Kitô Hữu Iraq Tìm Kiếm Những Dấu Hiệu Hy Vọng

Đức tổng giám mục nhận thấy những dấu hiệu bi quan về tương lai

ERBIL, Iraq, ngày 8 tháng 6, 2011 (Zenit.org).- Vụ ám sát một linh mục Kitô giáo Chính Thống trong số bốn linh mục vào ngày 31 tháng 5 tại Mosul đã làm tăng cảm tưởng bi quan giữa Kitô hữu về triển vọng một tương lại hòa bình ở Iraq.

Đức TGM Bashar Warda của giáo phận Erbil, ở mạn bắc Kurd của Iraq, đã chia sẻ cảm tưởng này trong một cuộc phỏng vấn với Tổ Chức Từ Thiện Công Giáo Hỗ Trợ Giáo Hội Đau Khổ, một tổ chức hỗ trợ những Kitô hữu bị bách hại và những Kitô hữu đau khổ khác.

Đức TGM tường trình rằng cú sốc từ cuộc ám sát đã làm cho vài người trong đàn chiên của ngài cảm thấy rằng “không còn tương lai” đối với họ trong quốc gia mình, và hơn nữa cũng thật là nguy hiểm đối với họ khi họ chạy sang các quốc gia láng giềng vì vấn đề xung đột chính trị ở đấy.

Arakan Yacob là nạn nhân bị ám sát gần đây nhất trong một chuỗi các cuộc tấn công chống lại người Kitô giáo ở Iraq. Ông là đích nhắm của hai nỗ lực bắt cóc tống tiền trước đó và các kẻ tán công đã thành công lần thứ ba, bắt giữ Yacob đòi tiền chuộc. Ba tuần trước đây, một Kitô hữu trẻ tuổi khác, 29 tuổi, tên là Ashur Yacob Issa, đã bị bắt và rồi bị giết khi gia đình anh không có khả năng trả khoản tiền chuộc lên đến 102,046 đôla do các kẻ bắt cóc đề ra.

Đức TGM Warda tường trình rằng có hơn 570 Kitô hữu đã và đang bị giết trong các vụ bạo động có động cơ tôn giáo hay chính trị từ năm 2002. Giữa năm 2006 và 2010, 17 linh mục và hai giám mục đã bị bắt và đã bị đánh đập hoặc tra tấn bởi các kẻ bắt cóc. Trong số đó, một giám mục, bốn linh mục, và ba phụ phó tế đã bị ám sát.

Mặc dù nhiều người muốn đi di cư sang các quốc gia có chung biên giới với Iraq – Syria và Thổ Nhĩ Kỳ - thế nhưng họ nghiệm thấy sự không chắc chắn và những cuộc khủng hoảng. “Thậm chí tình trạng ở nước Thổ Nhĩ Kỳ láng giềng cũng chẳng tốt lành gì,” đức TGM nói, “và với những gì đang diễn ra ở Syria vào thời điểm hiện tại thì một gia đình nghĩ đến việc di cư có những chọn lựa rất giới hạn.”

Cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Syria đều đã tiếp nhận vài ngàn Ktô hữu tị nạn kể từ năm 2003, là khi mà việc lật đổ chế độ Saddam Hussein đã kéo theo sự leo thang về bạo lực tôn giáo.

Bênh vực những người bị lãng quên

“Dù bạn có cố gắng như thế nào để thuyết phục người ta tin rằng mọi sự đang tốt hơn thì họ sẽ nói rằng cứ nhìn đến những điều đang xảy ra,” đức TGM nói với Tổ Chức Từ Thiện Công Giáo Hỗ Trợ Giáo Hội Đau Khổ. Vụ ám sát Yacob đã gây ra một làn sóng bi quan sâu đậm hơn, ngài than thở.

Nhưng đức TGM không hề thất vọng: “Sứ điệp hy vọng luôn có đó, sự sống phải tiếp diễn – đó là thông điệp.”

Đức TGM đã không ngừng mang sứ điệp đau khổ của đàn chiên ngài đến thế giới bên ngoài, gần đây là đến với Anh quốc và Ailen vào tháng ba để trình bày với Tổ Chức Từ Thiện Công Giáo Hỗ Trợ Giáo Hội Đau Khổ thông điệp: “bị bách hại và quên lãng?: một bản tường tình về những Kitô hữu bị áp bức vì đức tin.”

Tổ Chức Từ Thiện Công Giáo Hỗ Trợ Giáo Hội Đau Khổ là một cộng sự với nỗ lực của đức TGM Warda dành cho các Kitô hữu ở Iraq trong việc cung cấp viện trợ khẩn cấp cho những người tị nạn tại Iraq, Jordan và Thổ Nhĩ kỳ, và cung cấp các gói thực phẩm cho các Kitô hữu tản cư ở phía bắc Iraq, tiền lễ cho các linh mục nghèo và bị áp bức, hỗ trợ các nữ tu và giúp đỡ các chủng sinh di tản đến phía bắc đất nước.

Tổ chức từ thiện này đã dành ưu tiên giúp đỡ cho Iraq theo chỉ thị vào năm 2007 từ ĐGH Benedict XVI nhằm giúp Giáo Hội tại Trung Đông là nơi ngài nhìn nhận là “bị đe dọa trong hiện hữu.”

Nguyễn Trầm Tư