắp sẵn tự khi nào hơn năm chục cô gái thướt tha trong bộ đồ đi lễ. Hai vợ chồng ông Bush lần lượt đi bắt tay từng người một trước khi lên xe.
Ngoài cửa nhà thờ, dòng chiên người nước ngoài đã đứng đợi tự khi nào. Có thể là nghe tin vợ chồng ông Bush đến cầu nguyện nên họ đến coi? Nhưng cái chính là 10 năm nay ở nhà thờ Cửa Bắc cứ bắt đầu 10 giờ sáng Chủ nhật là có buổi kinh bằng tiếng Anh dành cho người nước ngoài.
Đã có 10 năm rộng dài cho người nước ngoài ở Hà Nội thỏa mãn nhu cầu tôn giáo và Hoa Kỳ mới chỉ có hơn 10 ngày để rút Việt Nam khỏi danh sách CPC (những nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo)! Nắng thu như nhảy nhót trên vòm cây ngọc lan có tuổi thọ hơn cả nhà thờ này.
Bên tôi phóng viên của hãng AP là Benjamin đang phỏng vấn bà Lương, bà Hòa rằng, chính quyền đã bao giờ đóng cửa nhà thờ Tin Lành chưa? Bà Hòa giẫy nẩy lên: “Ồ không, đạo hữu chúng tôi tuy ít nhưng chưa bao giờ có chuyện đó cả!”.
(Trích Tiền Phong Online, 20.11.2006)