ĐÊM THƠ NHẠC XUÂN LY BĂNG Tại TÒA GIÁM MỤC PHAN THIẾT

Đêm thơ nhạc Xuân Ly Băng”, một sinh hoạt văn học công giáo Việt Nam đã được chờ đợi từ lâu trong lòng các tín hữu Giáo phận Phan Thiết. Nay, nhờ sự ưu ái của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Giáo Phanạ Phan Thiết, mới trở thành hiện thực. Đức Ông GB. Lê Xuân Hoa, một nhà thơ tiêu biểu cho thi ca Công giáo Việt Nam, liền sau Hàn Mạc Tử, là một mục tử với sứ vụ linh mục, vừa là một nhà thơ, đã sử dụng mọi tính đặc sắc cá biệt của Tiếng Việt để hoàn thành sứ vụ linh mục của mình trong suốt 50 năm, với Lời Chúa và Thi Ca. Những bài lục bát những bài vè, những bài thơ của Ngài không chỉ là những lời giáo huấn rút từ Tin Mừng Đức Kitô của một người mục tử, mà còn là những tuyệt phẩm thi ca giá trị để lại cho nền văn học Việt Nam và văn học Công Giáo Việt Nam.

Đêm thơ nhạc Xuân Ly Băng là tiếng lòng của muôn con người, cách riêng, những người con Giáo phận Phan Thiết, nói lên lời tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa đã ban cho trần gian một sứ giả của Tin Mừng, một nhà thơ thánh thiện kín múc tình yêu và huyền nhiệm về Thiên Chúa, rồi rót đầy vào lòng khô hạn của nhân gian một thứ tình yêu và sự sống bất diệt.

Giáo phận Phan Thiết - Đức Cha Phaolô và Hội đồng Linh mục - đã trao trọng trách tổ chức đêm tri ân này cho Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Phan Thiết từ trước đây bốn tháng.

Từ sáng ngày 23/06, cánh cửa Tòa Giám Mục Phan Thiết mở toang, để chào đón khách tham dự đêm thơ nhạc từ xa về: Sài Gòn, Bà Rịa Vũng Tàu, Xuân Lộc, Nha Trang, Ban Mê Thuột... Trong số khách tham dự, phải kể đến những thành phần rất quan trọng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của Giáo hội Việt Nam: Lm. NS Kim Long, Phó Ban Thánh Nhạc Việt Nam cùng các nhạc sĩ tên tuổi trong Ban Thánh Nhạc Việt Nam; Lm bề trên Tỉnh Dòng Dòng Chúa Cứu Thế cùng với Lm. NS Tiến Lộc và phái đoàn Dòng Chúa Cứu Thế, Lm. NS Mi Trầm cùng các nhạc sĩ của Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Nha Trang; các Ban Thánh Nhạc Ban Mê Thuột, Xuân Lộc, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sài Gòn, Qui Nhơn... các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, họa sĩ, phòng viên, nhà báo... trong, ngoài Công giáo, trong và ngoài Giáo Phận... các Linh mục Hạt Trưởng, các Cha xứ, quí khách mời từ hơn 60 giáo xứ trong Giáo Phận... tất cả đang về Tòa Giám Mục Phan Thiết, để chung một lời ngợi ca Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam một con người tiêu biểu cho thi ca Công giáo thế kỷ XX.

Đúng 19g, Vũ khúc “Tiếng Trống” của quí Thầy Chủng viện Nicolas cùng với những chiếc trống lớn trống nhỏ, với sắc phục Việt Nam truyền thống, đã trổi lên rập ràng như lời chào quí mến nhất của Giáo Phận Phan Thiết gửi đến những người tham dự.

Nhà thơ Lê Đình Bảng, người dẫn chương trình đã giới thiệu cách long trọng thành phần tham dự Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng: trên 2.000 khách mời - trong và ngoài Giáo phận.

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Quang Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Phan Thiết, cũng là Trưởng Ban Tổ Chức Đêm Thơ Nhạc nhấn mạnh đến lòng tri ân của thế hệ Phan Thiết hậu duệ trong phần Tuyên Bố Lý Do.

Chung chia niềm vui của Giáo Phận Phan Thiết, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ Tịch Ủy Ban Thánh Nhạc Việt Nam-HĐGMVN, Giám mục Giuse Vũ Duy Thống, Chủ Tịch Ủy Ban Văn hóa-HĐGMVN đã gởi điện thư chúc mừng Đức Ông Xuân Ly Băng và chúc mừng Đêm Thơ Nhạc. Nhà thơ-Nhạc sĩ Pm. Cao Huy Hoàng, thay mặt cho Ban Tổ Chức đã đọc hai bức điện thư thật tâm tình xúc động, đúng với tâm tình của ĐGM Phaolô Nguyễn Văn Hòa: “Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng hôm nay được đan dệt từ những dòng ca bắt nguồn từ những bài thơ cảm nhận và họa lại vẻ đẹp nơi dung mạo của Thiên Chúa, sẽ dẫn đưa con người vào vẻ đẹp của chuyến đò văn hóa tới tận bến bờ đức tin.”; và của ĐGM Giuse Vũ Duy Thống: “Xuân Ly Băng hãy còn trẻ, luôn luôn trẻ, vì hết mình chăm chút mùa xuân của đạo, và hết tình giới thiệu mùa xuân ấy cho đời”.

Linh mục Phêrô Phạm Quyền, Quản Hạt Phan Thiết, thay mặt cho các linh mục tu sĩ và giáo dân Giáo phận Phan Thiết chúc mừng, tri ân, và trao vòng hoa cho Đức Ông Xuân Ly Băng.

Nhà thơ Nghinh Nguyên, thay mặt cho các tác giả Đồng Xanh Thơ - và trang web dunglac.org, cũng chúc mừng Đức Ông bằng một kỉ niệm chương với bức tượng điêu khắc “Đức Giêsu Thi Sĩ”.

Người dẫn chương trình trân trọng kính mời Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan ban huấn từ và tuyên bố khai mạc đêm thơ nhạc. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt, trên đôi mắt, trong giọng đọc của Đức Cha Phaolô, Giám Mục Giáo Phận nhà. Với tư cách là một Giám Mục địa phương, Ngài nhìn nhận một tâm hồn đạo đức lên đến tuyệt đỉnh của Đức Ông Nhà Thơ Xuân Ly Băng. Ngài chính thức thay cho Giáo Phận nói lời tri ân Đức Ông Lê Xuân Hoa vì những đóng góp vào công trình văn hóa và đức tin cho giáo hội và giáo phận, và ước ao cho đoàn hậu sinh Phan Thiết biết noi gương Đức Ông, một nhà thơ đạo đức. Đứng phía sau Đức Giám mục Phaolô là ca đoàn giáo xứ Ma Lâm xinh đẹp, đang làm hậu cảnh và chờ Ngài đánh tiếng trống khai mạc để cùng cất cao bài hợp xướng Kinh Trong Sương.

Dứt lời huấn từ, Đức Cha Phaolô nhuần nhuyễn nổi một hồi trống khai mạc, cùng với tiếng vỗ tay rập ràng theo nhịp trống. Ca đoàn giáo xứ Ma Lâm cũng vừa cất tiếng lên qua sự điều khiển của ca trưởng Linh mục Nhạc sĩ Phaolô Hoàng Kim Tốt. “Kinh Trong Sương” dìu dặt rồi dập dồn như tiếng lòng thổn thức của Xuân Ly Băng, chung với nỗi niềm kính mến của Linh mục Nhạc sĩ Kim Long –người phổ thơ, được thể hiện như lời nguyện xuất thần của một ca đoàn không chuyên nhưng hết mình, hết tình... bỗng trở thành bài hợp xướng mở đầu đêm thơ nhạc đầy huyền nhiệm, thánh đức.

Nhà thơ Lê Đình Bảng nói một chút về tiểu sử của Đức Ông Linh Mục GB. Lê Xuân Hoa, Nhà thơ Xuân Ly Băng, con người, và tác phẩm được minh họa trên màn ảnh, dựa vào tiểu sử mà chính Đức Ông đã tự sự trong bài phỏng vấn Đức Ông của Linh Mục Nhà Thơ Trăng Thập Tự.

Âm vọng hợp xướng Kinh Trong Sương vẫn còn ngân vang đâu đó, hình ảnh một nhà thơ đạo đức còn loáng thoáng đâu đây, giọng ngâm thi phẩm “Chuông Chiều” của nghệ sĩ Kim Lệ lại cất lên, đưa hơn 2.000 cử tọa vào chỗ trầm mình trong cái không gian vô hạn của Nguồn Thơ Chí Thánh.

Chưa dứt tiếng vỗ tay, Nhà Thơ Nhạc Sĩ Phanxicô giới thiệu phần tọa đàm về Xuân Ly Băng với phần mở đầu là thơ Xuân Ly băng dưới cái nhìn thần học của Lm. Giám Đốc Chủng Viện Nicolas- nhà thơ Thiên Cung, Lm Nguyến Thiên Cung. Trong phần mạn đàm, Cha gọi thi nhân là người “nhận sóng” tin yêu từ Thiên Chúa và “phát sóng” tin yêu ấy cho đời. Xuân Ly Băng, người đã gặp Thiên Chúa là Nguồn Thơ và thi ca Xuân Ly Băng chính là một chuỗi hẹn hò, tự tình với Thiên Chúa, và qua đó, người đọc cũng có thể để hồn mình chạm tới cái linh thánh vô cùng của Thiên Chúa.

Một trong những thi phẩm ngây ngất cái tuyệt vời của Thiên Chúa là bài thơ “Hồng Ân Linh Mục” được Tu Sĩ Jos. Hùng phổ nhạc và Linh mục An-rê Lương Vĩnh Phú, quản lý TGM Phan Thiết trình bày ca khúc thật sốt sắng.

Linh mục Nhạc Sĩ Kim Long được mời tiếp phần tọa đàm. Tiếng vỗ tay bỗng đều đặn, rồi lớn lên, khi Cha Kim Long tiến lên sân khấu. Phải mất một hồi lâu cho cử tọa Phan Thiết tỏ lòng hâm mộ Cha Kim Long- người của Thánh Nhạc Việt Nam, Ns. Phanxico mới thưa được với Ngài: “Xin cha cho biết cảm nghiệm của Cha về thơ Xuân Ly Băng”. Cha Kim Long cho biết: thưở xưa Ngài cũng làm thơ, nhưng khi đọc thơ Xuân Ly băng rồi, Ngài không làm thơ nữa, vì những gì Ngài muốn nói, Xuân Ly băng đã nói hết rồi. Ngài bước sang lĩnh vực âm nhạc. Và nơi đây, mỗi câu thơ, mỗi bài thơ của Xuân Ly Băng đã gợi hứng cho những khúc thánh ca của Ngài. Ngài đã hát minh họa một số bài thơ XLB mà Ngài đã phổ nhạc. Giọng hát hãy còn cuốn hút lắm, vì cái sinh khí ở bên trong vẫn luôn dồi dào, trong lòng một nhạc sĩ hơn 50 năm viết thánh ca.

Câu hỏi thứ hai được đặt cho Lm Kim Long “Cha nghĩ gì về lời ca trong một bài thánh ca”.

Ngài cho rằng “Ý, Lời Ca là quan trọng. Nhạc là để chuyển tải mà thôi. Lời ca là cái căn cốt mà con người có thể lắng nghe và có thể lay động lòng người, cái tư tưởng mà mình phải hội nhập”. Và để có được phần lời ca tốt, các nhạc sĩ phải Đọc-Suy-Cầu….như Ngài đã trình bày với các nhạc sĩ công giáo trong cuộc Hội Thảo Ban Thánh Nhạc 3-6-vừa qua. Cha Kim Long kết thúc phần tọa đàm của Ngài bằng bài hát đã được viết ngay, sau khi đọc bài thơ “Con hỏi Ngài” của Xuân Ly Băng.

Dứt tiếng hát, tiếng vỗ tay như sóng vỡ bờ. Ngài định bước xuống, nhưng nhà thơ Lê Đình Bảng giữ Ngài lại vì sự hâm mộ của cử tọa. Và cuối cùng, Ngài phải hát thêm một bài hát nữa, mà ý lời ca bắt nguồn từ “sầu đã chín” của Xuân Ly Băng. Bài “Ở lại với con” toát ra hết nỗi lòng của hai trong một: Thi Sĩ và Nhạc Sĩ cây cao bóng cả trong nền văn học Công Giáo Việt Nam.

Nhà thơ Lê Đình Bảng tiếp phần tọa đàm theo yêu cầu của Ns Phanxicô. Ông nói về con người và tác phẩm của Xuân Ly Băng dưới cái nhìn của vừa là một nhà thơ công giáo nổi tiếng vừa là một nhà biên khảo, nhà nghiên cứu Thi ca Công Giáo Việt Nam. Ông đã cho biết sự đóng góp rất sớm của Công Giáo vào kho tàng thi ca và văn học Việt nam, trải dài từ thời kỳ phôi thai của chữ quốc ngữ cho đến Hàn Mạc Tử, và đến nay: Xuân Ly Băng. Xuân Ly băng đã kế thừa những nhà thơ công giáo đi trước, để đem Tin Mừng cho con dân Việt Nam, mà đặc sắc nhất vẫn là những dòng thơ lục bát.

Một trong những dòng thơ lục bát đậm đà bản sắc dân tộc ấy là bài “Một mảng chiều” đã được Ns. Pm Cao Huy Hoàng và Ns. Lưu Văn Trung phổ nhạc, được trình bày lần đầu tiên trong đêm phát hành Tập Thơ Công Giáo “Kinh Trong Sương”, nay được trình bày lại với tiếng hát thánh thiện của ca sĩ Hồng Phúc, cùng với phần múa của các em thiếu nhi Giáo Xứ Thanh Xuân. Thật nên thơ. Thật thánh thiện.

Mẹ cho con một trời thơ
Khi chuông nhật một nhà thờ lan xa
”.

Đức Ông và hơn 2000 cử tọa có vẻ hài lòng với vũ khúc “Một mảng chiều” nhẹ nhàng thanh thoát, khi ca sĩ và đội múa đã xếp đội hình kết, mọi người vẫn còn luyến tiếc một trời thơ thánh thiện thâm trầm…

Đức Ông Xuân Ly Băng bước lên sân khấu để chia sẻ hành trình đức tin của mình: Bắt nguồn từ một khát vọng vượt lên trên cái hữu hạn, tìm đến cái vô biên và đặt niềm tin nơi chính Thiên Chúa. Niềm tin ấy được củng cố, gia tăng nhờ sự kết hiệp mật thiết với Lời Chúa và đời sống cầu nguyện. Ngài còn nhắn nhủ cho thế hệ trẻ “các bạn hãy cầm bút cho thẳng, cho ngay, giữ lương tâm cho trong trắng, giữ vững bản sắc văn hóa Việt Nam trong mọi hoàn cảnh sáng tác” “Xin các bạn hãy viết bằng cây bút Đức tin, bằng mực Đức cậy, và trang giấy viết là Đức mến. Hãy sáng tác dưới con mắt dịu dàng của Đức Mẹ Maria, sáng tác dưới chân Thánh Giá, dưới ánh sáng phục sinh của Đức Kitô”. Những lời nhắn nhủ phát xuất từ đáy tim trọn tình cho văn học Công giáo Việt Nam, được thế hệ hậu duệ nồng nhiệt đón nhận bằng những tiếng vỗ tay không dứt.

Ca sĩ Lưu Thi và Thanh Mai tiếp chương trình với ca khúc “Mẹ Tàpao” thơ Xuân Ly Băng, Tu sĩ Jos. Hùng phổ nhạc. Bài ca cất lên làm mọi người hướng lòng về Mẹ Tàpao kính yêu của Giáo Phận Phan Thiết.

Thiếu nhi Giáo xứ Lương Sơn trình bày một loại hình thi ca khác của Xuân Ly Băng: Vè, với bài “vè lịch sự” như những lời dạy dỗ tâm tình nhất của một người cha, một mục tử, dành cho các em thiếu nhi trong gia đình giáo xứ- bắt đầu từ gia đình Thanh Xuân ngày ấy, nay lan ra đến khắp gia đình Giáo Phận.

Trường ca “Bài Ca Thương Khó” được một nhạc sĩ ngoài Công giáo: Ngọc Lạc phổ thành ca khúc, và nhóm ca sĩ Thành Phố Phan Thiết trình bày đã cho thấy ảnh hưởng rất ý nghĩa của thơ Xuân Ly Băng đối với giới văn nghệ ngoài công giáo.

Cũng vậy, Thu Trang, một ca sĩ ở Khánh Hòa, không cùng tôn giáo hát và diễn xuất thật tâm tình, thật xúc động ca khúc “Lời Trên Thập Giá” của nhạc sĩ Tuấn Kim - người con thiêng liêng của Giáo xứ Thanh Xuân và của Đức Ông Xuân Ly Băng, đang ở Mỹ. “Lời Trên Thập Giá”, được biết là một trong những bài thơ tiêu biểu chứng tỏ lòng mến yêu của Đức Ông Xuân Ly Băng dành cho Đức Mẹ Maria.

Hợp xướng “Khúc Hát Mặt Trời” của Lm. NS Kim Long phổ thơ XLB, do ca đoàn Giáo xứ Chính Tòa trình bày, tiếp nối đêm thơ nhạc, làm bừng lên trong lòng mọi người muôn ánh quang huy hoàng của công trình Thiên Chúa và rực cháy lên niềm mến yêu, ca tụng, tạ ơn.

Đức Giám mục Giuse Vũ Duy Thống, còn là nhạc sĩ với bút hiệu thật nên thơ: “Thông Vi Vu” đã chuyển bài thơ “Sao em không lần chuỗi” thành ca khúc “Sao Không” được đôi song ca Minh Tú và Minh Thư trong Tam Ca Áo Trắng trình bày thật hồn nhiên, thật dễ thương mà cũng thật thánh thiện. Bài “Sao Không” đã chấm dứt, nhưng đôi song ca không thể vô tình vẫy tay tạm biệt những người hâm mộ, vì tiếng yêu cầu bài hát thứ hai vang lên từ muôn phía.

Đáp lại, Minh Tú và Minh Thư kính mời Lm. NS Mi Trầm, Lm. NS Tiến Lộc cùng hát với chị em bài “Xin Vâng”, một trong những bài Thánh Ca Cộng Đồng hay nhất của NS. Mi Trầm. Trời đã khuya. Sương khuya rơi nặng hạt. Cả khuôn viên Tòa Giám mục Phan Thiết vang lên bài ca “Xin Vâng”, như một lời kinh tuyệt mỹ.

Sân khấu trở lại yên ắng và trầm tĩnh để mọi người cùng suy niệm bài học của Dụ Ngôn “Người Samaritanô nhân hậu” qua phần diễn ngâm và hoạt cảnh của huynh trưởng Giáo lý viên Giáo xứ Thanh Xuân. Mọi người thinh lặng lắng nghe từng lời thơ, mục kích từng diễn tiến của Dụ Ngôn, và thấm vào lòng bài học bác ái Kitô Giáo thâm sâu.

Linh mục Trưởng Ban Thánh Nhạc Phan Thiết lại xuất hiện để đọc lời cám ơn Đức Cha, quí Cha, quí khách và tất cả những người đã đóng góp thực hiện thành công đêm thơ nhạc Xuân Ly Băng.

Như một lời kinh đêm cho cả Cộng đoàn dân Chúa trước khi chia tay đêm thơ nhạc, Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết thực hiện vũ khúc “Ở Lại Với Con”, NS. Kim Lệ phổ thơ Đức Ông Xuân Ly Băng. Có thể nói, không phải là một vũ khúc, mà là một lời nguyện sống động tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Phận niềm vui thánh thiện đêm nay. Và cộng đoàn đang xin Ngài mãi ở lại với mỗi tâm hồn, như đã luôn hiện diện trong tâm hồn Đức Ông - Lm. Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa, nhà thơ Xuân Ly Băng nhà thơ của Văn Học Việt Nam và Đức tin Công giáo.

Pm. Cao Huy Hoàng

CHƯƠNG TRÌNH ĐÊM THƠ NHẠC XUÂN LY BĂNG

Khai mạc lúc 19g00m ngày 23.6.2008
1. Vũ khúc khai mạc: tiếng trống- quí thầy Chủng Viện Nicolas)
2. Giới thiệu thành phần tham dự (Thi sĩ Lê đình Bảng)
3. Tuyên bố lý do (Lm.Phêrô Nguyễn Văn Quang - Trưởng Ban tổ chức)
4. Chúc mừng Bổn Mạng (cha Quản Hạt Phan Thiết)
5. Đức Cha Phaolô ban huấn từ và tuyên bố khai mạc
6. Hợp xướng: Kinh Trong Sương (Ca Đoàn Giáo Xứ Ma Lâm)
7. Tiểu sử nhà thơ Xuân Ly Băng (nhà thơ Lê Đình Bảng)
8. Ngâm thơ: Chuông Chiều (Nghệ sĩ Kim Lệ)
9. Tọa Đàm về Thơ Xuân Ly Băng (Thi sĩ Phanxico biên tập)
10. Thi Ca và Niềm Tin (thuyết trình viên: Lm. Gs Nguyễn Thiên Cung)
11. Đơn ca: Hồng ân Linh Mục (XLB/Jos. Hùng, Lm. Andrê Lương Vĩnh Phú)
12.Cảm nghiệm Thơ Xuân Ly Băng (thuyết trình viên: Lm. Ns Kim Long)
13. Xuân Ly Băng trong Văn Học Công Giáo VN (thuyết trình viên:Thi sĩ Lê Đình Bảng)
14.Vũ khúc: Một Mảng Chiều (XLB/Pm. Cao Huy Hoàng/Lưu Văn Trung, Ca sĩ Hồng Phúc/Vũ đoàn GX Thanh Xuân)
15.Hành Trình Đức Tin và Ước Nguyện cho Thế Hệ Trẻ ( Nhà thơ Xuân Ly Băng)
16. Song Ca: Mẹ Tà Pao (XLB/Jos. Hùng, Ca sĩ Lưu Thi-Thanh Mai)
17. Diễn vè: Vè Lịch Sự (Thiếu Nhi Giáo Xứ Lương Sơn)
18. Đơn ca: Lời Trên Thập Giá (XLB/Tuấn Kim, Ca sĩ Thu Trang)
19. Hợp xướng: Khúc Hát Mặt Trời (XLB/KL Ca Đoàn Giáo Xứ Chính Toà)
20. Song ca: Sao Không (XLB/GM Giuse Vũ Duy Thống, Ca sĩ Nhóm Tam Ca Áo Trắng)
21. Kịch thơ dụ ngôn: Người Samaritanô Tốt Lành (Huynh Trưởng –GLV Giáo Xứ Thanh Xuân)
22. Cám ơn (Ban Tổ Chức)
23. Vũ khúc: Ở Lại Với Con (XLB/Kim Lệ (Vũ đoàn HDMTG/PT).


TUYÊN BỐ LÝ DO

Trọng kính Đức Cha Phao-lô, đồng kính Đức Cha Nicolas cùng quí Đức Cha,
Kính thưa quí Cha Hạt trưởng, quí Cha Bề Trên, quí Cha, quí Tu Sĩ Nam Nữ,
Kính thưa quí cấp Chính Quyền tỉnh Bình Thuận, quí Nhà Biên Khảo, quí Nhà Văn, Nhà Thơ, Nhạc Sĩ, Ca sĩ, Nhà Báo, quí Phóng Viên cùng tất cả quí khách tham dự Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng.

Ngôn ngữ Việt Nam luôn trào tràn sức sống, tình yêu, vẻ tuyệt mỹ và chân lý của người Việt, mà có thể nói thi ca là loại hình phong phú tiêu biểu nhất. Ngay trong lòng Bình Thuận, cách riêng, Giáo Phận Phan Thiết, một mầm thi ca Việt Nam, thi ca công giáo Việt Nam, đã vươn lên và tỏa sáng những chân lý yêu thương cho cuộc đời thắm đượm muôn hương hồng ân thánh đức. Mầm thơ ấy trung trinh theo với thời gian, với con người Bình Thuận, với Giáo Phận Phan Thiết, đã trở thành cây thơ cổ thụ vươn muôn nhánh thơ tươi xanh khắp Bình Thuận và Việt Nam. Ấy chính là nhà thơ Xuân Ly Băng, trong thiên chức Đức Ông Linh mục Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa. Nhà thơ năm nay đã 82 tuổi, 50 năm chu toàn sứ vụ Linh Mục của Chúa Giêsu đồng nghĩa với ngần ấy năm dùng Tiếng Việt, dùng thi ca Việt Nam để Loan Báo Tin Mừng cho người Việt Nam, mà nhất là cho cộng đoàn tín hữu Phan Thiết. Thi ca của Đức Ông Linh Mục GB Lê Xuân Hoa là niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, là nỗi lòng của người mục tử với đoàn chiên, là lời yêu của người yêu quê hương đất nước và con người – đặc biệt với Phan Thiết, Bình Thuận.

Cả Giáo Phận chúng con, đặc biệt là những người trẻ, được thừa hưởng gia tài Đức Tin và Văn Học của Đức Ông, chúng con thật hãnh diện.Và còn được hãnh diện hơn khi được Đức Cha Phaolo-Giám mục Giáo Phận nhà cho phép, được Các Cấp Chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi để có một Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng tại Phan Thiết hôm nay, và được quí Đức Cha cùng nhiều thành phần trí thức ưu tú đến tham dự chia sẻ niềm vui của Giáo Phận chúng con. Chúng con, lớp hậu sinh của Giáo Phận Phan Thiết, trong đêm nầy, xin được nói lên đây lòng kính mến, biết ơn Đức Ông Linh Mục Nhà Thơ Xuân Ly Băng và trân quí những cống hiến của Đức Ông Linh Mục Nhà Thơ Xuân Ly Băng cho Đức Tin và Văn Học Việt Nam, hôm nay và muôn sau.

Kính chúc quí Đức Cha, Quí Cha, quí vị một đêm thơ nhạc làm bừng lên muôn sức thiêng trong lòng.

Tm. Những người thực hiện chương trình
Xin kính chúc
Lm. Phêrô Nguyễn văn Quang

THƯ CHÚC MỪNG của ĐỨC CHA GIUSE VŨ DUY THỐNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN VĂN HÓA/HĐGMVN
XUÂN LY BĂNG TRẺ MÃI, “SAO KHÔNG ?”


“XLB có phải là một nhà thơ Công giáo trẻ không ?”
Câu hỏi ấy đã được gợi lên nhiều lần nhiều cách, và hầu như lần nào cũng nhận được câu trả lời giống nhau: “Phải, đây là một nhà thơ Công giáo không những trẻ, mà còn rất yêu dời nữa”.
Vâng, đúng thế.

1. XLB trẻ vì có một tâm hồn đặc biệt nhạy cảm trước vận mạng cuộc sống, trước nhịp điệu thời gian cũng như trước lẽ xoay vần của vũ trụ. Chính vì mang một tâm hồn nhạy cảm như thế, tác giả đã tự nguyện buông mình vào không gian mênh mông của trời đất hoặc đắm mình trong khoảnh khắc giản dị thường ngày, để có thể lắng nghe, ghi nhận và chuyển tải đi tiếng nói của vô biên.

2. XLB trẻ cũng vì luôn tìm được cách diễn tả rất riêng trong thi ca của mình, cho âm thanh khoác lấy bộ áo của sắc màu và cho màu sắc nhận lấy hơi thở của âm thanh, kết dệt hài hòa bằng ngôn ngữ của đạo và bằng sự lịch duyệt của đời. Có thể nói bóng bẩy rằng: Nơi thơ XLB, đời được thăng hoa trong ánh ngời của đạo và đạo trở nên lung linh giữa màu sắc của đời.

3. Nhưng XLB còn trẻ xì chính bút hiệu của mình, cho đến hôm nay, sau hơn sáu mươi năm sáng tác, vẫn luôn gieo vào lòng người những thao thức trẻ trung. Hơn ai hết, trong lịch sử thi ca Công giáo Việt Nam, XLB là người hết lòng chăm chút mùa xuân của đạo và hết tình giới thiệu mùa Xuân ấy cho đời.

Tâm hồn XLB trẻ, cách diễn tả của XLB trẻ và bút hiệu XLB cũng trẻ mãi: “Con người chưa được vô biên. Là còn thổn thức ưu phiền thánh năm”. (thơ XLB)

Hôm nay, nhân dịp Giáo Phận Phan Thiết tổ chức “Đêm thơ nhạc XLB” xin hợp ý cảm tạ vì hồng ân Chúa ban cho một nhà thơ, cách riêng, xin hợp lòng ngưỡng mộ tôn vinh vì sự cống hiến không mỏi mệt của tác giả vào kho tàng thi ca Công giáo Việt Nam, và trong tư cách chủ tịch UBVN/HĐGM.VN, xin đặc biệt gửi lời chào mừng nồng nhiệt đến tác giả và chúc mừng “Đêm thơ nhạc XLB” gặt hái được nhiều hiệu mong muốn.

Gm. Giuse Vũ Duy Thống

CT. UBVH/HĐGM.VN
THƯ CHÚC MỪNG
của ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN HÒA
CHỦ TỊCH ỦY BAN THÁNH NHẠC VN/HĐGMVN


Kính gửi Đức Ông Xuân Ly Băng,
Rất tiếc vì bận công việc, không thể tham dự đêm thơ nhạc Xuân Ly Băng, tôi xin gửi mấy lời chia vui với Đức Ông - một nhà thơ Công giáo rất được ái mộ.
Nhà thơ là người thiết tha yêu cái đẹp. Đối với nhà thơ Công giáo, thì tất cả những vẻ đẹp được cảm nhận và thể hiện qua lời thơ, đều là dung mạo của chính Thiên Chúa.
Nhà thơ không chỉ rất nhạy cảm với vẻ đẹp mà còn thấy được cái thâm sâu của sự vật. Qua lăng kính Đức tin, nhà thơ nhìn thấy Chúa trong mọi sự: thiên nhiên, con người, cuộc đời, và rất dễ xúc cảm trước tất cả những gì là biểu hiện của tình thương.
Xuân Ly Băng đã nghe:

- Người rì rào trong cánh gió ban đêm
và nói năng trong mỗi hòn sỏi đá
- Trong cành củi mục có tiếng thổn thức
- Trong thời gian có vĩnh cửu...

Nhà thơ cũng đã thấy
- Bước chân người: rừng lay
Ánh mắt người: sao bay
- Dấu đinh Ngài ẩn dưới đáy con tim
Như khát khao nói tiếng yêu vẹn tròn

Tiếng Việt vốn đã rất giàu nhạc tính. Thơ Việt lại quy tụ - từ cái giàu có đó - những gì hay nhất, gợi nhớ nhất, hòa hợp nhất. Xuân Ly Băng đã biết khai thác cách tài tình cái hay của tiếng Việt, cái đẹp của thơ Việt; vì thế, nhiều nhạc sĩ đã cảm nghiệm và tìm thấy - nơi nhà thơ của chúng ta - nguồn hứng cho dòng ca của mình. Đêm thơ nhạc hôm nay, được đan dệt từ những dòng ca đó, sẽ dẫn đưa người vào vẻ đẹp của chuyến đò văn hóa tới tận bến bờ đức tin.

Xin cầu chúc cho “Đêm thơ nhạc Xuân Ly Băng” thành công thật tốt đẹp.

Banmêthuột, ngày 23-06-2008
Gm. Phaolô Nguyễn Văn Hòa
CT.UBTNVN/HĐGMVN

LỜI CHÚC MỪNG
của Lm. PHÊRÔ PHẠM QUYỀN
Hạt Trưởng Hạt Phan Thiết


Kính thưa quí Thi sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ và tất cả quí vị quí khách mời,
Đêm thơ hôm nay là đêm vọng Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả trong lịch công giáo của chúng ta.
Thánh Gioan Tẩy giả là bổn mạng của Thi sĩ Xuân Ly Băng.
Theo sự phân công của ban tổ chức, con xin được phép thay mặt cho các linh mục, các tu sĩ, nam nữ chủng sinh và các giáo dân trong toàn giáo phận Phan Thiết, chúc mừng Đức Ông Xuân Ly Băng, Tổng Đại Diện Giáo Phận Phan Thiết.
Con cũng không biết lấy lời gì hơn ngoài lời kính chúc. Ngày mai là ngày lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Thánh Gioan đã sinh ra và đã mở đầu một kỷ nguyên cứu độ. Đức Ông cũng đã khai sinh một trang thơ, vè từ hơn nửa thế kỷ nay- giữa thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI này. Chúng con cầu xin Thánh Bổn Mạng bầu cử cho Đức Ông dồi dào ơn Chúa để - như hai Đức Giám mục vừa gửi lời, vừa gởi điện thư chúc mừng Xuân Ly Băng - sẽ trẻ mãi như là hài nhi Gioan mới được sinh ra, hồn thơ của Xuân Ly Băng cũng sẽ là trẻ mãi như là hài nhi Gioan mới sinh ra và để Ngài tiếp tục những vần thơ, những câu vè để lại cho hậu thế chúng con, rồi từ những vần thơ từ những câu vè đó dẫn đưa chúng con đi vào cuộc sống đức tin một cách vững chắc. Lần nữa con xin kính chào và kính chúc Bổn mạng Đức Ông và kính chúc Đêm Thơ Nhạc thành công.

HUẤN TỪ KHAI MẠC CỦA
ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN
Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết.


Kính thưa Đức Ông Lê Xuân Hoa
Quí cha, Quí vị quan khách, Quí tu sĩ, Và toàn thể bà con

Hôm nay nhân Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng, chúng tôi hanh hạnh được đón tiếp đông đảo quí quan khách và bà con trong giáo phận đến đây chia vui với chúng tôi, trước vinh dự lớn lao này, chúng tôi xin có lời trân trọng chào mừng và chúc sức khoẻ tất cả mọi người.

Để mở đầu cho chương trình Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng, chúng tôi xin mạo muội có vài lời để tìm hiểu về một nhà thơ Đạo như Đức ông Xuân Ly Băng. Là linh mục có tước hiệu Đức ông, nhưng thi hứng thì cũng như ai, điều đáng nói là thi hứng đó đã đến dần dần đi vào huyền nhiệm của Đạo, đi vào niềm tin tiếp cận với Chân Thiện Mỹ tuyệt đối, để viết lên những lời thơ kinh, vừa nhân loại, nhưng cũng vừa đượm màu huyền diệu của một niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa nhiệm mầu.

Nói đến một nhà thơ công giáo, không thể bỏ quên một truyền thống quan trọng đã ảnh hưởng rất lớn lên tình cảm và tư tưởng của ngài Xuân Ly Băng, đó là truyền thống thi ca trong Giáo hội công giáo. Truyền thống này bất nguồn từ ngàn xưa, tới thời đại tiền Kitô giáo. Lúc đó các sứ giả tôn giáo đã dùng lời rao giảng và cả đến văn thơ để truyền đạt niềm tin của mình và sứ điệp của Thiên Chúa cho các tín đồ.

Một trăm năm mươi Thánh vịnh chẳng hạn là những bài thơ cầu nguyện từ cá nhân đi đến cộng đồng, chất chứa những tâm tình thấm nhuần tình yêu đã biến thành huyền sử.

Thánh Ambrosio đã say sưa những Thánh vịnh đó, và đã hết lời tán dương người thi thánh này: “Thánh vịnh là lời chúc tụng của dân Chúa, là lời ngợi khen Thiên Chúa, là tiếng vỗ tay reo vui của muôn loài, là lời lẽ của vũ trụ, là tiếng nói của Hội Thánh, là lời tuyên tín vang lừng, là lòng sùng mộ đầy tràn và đích thực, là niềm hoan lạc của con người tự do, là tiếng reo vui mừng và là âm vang của niềm hoan hỷ”.

Đức ông Xuân Ly Băng cũng kín múc từ nguồn cảm hứng sâu sắc đó của truyền thống thi ca trong giáo hội, đã sớm hoà nhập “Thơ và Tình đạo”. Từ lúc thanh xuân, Xuân Ly Băng đã bất đầu ca ngợi thiên nhiên và cuộc sống. Nhưng sau đó hất hết thơ Xuân Ly Băng đã sớm đi vào con đường của huyền sử tin yêu, ngưỡng mộ, nguyện cầu, hiệp thông với nguồn thơ vô biên chính là mầu nhiệm Thiên Chúa.

Thơ của Xuân Ly Băng là những kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc nhất diễn tả niềm tin và mộ mến theo một lộ trình mà thánh Augustino đã thường diễn tả: “Lạy Chuá xin cho con biết con, và xin cho con biết Chúa…”. Lời thơ không dừng lại đó, thánh nhân không ngừng hỏi mây, hỏi gió, hỏi rừng xanh núi đỏ: “Các bạn có phải là Thiên Chuá không?” và người nghe muôn tiếng trả lời: “Không, chúng tôi không phải là Thiên Chuá, mà Thiên Chuá là Đấng dựng nên chúng tôi.” Cuối cùng ông trơ về với lòng mình và nhận ra Thiên Chúa như một thực tại siêu việt, rất cũ và rất mới ở ngay trong lòng mình mà vẫn không nhận ra: “Lạy Chúa, Chúa ở trong con, nhưng con lại ở ngoài Chúa”.

Xuân Ly Băng cũng vậy, ngày đêm trăn trở, cũng đi tìm và phát giác ra một nguồn thơ bất tận, đó là cuốn Tin mừng Kitô giáo mình vẫn nắm trong tay. Từ Thơ Kinh, đến Hương Kinh, Trầm Tư, Quê Hương và Tình Đạo, nỗi niềm là những cố gắng không ngừng, khám phá thơ trong Đạo. Nhưng cuối cùng thành công của thơ Xuân Ly Băng là tập “Thơ Dụ Ngôn” và Bài Ca Thương Khó trong sách Tin Mừng. Dụ ngôn là những chuyện kể của Đức Giêsu rất bình dân nhưng lại để diễn tả những thực tại nhiệm mầu của Đức Giêsu vị Thiên Sai cứu độ. Chính Ngài là gốc của Chân Thiện Mỹ, cho nên những chuyện kể của Ngài đầy chân lý, đầy vẻ đẹp đầy thánh thiện..mà cuộc sống có thể có được.

Như câu chuyện dụ ngôn Người Cha Nhân Từ, có đứa con hoang đàng, thất nghĩa bất trung, đã chia gia tài, rồi đóng sập cửa quay lưng ra đi, để lại người cha già, ngày ngày mòn mỏi chờ mong. Và vừa khi ông thấy bóng nó trong tấm thân tàn ma dại trở về, ông vội chạy đến ôm chầm lấy nó mà hôn lấy hôn để, giữ chặt lấy nó mà không muốn buông ra.

Nhà thơ Cù Huy Cận, người ngoài công giáo đọc bài dụ ngôn đó và viết mấy vần thơ đáng ghi nhớ trong tập “Lửa Thiêng” như sau:

Thượng Đế hỡi, con xin quay đầu trở lại
Vì đời con là một kiếp lang thang
Sầu đã chín xin Ngài hãy hái
Mặc dầu cho hoả ngục hay thiên đàng
.

Qua thi văn Xuân Ly Băng đã suy gẫm, đã lao tâm khổ tứ gạn lọc cho được những chân lý đầy vẻ đẹp của các dụ ngôn để cống hiến cho chúng ta.

Nhất là Bài Ca Thương Khó, mà một nhạc sĩ ngoài công giáo Ngọc Lạc lát nữa đây sẽ trình bày, có thể nói là tuyệt tác của Xuân Ly Băng. Ngài đã kết hợp hồn thơ với đức tin đầy lửa mến, dẫn ta đi vào tấn bi kịch của một tình thương vô cùng kỳ diệu của Thiên Chúa.

Trên thập giá, là một cuộc chiến có một không hai trong lịch sử. Cuộc chiến tay đôi giữa con người và Thiên Chúa, và con người đã thắng. Thiên Chúa chịu để cho kẻ thù đóng chặt chân tay mình vào thập tự. Đâm toặc cạnh sườn cho thấu trái tim. Ngài đã chết ! Trong tấn bi kịch của Tình yêu đó, Thiên Chúa chấp nhận cái chết để chứng tỏ tình yêu mạnh hơn sự chết của Ngài. Ngài đẻ kẻ thù giết mình, không thà giết kẻ thù không bằng hạt cát dưới chân mình, Ngài nhắm mắt torng khoan dung tha thứ và bình an tuyệt đối.

Xuân Ly Băng đã dùng những lời đầy xúc cảm, với ý nghĩa vô cùng sâu sắc để giúp chúng ta đi sâu vào Mầu Nhiệm Tình yêu của Thiên Chúa. Và đó cũng là lời mời gọi chúng ta đi tìm Ngài.

« Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống ! Như Kinh thánh đã nói: Từ Lòng Người sẽ tuôn chảy dòng nước hằng sống» Ga 7,29.

Tuy tuổi đã cao, nhưng thơ vẫn trẻ, thi sĩ Xuân Ly Băng không ngừng tìm thơ trong Đạo để cống hiến cho Cộng Đồng tín hữu và người ngoài những vần thơ vô cùng cao quí. Văn chương thi phú là đỉnh cao của một nền văn hoá, là những nét đẹp tuyệt vời của cuộc sống, là con đường dẫn người ta gặp gỡ Chân-Thiện-Mỹ.

Giáo phận Phan Thiết vô cùng hân hãnh diện và biết ơn Đức ông Xuân Ly Băng.
Xin tuyên bố khai mạc đêm thơ Xuân Ly Băng

+ Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết


LINH MỤC PHÊRÔ NGUYỄN THIÊN CUNG
THI CA VÀ NIỀM TIN TRONG THƠ XUÂN LY BĂNG
(Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung biên soạn và trình bày trong phần tọa đàm
ĐÊM THƠ-NHẠC XUÂN LY BĂNG 23-6-2008 tại Tòa Giám Mục Phan Thiết)


Nếu Nghệ Thuật không chỉ là cách thế và hình thái diễn tả, trình bày “về” mà còn là nói lên tương quan “với” các Thực tại, hữu hình và vô hình, thì có lẽ Thơ và Nhạc là hai loại hình Nghệ thuật biểu đạt được những điều đó cách sâu sắc nhất và ấn tượng nhất…

Nhà Thơ và nhà văn Công giáo Hồ Dzếnh (1916-1991), trong bài viết “Thơ và Chúa” (ký tên Phạm Văn Lựu) đã phát biểu: “Cao hơn nghĩa Chúa rất Chúa, Trọn Lành trên mọi Trọn Lành, Hào Quang của muôn sáng tỏ, CHÚA, cái nghĩa chính bao quát tất cả là THƠ, CHÚA LÀ BÀI THƠ-BÀI THƠ Hằng Sống. Vĩnh viễn của HƯƠNG HOA, NHỊP ĐIỆU, MÀU SẮC, ÁI TÌNH. Đó là đạo lý thu hội lại Vũ Trụ và Nhân Sinh. Thế nhân cảm biết ĐẸP vì sẵn cái ĐẸP bên mình. CHÚA cảm biết ĐẸP vì ĐẸP là của chính NGƯỜI. NGƯỜI là ĐẸP […], Nguồn thơ bắt đầu từ đó…” (xem “Tác phẩm Đầu Xuân”, Tủ sách Nguyễn-Hà, 56 trang, khổ 15x21. In lần thứ nhất, xong ngày 10-12-1944, tại Nhà in Á Châu – Trích từ Bài Phát biểu của cụ Dục Đức Phạm Đình Khiêm đọc trong Đêm Thơ Xuân Ly Băng 26/04/2004 tại Giáo xứ Nam Hòa-Sài Gòn).

Thật vậy, con người, tự bản chất, vốn là một tổng thể “tam tài” (Thiên-Địa-Nhân hòa) (cosmothéandrique), tức là Thiên-Địa-Nhân vốn là 3 yếu tố cấu thành căn tính và bản chất của Con người. Vì thế, mọi thứ chủ nghĩa Hư Vô (le Nihilisme), Duy Nhân (l’Humanisme) và Duy Vật (le Matérialisme) đều sẽ dẫn đến chỗ làm băng hoại, thậm chí tiêu diệt Con Người. Hiện sinh của mỗi cá thể, đã hẳn, vì thế, sẽ là một Giai điệu của Bản Hợp tấu vĩ đại vốn đang được tấu lên cả ở Bên trong lẫn ở Bên ngoài Con người, Bản Hòa tấu mà con người chỉ có thể nghe được, cảm nhận được, khi con người “rà trúng” những tần số của chúng… Điều nầy có nghĩa, ở đây, có hai yếu tố cơ bản: trung tâm “phát sóng” (Thiên Chúa, thi nhân) và trung tâm “nhận sóng” (thi nhân, người đọc thơ)...

Thi nhân: Có thể nói rằng, Thi nhân đồng thời vừa là người “nhận sóng” từ Thiên Chúa vừa là người “phát sóng” đối với người đọc. Thật vậy, Thi nhân, trước tiên, chính là kẻ đã “rà trúng” tần sóng và tần số của Thiên Chúa, Đấng mà trong Ngài và bởi Ngài vũ trụ và con người tồn tại và hiện hữu. Hay nói cách khác, Thi nhân chính là kẻ đã tiếp cận được, cảm nhận được và cuối cùng dìm mình được vào trong Bản Hòa tấu vĩ đại Thiên-Địa-Nhân hòa đó…Và, chỉ trong điều kiện đó, tác phẩm phản ảnh thực tại đó mới có thể trở thành bất hủ. Một tác phẩm nghệ thuật nói chung, đặc biệt một tác phẩm thi ca chỉ có thể tồn tại lâu dài với thời gian hay còn gọi là bất hủ khi tác phẩm đó trào vọt ra từ chính trái tim của tác giả như giòng suối cách hồn nhiên và tự nhiên trào vọt ra từ chính Nguồn Suối mát. Chính yếu tố “hồn nhiên” và “tự nhiên” đó là điều làm cho Thi nhân khác với “thợ thơ”. Muốn thế, Thi nhân, đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo, phải ở trong một mối tương giao mật thiết nào đó với Thiên Chúa của mình hay với các thần thánh của mình…Vì thế, ngôn ngữ thi ca tôn giáo đồng thời cũng là ngôn ngữ của tán tụng, của ái ca, và cả của ai ca…Hay nói theo ngôn ngữ tôn giáo kinh điển, đó là ngôn ngữ cầu nguyện: thí dụ, các Kinh Upanisad [Chú giải các Kinh Veda] (tk.5 TCN), Kinh Bhagavad Gita [Bài ca của Người Hạnh phúc] (tk. 1 CN), các Thơ Kinh của Rabindranad Tagore (1861-1941) trong Aán Độ giáo; hoặc các Thơ Kinh của các Tiên tri hay các Thánh Vịnh của Do Thái giáo; hoặc ở Việt Nam, phần lớn gia tài thi ca của nhà thơ linh mục Xuân Ly Băng, ngay từ những Tập Thơ đầu đời như THƠ KINH (xb. Sàigòn 1956), HƯƠNG KINH (xb. Sàigòn 1957), TRẦM TƯ (xb. Sàigòn 1959), NỖI NIỀM (xb. Sàigòn 1961), BÀI CA THƯƠNG KHÓ (1968-2008)…cho đến những bài thơ viết sau năm 1975…Một tác phẩm thơ nếu thực sự phản ánh được những “rung động” tạo ra do những gặp gỡ ngay “tự bên trong cõi lòng mình”, tức là nơi giao thoa của những tương giao giữa Thiên Chúa, thiên nhiên và con người như thế, đã hẳn, rất dễ dàng tạo ra được sự đồng cảm và giao thoa với những ai đọc nó…

Độc giả: Về phía người đọc, có thể nói rằng người ta cũng chỉ “thưởng thức” được một bài thơ khi người ta “rà trúng” được tần số rung cảm của chính tác giả đã sáng tác ra bài thơ đó (theo như kiểu “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”). Ở đây, thi nhân vừa là trung tâm “tiếp nhận sóng” (từ Thiên Chúa, từ thiên nhiên, từ tha nhân, v.v…) vừa là trung tâm “phát sóng” (đối với người đọc thơ)…Những “rung động” chân thành của Thi nhân hay của Nhạc sĩ, vì thế, sẽ không còn là của riêng cá nhân mà sẽ trở thành tài sản của mọi người, mọi thời đại. Thi ca đích thực sẽ không còn là của “tôi”, “của anh” hay “của nó” mà là “của chúng ta”, của toàn thể nhân loại…Những Mozart (1756-1791), Beethoven (1770-1827), Paul Verlaine (1844-1896), Charles Péguy (1873-1914), Nguyễn Du (1766-1820), Hàn Mạc Tử (1912-1940), Trịnh Công Sơn (1939-2001) là những thí dụ điển hình…

Trong lãnh vực thi ca tôn giáo, ảnh hưởng và tác động nầy lại càng rõ nét hơn. Có lẽ khó mà kê khai ra được cách đầy đủ con số biết bao người đã nhận ra được và yêu mến Thiên Chúa và Mẹ Maria hơn qua trung gian tác phẩm thi ca, con người và cuộc đời của nhà thơ XUÂN LY BĂNG…

Thi ca và Niềm tin: Đức Giám mục P.M. Phạm Ngọc Chi, trong Lời tựa cho Tâp thơ THƠ KINH, xuất bản năm 1956 đã ghi nhận: “Sau Hàn Mặc Tử, một số thi sĩ công giáo ra đời. Trong số đó phải kể Xuân Ly Băng, kể từ mấy năm nay đã gieo vần trên mặt báo. Tập THI KINH của thi sĩ nhẹ nhàng như hương trầm trên Cung Thánh, sẽ gợi dậy niềm cảm hứng say sưa mùi đạo tự trời cao bay xuống.”

Linh mục Cao Văn Luận, nguyên viện trưởng Viện Đại Học Huế, trong Lời Giới Thiệu Tập thơ HƯƠNG KINH, xuất bản năm 1957 khẳng định: “Tôi tin chắc rằng, đọc thơ Xuân Ly Băng, ngoài sự khoái trá êm đềm gây nên bởi nhạc điệu của câu Thơ, người ta còn nghe ở đó một tiếng kêu mời gọi hồn về Chân Lý.”

Đức Giám mục Barthôlômêo Nguyễn Sơn Lâm trong lời giới thiệu nhân dịp xuất bản tập thơ LỜI CHÚA DIỄN THƠ năm 2002 đã “tâm sự”: “Tác giả Xuân Ly Băng và tôi đã có nhiều năm học chung một trường. Rồi sau đó chia tay, mỗi người một công vụ khác nhau tại những địa phương không dễ gần gũi. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được một tập thơ của tác giả và cầm đọc trong những lúc thinh lặng, có khi cả trong những giờ cầu nguyện, vì tác giả hầu như chỉ sáng tác những bài thơ tôn giáo.”

Không chỉ trên những người tin Chúa, ảnh hưởng thi ca của Xuân Ly Băng còn bao trùm trên cả những người trước kia vốn chưa tin Chúa như trường hợp ảnh hưởng thi ca của Hàn Mặc Tử đối với các ông Võ Long Tê và Phạm Xuân Tuyển…:

Thi sĩ Đinh Hùng, một nhà thơ không cùng tín ngưỡng trong Lời TỰA viết cho Tập thơ NỖI NIỀM của Xuân Ly Băng, xuất bản năm 1961 đã ghi nhận: “[…] Tôi vẫn thắc mắc nghĩ rằng: Giữa thời đại máu xương ngự trị, những tín đồ-thi sĩ như Xuân Ly Băng chính là những sứ giả đã giúp chúng ta tìm thấy Niềm Tin, cũng như người thái cổ, giữa đêm huyền bí sơ khai, đã tìm thấy lửa. […]. Ngày nay, đọc thơ Xuân Ly Băng, niềm thắc mắc của tôi không còn nữa. Nhà thi sĩ-tín đồ đã đem lại cho tôi Niềm Tin. Và Niềm Tin cần thiết nhất cho chúng ta hiện thời chính là phải như Xuân Ly Băng, tin rằng Linh Hồn bất diệt, ngoài thế giới hữu hình còn có một thế giới vô hình, tốt đẹp hơn.”

Các ông Trần văn Sơn và Phan Chính, hai tác giả không cùng tín ngưỡng ở vùng Bình Tuy, trong bài SƠ LUẬN VỀ NHỮNG NHÀ THƠ TRÊN BỐN MƯƠI (ở Bình Tuy trước 1975), in trên tờ ĐẤT MỚI năm 1973, nhận xét: “[…]. Dân địa phương chỉ biết có một Linh mục Lê Xuân Hoa lãnh đạo giáo hạt Bình Tuy, chứ không biết Ngài còn là thi sĩ Xuân Ly Băng với một nhịp tim đánh thức dậy trong lòng người niềm tin và sự ngưỡng vọng về Thiên Chúa.” (trang 94).

Nhà thơ Lê Ngọc Trác, trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận, tuy không cùng tín ngưỡng, đã cảm nhận được từ Thơ của Xuân Ly Băng: “Cảm hứng trong dòng chảy của thơ Xuân Ly Băng bắt nguồn từ đức tin Thiên Chúa. Nhà thơ như là những sứ giả giúp cho chúng ta tìm thấy niềm tin. Thơ Xuân Ly Băng rất gần gũi với cuộc đời chúng ta, tỏa ngát một tình thương cao cả, tinh thần và đầy lòng trung hậu. Thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp những nét lãng mạn trong thơ Xuân Ly băng thì cũng chỉ là một thứ lãng mạn đã được thăng hoa, được gột rửa những trần trụi của đời thường để rồi hóa thân thành Thơ Kinh.” (xem Lê Ngọc Trác, Một chút tình thơ, xb. Hội VHNT Bình thuận 2008, trang 22).

Như vậy, hẳn người ta cũng đã có thể nhận ra, cũng như Tình yêu vốn là một thứ Ngôn ngữ phổ quát, Ngôn ngữ Thi ca đích thực cũng là một thứ Ngôn ngữ phổ quát, mọi người đều có thể nói ra và ai ai cũng đều có thể hiểu được, bởi vì Thi ca không gì khác hơn chính là những đoản khúc của Giai điệu vĩnh hằng được tấu lên bởi Bản Giao hưởng vĩ đại là Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi và huyền nhiệm “Thiên-Địa-Nhân hòa” nơi Vũ Trụ và cả Bên trong lòng người…

Vì thế, một nền Thi ca đích thực, tất yếu phải dẫn đưa con người đến với Niềm tin, đến với con người, đến với Tình Yêu và cuối cùng đến với Thượng Đế… Đó chính là Sứ mạng của Thi ca nói chung và đặc biệt của Thi ca tôn giáo:

“Văn chương và Nghệ thuật cũng theo thể cách riêng mà giữ một vai trò quan trọng trong Giáo Hội. […]. Như thế, văn chương và nghệ thuật có thể nâng cao đời sống nhân loại, được diễn tả dưới nhiều hình thức, tùy từng thời và từng miền khác nhau. Vì thế, cần phải làm sao để các văn nghệ sĩ cảm thấy rằng Giáo Hội đang lưu tâm đến hoạt động của họ...” (Hiến chế GS số 62).

Và: “Bây giờ đây, Công đồng muốn ngõ lời với tất cả các bạn, hỡi anh chị em nghệ sĩ, những con người vốn bị cuốn hút bởi Cái Đẹp và lao tâm khổ tứ cho Cái Đẹp: các nhà thơ và các nhà văn, các họa sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc sư, nhạc sĩ, những con người của nghệ thuật sân khấu và điện ảnh…Qua tiếng nói của chúng tôi, Giáo Hội của Công Đồng muốn nói với tất cả các bạn rằng nếu các bạn là bạn hữu của một nền nghệ thuật đích thực, thì các bạn cũng là bạn hữu của chúng tôi !

Từ thưở sơ khai của mình, Giáo Hội vốn đã liên minh với các bạn. Các bạn đã từng xây dựng và trang trí các đền đài của Giáo hội, đã từng tôn vinh các tín điều của Giáo hội, đã từng làm giàu cho phụng vụ của Giáo hội. Các bạn đã từng giúp Giáo hội phiên dịch sứ điệp thần linh của mình qua trung gian những thứ ngôn ngữ tạo hình, đã giúp Giáo hội khiến cho thế giới vô hình trở nên có thể nắm bắt được.

Hôm nay cũng như hôm qua, Giáo Hội cần đến các bạn và hướng về các bạn. Qua tiếng nói của chúng tôi, Giáo hội muốn nói với các bạn rằng đừng phá vỡ đi một trong những liên minh phong phú giữa các bạn và Giáo hội! Đừng từ chối sử dụng tài năng của các bạn phục vụ chân lý thần linh ! Đừng bưng bít thần trí của các bạn trước hơi thở Thánh Thần !

Thế giới mà trong đó chúng ta đang sống vốn rất cần cái ĐẸP để khỏi rơi vào những nỗi niềm thất vọng đắng cay. Cái ĐẸP cũng như SỰ THẬT, vốn là cái mang lại NIỀM VUI nơi sâu thẳm lòng người, và chính hoa qủa qúi báu là niềm vui đó vốn là cái giúp con người chống lại được sức tàn phá của thời gian, là cái nối kết các thế hệ lại với nhau và làm cho các thế hệ hiệp thông được với nhau trong tâm tình cảm phục. Và điều đó là tùy ở nơi các bạn…” (xem Các sứ điệp của Công Đồng Vaticanô II ra ngày 08 tháng 12 năm 1965, phần Ngõ lời với các Nghệ sĩ, không có trong Bản dịch của GHHV Thánh PIÔ X Đà Lạt; trích đoạn nầy do tác giả Bài nầy dịch từ Concile oecuménique Vatcan II, Eùd. Du Centurion 1967, pp. 729-730).

Và, kính thưa tất cả qúi vị, hôm nay đây, tôi cũng muốn dùng những lời ngõ nầy của Công Đồng chung Vaticanô, để nói với tất cả qúi vị, về nhà thơ XUÂN LY BĂNG, một cây Đại thụ của nền thi ca Công giáo Việt Nam, niềm tự hào chung của toàn thể Giáo phận Phan Thiết, người ròng rã hơn 60 năm qua như phù sa âm thầm đã bồi đắp cho cuộc đời chúng ta Niềm Tin và Niềm Vui giúp chúng ta thoát khỏi niềm thất vọng và nhờ đó chống lại được sức tàn phá của thời gian…

Linh mục Pet. NGUYỄN THIÊN CUNG.

LINH MỤC NHẠC SĨ KIM LONG
CẢM NGHIỆM THƠ XUÂN LY BĂNG TRONG THÁNH CA
(Pm. Cao Huy Hoàng lược ghi trong phần tọa đàm)


-Ns. Phanxico: “Thưa Cha Kim Long, đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng được vinh dự tiếp đón Cha, một Nhạc sĩ Công Giáo trên 50 năm viết Thánh Ca và trong số những tác phẩm Hợp Xướng của Cha đã có những bài Phổ Thơ của Đức Ông Xuân Ly Băng. Vậy xin Cha cho chúng con biết những cảm nghiệm của Cha về Thơ Xuân Ly Băng.

-Lm. Nhạc Sĩ Kim Long: “Trọng kính Đức Cha, kính thưa Đức Ông, thưa quí Cha, quí vị.

Con không hiểu làm sao-có lẽ là duyên cớ Chúa soi sáng thế nào đó- từ năm 16-17 tuổi con thích thơ lắm. Lúc đó, con chưa làm nhạc mà đột nhiên con muốn làm thơ. Con đã viết nhiều thơ. Và có lẽ vô tình, một người bạn tặng cho con cuốn Thơ Kinh của Xuân Ly Băng. Con đọc và con thấy nhiều điều mình muốn nói thì Xuân Ly Băng đã nói rồi. Rồi đến tập Hương Kinh cũng vậy, con thuộc lòng một đoạn rằng:

Từ ngày tôi biết lắng nghe
Trong không gian ý thơ về trời cao
Hồn tôi đắm đuối dạt dào
Đi ra thơ thẩn đi vào buâng khuâng


Đúng. Khi có tác động của ý nhạc hay ý thơ của Thiên Chúa thì mình cũng đã từng “đi ra thơ thẩn đi vào buâng khuâng” và cảm nghiệm được như vậy rồi. Con thấy mình không cần làm thơ nữa và con đã bước sang lĩnh vực âm nhạc, vì nghĩ rằng có thể dùng âm nhạc để mà chuyển tải thêm cái gì đó cho thơ. Bởi vì, cái điều mà mình muốn nói có người khác nói rồi, như thế cái cần có là niềm rung cảm mà mình có thể hội nhập được. Vậy, cái chia sẻ chính yếu của con là: con cảm nghiệm được cái điều mà Xuân Ly Băng muốn nói từ trong lòng, và khi cảm nhận được rồi, thì một lúc nào đó, nó thành nhạc là chuyện tất nhiên thôi. Có thể là một ý tưởng của Xuân Ly Băng đến với mình hoặc một bài thơ làm cho mình ngây ngất - mình thuộc lòng ngay. Rồi bất chợt, một lúc nào đó nó lại thành thơ, nhưng là ý tưởng của Xuân Ly Băng. Con nhớ có một bài thơ của Xuân Ly Băng diễn tả một câu thơ của Baudelaire

Mẹ ơi trong ánh nắng chiều
Đến đây với Mẹ yêu kiều lòng con
Chẳng xin gì chẳng van lơn
Chỉ nhìn ngắm Mẹ thế thôi cũng vừa


Có lần, con viếng hang đá Lộ Đức, nhớ tới Xuân Ly Băng thì con hát rằng: (Hát)

Quì trang nghiêm trước ngai Mẹ,
Hàng bạch lạp sáng lung linh,
Con không có gì để dâng để khấn,
Con chỉ đến ngắm nhìn Mẹ thôi
” (Vỗ tay)

Như vậy đó, con cảm thấy có một sự hội nhập nào đó. Có thể là một câu thơ, một bài thơ của Xuân Ly Băng gợi cho mình một ý tưởng để thành ca khúc.

Con nhớ đọc bài thơ Xuân Ly Băng nói về tiệc cưới Cana
“ Tiệc đời con cạn rượu rồi Mẹ ơi,
Mẹ cầu Chúa cho con đừng xấu hổ”
Một ý tưởng: có hai bàn tiệc-bàn tiệc đời, bàn tiệc cưới. Và vì thế, con viết rằng: (hát)

Như xưa, trong tiệc cưới Cana
Mẹ đã từng xin Chúa biến nước thành thứ rượu nồng
Nay trong bàn tiệc dương thế
Nguyện Mẹ xin Chúa biến cơ cầu thành sướng vui hy vọng


-NS. Phanxico: “Thưa cha chúng con xin có một câu hỏi thứ hai-mang tính cách chuyên môn về âm nhạc một chút-là trong bất kỳ ca khúc nào cũng có hai yếu tố, đó là âm nhạc và lời ca. Đức Ông XLB đã đóng góp phần lời ca trong rất nhiều bài hát mà Cha đã thực hiện. Vậy chúng con xin có câu hỏi: lời ca có tầm quan trọng như thế nào trong thánh nhạc?”

- Lm. NS. Kim Long: “Kinh nghiệm của 51 năm viết thánh ca, con viết từ năm 1957, thì con cảm nghiệm điều nầy đối với nhạc công giáo: Ý, Lời Ca là quan trọng. Nhạc là để chuyển tải mà thôi. Lời ca là cái căn cốt mà con người có thể lắng nghe và có thể lay động lòng người, cái tư tưởng mà mình phải hội nhập. Vì thế, trong cuộc Hội Thảo Ban Thánh Nhạc Toàn Quốc vừa qua, con có chia sẻ với những người đi sau: muốn viết Thánh Ca, phải có ba yếu tố: phải Đọc, phải Suy, và phải Cầu. Đọc Thánh Kinh, đọc ca vịnh, đọc Thơ Văn, đủ thứ, để cho mình có một kiến thức. Từ việc đọc đó, nó chưa là gì cả. Nhưng rồi, phải trầm tỉnh để mà Suy. Suy, con nghĩ rằng, chính Chúa sẽ soi sáng cho mình để mình cảm nghiệm được những gì mà Chúa muốn nói với mình. Khi đã nhận được những điều Chúa muốn nói với mình nhờ việc Suy, thì việc thứ ba là phải Cầu. Chính mình phải cầu nguyện với Chúa. Vì Thánh ca là gì? Con nghĩ, Thánh ca phải là lời cầu nguyện. Nếu mình chưa cầu nguyện với Chúa thì làm sao có thể giúp người khác cầu nguyện với Chúa được. Cho nên phải đọc, phải suy, phải cầu. Có thể nhờ đọc một tư tưởng nào đó, mà nó có thể gợi cho mình viết được một bài ngay. Nhưng, đối với nhạc công giáo, thì không phải tự sức mình viết được một bài ngay đâu, mà do Chúa soi sáng cho mình viết bài đó. Có thể là một tư tưởng đến rất tình cờ.

Con đọc mấy câu thơ này của XLB. Và ngay khi đọc, con viết thành nhạc ngay:

Con hỏi Ngài bao giờ Ngài đến
Ngài hỏi con, khi Ngài xuất hiện
Con có sẵn sàng không
Có cần cù làm việc
Lưng thắt, đèn chong
Con hỏi Ngài khi nào Ngài đến
Ngài hỏi con khi Ngài Xuất hiện
Con có tỉnh thức không
Có kiên trì cầu nguyện, phục vụ tha nhân
Con hỏi Ngài khi nào Ngài đến,
Ngài hỏi con khi Ngài xuất hiện
Con có mặc áo cưới không
Tay cầm cành Thiên tuế, và chiến đấu đến cùng
” (Vỗ tay)

-NS. Phanxico: “Xin cảm ơn Cha Kim Long” (Vỗ tay)

- Nhà thơ Lê Đình Bảng: “Thưa Cha Kim Long. Xin Cha đứng với con một tí, một tí thôi à. Cha có nghe thấy tiếng vỗ tay thật dài, thật hoành tráng không?

-Lm. Ns. Kim Long: “Chương trình dài quá rồi mà hát hết một bài thì thế nào?”
(Vỗ tay dài hơn…)

-Lm. Ns. Kim Long: “Con có đọc một bài thơ XLB, con hội nhập được ý tưởng của Ngài. Nhưng con muốn đồng hóa một chút với ý tưởng của con, để có sự hòa nhập. Và vì thế, con viết hơi khác khác đi một chút xíu. Thí dụ có những từ “sầu đã chín…” của Huy Cận mà Xuân Ly Băng lại viết: “ Sầu tâm tư đã chín rồi chưa hái”. Phải không Cha?
(Đức Ông cười, gật đầu)

Vậy thì con xin hát bài “Ở Lại Với Con” trong đó có “sầu đã chín” nhưng là “sầu đã chín” của Xuân Ly Băng, không phải của Huy Cận:

Ở lại với con, ở lại với con, đừng về nữa
Chúa ơi, thôi đừng về nữa.
Chiều xuống ngập nơi nơi
Bóng đen giăng kín khung trời
Nguyện cầu Chúa thương, ở lại với con.
Xin ở lại với con, vì hồn con luôn sống bởi Ngài.
Thôi đừng về nữa Chúa ơi.
Từ nghìn thu xa trước, Ngài đã thương con.
Nay con nguyện, yêu Ngài tới muôn đời luôn.
Ở lại với con, ở lại với con
Sầu đã chín. Sầu đã chín. Chúa ơi hy vọng vụt tắt.
Đời biết về nơi đâu, đắng cay nghẹn mắt lệ sầu.
Nguyện cầu Chúa thương, ở lại với con.
Xin ở lại với con, vì hồn con luôn sống bởi Ngài.
Thôi đừng về nữa Chúa ơi.
Từ nghìn thu xa trước,Ngài đã thương con.
Nay con nguyện, yêu Ngài tới muôn đời luôn
”.

NHÀ THƠ LÊ ĐÌNH BẢNG
ĐỨC ÔNG LÊ XUÂN HOA-NHÀ THƠ XUÂN LY BĂNG
TRONG DÒNG CHẢY VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM
(Pm. Cao Huy Hoàng lược ghi trong phần tọa đàm)


-NS. Phanxico: “Vâng, chúng con xin nhà thơ Lê Đình Bảng tạm ngưng cái nhiệm vụ dẫn chương trình để trở về với cương vị của ông là một nhà thơ công giáo nổi tiếng đồng thời là một người nghiên cứu về thi ca công giáo Việt Nam. Phòng tọa đàm kính mời nhà thơ Lê Đình Bảng lên sân khấu, để chúng tôi được đặt một số câu hỏi về thơ của Xuân Ly Băng trong dòng văn học công giáo Việt Nam”.

-NS. FX: “Thưa nhà thơ Lê Đình Bảng, chúng tôi được biết ông vừa là người làm thơ lại vừa là người nghiên cứu văn học công giáo. Chắc hẳn, như vậy là ông có hai mối quan hệ với Đức Ông Nhà Thơ Xuân Ly Băng: một là mối quan hệ đồng cảm giữa những người làm thơ với nhau, và mối quan hệ thứ hai là về học thuật giữa một người nghiên cứu và một tác giả của văn học công giáo Việt Nam. Vậy, xin ông chia sẻ cảm tưởng cảm nghiệm của ông về các tác phẩm của Cha Xuân Ly Băng và về con người của nhà thơ này. Xin kính mời ông”.

-Nhà thơ Lê Đình Bảng: “Thưa quí vị, tôi nhớ một nhà thơ Pháp-hình như là Baudelaire-nói một câu như thế này “nhà thơ là người có cái tai nghe được cái âm thanh mà người thường không nghe thấy, có đôi mắt nhìn thấy được sắc màu mà người thường không thấy”. Và ông ta đã ví von rằng: “thơ là một vị thần thoại Hy Lạp ăn cắp lửa của trời, rồi đem lửa của trời chuyển hóa thành ngôn ngữ. Cho nên, dù Xuân Diệu đã nói:

Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió
mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mây


Thì những người làm thơ công giáo, không phải là họ “mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mây”, nhưng thông qua ngôn ngữ của thi ca, họ có cùng một mục đích rất rõ ràng: Đức Tin Kitô Giáo.

Cái quan hệ thứ nhất của tôi đối với nhà thơ Xuân Ly Băng là khoảng năm 1958- tôi đang là sinh viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Trước đây thì tôi đọc rất nhiều thơ, đặc biệt là thơ Hàn Mạc Tử. Nhưng khi Hàn Mạc Tử được Chúa cất đi ở cái tuổi rất là còn trẻ, tức là năm 1940, thì sau đó có một cái khoảng trống trong cái dòng chảy thi ca Việt Nam sau Hàn Mạc Tử. Nhưng, tôi thấy, bỗng dưng cho đến khoảng năm 1956- chính xác là như vậy - tôi được đọc tập thơ đầu tiên của Xuân Ly Băng:Hương Kinh, rồi Thơ Kinh, Nỗi Niềm, Trầm Tư… cho đến cái đại tác phẩm hơn một nghìn câu thơ lục bát “Bài Ca Thương Khó” mới đây, thì cái thần tượng thứ hai trong đời của tôi mà tôi gọi là cái cây cao bóng cả phủ lên đời làm thơ của tôi sau Hàn Mạc Tử, đó là Xuân Ly Băng. Chính ngọn lửa Xuân Ly Băng ấy đã khơi dậy, đã thúc đẩy tôi, thúc đẩy tôi đi đâu ? Thưa, thúc đẩy tôi rằng: chúng ta hãy đốt lửa lên, chúng ta thắp niềm tin lên bằng thi ca để làm sao có thể rao giảng được đức tin, được Tin Mừng của Chúa.

Chính sự thúc đẩy của Thơ Xuân Ly băng, mà từ năm 1960 cho đến năm nay, tức là 48 năm, tôi đi đây đi đó -đặc biệt là đi nước trong nhiều hơn nước ngoài-đi đến khắp các Giáo Phận, và ở mỗi một giáo phận như vậy, thì nơi mà tôi tìm hiểu đầu tiên là thư viện. Tôi xin phép lùng sục vào trong thư viện- nhiều khi cả ban sáng lẫn ban chiều tôi chỉ cần một ổ bánh mì rồi chui vào trong đó mà đọc. Tất cả những nhà nghiên cứu ở ngoài đời, khi nói về thi ca, thì họ nói “công giáo các ông làm gì có thi ca, nếu có, cũng chỉ có mỗi Hàn Mạc Tử”. Nhưng qua những sưu khảo từ miền Bắc cho đến miền Trung và miền Nam, tôi khám phá ra một điều mà có thể trả lời cho quí vị ngày hôm nay rằng: từ năm 1670 Công giáo chúng tôi đã có thơ ca với tác phẩm “Sấm Truyền Ca” của Lữ Y Đoan. Tôi còn có thể trả lời được rằng: sau đó đã có một dòng chảy của Thi Ca Công Giáo Việt Nam qua Đặng Đức Tuấn, Phan Văn Minh, Pétrus Ký, Huỳnh Tịnh Của, Philipphe Bỉnh, Giuse Maria Thích và hằng hà sa số cho đến Xuân Ly Băng. Nếu tôi tổng hợp lại thì có trên dưới khoảng chừng 100 nhà thơ lớn. Lớn đây không phải lớn về thành tích, lớn đây không phải lớn về số lượng, nhưng lớn ở cái chỗ là trong âm thầm những người làm thơ công giáo vẫn sáng tác và chúng ta đã có một dòng chảy.

Thưa quí vị, xin quí vị, đặc biệt là Đức Cha, Đức Ông, quí Cha và tất cả mọi người, cầu nguyện cho tôi sống lấy năm năm nữa, để tác phẩm Nghiên Cứu Thi Ca Công Giáo của chúng tôi được phép trình làng. Tác phẩm ấy - như anh Phanxicô vừa nói - là cái công trình mà chúng tôi âm thầm làm trong vòng 48 năm nay. Chúng tôi sẽ chia ra làm ba tập, và đây, Cha Vinh Sơn Bề trên Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế sẽ sẵn sàng lo lắng, ủng hộ chúng tôi làm thực hiện trên dưới khoảng chừng gần 10.000 trang. Trong tác phẩm ấy, tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy rằng Truyện Kiều có 3.254 câu thơ lục bát thôi, nhưng có những tác phẩm Phúc Âm Diễn Ca có tới 14.000 câu thơ lục bát. Tôi cũng chứng minh cho mọi người thấy được rằng: Công giáo chúng tôi chảy trong dòng chảy văn hóa Việt Nam; Công giáo chúng tôi đồng hành với dân tộc Việt Nam, và cụ thể nhất là Xuân Ly Băng và Thơ Xuân Ly Băng mà chúng ta nghiêng mình ngưỡng mộ hôm nay, tại Giáo phận phan thiết này. Chúng ta nổ tràng pháo tay cảm ơn Chúa vì Tin mừng của Chúa đã thấm vào hơi thở của dân tộc Việt Nam. Xin tạ ơn Chúa.
(vỗ tay)

-NS. FX: Thưa ông Lê Đình Bảng, khi đọc thơ của Đức Ông Xuân Ly Băng, người ta thường có nhận xét rằng: có một cái điểm đặc biệt khác với tất cả các nhà thơ Công giáo khác, là Đức Ông làm thơ không chỉ để trải lòng mình hay để cầu nguyện mà còn để dạy giáo lý để phổ biến kinh thánh, để thực hiện việc mục vụ. Và trong quá trình làm thơ, thì có vẻ như Đức Ông rất ưu ái thể thơ lục bát như trong phần tuyên bố lý do, rồi sau đó trong huấn từ của Đức Cha có nhắc đến tập Dụ Ngôn “Bài ca thương khó”; cũng như trong lời tựa cho tập thơ ấy, Đức Ông Xuân Ly Băng nói rằng sau khi đọc đi đọc lại và nghe đi nghe lại thì đã quyết định viết lại và sử dụng thể thơ lục bát cho cái tập Dụ Ngôn đó. Xin hỏi ông một câu có tính chuyên môn là ông có nhận xét gì về thể thơ lục bát nói chung, và việc Đức Ông Xuân Ly Băng sử dụng thể thơ đó trong tác phẩm của mình?

-Nhà thơ Lê Đình Bảng: Thưa quí vị, có hai vấn đề: vấn đề thứ nhất, Đức Ông Xuân Ly Băng làm thơ để làm gì ? Rất rõ ràng từ đề tài, nội dung, loại hình, chuyển thể... Tất cả chỉ có một mục đích: đó là rao giảng Lời Chúa, rao giảng Tin mừng. Điều này cho thấy Ngài kế thừa một truyền thống ba, bốn trăn năm của tổ tiên ta: Lữ Y Đoan viết Sấm Truyền Ca là để giới thiệu Cựu Ước, Phan Văn Minh viết Nước Trời Ca và E-vang ca, Đặng Đức Tuấn viết ra Lâm Đàn Phục Quốc Hành, Pétrus Ký v.v…cho đến ngày nay, cũng là đi theo con đường bằng góc độ và những nén vàng nén bạc Chúa ban cho mình để rao giảng lời Chúa, đấy là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai, đúng như là nhạc sĩ Phanxicô nói, đọc trong toàn bộ các tác phẩm-trên dưới 44 tác phẩm của Xuân Ly Băng-tôi thấy trong đó nổi lên một cái dòng chảy rõ lắm, đó là Đức Ông mặn mà và có sở trường về thơ lục bát. Từ đó, tôi lại liên tưởng tới nhà thơ và nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi và một câu nói rất nổi tiếng của ông, khi nhiều bạn làm thơ đưa thơ cho ông đọc, ông nói: “Anh biết làm thơ lục bát không, nếu anh biết làm thơ lục bát thì đấy mới là nhà thơ”. Vì thật ra, nếu làm thơ lục bát là “bằng bằng trắc trắc bằng bằng bằng bằng trắc trắc bằng bằng…” thì ai cũng làm được, kể cả bà mẹ quê cũng làm được. Nhưng đấy mới chỉ là thợ thơ. Nhà thơ phải vượt lên bên trên cái thợ-thợ tức là kỹ thuật, kỹ xão- nhưng trong thơ lục bát còn phải có hồn, phải có hứng, mà người làm thơ công giáo gọi là phải có đức tin, phải có lời cầu nguyện. Tôi lại nhớ nhà văn Nguyễn Tuân nói rằng “Anh đưa cho tôi xem một bài thơ lục bát, nếu bài thơ đó hay, anh là nhà thơ, còn bao lâu anh chưa làm được bài thơ lục bát không phải là nhà thơ”. Cho nên tôi nhìn suốt dòng văn học Việt Nam, tôi nhìn suốt dòng văn học Công giáo, tôi thấy rằng dòng chảy chính của dân tộc ta là dòng đi chậm rãi không cần tốc độ “bằng bằng trắc trắc bằng bằng, trăm năm trăm cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” – Mặc kệ Âu Mỹ người ta đi thế nào, mình cứ đủng đà đủng đỉnh mà đi chậm, nhưng mà chắc, cho nên thơ lục bát là một ưu điểm của dân tộc Việt Nam. Và Xuân Ly Băng cũng đã vươn tới cái lục bát toàn mỹ đó trong thơ lục bát đậm màu nghệ thuật và Đức tin công giáo. “Một mảng chiều” với mấy câu thơ, cũng đủ họa lại con người Việt Nam chân chất với niêm tin vô cùng:

Mẹ cho con một mảng chiều
Có mây giăng tím chở nhiều nhớ mong
Có đàn sáo lượn ven sông
Lưng trâu có chú mục đồng thổi tiêu
Hoàng hôn lá rụng thật nhiều
Khói lam bàng bạc xóm nghèo bơ vơ
Mẹ cho con một trời thơ
Khi chuông nhật một nhà thờ lan xa
”.

NS. Fx: Xin cảm ơn ông.

ĐỨC ÔNG GB. LÊ XUÂN HOA
HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
VÀ ƯỚC NGUYỆN CHO THẾ HỆ TRẺ
(Pm. Cao Huy Hoàng lược ghi trong phần tọa đàm)


-NS. Fx. Trọng kính Đức Ông, trong niềm vui của GP. Phan Thiết, chúng con kính xin Đức Ông cho biết về hành trình đức tin của Đức Ông trong đời linh mục làm thơ, và ước nguyện của Đức Ông cho thế hệ hậu duệ.

-Đức Ông Xuân Ly Băng: “Thưa Đức Cha, thưa quí Cha, quí vị lãnh đạo các cấp Bình Thuận, quí tu sĩ nam nữ, chủng sinh, thưa các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, quí vị quan khách, tất cả tham dự trong buổi biểu diễn đêm thơ nhạc hôm nay.

Trong chương trình này, giờ đến mục là ban tổ chức cho tôi được nói về hành trình đức tin, ước nguyện cho thế hệ trẻ. Đức tin là sự hiện diện một thực tại siêu nhiên mà hồng ân Thiên Chúa ban cho những ai có thiện chí thành tâm đi tìm Ngài.

Nói đến hành trình đức tin tức là phải nói về lộ trình của đức tin-tức là con đường đức tin phải đi qua. Trong tin mừng Đức Kitô đã tự khẳng định “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”, là đường đem đến sự thật, sự thật dẫn đến sự sống, sự sống đây là sự sống vĩnh cửu, sự sống siêu phàm chan hòa ánh sáng an bình cũng như là nước trời, nước Thiên đàng, hạnh phúc viên mãn.

Hành trình đức tin chính là sự tiến lên, vươn lên không ngừng về cõi trời đó. Bao lâu chưa chiếm hữu được thì con người vẫn khắc khoải, khát khao, nhớ mong- đúng như lời Vua Thánh David nói ở trong Thánh vịnh, 1000 năm trước kỷ nguyên cứu độ:

“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi
Con người mới được nghỉ ngơi yên hàn”.

Rồi trong thánh cuốn tự thuật của Augustino mà lúc nãy Đức Cha Phaolô nhắc lại, có một câu mà tôi rất tâm đắc. Ngài viết bằng tiếng Latin, nhưng xin dịch ra Tiếng Việt là

“Lạy Chúa, lạy Chúa, Chúa sinh ra chúng con để được hạnh phúc với Chúa, nên lòng chúng con mãi mãi khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”
xin nhắc lại câu này
“Chúa sinh ra chúng con để được hưởng hạnh phúc với Chúa, nên lòng chúng con mãi mãi khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”

Câu này đã được chuyển tải bằng câu thơ lúc nảy anh Đình Bảng nhắc lại:
“Con người chưa được vô biên
là còn thổn thức ưu phiền tháng năm”

Cũng tư tưởng đó, thì Thi sĩ Pháp, Lamartine, ông viết Pháp văn mà Cha Sảng Đình Diệp Văn Thích đã dịch ra Tiếng Việt
“Hình hài tuy hữu hạn,
Thị dục vẫn vô cùng,
Con người là tiên đọa lạc,
Hằng tưởng nhớ thiên cung”

Rồi trong Thơ Kinh, tức là những tác phẩm mà thi sĩ Đình Bảng vừa trích dẫn có mấy câu
“Đàn lòng kết bởi muôn dây,
Nhưng dây hạnh phúc còn gầy đàn ơi,
đêm đêm nhớ nước trên trời,
ôm đàn ta khóc, mạc đời ta chia”

Cho nên, gọi hành hành trình đức tin, tức là lộ trình đức tin. Mà lộ trình đó tức là Đức Chúa Giêsu, Thiên Chúa. Văn chương nghệ thuật mọi nơi và mọi thời, không nhiều thì ít, đều mang trong mình trách nhiệm chuyển tải nỗi niềm ấy đến cho mọi người. Đọc thơ văn bằng Tiếng Việt, nhất là bằng tiếng Pháp, hoặc đọc bằng tiếng Anh, thì tôi thấy rằng: hầu như tất cả văn nghệ sĩ đều có một cái thao thức chung, như câu của Huy Cận mà Đức Cha Phaolô vừa mới nhắc đó: tức là khắc khoải, ưu tư, mong nhớ một cái gì vô biên một cái gì ở ngoài tầm mắt tầm suy tư của mình, khắc khoải đó mà chúng ta gọi là cái nhung nhớ về cõi đời đã mất.

Bây giờ sang điểm thứ hai, tôi xin có đôi lời với thế hệ trẻ cầm bút hôm nay. “Các bạn hãy nuôi dưỡng cây bút mình, bằng lời cầu nguyện được thấm nhuần lời thánh kinh. Nơi đây các bạn sẽ gặp gỡ Thiên Chúa qua Đức Kitô. Ngài là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối. Ngài là văn sĩ trên mọi văn sĩ, là thi sĩ trên mọi thi sĩ, là nhạc sĩ trên hết mọi nhạc sĩ. Ngài là nghệ sĩ tối cao tuyệt đối, toàn năng, là Đấng Sáng Tạo và ban vẻ đẹp cho muôn loài muôn vật từ muôn đời muôn thưở. Tất cả mọi vẻ đẹp đều xuất phát nơi Chúa và tất cả mọi sáng tác của con người đều là họa lại hình ảnh của Thiên Chúa hoặc chỉ là sự mô phỏng Thiên Chúa. Cho nên, xin các bạn hãy viết bằng cây bút Đức tin, bằng mực Đức cậy, và trang giấy viết là Đức mến.

Hãy sáng tác dưới con mắt dịu dàng của Đức Mẹ Maria, sáng tác dưới chân Thánh Giá, dưới ánh sáng phục sinh của Đức Kitô.

Các bạn đừng có tham vọng làm Nguyễn Du, làm Nguyễn Gia Thiều, làm Đoàn Thị Điểm; các bạn cũng đừng có tham vọng làm Ngô Tất Tố, Khái Hưng hay Nhất Linh. Về phương diện thơ, đừng có tham vọng làm Xuân Diệu, Huy Cận hay là Hàn Mạc Tử. Các bạn hãy khiêm nhu và thành tín. Sự thành tín rất hệ trọng. Con người làm văn là con người trọng chữ thành, chữ tín và luôn luôn khiêm tốn.

Xin các bạn hãy cầm bút cho thẳng, tôi nhắc lại xin các bạn hãy cầm bút cho thẳng, cho ngay, giữ lương tâm cho trong trắng, giữ vững bản sắc văn hóa Việt Nam trong mọi hoàn cảnh sáng tác. Xin nhắc lại câu này: các bạn hãy cầm bút cho thẳng, cho ngay, giữ lương tâm cho trong trắng, giữ vững bản sắc văn hóa Việt Nam trong mọi hoàn cảnh sáng tác.

Tiền đồ văn học của xã hội và giáo hội đang nằm trong tay các bạn. Các bạn hãy hiên ngang can đảm nhận lấy trách nhiệm sáng tác nhằm phong phú hóa dòng nghệ thuật công giáo mà các bậc tiền bối đã trao lại cho chúng ta.

Tôi năm nay đã già, hết hy vọng đi con đường Siêu Tốc - Cao Tốc, Sài Gòn - Hà Nội, cũng hết hy vọng đi con đường mòn Hồ Chí Minh từ nam về bắc, nhưng mà luôn luôn tôi tin chắc đi tren con đường, Con Đường Đức Giêsu. Con Đường đó, tôi muốn giới thiệu đến các bạn để được gặp nhau trong nước Chúa Kitô.

Xin kính cảm ơn Đức Cha, Quí vị. Kính chúc sức khỏe và một đêm thơ nhạc tốt đẹp và bổ ích.

GB. Lê Xuân Hoa
Xuân Ly Băng 23-6-2008
(Pm. Cao Huy Hoàng lược ghi)


LỜI CẢM ƠN

Trọng kính Đức Cha Phaolô
Kính quí Đức Cha, Quí Cha Hạt Trưởng, Quí Cha Bề Trên, quí tu sĩ nam nữ
Kính thưa quí cấp chính quyền tình Bình Thuận, Thành phố Phan Thiết, Phường Lạc Đạo
Kính thưa quí vị nhà biên khảo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ, nhà báo, quí vị khách mời, và toàn thể quí vị…

Ước mơ khiêm tốn của ban tổ chức Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng là tri ân Đức Ông Linh Mục Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa vì những đóng góp của Ngài cho Giáo Hội và cho Văn Học Công Giáo Việt nam. Ước mơ ấy, niềm tri ân ấy được nhân lên gấp trăm ngàn lần nhờ lòng ưu ái của Đức Cha Phaolô, của quí Đức Cha, quí Cha, nhờ sự quan tâm đúng mức đối với Văn học-Nghệ thuật-Tôn giáo qua sự hiện diện của quí cấp chính quyền và quí vị khách mời từ khắp miền đất nước.

Thành quả của nổi niềm tri ân hôm nay là một cái nhìn chung về Văn học mà Đức Ông Thi sĩ Xuân Ly Băng đã thực hiện trong Thiên chức Linh Mục của Giáo hội Công Giáo và trong tâm tình của một người con Nước Việt.

Thay mặt cho những người thực hiện chương trình, chúng con chân thành cảm ơn Đức Cha Phaolô, quí Đức Cha, quí Cha, quí Cấp chính quyền, quí vị với niềm ước mong Nghệ thuật Văn học Công giáo của thế hệ hậu duệ sẽ noi gương Đức Ông, góp phần với quê hương thăng tiến một nền văn học của tình yêu và sự sống và sự sống vĩnh cửu.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn sự đóng góp của tất cả những người góp phần thực hiện chương trình đêm nay: Tòa Giám Mục Phan Thiết; Cha quản lý; các nhạc sĩ biên tập và dàn dựng; các ban âm thanh, trang trí và khánh tiết; các ca sĩ, nghệ sĩ từ Sài gòn-Nha trang-Phan thiết, các Hội Dòng, các ca đoàn, các giáo xứ và tất cả quí khách xa gần…

Kính cảm ơn và kính chúc Quí đức Cha, quí vị một đêm an lành.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang

LINH MỤC THI SĨ TRĂNG THẬP TỰ
XUÂN LY BĂNG,
HỒN THƠ VÀ TẤM LÒNG MỤC TỬ
(trong tập lưu niệm Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng)
(Xuân Ly Băng trả lời các câu hỏi của Trăng Thập Tự, ngày 25-8-1988. Lâm Viên Lê Hữu Phước ghi lại từ băng nhựa)


Hồi còn học ở chủng viện, tôi có được gặp cha Xuân Ly Băng một lần, rất chớp nhoáng, nhân một lễ truyền chức. Thế nhưng tôi rất kính mến ngài và ngài cũng thương tôi lắm. Các tác phẩm xuất bản sau này ngài đều tặng tôi một bản.

Ngày 24-8-1988, được tin ngài lên thăm Đà Lạt, tôi lên học viện Phanxicô Du Sinh chào ngài và xin ngài cho thực hiện một cuộc phỏng vấn thu băng vào sáng hôm sau. Muốn viết về ngài, giới thiệu ngài cho độc giả, nhưng tôi không được may mắn thụ giáo với ngài như nhiều người bạn của tôi, và cũng không có dịp sống gần ngài, cho nên tôi đành hài lòng với phương thức có vẻ cưỡng bức này. Rất may, ngài đã chiều ý tôi. Ngày 25-8, ngài đã ghé phòng làm việc của tôi tại Dòng Don Bosco và cha con nói chuyện hơn một giờ liền.

TTT: Thưa Cha, con rất vui mừng được gặp cha. Trong cơ hội bằng vàng này con ước mong cha cho biết đôi điều sau này chúng con sẽ cần dùng để giúp độc giả hiểu cha và các tác phẩm của cha hơn. Chắc hẳn, nói về mình thật ngại, nhưng xin Cha vì Hội Thánh mà vui lòng cho con biết.

XLB: Cám ơn sáng kiến của Cha. Tôi sẽ cố gắng trả lời, nhưng chắc chắn các câu trả lời sẽ không có gì sâu sắc lắm. Dù sao trong tình anh em, tôi xin phát biểu tự nhiên, có sao nói vậy.

I. TIỂU SỬ

H. Trước hết, xin Cha cho biết vài số liệu làm mốc về ngày, tháng, năm sinh; các trường Cha đã học qua, ngày thụ phong linh mục, các chức vụ và nhiệm sở đời linh mục của Cha.

Đ. Tôi sinh ngày Thứ Sáu, 23-4-1926, khi còn nhỏ học chữ Hán rồi chữ Quốc Ngữ. Năm lên mười, thi đỗ sơ học yếu lược (1936). Thi xong, tôi được anh Trúc Thuỷ Hùng giúp làm đơn xin vào dòng Phanxicô, nhưng linh mục đỡ đầu là cha Phước không cho đi. Ngài muốn tôi làm linh mục triều. Năm 1938, tôi vào học ở Trường Tập (séminaire préparatoire). Trường này chỉ cách nhà ba cây số, nhưng ở tuổi ấy xa nhà ba cây số cũng đã thấy đau khổ lắm. Tiếp đó vào Trường Thử, học năm dự bị và các năm cours moyens: 1ère et 2ème année, rồi supérieure và đi thi primaire. Sau đó, vào trường La Tinh năm 1945, năm Ất Dậu, với trận đói kinh hoàng và sau đó là Cách Mạng Mùa Thu, đánh đổ Đế Quốc Pháp, giành độc lập.

Năm 1949, mãn trường La Tinh, tôi đi giúp xứ tại Đông Tháp.
Năm 1953, ra Hà Nội học Đại Chủng Viện Xuân Bích.
Năm 1954, di cư vào Nam, tiếp tục học Đại Chủng Viện Xuân Bích một năm Triết Học và bốn năm Thần Học ở Đại Chủng Viện Lê Bảo Tịnh.
Năm 1959, ngày 19-7, thụ phong linh mục.
Năm 1959-1963, dạy Việt văn tại Tiểu Chủng Viện Chân Phước Tự, Thủ Đức.
Năm 1963, Tiểu Chủng Viện Chân Phước Tự giải thể, tôi nhập vào giáo phận Nha Trang, được Đức Cha Piquet Lợi cho phụ trách giáo xứ Vinh Hương rồi về dạy ở Tiểu Chủng Viện Sao Biển, Nha Trang, cũng phụ trách môn Việt văn.
Năm 1965, chính xứ Vinh Thuỷ, Phan Thiết.
Năm 1972, đổi vào Bình Tuy, làm Quản Hạt.
Năm 1975, sau ngày Giải Phóng, làm Đại Diện Giám Mục.
Năm 1987, Tổng Đại Diện.
Bây giờ, năm 1988, cũng nghĩ nhiều đến cái chết. Vừa qua, tôi mới làm một bài thơ có hai câu:

Các lớp cha anh chết cả rồi,
Nay mai cũng đến lượt mình thôi.

II. SINH QUÁN VÀ GIÁO DỤC

H. Xin Cha cho biết về sinh quán.

Đ. Sinh quán tôi là một họ đạo nhỏ, họ Hiệu Lân, thuộc xứ Xuân Phong, hạt Đông Tháp, địa phận Vinh; về hành chính dân sự thuộc làng Phú Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

H. Đâu là hình ảnh sâu đậm nhất khi nhắc đến quê hương?

Đ. Quê tôi là một vùng hạ bạn, gần biển. Chiều chiều, tiếng thông reo vi vu hoà lẫn tiếng sáo trúc. Trong làng, những bờ tre quanh vườn lã tã rơi những chiếc lá vàng. Hoàng hôn, chuông chùa ngân vang giữa miền quê thanh bình:
Tôi con cò trắng đi khập khiễng,
Đớp bóng hoàng hôn dọc đê điều.
Những đêm trăng, văng vẳng những câu hát ghẹo Nghệ Tĩnh của những đôi trai gái ở các làng bên cạnh. Những hình ảnh và âm thanh ấy đã đi vào tâm trí và đã ảnh hưởng không ít đến tâm hồn thi sĩ của tôi.

Phía tây Diễn Châu có núi Giăng Màn, có lèn Hai Vai, rất đẹp. Tôi có đến thăm vài lần. Phía nam có núi Mộ Dạ; tại đây có ngôi đền Cuông, tức đền thờ Thục An Dương Vương, cạnh đền có cái giếng mà tương truyền Mỵ Châu và Trọng Thuỷ đã tự tử. Khi nhỏ, tôi cũng nhiều lần tới chơi đây, và lòng thấy như huyền sử xa xưa sống dậy.

H. Xin Cha cho biết về gia đình, về hai Cụ, về các anh chị em của Cha? Những điều nổi bật trong giáo dục gia đình đã ảnh hưởng trên tâm hồn linh mục và tâm hồn thi sĩ của Cha?

Đ. So với bà con trong làng, gia đình tôi tương đối khá giả. Cha tôi là ông Phaolô Lê Nghi; mẹ là bà Anna Nguyễn Thị Hường. Cha tôi giỏi chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ nên được cử làm thư ký của Ban Hành Giáo, vì thế mà được gọi là ông Ký, ông Ký Khánh. Cha tôi mất đi khi tôi mới lên hai tuổi, để lại mẹ tôi hai lần goá chồng.

Với đời chồng trước, mẹ tôi sinh được hai người con gái. Khi chồng qua đời, mẹ tôi đã tính ở vậy nuôi con. Lắm người ve vãn nhưng mẹ tôi đã chối từ. Bà còn làm một bài thơ nói lên quyết tâm trung thành với người chồng đã khuất và gián tiếp trả lời những ai có ý ngỏ lời tán tỉnh. Thế nhưng về sau, nghe theo lời khuyên của mấy linh mục và những người thân quen, mẹ tôi đã nhận lời kết bạn với cha tôi, sinh được hai người con là anh tôi hiện đang sống ở Đức Minh, Đắc Lắc, và tôi. Thơ tôi có một phần nói về người mẹ, bởi vì hình ảnh mẹ tôi rất sâu đậm trong lòng tôi. Đó là một phụ nữ miền quê, chất phác nhưng giàu lòng đạo đức, giàu tình cảm thương con, chiều con, đảm đang xoay xở cho chúng tôi ăn học. Mẹ tôi không biết chữ. Tất cả sự giáo dục của bà đều dựa trên một đức tin sâu xa. Bà dạy tôi học kinh, học bổn. Sáng tối bà dẫn tôi đi nhà thờ. Bà chủ sự giờ kinh gia đình ban tối. Sáng sớm, vừa nghe gà gáy, bà xướng kinh cho cả nhà đọc theo và dâng mình cho Rất Thánh Trái Tim Chúa.

Cảm thấy bất lực trong việc giáo dục con cái, Mẹ tôi đã gởi tôi đến nhà xứ Phú Linh, lúc mới 5 tuổi. Tại đây, tôi được các cha nuôi dạy. Hằng ngày, tôi giúp lễ cho các cha. Khi thầy giúp xứ Phú Linh đi học thần học, mẹ tôi gởi tôi ra Thuận Nghĩa ở với cha Phước. Cha Phước rất thương tôi, chiều chiều ngài đích thân dẫn tôi đi viếng Mình Thánh Chúa. Ngoài việc học kinh bổn và tiếng Pháp, trong thời gian này tôi đã tiếp thu được lòng khao khát đạo đức và biết sống tinh thần kỷ luật.

Mẹ tôi rất giàu tình cảm. Còn nhớ trong thời gian ở Trường Thử, khi được về thăm nhà, tôi đọc cho mẹ tôi và chị Đào (lúc ấy đã hơn hai mươi tuổi) nghe chuyện Hai Chị Em Lưu Lạc, một câu chuyện thương tâm khá gần với hoàn cảnh gia đình chúng tôi. Cả mẹ tôi và chị tôi nghe chuyện đều khóc, khiến tôi cũng khóc theo.

H. Xin Cha cho biết sơ qua về việc giáo dục Cha đã nhận được ở Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện. Những vị thầy nào và những tác phẩm nào đã ảnh hưởng nhiều đến tâm hồn Cha?

Đ. Tôi vào Trường Tập (Tiểu Chủng Viện) từ năm 1938 đến 1943. Các bậc thầy nay đều đã chết. Tôi còn nhớ các vị Bề Trên là các cố Tây: Cố Martin, cố Légalle, … Còn các cha Việt Nam thì có cha Kính, cha Đậu, cha Khanh… Thầy Hiếu, thầy Quế, thầy Minh, thầy Đào, thầy Trương, thầy Sung, thầy Mỹ, thầy Khứ, thầy Phương, thầy Nghĩa…

III. HÀNH TRÌNH NGHỆ THUẬT

H. Nhờ đâu cha thích làm thơ? Bài thơ đầu tiên của cha làm trong hoàn cảnh nào? Tiếp đó điều gì thúc bách và nâng đỡ cha làm thơ, và in thơ vì mục đích gì?

Đ. Một kỷ niệm khó quên là khi mới nhập học ở Trường Thử, còn thiếu thốn đủ thứ, thầy Việt văn đã ra bài làm: viết thư về nhà xin tiền mua sách vở. Lá thư tôi viết được đánh giá là hay nhất lớp. Thầy dạy lớp văn nhận xét rằng tôi có khiếu nhà báo. Quả thật, khi đi học, tôi dốt toán nhưng lại giỏi văn.

Về thơ thì ngay từ nhỏ tôi đã làm thơ nhưng không biết mình làm thơ. Tôi chỉ làm theo cảm hứng của lòng mình. Lúc ấy tôi chưa biết luật bằng trắc gì cả, nhưng tôi ham đọc thơ của Tản Đà, Nguyễn Du… Những bài thơ như Thề Non Nước và cả những câu ca dao người ta vẫn đọc hằng ngày đã đi sâu vào tâm khảm và mỗi khi có cảm xúc, tôi bắt chước làm theo.

Bài thơ đầu tiên có thể kể là bài thơ đã làm năm 12 tuổi. Vào dịp Lễ Phục Sinh, sau cuộc picnic giải trí, tôi đã làm một bài lục bát nói lên cảm xúc của mình. Tôi còn nhớ thầy giáo dạy quốc văn đã cho bài đó 16 điểm trên 20. Sau đó, xúc động mạnh khi đọc bài văn tế mẹ của bà Cao Ngọc Anh, tôi cũng bắt chước làm một bài văn tế mẹ, mặc dù mẹ tôi còn sống. (Mẹ tôi chết năm 1945, khi tôi được 19 tuổi).

Phải nói thêm rằng thời kỳ ấy, lòng yêu nước trong tôi sôi sục mạnh mẽ. Thế chiến thứ hai xảy ra, tôi có làm thơ đả kích Hitler rồi làm thơ chống Tây. Còn nhỏ, chưa biết gì về chính trị, nhưng nghe nói đánh Tây là chính. Tôi cũng đã trình diễn thơ chống Tây của mình trước anh em chủng sinh, quanh lá cờ Việt Minh. Rồi nhiều người biết tôi. Ban tuyên truyền tỉnh Nghệ An kêu gọi làm thơ, tôi cũng làm một bài thơ về “Chiều kháng chiến”.

Để tập làm văn, tôi cũng có làm thơ tiếng Pháp và viết nhật ký đều. Tiếc là năm 1954, khi đi di cư, các tập nhật ký cũng như những tập thơ viết hồi nhỏ đều mất cả.

H. Xin Cha cho biết qua về các giai đoạn sáng tác và các thể loại.

Đ. Có thể chia làm ba giai đoạn:

- 1945-1953: Số bài chưa nhiều lắm, ý thơ có vẻ chưa sâu sắc, tư tưởng thần học cũng chưa có gì. Tuy nhiên lời lẽ dễ dàng, tươi mát, hồn nhiên… Cũng có một số bài sáng tác trước năm 1945, như bài Maria, làm trong dịp bị bệnh nằm ở nhà thương Xã Đoài, và như đã nói trên là những gì viết trước 1954 kể như mất hết.

- 1953-1975: Giai đoạn sung sức nhất. Tôi làm rất nhiều. Tiêu biểu nhất là tập Thơ Kinh. Bài Say Noel là bài đầu tiên được in báo. Đó là một kỷ niệm khó quên, đánh dấu bước đường nghệ thuật của tôi.

- Từ năm 1975 đến nay: Tôi chuyên làm thơ cầu nguyện, gom lại trong mấy tập Như Trầm Hương. Năm 1979, khi quân Trung Quốc đánh 6 tỉnh phía Bắc, tôi có viết một bài ca ngợi sức tranh đấu của người Việt Nam chống lại quân thù. Đó là bài sử thi Hùng Ca Dân Tộc, gồm sáu bài, trong đó có bài Chiến Thắng Nguyên Mông, bài Bình Minh…

Về thể loại, tôi làm cả thơ và vè. Thơ gồm nhiều thể. Còn vè là những bài nôm na giúp trẻ em học hỏi giáo lý Tin Mừng.

H. Về thơ, cha nghĩ phải có đặc tính nào mới gọi là thơ tôn giáo?

Đ. Phải khẳng định rằng thơ là để nói lên cái đẹp là Thiên Chúa. Những gì thuộc về Thiên Chúa đều đẹp. Chúng ta ca tụng Thiên Chúa bằng cái đẹp thể hiện qua văn chương, qua thơ ca. Đó là thơ tôn giáo rồi. Theo tôi nghĩ, thơ tôn giáo phải chân thật, phải thành tâm yêu Chúa, trung thực với lòng mình. Trong lời tựa tập Thơ Kinh, Đức Cha Phạm Ngọc Chi có viết: “Đạo là Thơ”. Tôi cũng đồng ý như thế. Đó là căn bản của thơ tôn giáo.

H. Về năm tập thơ: Thơ Kinh, Hương Kinh, Trầm Tư, Nỗi Niềm và Kinh Sầu Trên Quê Hương. Xin Cha cho biết mỗi tập ra đời trong trường hợp nào, với nét nổi bật nào và đánh dấu điều gì trong hành trình nghệ thuật của Cha?

Đ. Trong năm tập thơ ấy, bốn tập đầu đã in, còn tập Kinh Sầu Trên Quê Hương chưa in được. Nét chung các tập thơ đều diễn tả tâm tình tôn giáo, nói cách khác là nhìn thiên nhiên với cái nhìn đức tin. Ví dụ, những bài về quê hương thì nhìn quê hương dưới cái nhìn Kinh Thánh.

1. Thơ Kinh: Đây là tập đầu tiên, in năm 1956, được Đức Cha Phạm Ngọc Chi giới thiệu. Các bài trong tập này được viết từ năm 1945 đến 1956. Đây là thời gian tôi sáng tác khá nhiều. Một số bài đăng báo, được bạn đọc hoan nghênh, cổ võ. Cha Hồng Phúc và anh Hà Châu ở báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp khuyến khích tôi sáng tác thêm để in.

Thơ Kinh là tập thơ cầu nguyện trong sự đẹp nên gọi là thơ kinh. Những bài đắc ý nhất là Nhớ Xưa, Chuông Chiều, Say Noel. Bài Nhạc Sầu Do Thái là một bài đầy kỷ niệm của thời gian học ở Hà Nội. Dịp tết năm ấy, nhà xa, tôi phải ở lại trường. Tâm trạng sinh viên xa nhà trong dịp tết buồn không kể xiết. Nhớ nhà, nhớ quê, buồn buồn, tủi tủi, tôi liên tưởng tới thân phận lưu lạc của người Do Thái…

Thơ Kinh gồm những bài tôi sáng tác trong thời gian ở Tiểu Chủng Viện, Đại Chủng Viện cũng như thời gian giúp xứ. Những lúc rỗi rảnh tôi thường làm thơ để cầu nguyện.

2. Hương Kinh: Tập này được cha Cao Văn Luận giới thiệu và cha Bửu Dưỡng đề tựa. Đa số các bài trong tập này dài hơn các bài ở tập Thơ Kinh. Tôi đắc ý nhất các bài Tụng Ca Đức Trinh Nữ Maria, Trường Ca Máu Đỏ, Phóng Sự Trở Về. Bài này đã được nhiều nơi dàn dựng thành kịch.

3. Trầm Tư: Phạm Việt Tuyền đề tựa. Tư tưởng có chiều sâu hơn. Ngay tựa đề đã nói lên điều đó. Sau khi tập này ra đời, Uyên Thao viết một bài trên tập san Giáo Dục, cho rằng Xuân Ly Băng dùng thơ để truyền đạo, để phục vụ tôn giáo. Anh Nguyễn Vĩnh đã viết một bài trả lời Uyên Thao, nêu rõ: “Thơ là thơ, dù nhuốm mùi đạo hay không nhuốm mùi đạo. Dù ca ngợi cái gì mà hay thì vẫn gọi là thơ hay”. Tiêu biểu trong tập này là các bài Thanh Âm, Tôi Tìm Người Yêu…, muốn gợi cho người đọc tìm về đạo qua âm thanh và màu sắc của thiên nhiên.

4. Nỗi Niềm: Tập này không có gì đặc sắc lắm, nhưng cũng đánh dấu một bước mới trên đường nghệ thuật. Vẫn là thơ tôn giáo nhưng nghệ thuật được nâng cao hơn. Các bài nổi bật là Nhân Sinh, Sông Mẹ Thuyền Trôi.

5. Kinh Sầu Trên Quê Hương: Được sự động viên nâng đỡ của Bàng Bá Lân, Vũ Hoàng Chương, Trụ Vũ, và do sự giới thiệu của Trụ Vũ, nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã định phổ nhạc cho một số câu thơ… Thế nhưng tập này không in được vì bộ phận kiểm duyệt thời ấy cho rằng tập thơ quá nặng tư tưởng phản chiến, không cấp giấy phép. Tập này có nhiều bài tôi rất thích, như Đêm Cuối Cùng, Chiến Tranh Và Hoà Bình, nhất là Lời Mẹ Việt Nam.

H. Xin Cha cho biết lai lịch và những điều cần lưu ý về tập Bài Ca Thương Khó.

Đ. Lúc đầu tôi không có ý định viết thành một trường ca. Tôi có thói quen khi nằm bệnh thì đóng cửa làm thơ. Năm 1964-1965, trên giường bệnh, tôi nghĩ miên man đến Chúa hấp hối trong vườn Ghetsêmani và viết khoảng 100 câu lục bát. Cha Benoit Phương tới thăm, đọc, khen hay và động viên tôi viết thêm cho đầy đủ. Rồi làm thêm cả thảy được 700 câu thì mất hứng, phải ngưng. Hai năm sau mới làm tiếp độ hơn 1000 câu. Rồi sửa lại, bổ sung cho có đầu có kết. Sau một năm nữa mới tạm ổn. Năm 1969 in ra, vẫn còn nhiều khuyết điểm, nên người khen cũng có, người chê cũng có. Nhiều thân hữu chân thành góp ý, nhờ đó tôi có thể hoàn chỉnh thêm. Nay thì đã sẵn một bản chép tay có minh hoạ.

H. Xin Cha cho biết đôi điều về các tập thơ cầu nguyện Như Trầm Hương.

Đ. Các tập này gồm những bài viết sau ngày giải phóng, theo hướng giúp các tín hữu cầu nguyện bằng sự đẹp và cầu nguyện với cái đẹp tuyệt đối, với cội nguồn của cái đẹp là Thiên Chúa. Tập đầu gồm 16 bài. Khi gởi cho nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ xem thử, nhóm này đã chọn hai bài đưa vào sách Phụng Vụ. Mấy năm gần đây tôi vẫn viết tiếp và gom thêm các tập Như Trầm Hương II và III.

H. Những nhà thơ nào đã ảnh hưởng nhiều trên Cha?

Đ. Khi còn nhỏ, học theo chương trình Pháp, nhờ học văn chương Pháp, tôi biết và chịu ảnh hưởng của Paul Verlaine, Alfred de Vigny, Alfred de Musset, đặc biệt là Lamartine. Nguồn ảnh hưởng thứ hai là Thơ Mới Việt Nam: Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tịnh, nhất là Hàn Mạc Tử. Khi coi xứ ở Vinh Thuỷ, Phan Thiết, gần di tích kỷ niệm của Hàn Mạc Tử là lầu ông Hoàng, càng không thể quên Hàn Mạc Tử. Dĩ nhiên còn phải kể văn thơ cổ điển Việt Nam: Nguyễn Du, Ôn Như Hầu, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến. Khi học Hán văn thêm để giúp nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, tôi còn có dịp đọc nhiều thơ Đường.

H. Xin Cha cho biết cảm nghĩ về Hàn Mạc Tử.

Đ. Nói về Hàn Mạc Tử, tôi nhớ lời Alfred de Vigny: “Hãy đánh vào tim tôi, thiên tài sẽ vọt ra”, hoặc một lời khác: “Mà câu tuyệt vọng là câu tuyệt vời”. Hàn Mạc Tử nằm trong trường hợp đó. Tài năng của Hàn Mạc Tử bùng nổ mạnh mẽ trong đau thương nên thơ Hàn Mạc Tử hay. Có thể nói bệnh tật cộng với tài năng đã làm phát sinh một Hàn Mạc Tử Tuyệt vời. Tiếc là hàn Mạc Tử chết quá sớm. Nhưng cũng có thể chính vì Hàn Mạc Tử yểu mệnh mà thơ Hàn Mạc Tử mới hay đến thế.

H. Nói đến nghệ thuật, đến thơ, là nói đến sự diễn tả tình yêu và ca ngợi tình yêu. Xin Cha cho biết suy nghĩ và cảm nhận của Cha về tình yêu.

Đ. Khi học về văn chương cao học, cha cũng đã biết tư tưởng nhân loại có những lieux communs, những điểm chung lớn: Thiên Chúa, tình yêu, Tổ Quốc, gia đình và sự bất tử, vv… cho nên nói đến nghệ thuật là phải nói đến tình yêu. Thơ cũng là để diễn tả và ca ngợi tình yêu.

Tình yêu thì có nhiều dạng, tuỳ đối tượng: yêu Thiên Chúa, yêu Tổ Quốc, yêu anh em, yêu đồng bào. Gần gũi và sôi động nhất trong kinh nghiệm loài người là tình yêu nam nữ. Phần tôi, từ nhỏ đã dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, cho nên tình yêu nam nữ này đã không xâm nhập được vào tôi. Đinh Hùng nói nơi tôi tình yêu ấy đã được gạn lọc. Còn tôi muốn diễn tả trái tim tôi như một cái ly, đã chứa đầy rượu của Thiên Chúa thì không còn chỗ để rót rượu của loài người vào. Tình yêu tôi hướng trọn về Thiên Chúa, cho nên khi nói tôi yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào, yêu thiên nhiên, yêu nghệ thuật,… thì là yêu trong tình yêu dành cho Thiên Chúa.

Suy nghĩ về tình yêu, tôi cho rằng con người là kết quả của tình yêu nên không thể không yêu được, nhưng phải tìm ra đối tượng đích đáng để yêu, rồi cuộc sống theo đó mà được hoà điệu. Về mặt tương đối, tôi nghĩ tình yêu nào cũng cao quý, miễn là phải liệu sao đi trong quỹ đạo của lý trí.

IV. HÀNH TRÌNH THEO CHÚA

H. Câu hỏi về tình yêu vừa rồi cũng là một bước chuyển tiếp sang hành trình đức tin. Xin Cha cho biết tình yêu của Cha đối với Thiên Chúa đã qua những bước phát triển nào? Có những thăng trầm nào? Đâu là điều xuyên suốt?

Đ. Điều này đơn giản thôi. Tình yêu của tôi đối với Thiên Chúa tương đối bình lặng, không có vấn đề nào đáng kể. Có thể nói là liên tục. Chỉ có một thời gian hơi sóng gió là các năm 1946-1949, chủng viện đóng cửa, tôi phải sống ở ngoài. Tuy nhiên tôi vẫn hoạt động tông đồ, ham thể thao, thể dục, lại thích đàn, sáo, đánh cờ, vv… Chính những sở thích ấy đã thu hút tôi, giữ cho tình yêu tôi luôn được trung thành với Chúa, không bị cạnh tranh vì tình yêu nhân thế. Cho nên, có thể nói, Chúa đã giữ cho tình yêu của tôi đối với Ngài được êm đềm, không bị khủng hoảng.

H. Còn mối tương quan của Cha đối với Chúa thì đã phát triển thế nào?

Đ. Khi tôi còn nhỏ, tình yêu đối với Chúa nặng phần tình cảm và bề ngoài, nhưng càng lớn lên, tình yêu càng đi vào chiều sâu. Càng về sau, nhờ học hỏi, đọc sách, nhất là đọc và suy gẫm Kinh Thánh, đức tin và tình yêu tôi ngày càng đổi mới và sâu đậm. Tôi đã không có cơ may trải qua những đêm tối tâm hồn như Thánh Nữ Têrêxa Avila hoặc Thánh Gioan Thánh Giá. Nơi tôi, mọi sự có vẻ diễn tiến cách tự nhiên, bình thường. Tôi chỉ gặp Chúa cách đơn giản trong vạn vật, trong thiên nhiên, qua con người, cỏ cây, bông hoa, tiếng gió, ánh mặt trời, vv… Vâng, đó là một ân huệ Thiên Chúa ban cho tôi mà tôi luôn luôn cảm tạ.

H. Trong một bài viết trên tập kỷ yếu Tiểu Chủng Viện Chân Phước Tự cách đây 25 năm, Cha có cho biết đoạn Tin Mừng đánh động Cha nhất là dụ ngôn Người Cha Nhân Từ và cảnh phòng Tiệc Ly. Khi Giuđa bỏ đi, Gioan viết: “Và bấy giờ là đêm tối”. Đêm tối ở ngoài trời và đêm tối trong lòng kẻ phản bội. Còn hôm nay, sau 29 năm đời linh mục, đoạn Tin Mừng nào ăn sâu vào lòng Cha nhất?

Đ. Như đã nói, thời còn trẻ, tôi sống trong một đức tin nặng phần tình cảm và bề mặt cho nên các đoạn ấy khiến tôi xúc động nhiều, thật hợp tình hợp lý. Còn nay thì đánh động nhất là những câu Tin Mừng mà Chúa đòi mình phải kết hợp sâu xa với Chúa: “Thầy là cây nho, các con là cành”, “Các con ở trong Thầy và Thầy ở trong các con”, “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, “Ai yêu mến Thầy và giữ lời Thầy, Thầy sẽ tỏ mình cho người ấy”. Tôi đã thấy rõ Chúa đã tỏ mình cho tôi qua các biến cố trong cuộc sống. Chúa luôn luôn yêu thương tôi và hiện diện với tôi.

H. Điều gì nơi Chúa Giêsu thu hút Cha nhất?

Đ. Ở tuổi 62 của tôi hiện nay, Đức Giêsu không phải là huyền thoại, không phải là một tình cảm bên ngoài. Đức Giêsu là một thực tại, vừa thần linh vừa lịch sử, là sự sống của mỗi Kitô hữu, cho nên mọi sự nơi Chúa, từ con mắt, trái tim, cuộc sống, lời nói và tóm lại là cả cuộc sống của Chúa đều thu hút tôi. Có điều là làm sao để diễn tả tất cả những điều ấy thành thơ. Cách đây mấy tuần, có người hỏi tôi: “Chưa thấy Cha khai thác đề tài bí tích Thánh Thể?” Câu hỏi khiến tôi suy nghĩ nhiều. Quả thật, để làm thơ về bí tích Thánh Thể rất khó. Cũng như, làm thơ về Hội Thánh không dễ chút nào. Vì làm sao để Hội Thánh trở thành một hình ảnh gợi cảm? Cũng như làm sao để chút bánh chút rượu đã trở nên Mình Máu Chúa có thể biến thành lời thơ? Quả là khó! Điều đó đòi sự sống mình phải có cường độ thật cao, nghệ thuật thật lớn,… Tôi hy vọng những năm cuối đời hiện nay sẽ thực hiện đôi phần.

H. “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Xuân Diệu đã viết câu ấy theo suy nghĩ của ông, nhưng nếu đọc theo ngôn ngữ Kinh Thánh, ta cũng có thể thấy ở đó tình cờ hội đủ các biểu tượng Kitô giáo liên hệ đến hồn thơ Kitô hữu: Gió khiến liên tưởng đến Thánh Thần, Trăng nhắc đến Đức Trinh Nữ, Mây nhắc đến sự hiện diện của Thiên Chúa, như mây phủ trên khám Giao Ước. Xin Cha cho biết thêm kinh nghiệm bản thân trong việc chiêm niệm qua thiên nhiên.

Đ. Trong câu hỏi đã hàm chứa câu trả lời, nhưng tôi muốn lưu ý để khỏi dừng lại ở bề mặt. Ta thấy Thiên Chúa, nhưng thấy thế nào, có rõ nét không? Thấy rồi có cảm mến, con tim có rung động không? Làm sao để đem Chúa từ trong ánh trăng, từ gió vào trong khối óc, trái tim, rồi từ đó trào ra nơi ngọn bút? Tôi còn nhớ một câu thơ Đức: “Gió đập vào cửa sổ và nói với tôi về Thiên Chúa Tình Yêu”.

H. Cha làm nhiều thơ về Đức Mẹ. Xin cho biết tại sao? Điều gì nơi Đức Mẹ gây cảm hứng nhiều nhất? Lòng yêu mến Đức Mẹ bắt nguồn từ đâu?

Đ. Nói về Mẹ Maria là nói đến cả một trời yêu, vì Maria có nghĩa là biển, có nghĩa là cay đắng. Lòng yêu mến Đức Mẹ cũng do bẩm sinh, có thể do đức tin của người mẹ và huyết thống của gia đình. Rất có thể từ khi còn trong bụng mẹ, tôi đã cảm được lòng yêu mến Đức Mẹ. Trong bài Nhớ Xưa, tôi đã nói đến điều đó.

Còn hỏi điều gì nơi Đức Mẹ gây cảm hứng nhiều nhất, thì phải nói rằng toàn thể Đức Mẹ đều gây cảm hứng dạt dào cho tôi, từ khuôn mặt, ánh mắt, đến tấm lòng từ mẫu…

H. Vậy thì những kỷ niệm nào của cố cụ bà đã giúp Cha cảm nhận nhiều về tình yêu Đức Mẹ?

Đ. Mẹ tôi chỉ là bà mẹ quê chất phác, chỉ biết thờ chồng nuôi con, cho con ăn học, dạy con tin cậy mến, dạy con đọc kinh, đi nhà thờ, chứ không có gì sâu sắc như mẹ của thánh Gioan Bosco hay mẹ của Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Tuy nhiên, với tôi, nhìn mẹ của mình là đã thấy Đức Mẹ rồi… (cười)…

H. Có những đề tài Kinh Thánh nào cha mong làm thơ mà chưa làm được?

Đ. Có, tôi có ước mơ làm sao có khả năng, sức khoẻ và hoàn cảnh tốt để diễn tả nhiều đề tài lớn trong Kinh Thánh thành trường ca. Rất nhiều đề tài lớn lao trong Kinh Thánh có thể dệt thành những áng thơ Việt bất hủ, như Abraham và Isaac, Xuất Hành, bài ca của Myriam sau khi Dân Chúa vượt Biển Đỏ, Giuđích, Esther. Trong Tân Ước thì chính cuộc đời của Phaolô cũng là một bài thơ vĩ đại… Nhưng nay tôi đã già, lại mắc bệnh tim, sẽ chẳng còn làm được gì mấy. Các cha trẻ sau này cố gắng thực hiện…

H. Xin Cha cho biết suy nghĩ của Cha về việc dùng văn hoá Việt Nam để diễn tả đức tin và việc làm cho đức tin thấm vào văn hoá.

Đ. Câu này có hai vế:

- Dùng văn hoá để diễn tả đức tin: Đó là niềm thao thức lớn nhất của tất cả những anh em có đức tin, cách riêng là những người có ơn gọi làm văn hoá. Mà văn hoá, đúng hơn là nghệ thuật, dù khác nhau, từ âm nhạc, hội hoạ, kịch, điêu khắc vv… làm sao để dùng tất cả mà diễn tả đức tin. Đức tin không thay đổi nhưng cách diễn tả phải thay đổi cho phù hợp với cách cảm nhận của Dân Tộc và của Thời Đại.

- Làm cho đức tin thấm sâu vào văn hoá: Đức tin phải được diễn tả bằng những sắc thái phù hợp với Dân Tộc, những gì Dân Tộc cảm nhận được và dung nạp được thì mới tồn tại trong Dân Tộc, chẳng hạn cách kiến trúc nhà thờ, âm nhạc trong phụng vụ, lễ phục của linh mục, vv… cũng phải có sắc thái Việt Nam và tính cách Đông Phương thì mới thấm sâu được vào cái hồn đông phương của Việt Nam.

V. LINH MỤC VÀ THI SĨ

H. Trong kinh nghiệm của Cha, đời tận hiến và tâm hồn thi sĩ có tương giao biện chứng như thế nào? Cản trở hay nâng đỡ nhau? Bóp nghẹt hay nuôi dưỡng nhau?

Đ. Thành thực mà nói thì rất khó dung hoà, bởi vì hai ý niệm linh mục và thi sĩ dường như không đi đôi với nhau. Linh mục, nhất là linh mục coi xứ, thì phải mực thước, phải luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các tâm hồn, còn người thi sĩ dường như lại tiêu biểu cho những người không ép mình vào khuôn khổ. Trong tâm trí mọi người, anh thi sĩ có vẻ lôi thôi, lếch thếch, chẳng có gì là kỷ luật… Hiểu như vậy thì có lẽ nơi tôi, con người thi sĩ phải nhường chỗ cho con người linh mục. Cả những bận tâm hằng ngày cũng vậy. Chẳng hạn lắm khi đang có cảm hứng nhưng bổn phận mục tử réo gọi, như đi giúp bệnh nhân, tiếp khách, vv… thì lại phải hy sinh cảm hứng để phục vụ anh chị em mình. Như vậy, hiển nhiên là có thiệt thòi cho phương diện nghệ thuật, nhưng tôi chấp nhận điều ấy.

H. Làm sao Cha dung hoà được?

Đ. Tôi dung hoà được con người thơ và con người linh mục là nhờ ảnh hưởng giáo dục gia đình và lòng ham mê thể dục, thích đá bóng, thích tập võ. Có thể nói, tôi không phải là con người ẻo lả, yếu ớt.

H. Cha có bài thơ nào nói lên tâm tình linh mục?

Đ. Khi tôi in tập Hương Kinh xong, một số anh em dạy ở chủng viện đề nghị tôi làm một bài ca tụng chức linh mục. Tôi đã làm bài Tụng Ca Chức Linh Mục. Có người cũng đã phổ nhạc. Nhưng thành thực mà nói, tôi không thấy ưng ý với bài đó. Làm thơ theo đơn đặt hàng mà rung cảm chưa đến độ chín thì không đạt. Lẽ ra đừng để ai bắt mình làm thơ cả. Cũng như con chim, nó thích hót thì nó hót chứ bắt nó hót không được, mà có bắt được nó hót, có lẽ nó cũng hót không hay.

H. Nhân đây xin Cha chia sẻ cho các linh mục đàn em, cụ thể là cho bản thân con đang ở trước mặt Cha đây, đôi tâm tình linh mục của Cha.

Đ. Năm nay tôi làm linh mục đã 29 năm. Nếu phải chia sẻ một kinh nghiệm thì kinh nghiệm của tôi thật quá đặc thù, bởi vì có lẽ Chúa đã sinh ra tôi khác với nhiều người. Tự nhiên tôi nhìn thấy Chúa đang ở trong mọi sự. Rồi khi được học siêu hình, tôi lại khám phá ra hữu thể và những nét siêu vượt (les transcendentaux) của hữu thể và cũng là của Thiên Chúa, tôi càng cảm nghiệm sự hiện diện sâu sắc của Thiên Chúa trong thiên nhiên. Mà trong thơ, thiên nhiên rất hệ trọng: Một ánh trăng, một tiếng gió lọt vào khe cửa, tiếng chim kêu, bông hoa nở, vv… trong tất cả tôi đều khám phá thấy Thiên Chúa. Thêm vào đó, là những dịp đi đây đi đó như hôm nay, mình càng khám phá ra Thiên Chúa. Và cứ thế mà sống cuộc sống tạ ơn.

Nhưng dù sao, cuộc sống cũng không tránh khỏi những khuyết điểm, những sai lầm trong cầu nguyện cũng như trong giao tiếp với tha nhân. Điều cần là luôn gặp Chúa như một người Cha, chân thành tâm tình với Chúa, thú nhận mọi sự với Chúa, bởi vì Chúa biết ta hơn chính ta biết ta… Chịu ảnh hưởng tội nguyên tổ, làm sao mình tránh khỏi những tư tưởng lệch lạc, cả những tư tưởng thiếu trong sạch, những tư tưởng ham danh, bị chê thì buồn, được khen thì tự đắc,… Chiều về cứ lấy tâm tình một người con biết quỳ gối trước mặt Cha mà xin tha thứ.

Đó là tâm trạng riêng tôi. Còn nói về hoàn cảnh mục vụ chung của các linh mục thì quá bận rộn. Công việc thật phức tạp. Có ngày 15, 16 đám khách; có ngày 25, 30 người; đâu có thể chỉ ngồi đó mà làm thơ, mà tiếp xúc với Chúa… Đó là chưa kể phải giao dịch với chính quyền… Cũng may mà tôi không biết xu nịnh chính quyền, nên thời nào tôi cũng được nể trọng.

Cần nhất là sống đàng hoàng, hữu xạ tự nhiên hương. Đừng tham lam, đừng mê tiền. Đừng xa hoa. Đừng để sa lầy vào vấn đề tình cảm. Ngược lại, cần biết yêu thương mọi người. Lịch sự và khiêm nhường nhưng thẳng thắn. Lại phải có một học thức vững vàng cho người ta nể trọng. Dù dưới lớp áo lao động vất vả, mình vẫn là con người hiểu biết. Biết nhiều mà nói ít thì người nghe sẽ nể hơn là nếu mình ba hoa. Đừng bao giờ tự phụ, nhưng hãy khiêm nhường. Đối với Bề Trên phải biết kính trọng. Đối với người dưới phải biết yêu thương. Đối với anh em, phải xuề xoà thân ái…

H. Xin Cha cho vài kinh nghiệm bản thân về đời sống khiết tịnh linh mục.

Đ. Kinh nghiệm cá nhân tôi là phải đứng về phía tích cực thật nhiều thì phía tiêu cực sẽ đỡ mệt. Tức là phải yêu mến Chúa thật nhiều, yêu mến Tin Mừng thật nhiều. Bản thân tôi có thuộc lòng Lời Chúa nhiều đoạn, cách riêng là Tin Mừng Gioan. Say sưa yêu Chúa, yêu Lời Chúa, yêu mến Đức Mẹ, yêu những gì thuộc về Chúa. Như cái ly đầy rồi, không rót thứ khác vào được. Khi mình đã say đắm Chúa thì cũng trở thành nhạy cảm, hễ sai sót chút gì là mình sẽ không chịu được, sẽ đẩy nó ra ngay.

H. Hiện nay Cha đang giữ trách nhiệm lớn trong một giáo phận. Xin Cha cho biết nỗi ưu tư lớn nhất đối với Hội Thánh, đối với các con chiên của Cha.
(Tới đây giọng của cha Xuân Ly Băng trầm lắng xuống, gương mặt đăm chiêu. Không khí trong phòng tôi cũng dường như đổi khác cho đến cuối câu chuyện).

Đ. Là người có trách nhiệm, tôi ưu tư và bận tâm nhất về hai điểm:

- Thứ nhất là vấn đề kế thừa, khiến tôi rất băn khoăn âu lo. Hội Thánh là một tổ chức xã hội, có yếu tố nhân loại và yếu tố thần linh. Phần nhân sự thật quan trọng. Ưu tư của tôi là làm sao bảo đảm được sự kế tục; làm sao cho các chủng sinh, các linh mục tiếp nối sự nghiệp của các Tông Đồ, của chính Chúa…

- Thứ hai là Dân Chúa đang đói khát, đang sống trong môi trường thiếu cỏ xanh. Đau đớn hơn, họ không phân biệt được đâu là cỏ, đâu là thức ăn độc hại. Làm sao để giúp họ tìm đúng loại thứ ăn? Làm sao để cho nguồn thức ăn được phong phú? Không những là vấn đề của ngày nay mà cả ngày mai.

H. Theo Cha, trong việc đào tạo giáo dân, đâu là điều thiết yếu không thể thiếu?

Đ. Theo tôi, việc gieo vào lòng họ một đức tin tinh tuyền là hệ trọng hơn cả. Người có trách nhiệm phải phân biệt được cái chủ yếu và cái thứ yếu. Nếu hoàn cảnh và thời giờ không cho phép thì phải truyền đạt được cái chủ yếu, là đức tin ban ơn cứu độ, là đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Tới năm 2000, tập thể Kitô hữu sẽ là thiểu số giữa những người không tin. Phải giúp cho cả người tin và người không tin thấy được cái tinh tuý của đức tin.

Về phía Giáo Hội phẩm trật, cũng phải thay đổi cơ cấu sao cho phù hợp kịp thời với các biến chuyển của nhân loại. Phải làm sao giảm bớt tính cơ cấu nặng nề để đi sâu vào đại chúng. Hội Thánh ở Nam Mỹ đã thực hiện nhiều điều, nhưng cũng đừng đi quá đáng. Làm sao các tổ chức giáo hội quần chúng phải hài hoà với quyền bính giáo phẩm, nếu không sẽ dễ dàng biến chất và tan rã.

H. Còn vai trò của gia đình trong Hội Thánh ngày nay?

Đ. Vai trò giáo dục đức tin của các gia đình là điều không thể thiếu. Các giáo lý viên phải kết hợp với các gia đình, làm sao để các gia trưởng ý thức được, hiểu được nhiệm vụ tiên tri, nhiệm vụ tư tế và nhiệm vụ vương giả của họ. Đó là điều Giáo Hội hoàn cầu đang thao thức, mối thao thức đã được diễn tả rõ qua Thượng Hội Đồng Giám Mục về vai trò và chức năng của các gia đình gần đây.

H. Nếu có cơ hội tổ chức lại các Tiểu Chủng Viện, chúng ta phải nhấn mạnh điều gì?

Đ. Trước hết phải giáo dục nhân bản về những điều sơ đẳng như ngăn nắp, thứ tự, trung thực, lịch sự. Cần hướng dẫn người chủng sinh biết sống bí tích, yêu mến Lời Chúa, nguyện ngắm yên lặng để nhận rõ Chúa và nhận rõ chính mình. Cần giúp họ biết kết hợp sâu xa với Chúa Kitô, theo sát tinh thần Ngài. Đồng thời phải phù hợp với các đòi hỏi của thời đại và xã hội, biết hài hoà giữa đời sống kết hợp với Thiên Chúa và đời sống phục vụ anh em. Ưu tiên vẫn phải là tương quan với Thiên Chúa, nếu không sẽ lệch lạc.

H. Con xin quay lại một chút với thơ. Thơ Cha chịu ảnh hưởng linh đạo nào?

Đ. Thơ tôi có nỗi nhớ Nước Trời. Đó là do ảnh hưởng của sách Gương Phúc. Khi còn nhỏ, tôi nghiện sách Gương Phúc, nên tôi có được ba điều:

- Nhớ Nước Trời
- Không bị những sự thế gian ràng buộc
- Say sưa những tình tứ về Thiên Chúa

Có thể nói đó là một linh đạo cánh chung, như lời thánh Phaolô nói: Ai khóc thì cứ như không khóc, ai mua sắm thì như chẳng được gì… Tôi rất nặng tình với Quê Hương trên trời nhưng không quên Quê Hương trần thế. Cuộc sống trần thế là sống trên Quê Hương Việt Nam nên mình gắn bó với Quê Hương Việt Nam, cầu nguyện cho lòng người dân Việt yêu thương nhau.

H. Và ở tuổi Cha hiện nay, nỗi hoài vọng Nước Trời chắc là càng thêm mãnh liệt?

Đ. Vâng, đó là ý chính của những bài thánh thi Kinh Tối tôi viết thời gian gần đây trong các tập Như Trầm Hương.

H. Có những điều gì Cha muốn nói với chúng con nhưng tình cờ con chưa hỏi tới?

Đ. Đây là lời của người sắp chết nói với những người sẽ chết (cười). Tôi muốn nói với những người thuộc lớp tuổi của Cha, sinh sau tôi vài thập niên trong lãnh vực thi ca. Cha và nhiều anh em khác được Chúa ban tài năng. Tôi hy vọng Cha sẽ phát triển tài năng ấy và phát triển trong quỹ đạo của đời linh mục, trong đức ái, đức tin đối với Chúa. Cần trau giồi kỹ năng và phải viết ngay, đừng lần lữa. Bên cạnh đó, Cha phải tìm kiếm những mầm non trong Hội Thánh để nối dõi tông đường: Liên lạc gặp gỡ nhau, vun trồng, nâng đỡ nhau về thi ca và về đức tin. Có thế ta mới làm tròn nhiệm vụ Chúa trao phó và đáp ứng điều Hội Thánh chờ đợi.

TTT: Con xin chân thành cám ơn Cha.

Trăng Thập Tự