Nhân dịp đại hội giới trẻ thế giới tại Đức: Tìm hiểu Giáo Hội Công Giáo Đức

Giáo Hội Công Giáo tại Cộng Hòa Liên Bang Đức có khoảng 26,7 triệu tín hữu. Với con số này người Kitô hữu chiếm 32,3% trong số 82 triệu dân Đức. Số tín hữu thuộc Tin Lành tương đương với số dân công giáo. 3,1 triệu dân là người Hồi giáo (khoảng 3,5%). Số người thuộc các cộng đồng Do thái giáo chiếm khoảng 88.000. Qua sự kiện thống nhất nước Đức tỷ lệ những người không thuộc các giáo hội hay cộng đồng tôn giáo tăng lên. Người Công Giáo Việt Nam hiện diện tại Ðức khoảng 17.000 từ sau biến cố 30.4.1975.

Về cơ cấu giáo hội, trong nước Đức có 27 giáo phận nằm trong 7 Tổng giáo phận:

Barmberg,

Berlin,

Freiburg,

Hamburg,

Köln,

München-Freising và

Paderborn.

Vị Tổng giám mục là người điều hành một tổng giáo phận, vì vậy vị tổng giám mục cũng được gọi là Metropolit. Tổng giám mục của một tổng giáo phận có những nhiệm vụ giám sát trên các giáo phận nằm trong phạm vi trách nhiệm của vị này.

Dựa theo con số giáo dân, Tổng giáo phận Köln là giáo phận lớn nhất nước Đức với gần 2,3 triệu người công giáo, địa phận nhỏ nhất là Görlitz với gần 50.000 giáo dân.

Những vùng Diaspora, nơi mà người công giáo chỉ là một thiểu số trong tổng số dân cư, nằm ở miền Bắc và Đông nước Đức. Các địa phận, trong đó người công giáo chiếm phần lớn tổng số dân cư là Passau với 81% tổng số dân cư, Regensburg 84,2%, Augsburg 69,8%, Trier 69% và Würzburg 66,5%. Tính chung lại, những giáo phận có tỷ lệ người công giáo rất ít so với số dân cư nằm trong các tiểu bang mới của nước Đức (những tiểu bang được thành lập sau ngày nước Đức thống nhất): như địa phận Dresden với 4,1% và Görlitz 5,2%. Ngay như tổng giáo phận Hamburg, một tổng giáo phận bao gồm hai tiểu bang Hamburg, Schleswig-Holstein và một phần lãnh thổ thuộc tiểu bang Mecklenburg-Vorpommern, chỉ có 7% người công giáo, chịu ảnh hưởng rất mạnh của Tin Lành bởi tình trạng người công giáo sống phân tán rải rác.

Sự Kiện Thống Nhất Nước Đức

Việc thống nhất nước Đức đã đưa đến nhu cầu tối khẩn là đặt định lại cơ cấu tổ chức, nhất là cho các vùng thuộc Đông Đức cũ. Trước đó có hai địa phận đã bị chia cắt bởi bức tường Berlin, đó là giáo phận Berlin và giáo phận Dresden-Meißen; những vùng còn lại theo giáo luật không có tính tự tổ chức điều hành độc lập: Schwerin thuộc địa phận Osnabrück, Magdeburg thuộc Paderborn, Erfurt-Meiningen thuộc Fulda và Würzburg (một phần của Meiningen). Görlitz chiếm phần của địa phận Breslau nằm trong Đông Đức cũ. Trong thời gian đó, Giáo hội không được chính quyền cho phép hướng dẫn điều hành những địa phận này vượt qua các ranh giới hành chánh thuộc chính quyền, nên tất cả những vùng giám quản không có tính tự lập đứng dưới quyền của các Giám mục giám quản tông toà và các vị này trực tiếp đứng dưới quyền của Đức Thánh Cha. Mặc dù tình trạng trên tạo ra những khó khăn trong mục vụ, trong cách tổ chức cơ cấu và có liên quan đến giáo luật, Hội Ðồng Giám Mục Đức và Hội Ðồng Giám Mục Berlin, cơ cấu quản lý hành chánh cho những vùng Đông Đức cũ đã chống lại những nỗ lực về phía chính quyền, nhất là chính quyền của Đông Berlin nhằm thay đổi ranh giới cũ của các địa hạt, mà sự thay đổi họ cho là kết quả tất yếu qua việc chia cắt nước Đức.

Việc thống nhất nước Đức đưa đến hệ quả: định mới lại cơ cấu các giáo phận. Trong thời gian dưới sự kiềm chế của chế độ cộng sản Đông Đức tính chung lại có khoảng 1 triệu người công giáo sống trong các vùng thuộc giám quản tông toà và giáo hội ở đây có chiều hướng mục vụ riêng biệt - điểm đáng lưu ý là con số giáo dân công giáo cũng như tin lành ngày càng giảm. Vì vậy Toà Thánh Vatikan và Hội Ðồng Giám Mục Đức, lúc này là Hội Ðồng Giám Mục cho toàn nước Đức, đặc biệt quan tâm đến sự thiếp lập các giáo phận với việc tách một phần nhỏ các địa hạt thuộc các giáo phận mẹ trước đó. Trong tiến trình tổ chức cơ cấu mới này Berlin trở thành tổng địa phận Berlin. Ở miền Bắc tổng địa phận Hamburg được thiết lập, đây là giáo phận có diện tích rộng nhất nước Đức, giáo phận này được hình thành bởi phần đất phía đông của địa phận Osnabrück. Quá trình thiếp lập cơ cấu quản lý mới có liên quan đến luật lệ của giáo hội kéo dài hàng năm, bởi vì giáo hội trong việc này phải đàm phán và ký khế ước với các chính phủ tiểu bang nơi các địa phận mới được thiết lập. Việc này được hoàn tất vào đầu năm 1995. Qua đó Hội Ðồng Giám Mục Đức hiện nay bao gồm 27 địa phận.

Lần đầu tiên trong lịch sử giáo hội công giáo Đức các giám mục, những người lo mục vụ và các giáo xứ phải nhìn nhận một thực tế: trong một xã hội tự do dân chủ có nơi một phần lớn dân số không được hoặc không muốn rửa tội. Sự kiện này đặt lại câu hỏi về chỗ đứng của giáo hội trong xã hội Đức. Bên cạnh đó hoàn cảnh tinh thần chung trong các tiểu bang mới được thành lập gây khó khăn cho việc gầy dựng những cấu trúc căn bản của giáo hội cũng như việc phát triển những hoạt động phục vụ cho những nhu cầu mang tính chất xã hội văn hoá của con người, mà những cơ cấu và hoạt động này chỉ được thừa nhận phần nào dưới chế độ cộng sản Đông Đức. Tuy vậy giáo hội ở đây mong muốn dần dần nâng cấp những hoạt động và các cơ sở như bệnh viện, nhà cho người khuyết tật, nhà trẻ và các viện dưỡng lão, trường học và các trung tâm dạy nghề, giống như trạng thái hiện có trong các tiểu bang thuộc Tây Đức cũ. Giáo hội địa phương đã đầu tư rất nhiều cho mục đích này. Các địa phận vì thế - trong tinh thần liên đới - đã đóng góp với một mức lượng lớn về nhân sự và tài chính.

Cho việc tạo nhịp cầu nối kết giữa người công giáo Đông và Tây Đức đại hội công giáo Đức lần đầu tiên sau khi thống nhất, được tổ chức vào năm 1994 tại Dresden, đã đặt những định hướng quan trọng. Việc học hỏi và quen biết lẫn nhau sau hàng chục năm phân biệt giữa „Người Đông“ (Ossi) và „Người Tây“ (Wessi) bởi luật lệ của chính quyền đưa đến những nhận thức bất ngờ và giảm đi những thành kiến. „Trong những năm nước Đức bị chia cắt giáo hội công giáo đã bám vững vào sự hiệp nhất“ đó là lời tuyên bố chung của Hội Ðồng Giám Mục Đức và Hội Ðồng Giám Mục Berlin, hội đồng lúc đó còn tồn tại, vào tháng 5 năm 1990. „Điều đã được củng cố dưới những điều kiện khó khăn, điều đó càng phải được tiếp tục truyền tiếp“.

Thiếu Hàng Ngũ Linh Mục

Tình liên đới và việc xem nhau là người đồng cộng tác củng cố sự hiệp nhất. Sự hiệp nhất cũng được nâng đỡ qua việc giải quyết những khó khăn chung. Một trong những khó khăn nổi bật biểu hiện cho tất cả các địa phận trong nước Đức là con số các linh mục ngày càng giảm thiểu đi. Trong những năm đầu của thập kỷ 70 người ta đã tranh luận về tình trạng thiếu linh mục, mà lúc đó còn có trên 25.000 linh mục triều và dòng. Trong khoảng 10 năm con số này giảm xuống còn 20.000. Từ đó con số này càng giảm đi: trong những năm cuối của thập niên 80 xuống còn 19.500. Thống kê mới nhất vào năm 2001 cho biết có khoảng 16.988 linh mục triều và dòng: tuy nhiên ở đây cũng tính ¼ các linh mục về hưu vào con số này. Chưa tới 11.000 linh mục phục vụ trong 13.138 giáo xứ và điểm mục vụ. Con số này cho thấy có nhiều và ngày càng nhiều các giáo xứ phải „chia sẻ“ linh mục với nhau, điều này dẫn đến những gánh nặng lớn cho từng cá nhân linh mục. Tuổi trung bình của các linh mục lên cao và những con số quá nhỏ của những người chịu chức linh mục làm cho người ta không chờ đợi đến một tiến trình khả quan nào cho tương lai của ơn gọi linh mục.

Trong khi đó con số các phó tế vĩnh viễn lại tăng: từ 450 (năm 1978) lên hơn 1313 (1989). Thiên chức phó tế vĩnh viễn được Công Đồng Vatikan II tái thiết lập, khác với chức phó tế trước khi được truyền chức linh mục. Theo công đồng Vatikan II thì những người đàn ông đã lập gia đình cũng có thể đảm nhận chức vụ này. Điều này được đón nhận một cách nồng nhiệt. Thường thì các phó tế vĩnh viễn được truyền chức sau quá trình dài hoạt động nghiệp vụ thông thường. Có nhiều người là phó tế „bán chính thức“ (xét theo công việc mục vụ của họ, chứ không xét theo bí tích). Có nghĩa là: sau khi được truyền chức phó tế, họ không hoàn toàn dành thời gian hoạt động cho một công việc mục vụ Đức giám mục giao cho, nhưng tiếp tục hành nghề của mình và bên cạnh đó làm một công việc do Đức giám mục địa phương ủy nhiệm. Nhìn từ phía các cộng đồng giáo xứ, người ta không thể bỏ qua các phó tế vĩnh viễn. Những vị phó tế vĩnh viễn này hoạt động dưới quyền của các linh mục quản xứ và cộng tác với vị này trong mục vụ. Các phó tế vĩnh viễn cộng tác trong các nghi thức phụng vụ, giảng Lời Chúa trong thánh lễ, dạy giáo lý cho trẻ em, thanh niên và người trưởng thành, cũng như dạy giáo lý trong các trường học. Họ cũng được cử hành bí tích Rửa Tội, là đại diện giáo hội khi trong khi tham dự và chứng nhận bí tích hôn phối và cử hành nghi thức an táng. Hơn hết những phó tế vĩnh viễn phải đặc biệt quan tâm lo cho những người yếu thế trong xã hội, những bệnh nhân, người khuyết tật và người già cả, những người này hoàn toàn hay phần nào đó vì hoàn cảnh bị giới hạn tham dự vào những hoạt động của giáo xứ.

Cán Sự Viên Trong Những Hoạt Ðộng Mục Vụ

Việc giảm thiểu các linh mục dẫn đến một tiến trình tích cực có tính chất quyết định làm thay đổi đời sống giáo hội trong các cộng đoàn giáo xứ. Việc hoạt động mang tính cách chính thức của các giáo dân trong nhiều phạm vi mục vụ tăng lên. Thống kê vào năm 1978 cho biết có khoảng 284 cán sự viên giáo dân nam nữ, tốt nghiệp trương trình thần học ở đại học, cũng như 2.032 cán sự viên, tốt nghiệp trương trình thần học ngắn hơn tương đương với cao đẳng. Năm 1989 con số này nằm ở mức 1.339 (đại học) và 3.479 (cao đẳng). Năm 2001 có khoảng 2.816 và 4.291 đang hoạt động trong các công tác mục vụ. Từ khoảng 60 năm nay giáo hội Đức có những cộng tác viên mục vụ, và những người này hoàn toàn là phụ nữ. Trước đây đối với nhiều người các phụ nữ hoạt động trong các giáo xứ dưới hình thức là cộng tác viên của linh mục là hình ảnh quen thuộc, nhất là ở những nơi người công giáo sống phân tán (Diaspora). Từ đó nghiệp vụ cán sự viên mục vụ được nối tiếp. Ngày nay càng có nhiều người nam hoạt động trong lãnh vực nghiệp vụ này. Phạm vi hoạt động của họ giới hạn trong các giáo xứ và chủ yếu tập trung vào việc dạy giáo lý xưng tội rước lễ cho các trẻ em và giáo lý thêm sức cho thiếu niên, dạy giáo lý trong các trường học và hoạt động với các nhóm thanh thiếu niên cũng như phụ nữ. Cán sự viên mục vụ có tốt nghiệp thần học ở trường đại học là một nghiệp vụ mới mẻ trong giáo hội.

Cho dù con số những người giáo dân tốt nghiệp thần học có tăng, vì nhiều lý do, không phải chỉ vì luật độc thân cho linh mục mà họ đi theo chiều hướng là giáo dân hoạt động với tư cách cán sự mục vụ, các giám mục Đức không cho đó là một phương cách bù đắp cho việc thiếu linh mục, mà cho đó là sự bổ sung cho công việc của các linh mục. Qua đó các giám mục Đức nhìn nhận những hoạt động của các cán sự mục vụ là cơ hội mới cho giáo hội và là thành quả mới cho công việc mục vụ.

Việc cộng tác chung giữa các linh mục và giáo dân trong nhiều lãnh vực, sau những bỡ ngỡ bước đầu về vai trò và trách nhiệm của từng cá nhân, đã đưa đến một ý thức cho công việc chung và ý thức làm việc chung. Các linh mục nhận biết rằng họ không thể nào hoàn thành trọn vẹn được công việc mục vụ nếu không có sự cộng tác ủng hộ của giáo dân. Các giáo dân hoạt động trong nhiều lãnh vực mục vụ khác nhau nhận ra rằng, họ cần có sự nâng đỡ tinh thần của linh mục trong những công tác của họ.