Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Vài nét về lịch sử quốc gia này.
Lịch sử Rumani (hay Lỗ Ma Ni) chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi lịch sử, văn hóa La Mã cổ đại. Lãnh thổ Rumani ngày nay được hình thành do sự hợp nhất của nhiều tiểu quốc thời trung cổ, trong đó quan trọng nhất là Moldavia, Wallachia và Transilvania.
Vương quốc Rumani được thành lập và đã giành được độc lập từ tay Đế chế Ottoman, sau đó được cộng đồng quốc tế công nhận vào năm 1878. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Sô chiếm đóng Rumani. Gheorghe Gheorghiu-Dej, một lãnh đạo đảng Cộng sản bị cầm tù năm 1933, được giải thoát vào năm 1944 đã trở thành nhà lãnh đạo cộng sản đầu tiên của Rumani. Sau chiến thắng nhờ gian lận vào năm 1946, Gheorghiu-Dej buộc vua Mihai I phải thoái vị và rời khỏi đất nước, và tuyên bố Rumani là một nước cộng hòa nhân dân.
Rumani vẫn chịu sự chiếm đóng trực tiếp về quân sự và sự kiểm soát kinh tế ngặt nghèo của Liên Sô cho đến cuối thập niên 1950. Trong thời gian 14 năm chiếm đóng này, tài nguyên thiên nhiên rộng lớn của Rumani đã bị đưa về Nga khiến quốc gia này rơi vào tình trạng nghèo đói và cạn kiệt tài nguyên.
Ba ngày sau cái chết của Gheorghiu-Dej vào tháng 3 năm 1965, Nicolae Ceaușescu lên nắm quyền và trở thành một nhân vật nổi tiếng ở Rumani và cả ở thế giới phương Tây, vì chính sách đối ngoại độc lập, thách thức quyền lực của Liên Sô. Chính trong bối cảnh đó, ông đã thiết lập ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Hòa Liên Bang Đức, và tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Israel sau cuộc chiến 6 ngày năm 1967, cũng như thẳng thắn lên án Liên Sô và Khối Warsaw trong việc can thiệp quân sự vào Ba Lan, Tiệp Khắc, và Hung Gia Lợi.
Năm 1989, chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ tại Rumani và nước này quay trở lại con đường tư bản chủ nghĩa. Ngày lễ Giáng Sinh 25 tháng 12, 1989, hai vợ chồng Nicolae Ceaușescu bị một toà án quân sự xử tử hình và lệnh hành quyết diễn ra ngay sau đó.
Rumani chính thức trở thành một thành viên của NATO vào năm 2004 và thành viên Liên minh Âu châu vào năm 2007.
Diễn từ trước các đại diện xã hội dân sự và đoàn ngoại giao
Trong diễn từ trước các đại diện xã hội dân sự và đoàn ngoại giao tại dinh tổng thống, Đức Thánh Cha nói:
Thưa Ông Tổng Thống,
Thưa Bà thủ tướng
Thưa Đức Thượng phụ,
Quí Thành viên của Ngoại giao đoàn,
Qúi Nhà Cầm Quyền,
Quí Đại diện xã hội tôn giáo và dân sự,
Qúi bạn
Tôi gửi lời chào thân ái và bày tỏ lòng biết ơn của tôi tới các vị Tổng thống và Thủ tướng Chính phủ vì lời mời đến thăm Lỗ Ma Ni và những lời chào mừng tốt đẹp của các vị, nhân danh cả các Nhà chức trách khác của quốc gia, và của nhân dân yêu dấu này. Tôi xin chào các thành viên của Ngoại giao đoàn và các đại diện của xã hội dân sự đã tụ tập tại đây.
Lời chào trân trọng của tôi cũng xin ngỏ cùng Đức Thượng phụ Daniel, và các vị Tổng Giám Mục và Giám mục của Thánh Công đồng, và tất cả các tín hữu của Giáo hội Chính thống Lỗ Ma Ni. Với tình âu yếm, tôi xin chào các Giám mục và linh mục, nam nữ tu sĩ, và tất cả các thành viên của Giáo Hội Công Giáo, những người mà tôi đã đến để củng cố trong đức tin và để khích lệ trên hành trình sống và làm chứng Kitô giáo của họ.
Tôi rất vui khi thấy mình ở đây, vùng ţara frumoasă (vùng đất xinh đẹp) của qúi vị, hai mươi năm sau chuyến viếng thăm của Thánh Gioan Phaolô II và trong lục cá nguyệt này khi Lỗ Ma Ni, lần đầu tiên kể từ khi vào Liên minh châu Âu, giữ chức chủ tịch Hội đồng châu Âu.
Đây là thời điểm thích hợp để nghĩ lại ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi Lỗ Ma Ni được giải phóng khỏi chế độ đàn áp tự do dân sự và tôn giáo, cô lập quốc gia khỏi các nước châu Âu khác, và dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế và sự cạn kiệt các năng lực sáng tạo của nó. Trong những năm này, Lỗ Ma Ni đã cam kết xây dựng một nền dân chủ lành mạnh thông qua tính đa nguyên trong các lực lượng chính trị và xã hội và đối thoại qua lại của họ, thông qua sự thừa nhận căn bản tự do tôn giáo và thông qua sự tham gia đầy đủ của quốc gia vào diễn đàn quốc tế. Điều quan trọng là thừa nhận những cố gắng lớn được thực hiện trên hành trình này, bất chấp những khó khăn và thiếu thốn đáng kể. Quyết tâm tiến lên trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống dân sự, xã hội, văn hóa và khoa học đã giải phóng nhiều năng lực và tạo ra nhiều dự án; nó đã giải phóng các lực lượng sáng tạo vĩ đại mà trước đây vốn bị giam hãm, và đã khuyến khích một số sáng kiến mới nhằm hướng dẫn đất nước vào thế kỷ hai mươi mốt. Tôi tin tưởng rằng qúi vị sẽ tiếp tục những nỗ lực này để củng cố các cơ cấu và định chế cần thiết để đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của công dân và khuyến khích người dân của quốc gia thể hiện tiềm năng đầy đủ và thiên tài vốn có của mình.
Đồng thời, phải thừa nhận rằng trong khi những thay đổi do buổi bình minh của thời đại mới này mang lại đã dẫn đến những thành tựu thực sự, chúng cũng đã đặt ra những trở ngại không thể tránh cần khắc phục và các hậu quả có vấn đề đối với sự ổn định xã hội và việc cai trị lãnh thổ. Tôi nghĩ đầu tiên tới hiện tượng di cư và vài triệu người phải rời bỏ mái ấm và đất nước của họ để tìm kiếm cơ hội mới mang lại việc làm và một đời sống xứng đáng. Tôi cũng nghĩ rằng sự giảm dân số của nhiều ngôi làng, những ngôi làng đã mất đi nhiều cư dân của họ, hậu quả của điều này đến chất lượng cuộc sống ở những khu vực đó và sự suy yếu của gốc rễ văn hóa và tinh thần sâu sắc từng duy trì qúi vị trong những thời gian thử thách. Đồng thời, tôi xin bày tỏ lòng tôn kính đối với các hy sinh của rất nhiều con trai và con gái của Lỗ Ma Ni, những người, bằng văn hóa, bản sắc đặc biệt và sự cần cù của họ, đã làm giàu cho những quốc gia mà họ đã di cư tới và nhờ thành quả làm việc chăm chỉ của họ đã giúp gia đình họ còn ở quê nhà.
Việc đối mặt với các vấn đề của chương mới này của lịch sử, nhận diện các giải pháp hữu hiệu và tìm được quyết tâm thực hiện chúng, kêu gọi sự hợp tác lớn hơn về phía các lực lượng chính trị, kinh tế, xã hội và tinh thần. Cần phải cùng nhau tiến lên với niềm xác tín trong việc theo đuổi tiếng gọi cao cả nhất mà mọi quốc gia đều phải khao khát: tiếng gọi trách nhiệm vì lợi ích chung của người dân. Cùng nhau tiến lên, như một cách định hình tương lai, đòi hỏi một sự sẵn lòng cao thượng hy sinh một điều gì đó trong viễn kiến của chính mình hoặc lợi ích tốt nhất cho một dự án lớn hơn, và do đó tạo ra sự hài hòa khiến cho việc tiến một cách an toàn tới các mục tiêu chung trở thành khả hữu.
Đây là con đường dẫn đến việc xây dựng một xã hội hòa nhập, một xã hội trong đó mọi người chia sẻ những tài năng và khả năng của riêng mình, thông qua việc giáo dục có phẩm chất và lao động sáng tạo, tham gia và hỗ trợ lẫn nhau (x. Evangelii Gaudium, 192). Nhờ cách này, mọi người trở thành chủ đạo của lợi ích chung, nơi mà người yếu, người nghèo và người nhỏ bé nhất không còn bị coi là đồ bỏ khiến cỗ máy hết hoạt động, nhưng như các công dân và anh chị em được hoàn toàn hòa nhập vào cuộc sống xã hội. Thật vậy, cách họ được đối xử là chỉ số tốt nhất cho thấy sự tốt đẹp thực sự của mô hình xã hội mà người ta đang cố gắng xây dựng. Chỉ khi nào một xã hội biết quan tâm đến các thành viên thiệt thòi nhất của mình, nó mới có thể được coi là thực sự dân sự.
Toàn bộ diễn trình này cần phải có một trái tim và một linh hồn, và một mục tiêu rõ ràng cần đạt được, một mục tiêu không phải do những cân nhắc bên ngoài hay bởi sức mạnh ngày càng tăng của các trung tâm tài chính cao cấp áp đặt, mà bởi một ý thức về tính trung tâm của con người và các quyền lợi bất khả nhượng của họ (xem Evangelii Gaudium, 203). Muốn có sự phát triển hài hòa và bền vững, thực hành cụ thể tình liên đới và bác ái, và sự quan tâm gia tăng của các lực lượng xã hội, dân sự và chính trị để theo đuổi lợi ích chung, chỉ hiện đại hóa các lý thuyết kinh tế, hoặc các kỹ thuật và khả năng chuyên môn là điều không đủ, bất kể tự chúng có cần thiết bao nhiêu đi nữa. Nó đòi hỏi việc phát triển không những các điều kiện vật chất mà còn cả linh hồn của nhân dân qúi vị.
Về vấn đề này, các Giáo hội Kitô giáo có thể giúp tái khám phá và củng cố trái tim đang đập vốn là nguồn cho hành động chính trị và xã hội dựa trên phẩm giá con người và dẫn đến việc cam kết làm việc công bằng và rộng lượng vì lợi ích chung tổng thể. Đồng thời, các giáo hội này tìm cách trở thành một phản ánh đáng tin cậy của sự hiện diện của Thiên Chúa và là nhân chứng hấp dẫn cho các công trình của Người, khi họ phát triển trong tình bằng hữu và hợp tác hỗ tương đích thực. Đây là con đường mà Giáo Hội Công Giáo muốn đi theo. Giáo Hội mong muốn đóng góp vào việc xây dựng xã hội. Giáo Hội mong muốn trở thành một dấu hiệu của sự hòa hợp với hy vọng hợp nhất và phục vụ nhân phẩm và lợi ích chung. Giáo Hội mong muốn hợp tác với chính quyền dân sự, với các Giáo hội khác và với mọi người thiện chí nam nữ, cùng hành trình với họ và đặt các tài năng chuyên biệt của mình phục vụ toàn thể cộng đồng. Giáo Hội Công Giáo không xa lạ gì với việc này; Giáo Hội tham gia đầy đủ tinh thần của quốc gia, như đã được chứng tỏ qua sự tham gia của tín hữu vào việc hình thành tương lai của đất nước và vào việc tạo ra và phát triển các cơ cấu giáo dục có tính hoà nhập và các hình thức hỗ trợ bác ái phù hợp với một nhà nước hiện đại. Bằng cách này, Giáo Hội mong muốn đóng góp vào việc xây dựng xã hội và đời sống dân sự và tinh thần ở lãnh thổ Lỗ Ma Ni xinh đẹp của qúi vị.
Thưa Ông Tổng thống,
Trong khi nguyện chúc cho Lỗ Ma Ni được thịnh vượng và hòa bình, tôi cầu xin Thiên Chúa đổ tràn phúc lành của Người xuống Ông Tổng thống, gia đình ông, xuống mọi người hiện diện ở đây, và xuống mọi người dân của đất nước.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho Lỗ Ma Ni!