Trong các cuộc đối thoại đại kết, câu hỏi thường đặt ra hơn cả và chưa được giải đáp chính là các câu hỏi liên quan tới các niềm tin và lòng sùng kính Đức Mẹ. Thực ra, người khởi xướng phong trào Thệ Phản đã nghĩ, đã tin và đã có thứ lòng sùng kính nào đối với Mẹ Chúa Giêsu? Những ý nghĩ, những niềm tin và những thực hành ấy hiện mang hình dáng ra sao trong Giáo Hội Luthêrô? Và nó có thể góp phần như thế nào vào một thánh mẫu học hợp nhất? Đó là một số điểm sẽ được nói tới ở đây.

Các ảnh hưởng đối với thánh mẫu học của Luther

Các niềm tin và thái độ đối với Đức Mẹ mà Martin Luther có đều đã được điều kiện hóa và chịu ảnh hưởng của các giáo huấn Công Giáo cùng thời lúc cuộc Cải Cách nổ ra, cũng như của nền giáo dục lúc thiếu thời và của nền giáo dục lúc ông tu học để trở thành một linh mục trong Dòng Thánh Augustinô. Quan điểm của ông sau này có diễn biến trong tư cách một nhà thần học thánh kinh đối diện với hình thức sùng kính cao độ cuối thời Trung Cổ dành cho các thánh và Đức Mẹ. Rồi trong tư cách canh cải Giáo Hội Công Giáo, các quan điểm của ông đã mang nhiều mầu sắc bút chiến cũng như phản ứng chống lại điều ông coi là lạm dụng trong Giáo Hội Công Giáo. Sau cùng, trên bình diện căn bản, làm nền cho cuộc phân ly, thánh mẫu học của Luther đã dựa hẳn vào Kitô học của mình.

Kitô học của Luther

Không thể hiểu được thánh mẫu học của Luther nếu không đặt nó vào và nếu không khởi đi từ ngữ cảnh Kitô học của ông. Thực vậy, các quan điểm của Luther có liên hệ mật thiết với nền thần học lấy Chúa Kitô làm tâm điểm và các hậu quả của nền thần học này đối với phụng vụ và kinh nguyện. Khía cạnh chính trong Kitô học của Luther ảnh hưởng và định vị cho thánh mẫu học của ông chính là: Chúa Kitô là đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người (1Tm 2:5). Do đó, bất cứ lời ca tụng hay lòng tôn sùng nào đối với Đức Mẹ cũng như đối với các thánh đều phải được coi là việc nhìn nhận các công trình vĩ đại của Thiên Chúa thực hiện nơi các ngài và cho các ngài mà thôi. Luther cũng nhấn mạnh rằng không được lẫn lộn hay mơ hồ gì cả giữa công phúc của Đức Mẹ cũng như của các thánh và công phúc của Chúa Kitô.

Chúa Kitô là sự công chính của Thiên Chúa và khi sự công chính này được ban cho con người thì nó hoàn toàn là nhưng không, không ai có công đối với nó hết. Đó là sự công chính đầu hết của Kitô hữu; loại công chính thứ hai là điều con người thực hiện vì lòng biết ơn và “là sản phẩm của loại công chính thứ nhất” và theo gương Chúa Kitô. Đàng khác, không được gán bất cứ quyền lực thần thiêng hay ma thuật gì cho Đức Mẹ và các thánh. Tất cả đều do Thiên Chúa mà ra.

Sự khai triển ra thánh mẫu học của Luther

Cậu thiếu niên Luther vốn được dưỡng dục trong một bầu khí thiêng liêng nhấn mạnh tới việc tôn kính Đức Mẹ cả về lòng đạo đức bản thân lẫn trong các cử hành phụng vụ. Cho nên không ngạc nhiên gì khi còn là sinh viên, bị con dao cắt chẩy máu chân, cậu đã kêu lên “Xin Đức Mẹ giúp con!”. Sau này, ông nhìn vấn đề khác đi. Năm trước khi qua đời, Luther nói rằng: “… cung cách trắng trợn đang tràn đầy mọi sự liên quan tới việc thờ lạy các thánh theo kiểu ngẫu thần… Và Đức Maria cũng đang được mọi người thờ lạy như đấng trung gian và cứu giúp trong mọi tình huống khó khăn”.

Tuy nhiên, suốt đời ông, Luther lúc nào cũng yêu mến Đức Mẹ và duy trì hầu hết các tín điều truyền thống về Đức Mẹ vốn được Giáo Hội Công truyền dạy lúc ấy và bây giờ, còn dự ứng cả tín điều Vô Nhiễm Thai mà lúc ấy chưa được công bố. W.M. Cole, trong bài “Was Luther a Devotee of Mary” đăng trên tập san Marian Studies số 20 (1970), cho hay: “… trong các quyết nghị của 95 đề án, Luther bác bỏ bất cứ lời phạm thượng nào đối với Đức Trinh Nữ, và nghĩ rằng người ta phải xin lỗi vì những điều ác được nghĩ hay được nói ra phạm đến Ngài”. Nhưng ông kịch liệt lên án bất cứ thực hành phụng vụ hay sùng kính nào muốn gợi ý rằng Đức Mẹ ngang hàng với Chúa Kitô cách này hay cách khác, hoặc làm người ta sao lãng ý niệm coi một mình Chúa Kitô đã tự đủ để làm Đấng Cứu Thế. Điều này có thể thấy rõ qua lời Luther khuyên người ta sử dụng kinh Kính Mừng: “ai có đức tin vững vàng, hãy đọc kinh Kính Mừng mà không sợ nguy hiểm! Ai yếu đức tin có thể không cần đọc kinh Kính Mừng mà vẫn không nguy hiểm đến ơn cứu rỗi của mình” (Bài giảng 11-03-1523), và ở chỗ khác ông nói: “ai không có đức tin thì khuyên là không nên đọc kinh Kính Mừng” (Sách Kinh Riêng, 1522).

Xét chung, Luther bác bỏ tính thích hợp cũng như hiệu quả lời cầu bầu và khẩn nguyện của các thánh, kể cả của Đức Mẹ. Một trong những bác bỏ này có thể là phản ứng chống lại điều ông gọi là chủ nghĩa giáo hoàng hay chủ nghĩa Rôma vốn bị ông cho là một mưu toan thờ lạy Đức Mẹ (Mariolatry). Tuy thế, mặc dù ông kết thúc bài chú giải Kinh Ngợi Khen bằng những lời này “Xin Chúa Kitô ban ơn cho chúng ta nhờ lời cầu bầu và vì Đức Maria, Mẹ thân yêu của Người! Amen”, thì điều này không hẳn bất nhất với phương thức được ông viết trước đó trong cùng bài chú giải: “Hãy nhớ rằng Thiên Chúa cũng thực hiện công trình của Người ở trong bạn, và đặt căn bản ơn cứu rỗi của bạn không trên công trình nào khác mà là chính công trình của Người ở trong bạn… Để lời cầu bầu của người khác giúp bạn trong ơn này là điều đúng đắn và chính xác; tất cả chúng ta phải cầu nguyện và làm việc cho nhau. Nhưng không ai nên tùy thuộc việc làm của người khác, nếu Thiên Chúa không làm việc trong họ” (1).

Những yếu tố không thay đổi trong niềm tin của Luther đối với Đức Mẹ

Nhiều niềm tin của Luther vẫn phù hợp với các niềm tin của Giáo Hội Công Giáo, và được ông duy trì suốt đời.

Sinh Chúa Kitô cách đồng trinh và trọn đời đồng trinh

Luther chấp nhận các niềm tin truyền thống cho rằng Chúa Kitô sinh bởi một trinh nữ và trinh nữ này mãi mãi đồng trinh. “Chúa Kitô… là Con Trai duy nhất của Đức Maria, và Đức Trinh Nữ Maria không có con nào khác ngoài Người ra” (2). “Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế của ta, là hoa quả thực sự và tự nhiên của lòng dạ đồng trinh Maria… và ngài còn đồng trinh mãi sau đó” (3). Đàng khác, Luther còn cho rằng việc hạ sinh Chúa Kitô không hề gây đau đớn cho Đức Mẹ vì ở đây lời chúc dữ ngỏ với Evà về việc sinh con trong đau đớn không áp dụng cho Đức Mẹ. Ngài vốn không có tội.

Đức Mẹ không mắc tội (Vô Nhiễm Thai)

Luther chấp nhận rằng Đức Maria được tượng thai vô nhiễm nguyên tội, một niềm tin, phải đợi tới năm 1854 mới được Giáo Hội Công Giáo chính thức công bố thành tín điều. Dù quan điểm của Luther về học lý này không hoàn toàn rõ ràng và dù vẫn có tranh luận về các khía cạnh kỹ thuật của ý niệm trung cổ liên quan tới việc tượng thai và linh hồn, cũng như không biết Luther có thay đổi quan điểm hay không, nhà học giả Piepkon của Giáo Hội Luthêrô vẫn cho rằng Luther nhìn nhận học lý này một cách dứt khoát, không ngả nghiêng (4). Chính Luther viết như sau: “Quả là một niềm tin đầy dịu ngọt và đạo hạnh khi cho rằng việc phú ban linh hồn cho Đức Maria đã được thực hiện mà không vướng tội nguyên tổ; đến nỗi chính lúc phú ban linh hồn ấy, Đức Maria đã được thanh tẩy khỏi tội nguyên tổ… khi tiếp nhận một linh hồn trong trắng do Thiên Chúa phú ban; như thế, ngay từ giây phút đầu tiên bắt đầu sống, ngài đã thoát khỏi mọi thứ tội rồi” (Bài giảng ngày Tượng Thai Mẹ Thiên Chúa, năm 1527).

Quan niệm của Luther về Vô Nhiễm Thai có khác với quan niệm của Công Giáo. Ông vốn dựa vào Thánh Augustinô mà nghĩ rằng Đức Maria đã được tượng thai trong tội nhưng đã được thanh tẩy nhờ việc phú ban linh hồn sau khi tượng thai (5). Luther cũng cho rằng việc Vô Nhiễm Thai của Đức Maria khác với việc Vô Nhiễm Thai của Chúa Kitô: “Trong khi các hữu thể nhân bản đều được tượng thai trong tội, cả phần hồn lẫn phần xác, còn Chúa Kitô được tượng thai không mắc tội cả phần hồn lẫn phần xác, thì Đức Trinh Nữ Maria, lúc được tượng thai, về phần xác, không có ơn thánh, nhưng về phần hồn thì đầy ơn thánh” (6). Theo một tác giả (7), đây là cố gắng của Luther nhằm “chứng tỏ rằng Chúa Kitô thực sự mang lấy bản tính sa ngã của con người tuy nhiên lại không mắc tội nguyên tổ… Sự vô tội của Chúa Kitô… hoàn toàn nhờ công trình của Chúa Thánh Thần vì Luther nhấn mạnh tới tính chất tội lỗi của thân xác được Người tiếp nhận từ Đức Maria, do đó đã theo quan điểm của Thánh Augustinô, vốn là quan điểm bác bỏ việc Đức Mẹ vô nhiễm thai”.

Điều đáng lưu ý ở đây là: dựa vào ý niệm sola Scriptura (chỉ có Thánh Kinh), Luther không tin việc áp đặt học lý Vô Nhiễm Thai của Đức Mẹ lên mọi tín hữu (8).

Mẹ Thiên Chúa

Trong bài chú giải Kinh Ngợi Khen, Luther nhiều lần quả quyết rằng vì là Mẹ Chúa Kitô nên Đức Maria cũng là Mẹ Thiên Chúa: “những điều cao cả (ở đây) không là gì khác hơn việc ngài trở thành Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó, biết bao nhiêu điều tốt lành vĩ đại khác đã được ban cho ngài đến nỗi không ai có thể hiểu được… Bởi đó, con người đã tóm tắt hết mọi vinh dự của ngài vào một từ ngữ duy nhất để gọi ngài là Mẹ Thiên Chúa” (9). Luther cũng quả quyết: “Chắc chắn một điều: Đức Maria là Mẹ của Thiên Chúa chân thực và chân thật” (10).

Hồn xác lên trời

Mặc dù, để giữ vững nguyên tắc sola Scriptura của mình, Luther không chủ trương thành một tín điều, ông vẫn viết như sau về học lý Mông Triệu: “Không còn hoài nghi gì nữa việc hiện nay Đức Maria đang ở trên thiên đàng. Làm sao có việc ấy thì ta không biết. Và vì Chúa Thánh Thần không cho ta biết gì về điều ấy, nên ta không thể biến nó thành một tín điều” (Bài giảng ngày Lễ Mông Triệu). Tuy nhiên, niềm tin này đã không ngăn cản ông bác bỏ hai ngày lễ Vô Nhiễm Thai và Mông Triệu, vì căn cứ vào nền thần học qui Kitô của ông, Đức Maria chỉ nên được tôn kính trong những ngày lễ tập chú vào Chúa Kitô, như lễ Truyền Tin, Lễ Thăm Viếng và Lễ Dâng Con Vào Đền Thờ (Thanh Tẩy).

Nữ Vương Thiên Đàng

Về tước hiệu Nữ Vương Thiên Đàng, quan điểm của Luther có nhiều mơ hồ. Chính ông, trong bài chú giải Kinh Ngợi Khen, đã viết như sau: “Nhất thiết… phải giữ trong phạm vi và không nên làm quá mà gọi ngài là ‘Nữ Vương Thiên Đàng’, một danh nghĩa rất đúng, ấy thế nhưng không được biến ngài thành một nữ thần có thể ban phát ơn phúc hay trợ giúp người ta, như một số người vốn giả thiết khi họ cầu nguyện và chạy đến với… ngài chứ không chạy đến với Thiên Chúa. Ngài đâu ban được gì, Thiên Chúa mới ban cho ta tất cả” (11). Dù chấp nhận danh xưng “Nữ Vương Thiên Đàng” không sai, nhưng quan tâm thường hằng của Luther là tránh khuynh hướng thờ ngẫu thần đối với Đức Maria, như ở chỗ khác ông từng viết: “Nhưng giờ đây chúng ta thấy có những người chạy đến với ngài xin giúp đỡ và an ủi, như thể ngài là thần minh, đến nỗi tôi sợ rằng hiện đang có nhiều ngẫu thần giáo trên thế giới hơn bao giờ khác” (12).

Tuy thế, có tác giả (13) đã ghi nhận rằng: “có lẽ ngạc nhiên hơn cả là khi hiểu được việc này: phòng chôn cất ông tại nhà thờ Wittenberg, là nhà thờ ông từng ghim 95 đề án của mình trên cửa, có trang trí bức điêu khắc năm 1521 của Peter Vischer tạc cảnh Đội Triều Thiên cho Đức Mẹ”.

Mẫu mực của mọi Kitô hữu

Điều hết sức rõ ràng trong thần học của Luther về Đức Mẹ là: đối với ông, Đức Maria là mẫu mực của tín hữu và trên hết là điển hình cho hành động của Thiên Chúa; chính Thiên Chúa hạ bệ kẻ quyền thế; với đức khiêm nhường của ngài, lời ngượi khen của Đức Maria là một hành vi đức tin; lòng đạo hạnh của ngài đã nhẩy mừng hân hoan trong Thiên Chúa một cách vô vị lợi; ngài không khoe khoang khoác lác về công trạng của ngài, nhưng cho rằng Thiên Chúa đã đoái hoài nhìn tới thân phận thấp hèn của mình.

Về việc qua Đức Mẹ đến với Thiên Chúa, Luther rất nhất quán với việc ông không khích lệ những người quá tôn vinh các nhân đức của Đức Mẹ đến quên vai trò cứu chuộc của Chúa Kitô. Ông viết: “…đối với ngài, bạn sẽ được khuyến khích để yêu mến và ca tụng Thiên Chúa vì ơn thánh của Người… Nhờ thế, tâm hồn bạn sẽ được tăng cường về đức tin, đức cậy và đức mến… Không điều gì làm vui lòng ngài hơn là qua ngài bạn đến với Thiên Chúa cách đó…” (14).

Luther luôn lên án những người nâng Đức Mẹ lên một bậc quá cao, quá phóng đại đến độ làm ta tương phản với ngài thay vì với Thiên Chúa. Làm như thế sẽ khiến chúng ta ra sợ sệt không dám noi gương ngài vì gương ấy cao quá (15). Đức Mẹ cũng được coi là người, vì có Chúa Thánh Thần luôn ở cùng, nên không cần nhiều lời hoa mỹ để nói lên lòng tôn sùng của ngài đối với Thiên Chúa: “Đức Maria cũng không kể lể riêng từng điều tốt lành một mà gom chúng lại với nhau để chỉ nói một tiếng rằng ‘Chúa đã làm cho tôi những điều cao cả’. Nghĩa là “Mọi sự Người làm cho tôi đều cao cả”. Ở đây, ngài dạy ta rằng lòng tôn sùng trong tâm hồn càng cao, thì càng cần ít lời nói hơn (16).

Trong Kinh Ngợi Khen, Đức Maria còn dạy ta nhiều điều hơn nữa về việc đặt thứ tự ưu tiên cho các đáp ứng của ta đối với công trình của Thiên Chúa nơi ta và nơi người khác: “Trước nhất, mọi người trong chúng ta phải chú ý tới điều Thiên Chúa làm cho mình hơn là mọi công trình Người làm cho người khác… Thứ hai, Đức Mẹ dạy chúng ta rằng mọi người đều phải cố gắng đi đầu trong việc ca ngợi Thiên Chúa, bằng cách biểu lộ các công trình mà Người đã làm vì mình, sau đó mới đến các công trình Người làm cho người khác” (17).

Tóm lại, Martin Luther tin và dạy rằng: Đức Maria là Mẹ vĩnh viễn đồng trinh của Thiên Chúa; ít nhất linh hồn ngài cũng đã được gìn giữ khỏi tội tổ tông; ngài đang ở trên thiên đàng (nhưng không biết ngài lên thiên đàng như thế nào) và danh nghĩa Nữ Vương Thiên Đàng là danh nghĩa đúng nhưng không được dẫn người ta tới ngẫu thần giáo; sau cùng và có lẽ quan trọng nhất, ngài là mẫu mực và gương sáng cho mọi Kitô hữu.

Tuy không loại bất cứ điều gì thích hợp vốn dùng để tôn vinh Đức Maria, Luther vẫn nhấn mạnh rằng Chúa Kitô là đấng cứu chuộc duy nhất và tự mình Người đã đủ để cứu chuộc nhân loại, và mặc dù không kết án việc kêu khấn Đức Mẹ và các thánh (bao lâu không thái quá), cả Đức Mẹ và các thánh cũng chả làm gì được cho ta, Thiên Chúa làm tất cả.

Thánh Mẫu Học của Giáo Hội Luthêrô hiện nay

Đôi khi khó mà hiểu rõ niềm tin của Giáo Hội Luthêrô đối với Đức Mẹ hiện nay ra sao, vì hiện có sự phân cực và nhiều dị biệt về tín lý và thực hành giữa các hệ phái khác nhau trong cộng đồng Luthêrô. Phương thức của bài này là tập chú vào các Tuyên Tín Luthêrô (Lutheran Confessinals), là bộ trước tác làm nền cho thần học Luthêrô và các giáo huấn của Giáo Hội Luthêrô hoàn cầu, và rồi khảo sát những điểm bắt đầu rời xa các trước tác ấy. Phần lớn các trước tác này được viết ra đầu thập niên 1500 do những nhà lãnh đạo nổi bật nhất của Phong Trào Cải Cách tại Đức, và sau khi Martin Luther chết, được gom lại thành một bộ sách vào năm 1580 dưới tên Sách Nghị Ước (Book of Concord) (18).

Trong bộ Sách Nghị Ước trên, Tuyên Tín Augsburg năm 1530 chiếm vị thế nổi bật, đuợc coi là công trình thần hoc chủ yếu của cộng đồng Luthêrô. Theo lời của Công Thức Nghị Ước, “người theo Luthêrô coi Tuyên Tín này như kinh tin kính có tính Kitô Giáo chân chính mà mọi Kitô hữu phải chấp nhận sau Lời Chúa mà thôi”.

Như thế, bộ Sách Nghị Ước nói gì về Đức Maria? Dù bộ sách này nói đến Đức Mẹ rất ít, nhưng khi nhắc đến ngài thì nó đã nhắc một cách cung kính và tôn vinh. Thí dụ, Điều XXII trong Hộ Giáo cho Tuyên Tín Augsburg, người theo Luthêrô tuyên bố rằng “Đức Maria diễm phúc cầu cho Giáo Hội”. Sách Hộ Giáo này cũng quả quyết rằng Đức Maria “xứng đáng được những vinh dự cao qúy nhất” và mong muốn cho “

gương sáng của ngài được học hỏi và bắt chước”.

Hai học lý Công Giáo, tức sự đồng trinh vĩnh viễn của Đức Mẹ và tư cách Mẹ Thiên Chúa của ngài, đều được Sách Nghị Ước ủng hộ. Trong Phần I của Các Điều Khoản Smalcald, Chúa Giêsu được công bố “sinh ra từ Đức Maria tinh ròng, thánh thiện, và vĩnh viễn đồng trinh” và tại Điều VIII của Công Thức Nghị Ước, người theo Luthêrô tuyên xưng rằng: “Đức Maria, nữ trinh diễm phúc nhất, không tượng thai một con người nhân bản tầm thường, mà là một con người nhân bản vốn thực sự là Con của Thiên Chúa chí thánh, như thiên thần đã làm chứng. Người biểu lộ sự uy nghi thần thánh của mình ngay trong bụng Mẹ và cho thấy Người đã sinh ra bởi một trinh nữ và việc sinh hạ này không làm hại tới sự đồng trinh của ngài. Cho nên, ngài thật là Mẹ Thiên Chúa mà vẫn mãi đồng trinh”.

Công Thức Nghị Ước đã không hàm hồ nói rõ niềm tin vào Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa như sau: “… chúng tôi tin, dạy và tuyên xưng rằng Đức Maria thụ thai và sinh hạ không phải một người tầm thường, bình thường, chỉ là người mà là Con đích thực của Thiên Chúa; vì lý do này, ngài được gọi đúng và đúng ngài là Mẹ Thiên Chúa”. Xa hơn chút nữa: “Cho nên, ngài thực sự là Theotokos, Mẹ Thiên Chúa, Dei genitrix…”.Niềm tin vào Mẹ Thiên Chúa này nhất quán với giáo huấn của Công Đồng Êphêsô năm 431. Như thế, theo Sách Nghị Ước, Đức Maria là nhân vật chủ yếu đối với người Luthêrô ‘tuyên tín’.

Chỗ mà phái Luthêrô có vấn đề với giáo huấn và thực hành Công Giáo liên quan tới Đức Maria chủ yếu thuộc phạm vi ngài được đặt ngang hàng với Chúa Kitô trong vai rò Đấng Trung Gian Mọi Ơn hay Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Kitô, Đấng mà người Cải Cách coi là đấng cứu chuộc duy nhất. Vai trò Đức Maria là nguyên mẫu và mẫu mực cho mọi Kitô hữu, thì không có tranh cãi chi.

Theo một tác giả (19), “Như phái Luthêrô từng phán đoán, đỉnh cao các giáo huấn sai lầm của Giáo Hội Công Giáo Rôma nằm trong các tín điều của họ về Đức Nữ Trinh Diễm Phúc Maria. Đối với người Luthêrô, các tín điều này không có căn bản trong Thánh Kinh và chỉ được sự hỗ trợ đáng hồ nghi của truyền thống… và tạo thành không hơn không kém một cuộc tấn công trực diện vào giáo huấn thiêng liêng theo đó con người chỉ tìm được ơn cứu rỗi nhờ công nghiệp của Chúa Kitô mà thôi”. Theo cái nhìn của tác giả này, “phán đoán tổng hợp về nền thánh mẫu học Công Giáo do một số thần học gia theo phái Luthêrô nêu ra chứng tỏ nền thánh mẫu học ấy không hợp Thánh Kinh, chỉ là một sản phẩm của sự cao ngạo giáo hoàng, và là một bác bỏ học lý về sự công chính” (20).

Các niềm tin của người Luthêrô hiện nay về Đức Maria

Xét tổng quát, ta có thể an tâm nói rằng: thánh mẫu học của Luther gần gũi với Giáo Hội Công Giáo hơn là với thần học của phái Luthêrô hiện đại. Trong yếu tính, người Luthêrô ngày nay tin rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Họ cũng chủ trương rằng Đức Maria đồng trinh khi thụ thai Chúa Kitô nhưng phần lớn cho rằng ngài có nhiều con tự nhiên khác và do đó không trọn đời đồng trinh. Họ đặt căn bản điều đó trên các đoạn nhắc đến các anh chị em của Chúa Kitô như trong Ga 2:12; Ga 7:3-5; họ cũng chủ trương rằng: mặc dù Đức Maria không giao hợp với Thánh Giuse trước khi sinh ra Chúa Giêsu (Mt 1:18), nhưng điều đó không có nghĩa là ngài không bao giờ giao hợp.

Xét chung, người Luthêrô hiện nay không tin việc Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ hay việc ngài không có tội trong suốt cuộc đời ngài. Về việc Mông Triệu của Đức Mẹ, người Luthêrô hiện nay tin rằng những ai qua đời đều được cứu rỗi trên thiên đàng cùng với Chúa Kitô, đến nỗi Đức Mẹ cũng đâu có khác chi các thánh và những người chưa được phong thánh nhưng qua đời trong ân nghĩa Chúa.

Giống như chính Luther, người Luthêrô tin rằng ta có thể đến với Thiên Chúa qua Đức Maria và các thánh, nhưng không phải nhờ lời cầu bầu của các ngài hay nhờ rút tỉa được công phúc của các ngài (vì ta chỉ được cứu rỗi nhờ công nghiệp của một mình Chúa Kitô mà thôi) mà là nhờ bắt chước các nhân đức của các ngài, nhất là đức khiêm nhường. Đức Mẹ vốn là mẫu mực cho mọi Kitô hữu noi theo.

Người Luthêrô ngày nay thấy khó khăn với tước hiệu Nữ Vương Thiên Đàng. Dù Đức Maria được họ tôn kính rất cao, nhưng họ vẫn sợ rằng tước hiệu đó sẽ dẫn tới ngẫu thần giáo, đặt Đức Mẹ ngang hàng với Chúa Kitô Vua. Sau cùng, điều rõ ràng là người Luthêrô cực lực bác bỏ bất cứ ý niệm nào coi Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Kitô và là Trung Gian Mọi Ơn.

Một nguyên tắc trổi vượt mà Luther và các người Luthêrô ngày nay đều cực lực bênh vực là: niềm tin nào không có trong Thánh Kinh thì chỉ nên khoan nhưựng coi nó như một hành vi đạo hạnh, chứ không thể biến nó thành một tín điều buộc mọi người phải tin.

Các hệ luận cho một thánh mẫu học đại kết

Như các nhận định từ trước đến nay đã chỉ ra, trong một Giáo Hội Kitô hợp nhất, gồm cả người Luthêrô, bất cứ nền thánh mẫu học giá trị nào muốn được coi là chân chính chứ không phải chỉ là một thứ mẫu số chung do tương nhượng mà có, gồm những niềm tin mơ hồ, bất toàn, phải hội đủ ít nhất các đặc tính sau đây:

a) Việc tổng hợp các niềm tin lại với nhau phải đặt căn bản vững chắc trên Thánh Kinh; nếu Thánh Kinh không thực sự coi chúng là ‘có thể chứng minh được’, thì ít ra chúng cũng phải nhất quán với Thánh Kinh;

b) Nền thánh mẫu học đại kết phải vững vàng và trung thực dựa vào nền bác học có phê phán về Thánh Kinh hay nhất hiện có, một nền bác học biết giải thích Thánh Kinh, nhất là những đoạn về Đức Mẹ, không những trên bình diện lịch sử mà cả trên bình diện biểu tượng nữa;

c) Bất cứ nền thánh mẫu học nào cũng phải nhất quán với và phục vụ nền Kitô học đại kết hiện có;

d) Bất cứ nền thánh mậu học nào cũng cần phải bớt theo hình loại học Kitô (Chistotypical) và theo hình loại học giáo hội (ecclesiatypical) nhiều hơn, để Đức Maria không còn ‘bị’ giải thích một cách loại suy với Chúa Kitô nhiều như ngày nay (có lẽ vì thế mà bị nhìn như là cạnh tranh với Người) nhưng càng ngày càng phải được nhìn dưới hình loại học giáo hội mà sứ mệnh là đem Chúa Kitô “sinh ra nơi con người khắp thế gian” (21);

e) Bất cứ cách nào cũng không được đề cao lòng tôn kính Đức Maria vì công trạng riêng của ngài hay vì ngài đáng công hơn các thánh khác;

f) Không bao giờ được đặt ngài ngng hàng với hay cao hơn Con Trai của ngài;

g) Giáo Hội Công Giáo Rôma không nên quá nhấn mạnh tới các tín điều hiện gây khó khăn cho các đối thoại đại kết, nhất là về các tước hiệu Đồng Công Cứu Chuộc hay Trung Gian Mọi Ơn;

h) Mọi giáo phái phải nhìn nhận Đức Maria là mẫu mực cho mọi Kitô hữu, như người chỉ đường cho ta tới Chúa Kitô và theo lời Jurgen Moltmann, như “dấu chỉ sự cởi mở của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với sự hợp nhất và sự sống vĩnh cửu của toàn hể tạo vật” (22);

Có thể tạo ra được một tình thế đại kết như thế hay không là điều còn phải bàn. Tuy nhiên, với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể xẩy ra, với điều kiện mọi bên đều phải cố gắng như nhau để tìm cơ sở cho càng nhiều hội tụ càng hay. Dù sao, nếu không có sự hợp nhất hoàn toàn, thì hiện vẫn có nhiều dịp may để cả người Công Giáo lẫn người Luthêrô đối thoại giúp cho người Công Giáo hiểu đầy đủ hơn vai trò của Đức Mẹ trong Giáo Hội trong khi người Luthêrô có thể gia tăng lòng sùng kính đối với Mẹ Thiên Chúa. Như A.V. Horst từng viết: “Các Kitô hữu Luthêrô nên chào đón cơ hội được trợ giúp trong cuộc phát triển này… Là các thành viên của một giáo hội tuyên xưng và tuyên tín, họ nên nhớ tới lòng sùng kính Mẹ Diễm Phúc của Martin Luther, tới lòng sùng kính các bậc tổ phụ và tổ mẫu của chúng ta trong đức tin, tới các lời khuyên dạy của Tuyên Tín Augsburg và các tuyên tín khác vốn cao lời ca ngợi Đức Maria và thúc giục tín hữu theo gương các thánh. Còn có cách nào khác tốt hơn để cám ơn ngài cho bằng dấn thân vào việc tìm kiếm đầy sáng tạo các hình thức mới cho lòng tôn sùng và kính mến Đức Maria trong thiên niên kỷ mới này” (23).

Viết theo Michael Jarvis, ‘The Mariology of Martin Luther and its Implications for an Ecumenical Mariology’ trong The Australasian Catholic Record July 2007.

_______________________________________________________________________________________________________________________________

(1) J. Pelikan, ed. Luther’s Works [LW] (St Louis: Concordia Publishing House,1956) 21: 355.

(2) Đã dẫn, 22:214

(3) Đã dẫn, 22:23.

(4) Xem Martin Luther’s Devotion to Mary tại http:ic.net/~erasmus/RAZ95.HTM

(5) LW 43: 40-41

(6) Đã dẫn 43:40-41

(7) G. Yule, Luther: Theologian for Catholics and Protestants (Edinburgh: T & T Clark, 1985 tr.100.

(8) Xem Martin Luther’s Devotion to Mary tại http:ic.net/~erasmus/RAZ95.HTM

(9) LW 21:326

(10) LW 24:107

(11) LW 21:327-8

(12) LW 21:323-4

(13) P. Stravinskas, trong Faith and Reason số Xuân 1994, tr.8

(14) LW 21:322-3

(15) LW 21:323

(16) LW 21:325

(17) LW 21:318-9

(18) Sách Nghị Ước gồm 8 công trình được viết trong các thế kỷ từ thứ 3 tới thứ 16: 1) ba kinh tin kính (symbols) công giáo và đại kết của Giáo Hội, tức Kinh Tin Kính Các Tông Đồ, Kinh Tin Kính Nixêa và Kinh Tin Kính Athanasiô; 2) Tuyên Tín Augsburg “không thay đổi”, do Philip Melanchton viết năm 1530; 3) Hộ Giáo cho Tuyên Tín Augsburg do Philip Melanchton viết năm 1531; 4) Các Điều Khoản Smalcald, do Martin Luther viết năm 1537; 5) Khảo Luận về Quyền Bính và Tính Tối Thượng Của Giáo Hoàng, do Martin Luther viết năm 1537; 6) Sách Giáo Lý Nhỏ của Luther, viết năm 1529; 7) Sách Giáo Lý Lớn của Luther, viết năm 1529; và 8) Công Thức Nghị Ước, do một số thần học gia nổi tiếng của Giáo Hội Luthêrô viết năm 1577, trong đó có James Andrae và Martin Chemnitz.

(19) Myron A. Marty, Lutherans and Roman Catholicism: The Changing Conflit 1917-1963 Notre-Dame: University of Notre-Dame Press, 1968, tr.188.

(20) đã dẫn, tr,189.

(21) A.V. Horst, ‘Mary in Current Theology: a Lutheran View’, Currents in Theology and Mission, 15(1988) tr. 413.

(22) J. Moltmann, ‘Can there be an Ecumenical Mariology?’ trong Hans Kung and Jurgen Moltmann eds. Mary in the Churches (Edinburgh: T&T Clark Ltd, 1983) XV.

(23) Đã dẫn, tr.417