PARAGUAY: VUI BUỒN CUỘC SỐNG TRUYỀN GIÁO

Tuần Thánh và Phục sinh 2008

Tuần Thánh đã đến và 2 anh em linh mục chúng tôi chia nhau để cử hành thánh lễ và nghi thức ở các giáo họ. Vị linh mục lớn tuổi và đầy kinh nghiệm đã chọn đi 20 giáo họ cách xa giáo xứ hàng trăm cây số và ở lại đó với đàn chiên trong tuần thánh. Còn tôi, một linh mục tân binh trẻ trung ở lạ giáo xứ chính và phụ trách các giáo họ lân cận trong bán kính 50km. Vì mới chuyển về giáo xứ được 2 tháng nên mọi chuyện còn bỡ ngỡ như cô dâu mới về nhà chồng. Tôi vần cố gắng hòa nhập với đàn chiên thân yêu đang khao khát vị mục tử.

Sáng Chúa nhật lễ lá (Domingo de Ramos), tôi đã cử hành nghi thức rước lá và dâng thánh lễ ngoài trời cho gần 2.000 anh chị em giáo dân. Có lẽ đây là ngày vui nhất trong đời từ ngày tôi đặt chân trên miền đất truyền giáo này vì thấy số người tham dự đông đảo như thế. Ngày hôm trước, họ yêu cầu tôi ngồi trên lưng lừa như Chúa Giêsu ngày xưa vì giáo xứ tôi có mấy con lừa dễ thương lắm. Tôi chưa quen với chuyện ngồi trên ngựa và lừa và nói với họ để năm tới sẽ thực hiện. Người dân ở đây họ ít đi lễ lắm nhưng hôm nay sao tôi thấy họ tham dự đông quá. Họ rất thích các cuộc rước kiệu, thích tung hô và hơi một chút mê tín! Nghi thức làm phép lá được cử hành ngay trước trụ sở của chính quyền địa phương với sự bảo vệ của các nhân viên cảnh sát và sau đó đoàn rước tiến vào tiền đình giáo xứ để cử hành thánh lễ. Tôi hơi mỏi tay vì mọi người yêu cầu linh mục rảy nước thánh trên các nhành lá của họ. Trong đám rước ấy tôi nhận ra có những anh lính trẻ cũng giơ cao những nhành lá và kêu lớn tiếng xin linh mục rảy nước thánh trên họ. Như vậy mới biết được lòng đạo đức bình dân cũng có nhiều điểm tích cực nếu các nhà truyền giáo biết khai thác và áp dụng cho đúng trong vấn đề mục vụ.

Buổi chiều cùng ngày, vị ứng cử viên tổng thống từng là giám mục đã đến địa hạt của chúng tôi để vận động trong chiến dịch bầu cử sẽ diễn ra ngày 20/4/2008 sắp tới. Trên khắp các địa hạt lân cận, người dân đã kéo nhau đến từng đoàn xe máy, xe vận tải, xe khách độ chừng 5.000 ngàn để lắng nghe ủng hộ vị ứng cử viên của mình. Họ đã vào giáo xứ xin nước uống, đi vệ sinh… trong khi chờ đợi. Nhớ lại bài đọc thương khó Chúa nhật lễ lá hôm nay và tôi chợt suy nghĩ, hôm nay họ tung hô Chúa nhưng ngày mai họ lại đồng thanh hét lên “Đóng đinh nó vào thập giá”. Lòng dạ con người ai dò thấu được!

Trong 3 ngày Tam Nhật Thánh, tôi có mời các nữ tu Dòng Vinh Sơn Phaolô đến giúp giới thiếu nhi, giới trẻ cũng như “giới già” để mọi người hiểu thêm về Mầu Nhiệm khổ nạn và Phục sinh của Chúa. Các nữ tu rất vui vẻ, hăng hái và năng động nên giới trẻ tham gia thật đông. Từ chiều thứ 5 Tuần Thánh cho đến Chúa nhật Phục sinh tất cả mọi người đều được nghỉ ngơi theo luật nên việc tổ chức cũng dễ dàng. Tôi cùng với những người cộng tác trong giáo xứ đi gõ cửa các nhà hảo tâm để xin từng ký thịt, ký đường, bột, khoai mỳ… để những người phục vụ nấu ăn cho các tham dự viên.

Không hiểu vì sao trong tuần thánh lại có nhiều chuyện xảy ra. Nhiều đám tang liên tiếp trong 3 ngày đầu của tuần thánh, và có một đám tang do bị tai nạn để lâu ngày có mùi hôi nên sau khi tôi cử hành xong thì cảm thấy rất mệt vì bị mắc hơi. Cũng nhờ sức trẻ nên tôi cố gượng dậy để làm việc. Ngày thứ 4 tuần thánh trùng vào ngày 19/3 lễ thánh Giuse, bổn mạng của hai giáo họ ở cách xa nhau. Ở đây người ta mừng đúng ngày nên không thể thay đổi được vì hầu như một năm các linh mục tiền nhiệm của tôi chỉ dâng thánh lễ ở các giáo họ 4 hay 5 lần. Vì thế, lễ bổn mạng giáo họ hay giáo xứ rất quan trọng đối với người dân nơi đây. Tôi cũng phải vắt chân lên cổ để chạy đến với họ trong những ngày vui của họ và cầu nguyện với Chúa sai thêm nhiều nhà truyền giáo đến hỗ trợ. Hồi tưởng lại công việc của các cha xứ ở Việt Nam trong những dịp đại lễ Giáng sinh hay Phục sinh mà thấy thương cho các ngài.Các ngài phải hoạch định chương trình và nhiều lúc mất ăn, mất ngủ để lo lắng cho đàn chiên. Tuy nhiên nếu các cha xứ biết kiên nhẫn và hiền lành thêm một tý thì giáo dân sẽ cảm phục biết bao. Ở bên này chuyện ai người nấy lo. Tuần Thánh biết bao là việc và cần sự giúp đỡ mà bà bếp lại nghỉ lễ theo luật. Một mình một thân phải lo nấu ăn, giặt giũ, quét dọn… Giáo dân đến thấy linh mục đang giặt đồ hay quét dọn cũng chỉ đứng nhìn chứ không hề chạy đến giúp. Ngay cả các nữ tu đến giúp trong tuần thánh và ở lại nhà xứ cũng khá hờ hững khi thấy ông cha buổi sang thức dậy sớm chuẩn bị thức ăn sáng cho họ và rửa chén bát mà đêm qua chính các nữ tu ăn xong và để nguyên như thế! Cha làm thì cứ để cha làm, còn nếu muốn nhờ thì cha phải rả tiền. Bởi thế, sau mấy ngày giúp trong Tuần Thánh, tôi phải vét cạn túi để trả tiền cho các nữ tu đã đến giúp. Không có gì là cho không biếu không cả. Nghĩ lại thấy giáo dân Việt Nam mình dù ở đâu cũng sống có tình có nghĩa thật. Bởi thế, các linh mục coi các giáo xứ có người Việt hãy biết trân trọng tình cảm và lòng yêu thương của đàn chiên đất Việt kẻo một ngày nào đó chúng ta lại hối tiếc thì đã muộn màng.

Tam nhật tuần thánh trôi qua một cách tốt đẹp với lễ tiệc ly, rửa chân, chầu Thánh Thể, đi đàng thánh giá, rước kiệu Chúa chịu nạn… Và ngày lễ vọng phục sinh đã đến. Ban ngày trời thật đẹp với những luồng gió mát của tiết trời mùa hè. Tuy nhiên, từ lúc 6 giờ chiều, những luồn mây đen kéo đến và sấm chớp nổi lên báo hiệu cơn giông sắp đến. Thánh lễ dự định cử hành vào lúc 8h30 tối mà nếu trời mưa coi như xong chuyện. Một số giáo dân đến sớm và hỏi tôi nếu trời mưa sẽ xử lý ra sao. Tôi nói với họ là anh chị em hãy cầu nguyện đi rồi mọi chuyện sẽ tính sau. Tôi đã lần chuỗi Mân Côi và mặc cả với Chúa và Đức Mẹ hãy tạm dừng cơn mưa cho đến 11h đêm để mọi người có thể tham dự thánh lễ cho sốt sắng vì lễ Vọng Giáng sinh năm rồi Chúa đã để con dâng lễ một mình với một giáo dân và một ngọn nến. Nếu lần này Chúa không nhận lời con thì con sẽ về Việt Nam không làm việc truyền giáo ở đây nữa. Chúa đã nhận lời thật và chỉ có gió thổi thật mát và người ta đã tham dự thánh lễ thật đông ngoài sức tưởng tượng của tôi. Chúa đã nói hãy xin thì sẽ được. Tạ ơn Chúa vì ngài đã nhận lời con cầu xin dù đôi lúc lời khẩn cầu của con hơi “hỗn hào” và “mặc cả’ với Chúa.

Nhân đây, tôi cũng muốn chia sẻ thêm một tý về các sống đạo của vùng Nam Mỹ nói chung và người Paraguay nói riêng. Nhiều người cho rằng vùng đất Nam Mỹ bị ảnh hưởng của thần học giải phóng nên ngay cả trong phụng vụ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Điều đó chỉ đúng một phần và cũng tùy vào các vị chủ chăn của các giáo phận. Nếu các vị chủ chăn chịu ảnh hưởng Brazil, Peru, Bolivia thường có khuynh hướng cởi mở và tự do hơn; trong khi các vị chịu ảnh hưởng của Argentina và Chile thì có khuynh hướng bảo hoàng hơn. Số còn lại có khuynh hướng trung dung. Tôi từng được sống và làm việc trong 3 giáo phận với 3 trường phái khác nhau. Giáo phận đầu tiên có khuynh hướng dung hòa hơn nên mọi việc ở đây có vẻ nhẹ nhàng. Giáo phận thứ 2 tôi sống có khuynh hướng cởi mở, tự do hơn, nghĩa là sao cũng được. Thậm chí linh mục đồng tế không cần đeo đây Stola cũng chẳng sao! Và, giáo phận hiện tôi đang làm việc là vị giám mục gốc Argentina còn bảo hoàng hơn … vua nữa. Ngài đã viết thư mục vụ và cho in hàng tuần để đọc trong các thánh lễ Chúa Nhật về luật phụng vụ. Ngài đặc biệt nhắn nhủ các linh mục khi dâng thánh lễ phải mặc đầy đủ phẩm phục. Ngài còn nhắn nhủ nhiều chi tiết rất nhỏ nhặt khiến nhiều người đã phản ứng. Người dân xứ này họ đâu dễ tùng phục và dễ bảo như người dân xứ Việt. Nhập gia tùy tục, tôi là linh mục truyền giáo nước ngoài nên đi đến đâu mình phải vâng phục các đấng bản quyền nhưng vẫn giữ những gì là đặc trưng của xứ Việt.

Tĩnh Tâm

Sau Chúa Nhật thứ II Phục sinh, anh em trong tỉnh Dòng Paraguay chúng tôi đã có một cuộc tĩnh tâm năm để anh em có dịp nghỉ ngơi và bồi dưỡng tâm linh sau những ngày mệt mỏi vì mục vụ. Tôi rất thích những ngày tĩnh tâm vì dịp này được ăn ngon, ngủ yên và có thời giờ đọc sách thiêng liêng mà không ai làm phiền. Cha giảng phòng là vị cựu giám tỉnh Dòng Tên người tây Ban Nha và từng ở Paraguay từ năm 1973 nên rất thông thạo tiếng Guarani. Ngài đã cho anh em những món ăn tinh thần thật quí giá qua những gợi ý, những hướng dẫn từ tài liệu của các giám mục Mỹ Latin và vùng Caribe năm 2007 để anh em hiểu đúng và hành động. Dịp tĩnh tâm cũng là để anh em hiệp nhất với nhau và chia sẻ những ưu tư mục vụ. Trước 2 ngày kết thúc tĩnh tâm, bề trên đã cho phép anh em được xem cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình do đài CNN tổ chức của 4 ứng cứ viên tổng thống là tướng về hưu Lino Oviedo, bà cựu bộ trưởng giáo dục Blanca Ovelar, cựu giám mục Fernando Lugo và dân biểu Pedro Fadul sẽ diễn ra ngày 20/4 sắp tới vì đó là vấn đền nóng bỏng và thời sự của nước Paraguay trong những ngày này. Nói đúng hơn là anh em muốn nhìn lại và nghe lại tiếng nói của vị cựu giám mục,người đã từng gắn bó với anh em trong Dòng và nay là ứng cử viên số một. Các anh em linh mục người Paraguay từng là bạn, là học trò của vị cựu giám mục luôn thầm mong cho Lugo thắng cử để đưa đất nước Paraguay tiến lên. Dưới con mắt của một số người, cựu giám mục Lugo là một người thất tín, thất trung. Nhưng nhiều người khác lại nói rằng Lugo chính là người được Chúa sai đến. Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa Paraguay sẽ có một bộ mặt khác như các ứng cử viên đã tranh luận và nói lên công khai đường lối của mình khi trở thành tổng thống trước kênh truyền hình CNN. Không biết mọi chuyện rồi đây sẽ như thế nào nhưng chính trị quả là khó hiểu. Sau ngày 20/4 tới sẽ có nhiều người khóc vì tất cả tiền của vận động trong cuộc tranh cử đã tiêu tan và nhiều người người cười vì bên mình chiến thắng. Phần tôi, tôi chỉ ước mong có một nước Paraguay hòa bình và thịnh vượng để mọi người có thể yên tâm làm việc và sống hạnh phúc..

Paraguay 8/4/2008