Vụ bauxite rồi đây sẽ không chỉ xoay quanh vấn đề bauxite, cũng có thể sẽ không còn giới hạn trong không gian Tây Nguyên, mà sẽ trở thành một tiền lệ.

Một ví dụ điển hình cho phong trào vận động mang tính xã hội dân sự sâu rộng với sự tham gia của một lực lượng trí thức đông đến kinh ngạc.

Trí thức lên tiếng

Cuộc vận động ký kiến nghị của những trí thức nổi tiếng Việt Nam dấy lên vào trung tuần tháng Tư, được sự ủng hộ của nhiều giới trong và ngoài nước.

Sau khi bản kiến nghị ra đời, không biết có phải là hệ quả hay không, Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đưa ra kết luận, hàm ý xoa dịu phong trào phản biện đang ngày càng lên cao.

Cũng không thể phủ nhận những tác động rất lớn, nếu không muốn nói là quyết định, từ các bức thư lên tiếng của giới tướng lĩnh trong quân đội, mà đi đầu là bức thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thế rồi, những ngày gần đây, dư luận khá ngạc nhiên khi Bộ Công Thương Việt Nam đưa ra thông cáo, phản bác bản kiến nghị của giới trí thức với ngôn từ mà nhiều người cho rằng mang tính “xúc phạm.”

Bản kiến nghị có đoạn: “Bên cạnh những ý kiến đúng đắn, có nhiều ý kiến rất kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, trầm trọng hóa, thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng. Thể hiện rõ nhất là nội dung Bản Kiến Nghị với nhiều thông tin không chính xác.”

Bộ Công Thương cũng yêu cầu “… các đồng chí lãnh đạo các cơ quan thông tin báo chí, Bộ Thông Tin và Truyền Thông chỉ đạo các phương tiện thông tin truyền thông thông báo rộng rãi đến công chúng.”

Những thông tin vừa nêu được đăng trên blog có tên Bút Lông, rồi sau đó được đăng lại trên website bauxitevietnam.

Trên blog Bút Lông, độc giả có thể đọc được một số trang mà blogger này chụp lại từ một tài liệu được tin là một phần báo cáo ngày 28 tháng Tư của Bộ Công Thương.

Bịa đặt và kích động

Blogger Bút Lông viết trên blog của tác giả, có đoạn tiết lộ rằng, một nhà báo tại Hà Nội nhận định “những lời lẽ quy chụp của vài cán bộ cấp vụ đã gây tâm tư rất nhiều cho báo giới khi họ quy kết cả 3 nội dung trong kiến nghị ngày 17-4 của các nhà trí thức là “không có cơ sở và không đúng với tình hình thực tế. Hoàn toàn mang tính bịa đặt và kích động.”

Xin giới thiệu sau đây một đoạn ngắn trong bài viết ngày 28 tháng Tư trên blog Bút Lông.

“Vụ bauxite Tây Nguyên tưởng đã chìm xuống trong một sự đồng thuận đợi chờ sau khi Bộ Chính Trị có văn bản kết luận, nào ngờ làn sóng sục sôi lại dấy lên bởi chính một số người ủng hộ dự án!

Thật thế, nghe kể trong cuộc tiếp xúc báo chí mới đây, một số người của Bộ Công thương “mượn gió bẻ măng” nói rằng tiếng nói của họ từ nay chỉ là 1 chiều, không ai được phản biện bởi cơ quan cao cấp nhất đã ra kết luận. Thậm chí họ còn phát tán một tài liệu 16 trang, trong đó có những lời lẽ mang hàm ý xúc phạm đến một số nhà lãnh đạo lão thành, nhà khoa học khả kính từng góp ý cho đề án.

Một lãnh đạo [của một tờ báo tại Hà Nội] tâm sự, những lời lẽ quy chụp của vài cán bộ cấp vụ đã gây tâm tư rất nhiều cho báo giới khi họ quy kết cả 3 nội dung trong kiến nghị ngày 17-4 của các nhà tri thức là “không có cơ sở và không đúng với tình hình thực tế. Hoàn toàn mang tính bịa đặt và kích động.

Nhiều nhà báo lão thành tâm sự, sự lo ngại của dư luận khi triển khai bauxite ở Tây Nguyên không phải chỉ là các vấn đề kinh tế, môi trường, công nghệ, văn hoá… mà thực chất là ám ảnh ngàn năm của một dân tộc nhỏ bé bên cạnh một nước lớn ôm vọng bá quyền từ lâu muốn khống chế biển Đông và “mái nhà” Tây Nguyên.

Chính thế, những góp ý đầy tâm huyết ấy đã được BCT trân trọng ghi trong Thông báo số 245-TB/TW rằng: “Tiếp thu các ý kiến đúng đắn của các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học…” để rồi chỉ thị hàng loạt công việc phải làm. Rõ ràng các kiến nghị ấy đã được cấp cao lắng nghe, thu nhận để tạo sự đồng thuận xã hội cao nhất, chứ đâu phải bịa đặt!

Chụp mũ một cách vô căn cứ và xúc phạm người khác như vậy thì ai mới là người gây kích động?

Mặt khác, khi nhiều nhà khoa học thắc mắc công trình quan trọng như vậy tại sao không xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc Hội thì đại diện Bộ Công thương “phang” ngay “đấy là nội dung hoàn toàn sai trái.”


Họ lý lẽ các dự án này không có tiêu chí nào thuộc 5 tiêu chí theo Nghị quyết số 66/QH 11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội cả. Đáng tiếc, tiêu chí thứ 4 ghi rõ “Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh…” là phải xin ý kiến Quốc hội.

Tại Thông báo số 245-TB/TW, Bộ Chính Trị chỉ rõ: “Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá.”

Tác giả Bút Lông viết lời kết luận rằng “…cái cách “té nước theo mưa” của đại diện Bộ Công thương chứng tỏ sự thấp tầm theo kiểu “không thuộc bài” và chính điều đó đe doạ sự đồng thuận xã hội.”

Thư ngỏ số 2

Trên website bauxitevietnam.info, do giới trí thức thực hiện, những người chủ trương đã gởi thêm một bức thư ngỏ, gọi là “thư ngỏ số 2,” để trả lời bản báo cáo của Bộ Công Thương.

Thư Ngỏ Số 2 có đoạn, rằng các tác giả phải dùng hình thức thư ngỏ vì “kinh nghiệm cho thấy quý vị rất hiếm khi – thậm chí không bao giờ – đối thoại với những người gửi thư tới quý vị, ngay cả những công dân có công lớn với đất nước như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh, … thì thư gửi tới quý vị đều không được phản hồi, vậy nên, việc viết thư ngỏ là biện pháp bất đắc dĩ mà chúng tôi phải lựa chọn để công khai cho đông đảo nhân dân xem và phán xét lập luận cùng thái độ của chúng tôi đúng hay sai.”

Tác giả bức thư ngỏ trả lời một số điểm được nêu trong báo cáo của Bộ Công Thương, bao gồm vấn đề công khai hóa các dự án bauxite, vấn đề môi trường, vấn đề công nghệ của người Trung Quốc, cùng một số ý kiến liên quan đến quan điểm phát triển hiện nay, nhất là đối với khu vực Tây Nguyên.

Bản báo cáo có đoạn, chứng minh rằng “Tình hình cụ thể cho thấy nhân dân Việt Nam thông qua Quốc Hội, cơ quan quyền lực tối cao của mình, chưa hề có dịp biểu quyết về chủ trương làm bauxite ở Tây Nguyên. Nếu bên “cam kết quốc tế” thực sự tôn trọng quyết định của cả dân tộc Việt Nam, thì đó là điều tốt cho họ. Còn không, nhân dân Việt Nam đã biết dựng nước thì cũng biết giữ nước. Nhân dân Việt Nam từng trải nhiều ách nô lệ, chắc chắn không một ai vì quyền lợi riêng mà bênh “bên đối tác” và phản bội lại dân tộc mình.”

Thư ngỏ cũng có đoạn, là “Nếu có ai đó đã nói ‘không khai thác bauxite bằng mọi giá,’ thì mong rằng đó là lời nói chân thành. Người biết nghĩ như thế hãy đấu tranh chống lại lối suy nghĩ kiểu cờ bạc, đem dân tộc ra đặt 50/50 vào một canh bạc chắc gì đã năm ăn năm thua?”

Các tác giả bày tỏ, rằng bức thư “chứa đựng những lời tâm huyết của những con người chỉ muốn rảnh rang làm công việc sáng tạo âm thầm của mình, không một mảy may thu vén cho riêng mình trong vụ việc liên quan đến dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin.”

Cuộc vận động ngọan mục

Cũng xin được nhắc lại, là bản kiến nghị và phong trào ký tên vào kiến nghị được đề xướng hồi trung tuần tháng Tư vừa rồi. Vào thời điểm ấy, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong những người chủ trương, đã nói với đài chúng tôi, rằng “bản kiến nghị nói lên tất cả nguyện vọng của những người đủ mọi tầng lớp.”

“Chúng tôi quyết định thảo một kiến nghị nói lên tất cả nguyện vọng của những người đủ mọi từng lớp, nhưng mà tất nhiên trong đó thì người trí thức phải là người tiêu biểu, bởi vì quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách. Thất phu ở đây phải hiểu là những người tinh hoa, cho nên chúng tôi nhắm đến đối tượng trí thức.

Lá thư kiến nghị ấy chúng tôi thảo ra và gửi đi cho những địa chỉ tin cậy, thì chỉ gửi cho 15 địa chỉ thôi, nhưng sau 3 ngày thì tôi không ngờ là giới trí thức trong nước và ngoài nước hưởng ứng rất là đông. Và đến chiều ngày 16-4-2009 các e-mail gửi về để vào danh sách chúng tôi tập họp được 135 người, mà trong số đó có những tên tuổi tiêu biểu cho giới khoa học, giới nghệ thuật, văn hóa của cả nước cũng như của nước ngoài.

Ví dụ như ở trong nước có Giáo sư Trần Văn Khê, Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Phan Đình Diệu, hay là ngay cả những đại biểu Quốc Hội như là anh Nguyễn Lân Dũng. Ở nước ngoài thì có những người như anh Vũ Quang Việt là một chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, anh Nguyễn Văn Tuấn là một chuyên gia về xương ở Australia, anh Phạm Xuân Yêm, các anh ở Paris VII rất đông.”


Có người nhận định, rằng ý kiến kết luận liên quan đến vụ bauxite do Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản đưa ra gần đây, và chỉ đưa ra sau khi có phong trào ký tên vào bản kiến nghị của giới trí thức cùng hàng loạt những phản biện của báo giới Việt Nam, cho thấy đang hiện hữu một cuộc vận động xã hội ngược dòng ngoạn mục.

Ngoạn mục vì, cuộc vận đồng này, ngược dòng, mà thành công!

(Nguồn: Thiện Giao, phóng viên RFA, ngày 2009-05-13)