Những điểm mù về đạo đức
Mấy năm trước, khi tôi du hành tới Auschwitz, trại tập trung thời Đức Quốc xã, một câu hỏi cứ ám ảnh mãi trong đầu tôi: Người ta có biết không nhỉ?
Dân tộc Đức có biết hay không biết những gì đang xảy ra trong trại tù này, ngay gần biên giới của họ, ngay trong những lãnh thổ họ chiếm đóng? Thấy những đoàn xe lửa ra vô trại suốt năm nọ tới năm kia, thấy những hàng dài tù binh và những đám khói từ ống khói bốc lên cuồn cuộn, có phải họ đã nhìn những tội ác tàn bạo bằng đôi mắt mù lòa? Họ đã trở thành vô cảm đến độ không còn thấy được những cái chết được dàn dựng có nhịp điệu lớp lang ngay cận kề?
Một số trại tập trung, như trại tại Dachau, được thiết lập ở khu ngoại ô êm đềm ngay chính trong nước Đức, và người dân cư có thể hàng ngày đi ngang qua đó. Cỏ trong những khu vực ngoại ô này vẫn tiếp tục mọc xanh như bao nơi khác, thanh niên nam nữ lấy nhau, sinh con đẻ cái, người ta đi làm kiếm sống, và cuộc đời cứ thế mà trôi.
Đi qua một nơi như trại tập trung Dachau và Auschwitz, người ta tự hỏi: Rồi mai này có thể xảy ra như vậy nữa hay không? Một vở kịch tương tự như thế ngày nay có thể diễn xuất nơi giới trung lưu Hoa kỳ? Hầu hết sẽ trả lời chẳng chút đắn đo: “Không”. Chắc vậy, vì chúng ta hiện nay đang sống trong một thời đại và một nền văn hóa được soi sáng, không còn mù lòa.
Tuy nhiên, bằng đôi mắt nhận thức rõ rệt hơn, chúng ta có thể thấy được những điều giống nhau tai hại. Không nơi nào mà những điều tương tự như thế lại hiển nhiên hơn như trong các vấn đề đạo đức sinh học thời nay. Quả thực, xã hội chúng ta đang phải đối đầu với những cám dỗ y hệt người Đức ngày trước: cơn cám dỗ bình thường hóa những chiến dịch giết người được dàn dựng khéo léo ngay giữa lòng một xã hội có học thức.
Nếu chúng ta nhìn vào chính nền văn hóa của chúng ta, vào chính thời đại ta đang sống, sẽ thấy các máy hút thai nhi đã thay thế cho các ống khói và các Y viện Thai sản, các Trung tâm Y tế Phụ nữ đã thay thế cho các hàng rào kẽm gai của trại tập trung. Những nhân mạng chưa ra đời và phôi nhi nay được hủy diệt hệt như các tù nhân trong trại ngày nào, mà người ta vẫn thấy thanh thản đến vô cảm, và xã hội đáng kính đã không một lời đề cập. Các trường đại học lớn lao của chúng ta, đáng lẽ phải là một tiếng nói về luân lý, lại lặng câm hay lại còn cổ võ điều ác đó, cả báo chí cũng vậy, ít người dám nói đến màn khói dày đặc của cái chết đang lặng lẽ thâm nhập vào không khí.
Chúng ta chẳng cần nhìn đâu xa, chỉ coi các y viện Sinh Đẻ Có Kế hoạch nhan nhản trên đất nước chúng ta. Các thế hệ tương lai sẽ khiếp sợ vì những con số trong các bản thống kê: gần 2 triệu trẻ em chết mỗi năm. Chắc chắn chúng sẽ ngạc nhiên về chuyện con người tự chấm dứt sinh mạng của chính con cái mình với tốc độ 23 giây một mạng sống bằng cách phá thai có chọn lựa. Chắc chắn chúng sẽ hỏi: “Họ làm như thế được ư?” và “Họ có biết không nhỉ?”
Chúng ta chẳng cần nhìn đâu xa, chỉ coi các y viện về thụ thai nhân tạo hiện diện khắp các đô thị lớn ở Hoa kỳ. Các thế hệ tương lai chắc sẽ cảm thấy bị xúc phạm vì những con số: việc thụ tinh nhân tạo làm cho hàng trăm ngàn phôi người được ướp lạnh trong chất nitrogen lỏng và trở thành những “kidsicles”, nói theo chữ của một nhà bình luận. Chắc chắn chúng sẽ lên án việc nhiều phôi khác được coi như phế vật, hủy đi như rác trong bệnh viện, đổ vào cống rãnh hoặc đem thí nghiệm và chia cắt làm các tế bào gốc phôi sinh.
Điều ác có thể mang bộ mặt tầm thường nào đó. Nó không nhất thiết phải hiện hình thành kiểu quái dị hay bi thảm. Nó có thể lấy hình dạng như những điều đơn giản phù hợp với tất cả những gì người ta đang làm, với những gì người lãnh tụ nói là đúng, với những gì người lân cận chúng ta đang thực hiện. Điều ác xâm nhập từ từ vào trong cuộc sống chúng ta đến độ chúng ta không biết vì không để ý tới; nó có thể chỉ là những điều nằm ở ngoại vi lương tâm chúng ta.
Đa số những người đã hợp tác với một số tội ác và dối trá khủng khiếp nhất trong lịch sử chẳng cần phải đúc khuôn theo hình dáng những quái vật phi nhân; trái lại, họ thường giống như chúng ta. Họ có khả năng cho và nhận cảm tình và yêu thương; họ có thể có những cảm giác đẹp đẽ và các lý tưởng cao thượng; chủ nghĩa anh hùng, thành tín, gia đình và văn hóa, tất cả đều có thể cùng sống chung với những điều ác đến độ khó tin.
Trong những năm dưới chế độ quốc xã thường có những quyết định rất quan trọng được đưa ra để phò hoặc chống tội ác. Dân chúng thường bận bịu với công việc hàng ngày của họ và trên bình diện đó họ thấy chủ nghĩa quốc xã có vẻ tốt đẹp: dường như nó đem lại phồn thịnh, làm cho công việc trôi chảy, mang đến cho con người cảm giác tốt đẹp về chính họ và tổ quốc họ. Họ cẩn thận tránh xa các vấn đề luân lý – những điều ngày nay ta coi là vấn đề trọng tâm.
Vào cuối cuộc chiến khi những nỗi kinh hoàng về chủ nghĩa quốc xã được vạch trần ra, dân chúng Đức đã đáp lại: “Chúng tôi không hay biết.” Khi người ta hỏi một cư dân thành thị xem ông có biết chuyện gì xảy ra trong các trại giam người kia không, ông ta đưa ra một câu trả lời đầy đủ hơn: “Có. Chúng tôi biết có chuyện gì đó, nhưng chúng tôi không đề cập đến, chúng tôi không muốn biết quá nhiều.” Primo Levi, một nhà văn và người sống sót của trại tù Auschwitz mô tả điểm mù đạo đức của người dân Đức như sau:
“Mặc dầu có nhiều phương tiện khác nhau để biết được tin tức, nhưng hầu hết người dân Đức đã không biết bởi vì họ không muốn biết. Bởi vì, quả thực họ đã muốn không biết đến… Những người biết được thì không nói ra; những người không biết thì không hỏi; những kẻ hỏi thì không ai trả lời. Theo kiểu như thế thì một người dân Đức tiêu biểu thắng thế khi bảo vệ sự không biết của mình, sự không biết này dường như đủ biện minh cho việc theo chủ nghĩa quốc xã của y. Ngậm miệng, nhắm mắt, bịt tai lại, người đó tự tạo cho mình một ảo tưởng là mình không biết gì hết, và do đó mình không phải là người tòng phạm về những gì xảy ra ngay trước cửa nhà mình.”
Martin Luther King thường nói rằng điều làm ông đau đớn nhất là sự im lặng của những kẻ ngay lành. Còn Albert Einstein, người đã trốn khỏi Đức khi Hitler lên cầm quyền, nói lên cùng một cảm nghĩ đó khi báo Time phỏng vấn ông hôm 23 tháng 12 năm 1940. Ông nhấn mạnh rằng đôi lúc chỉ có Giáo hội và tôn giáo là có thể thách đố nguyên trạng (status quo) khi điều ác đột kích vào xã hội. Ông nói: “Là một người yêu chuộng tự do, khi cuộc cách mạng tại nước Đức xảy ra, tôi nhìn vào các trường đại học xem họ có bảo vệ tự do hay không, vì đã biết lúc nào họ cũng khoa trương rằng họ tôn sùng chân lý; nhưng không, các trường đại học lập tức bị bịt miệng. Thế rồi tôi nhìn vào các vị biên tập danh tiếng của báo chí, nơi các mục bình luận nảy lửa ngày nào cũng tuyên bố họ yêu chuộng tự do. Nhưng họ, cũng giống như các trường đại học, chỉ trong vài tuần lễ ngắn ngủi cũng bị bịt miệng. Chỉ có Giáo hội đứng trực tiếp đối đầu con đường đi của chiến dịch Hitler tung ra nhằm đàn áp chân lý. Trước kia, chưa bao giờ tôi quan tâm đặc biệt về Giáo hội, nhưng nay thì tôi cảm thấy rất yêu mến và thán phục vì thấy chỉ có mình Giáo hội có can đảm và kiên trì đứng lên tranh đấu cho sự thật của tri thức và tự do của xã hội.”
Câu hỏi dũng cảm và táo bạo mà chúng ta phải đặt ra là: “Đâu là đáp ứng của chính chúng ta đối với những điều ác xảy ra quanh mình?”
Phụng Nghi
Ghi chú:
1- Tác giả bài nói trên là Lm Tadeusz Pacholczyk, đậu tiến sĩ về thần kinh học tại đại học Yale và nghiên cứu hậu tiến sĩ tại đại học Havard. Ngài là linh mục thuộc giáo phận Fall River, tiểu bang Massachusetts, và giữ chức Giám đốc Giáo dục tại Trung tâm Đạo đức Sinh học Công giáo Toàn quốc, trụ sở ở Philadelphia.
2- Trại tập trung Auschwitz
Cổng vào Auschwitz I. Khẩu hiệu đề bên trên bằng tiếng Đức "Arbeit macht frei" có nghĩa là: "Lao động sẽ giúp bạn tự do."
Trại tập trung Auschwitz (Konzentrationslager Auschwitz) là trại lớn nhất trong các trại tập trung của Đức Quốc xã. Trại này nằm ở Ba Lan và được đặt tên theo thành phố Oświęcim gần đó, cách Kraków 50 km về phía Tây, cách thủ đô Warsaw 286 km. Trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan năm 1939, Oświęcim sáp nhập vào Đức và đổi tên thành Auschwitz.
Khu tổ hợp trại tập trung này bao gồm 3 trại chính: Auschwitz I- trung tâm hành chính; Auschwitz II (Birkenau)- trại hủy diệt (Vernichtungslager) và Auschwitz III (Monowitz)- trại lao động.
Ngoài ra còn có khoảng 40 trại vệ tinh, một số nằm cách các trại chính hàng chục cây số, với số lượng tù nhân từ vài chục đến vài nghìn người.
Số lượng người đã bị giết chết tại đây chưa được biết chính xác. Tại tòa án Nuremberg, chỉ huy trại, Rudolf Höss, đã khẳng định con số này là ba triệu người. Năm 1990, viện bảo tàng quốc gia Auschwitz-Birkenau xét lại số liệu này. Các tính toán mới đã cho ra kết quả trong khoảng 1,1- 1,6 triệu, khoảng 90% số người Do Thái của gần như tất cả các nước tại Châu Âu.
3- Trại tập trung Dachau được quốc xã Đức lập năm 1933, là trại đầu tiên mở trong lãnh thổ nước Đức, cách Munich khoảng 16 km. Nơi đây đã có gần 32 ngàn người bị giết hoặc chết trong trại.
Mấy năm trước, khi tôi du hành tới Auschwitz, trại tập trung thời Đức Quốc xã, một câu hỏi cứ ám ảnh mãi trong đầu tôi: Người ta có biết không nhỉ?
Dân tộc Đức có biết hay không biết những gì đang xảy ra trong trại tù này, ngay gần biên giới của họ, ngay trong những lãnh thổ họ chiếm đóng? Thấy những đoàn xe lửa ra vô trại suốt năm nọ tới năm kia, thấy những hàng dài tù binh và những đám khói từ ống khói bốc lên cuồn cuộn, có phải họ đã nhìn những tội ác tàn bạo bằng đôi mắt mù lòa? Họ đã trở thành vô cảm đến độ không còn thấy được những cái chết được dàn dựng có nhịp điệu lớp lang ngay cận kề?
Một số trại tập trung, như trại tại Dachau, được thiết lập ở khu ngoại ô êm đềm ngay chính trong nước Đức, và người dân cư có thể hàng ngày đi ngang qua đó. Cỏ trong những khu vực ngoại ô này vẫn tiếp tục mọc xanh như bao nơi khác, thanh niên nam nữ lấy nhau, sinh con đẻ cái, người ta đi làm kiếm sống, và cuộc đời cứ thế mà trôi.
Đi qua một nơi như trại tập trung Dachau và Auschwitz, người ta tự hỏi: Rồi mai này có thể xảy ra như vậy nữa hay không? Một vở kịch tương tự như thế ngày nay có thể diễn xuất nơi giới trung lưu Hoa kỳ? Hầu hết sẽ trả lời chẳng chút đắn đo: “Không”. Chắc vậy, vì chúng ta hiện nay đang sống trong một thời đại và một nền văn hóa được soi sáng, không còn mù lòa.
Tuy nhiên, bằng đôi mắt nhận thức rõ rệt hơn, chúng ta có thể thấy được những điều giống nhau tai hại. Không nơi nào mà những điều tương tự như thế lại hiển nhiên hơn như trong các vấn đề đạo đức sinh học thời nay. Quả thực, xã hội chúng ta đang phải đối đầu với những cám dỗ y hệt người Đức ngày trước: cơn cám dỗ bình thường hóa những chiến dịch giết người được dàn dựng khéo léo ngay giữa lòng một xã hội có học thức.
Nếu chúng ta nhìn vào chính nền văn hóa của chúng ta, vào chính thời đại ta đang sống, sẽ thấy các máy hút thai nhi đã thay thế cho các ống khói và các Y viện Thai sản, các Trung tâm Y tế Phụ nữ đã thay thế cho các hàng rào kẽm gai của trại tập trung. Những nhân mạng chưa ra đời và phôi nhi nay được hủy diệt hệt như các tù nhân trong trại ngày nào, mà người ta vẫn thấy thanh thản đến vô cảm, và xã hội đáng kính đã không một lời đề cập. Các trường đại học lớn lao của chúng ta, đáng lẽ phải là một tiếng nói về luân lý, lại lặng câm hay lại còn cổ võ điều ác đó, cả báo chí cũng vậy, ít người dám nói đến màn khói dày đặc của cái chết đang lặng lẽ thâm nhập vào không khí.
Chúng ta chẳng cần nhìn đâu xa, chỉ coi các y viện Sinh Đẻ Có Kế hoạch nhan nhản trên đất nước chúng ta. Các thế hệ tương lai sẽ khiếp sợ vì những con số trong các bản thống kê: gần 2 triệu trẻ em chết mỗi năm. Chắc chắn chúng sẽ ngạc nhiên về chuyện con người tự chấm dứt sinh mạng của chính con cái mình với tốc độ 23 giây một mạng sống bằng cách phá thai có chọn lựa. Chắc chắn chúng sẽ hỏi: “Họ làm như thế được ư?” và “Họ có biết không nhỉ?”
Chúng ta chẳng cần nhìn đâu xa, chỉ coi các y viện về thụ thai nhân tạo hiện diện khắp các đô thị lớn ở Hoa kỳ. Các thế hệ tương lai chắc sẽ cảm thấy bị xúc phạm vì những con số: việc thụ tinh nhân tạo làm cho hàng trăm ngàn phôi người được ướp lạnh trong chất nitrogen lỏng và trở thành những “kidsicles”, nói theo chữ của một nhà bình luận. Chắc chắn chúng sẽ lên án việc nhiều phôi khác được coi như phế vật, hủy đi như rác trong bệnh viện, đổ vào cống rãnh hoặc đem thí nghiệm và chia cắt làm các tế bào gốc phôi sinh.
Điều ác có thể mang bộ mặt tầm thường nào đó. Nó không nhất thiết phải hiện hình thành kiểu quái dị hay bi thảm. Nó có thể lấy hình dạng như những điều đơn giản phù hợp với tất cả những gì người ta đang làm, với những gì người lãnh tụ nói là đúng, với những gì người lân cận chúng ta đang thực hiện. Điều ác xâm nhập từ từ vào trong cuộc sống chúng ta đến độ chúng ta không biết vì không để ý tới; nó có thể chỉ là những điều nằm ở ngoại vi lương tâm chúng ta.
Đa số những người đã hợp tác với một số tội ác và dối trá khủng khiếp nhất trong lịch sử chẳng cần phải đúc khuôn theo hình dáng những quái vật phi nhân; trái lại, họ thường giống như chúng ta. Họ có khả năng cho và nhận cảm tình và yêu thương; họ có thể có những cảm giác đẹp đẽ và các lý tưởng cao thượng; chủ nghĩa anh hùng, thành tín, gia đình và văn hóa, tất cả đều có thể cùng sống chung với những điều ác đến độ khó tin.
Trong những năm dưới chế độ quốc xã thường có những quyết định rất quan trọng được đưa ra để phò hoặc chống tội ác. Dân chúng thường bận bịu với công việc hàng ngày của họ và trên bình diện đó họ thấy chủ nghĩa quốc xã có vẻ tốt đẹp: dường như nó đem lại phồn thịnh, làm cho công việc trôi chảy, mang đến cho con người cảm giác tốt đẹp về chính họ và tổ quốc họ. Họ cẩn thận tránh xa các vấn đề luân lý – những điều ngày nay ta coi là vấn đề trọng tâm.
Vào cuối cuộc chiến khi những nỗi kinh hoàng về chủ nghĩa quốc xã được vạch trần ra, dân chúng Đức đã đáp lại: “Chúng tôi không hay biết.” Khi người ta hỏi một cư dân thành thị xem ông có biết chuyện gì xảy ra trong các trại giam người kia không, ông ta đưa ra một câu trả lời đầy đủ hơn: “Có. Chúng tôi biết có chuyện gì đó, nhưng chúng tôi không đề cập đến, chúng tôi không muốn biết quá nhiều.” Primo Levi, một nhà văn và người sống sót của trại tù Auschwitz mô tả điểm mù đạo đức của người dân Đức như sau:
“Mặc dầu có nhiều phương tiện khác nhau để biết được tin tức, nhưng hầu hết người dân Đức đã không biết bởi vì họ không muốn biết. Bởi vì, quả thực họ đã muốn không biết đến… Những người biết được thì không nói ra; những người không biết thì không hỏi; những kẻ hỏi thì không ai trả lời. Theo kiểu như thế thì một người dân Đức tiêu biểu thắng thế khi bảo vệ sự không biết của mình, sự không biết này dường như đủ biện minh cho việc theo chủ nghĩa quốc xã của y. Ngậm miệng, nhắm mắt, bịt tai lại, người đó tự tạo cho mình một ảo tưởng là mình không biết gì hết, và do đó mình không phải là người tòng phạm về những gì xảy ra ngay trước cửa nhà mình.”
Martin Luther King thường nói rằng điều làm ông đau đớn nhất là sự im lặng của những kẻ ngay lành. Còn Albert Einstein, người đã trốn khỏi Đức khi Hitler lên cầm quyền, nói lên cùng một cảm nghĩ đó khi báo Time phỏng vấn ông hôm 23 tháng 12 năm 1940. Ông nhấn mạnh rằng đôi lúc chỉ có Giáo hội và tôn giáo là có thể thách đố nguyên trạng (status quo) khi điều ác đột kích vào xã hội. Ông nói: “Là một người yêu chuộng tự do, khi cuộc cách mạng tại nước Đức xảy ra, tôi nhìn vào các trường đại học xem họ có bảo vệ tự do hay không, vì đã biết lúc nào họ cũng khoa trương rằng họ tôn sùng chân lý; nhưng không, các trường đại học lập tức bị bịt miệng. Thế rồi tôi nhìn vào các vị biên tập danh tiếng của báo chí, nơi các mục bình luận nảy lửa ngày nào cũng tuyên bố họ yêu chuộng tự do. Nhưng họ, cũng giống như các trường đại học, chỉ trong vài tuần lễ ngắn ngủi cũng bị bịt miệng. Chỉ có Giáo hội đứng trực tiếp đối đầu con đường đi của chiến dịch Hitler tung ra nhằm đàn áp chân lý. Trước kia, chưa bao giờ tôi quan tâm đặc biệt về Giáo hội, nhưng nay thì tôi cảm thấy rất yêu mến và thán phục vì thấy chỉ có mình Giáo hội có can đảm và kiên trì đứng lên tranh đấu cho sự thật của tri thức và tự do của xã hội.”
Câu hỏi dũng cảm và táo bạo mà chúng ta phải đặt ra là: “Đâu là đáp ứng của chính chúng ta đối với những điều ác xảy ra quanh mình?”
Phụng Nghi
Ghi chú:
1- Tác giả bài nói trên là Lm Tadeusz Pacholczyk, đậu tiến sĩ về thần kinh học tại đại học Yale và nghiên cứu hậu tiến sĩ tại đại học Havard. Ngài là linh mục thuộc giáo phận Fall River, tiểu bang Massachusetts, và giữ chức Giám đốc Giáo dục tại Trung tâm Đạo đức Sinh học Công giáo Toàn quốc, trụ sở ở Philadelphia.
2- Trại tập trung Auschwitz
Cổng vào Auschwitz I. Khẩu hiệu đề bên trên bằng tiếng Đức "Arbeit macht frei" có nghĩa là: "Lao động sẽ giúp bạn tự do."
Trại tập trung Auschwitz (Konzentrationslager Auschwitz) là trại lớn nhất trong các trại tập trung của Đức Quốc xã. Trại này nằm ở Ba Lan và được đặt tên theo thành phố Oświęcim gần đó, cách Kraków 50 km về phía Tây, cách thủ đô Warsaw 286 km. Trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan năm 1939, Oświęcim sáp nhập vào Đức và đổi tên thành Auschwitz.
Khu tổ hợp trại tập trung này bao gồm 3 trại chính: Auschwitz I- trung tâm hành chính; Auschwitz II (Birkenau)- trại hủy diệt (Vernichtungslager) và Auschwitz III (Monowitz)- trại lao động.
Ngoài ra còn có khoảng 40 trại vệ tinh, một số nằm cách các trại chính hàng chục cây số, với số lượng tù nhân từ vài chục đến vài nghìn người.
Số lượng người đã bị giết chết tại đây chưa được biết chính xác. Tại tòa án Nuremberg, chỉ huy trại, Rudolf Höss, đã khẳng định con số này là ba triệu người. Năm 1990, viện bảo tàng quốc gia Auschwitz-Birkenau xét lại số liệu này. Các tính toán mới đã cho ra kết quả trong khoảng 1,1- 1,6 triệu, khoảng 90% số người Do Thái của gần như tất cả các nước tại Châu Âu.
3- Trại tập trung Dachau được quốc xã Đức lập năm 1933, là trại đầu tiên mở trong lãnh thổ nước Đức, cách Munich khoảng 16 km. Nơi đây đã có gần 32 ngàn người bị giết hoặc chết trong trại.