Sơ lược lịch sử Giáo Hội Úc (tiếp theo)

11. Người Công Giáo và Đảng Lao Động

Đảng Lao Động tại Úc khởi sự trong thập niên 1890 từ phong trào nghiệp đoàn. Từ đầu thế kỷ 20, lúc Liên Bang trở thành một thực tế, đại đa số người Công giáo gia nhập Đảng Lao Động. Vì các nhóm Thệ Phản chống báng Công giáo mạnh mẽ thích gia nhập các đảng phái khác để ra tranh cử, nên nhiều người Công giáo tin rằng Đảng Lao Động là chính đảng duy nhất không thiên vị chống lại người Công giáo. Xuất thân từ phong trào nghiệp đoàn, Đảng Lao Động cũng ủng hộ những người thuộc giai cấp thấp về xã hội và kinh tế tại Úc và làm việc cho những con người tầm thường. Khởi đầu nó được miêu tả là Đảng Xã Hội, một thứ triết lý bị Giáo hội kết án. Tuy nhiên, năm 1905, trong một thư mục vụ gửi giáo dân, các Giám mục Úc tuyên bố rằng Đảng Lao Động chỉ duy xã hội trong vấn đề sửa sai những bất công và khốn cùng của giai cấp thợ thuyền nghèo khổ mà thôi.

12. Thất vọng với Đảng Lao Động

Đến năm 1910, lúc Đảng Lao Động thắng các cuộc bầu cử cấp Tiểu và Liên Bang, thì hiển nhiên là nhờ khối lượng đông đảo người Công giáo mà họ đạt được chiến thắng đó. Cùng năm ấy, nhà vô thần và xã hội chủ nghĩa Joseph McCabe đi du thuyết tại Úc và được Thủ Hiến Lao Động chiêu đãi tại Melbourne. Các người Công giáo từng làm việc và bỏ phiếu cho Lao Động hết sức tức giận. Rõ ràng là Đảng Lao Động lợi dụng lòng trung thành của người Công giáo, còn các niềm tin và lý tưởng Công giáo thì không được tôn trọng chút nào trong nội bộ Đảng này. Các dân biểu Công giáo không dám chống đối những mâu thuẫn công khai đối với đức tin Công giáo. Dư luận chung cho rằng người Công giáo không dám đầu phiếu cũng như suy nghĩ công khai với tư cách Công giáo. Đức tin của họ chỉ thuộc cuộc sống cá nhân mà thôi, người ta nghĩ vậy. Người Công giáo chỉ được chấp nhận về phương diện xã hội nếu họ không hành xử cách công khai như người Công giáo. Bất hạnh thay, phần lớn người Công giáo không công khai phản đối việc này, mà vẫn tiếp tục phí sức cho những tranh chấp giữa các hệ phái Kitô giáo mỗi ngày một trở nên tồi tệ hơn trong giai đoạn này.

13. Tiến sĩ Mannix và Liên Đoàn Công Giáo

Đức TGM D. Mannix
Người Công giáo trong Đảng Lao Động duy trì một phương thức ôn hòa, lui vào bóng tối, không muốn thách thức các hành động của Đảng dù chúng đi ngược với các xác tín tôn giáo của mình. Tuy nhiên, khá nhiều người Công giáo cảm thấy thất vọng chua cay vì sự ủng hộ Đảng Lao Động của mình đã không đạt được việc chính phủ chịu trợ cấp ngân khoản cho các trường Công giáo. Năm 1911, tại Victoria, Liên Đoàn Công Giáo đã được thành lập với sự ủng hộ của các Giám mục. Nó mau chóng phát triển qua các tiểu bang khác và chỉ trong hai năm đã có 100,000 đoàn viên. Mục đích của Liên Đoàn Công Giáo là đoàn kết người Công giáo Úc lại với nhau, để giúp nhau đứng lên tranh đấu cho các nguyên tắc và niềm tin của mình giữa lòng xã hội.

Năm 1913, Tiến sĩ Daniel Mannix, cựu giám đốc Học Viện Maynooth, Ái Nhĩ Lan, tới Melbourne làm Giám mục phó cho vị tổng Giám mục Thomas Carr tuổi đã cao. Ngài khá khác với Hồng y Moran. Trong khi Moran tìm hòa hoãn với đối phương trong các vấn đề đức tin, thì Tiến sĩ Mannix từ khước mọi thỏa hiệp với bất cứ ai tìm cách bịt miệng người Công giáo trong lãnh vực công. Ngài thúc giục người Công giáo đứng lên bảo vệ các nguyên tắc và tỏ ra cương nghị đối với các niềm tin của mình. Ngài là người cương nghị và nói thẳng, say mê tin tưởng vào nền giáo dục Công giáo, và vào quyền của người Công giáo phải được chính phủ tài trợ trong việc chọn trường cho con em mình. Ngài quan tâm sâu sắc đến công bằng xã hội và hoàn toàn ủng hộ Liên Đoàn Công Giáo trong cuộc đấu tranh dành công bằng giáo dục của họ. Trong vòng một năm từ khi tới Melbourne, ngài đã kéo công luận lưu tâm đến vấn đề trên đến nỗi một tờ báo đã mệnh danh ngài là “vị giáo chủ Công giáo hung hăng và gây hấn nhất tại Úc” (Trích trong O’Farrell,P. (1968) The Catholic Church in Australia: A Short History, 1878-1967. Sydney: Thomas Nelson Ltd, tr.201)

.

Người Công giáo ở Melbourne rất yêu mến ngài, nhận ra nơi ngài một nhà lãnh đạo sẵn sàng đứng bên cạnh họ chống lại ‘địch thù’, tức chính phủ từng từ khước họ sự công bằng trong giáo dục. Hãy nghe một giáo dân nhận định về ngài:

“Đức Tổng Giám mục Mannix quả là một vị Hoàng Tử của Giáo Hội, ít nhất đối với chúng tôi. Ngài thường tham dự các nghi lễ tại giáo xứ chúng tôi, luôn luôn mặc phẩm phục trang trọng. Ngài mang áo mũ rực rỡ và chống gậy mục tử bằng vàng với vòng gậy quay ra ngoài để chỉ rằng mình là một Giám mục không từ một dòng tu mà là từ một giáo phận. Tôi từng là trẻ nữ tung hoa khi ngài theo kiệu Thánh Thể” (Arnold, J. (1985).Being a Catholic in the 1950s. Melbourne: Collins Dove, tr.79-80).

14. Thế Chiến I và vấn đề giáo dục

Khi Thế chiến I bùng nổ, người Công giáo cương quyết ủng hộ các cố gắng chiến tranh, mặc dù họ cảm thấy cái đất nước họ đang ủng hộ ấy đã khước từ họ sự công bình trong giáo dục. Với chiến tranh đang tiếp diễn, những người Úc khác không coi các đòi hỏi của người Công giáo đối với việc trợ giúp các trường của họ là quan trọng, nhưng tiến sĩ Mannix vẫn nhấn mạnh đến vấn đề này.

Đối với chúng ta, vấn đề hàng đầu và chủ yếu là liệu các trường Công giáo của chúng ta có còn duy trì được đặc tính Kitô giáo của chúng hay không, và liệu Úc, với năm tháng trôi qua, có mỗi ngày mỗi trở nên một lãnh thổ Kitô giáo hay càng ngày càng trở nên một mảnh đất ngoại đạo. (Dr Mannix. 1914. Trích trong O’Farrell,P. (1968). The Catholic Church in Australia: A Short History, 1878-1967. Sydney: Thomas Nelson Aus. Ltd. Tr.210)

Dù đang chiến tranh, Mannix vẫn nhất định tranh đấu chống bất công giáo dục. Năm 1914, được sự ủng hộ của Liên Đoàn Công Giáo tại Victoria, ngài bắt đầu chiến dịch vận động người Công giáo không bỏ phiếu cho các chính trị gia chống Công giáo trong mọi cuộc tuyển cử, dù thuộc đảng Lao Động hay không. Mannix cảnh cáo đảng Lao Động rằng nếu họ không trợ giúp nền giáo dục Công giáo, người Công giáo sẽ rút lại sự ủng hộ của họ và sẽ thành lập chính đảng riêng để thăng tiến quyền lợi Công giáo. Năm 1915, Hiệp Hội Thợ Thuyền Công Giáo Victoria, một nhóm đảng viên đảng Lao Động, được thành lập với sự ủng hộ của các Giám mục để hành động bên trong đảng Lao Động dành công bằng giáo dục. Tiến sĩ Mannix hiểu ra rằng trừ khi một chính trị gia bị đe doạ mất phiếu, không tài nào có thể thuyết phục ông ta thay đổi ý kiến. Lá phiếu được coi là tối yếu. Như chính Tiến sĩ Mannix đã nói:

Lý luận với một chính trị gia trung bình, trừ phi đồng thời anh bỏ phiếu chống lại ông ta, thì chỉ là chuyện ném hoa giấy vụn vào một con tê giác mà thôi. (Dr Mannix. Trích lại trong O’Farrell, P. (1968). The Catholic Church in Australia. A Short History, 1878-1967. Sydney: Thomas Nelson Aus. Ltd. Tr. 212).

Niềm hoài nghi và sợ sệt người Công giáo đối với lập trường cương nghị trên đã được tờ Daily Telegraph ở Sydney và các tờ báo khác nói lên:

Các công dân Công giáo của tiểu bang này đang mưu toan thiết lập ách thống trị bè phái lên toàn bộ cộng đồng và khuất phục trọn bộ nền chính trị dân sự dưới ách cai trị của giáo hội. (Daily Telegraph, 1914).

Tiến sĩ Mannix thấy rằng trong khi người Công giáo chiếm một phần tư dân số Úc, họ chỉ hưởng một phần mười sự thịnh vượng của cả nước. Ngài tin rằng họ phải lợi dụng nền giáo dục đại học mới mong có chỗ đứng trong mọi giai tầng xã hội. Nên ngài đã bảo trợ việc xây Học Viện Newman trong Đại Học Melbourne, một học viện trú sở cho các sinh viên Công giáo học tại đại học này, và cổ động nhiều cuộc tranh biện trí thức giữa các sinh viên Công giáo.

15. Tiến Sĩ Mannix và vấn đề động viên

Chiến tranh càng tiếp diễn, người Công giáo càng cảm thấy mình là người ngoại cuộc tại Úc. Sự mất tin tưởng giữa chính phủ và cộng đồng Công giáo cũng như giữa cộng đồng Công giáo và các giáo hội khác càng ngày càng gia tăng. Đến năm 1916, các mối liên hệ ấy căng thẳng đến nỗi người Công giáo bị tố cáo là không chia sẻ gánh nặng chiến tranh và tránh né không gia nhập quân ngũ.

Tháng Tư năm 1916, tại Ái Nhĩ Lan, có cuộc nổi loạn chống lại chính quyền Anh, và người Công giáo tại Úc tin rằng chính người Anh đã gây hấn khiến xẩy ra như vậy. Họ không thể ủng hộ cả người Ái Nhĩ Lan lẫn Đế quốc Anh. Người Công giáo Úc bèn quyên tiền gửi về Dublin tái thiết thành phố hoang tàn này. Điều ấy làm những người trung thành với Anh tức giận.

Vào thời gian này, chính phủ Úc muốn tổng động viên, buộc mọi thanh niên Úc phải gia nhập quân ngũ. Tiến sĩ Mannix cực lực phản đối việc này, đặt câu hỏi tại sao người Ái Nhĩ Lan tại Úc lại phải chiến đấu cho chính phủ Anh khi chính chính phủ này không đem lại tự do cho Ái Nhĩ Lan. Ngài cũng nhấn mạnh rằng Úc cần thanh niên để xây dựng đất nước này thay vì chiến đấu cho Anh.

Lập trường của Tiến sĩ Mannix cũng được Tiến sĩ Maurice O’Reilly và nhiều nhà lãnh đạo Công giáo nổi tiếng khác phát biểu rõ ràng và mạnh mẽ tại Sydney. Mặc dù không phải người Công giáo nào cũng đồng ý với lập trường của Tiến sĩ Mannix, vấn đề động viên dường như đã biểu tượng cho sự đàn áp mà người Công giáo cảm nhận lâu nay trong xã hội Úc. Tiến sĩ Mannix chỉ nói lên điều nhiều người Công giáo cảm nhận trong lòng, đó là đàn áp và bất công. Ngài là phát ngôn viên của giáo dân Công giáo trong vấn đề này, vì đa số các Giám mục và linh mục Công giáo cũng chống đối động viên. Vấn đề ấy đã gây chia rẽ trong Đảng Lao Động và 24 đảng viên trong Quốc hội Liên Bang đã bỏ đảng Lao Động vì nó. 21 người trong số ấy là Thệ Phản và sự kiện này làm người Công giáo bên trong Đảng Lao Động trở nên càng quan trọng hơn nữa.

Nói rằng vấn đề động viên gây chia rẽ người Công giáo Úc thì không hẳn đúng, nhưng quả nó gây ra ngưng trệ. Một số người Công giáo giầu có và có địa vị bất đồng với quan điểm của Mannix, và với thái độ cương nghị của ngài, nên đã cố gắng để ngài im tiếng. Cuối cùng Mannix ra mặt trực tiếp kình chống thủ tướng William Hughes và điều này càng làm ngài trở nên anh hùng.

Cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên về động viên bị đánh bại. Trước đó, người ta vốn coi động viên là trung thành với Đế Quốc, và việc nó bị đánh bại bởi một nhà lãnh đạo Công giáo chỉ là một suy đoán, không chính xác, nhưng đã làm nhiều giới trong xã hội Úc coi Tiến sĩ Mannix như một thế lực nguy hiểm và gây loạn.

Dưới đây, một sử gia Công giáo đã tóm lược vấn đề của thời ấy như sau:

Điều căn bản trở thành vấn đề vào thời điểm này… không hẳn là động viên mà là chỗ đứng của người Công giáo trong xã hội Úc. Vấn đề căn bản này đã, và luôn luôn, liên hệ chặt chẽ với vấn đề nhà nước nhìn nhận các yêu sách giáo dục của Công giáo. (O’Farrell, P. (1968). The Catholic Church in Australia: a Short History, 1878-1967.Sydney: Thomas Nelson Ltd. Tr. 229)

16. Nhiều cảm quan chống Công Giáo khác

Việc đánh bại cuộc trưng cầu động viên dẫn tới làn sóng chống Công giáo khắp Úc. Giáo hội Công giáo bị tố cáo không trung thành với Đế Quốc, và người ta đồn đại là Giáo hội ấy nhận tiền bạc và trợ giúp từ Đức Quốc. Vấn đề gây tức giận nhiều nhất cho Chính phủ Úc là Giáo hội Công giáo tiếp tục hỗ trợ người Ái Nhĩ Lan trong cuộc nổi loạn chống sự cai trị của Anh. Tháng Năm 1920, Tổng Giám mục Mannix lên đường qua thăm Rome và Ái Nhĩ Lan. Ngài được nồng nhiệt tiếp đón tại Mỹ, nhưng trước khi tới Ái Nhĩ Lan, tầu chở ngài bị các chiến hạm Anh chặn đường và ngài không được phép tới Ái Nhĩ Lan cũng như các thành phố Anh có đông dân Ái Nhĩ Lan. Trở lại Úc năm 1921, ngài là tâm điểm cuộc đấu tranh về việc mang cờ Union Jack trong cuộc diễn hành ngày Thánh Patrick. Năm kế tiếp, Hội Đồng Thành Phố Melbourne ra lệnh cấm không cho diễn hành nữa, nhưng lệnh cấm này bị coi là bất hợp pháp, nên cuộc diễn hành vẫn được tổ chức. Dù vấn đề Ái Nhĩ Lan đã lắng đọng, qua năm 1922, lòng thù ghét người Công giáo trong xã hội Úc mạnh đến độ các nhà đấu tranh Thệ Phản đã kiểm soát được chính phủ và ban hành Đạo Luật Hôn Nhân, đi ngược hẳn lại sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng cũng về vấn đề này vừa được ban hành từ Rome. Cộng đồng Công giáo cương quyết tiến hành việc xây dựng các trường học và tuân giữ các luật về hôn nhân của mình. Đến năm 1954, không còn những tranh luận giữa Giáo hội và nhà nước tại Úc.

17. Công giáo tiến hành

Cộng đồng Công giáo tại Úc giờ đây lớn mạnh và rất sinh động. Có những câu lạc bộ xã hội, kịch nghệ và thể thao và rất nhiều nhóm sinh hoạt khác nhau, nơi đó, người Công giáo có thể đào sâu đức tin và có cơ hội thực hành đức tin ấy. Thanh Lao Công, Hiệp Sĩ Sao Phương Nam, các nhóm Phụ Nữ Công Giáo, Hội Con Đức Mẹ, Liên Minh Thánh Tâm, Hội Bác Ái Thánh Vinh Sơn đệ Phaolô chỉ là một số thí dụ. Giáo hội là trung tâm điểm cho nhiều sinh hoạt Công giáo và từ các nhóm cũng như các câu lạc bộ Công giáo của mình, họ tham dự vào nhiều vấn đề quan trọng của thời đại. Giáo hội điều hành nhiều bệnh viện và dịch vụ phúc lợi xã hội mở cửa cho mọi người, và dạy rằng mọi người Công giáo, vì đức tin của mình, đều được mời gọi hành động vì lợi ích của người khác. Từ ngữ thường dùng để chỉ hành động đó là Công Giáo Tiến Hành và trong Thế Chiến II, có rất nhiều nhóm Công Giáo Tiến Hành khác nhau, được các Giám mục bảo trợ và hoạt động vì nhiều chính nghĩa khác nhau.

18. Chủ nghĩa Cộng Sản

Chủ nghĩa Cộng sản dựa trên lý thuyết của hai triết gia chính trị Marx và Lenine, và là cách tổ chức xã hội để không còn quyền tư hữu nữa. Mọi sự, mọi kỹ nghệ và dịch vụ, đều do nhà nước sở hữu. Chủ nghĩa Cộng sản hướng tới một xã hội không giai cấp, không sở hữu và không có nhà nước trong đó mọi người đều bình đẳng. Người Cộng sản tin rằng cách thực hiện được điều trên là dùng cách mạng, và truyền bá lý thuyết Cộng Sản trên khắp thế giới, nhất là các nước đang phát triển. Chủ nghĩa này bác khước mọi niềm tin tôn giáo, coi chúng như ảo tưởng. Vì điều ấy, các chế độ cộng sản đã bách hại các người theo tôn giáo và giết hại nhiều Kitô hữu. Giáo huấn xã hội Công giáo luôn luôn bênh vực quyền của người ta được sở hữu tài sản riêng,và do đó tích cực chống lại chủ nghĩa Cộng Sản. Từ năm 1989, phần lớn các quốc gia từng bị chủ nghĩa Cộng Sản thống trị trước đây đã từ bỏ chủ nghĩa này, nhưng nó đã là một lực lượng thế giới mạnh mẽ trong hầu hết thế kỷ 20.

19. Phong Trào (the Movement)

Bob Santamaria


Trong thời gian Thế Chiến II, người ta thấy rõ trong các nghiệp đoàn công nhân Úc có nhiều đảng viên Cộng Sản hoạt động. Họ đi tuyển các công nhân Úc và làm cho các đảng viên của mình được bầu vào các chức vụ lãnh đạo trong các nghiệp đoàn. Nhiều người sợ người Cộng sản sẽ nắm trọn quyền Đảng Lao Động. Người Công giáo được báo động và được kêu gọi đưa ra một đáp ứng có tổ chức chống lại chủ nghĩa Cộng Sản. Ông Bob Santamaria, người vốn dấn thân rất nhiều trong Công giáo Tiến hành, đã qui tụ quanh ông một nhóm người, khởi đầu khá bí mật để tránh sự dòm ngó của công chúng, đặt tên là Phong trào Công giáo Nghiên cứu Xã hội (the Catholic Social Study Movement) gọi tắt là Phong Trào (the Movement). Đến năm 1954, con số đoàn viên là 5,000 người. Phong trào này khuyến khích người Công giáo tham gia các nghiệp đoàn để đấu tranh chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản từ bên trong. Phong trào thành công đến độ năm 1954, tiến sĩ Evatt, lãnh tụ đảng Lao Động tại Quốc hội Liên bang, phải tố cáo Phong trào, nhất là Bob Santamaria và tiến sĩ Mannix là âm mưu tiếm quyền trong đảng Lao Động.

Việc trên dẫn đến nhiều tranh luận, đố kị và tố cáo cuồng tín chưa từng thấy trong xã hội Úc trước đây. Giữa các năm 1954 và 1957, những ai là đoàn viên của Phong trào hay từng ủng hộ nó đều bị trục xuất hay rời bỏ đảng Lao Động, và sau cùng đã thành lập một đảng chính trị mới gọi là Đảng Lao Động Dân Chủ (Democratic Labor Party, viết tắt là DLP). Cương lãnh chính của DLP là chống chủ nghĩa Cộng sản. Dù nó quá nhỏ chưa bao giờ được bầu vào chính phủ, nhưng cũng đã thành công đưa được một số đảng viên vào Thượng Viện Liên Bang. Đôi lúc, những đảng viên này giữ được cán quân quyền lực tại Thượng Viện và nhờ thế có được lá phiếu quyết định trong một số vấn đề. Thêm vào đó, DLP phân phối số phiếu ưu tiên của mình cho đảng Tự Do (Liberal Party), và việc này làm cho đảng Lao Động không nắm được quyền kiểm soát chính phủ cho đến mãi cuộc bầu cử đưa Whitlam lên cầm quyền năm 1972. Đến lúc đó, chủ nghĩa Cộng sản không còn được coi như một đe dọa nghiêm trọng nữa, và do đó DLP cũng không còn là một lực lượng chính trị quan trọng nữa từ thập niên 1970 trở đi.

II. Giáo hội Công Giáo tại Úc ngày nay

20. Các ràng buộc của Úc với Anh

J.D. Burns, tác giả bài thơ sau đây, là người Úc thuộc thế hệ thứ ba. Ông được giáo dục tại Scotch College ở Melbourne. Khi Thế chiến I bùng nổ, ông đi lính và năm 1915 bị tử trận khi đang chiến đấu ở Gallipoli. Bài thơ của ông, viết trước khi ông tham chiến, được đăng trên tập san của Scotch College mà ông là chủ bút.

Gửi Anh Quốc

Kèn đồng Anh Quốc vang dội biển khơi

Như từng vạn niên, nay tới tai tôi.

Lay tỉnh hồn tôi khỏi giấc mơ dài,

Kèn đồng Anh Quốc-Làm sao tránh né?

Cờ hiệu Anh Quốc, phất phới biển khơi

Gió lộng cờ đào vẫy gọi thân tôi.

Bão táp, trận đè, khói mốc xám đen

Cờ hiệu Anh Quốc – Làm sao tránh né?

Ôi Anh Quốc, ta nghe tiếng gọi chết cho ngươi

Như tiếng đại cầm vang vọng biển mùa đông.

Bao người sống chết và hân hoan lên đường

Anh Quốc, hỡi Anh quốc – làm sao tránh né?

(To England

The bugles of England were blowing o’ver the sea

As they had called a thousand years, calling now to me.

They woke me from dreaming in the dawning of the day

The bugles of England – and how could I stay?

The banners of Engalnd, unfurled across the sea

Floating out upon the wind wre beckoning to me.

Storm-rent and batlle-torn, smoke stained and grey

The banners of England – and how could I stay?

O Engtland, I heard the cry of those that died for thee,

Sounding like an organ voice across the winter sea.

They lived and died for England, and gladly went their way

England, o England – how could I stay?)

Có lẽ người thanh niên này chưa bao giờ thấy nước Anh, tuy nhiên khi chiến tranh xẩy ra, anh vẫn cảm thấy phải chiến đấu cho nó. Dù sinh ra trên đất Úc, anh vẫn hân hoan ra trận vì nước Anh, cảm thấy như nước ấy đang kêu gọi anh, và anh là con dân nước ấy. Bài thơ trên giúp ta hiểu ra nhiều người Úc đã có cảm tình mạnh mẽ xiết bao đối với nước mẹ, và họ yêu nước ấy biết chừng nào dù sinh ra tại một nơi khác hẳn. Đối với nhiều người Úc trong 150 năm đầu tiên kể từ ngày người da trắng định cư, Anh là nơi trái tim họ thuộc về.

21. Di trú sau chiến tranh

Thánh Gia-Biểu Hiệu Của Cơ Quan Di Dân Công Giáo Quốc Tế


Thành phần Giáo hội Công giáo tại Úc thay đổi đáng kể trong nửa sau thế kỷ 20 (1950-2000) do các di dân đến đây từ khắp mọi nơi trên thế giới. Sau Thế chiến II, Úc khởi sự một chương trình di trú đại qui mô, dưới thời Arthur Calwell, là vị Tổng trưởng Di trú đầu tiên của chính phủ Liên bang Úc. Darwin và một số khu vực dọc bờ biển bị bỏ bom trong chiến tranh, và xét chung người ta sợ rằng một đất nước với dân cư thưa thớt không thể tự phòng thủ được. Người ta cũng rõ cần có nhiều công nhân có tay nghề để xây dựng các kỹ nghệ cho Úc và giúp đất nước cạnh tranh với các nước khác. Khẩu hiệu tăng dân hay bị tiêu diệt (populate or perish) đã được dùng để thuyết phục dân chúng Úc rằng họ cần phải tiếp nhận các di dân vào xứ sở họ.

Tuy nhiên, thoạt đầu, các loại di dân được vào Úc khá hạn chế. Năm 1901, chính phủ ban hành Đạo Luật Hạn Chế Di Dân, tục gọi là Chính Sách Nước Úc Da Trắng (the White Australia Policy). Điều này có nghĩa: chỉ người da trắng mới được nhận nhập cư. Tuy nhiên, đến cuối hai thập niên 1940 và 1950, Calwell nhận thấy không thể tuyển đủ con số di dân đã định từ quần đảo Anh và các nước ưu tuyển khác, nên ông ta phải chấp nhận các người tị nạn chiến tranh từ Âu Châu. Giữa các năm 1947 và 1951, khoảng 180,000 người tị nạn nói trên đã được trợ giúp để đến Úc với điều kiện phải làm việc hai năm tại bất cứ nơi nào chính phủ gửi tới. Cuối thập niên 1940, các người tị nạn từ Đông Âu Châu tới, và từ các nước vùng Baltic như Latvia, Lithuania và Estonia. Sau đó, họ tới từ các nước Nam Âu Châu, như Ý và Hylạp, cũng như Bắc Âu Châu như Đức và Hòa Lan.

Trong thập niên 1950, các di dân từ Nam Âu Châu ngang số với các di dân từ các nước nói tiếng Anh. Ưu tiên dành cho các công nhân có tay nghề có thể xây dựng nhà cửa và phát triển hạ tầng cơ sở quan trọng như dự án thủy điện Snowy Mountains. Trong thập niên 1960, con số các di dân từ nam và bắc Âu Châu giảm dần, và di dân Anh lại một lần nữa chiếm số đông nhất trong số những người nhập cư vào Úc.

22. Người Công Giáo Âu Châu

Đầu thập niên 1950, Giáo hội Công giáo Úc phát triển nhanh chóng một phần nhờ việc ‘được mùa trẻ sơ sinh’ (baby boom) sau chiến tranh. Nhiều giáo xứ mới được thành lập, con số tu sĩ nam nữ gia tăng và nhờ nền giáo dục họ tiếp nhận nơi các trường Công giáo, người Công giáo Úc thăng tiến trong mọi nghề nghiệp và kinh doanh. Số người tham dự thánh lễ Chúa nhật rất cao, và các việc sùng kính như Chầu Thánh Thể cũng được đông người tham dự. Nhiều người Công giáo tham gia các hội đoàn tại giáo xứ nơi họ cầu nguyện với nhau và hoạch định các hành động xã hội. Các gia đình đọc kinh Mân côi với nhau buổi tối, đọc kinh dâng mình buổi sáng với nhau, và kiêng thịt ngày thứ sáu để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Giáo hội Công giáo ổn định, phồn thịnh và rất Ái Nhĩ Lan.

Đến cuối thập niên 1950 và 1960, tất cả đều thay đổi, khi hơn một triệu người nhập cư từ Ý, Hylạp, Đức, Hòalan, Malta, Hungialợi và nhiều nơi khác nữa. Lối sống Công giáo của họ đôi khi rất khác với người Ái Nhĩ Lan. Họ có những cách phát biểu khác về đức tin; họ thích cầu nguyện với các thánh của xứ sở họ và có những ý niệm khác về việc tham dự thánh lễ. Họ cần người hiểu họ, các linh mục cùng quốc tịch, và các trường học cho con em họ. Số học sinh các trường Công giáo vì thế tăng lên gấp bội, có khi một lớp có đến cả trăm em. Nhưng học tại các trường Úc đôi khi rất xa lạ và khó khăn cho con em các di dân này. Một học sinh công giáo Ý kể như sau về kinh nghiệm của em lúc đó:

“Tôi học trường Công giáo thập niên 1950. Trong lớp tôi, tôi biết là mình rất khác, không hẳn chỉ vì tên tôi không phải là O’Reilly hay O’Leary, và má tôi không chịu đến giúp việc cho cửa hàng bánh kẹo, và tôi không có những miếng bánh mì kẹp thịt mỏng, trắng, phết vegemite trong hộp ăn trưa, nhưng tôi cảm thấy mình rất khác vì mặc dù giả thiết mình phải là người Công giáo La Mã (thực sự gia đình tôi là người Công giáo La Mã từ Ý) nhưng phải là thứ Công giáo La Mã của các trẻ gái Úc cơ, chứ không phải là thứ Công giáo La Mã của tôi hay của các trẻ gái Ý.

Cha mẹ tôi ít biết đến Thánh Patrick – hình như ông thánh này chẳng có ‘thá’ gì trong gia đình tôi cả. Chúng tôi đặt tin tưởng nhiều nơi Thánh Antôn thành Padua. Chúng tôi cử hành Lễ Phục Sinh với nhiều nghi lễ phức tạp của gia đình, mà tôi chả dám kể cho Nữ Tu Teresita hay sợ bà chê là phù phép.Mà quả chúng tôi có tin vào Befana, một bà già giống như phù thủy chuyên phân phối quà vào ngày 6 tháng Giêng. Điều ấy đã thành lệ rồi!

Cha mẹ tôi chưa từng nghe nói hay lưu tâm gì tới những Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng và những tuân giữ đạo đức tương tự. Khi về nhà, hễ tôi giải thích lý do phải gia nhập Hội Con Đức Mẹ hay phải để ý các mưu đồ của Thệ Phản, là các vị nhìn tôi cách ngạc nhiên hết sức, không thể tin được. Với thời gian, tôi học được cách cất kỹ trường tôi, tôn giáo của tôi và tôn giáo của gia đình tôi trong những chiếc hộc khác nhau. Nhưng trong tâm trí tôi, tôi biết lúc ở nhà tôi phải trung thành với điều gì”. (Trích trong Crawford, M. & Rossiter, G. 1988. Missionaries to a Teenage Culture. Christian Brothers Province Resource Group. Strathfield, NSW tr.45)

Dưới đây là ba trích đọan do các di dân Ý viết về kinh ngiệm tôn giáo của họ tại Úc:

* Có nhiều điều khi mới đặt chân tới Úc, người Ý không thể hiểu nổi. Điều đầu tiên trong số ấy là thái độ của người Úc đối với tôn giáo.. . Ở Úc, ngoài Giáo Hội Công Giáo, tôn giáo có phần rất nhỏ trong đời sống cá nhân và không có phần nào trong đời sống quốc gia.

* Ở Ý, toàn bộ dân chúng đều đặt tâm hồn trong tôn giáo. Ở đây chỉ có số nhỏ.

* Tôn giáo tại Úc giống như canh không bỏ muối. (Trích trong Pittarello, A. 1980. Soup without Salt. The Australian Catholic Church and the Italian Migrant. Centre for Migration Studies. Sydney).