BẾ MẠC TUẦN LỄ DI DÂN – TỔNG GIÁO PHẬN SÀIGÒN

Bế mạc tuần lễ Di Dân của Tổng giáo phận Sài gòn đã khai mạc vào lúc 4 chiều Chúa nhật ngày 21 tháng 1 năm 2007. Lúc tôi có mặt tại Giáo xứ Khiết Tâm – Thủ Đức, nơi đăng cai tổ chức đồng hồ chỉ đúng 3g30, nắng vẫn còn gay gắt, hầm hập thì tại khuôn viên nhà xứ các bạn công nhân khắp nơi đã về tràn ngập khuôn viên giáo xứ.

Ngoài 3 đơn vị nòng cốt là Khiết Tâm, Bình Chánh và Xuân Hiệp thì ngày hôm nay còn có rất đông các anh chị em di dân ở các giáo xứ khác như: Hiển Linh, Tam Hải, Thạch Đà, Bình Thuận, Tân Phú, Bình An Thượng, Bình An Hạ, Mẫu Tâm, Tân Việt thuộc giáo phận Saigòn và hai giáo xứ: Dĩ An và Bình Hoà thuộc giáo phận Phú Cường cũng về tham dự.

4g 15 phút cha Phaolo Phạm Trung Dong – trưởng Ban Mục Vụ Di Dân Giáo Phận tuyên bố khai mạc ngày hội cầu cho anh chị em di dân. Ngài nói: Anh chị em di dân là những người can đảm, dám chấp nhận sự hy sinh xa lìa quê hương trong một khoảng thời gian để xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho bản thân và cho gia đình cũng như làm giàu đẹp cho xã hội. Tiếp theo cha phổ biến lá thơ ngày Quốc Tế Di Dân của Đức Thánh Cha với những ý ngắn gọn dễ nhớ: Di dân là một nguồntài nguyên lớn lao trong việc thăng tiến gia đình của nhân loại. Người dân phải lìa xa quê hương hầu như vì lý do kinh tế và Ngài nhấn mạnh: Trong lãnh vục di dân, con người luôn được đặt trọng tâm hàng đầu và Giáo hội mở ra những trung tâm nơi mà tiếng nói của di dân được lắng nghe, nơi mà họ được đón tiếp, nơi mà họ được phục vụ.

5giờ chương trình Game show tìm hiểu về giáo hội và văn hoá đại phương đã diễn ra hào hứng với 3 đội thi là Xuân Hiệp, Phaolo và Khiết Tâm. Những câu hỏi như Giáo phận nào đông giáo dân nhất? Giáo phận nào ít linh mục nhất? Ba giáo phận đầu tiên được thành lập là những giáo phận nào? Và trò chơi về nguồn với việc lật ô số ráp những câu ca dao với nhau và trò chơi đoán chữ đã làm bầu khí của nhà thờ nóng lên sau những câu trảlời đúng và những câu trả lời …trật lất, nhưng bù vào đó là những tiếng cười giòn tan cùng những bài học nho nhỏ giúp cho các bạn có một cái nhìn chung chung về giáo hội Việt Nam.

5g 45 phút, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn được các bạn di dân ùa đón nồng hậu từ cổng nhà thờ tiếng reo vang vui tươi chào đón vị cha chung của giáo phận, người luôn đau đáu quan tâm đến mục vụ di dân. Trong phần tâm tình với các bạn công nhân, ngài chia sẻ những chuyến mục vụ xứ người với những buổi gặp gỡ người Việt tha hương. Nơi đâu anh chị em mình cũng quy tụ để trở thành một cộng đoàn để cùng nhau cầu nguyện, dâng lễ và các Giám Mục địa phương đã phải khen ngợi người Việt là muối, là men giữa các quốc gia mà chúng ta đang sống.

Tuy nhiên Ngài chia sẻ tiếp về mối bận tâm khi Ngài đến Mã Lai, nơi mà anh chị em công nhân công giáo người Việt không dễ dàng được bày tỏ niềm tin trong một xã hội mà Hồi giáo là quốc giáo, hay tại Thái Lan nơi Phật giáo là quốc giáo ….Ngài cho anh chị em di dân thấy rằng họ hạnh phúc hơn nhiều so với những anh chị em sống nơi đất khách quê người. Ở Việt Nam, chúng ta được quy tụ trong các lớp giáo lý,các sinh hoạt công giáo, những hỗ trợ của giáo phận …Ngài mời gọi các bạn ý thức được đó là hồng ân Chúa ban và thánh hoá những ân huệ đó bằng cách trở nên muối, là ánh sáng nơi môi trường mà các bạn đang sống.

Đáp lại những lời nhắn gửi, những tâm tình của Đức Hồng Y là tiếng vỗ tay không dứt của hơn 3 ngàn người có mặt trong ngôi thánh đường. Sau đó Ngài trao quà cho các cá nhân, các đơn vị di dân vượt khó.

6g 30 thánh lễ bế mạc tuần lễ cầu nguyện cho những anh chị em xa quê được tổ chức ngoài trời với con số ước lượng khoảng 5 ngàn người, chỉ đứng và ngồi mà vẫn phải nhường nhau bằng cách ngồi bó gối để người bạn bên cạnh có thể chen chân vào. Trong bài giảng Đức Hồng Y lấy ví dụ của thánh Phaolo, của Đức Hồng Y F. X Nguyễn Văn Thuận là những người trong tư cách là một tù nhân, là một người tị nạn, nhưng các Ngài đã trở thành những sứ giả Tin mừng tại Roma. Chúa Thánh thần đã biến những người tị nạn trở nên những công cụ hữu hiệu của Thiên Chúa. Hay nói khác hơn sự hiện diện của các bạn nơi đây là chứng tích của Chúa Thánh Thần. Các bạn hãy sống và bảo trì hồng ân này. Và với cách dùng từ của người rặt Nam bộ, Ngài nói : hiện nay chúng ta đang gặp phải nạn sâu rầy, ở đâu có khu công nghiệp, ở đó có di dân, ở đâu có di dân nơi ấy có phá thai, ly dị và các tệ nạn khác. Nạn sâu rầy là nói theo phong cách nông dân Việt Nam, còn theo cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II đó là văn minh sự chết. Chúng ta biết có nạn sâu rầy này thì phải tìm thuốc phòng ngừa. Với toa thuốc đơn giản chỉ có 3 vị là : củng cố đời sống cầu nguyện gia đình, học và giúp nhau sống Lời Chúa và phải sống liên kết với nhau…thì chắc chắn chúng ta sẽ trở thành những cộng đoàn sống niềm tin gần gũi với Thiên Chúa nhất.

Sau thánh lễ các bạn đến các gian hàng ẩm thực đổi phiếu ăn với hơn 40 món tự chọn, và vừa thưởng thức vừa coi văn nghệ…với những phút cuối là chương trình sổ số cuối năm, phần thưởng bao gồm xe đạp, máy quạt, bàn ủi….

Một ngày gặp gỡ nhau,được nghe những huấn từ quý giá và được phục vụ tận tình….đó là một điều không tưởng – Huân- một bạn trẻ công nhân đã nói với tôi như vậy lúc ra về,bạn nói tiếp, nhưng cái được nhiều nhất đó là mình học được bài học phục vụ người khác.

Có lẽ đó cũng là tâm tình của nhiều bạn trẻ di dân khác khi được sự quan tâm của giáo hội địa phương nơi mình cư ngụ và đặc biệt qua các Dòng tu đang trực tiếp với các bạn di dân trong nhiều lãnh vực.

Kết thúc tuần lễ cầu cho di dân không phải là kết thúc việc cầu nguyện cho người di dân, nhưng là một mốc điểm để chúng ta -những người lữ hành về nhà Cha- tiếp tục cầu nguyện cho cuộc lữ hành của chúng ta luôn tràn đầy niềm vui và niềm hạnh phúc trong Tình Yêu Thiên Chúa.

Minh Nguyên