Chiếc Xương Sườn Không Bị Bỏ Rơi: Cảm Nhận Và Suy Tư Về Ơn Gọi Và Vai Trò Của Người Phụ Nữ

Con người được tạo dựng bởi tình yêu và trong tình yêu của Thiên Chúa, nên con người cũng được Thiên Chúa ban tặng trái tim biết yêu thương. Tình yêu: một “nhiệm mầu” mà ngôn ngữ loài người khó có thể cắt nghĩa tường tận (Xuân Diệu: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”), nhưng điểm đến của tình yêu đích thực mãi mãi sẽ là hạnh phúc và bình an.

Trong lịch sử cứu độ, Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn và cao cả nhất qua huyền nhiệm Nhập Thể và Cứu chuộc của Ngôi Hai Thiên Chúa; và đồng thời, cũng được biểu lộ nơi những con người sống đáp trả lời gọi mời yêu thương của Thiên Chúa và cọng tác với Ngài trong kế hoạch thực hiện tình thương cứu độ.

Vào thời Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, các sách Phúc Âm đã cho chúng ta thấy rằng: bên cạnh sự mạnh mẽ, dứt khoát bước theo Thầy Giêsu của những người đàn ông, còn có những người phụ nữ “tay yếu chân mềm” cũng lên đường dấn thân phục vụ Chúa:

“Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.” (Lc 8,1-3)

Đặc biệt, chúng ta không quên vai trò và vị trí cao cả của Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Đấng Cứu Thế, chỗ đứng của bà Isave mẹ của Thánh Gioan Tiền Hô trong “thời khắc quan trọng” của lịch sử cứu độ; chúng ta cũng sẽ không bao giờ quên hình ảnh “người phụ nữ Samari bên bờ giếng Gia-cóp” (Ga 4,7-30), hai chị em Macta và Maria trong “câu chuyện phen bì” (Lc 10,38-42) và biến cố “phục sinh người em trai Lazarô” (Ga 11,1-44) hay “xức dầu ở Bêtania” (Ga 12,1-8), người thiếu phụ vô danh bệnh hoạn tin tưởng sờ vào gấu áo Chúa (Lc 8,43-48)…. và còn nhiều người phụ nữ khác nữa.

Là “chiếc xương sườn của người đàn ông”, vai trò của phụ nữ có thể nói được, đó là làm tròn trách nhiệm chăm sóc, đồng hành với người mình yêu trên muôn dặm nẻo đường đời; và ho đã chu toàn sứ mệnh thiêng liêng đó nhờ tình yêu và sự hy sinh tuyệt vời mà không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra.

Để nói lên “vai trò và phẫm giá đặc biệt” của người phụ nữ, sách khôn ngoan cổ Do Thái đã nói: “Thiên Chúa đã không tạo dựng người đàn bà từ khúc xương đầu của của người đàn ông, bởi vì như thế bà ta sẽ cai trị chồng; Thiên Chúa cũng không tạo dựng người đàn bà bởi khúc xương ngón chân của người đàn ông, vì như thế bà sẽ trở nên nô lệ của chồng; nhưng Thiên Chúa đã tạo dựng nên bà từ khúc xương sườn, điều đó có nghĩa là hai người cùng có một phẩm giá ngang nhau.” ([1])

Tuy nhiên, có một điều chúng ta không thể phủ nhận: đã có một thời, cả ngoài xã hội dân sự cũng như trong môi trường Hội Thánh, thân phận người phụ nữ đã không được trân trọng đủ, như những thú nhận sau:

“Sự bình đẳng nam nữ chỉ còn giới hạn về khía cạnh thiêng liêng; còn trong đời sống Giáo hội, các bà hoàn toàn bị lép vế.

- Về ngôn ngữ, người ta cho các bà ra rìa: các lời khuyên của thánh tông đồ được gửi tới "anh em" thay vì "anh chị em"; các bà chỉ xuất hiện như là người giúp việc cho các thánh tông đồ, thí dụ như bà Phebe (Rm 16,2-3).

- Về sự lựa chọn các đoạn văn tường thuật cũng vậy. Lúc đầu các bà (thí dụ Maria Mađalêna) cũng như các ông (các tông đồ) đều mang trọng trách như nhau vì được Chúa Phục sinh hiện ra và sai đi loan Tin mừng. Nhưng dần dần, các bà bị gạt ra rìa; Phêrô và các tông đồ dành độc quyền vai trò làm chứng nhân.

- Sau cùng, phe trọng nam đã biện minh thái độ khinh nữ bằng cách bôi nhọ là các bà "lạc đạo", với trường hợp điển hình là bà ngôn sứ Giezabel trong sách Khải huyền 2,20. Vì thấy có một bà lạc đạo cho nên hết các bà bị nghi ngờ và gạt ra khỏi các cơ cấu quản trị của Hội thánh.

Thêm vào đó, khung cảnh xã hội của Hy lạp, Rôma muốn giữ các bà ở trong bếp; còn chuyện làng nước thì dành cho đàn ông. Vì thế không lạ gì, các bà không tham dự vào công việc của cộng đoàn Giáo hội, nhưng họ được khuyên hãy lo lắng chuyện gia đình là đủ.” ([2])

Chính Đức Thánh Giáo Hoàng G.P. II đã tóm tắt cái “mảng tối” của người nữ trải qua suốt chiều dài lịch sử bằng những lời nhận xét sau:

“Vô phúc thay chúng ta đã thừa hưởng một lịch sử có quá nhiều qui định mà, trong mọi thời gian và không gian, đã gây khó khăn cho đường đi của người nữ, phủ nhận phẩm giá người nữ, biến chất những đặc quyền người nữ, thường loại người nữ ra bên lề và còn bắt người nữ sống cảnh nô lệ.” ([3])

Trong khi đó, lịch sử thế giới đã chứng minh rằng: cho dù không phải là thường xuyên, nhưng cũng đã có nhiều nơi, nhiều lúc, chính những người phụ nữ cũng phải lao ra chiến trường, đối diện với những cuộc chiến đầy thương đau chết chóc; trong khi đó, những người phụ nữ ở hậu phương, rất nhiều người trong số họ đã anh dũng và can đảm chấp nhận nỗi thương đau to lớn khi mất chồng, mất con...

Nhưng dù sao, khi nhắc đến phụ nữ, người ta thường chú trọng đến vai trò đặc biệt gắn liền với ơn gọi đặc thù của họ đó chính là trách nhiệm vun vén, đắp xây và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Hình ảnh người vợ làm cây nến xanh trong bài hát “Ba ngọn nến” của nhạc sĩ Ngọc Lễ giữ vai trò hết sức quan trọng. Bởi họ luôn luôn ý thức về trách nhiệm của mình đối với gia đình, như ông bà ta ngày xưa vẫn thường hay nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Có thể nói con người là hoa của đất, còn người phụ nữ là hương hoa của cuộc đời. Xưa kia khi tạo dựng nên con người, Đấng Tạo Hóa đã rút một chiếc xương sườn của người nam để tạo nên người nữ, cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ gắn bó với nhau cả đời, hỗ trợ nhau trong việc sinh sản và giáo dục con cái mà Đấng Tạo Hóa ban cho, đồng thời cùng nhau xây dựng cho mái ấm của mình được hạnh phúc, vì “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” (Mt 19, 6b).

Nói đến trách nhiệm của người vợ, ngoài vai trò làm vợ và làm mẹ trong gia đình, người vợ còn có những vai trò khác như: sắp xếp tổ chức cuộc sống gia đình, chăm lo đời sống tinh thần của gia đình, gìn giữ, tái tạo và sáng tạo các giá trị văn hóa của gia đình. Không phải nói như vậy để rồi tôn vinh người phụ nữ, hạ giá đàn ông, nhưng để nói lên rằng phía sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ, họ có đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp của chồng. Như vậy, trách nhiệm của người vợ trong gia đình cũng thật cao cả, họ phải lo cho chồng con từng miếng ăn, giấc ngủ, sự thoải mái khi về với mái ấm của mình. Bên cạnh đó người vợ cũng phải ra ngoài làm mướn kiếm tiền, về nhà thì lo công việc nhà. Người phụ nữ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Một gia đình hạnh phúc, luôn tràn đầy sự ấm áp, yêu thương là gia đình trong đó có người vợ luôn hiểu rõ chồng mình, đồng cảm với chồng trong tư tưởng và trong cuộc sống, sẵn sàng chia sẻ với chồng trong mọi công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày, luôn luôn tin tưởng ở chồng và tin vào bản thân.

Cách riêng đối với giáo huấn của Hội Thánh, kể từ Công Đồng Vatican II, vai trò và sự đóng góp của phụ nữ chẳng những được Giáo Hội trân trọng đề cao cách minh nhiên qua các văn kiện Huấn Quyền mà còn được triển khai áp dụng đầy tích cực và hiệu quả trong mọi chiều kích mục vụ. Chúng ta có thể tóm lược đôi nét như sau:

“Công đồng cũng quan tâm đến vai trò tích cực của người phụ nữ trong việc dạy dỗ con cái, tuy nhiên “vẫn không được coi thường sự thăng tiến hợp lý của người phụ nữ trên bình diện xã hội” (GS 52). Vì thế, Công đồng khuyến khích người phụ nữ tham gia vào đời sống văn hóa: “bổn phận của tất cả mọi người là thừa nhận và cổ võ sự tham gia đặc biệt và cần thiết của nữ giới trong sinh hoạt văn hóa” (GS 60). Trong phạm vi thuộc về đời sống Giáo hội, Công đồng cũng khuyến khích nên để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào trong những lãnh vực tông đồ của Giáo hội (AA 9). Công đồng cũng chỉ ra rằng, người phụ nữ không chỉ đóng vai trò thiết yếu trong phạm vi gia đình, nhưng trong các hoạt động xã hội họ cũng đóng một vai trò quan trọng, và ủng hộ việc công nhận cũng như hiện thực yêu cầu chính đáng của phụ nữ về quyền thụ hưởng văn hóa (GS 60).

Trong thông điệp gởi cho phụ nữ vào ngày 8.12.1965, các nghị phụ Công đồng đã bày tỏ rõ ràng về chính kiến của mình đối với phụ nữ: “Đã đến giờ, và trong giờ đó, ơn gọi của phụ nữ được thực hiện cách trọn vẹn, giờ mà người phụ nữ tạo được ảnh hưởng, sự phát triển và sức mạnh trong xã hội, điều mà cho đến bây giờ họ chưa có được. Vì thế nhờ bởi tinh thần Phúc âm người phụ nữ có thể cộng tác cộng tác vào nhiều lãnh vực với ý thức về một sự thay đổi sâu rộng, hầu giúp nhân lọai đạt tới cùng đích của mình”.[4]

Quả thật tuyệt vời khi Thiên Chúa ban cho người chồng có một trợ tá tương xứng như vậy. Dù biết là công việc của mình nhiều, nhưng người vợ vẫn lo lắng cẩn thận và chu đáo cho chồng cho con mà quên cả bản thân mình, họ còn chia sẻ trong niềm hạnh phúc rằng: “Mình chịu khổ một chút mà chồng con vui là được rồi”. Ngày nay, ở một số gia đình vẫn còn truyền thống, vợ chờ chồng về ăn cơm khi chồng ra ngoài, hoặc vợ đợi để nghe ý kiến của chồng trước, trong khi một số phụ nữ khác thì đòi hỏi nam nữ bình quyền.

Nếu ngày xưa, trong môi trường văn hoá phong kiến, xã hội thường trọng nam khinh nữ, người phụ nữ, cho dầu không có địa vị trong xã hội, có khi bị đẩy ra ngoài lề…, vậy mà họ vẫn chung thủy, tôn trọng chồng, lo lắng cho gia đình hết mực. Trong khi đó, địa vị người phụ nữ hôm nay trong gia đình cũng như ngoài xã hội đã được thăng tiến, thì việc vun vén hạnh phúc cho mái ấm của mình phải là chuyện dễ dàng và đương nhiên. Không ai có thể thay thế vị trí của người vợ trong gia đình, bởi họ không chỉ là vợ, là mẹ, là bạn mà còn là quản lý cho cả nhà, đặc biệt là hạnh phúc gia đình hoàn toàn nằm trong tay của họ.

Bằng tình yêu và sự nhạy cảm của người phụ nữ, với cách cư xử vừa nhẹ nhàng, mềm mỏng, vừa cương quyết, cứng rắn, nhiều người vợ đã giúp chồng chiến thắng bệnh tật, chiến thắng chính bản thân mình trước những cám dỗ của các tệ nạn xã hội, từ bỏ lối sống phong lưu để an cư, lạc nghiệp và thành đạt trong cuộc sống. Chính sự bao dung, độ lượng và tình yêu chân thành của người vợ đã giúp cho người chồng nhận thức được đâu là điều thực sự quan trọng trong cuộc đời của họ. Có thể nói, người vợ vừa là bạn đồng hành của người chồng trên con đường đời, vừa là hậu phương vững chắc giúp người chồng thành đạt.Thực sự, người vợ có một trách nhiệm rất cao cả đối với tổ ấm của mình, bởi họ phải luôn dung hòa bầu khí gia đình cho dù chính bản thân có gặp khó khăn trong công việc hay sự áp lực riêng thì họ phải cất đi tất cả, để làm chi chồng vui và dỗ dành con biết nghe lời. Với gia đình họ luôn chứng tỏ mình là người hạnh phúc, vì khi chính mình hạnh phúc thì mới đem lại hạnh phúc cho người khác được.

Chúng ta có thể dễ dàng đọc thấy những ý nghĩa phong phú và giá trị độc đáo của người phụ nữ cùng với vai trò “bất khả thay thế” của họ, khi liên tưởng tới hình ảnh của Đức Maria của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông thư “Mulieris Dignitatem” (Phẩm giá phụ nữ, ngày 15/8/1988) ngài gởi cho phụ nữ thế giới:

“Quí bà và chị em đang đứng thẳng dưới chân Thánh Giá như Đức Maria, biết bao lần trong lịch sử, quí bà và chị em đã mang lại cho người đàn ông sức mạnh để chiến đấu tới cùng, đã giúp họ làm chứng nhân ngay cả tử vì đạo. Một lần nữa xin hãy giúp họ can đảm làm những công việc lớn, đồng thời biết kiên nhẫn và biết bắt đầu bằng những công việc nhỏ” ([5])

Chính Vị Thánh Giáo Hoàng nầy, nhân cuộc Đại hội hội phụ nữ tại Bắc Kinh năm 1995, trong dịp cử hành ngày quốc tế phụ nữ, lại viết một bức thư gởi cho Đại hội nầy để đề cao các đóng góp tích cực của phụ nữ đối với xã hội:

“Về vấn đề ấy, tôi muốn tỏ lòng cảm ơn cách riêng đối với những người nữ dấn thân trong các lãnh vực rất khác biệt của việc giáo dục bên ngoài gia đình: vườn trẻ, trường học, đại học, những phục vụ xã hội, những giáo xứ, những hội họp và những phong trào. Bất cứ nơi nào cần có một công trình đào tạo, người ta có thể chứng nhận sự sẵn sàng vô tận của những người nữ nỗ lực trong những quan hệ nhân bản, cách riêng vì những kẻ yếu kém nhất và những kẻ không được bảo vệ. Trong hành động này, những người nữ hoàn thành một hình thức mẫu tính yêu đương, văn hoá và thiêng liêng, có một giá trị thật vô giá do những hiệu quả trên sự phát triễn con người và tương lai xã hội. và làm sao không nhắc tới ở đây chứng từ của nhiều người nữ Công Giáo và của nhiều Hội Dòng nữ tu mà, trong nhiều vùng khác biệt, đã lấy việc giáo dục, nhất là giáo dục những thanh niên và thiếu nữ trẻ, làm sinh hoạt chính của mình. ([6])

Như thế đó ! Cho dẫu chỉ là “một chiếc xương sườn”, người vợ, người mẹ, người phụ nữ nói chung…mãi mãi sẽ không bị bỏ rơi !

Cảm tạ Chúa đã dựng nên người phụ nữ để làm cho cuộc sống này thêm phong phú và hài hòa. Phần con, xin vô cùng đội ơn Chúa đã ban cho con có “Mẹ”, để con được yên tâm thực hiện sứ mạng của mình cách bình an và hạnh phúc hơn. Xin Chúa ban ơn giúp con chu toàn vai trò của người con trong tình thảo hiếu để đền đáp cho xứng ơn Chúa và tình mẹ đã dành cho con.

Nữ tu Lucia Hồ Thị Kim Thoa (Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương)

[1] Lm Hà văn Minh (Gp. Phú Cường): VAI TRÒ NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI VÀ GIA ĐÌNH, trang www.ubmvgiadinh.org.

[2] NỮ THẦN HỌC/Feminist Theology (Thời sự Thần học – Số 17 – Tháng 9/1999, tr. 40-49)

[3] THƯ CỦA Đức Thánh Cha GIOAN PHAOLO II GỞI PHỤ NỮ TOÀN THẾ GIỚI Ngày 29/06/1995 nhân dịp Năm Quốc Tế Người Nữ, số 3

[4] Lm. Giuse Trương Đình Hiền, chủ đề Thường huấn linh mục giáo phận Qui Nhơn 2013: HỘI CÁC BÀ MẸ Công Giáo TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ NỮ GIỚI.

[5] ĐGH G.P. II, Tông thư “Mulieris Dgnitatem” số 21

[6] THƯ CỦA Đức Thánh Cha GIOAN PHAOLO II GỞI PHỤ NỮ TOÀN THẾ GIỚI Ngày 29/06/1995 nhân dịp Năm Quốc Tế Người Nữ