Theo tin Zenit, ngày 26 tháng Tư, tại Đại Sảnh Clementine của Tông Điện, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên một Hội Nghị Quốc Tế do Liên Đoàn Thánh Kinh Công Giáo bảo trợ nhân dịp tổ chức này kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Chủ đề Hội Nghị là “Thánh Kinh và Đời Sống: Linh Hứng Thánh Kinh Cho Toàn Bộ Đời Sống Và Sứ Mệnh Mục Vụ Của Giáo Hội – Các Kinh Nghiệm Và Thách Đố”. Hội nghị diễn ra tại Hotel Ergife, Rôma, trong các ngày 24-26 tháng Tư, 2019.
Nhân buổi tiếp kiến này, Đức Thánh Cha đã nói chuyện với các tham dự viên. Sau đây là nguyên văn lời ngài:
Thưa qúy Hồng Y, qúy hiền huynh trong hàng giám mục, thưa anh chị em
Mượn lời Thánh Tông Đồ Phaolô, tôi xin chào mừng anh chị em , những “người qúy yêu của Thiên Chúa tại Rôma”, chúc anh chị em “ơn sủng và bình an” (Rm 1:7). Tôi cám ơn Đức Hồng Y Tagle về lời chào kính ngỏ cùng tôi nhân danh anh chị em. Anh chị em tụ họp nhân dịp kỷ niệm năm thứ 50 ngày thành lập Liên Đoàn Thánh Kinh Công Giáo. Dịp kỷ niệm 50 năm này giúp anh chị em cơ hội duyệt lại việc anh chị em phục vụ Giáo Hội và củng cố nhau trong cam kết truyền bá Lời Chúa.
Các suy tư của anh chị em được khai triển xung quanh hai chữ: Kinh thánh và đời sống. Tôi cũng muốn nói vài điều với anh chị em về nhị thức không thể tách rời này. “Lời Chúa luôn sống động” (Dt 4:12): nó không chết hay già cỗi; nó vẫn còn mãi mãi (xem 1 Pr 1:25). Nó vẫn còn trẻ mãi trong viễn tượng của tất cả những gì đang xảy ra (xem Mt 24:35) và duy trì những ai đem nó ra thực hành khỏi sự già cỗi nội tâm. Nó đang sống và trao ban sự sống. Điều quan trọng cần nhớ là Chúa Thánh Thần, Đấng Ban Sự Sống, thích làm việc qua Kinh thánh. Thật ra, Lời mang hơi thở của Thiên Chúa đến với thế giới; nó truyền hơi ấm của Chúa vào trái tim. Tất cả các đóng góp học thuật, các tác phẩm đã được xuất bản đều và không thể không phục vụ cho việc này. Chúng giống như củi đốt, khi được cố gắng thu lượm và gom góp, sẽ cho ta hơi ấm. Tuy nhiên, như củi không tự sản xuất nhiệt năng thế nào, các nghiên cứu tốt nhất cũng thế; Lửa cần, Chúa Thánh Thần cần để Kinh Thánh có thể bùng cháy trong trái tim và trở thành sự sống. Lúc đó, củi tốt có thể hữu ích để nhóm lên ngọn lửa này. Nhưng Kinh Thánh không phải là một bộ sách tốt để nghiên cứu. Đó là Lời ban sự sống cần được gieo vãi, hồng phúc mà Đấng Phục sinh yêu cầu phải thu thập và phân phát để có sự sống nhân danh Người (Xem Ga 20:31).
Trong Giáo hội, Lời bơm sự sống không thể nào thay thế được. Do đó, các bài giảng là điều rất cần thiết. Giảng giải không phải là một thao tác hùng biện cũng không phải là một tập hợp các ý niệm khôn ngoan của con người: nó sẽ chỉ là củi đốt. Thay vào đó, nó là việc chia sẻ Chúa Thánh Thần (Xem 1 Cr 2: 4), chia sẻ Lời Thiên Chúa từng đánh động trái tim người giảng giải, người truyền đạt hơi ấm đó, việc được xức dầu đó. Có biết bao lời lẽ hàng ngày lọt vào tai chúng ta, truyền tải thông tin và cung cấp nhiều nhập lượng (input); có biết bao, có lẽ quá nhiều điều, đôi khi đạt tới mức vượt quá khả năng thu nhận chúng của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không thể từ bỏ Lời của Chúa Giêsu, Lời duy nhất ban sự sống đời đời (Xem Ga 6:68), Lời mà chúng ta cần tới mỗi ngày. Thật đáng yêu khi nhìn thấy “một mùa” hoa “tình yêu mới lớn hơn dành cho Thánh Kinh về phần mọi thành viên của dân Chúa, để. . . mối liên hệ với chính con người của Chúa Giêsu được làm cho sâu sắc hơn (Tông huấn Verbum Domini, 72). Sẽ là điều tốt hơn nếu Lời Chúa "ngày càng trở thành trung tâm của mọi sinh hoạt của giáo hội (Tông huấn Evangelii Gaudium, 174)"; một trái tim đang đập nhịp, lên sinh lực cho các chi thể của Nhiệm thể. Chính ước muốn của Chúa Thánh Thần trong việc nhào nắn chúng ta thành Giáo hội theo khuôn khổ Lời Chúa, một Giáo hội không tự nói và nói về mình, nhưng có Chúa trong lòng và trên môi miệng mình, đã hàng ngày rút tỉa từ Lời của Người. Thay vào đó, luôn có cơn cám dỗ muốn công bố chính chúng ta và nói về năng động tính của chúng ta, nhưng lúc ấy, sự sống không được truyền tải tới thế giới.
Lời ban sự sống cho mỗi tín hữu, dạy họ phải từ bỏ chính mình để công bố Người. Theo nghĩa này, nó hành động như một thanh kiếm sắc, đâm sâu, biện phân suy nghĩ và tình cảm, đem sự thật ra ánh sáng, đem vết thương đến chữa lành (Xem Dt 4:12; Gióp 5:18). Lời Chúa dẫn đến việc sống theo cách vượt qua: như hạt giống, chết đi, mang lại sự sống, như trái nho qua máy ép sản xuất ra rượu nho, như trái ô-liu cho dầu sau khi qua máy ép ô liu. Do đó, khi thúc đẩy các hồng phúc sự sống từ căn để, Lời ban sự sống. Nó không để ta yên tĩnh, nó thách thức. Một Giáo hội sống bằng cách lắng nghe Lời Chúa, không bao giờ bám lấy các an toàn của chính mình. Giáo hội ấy ngoan ngoãn đối với những điều mới lạ không lường trước được của Chúa Thánh Thần. Giáo hội ấy không mệt mỏi công bố, không nhường bước cho thất vọng, không từ bỏ việc cổ vũ hiệp thông ở mọi bình diện, vì Lời Chúa kêu gọi hợp nhất và mời gọi mỗi người lắng nghe người khác, thắng vượt chủ nghĩa duy đặc thù (particularisms) của chính mình.
Do đó, Giáo hội, khi được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, sẽ sống để công bố Lời ấy, không loay hoay với chính mình mà rảo khắp các phố phường thế giới: không phải vì Giáo hội thích chúng hay vì chúng dễ đi, nhưng vì chúng là những nơi để công bố. Một Giáo hội trung thành với Lời Chúa không hà tiện hơi thở của mình để công bố sứ điệp sơ truyền (kerygma) và không mong đợi được đánh giá cao. Lời Thiên Chúa, phát xuất từ Chúa Cha và được tràn đổ xuống thế giới, thúc đẩy Giáo Hội đi đến tận cùng trái đất. Kinh thánh là thuốc chích tốt nhất giúp Giáo Hội khỏi bị khép kín và tự bảo toàn. Nó là Lời của Thiên Chúa, chứ không phải lời của chúng ta và nó khiến chúng ta không nằm ở trung tâm, bảo vệ chúng ta khỏi sự tự mãn và thái độ háo thắng (triumphalism), kêu gọi chúng ta liên tục ra khỏi chính mình. Lời Chúa có một lực ly tâm, không hướng tâm, nó không rút vào bên trong mà đẩy ra bên ngoài - hướng tới điều nó chưa đạt tới. Nó không đảm bảo những niềm an ủi hâm hấp, vì nó là lửa và gió: Nó là Thần Khí làm cho trái tim bốc cháy và di chuyển tới chân trời, mở rộng chân trời bằng óc sáng tạo của nó.
Kinh thánh và đời sống: chúng ta hãy cam kết làm cho hai từ ngữ này liên kết chặt chẽ với nhau để từ ngữ này không bao giờ lại không có từ ngữ kia. Tôi muốn kết thúc như lúc bắt đầu, với một lời phát biểu của Thánh Tông đồ Phaolô, người vào cuối bức thư, đã viết: “Thưa anh em, còn về những điều khác, anh em hãy cầu nguyện”. Giống như ngài, tôi cũng xin anh chị em cầu nguyện. Tuy nhiên, Thánh Phaolô nêu rõ lý do cầu nguyện: “để lời Chúa được phổ biến mau chóng” (2 Tx 3: 1). Chúng ta hãy cầu nguyện và làm việc để Kinh Thánh không ở trong thư viện giữa nhiều cuốn sách nói về nó, nhưng nó có thể rảo khắp các phố phường thế giới, chờ đợi nơi mọi người đang sinh sống. Tôi hy vọng anh chị em sẽ là những người tốt lành mang Lời Chúa, với cùng sự nhiệt tình mà chúng ta đọc được trong các trình thuật Phục Sinh những ngày này, trong đó, mọi người cùng chạy: các phụ nữ, Thánh Phêrô, Thánh Gioan, hai môn đệ Emmau. . . Họ chạy đến gặp gỡ và công bố Lời hằng sống. Đó là lời chúc chân thành của tôi dành cho anh chị em, cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em làm.