Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.


Sau các vụ cáo gian các Hồng Y tại Úc và tại Pháp, hôm 10 tháng Ba, người ta phải chứng kiến thêm một cảnh đại nghịch bất đạo khác khi hàng trăm giáo dân xúm lại đánh trọng thương một Giám Mục khiến ngài phải đi nằm nhà thương.

Thông tấn xã UCANews cho biết Đức Cha Jerome Dhas Varuvel, Giám Mục giáo phận Kuzhithurai, Ấn Độ đã bị một nhóm khoảng 130 người Công Giáo trong đó có cả các phụ nữ đánh tới tấp khiến ngài phải đi nhà thương cấp cứu.

Đức Cha Jerome Dhas Varuvel đã rời bệnh viện ngày 12 tháng 3, hai ngày sau cuộc tấn công. Nhưng một người bảo vệ đi chung với ngài vẫn còn phải nằm trong nhà thương.

Cha Russel Raj, chưởng ấn của giáo phận Kuzhithurai, cho UCANews biết người bảo vệ ngài đã bị thương nghiêm trọng khi cố gắng bảo vệ Đức Giám Mục.

Cha Augustine Ponnaian, phụ trách tài chính của giáo phận, cũng bị tấn công nhưng chỉ bị thương nhẹ và không cần nhập viện.

Cảnh sát đã ra lệnh truy nã 58 người Công Giáo, trong đó có 16 phụ nữ, và cáo buộc họ phạm tội nghiêm trọng như bạo loạn có vũ khí, đe dọa, và sử dụng vũ khí có thể gây ra cái chết.

Cảnh sát đã bắt được hai người và đang tìm kiếm 56 người khác, là những người đang trốn tránh để khỏi bị bắt.

“Đây là một cuộc tấn công có kế hoạch nhắm vào Đức Giám Mục,” Cha Ponnaian nói với UCANews hôm 13 tháng 3.

Các giáo dân này đã đợi bên ngoài Tòa Giám Mục khi ngài trở về sau một cuộc họp để thảo luận về vấn đề đất đai. Họ vây quanh ngài khi ngài vừa về đến cổng Tòa Giám Mục và buộc ngài phải giải quyết vấn đề ngay lập tức.

Cuộc tranh chấp đất đai bắt đầu từ năm 1965 khi giáo phận Kuzhithurai, được hình thành bốn năm trước đó từ giáo phận Kottar. Người Công Giáo ở hai giáo xứ đã tranh chấp quyền sở hữu một mảnh đất ở làng Appattuvilai.

Ngày 5 tháng Năm, 2018, Đức Cha Varuvel ban hành sắc lệnh giải quyết tranh chấp giữa giáo xứ Thánh Antôn và giáo xứ Thánh Giuse. Một số giáo dân giáo xứ Thánh Antôn cho rằng sắc lệnh của Đức Cha Varuvel thiên vị giáo xứ Thánh Giuse, và từ chối chấp nhận sắc lệnh này. Họ muốn Đức Cha Varuvel rút lại sắc lệnh đã ký.

Cha chưởng ấn Raj cho biết quyết định của Đức Cha Varuvel không phải là quyết định của cá nhân ngài nhưng tuân theo các khuyến nghị của một ủy ban bao gồm các luật sư, những chuyên gia giáo dân và 14 người đại diện của hai giáo xứ, mỗi giáo xứ có 7 người đại diện.

Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra kể từ khi sắc lệnh được ban hành, và Đức Cha Varuvel yêu cầu những người chống đối đưa ra các bằng chứng cụ thể để chứng minh cho lập luận của mình.

“Cho đến nay, họ đã không đưa ra được chứng cứ nào, nhưng họ muốn đảo ngược quyết định có lợi cho họ,” Cha Ponnaian nói.

“Đức Cha Varuvel cũng cho phép họ thách thức quyết định của ngài tại tòa án dân sự nhưng họ từ chối lời đề nghị của ngài,” Cha Ponnaian nói thêm.

Cha chưởng ấn Raj nói rằng giáo phận không muốn ai bị tù tội trong trường hợp này. Tuy nhiên, giáo phận muốn cảnh sát có hành động đối với hai người chủ chốt đã dàn dựng các vụ biểu tình và xúi giục mọi người tấn công Đức Cha Varuvel một cách tàn bạo.


Source:Catholic Herald