SẴN SÀNG ĐI VÀO CHỖ CUỐI CÙNG

Bài chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ Khấn Dòng của các chị Nữ Tỳ Chúa Giêsu tình thương

(21/07/2016)

Giây phút đẹp nhất, đáng ước mơ nhất của người con gái đó chính là phút giây được mặc chiếc váy cưới, chiếc áo cô dâu để bước lên chiếc xe hoa đi về nhà chồng! Không biết điều đó có đúng không, nhưng ít ra tôi đọc được một ý kiến như thế trên trang mạng girly.vn của tác giả Đặng Hoài Lý với một bài đoản văn mang tựa đề : CON GÁI AI CŨNG MONG MỘT LẦN MẶC VÁY CƯỚI.[1]

Nhưng có một điều chắc chắn không ai chối cải được là : trên thế giới nầy, phần đông, nếu không nói là hầu hết mọi người nữ, đều chọn đi con đường đẹp đẽ đó, con đường vinh quang đó.

Thế nhưng, cũng lạ lùng thay, bên cạnh cái số đông những người nữ chọn cái con đường đẹp đẽ, rực rỡ, hào nhoáng đó, và ngoài kia, trên muôn vạn nẻo đường thế giới, đang có biết bao chiếc xe hoa lộng lấy, bao nhiêu đám cưới linh đình…thì hôm nay, nơi đây, trong cái không gian thánh thiện của ngôi nhà nguyện chủng viện yên ắng nầy, lại có 7 cô gái chọn một con đường, một vị trí, mà nói theo ngôn ngữ của Tin Mừng Lc 14,10 (chúng ta vừa nghe công bố), đó là chọn “ngồi vào chỗ cuối cùng”.

Rõ ràng đây không là một chọn lựa đột xuất bất ngờ. Để có được cái giây phút thánh thiêng và quan trọng nầy, chắc chắn các chị đã có biết bao nhiêu đêm ngày cầu nguyện, chay tịnh, học hỏi để dấn thân trong một Hội Dòng mang tên Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương mà ngay từ số 24 của bản Dự thảo Hiến chương đã có những dòng mà điểm nhấn của linh đạo đã quy chiếu vào chính ý nghĩa của trích đoạn Tin Mừng hôm nay. Xin trích :

“Khẩu hiệu của Hội dòng đó là “chỗ cuối cùng”, tóm gọn cả câu nguyên văn lời Chúa phán là “hãy đến mà ngồi vào chỗ cuối cùng” (Lc 14,10). Chúa không bảo chúng ta chọn “chỗ cuối cùng” nhưng “đến mà ngồi vào chỗ cuối cùng”, tức là luôn luôn tuân phục theo ý Thiên Chúa chọn cho mình hơn là theo ý mình, bằng việc, như Mẹ Maria trong biến cố Truyền Tin, ngoan ngoãn vâng theo những gì Thiên Chúa chọn cho mình theo thượng ý vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa…” (HC số 24)

Như vậy, “chỗ cuối cùng” trong Tin Mừng hôm nay, phải chăng chỉ là một cách diễn tả khác của Chúa Giêsu trong những giáo huấn của Ngài, đặc biệt những lời khuyến dụ dành riêng cho những ai bước theo Ngài trên con đường thực thi thánh ý Chúa Cha :

- Chỗ cuối cùng đó là “chọn đi con đường hẹp…” (Lc 13,24)

- Chỗ cuối cùng đó là “chọn đi con đường từ bỏ mọi sự và vác thập giá” (Lc 14,27)

- Chỗ cuối cùng đó là “quỳ xuống mà rửa chân cho nhau (Ga 13, 4-15)

- Chỗ cuối cùng đó là vui vẻ sẵn sàng làm một người đầy tớ khiêm tốn (Lc 17,7-10)

- Chỗ cuối cùng đó là hoán cải từng ngày để trở nên như trẻ thơ (Lc 18,15-17)

- Chỗ cuối cùng đó là chấp nhận bán đi tất cả phân phát cho người nghèo để trở thành tay trắng (Lc 18,18-22)

- và trong cuộc đời của chính Chúa Giêsu, chỗ cuối cùng mà chính Ngài chọn cho mình lại chẳng phải là “hang lừa máng cỏ”, là lang thang trên đường “không có phiến đá gối đầu”, là chết trần trụi trên thập giá đó sao !….

Như vậy, lời Tin Mừng hôm nay đâu chỉ là chuyện áp dụng riêng cho các chị em nữ tu hôm nay, mà cho mỗi người chúng ta, cho hết mọi người tin và chấp nhận nhận bước theo Chúa Ki-tô.

Thế nhưng, cũng sẽ có không ít người lý luận rằng : “chọn chỗ cuối cùng”, “đi con đường hẹp”, “từ bỏ mọi sự”…thì lãng phí quá. Với những tài năng đó, với những sắc đẹp đó, với những ước vọng cháy bỏng của tuổi trẻ đó, với những đầu óc thông minh đó…mà lại vứt bỏ hết để dấn thân đi tu ; hay nói cách khác, theo cái nhìn của ông tông đồ quản lý Giu-đa thuở nào, “với cài bình dầu cam tùng hảo hạng đó mà đập bể đi…” (Ga 12,1-11) thì lãng phí quá chừng !

Để trả lời cho những vấn nạn đó, chúng ta hãy nghe chính Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II phát biểu trong đoạn kết tông huấn Đời Thánh Hiến :

“Hiện nay, có nhiều người tỏ ra hoang mang và tự hỏi tại sao lại sống đời thánh hiến ?(…) Đời thánh hiến không là một thứ "lãng phí" nghị lực của con người có thể được sử dụng theo những tiêu chuẩn có hiệu quả vì một lợi ích lớn hơn cho nhân loại và cho Giáo Hội hay sao ?

…Nhưng đã từng có những vấn nạn kiểu đó, như đoạn Tin mừng về việc xức dầu thơm tại Bê-ta-ni-a cho thấy : "Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quí giá xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau, cả nhà sực mùi thơm" (Ga 12,3) Nghe Giu-đa viện dẫn những nhu cầu của người nghèo để phàn nàn về sự hoang phí đó, Chúa Giê-su liền trả lời ông ta : "Hãy để cô ấy làm" (Ga 12, 7).

…Dầu thơm quí giá được đổ ra như một tác động hoàn toàn vì tình yêu, và như thế vượt ra ngoài mọi tính toán "vụ lợi", là dấu chỉ của một sự nhưng không tràn đầy biểu lộ qua một đời sống được tiêu hao đi để yêu mến và phục vụ Chúa, để hiến thân cho Người và cho Nhiệm thể Người. Đời sống "được đổ tràn ra" không tính toán đó lan toả hương thơm khắp cả nhà. Cũng như xưa, ngôi nhà của Thiên Chúa là Giáo Hội được trang điểm và nên giàu có nhờ sự hiện diện của đời thánh hiến.

Đối với con người bị vẽ đẹp và sự tốt lành của Chúa chinh phục từ thâm tâm, thì điều có thể xem là một lãng phí trước mắt loài người, lại là một lời đáp rõ ràng của tình yêu… (ĐTH số 104, phần Kết luận)

Và “lời đáp trả rõ ràng của tình yêu” đó phải chăng đang hiện thực hóa cách cụ thể nơi chính 7 con người nữ tu đang ngồi trước mặt chúng ta đây cùng với những lời cam kết long trọng mà họ sẽ nói lên chút nữa đây trong nghi lễ khấn.

Nhưng nói gì thì nói. Tâm lý con người luôn vẫn muốn chọn cái cao cả, cái tiếng tăm, cái hào nhoáng, cái thành công, mà rất nhiều khi xem thường cái đơn sơ, cái nhỏ bé, cái khiêm hạ.

Cách đây gần 10 năm, cô học sinh Hà Minh Ngọc, lớp 10, chuyên văn tại một trường PTTH ở Hà Nội đã gây xúc động cho cộng đồng cư dân mạng vì bài văn “bản chất của thành công” của cô. Xin trích một đoạn :

“Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ…” ([2])

Vượt lên cái nhìn đầy nhân bản đó về những hành vi khiêm hạ trong cuộc sống đời thường, Lời Chúa hôm nay xác quyết với chúng ta rằng : chính sự khiêm cung và nhưng con người khiêm hạ khó nghèo lại làm Chúa vui lòng và tôn vinh Ngài cách đặc biệt, như lời khẳng định trong đoạn sách Huấn Ca của Bđ 1 hôm nay :

Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao:

Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.

Và đó cũng là điều được chính Chúa Giêsu xác quyết qua trích đoạn Tin Mừng Luca hôm nay : “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

Riêng đối với các chị trong Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu tình thương thì chính con đường “hạ mình xuống” chọn “chỗ cuối cùng” đó, lại là phương thế, là điều kiện tối hảo để quý chị dễ dàng sống và thực thi trọn hảo linh đạo của Hội dòng mà số 25 trong Bản Dự Thảo Hiến Chương đã minh định :

“Chúng ta luôn sẵn sàng “đến mà ngồi vào chỗ cuối cùng” theo lệnh ĐGM sở tại, luôn đặt trọng tâm vào việc yêu thương phục vụ thành phần anh chị em kém may mắn, nghèo đói. Để qua những việc bác ái phục vụ nầy, đưa nhiều người về với Giáo Hội” (Dự thảo Hiến Chương số 25)

Con đường nầy, chân lý nầy, chọn lựa nầy càng được củng cố và đào sâu, không chỉ mới từ hôm nay, nơi đây, mà ngay từ xa xưa, từ thuở khai sinh ra Giáo Hội, khi cộng đoàn tín hữu Rôma mới được hình thành, qua những lời giảng dạy của Thánh Phaolo Tông đồ qua trích đoạn thư Rôma trong Bđ 2 hôm nay :

“…vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người.”

Thánh lễ Khấn Dòng hôm nay diễn ra trong khung cảnh của Năm Thánh Lòng Thương Xót cùng với sứ điệp lời Chúa hôm nay lại càng giúp cho quý nữ tu, và cả chúng ta, có thêm được ánh sáng để sống sứ điệp Tin Mừng cách mãnh liệt hơn, cụ thể hơn, nhờ sự khai triển và định hướng tuyệt vời của ĐTC Phanxicô trong tông sắc Dung nhan lòng thương xót số 15:

“Chính Chúa Kitô hiện diện nơi mỗi người trong "những kẻ hèn mọn" đó. Thân xác Người trở nên hữu hình nơi thân xác những người bị hành hạ, bị gây thương tích, bị đánh đập, bị thiếu dinh dưỡng, bị truy đuổi... để cho chúng ta nhận ra, chạm tới và ân cần chăm sóc. Chúng ta đừng quên những lời của thánh Gioan Thánh Giá : "Vào lúc cuối đời, chúng ta sẽ chịu phán xét về tình yêu" (DNLTX số 15)

Và “cái chỗ cuối cùng” trong bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay mà chính Chúa Giêsu đặt sẵn cho chúng ta, cho tất cả những ai tha thiết muốn gặp gỡ và dấn thân bước theo Ngài, chính là Tấm Bánh được bẻ ra nơi Thân Mình hiến tế của Ngài, là ly rượu được rót ra từ chính trái tim bị đâm thâu của Ngài được ban tặng cho tất cả chúng ta đây. Cùng với các chị khấn dòng, chúng ta cùng sẵn sàng, trân trọng đi vào “chỗ cuối cùng” đó ; và không quên mang theo lời nguyện cầu cho các chị tuyên khấn hôm nay thật sự tìm được hành phúc và bình an. Amen.

LM Giuse Trương Đình Hiền

[1] Đặng Hoài Lý, tác giả bài viết “CON GÁI AI CŨNG MONG MỘT LẦN MẶC VÁY CƯỚI”, trang girly.vn, đăng ngày 25/3/2016

[2] Hà Minh Ngọc, bài văn “Ban chất của thành công” với đề bài được ra : “Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em”, 6.9.2006, lớp chuyên văn, trường chuyên PTTH ở Hà Nội.