Không phải trong nhà Đạo mới có “từ” này, mà trong ngôn ngữ dân gian, người ta nói nhiều đến “từ” này. “Từ” đó là : trời, chầu trời, về trời; “từ” đó là “từ” thăng : ông ấy đã chầu trời rồi ; cụ đã thăng rồi…
Hôm nay lễ Chúa về trời, lễ Thăng Thiên, tuy có cái khác rất xa giữa việc Chúa thăng thiên và con người thăng (ông kia, cụ nọ thăng) nhưng có cái giống giữa hai cái thăng đó, là xa cách, là không thấy bằng con mắt trần nữa. Ta không xét đến sự khác nhau giữa hai việc thăng : Chúa thăng thiên và con người thăng, mà chỉ dừng lại nơi điểm giống nhau giữa 2 việc thăng, tức là “thăng” là xa cách, với câu hỏi sau : Vì sao Chúa về trời, tức là vì sao Chúa xa cách ta ?
Ta sẽ xét dưới góc độ con người và ta sẽ thử xét dưới cái nhìn của Thiên Chúa.
1. Dưới góc độ con người .
Tại sao Chúa về trời, tại sao thầy Giêsu lại giã từ các đồ đệ ?
-Thưa là để các đồ đệ trưởng thành. Nếu thầy cứ ở mãi, đồ đệ không trưởng thành được Có thầy ở bên thì lúc nào cũng bám lấy Thầy, lúc nào cũng hỏi ý kiến Thầy. Cái này làm sao thưa Thầy ? Cái kia làm sao hả Thầy ? (Khổng Minh Gia Cát Lượng thì dùng túi gấm [cẩm nang] để thay mình chỉ dẫn).
Sư phụ Nasreddin đến Trung Quốc, ở đó ông thâu nhận một số môn đệ và dạy dỗ họ hầu giúp họ chuẩn bị giác ngộ. Nhưng khi đã giác ngộ rồi, các đồ đệ bỏ đi hết không nghe thầy Nasreddin giảng nữa. Người ta hỏi thầy có buồn không khi đồ đệ bỏ thầy như vậy. Nasreddin trả lời: “Không phải là danh sư (thầy nổi tiếng) nếu suốt đời đệ tử cứ phải ở với thầy”. Đệ tử phải ra đi xa thầy, thì thầy mới là danh sư. Trường hợp của thầy Giêsu thì ngược lại nhưng cũng cùng mục tiêu. Thay vì đệ tử xa thầy, thì thầy xa đệ tử, để đệ tử tự mình xoay sở và trưởng thành.
Bộ phim “Ở nhà một mình” với bé Mc Caulkin thủ vai chính cho ta thấy, khi cha mẹ đi vắng, bé này đã nảy ra nhiều sáng kiến độc đáo trong việc chống lại kẻ trộm. Đây là bộ phim, tưởng tượng, nhưng thực tế vẫn có thể như vậy. Những trẻ em mất bố mẹ sớm thường trưởng thành và chững chạc hơn những đứa trẻ đầy đủ mẹ cha và sống với cha mẹ cho đến già đầu.
Trong thuật lãnh đạo, người ta kể có 3 loại thầy :
-Loại 1 : Thày và trò cùng làm. Tam cùng : cùng ăn, cùng ở, cùng làm.
-Loại 2 : Thầy không cần làm, nhưng sự hiện diện của thầy cũng đủ cho đệ tử phấn chấn.
-Loại 3 : không có thầy hiện diện mà chỉ cần nhớ đến, nghĩ về thầy, là đệ tử hăng say làm việc.
Đức Giêsu chắc phải là loại thầy thứ ba này. Thứ ba theo liệt kê, nhưng lại là đệ nhất theo thứ hạng : đệ nhất danh sư. Chỉ cần nhớ đến thầy, là trò lên tinh thần. “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”
Vậy ở góc độ con người suy nghĩ, vì sao Chúa xa cách ta : là để đồ đệ trưởng thành…
2. Dưới góc độ Thiên Chúa
Tại sao Chúa Giêsu lại xa cách các môn đệ ? Ta hãy để chính Chúa Giêsu trả lời, và trả lời này được Sách Tin Mừng Gioan ghi rõ :
• Ga 14,3 : Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em. Không phải trên Nước Trời sẽ có ghế có bàn, phải dọn phải dẹp, nhưng Đức Giêsu muốn nói Ngài đi trước. Trong ngành du lịch gọi là tiền trạm.
Người thứ nhất từ kẻ chết sống lại là Ngài, thì người thứ nhất lên trời cũng là Ngài. Người thứ nhất chứ không phải người duy nhất. Thứ nhất là đi trước. Chúng ta sẽ là thứ hai, thứ ba, thứ một tỷ... Người thứ nhất như vậy là để dọn đường dọn chỗ. Và rồi Thầy sẽ trở lại đón đồ đệ, để Thầy ở đâu, đồ đệ cũng ở đó với Thầy.
• Ga 16,7 : Thầy đi thì có lợi cho anh em .
Đức Giêsu không nói suông : Thầy đi, người khác tới. Mà nói rõ : có lợi cho anh em. Cán cân “lợi” đã nghiêng về người sẽ tới, tức Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ.
Người ta thường sánh ví thế này :
-Nếu Giáo hội là một toà nhà, thì người có sáng kiến xây toà nhà đó là Chúa Cha. Người thực hiện, người xây là Chúa Con, và người bảo trì, trang trí, làm cho toà nhà hoạt động là Chúa Thánh Thần. Vai trò bảo tri, trang hoàng, điều hành, quan trọng đến mức nào.
-Nếu Giáo hội là một đoàn thể, thì người có ý định lập đoàn thể là Chúa Cha. Người thành lập là Chúa Con và Người nuôi dưỡng đoàn thể đó sống là Chúa Thánh Thần. Thầy đi thì có lợi vì lúc đó Đấng nuôi dưỡng mới tới. Ta hay nói, lập một đoàn thể không khó cho bằng duy trì đoàn thể đó hoạt động.
-Nếu Giáo hội là một lớp học thì Đức Giêsu là thầy dạy, chất liệu để dạy là từ Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần là Đấng Ôn Tập, làm cho học trò nhớ và làm điều thầy dạy. Thầy đi thì có lợi cho anh em, vì lúc đó Đấng Ôn Tập sẽ tới (Ga 16,13-15; 14,26).
• Ga 14, 12 Họ làm những việc Thầy làm và còn làm những việc lớn hơn nữa khi Thầy về cùng Cha.
Thầy ra đi, là để chứng tỏ tin tưởng vào đồ đệ. Người ta kể rằng khi Đức Giêsu hoàn tất sứ mạng ở trần gian, Người về trời. Thiên thần Gabriel đi đón từ xa, và phỏng vấn :
-Thưa Ngài, công trình Ngài được tiếp tục thế nào ở trần gian ?
-Ta có 12 tông đồ, một nhóm môn đệ và vài ba phụ nữ. Ta đã trao cho họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng tới mút cùng trái đất.
Nghe vậy, chưa thoả mãn, thiên thần Gabriel hỏi thêm :
-Nếu nhóm nhỏ đó thất bại, Ngài có chương trình nào khác không ? Có phương án 2, kế hoạch B… không ?
Đức Giêsu mỉm cười :
-Không, ta không dự trù kế hoạch nào khác. Ta tin tưởng vào họ.
Tin Mừng Ga 14,12 ghi rõ : Họ làm những việc Thầy làm và còn làm những việc lớn hơn nữa khi Thầy về cùng Cha.
Chả trách gì Tin Mừng Luca thuật lại việc Chúa về trời, xa cách các môn đệ, lại ghi rõ ràng đầy ”mâu thuẫn”, khi xa cách Thầy, các môn đệ không buồn mà lại “lòng đầy hoan hỷ” (Lc 24, 52).
Mỗi người chúng ta đều có lúc phải ra đi. Ông bà sẽ ra đi, cha mẹ sẽ ra đi. Ta đã chuẩn bị gì cho con cái chưa để khi ra đi, con cái, con cháu ta đã trưởng thành, đủ hành trang vào cuộc sống.
Ta là người lãnh đạo, người thợ chuyên môn… Khi rời vị trí, ta phải làm sao để không có một khoảng trống nào, không có một công việc nào bị suy sụp, mà trái lại, người đến sau vẫn hoạt động và hoạt động còn hơn ta nữa, như vậy ta mới là danh sư đệ nhất, giông đệ nhất danh sư Giêsu : Thầy đi thì có lợi cho anh em.
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm