VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM HIỆN NAY TRONG XÃ HỘI PHÁP
Chủ đề mà tôi xin được trình bày cùng qúi độc giả được viết ở thể khẳng định : ''Vai trò của người phụ nữ Việt Nam hiện nay trong xã hội Pháp''. Có nhiều cách đặt vấn đề cho chủ đề này. Dưới khía cạnh đối tượng của vai trò, ta có thể đặt vấn đề :
- ''Người phụ nữ VN tại Pháp hiện nay đã đóng vai trò nào, góp phần vào tổ chức và xây dựng xã hội Pháp ?'', hoặc
- ''Người phụ nữ VN đã đóng góp vai trò nào, góp phần vào tổ chức và xây dựng cộng đoàn VN tại Pháp ?'', hoặc
- ''Người phụ nữ VN tại Pháp hiện nay đã đóng vai trò nào, góp phần vào tổ chưc và xây dựng xã hội '', hoặc
- ''Người phụ nữ VN tại Pháp hiện nay đang đóng góp những vai trò nào để hội nhập vào xã hội Pháp, hầu thăng tiến bản thân, làm vững gia đình và xây dựng cộng đoàn ?
Tôi xin được giới hạn gợi ý của tôi vào vấn đề cuối cùng và xin được sắp xếp các gợi ý qua hai phần. Phần thứ nhất xin phân tích một số từ ngữ : vai trò, phụ nữ, phụ nữ VN, xã hội, xã hội Pháp. Phần thứ hai xin trình bày một số vai trò quan trọng mà phụ nữ VN đang đóng hiện nay trong xã hội Pháp.
I. PHÂN TÍCH MỘT SỐ TỪ NGỮ.
11. Hằng ngày, ta vẫn thường nghe người ta nói đến hai chữ vai trò : vai trò linh mục, vai trò giáo dân, vai trò phụ huynh v.v. Vai trò gồm chức phận, các công tác, các việc làm, các cách làm và các kết quả việc làm... của một nhân vật.
Vai trò phụ nữ, bởi vậy, là các chức phận làm con, làm chị, làm vợ, làm mẹ, làm bà ở trong gia đình; làm quản lý, làm thư ký, làm hội viên, làm thành viên hội Đồng Mục Vụ... ở trong cộng đoàn; làm học sinh; làm sinh viên, làm cô thợ, làm bà chủ tiệm, làm bà bác sỹ, bà giáo sư... trong xã hội.
Vai trò phụ nữ có thể là độc quyền, như các vai trò mẹ vợ, chị, bà. Nam giới không thể tranh dành được. Hay dự phần như quản lý, hội viên, học sinh, thợ, chủ... Vì nhũng vai trò này có thể do nam giới đóng. Phụ nữ có những vai trò tiên khởi, như nuôi con, dạy con... bắt buộc ngưòi phụ nữ phải làm trước nhất, dẫu sau đó nam giới có thể kế tiếp. Có những vai trò người phụ nữ đóng trực tiềp như sinh con đẻ cái, dạy dỗ con cái, làm hội viên hội Các Bà Mẹ Công giáo, xướng hát kinh kệ ở nhà thờ... hoặc đóng một cách gián tiếp, như các bà cụ dạy con cháu, các bà nội trợ, quản lý tài sản gia đình để gây lời hoặc thâu chi có đúng mức.
Thế thì có những vai trò nào là chính yếu cho phụ nữ Xin thưa là có, và nhiều lắm. Chính yếu vì thường xuyên là phụ nữ đảm nhiệm. Ai là người chính yếu theo dõi sức khỏe, ăn uống may mặc, học hành của con cái ? Ai là người chính yếu lo lắng cho gia phong, cho lễ lạy ? Ai là người chính yếu tổ chức các bữa cơm, tiệc tùng của giáo xứ ? Ai là người chính yếu đóng góp tiền bạc, công của vào các sinh hoạt cộng cộng đoàn ?
Và vai trò quan trọng, nghĩa là nếu phụ nữ không làm, thì chẳng nên công quả gì. Ai dám phủ nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc trẻ em nói tiếng Việt tại Pháp ? Ai dám phủ nhận vai trò phụ nữ trong sự hạnh phúc và đầm ấm gia đình ? Ai dám phủ nhận vai trò của phụ nữ trong vệc nâng đỡ và phát triển ơn thiên triệu ?
12. Phụ nữ mà chúng ta đang nói đến ở đây bao gồm tất cả những người nữ thành niên, từ 16 tuổi trở lên, bất cứ họ ở qui chế gia đình nào : đi tu, lập gia đình, ở độc thân, góa bụa; bất kể trình độ học vấn nào : ít học, học nghề, tú tài, hay đại học; bất kể ở nghề nghiệp nào : hành chánh, thương mại, kỹ nghệ, canh nông; bất kể họ theo tín ngưỡng nào : vô thần, Phật giáo, Tin Lành, Công Giáo, Hòa Hảo, Cao Đài...
Nhưng người phụ nữ mà ta đang nói đến ở đây hạn hẹp vào chữ phụ nữ Việt Nam. Họ có thể thuần túy VN, cả về thể lý lẫn văn hóa; hoặc thể lý lai, văn hóa Việt, hoặc thể lý Việt, văn hóa lai...; và tất cả các phụ nữ này đều đang sống tại xã hội Pháp nói riêng và ở Âu Mỹ nói chung.
''Người phụ nữ VN trong xã hội Pháp'' có nghĩa là chính bản thân người phụ nữ là một yếu tố của xã hội và được xã hội công nhận, qua các ngành nghề họ hành xử. Nhưng đơn vị can bản của xã hội là gia đình. Bởi vậy, nói đến vai trò phụ nữ trong xã hội, không thể bỏ qua vai trò phụ nữ trong gia đình. Và cao rộng hơn gia đình là cộng đoàn. Cộng đoàn bao gồm nhiều cá nhân, nhiều gia đình, nhiều đoàn thể. Đề cập đến vai trò phụ nữ mà bỏ qua vai trò họ trong cộng đoàn, nhất là cộng đoàn VN, là một thiếu xót lớn.
13. Xã hội Pháp hiện nay, và rộng hơn là xã hội Âu Mỹ được xây dựng trên ba cột văn hóa. Văn hóa Hy Lạp là khởi thủy của khoa học và kỹ thuật hiện đại. Văn hóa La Mã sáng tạo ra tổ chức luật pháp và dân chủ. Văn hóa Do Thái Kitô giáo ''phát minh'' ra Thượng Đế lập nên khái niệm công bằng, và bác ái, nền tảng của đạo lý Âu châu.
Những nét đặc thù của xã hội Pháp hiện nay là :
- Một xã hội dân chủ tổng thể, thúc đẩy việc tranh đua quyền hành và chức vị. Các phong trào nữ giới tranh quyền với nam giới ở chính trường và thương trường đều bắt nguồn từ khái niệm dân chủ, binh đẳng mà ra. Khốn thay, trên thực tế, phụ nữ vẫn chưa bình đẳng cùng nam giới qua các tiêu chuẩn quyền hành và tiền bạc.
- Một xã hội chuộng tự do, sáng kiến và tôn trọng cá nhân. Các vụ ly thân, ly dị càng ngày càng nhiều đều khởi nguồn từ sự chuộng tự do và trọng cá nhân.
- Một xã hội mà đa số các tập tục, lễ lạy, tổ chức... đều bắt nguồn từ luân lý công giáo. Ở đây, dẫu dân Pháp chỉ có 10% dân chúng hành đạo, nhưng vai trò phụ nữ vẫn là chính yếu và quan trọng trong các đơn vị cộng đoàn của Giáo Hội, với các nữ tu, các giáo lý viên...
- Một xã hội cần cù, ưa nghệ thuật và chuộng khoa học kỹ thuật. Trong thế kỷ 20, nhiều khuôn mặt nữ giới ló lên trong các ngành nghề cao cấp. Trình độ học vấn ngày càng cao, đi làm càng ngày càng đông và ở nhiều chức vụ trách nhiệm... đều bắt nguồn từ bản chất cần cù, sở thích nghệ thuật và tinh thần yêu chuộng khoa học kỹ thuật mà ra.
II. PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG XÃ HỘI PHÁP.
Qua một số khái niệm vừa được trình bày một cách sơ lược, ta thấy đề tài ''ngưòi phụ nữ VN hiện nay trong xã hội Pháp'' rất quan trọng và phức tạp. Tôi xin cố gắng trình bày một cách đơn giản và tóm tắt.
Sau đây là những vai trò nổi bật mà phụ nữ VN đang đóng tại Pháp : tự do kết hôn, làm chủ sinh đẻ, bảo vệ truyền thống, đồng trách nhiệm với nam giới trong việc quản trị gia đình. Những vai trò này rất nặng tính chất xã hội, nhưng đa số được đóng khung trong gia đình.Tôi tạm xếp chúng vào những vai trò phụ nữ VN tại Pháp hiện nay trong gia đình.
Ngoài ra còn có một số vai trò khác mà tầm quan trọng không kém những vai trò trên, đó là đi học, đi làm, làm tiền. Những vai trò này hoàn toàn có tính cách xã hội và được đóng khung với tính cách cá nhân. Tôi tạm xếp chúng vào những vai trò của phụ nữ VN hiện nay trong xã hội Pháp.
21. Vai trò Phụ nữ VN tại Pháp hiện nay trong gia đình.
Trong một bữa cơm thân mật mà tôi được dự mới đây tại một gia đình bạn, có 5 chị em đang đóng vai trò quan trọng trong xã hội Pháp. Cả 5 chị em đều còn trẻ, trong cỡ tuổi 30-40, nghĩa là đến Pháp vào lứa tuổi học trò. Cả 5 chị em đều hoàn toàn tự do kết hôn, và hoàn toàn tự do chọn bạn đời. Tôi đã được tận mắt thấy mối tình họ từ thuở manh nha. Một chị là giáo sư Anh văn, tại một trường trung học cấp hai. Một chị là giám đốc nhân viên trong một xí nghiệp. Một chị là dược sỹ chủ dược phòng. Một chị làm nhân viên của điện ngầm và một chị làm thư ký cho một hội xã hội. Tôi có đặt một câu hỏi về cái nhìn của các chị về vai trò phụ nữ trong gia đình VN tại Pháp hôm nay. Tôi đợi chờ một câu trả lời đặt nặng vai trò nghề nghiệp cá nhân trong xã hội, và đánh nhẹ vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Tôi đã lầm. Cả 5 chị em đếu khẳng định với tôi là vai trò số một, vai trò quan trọng nhất của phụ nữ là gia đình. Theo các chị thì nghề nghiệp là quan trọng để tranh lấy một chỗ đứng trong xã hội, để được lương bổng hầu tạo tài sản, mà sống cho xứng đáng và thoải mái. Nhung đời sống sẽ vô nghĩa, nếu không vì gia đình, nói trắng ra là vì chồng con. Nói chuyện thêm ra, tôi hiểu rằng, theo các chị, gia đình không phải là vai trò độc nhất mà các chị đóng, như các phụ nữ VN trong xã hội cổ truyền. Vì ngoài gia đình còn cộng đoàn, còn xã hội. Nhưng gia đình vẫn là nơi mà người phụ nữ phải đóng vai trò quan trọng.
Nhưng, cách sống và cái nhìn về gia đình của các chị rõ rệt chịu ảnh hưởng của xã hội Pháp, đặc biệt là về con cái. Chị giáo sư có hai con. Chị giám đốc nhân viên có 4 con. Chị chủ dược phòng chỉ có 1 con. Chị nhân viên xe điện có 2 con, và chị thơ ký có 3 con. So với số con cái trong gia đình VN mà tôi thấy qua chuyến thăm quê hương vào những năm 1995, 1998, 2001 vừa qua, trung bình mỗi gia đình từ 5 đến 10 con, rõ rệt VN tại Pháp muốn có ít con hơn, trung bình là 2, 3.
Tôi tò mò muốn biết làm sao làm chủ được số con muốn sinh. Cả 5 chị vâng (trong đó, 4 chị không công giáo, 1 chị công giáo gốc, nhưng lấy chồng không công giáo, thành ra từ lâu không còn đi lễ đi nhà thờ, coi như thực tế không còn theo đạo). Cả 5 chị đã tự nhiên trả lời rằng đã dùng các phương tiện ngừa thai hiện đại.
Nói về các công tác gia đình và sự phân công, chị giám đốc nhân viên hớn hở trả lời ngay : ''Ông xã tôi lo hết việc chợ búa. Tôi lo bếp và giặt ủi. Mấy đứa nhỏ quét dọn nhà cửa. Nhưng đưa các cháu đi học khi còn nhỏ và coi bài vở của chúng, ông xã tôi lười quá, tôi phải lo cả đấy.'' Chị giáo sư Anh văn điềm tĩnh phân tích : Anh coi, ông xã tôi công việc bề bộn, đi làm bữa nào cũng sớm, về nhà bữa nào cũng trễ, thành thử các việc lặt vặt trong nhà đều tôi lo cả. Từ may mặc, ăn uống, cho đến việc học hành của hai cháu. Được cái sửa nhà sửa cửa, trồng tỉa vườn tược, sắm sửa đồ đạc, ông ấy đều lo cả. Nhưng anh biết không, ông ấy giữ tiền đấy ! Keo thấy mồ ! May mà tôi cũng đi làm. Không thì tiền chợ, hỏi ông ấy, kẹo kéo, kéo không ra''. Chị dược sỹ hơi e thẹn : ''Tôi thi được chồng cưng lắm : từ chợ búa, cơm nước, con cái... đều ảnh lo cả. Có điều anh không có ''gout''; thành may mặc sắm sửa, đều tôi phải lo cả. Nhưng mua sắm gì cũng phải có ý ảnh, không thì khốn''. Chị thơ ký thì hãnh diện : ''Moa'' thì ''moa'' lo hết. Ổng đi làm về ổng ra vườn hay vào phòng ôm cái máy điện toán, hoặc vắt đốc ngồi lông uống rượu, hoặc đi chơi tennis với mấy ông bạn. Cái số của moa là số con rệp. Thế mà có khách đến nhà, thì ổng lại làm hết : đi chợ, làm đồ ăn, dọn dẹp. "Moa" mời tụi ''toa'' hoài là thế đó !" Chị nhân viên xe điện thì nhí nhảnh : "Moa" cũng giống "toa" vậy đó thành (thơ ký). "Moa" làm hết.Nhưng ổng được cái là lo hết việc học hành, bài vở của hai thằng nhỏ. Nhưng tính nóng như lửa, chưa dạy con đã bẳn rồi.Nhiều lúc, làm bếp mà "moa" vẫn phải coi chừng, bằng không, ổng bạt tai mấy đứa nhỏ, thì lại bị hàng xóm, thầy cô nhòm ngó."
Tóm lại, các chị không còn là nội tướng theo nghĩa cổ truyền VN nữa. Vì đã có những "papa poule" và các việc gia đình đã được các "đấng ông chồng" chia sẻ rất nhiều. Các chị cũng không là người quản lý tài sản, nhưng tất cả đều là những người sản xuất ra tài sản gia đình.
Tôi hỏi tiếp : "Vậy, vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình là tại chỗ nào ?" Đa số các chị đều được các ảnh chia phần công việc. Tôi không hỏi rằng gia đình là quan trọng cho các chị. Nhưng tôi hỏi rằng tại sao các chị quan trọng cho gia đình đấy nhá !" - "Vì đàn bà chúng tôi là phần tử bất khả khuyết cho gia đình". Chị giáo sư Anh văn trả lời : "Xin hỏi anh, không có đàn bà chúng tôi, thì các anh làm gì có vợ. Làm gì có gia đình ! Không có đàn bà chúng tôi, thì làm gì các anh sinh được con !" Chị dược sỹ thêm vào : " Chúng tôi là cộng tác viên, nếu không phải là "giám đốc" của các anh. Việc nhà cửa, con cái, bạn bè, không có chúng tôi nhúng tay vào thì ôi chao nó tẻ nhạt, nó cứng nhắc, nó rỗng rỗng làm sao ! Anh không thấy điều ấy à ?" Và chị nhân viên xe điện ngầm : "Ngay cả việc dạy con, dẫu ông nhà tôi lo, nhưng hỏi gì mấy đứa nhỏ lại hỏi tôi chứ đâu có hỏi ổng. Thằng nhỏ lớn nhà tôi mới 15 tuổi đầu, đã có bạn trai, bạn gái đủ cả. Bảo bố nó, nó cũng không dám hó miệng ra với bố nó. Ấy thế mà nó lại tuôn hết ra với tôi ! Không có tôi bày vẽ, chỉ dạy, thì một là nó hớ với bạn, hai là bị bố nó la. Chị giám đốc nhân viên kết luận : " Đấy nhá, đàn bà chúng tôi quan trọng cho gia đình, vì chúng tôi sinh con, tạo ra gia đình. Vì chúng tôi lo lắng dạy dỗ con cái. Ấy là chưa kể việc chúng tôi cố vấn, bày mưu cho các anh rất nhiều trong chính công việc sở của các anh nữa."
Bị đặt trước những sự thật nhãn tiền, bởi những sự kiện thực tiễn và những lý luận đanh thép, tôi đổi đề tài : "Xin hỏi các chị về cái sự kiện ly thân, ly dị do phụ nữ VN tại Âu Mỹ đòi". Cả 5 chị đều không ai chối cãi sự kiện này. Nhưng chị thơ ký phân tích rằng : Phụ nữ VN ngày xưa và hiện nay ở quê nhà bị ràng buộc bởi tục lệ, bởi làng xóm, bởi tiếng đồn, nhiều người sống một cuộc sống khuôn sáo, ước lệ". Ngày nay ở thành thị VN và ở Âu Châu, luật pháp cho phép, tục lệ lỏng lẻo, làng xóm không còn, tiếng đồn coi nhẹ, nhiều người đòi ly thân và ly dị. Theo tôi cũng là thường tình. Những sư kiện đó có nhiều yếu tố nguyên nhân lắm. Ly dị và ly thân cũng có 5, 7 đường. Có ly dị thật, có ly dị giấy (để hưởng trợ cấp). Có ly dị do đàn bà đòi. Có ly dị do đàn ông đòi. Có ly dị vì không hợp với nhau. Có ly dị vì đồng tình. Có ly dị vì ham tình mới, tiền mới, hoàn cảnh mới. Có ly dị vì thiếu hiểu biết, thiếu tự chủ, nhưng cũng có ly dị vì ý thức. Nói làm sao cho hết. Tóm lại ly dị hay không cũng tại mình cả, tại giáo dục mình đã nhận, tại hoàn cảnh mình đang sống, tại viễn tượng mình muốn đạt, tại gia đình mình muốn dựng, tại tương lai mình muốn tạo.
22. Vai trò cá nhân của phụ nữ hiện nay trong xã hội Pháp.
Trong xã hội cổ truyền VN, phụ nữ ít được đi học, đa số giúp chồng làm nghề nông hoặc tiểu công thương. Vượt trổi ra vòng đa số ấy, một số nhân vật phụ nữ lừng danh không biết tên tuổi. Ở lãnh vực chính trị, quân sự, quốc gia, có bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Ẩu, Bùi Thị Xuân... Sang lãnh vực văn học có Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương. Và trong giới công giáo có bà Thánh Anê Lê Thị Thành.
Ngày nay ở VN và nhất là ở Âu Mỹ, phụ nữ VN có lực học không thua gì nam giới. Năm 1967, năm đầu tiên tôi đi dạy học ở Hàm Tân, Bình Tuy, trong lớp đệ nhất mà tôi dạy triết cho cả ba ban ABC, có 40 học sinh, trong đó chỉ có 3 nữ sinh. Năm cuối cùng tôi dạy học ở Đà lạt, năm 1973 : vào năm thứ nhất đại học sư phạm có khoảng 230 sinh viên cho cả bảy ban : Văn, Triết, Sử, Pháp, Anh, Toán và Lý Hóa. Trên một nửa là nữ sinh. Đặc biệt, 4 ban Văn, Sử, Pháp, Anh. Từ 1967 đến 1973, số nữ sinh học ở bậc tú tài và đại học đã rõ rệt tăng hẳn lên.
Trong ca đoàn Lê Bảo Tịnh hát lễ 10 giờ tại Giáo Xứ VN Paris, chúng tôi có một ông có giọng hát rất tốt. Bà ấy có giọng hát cũng đẹp mà không chịu vào ca đoàn. Sau lễ, chúng tôi thường tập hát với nhau khoảng nửa giờ để chuẩn bị cho lễ chủ nhật sau và nói chuyện gẫu. Bà có giọng hát đẹp mà không chịu vào ca đoàn đang đi làm ''caissière'' trong một siêu thị, có 3 con : một gái học DECF đã xong, và hai trai đang học ENSI tại Grenoble. Một hôm tôi hỏi tại sao cho cháu gái học cao như vậy. Bà ấy đơn sơ trả lời : ''Bây giờ chúng nó cả vậy ạ. Con gái chúng nó cũng học cao lắm. Chả bì với chúng tôi ngày xưa chả được bố mẹ cho học''. Câu trả lời của bà gói ghém hết cái khía cạnh học hành của phụ nữ VN tại Pháp hiện nay. Các gia đình mà tôi quen biết, kể cả những gia đình thợ, hầu hết con cái có lực học đại học và chuyên nghiệp, bất kể chúng là trai hay gái.
Thực ra, quyền được giáo dục học vấn của phụ nữ tại Pháp cũng là một thực tại tương đối mới mẻ : Năm 1838, mở trường sư phạm cho nữ giáo viên. Năm 1880, mở cấp trung học nữ giới. Năm1900, nữ giới mới chính thức được tuyển nhận và đại học với 624 người trên toàn quốc. Năm 1919, chính thức thiết lập cấp tú tài cho nữ giới.
Ngày nay, học lực của nữ giới không thua gì nam giới. Dẫu sao đối với phụ nữ Pháp hiện nay, nếu lấy tiêu chuẩn học lực làm mẫu, thì chúng ta có vô vàn Đoàn Thị Điểm, đếm làm sao hết được. Trong một cuộc gặp gỡ khác tại nhà một người bạn ở ngoại ô Paris, tôi được hân hạnh gặp ba bà VN đã lớn tuổi, nhỏ nhất là 54 tuổi và lớn nhất là 68. Được hỏi về chuyện học hành, làm ăn của con cái, đặc biệt của con gái. Bà 54 tuổi kể : cháu lớn nhất của tôi năm nay đang học năm thứ 6 y khoa. Cháu gái nhỏ năm nay thi Bac. Bà 60 tuổi trả lời ba cháu gái nhà tôi đều lớn cả rồi, các cháu đều lấy chồng và đang ở Mỹ cả : ở Californie. Cháu lớn nhất năm nay 36 tuổi đang đi dạy học. Cháu thứ hai 33 tuổi có cửa tiệm. Cháu thứ ba 30 tuổi làm về Tin học trong một xí nghiêp Mỹ. Bà 68 tuổi thì nói : Các anh các chị nhà tôi tất cả có 5. Cô gái lớn nhất làm công chức, cô gái út làm dược.
Thực ra hiện tượng phụ nữ VN tại Pháp đi làm cũng là một thực tại hiện nay tại Pháp. Năm 60 : có 37,2%. Năm 70 : 39,2%. Năm 80 : 42,3%. Năm 90 : 44,5%.
Và cũng như các phụ nữ Pháp, đa số phụ nữ VN ưa đi làm công tư chức, thích nghề hành chánh thư ký, chuộng nghề giáo dục, y khoa, và xã hội. Thống kê cho biết : Làm công : 4.500.000. Làm công chức : 1. 400.000. Làm hành chánh : 1.500.000. Làm giáo viên : 510.000. Làm y khoa và xã hội : 75%. Làm cán bộ cao cấp : 48,6%.
Có một số nhỏ làm chủ. Nhưng đại đa số là chủ nhỏ. Tiếc thay VN, cả nam lẫn nữ, chưa có những khuôn mặt kinh doanh nổi. ''Thanh Bình'' được thiết lập những năm 60 mà không phát triển được như ''Tang Frères'' lập sau 75. Và trong tất cả những nghành nghề nói chung, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, VN được tiếp thụ văn hóa Âu Châu từ thế kỷ 19, mà sau hơn một thế kỷ, vẫn chưa đẻ ra được một nhân vật xuất chúng nào. Đó phải chăng là sứ mệnh mà phụ nữ VN phải ý thức để thực hiện. Hy vọng rằng trong vài ba chục năm nữa, trong số các vị hôm nay, sẽ có những người hãnh diện được làm ba, làm mẹ, làm vợ, làm chị một người được giải thưởng Nobel.
Trong sự phát triển cá nhân, chúng ta vừa xem qua hai khía cạnh học lực và nghề nghiệp của phụ nữ. Còn một yếu tố nữa rất quan trọng mà chúng ta không thể bỏ qua. Đó là là yếu tố tiền bạc. Người phụ nữ VN theo truyền thống trai hùng gái đảm, với đức công được xếp trên dung ngôn hạnh, thường đóng vai trò của chồng công vợ. ''Của chồng công vợ'' thực tế có nghĩa là phụ nữ không được coi là chủ của tiền bạc. Dẫu rằng công họ đóng góp vào rất nhiều. Đôi khi của cải tiền bạc của gia đình là do duy hai bàn tay họ tạo ra. Nhưng chủ của cải, theo truyền thống, vẫn là của chồng.
Trong xã hội Pháp, họ là những người tạo ra tiền bạc. Một sự thực hơi phũ phàng, nhung vẫn là sự thực : lương bổng phụ nữ ở bất cứ cấp bậc nào, trung bình vẫn ít hơn nam giới. Nhưng vì được tự do hành nghề theo khả năng và sở thích (1966), được quyền tự do gia nhập nghiệp đoàn (1920), và được quyền bình đẳng trước pháp luật về thâu nhận (1975) và lương bổng (1972) và nhất là quyền tự do xử dụng tiền lương (1907), người phụ nữ VN tại Pháp đã thực sự được luật pháp công nhận là chủ của tài sản họ tạo ra. Và vì làm chủ tài sản, họ có quyền bảo vệ tài sản ấy để riêng ra, nếu họ muốn, khi kết hôn. Và hậu quả tất nhiên nữa là vì tự do được tiền, và quyền tự do giữ tiền, hiện tượng phụ nữ độc thân càng ngày càng rõ rệt : 28,3% phụ nhữ trên 15 tuổi sống độc thân, 14% góa, 5,4% ở ly dị.
Để kết luận, tôi xin mạn phép chia sẻ ý tưởng mà tôi vẫn lập đi lập lại trong các lớp mà tôi giảng dạy từ 35 năm nay, mỗi khi đề cập đến vấn đề nam nữ : Nam giới thường chỉ có việc quan trọng là đi làm. Nữ giới có ba công việc chính yếu : đi làm như nam giới càng ngày càng đông, gia chánh sau giờ đi làm, đôi khi được chia sẻ bởi nam giới, và truyền sinh là công việc độc quyền mà chỉ có nữ giới mới có thể làm. Quan niệm này của tôi bị nhiều đồng nghiệp nam giới nghi kỵ là nịnh đầm. Thực họ chỉ thấy tôi là một người nam, mà không nhìn ra tôi là người VN. Người VN chúng tôi không có vấn đề tranh chấp nam nữ. Người phụ nữ VN vẫn thích có con trai. Nhưng bất cứ người nào cũng thích khoe với bạn bè về nội tướng của minh. Ở VN chúng tôi nam ngự, nhưng nữ trị. Thực quyền là ở tay người nữ. Nhưng phụ nữ VN khôn khéo ở chỗ không làm cho nam giới có cảm tuởng bị trị. Huyền sử Âu Cơ đã ghi ấn tích sâu đậm nơi người VN. (giaoxuvn.org)
Chủ đề mà tôi xin được trình bày cùng qúi độc giả được viết ở thể khẳng định : ''Vai trò của người phụ nữ Việt Nam hiện nay trong xã hội Pháp''. Có nhiều cách đặt vấn đề cho chủ đề này. Dưới khía cạnh đối tượng của vai trò, ta có thể đặt vấn đề :
- ''Người phụ nữ VN tại Pháp hiện nay đã đóng vai trò nào, góp phần vào tổ chức và xây dựng xã hội Pháp ?'', hoặc
- ''Người phụ nữ VN đã đóng góp vai trò nào, góp phần vào tổ chức và xây dựng cộng đoàn VN tại Pháp ?'', hoặc
- ''Người phụ nữ VN tại Pháp hiện nay đã đóng vai trò nào, góp phần vào tổ chưc và xây dựng xã hội '', hoặc
- ''Người phụ nữ VN tại Pháp hiện nay đang đóng góp những vai trò nào để hội nhập vào xã hội Pháp, hầu thăng tiến bản thân, làm vững gia đình và xây dựng cộng đoàn ?
Tôi xin được giới hạn gợi ý của tôi vào vấn đề cuối cùng và xin được sắp xếp các gợi ý qua hai phần. Phần thứ nhất xin phân tích một số từ ngữ : vai trò, phụ nữ, phụ nữ VN, xã hội, xã hội Pháp. Phần thứ hai xin trình bày một số vai trò quan trọng mà phụ nữ VN đang đóng hiện nay trong xã hội Pháp.
I. PHÂN TÍCH MỘT SỐ TỪ NGỮ.
11. Hằng ngày, ta vẫn thường nghe người ta nói đến hai chữ vai trò : vai trò linh mục, vai trò giáo dân, vai trò phụ huynh v.v. Vai trò gồm chức phận, các công tác, các việc làm, các cách làm và các kết quả việc làm... của một nhân vật.
Vai trò phụ nữ, bởi vậy, là các chức phận làm con, làm chị, làm vợ, làm mẹ, làm bà ở trong gia đình; làm quản lý, làm thư ký, làm hội viên, làm thành viên hội Đồng Mục Vụ... ở trong cộng đoàn; làm học sinh; làm sinh viên, làm cô thợ, làm bà chủ tiệm, làm bà bác sỹ, bà giáo sư... trong xã hội.
Vai trò phụ nữ có thể là độc quyền, như các vai trò mẹ vợ, chị, bà. Nam giới không thể tranh dành được. Hay dự phần như quản lý, hội viên, học sinh, thợ, chủ... Vì nhũng vai trò này có thể do nam giới đóng. Phụ nữ có những vai trò tiên khởi, như nuôi con, dạy con... bắt buộc ngưòi phụ nữ phải làm trước nhất, dẫu sau đó nam giới có thể kế tiếp. Có những vai trò người phụ nữ đóng trực tiềp như sinh con đẻ cái, dạy dỗ con cái, làm hội viên hội Các Bà Mẹ Công giáo, xướng hát kinh kệ ở nhà thờ... hoặc đóng một cách gián tiếp, như các bà cụ dạy con cháu, các bà nội trợ, quản lý tài sản gia đình để gây lời hoặc thâu chi có đúng mức.
Thế thì có những vai trò nào là chính yếu cho phụ nữ Xin thưa là có, và nhiều lắm. Chính yếu vì thường xuyên là phụ nữ đảm nhiệm. Ai là người chính yếu theo dõi sức khỏe, ăn uống may mặc, học hành của con cái ? Ai là người chính yếu lo lắng cho gia phong, cho lễ lạy ? Ai là người chính yếu tổ chức các bữa cơm, tiệc tùng của giáo xứ ? Ai là người chính yếu đóng góp tiền bạc, công của vào các sinh hoạt cộng cộng đoàn ?
Và vai trò quan trọng, nghĩa là nếu phụ nữ không làm, thì chẳng nên công quả gì. Ai dám phủ nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc trẻ em nói tiếng Việt tại Pháp ? Ai dám phủ nhận vai trò phụ nữ trong sự hạnh phúc và đầm ấm gia đình ? Ai dám phủ nhận vai trò của phụ nữ trong vệc nâng đỡ và phát triển ơn thiên triệu ?
12. Phụ nữ mà chúng ta đang nói đến ở đây bao gồm tất cả những người nữ thành niên, từ 16 tuổi trở lên, bất cứ họ ở qui chế gia đình nào : đi tu, lập gia đình, ở độc thân, góa bụa; bất kể trình độ học vấn nào : ít học, học nghề, tú tài, hay đại học; bất kể ở nghề nghiệp nào : hành chánh, thương mại, kỹ nghệ, canh nông; bất kể họ theo tín ngưỡng nào : vô thần, Phật giáo, Tin Lành, Công Giáo, Hòa Hảo, Cao Đài...
Nhưng người phụ nữ mà ta đang nói đến ở đây hạn hẹp vào chữ phụ nữ Việt Nam. Họ có thể thuần túy VN, cả về thể lý lẫn văn hóa; hoặc thể lý lai, văn hóa Việt, hoặc thể lý Việt, văn hóa lai...; và tất cả các phụ nữ này đều đang sống tại xã hội Pháp nói riêng và ở Âu Mỹ nói chung.
''Người phụ nữ VN trong xã hội Pháp'' có nghĩa là chính bản thân người phụ nữ là một yếu tố của xã hội và được xã hội công nhận, qua các ngành nghề họ hành xử. Nhưng đơn vị can bản của xã hội là gia đình. Bởi vậy, nói đến vai trò phụ nữ trong xã hội, không thể bỏ qua vai trò phụ nữ trong gia đình. Và cao rộng hơn gia đình là cộng đoàn. Cộng đoàn bao gồm nhiều cá nhân, nhiều gia đình, nhiều đoàn thể. Đề cập đến vai trò phụ nữ mà bỏ qua vai trò họ trong cộng đoàn, nhất là cộng đoàn VN, là một thiếu xót lớn.
13. Xã hội Pháp hiện nay, và rộng hơn là xã hội Âu Mỹ được xây dựng trên ba cột văn hóa. Văn hóa Hy Lạp là khởi thủy của khoa học và kỹ thuật hiện đại. Văn hóa La Mã sáng tạo ra tổ chức luật pháp và dân chủ. Văn hóa Do Thái Kitô giáo ''phát minh'' ra Thượng Đế lập nên khái niệm công bằng, và bác ái, nền tảng của đạo lý Âu châu.
Những nét đặc thù của xã hội Pháp hiện nay là :
- Một xã hội dân chủ tổng thể, thúc đẩy việc tranh đua quyền hành và chức vị. Các phong trào nữ giới tranh quyền với nam giới ở chính trường và thương trường đều bắt nguồn từ khái niệm dân chủ, binh đẳng mà ra. Khốn thay, trên thực tế, phụ nữ vẫn chưa bình đẳng cùng nam giới qua các tiêu chuẩn quyền hành và tiền bạc.
- Một xã hội chuộng tự do, sáng kiến và tôn trọng cá nhân. Các vụ ly thân, ly dị càng ngày càng nhiều đều khởi nguồn từ sự chuộng tự do và trọng cá nhân.
- Một xã hội mà đa số các tập tục, lễ lạy, tổ chức... đều bắt nguồn từ luân lý công giáo. Ở đây, dẫu dân Pháp chỉ có 10% dân chúng hành đạo, nhưng vai trò phụ nữ vẫn là chính yếu và quan trọng trong các đơn vị cộng đoàn của Giáo Hội, với các nữ tu, các giáo lý viên...
- Một xã hội cần cù, ưa nghệ thuật và chuộng khoa học kỹ thuật. Trong thế kỷ 20, nhiều khuôn mặt nữ giới ló lên trong các ngành nghề cao cấp. Trình độ học vấn ngày càng cao, đi làm càng ngày càng đông và ở nhiều chức vụ trách nhiệm... đều bắt nguồn từ bản chất cần cù, sở thích nghệ thuật và tinh thần yêu chuộng khoa học kỹ thuật mà ra.
II. PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG XÃ HỘI PHÁP.
Qua một số khái niệm vừa được trình bày một cách sơ lược, ta thấy đề tài ''ngưòi phụ nữ VN hiện nay trong xã hội Pháp'' rất quan trọng và phức tạp. Tôi xin cố gắng trình bày một cách đơn giản và tóm tắt.
Sau đây là những vai trò nổi bật mà phụ nữ VN đang đóng tại Pháp : tự do kết hôn, làm chủ sinh đẻ, bảo vệ truyền thống, đồng trách nhiệm với nam giới trong việc quản trị gia đình. Những vai trò này rất nặng tính chất xã hội, nhưng đa số được đóng khung trong gia đình.Tôi tạm xếp chúng vào những vai trò phụ nữ VN tại Pháp hiện nay trong gia đình.
Ngoài ra còn có một số vai trò khác mà tầm quan trọng không kém những vai trò trên, đó là đi học, đi làm, làm tiền. Những vai trò này hoàn toàn có tính cách xã hội và được đóng khung với tính cách cá nhân. Tôi tạm xếp chúng vào những vai trò của phụ nữ VN hiện nay trong xã hội Pháp.
21. Vai trò Phụ nữ VN tại Pháp hiện nay trong gia đình.
Trong một bữa cơm thân mật mà tôi được dự mới đây tại một gia đình bạn, có 5 chị em đang đóng vai trò quan trọng trong xã hội Pháp. Cả 5 chị em đều còn trẻ, trong cỡ tuổi 30-40, nghĩa là đến Pháp vào lứa tuổi học trò. Cả 5 chị em đều hoàn toàn tự do kết hôn, và hoàn toàn tự do chọn bạn đời. Tôi đã được tận mắt thấy mối tình họ từ thuở manh nha. Một chị là giáo sư Anh văn, tại một trường trung học cấp hai. Một chị là giám đốc nhân viên trong một xí nghiệp. Một chị là dược sỹ chủ dược phòng. Một chị làm nhân viên của điện ngầm và một chị làm thư ký cho một hội xã hội. Tôi có đặt một câu hỏi về cái nhìn của các chị về vai trò phụ nữ trong gia đình VN tại Pháp hôm nay. Tôi đợi chờ một câu trả lời đặt nặng vai trò nghề nghiệp cá nhân trong xã hội, và đánh nhẹ vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Tôi đã lầm. Cả 5 chị em đếu khẳng định với tôi là vai trò số một, vai trò quan trọng nhất của phụ nữ là gia đình. Theo các chị thì nghề nghiệp là quan trọng để tranh lấy một chỗ đứng trong xã hội, để được lương bổng hầu tạo tài sản, mà sống cho xứng đáng và thoải mái. Nhung đời sống sẽ vô nghĩa, nếu không vì gia đình, nói trắng ra là vì chồng con. Nói chuyện thêm ra, tôi hiểu rằng, theo các chị, gia đình không phải là vai trò độc nhất mà các chị đóng, như các phụ nữ VN trong xã hội cổ truyền. Vì ngoài gia đình còn cộng đoàn, còn xã hội. Nhưng gia đình vẫn là nơi mà người phụ nữ phải đóng vai trò quan trọng.
Nhưng, cách sống và cái nhìn về gia đình của các chị rõ rệt chịu ảnh hưởng của xã hội Pháp, đặc biệt là về con cái. Chị giáo sư có hai con. Chị giám đốc nhân viên có 4 con. Chị chủ dược phòng chỉ có 1 con. Chị nhân viên xe điện có 2 con, và chị thơ ký có 3 con. So với số con cái trong gia đình VN mà tôi thấy qua chuyến thăm quê hương vào những năm 1995, 1998, 2001 vừa qua, trung bình mỗi gia đình từ 5 đến 10 con, rõ rệt VN tại Pháp muốn có ít con hơn, trung bình là 2, 3.
Tôi tò mò muốn biết làm sao làm chủ được số con muốn sinh. Cả 5 chị vâng (trong đó, 4 chị không công giáo, 1 chị công giáo gốc, nhưng lấy chồng không công giáo, thành ra từ lâu không còn đi lễ đi nhà thờ, coi như thực tế không còn theo đạo). Cả 5 chị đã tự nhiên trả lời rằng đã dùng các phương tiện ngừa thai hiện đại.
Nói về các công tác gia đình và sự phân công, chị giám đốc nhân viên hớn hở trả lời ngay : ''Ông xã tôi lo hết việc chợ búa. Tôi lo bếp và giặt ủi. Mấy đứa nhỏ quét dọn nhà cửa. Nhưng đưa các cháu đi học khi còn nhỏ và coi bài vở của chúng, ông xã tôi lười quá, tôi phải lo cả đấy.'' Chị giáo sư Anh văn điềm tĩnh phân tích : Anh coi, ông xã tôi công việc bề bộn, đi làm bữa nào cũng sớm, về nhà bữa nào cũng trễ, thành thử các việc lặt vặt trong nhà đều tôi lo cả. Từ may mặc, ăn uống, cho đến việc học hành của hai cháu. Được cái sửa nhà sửa cửa, trồng tỉa vườn tược, sắm sửa đồ đạc, ông ấy đều lo cả. Nhưng anh biết không, ông ấy giữ tiền đấy ! Keo thấy mồ ! May mà tôi cũng đi làm. Không thì tiền chợ, hỏi ông ấy, kẹo kéo, kéo không ra''. Chị dược sỹ hơi e thẹn : ''Tôi thi được chồng cưng lắm : từ chợ búa, cơm nước, con cái... đều ảnh lo cả. Có điều anh không có ''gout''; thành may mặc sắm sửa, đều tôi phải lo cả. Nhưng mua sắm gì cũng phải có ý ảnh, không thì khốn''. Chị thơ ký thì hãnh diện : ''Moa'' thì ''moa'' lo hết. Ổng đi làm về ổng ra vườn hay vào phòng ôm cái máy điện toán, hoặc vắt đốc ngồi lông uống rượu, hoặc đi chơi tennis với mấy ông bạn. Cái số của moa là số con rệp. Thế mà có khách đến nhà, thì ổng lại làm hết : đi chợ, làm đồ ăn, dọn dẹp. "Moa" mời tụi ''toa'' hoài là thế đó !" Chị nhân viên xe điện thì nhí nhảnh : "Moa" cũng giống "toa" vậy đó thành (thơ ký). "Moa" làm hết.Nhưng ổng được cái là lo hết việc học hành, bài vở của hai thằng nhỏ. Nhưng tính nóng như lửa, chưa dạy con đã bẳn rồi.Nhiều lúc, làm bếp mà "moa" vẫn phải coi chừng, bằng không, ổng bạt tai mấy đứa nhỏ, thì lại bị hàng xóm, thầy cô nhòm ngó."
Tóm lại, các chị không còn là nội tướng theo nghĩa cổ truyền VN nữa. Vì đã có những "papa poule" và các việc gia đình đã được các "đấng ông chồng" chia sẻ rất nhiều. Các chị cũng không là người quản lý tài sản, nhưng tất cả đều là những người sản xuất ra tài sản gia đình.
Tôi hỏi tiếp : "Vậy, vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình là tại chỗ nào ?" Đa số các chị đều được các ảnh chia phần công việc. Tôi không hỏi rằng gia đình là quan trọng cho các chị. Nhưng tôi hỏi rằng tại sao các chị quan trọng cho gia đình đấy nhá !" - "Vì đàn bà chúng tôi là phần tử bất khả khuyết cho gia đình". Chị giáo sư Anh văn trả lời : "Xin hỏi anh, không có đàn bà chúng tôi, thì các anh làm gì có vợ. Làm gì có gia đình ! Không có đàn bà chúng tôi, thì làm gì các anh sinh được con !" Chị dược sỹ thêm vào : " Chúng tôi là cộng tác viên, nếu không phải là "giám đốc" của các anh. Việc nhà cửa, con cái, bạn bè, không có chúng tôi nhúng tay vào thì ôi chao nó tẻ nhạt, nó cứng nhắc, nó rỗng rỗng làm sao ! Anh không thấy điều ấy à ?" Và chị nhân viên xe điện ngầm : "Ngay cả việc dạy con, dẫu ông nhà tôi lo, nhưng hỏi gì mấy đứa nhỏ lại hỏi tôi chứ đâu có hỏi ổng. Thằng nhỏ lớn nhà tôi mới 15 tuổi đầu, đã có bạn trai, bạn gái đủ cả. Bảo bố nó, nó cũng không dám hó miệng ra với bố nó. Ấy thế mà nó lại tuôn hết ra với tôi ! Không có tôi bày vẽ, chỉ dạy, thì một là nó hớ với bạn, hai là bị bố nó la. Chị giám đốc nhân viên kết luận : " Đấy nhá, đàn bà chúng tôi quan trọng cho gia đình, vì chúng tôi sinh con, tạo ra gia đình. Vì chúng tôi lo lắng dạy dỗ con cái. Ấy là chưa kể việc chúng tôi cố vấn, bày mưu cho các anh rất nhiều trong chính công việc sở của các anh nữa."
Bị đặt trước những sự thật nhãn tiền, bởi những sự kiện thực tiễn và những lý luận đanh thép, tôi đổi đề tài : "Xin hỏi các chị về cái sự kiện ly thân, ly dị do phụ nữ VN tại Âu Mỹ đòi". Cả 5 chị đều không ai chối cãi sự kiện này. Nhưng chị thơ ký phân tích rằng : Phụ nữ VN ngày xưa và hiện nay ở quê nhà bị ràng buộc bởi tục lệ, bởi làng xóm, bởi tiếng đồn, nhiều người sống một cuộc sống khuôn sáo, ước lệ". Ngày nay ở thành thị VN và ở Âu Châu, luật pháp cho phép, tục lệ lỏng lẻo, làng xóm không còn, tiếng đồn coi nhẹ, nhiều người đòi ly thân và ly dị. Theo tôi cũng là thường tình. Những sư kiện đó có nhiều yếu tố nguyên nhân lắm. Ly dị và ly thân cũng có 5, 7 đường. Có ly dị thật, có ly dị giấy (để hưởng trợ cấp). Có ly dị do đàn bà đòi. Có ly dị do đàn ông đòi. Có ly dị vì không hợp với nhau. Có ly dị vì đồng tình. Có ly dị vì ham tình mới, tiền mới, hoàn cảnh mới. Có ly dị vì thiếu hiểu biết, thiếu tự chủ, nhưng cũng có ly dị vì ý thức. Nói làm sao cho hết. Tóm lại ly dị hay không cũng tại mình cả, tại giáo dục mình đã nhận, tại hoàn cảnh mình đang sống, tại viễn tượng mình muốn đạt, tại gia đình mình muốn dựng, tại tương lai mình muốn tạo.
22. Vai trò cá nhân của phụ nữ hiện nay trong xã hội Pháp.
Trong xã hội cổ truyền VN, phụ nữ ít được đi học, đa số giúp chồng làm nghề nông hoặc tiểu công thương. Vượt trổi ra vòng đa số ấy, một số nhân vật phụ nữ lừng danh không biết tên tuổi. Ở lãnh vực chính trị, quân sự, quốc gia, có bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Ẩu, Bùi Thị Xuân... Sang lãnh vực văn học có Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương. Và trong giới công giáo có bà Thánh Anê Lê Thị Thành.
Ngày nay ở VN và nhất là ở Âu Mỹ, phụ nữ VN có lực học không thua gì nam giới. Năm 1967, năm đầu tiên tôi đi dạy học ở Hàm Tân, Bình Tuy, trong lớp đệ nhất mà tôi dạy triết cho cả ba ban ABC, có 40 học sinh, trong đó chỉ có 3 nữ sinh. Năm cuối cùng tôi dạy học ở Đà lạt, năm 1973 : vào năm thứ nhất đại học sư phạm có khoảng 230 sinh viên cho cả bảy ban : Văn, Triết, Sử, Pháp, Anh, Toán và Lý Hóa. Trên một nửa là nữ sinh. Đặc biệt, 4 ban Văn, Sử, Pháp, Anh. Từ 1967 đến 1973, số nữ sinh học ở bậc tú tài và đại học đã rõ rệt tăng hẳn lên.
Trong ca đoàn Lê Bảo Tịnh hát lễ 10 giờ tại Giáo Xứ VN Paris, chúng tôi có một ông có giọng hát rất tốt. Bà ấy có giọng hát cũng đẹp mà không chịu vào ca đoàn. Sau lễ, chúng tôi thường tập hát với nhau khoảng nửa giờ để chuẩn bị cho lễ chủ nhật sau và nói chuyện gẫu. Bà có giọng hát đẹp mà không chịu vào ca đoàn đang đi làm ''caissière'' trong một siêu thị, có 3 con : một gái học DECF đã xong, và hai trai đang học ENSI tại Grenoble. Một hôm tôi hỏi tại sao cho cháu gái học cao như vậy. Bà ấy đơn sơ trả lời : ''Bây giờ chúng nó cả vậy ạ. Con gái chúng nó cũng học cao lắm. Chả bì với chúng tôi ngày xưa chả được bố mẹ cho học''. Câu trả lời của bà gói ghém hết cái khía cạnh học hành của phụ nữ VN tại Pháp hiện nay. Các gia đình mà tôi quen biết, kể cả những gia đình thợ, hầu hết con cái có lực học đại học và chuyên nghiệp, bất kể chúng là trai hay gái.
Thực ra, quyền được giáo dục học vấn của phụ nữ tại Pháp cũng là một thực tại tương đối mới mẻ : Năm 1838, mở trường sư phạm cho nữ giáo viên. Năm 1880, mở cấp trung học nữ giới. Năm1900, nữ giới mới chính thức được tuyển nhận và đại học với 624 người trên toàn quốc. Năm 1919, chính thức thiết lập cấp tú tài cho nữ giới.
Ngày nay, học lực của nữ giới không thua gì nam giới. Dẫu sao đối với phụ nữ Pháp hiện nay, nếu lấy tiêu chuẩn học lực làm mẫu, thì chúng ta có vô vàn Đoàn Thị Điểm, đếm làm sao hết được. Trong một cuộc gặp gỡ khác tại nhà một người bạn ở ngoại ô Paris, tôi được hân hạnh gặp ba bà VN đã lớn tuổi, nhỏ nhất là 54 tuổi và lớn nhất là 68. Được hỏi về chuyện học hành, làm ăn của con cái, đặc biệt của con gái. Bà 54 tuổi kể : cháu lớn nhất của tôi năm nay đang học năm thứ 6 y khoa. Cháu gái nhỏ năm nay thi Bac. Bà 60 tuổi trả lời ba cháu gái nhà tôi đều lớn cả rồi, các cháu đều lấy chồng và đang ở Mỹ cả : ở Californie. Cháu lớn nhất năm nay 36 tuổi đang đi dạy học. Cháu thứ hai 33 tuổi có cửa tiệm. Cháu thứ ba 30 tuổi làm về Tin học trong một xí nghiêp Mỹ. Bà 68 tuổi thì nói : Các anh các chị nhà tôi tất cả có 5. Cô gái lớn nhất làm công chức, cô gái út làm dược.
Thực ra hiện tượng phụ nữ VN tại Pháp đi làm cũng là một thực tại hiện nay tại Pháp. Năm 60 : có 37,2%. Năm 70 : 39,2%. Năm 80 : 42,3%. Năm 90 : 44,5%.
Và cũng như các phụ nữ Pháp, đa số phụ nữ VN ưa đi làm công tư chức, thích nghề hành chánh thư ký, chuộng nghề giáo dục, y khoa, và xã hội. Thống kê cho biết : Làm công : 4.500.000. Làm công chức : 1. 400.000. Làm hành chánh : 1.500.000. Làm giáo viên : 510.000. Làm y khoa và xã hội : 75%. Làm cán bộ cao cấp : 48,6%.
Có một số nhỏ làm chủ. Nhưng đại đa số là chủ nhỏ. Tiếc thay VN, cả nam lẫn nữ, chưa có những khuôn mặt kinh doanh nổi. ''Thanh Bình'' được thiết lập những năm 60 mà không phát triển được như ''Tang Frères'' lập sau 75. Và trong tất cả những nghành nghề nói chung, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, VN được tiếp thụ văn hóa Âu Châu từ thế kỷ 19, mà sau hơn một thế kỷ, vẫn chưa đẻ ra được một nhân vật xuất chúng nào. Đó phải chăng là sứ mệnh mà phụ nữ VN phải ý thức để thực hiện. Hy vọng rằng trong vài ba chục năm nữa, trong số các vị hôm nay, sẽ có những người hãnh diện được làm ba, làm mẹ, làm vợ, làm chị một người được giải thưởng Nobel.
Trong sự phát triển cá nhân, chúng ta vừa xem qua hai khía cạnh học lực và nghề nghiệp của phụ nữ. Còn một yếu tố nữa rất quan trọng mà chúng ta không thể bỏ qua. Đó là là yếu tố tiền bạc. Người phụ nữ VN theo truyền thống trai hùng gái đảm, với đức công được xếp trên dung ngôn hạnh, thường đóng vai trò của chồng công vợ. ''Của chồng công vợ'' thực tế có nghĩa là phụ nữ không được coi là chủ của tiền bạc. Dẫu rằng công họ đóng góp vào rất nhiều. Đôi khi của cải tiền bạc của gia đình là do duy hai bàn tay họ tạo ra. Nhưng chủ của cải, theo truyền thống, vẫn là của chồng.
Trong xã hội Pháp, họ là những người tạo ra tiền bạc. Một sự thực hơi phũ phàng, nhung vẫn là sự thực : lương bổng phụ nữ ở bất cứ cấp bậc nào, trung bình vẫn ít hơn nam giới. Nhưng vì được tự do hành nghề theo khả năng và sở thích (1966), được quyền tự do gia nhập nghiệp đoàn (1920), và được quyền bình đẳng trước pháp luật về thâu nhận (1975) và lương bổng (1972) và nhất là quyền tự do xử dụng tiền lương (1907), người phụ nữ VN tại Pháp đã thực sự được luật pháp công nhận là chủ của tài sản họ tạo ra. Và vì làm chủ tài sản, họ có quyền bảo vệ tài sản ấy để riêng ra, nếu họ muốn, khi kết hôn. Và hậu quả tất nhiên nữa là vì tự do được tiền, và quyền tự do giữ tiền, hiện tượng phụ nữ độc thân càng ngày càng rõ rệt : 28,3% phụ nhữ trên 15 tuổi sống độc thân, 14% góa, 5,4% ở ly dị.
Để kết luận, tôi xin mạn phép chia sẻ ý tưởng mà tôi vẫn lập đi lập lại trong các lớp mà tôi giảng dạy từ 35 năm nay, mỗi khi đề cập đến vấn đề nam nữ : Nam giới thường chỉ có việc quan trọng là đi làm. Nữ giới có ba công việc chính yếu : đi làm như nam giới càng ngày càng đông, gia chánh sau giờ đi làm, đôi khi được chia sẻ bởi nam giới, và truyền sinh là công việc độc quyền mà chỉ có nữ giới mới có thể làm. Quan niệm này của tôi bị nhiều đồng nghiệp nam giới nghi kỵ là nịnh đầm. Thực họ chỉ thấy tôi là một người nam, mà không nhìn ra tôi là người VN. Người VN chúng tôi không có vấn đề tranh chấp nam nữ. Người phụ nữ VN vẫn thích có con trai. Nhưng bất cứ người nào cũng thích khoe với bạn bè về nội tướng của minh. Ở VN chúng tôi nam ngự, nhưng nữ trị. Thực quyền là ở tay người nữ. Nhưng phụ nữ VN khôn khéo ở chỗ không làm cho nam giới có cảm tuởng bị trị. Huyền sử Âu Cơ đã ghi ấn tích sâu đậm nơi người VN. (giaoxuvn.org)