Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Hồng Y Jaime Ortega sinh ngày 18 tháng 10, năm 1936 trong một gia đình lao động nghèo. Cha ngài là công nhân trong một nhà máy làm đường mía. Ngài được thụ phong linh mục ngày 2 tháng Tám, 1964. Hai năm sau đó ngài bị bắt và bị kết án tù khổ sai trong các trại lao động cải tạo của cộng sản.
Sau khi ra khỏi tù vào cuối năm 1967, ngài trở thành một linh mục lưu động. Cụ thể, mỗi cuối tuần ngài cử hàng hàng chục thánh lễ ở hàng chục thánh đường di chuyển hàng ngàn cây số trong một tuần để cử hành các phép bí tích và các thánh lễ cho những nơi không có linh mục trong hai giáo phận Matanzas và Havana. Trong tuần, ngài còn giảng dạy tại chủng viện Thánh Ambrôsiô là chủng viện liên giáo phận đặt trụ sở tại Havana.
Tuy công việc bận rộn như thế, và ám ảnh của các trại lao động cải tạo vẫn còn rất mới mẻ trong tâm trí, ngài đã can đảm quy tụ các thanh thiếu niên và tổ chức các trại hè. Điều này được coi là một hành động đối kháng tuy âm thầm nhưng rất quyết liệt với chế độ Fidel Castro.
Ngày 4 tháng 12, 1978, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Pinar del Río. Ba năm sau đó, vị Giáo Hoàng Ba Lan lại bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Havana.
Trước tình cảnh lầm than của dân chúng, ngài đã gầy dựng lại tổ chức Caritas Cuba. Đây được coi là một hành động phi thường vào thời điểm cộng sản xăm soi mọi hoạt động của Giáo Hội Công Giáo.
Ngày 26 tháng 11, 1994, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nâng lên hàng Hồng Y. Do đó, ngài đã từng tham gia trong mật nghị bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Thánh lễ an táng của Đức Hồng Y Jaime Ortega diễn ra rất gấp gáp, chưa đầy 48 tiếng sau khi ngài qua đời. Dù thế, nhiều nhà lãnh đạo Giáo Hội từ các quốc gia khác bao gồm Đức Hồng Y Seán Patrick O’Malley của tổng giáo phận Boston, Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski, của tổng giáo phận Miami, Florida, Đức Tổng Giám Mục Roberto Gonzalez Nief của Puerto Rico và nhiều vị khác đã tham dự thánh lễ an táng ngài tại nhà thờ chính tòa của thủ đô Havana. Sự hiện diện của đông đảo các nhà lãnh đạo từ các quốc gia khác cho thấy sự đánh giá cao đối với những cống hiến của Đức Hồng Y cho Giáo Hội Cuba và thế giới.
Bà Hortesia Garcia, là một người bạn thân của Đức Hồng Y từ thuở bé cho biết giấc mơ lớn nhất nhưng tiếc thay chưa tròn của Đức Hồng Y là đưa quê hương thoát ra khỏi đại họa cộng sản.
Trong hơn ba thập niên, ngài đã làm việc miệt mài và kiên nhẫn để làm dịu thái độ hung hăng của Fidel Castro đối với Giáo Hội Công Giáo.
Sau cuộc chính biến bất thành 19 tháng Tám, 1991 tại Nga, cộng sản tan rã trên phạm vi toàn cầu trừ ra tại Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba.
Ước mơ lớn nhất của người dân Cuba là giải thể được chế độ cộng sản. Đó cũng là ước mơ của Đức Hồng Y nhưng ngài chọn con đường kiên nhẫn.
Ngài thành công trong việc đàm phán cho các chuyến tông du thăm Cuba của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào năm 1998. Kế đó là chuyến tông du của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 vào năm 2012 và mới đây là chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2015.
Ngài cũng thành công trong việc đàm phán thả hàng chục tù nhân chính trị trong năm 2010 và 2011.
Năm 2014, Cuba chính thức công nhận Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày quốc lễ thể theo lời yêu cầu của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16.
Năm 2017, một ngôi nhà thờ đầu tiên đã được phép xây dựng tại Cuba.
Khi Raul Castro trở thành tổng thống năm 2010, Đức Hồng Y Ortega đóng một vai trò quan trọng trong việc mở cửa đất nước và khôi phục quan hệ với các quốc gia phương Tây.
Vào thời điểm quan trọng trong các cuộc đàm phán bí mật giữa Cuba và Hoa Kỳ chính Đức Hồng Y Ortega là người đã chuyển các thông điệp giữa Đức Thánh Cha Phanxicô, anh em nhà Castro và Tổng thống Barack Obama.
Trong thánh lễ an táng Đức Hồng Y, người ta nhận thấy có Phó Chủ tịch thứ nhất Cuba Salvador Mesa và hai nhà lãnh đạo cấp cao khác trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản cùng với các quan chức khác.
Việc tham dự lễ an táng của chính phủ Cuba và các quan chức đảng Cộng sản minh chứng cho sự thành công của ngài trong việc nâng cao vị trí Giáo Hội trên hòn đảo Caribbê này sau khi Liên Xô sụp đổ.
Tiếc thay, giấc mơ quang phục quê hương thoát ra khỏi đại họa cộng sản vẫn chưa tròn.
Source:Reuters