15. SÓT MẤT BỐN CHẤM

Lúc Trình Đàm làm quan ở kinh thành thì có rất nhiều tiếng tốt, chỉ có điều là biết chữ quá ít.

Một lần nọ, bá tánh đi kiện, mời ông ta ngồi kiệu đến, Trịnh Đàm rất thông cảm với bá tánh, lập tức viết trên tờ cáo trạng hai chữ “chấp chiêu”, những người biết chữ trong đám dân chúng suy đoán chữ này nhất định là chữ “chiêu” thiếu bốn chấm (1) phía dưới, bèn nói với Trình Đàm:

- “Sót mất bốn chấm”.

Trình Đàm cầm lấy coi, cầm viết cạo cạo dưới chữ “chấp” và thêm bốn chấm (2), cho nên chữ “chấp chiêu” biến thành chữ “nhiệt chiêu”. Chuyện này đồn ra ai nghe được cũng cười.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 15:

Thời nay có một vài người giàu có thích chơi nổi để ra vẻ ta đây là người điệu nghệ, họ vung tiền ra mua những bức họa thời xưa để gọi là sưu tầm tranh cổ, họ bỏ tiền ra mua một vài thứ mà ở nhà quê có đầy đem về treo trang trọng trong nhà gọi là đồ quý hiếm, họ không tiếc tiền để mua vài cái bình sành đã cũ và hí hửng khoe với bà con hàng xóm là đồ quý hiếm, nhưng đem về nhà thì vứt lăn lóc trong xó…

Có người không biết tí gì về văn học nhưng cũng mua rất nhiều loại sách nghiên cứu chất đầy trên kệ sách để khoe mình là người tài hoa văn học, nhưng một chữ trong sách thì không để mắt đến…

Cũng có một vài người Ki-tô hữu mua về những quyển sách đạo đức chất đầy tủ sách, nhưng sách gối đầu giường của họ là những quyển tiểu thuyết ba xu nhảm nhí, những chuyện tình cảm đồi trụy lố lăng…

Đừng khoe mình biết nhiều tác phẩm văn chương tuyệt bút hoặc thuộc lòng những bài thơ hay, nhưng hãy khoe mình sống như lời Đức Chúa Giê-su dạy trong Phúc Âm, đó là người dễ thương nhất vậy !

(1) Chữ 照 là chữ “chiếu”, viết thiếu bốn chấm bên dưới thành chữ 昭 “chiêu”. “Chấp chiếu” chứ không phải là “chấp chiêu”.

(2) Chữ 執 “chấp” thêm bốn chấm bên dưới là chữ “nhiệt” 熱, nên đọc thành là chữ “nhiệt chiêu”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info