DÒNG TIỂU MUỘI TẠI VIỆT NAM

Các Chị Tiểu Muôi Chúa Giêsu của Chân Phước Charles de Foucault đến VN và lập dòng đã hơn 50 năm (1953-2005). Khởi đầu là 6 chị người ngoại quốc đến Sàigòn sống tu và gieo trồng ơn gọi. Rồi sáu chị ‘‘được đặt cử từng hai đi’’ (x. Mc 6,7) mở ba nhà đầu tiên. ‘‘Như men trong bột’’ (Mt 13, 33) dần dần có các Chị VN tìm hiểu, gia nhập, và trở thành Tiểu Muội. Nhà đầu tiên của VN ở Bàn Cờ (1953) và nhà mới nhất ở tận Bản Chạp, Cao Bằng (1998 ?). Dù ở giữa thế gian gặp nhiều khó khăn, nhưng hãy vững lòng tin (x. Ga 17,13-18). Ngày nay có nhiều Tiểu Muội VN ở ngoại quốc, và trong nước hơn 30 chị sống thành cộng đoàn tự lập và điều hành như các cộng đoàn khác trên thế giới.

ĐƯỢC ÐẶT CỬ ÐI TỪNG HAI (Mc 6,7)

Ngày 7-9-1952, sau lễ nhận Thánh Giá của 29 em vào nhà Thử, tại phòng họp ở Tubet, Pháp, Chị Magdeleine đưa ra lời mời gọi : Ai muốn đi Ấn Độ, phương Đông hay Việt Nam. Có 6 người giơ tay xin đi VN : 4 chị đã khấn trọn, một vừa khấn trọn và một đang ở nhà Thử.

Ngày 7-11-1952, từ Marseille, trên chuyến tàu Na uy, mang tên ‘‘Skobring’’, có 900 binh lính đi tham gia chiến đấu tại VN và Đại Hàn, cùng đi VN chỉ có 6 phụ nữ đó là các Tiểu Muội : Anne Josèphe, Maryvonne, Solange, Jacqueline Monique, Francine (nhà Thử) và Renée (mới khấn trọn đời).

Ngày 21-11-1952, tàu cập bến Sài gòn, các chị được ĐC JM Cassaigne đón tiếp. Ngài niềm nở ưu ái và giới thiệu cho một gia đình VN. Hơn một tháng, các chị tạm tá túc tại nhà Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán. Trong khi đó, Chị Magdeliene và Cha Renée Voillaume đang ở Alaska, thành lập huynh đoàn cho ngườI Eskimo.

Ngày 2-1-1953, Chị Magdeleine và Cha Voillaume cùng đến Sàigòn. Sau khi gặp Đức Cha Sàigòn, Chị đi một vòng xuống Mỹ Tho, Vĩnh Long, lên Di Linh Đà Lạt và ra Huế. Cuối cùng, Chị Magdeleine quyết định chia 6 chị thành 3 nhà đầu tiên, theo tinh thần ‘‘đi từng hai’’ :

- Chị Renée, Jacqueline Monique (hiện ở Aix en Provence) ở lại Bàn Cờ, Sàigòn, nhà đầu tiên tại VN, chăm sóc bệnh nhân cùi ở Chợ Quán. Các chị làm việc ở viện Pasteur. Chị Renée có anh tử trận ở Hà Nội (2-3-1954), nên chị về Pháp ít lâu rồi lại trở qua VN.

- Chị Solange (hiện ở Toulouse), chị Maryvonne (ở Tubet) lên làng N’Krot, Di Linh sống với dân thiểu số.

- Chị Anne Josèphe và Francine ra Huế. Tháng 2-1955, chị Anne bị bệnh trầm trọng phải về Pháp và đã qua đời. Riêng chị Francine, tháng 1-1953, trở về Bỉ và nhập tu dòng khác. Nhà Huế tạm đóng cửa.

Nối tiếp cuộc hành trình sau 6 chị trên, trong những năm kế tiếp, còn một số chị khác cũng tình nguyện qua VN :

- Chị Madeleine Louise và Françoise Cécile đến vào tháng 11-1955, đã tham dự lễ tấn phong hai Đức Cha Simon Nguyễn Hòa Hiền và Phaolô Nguyễn Văn Bình. Hai chi lên Di Linh thay thế chị Solange lên lập nhà ở Đà Lạt, chị Maryvonne về Sài Gòn. ĐC Cassaigne cũng trở về Di Linh dịp này. Tại làng cùi, Đức Cha đã cho các chị mượn xe đạp để đi đó đây. Bỏ VN, chị Madeleine Louise về Hong Kong. Hiện chị đang ở Toulouse.

- Chị Marie Agnès và anh Bernard đến 2-1955, ra Huế, tiếp đồng bào di cư. Thời gian ở Huế, các chị hay đến tĩnh tâm ở Dòng Biển Đức Thiên An và Dòng Kín. Được cha trẻ Nguyễn Văn Thuận (sau là Hồng Y) giúp đỡ nhiều, trước khi cha du học Roma.

- Chị Geneviève Isabelle đến và sống ở VN từ 1960 đến 1970, đã ở N’Krot, Đà Lạt và Thị Nghè. Năm 1994, chị cùng gia đình trở lại thăm Huynh Đoàn cũ, và năm 2001 chị qua sống lâu dài tại VN.

- Chị Claire Agnès đến VN ngày 24-7-1954, Chị muốn ở lại luôn, nhưng chỉ có một năm. Chị làm việc ở viện Pasteur và nhà thương Chợ Quán lo cho người cùi. Dịp này Cha Voillaume đến thăm VN. Vì sợ liên lụy đến cha và các chị mới tới, Đức Cha Sàigòn đã gửi cha và chị vào lánh nạn ở nhà các nữ tu dòng Phaolô.

HOA QUẢ CỦA CÁC TIỂU MUỘI Ở VIỆT NAM

‘‘Như men trong bột’’ (Mt 13, 33)

Hiện nay tại VN, ngoài nhà chính ở Sài Gòn và 3 nhà đầu tiên nói trên, các Chị Tiểu Muội Việt Nam đang có mặt tại các nhà mới lập sau : ở Thị Nghè (lập năm 1954) Đà Lạt (năm 1955), bến Hàm Tử thay cho Bàn Cờ (1976), Kinh tế mới Bầu Cạn, Long Thành (1976), Kinh Tế mới Minh Tân (1977), Kinh tế mới Gò Quao, Kiên Giang (1978), Hà Nội (1997), Bản Chạp (1998 ?)…

Ngày 4-4-1954, Chị Magdeleine đến VN lần thứ hai, tình hình nghiêm trọng hơn. Năm 1977, đến Hà Nội lần nữa, có viếng thăm ĐC Giuse Trịnh Như Khuê, nhưng không lập được nhà nào ở miến Bắc. Trở về miền Nam, vùng Thị Nghè Sàigòn, nhờ các Chị Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa nhường lại căn nhà, Chị Magdeleine hài lòng lập được nhà Miền ở Thị Nghè. Mãi tới tháng 8-1997, hai chị VN ra Hà Nội mới lập được nhà.

Theo tinh thần của Dòng, các chị VN sống từng nhà như gia đình nhỏ từng ba bốn chị em sống hòa đồng giữa dân chúng, xóm bình dân, cả những nơi xa xôi, khô chồi vùng kinh tế mới. Xin ghi lại đây đôi nét về sinh hoạt của vài nơi, để biết được phần nào sự hy sinh và lòng quả cảm của các chị ‘‘bước theo Chúa Giêsu ở Nazareth, chị em phải chia sẻ những điều kiện lao động của những gia đình nghèo’’ (Hiến Chương đ. 83).

- Tại làng Nkrot, Di Linh, các chị nuôi gà rừng và vài con thỏ. Ngày kia, con thỏ đã gặm chuồng thành hình một trái tim, làm các chị được một trận cười. Khi đi trong rừng, các chi sợ nhất gặp trâu rừng đến húc bất cứ lúc nào. Một hôm, trong bữa, các chị chỉ có một cái trứng ăn với cơm. Từ nhà thừa sai Kala về nhà, một con gà rừng đã đẻ một trứng ngay trên đường các chị đi. Các Chị cho đó là dấu chỉ của Chúa và cảm tạ Ngài (Chị Solange). (Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất. Tập san kỷ niệm 50 năm thành lập Tiểu Muội ở VN. tr. 11)

- Cũng tại làng N’krot, sáng các chị đi lễ tại nhà các Cha Thừa Sai, ở Kala. Trong ngày làm việc ở nông trường hái trà, cà phê. Ngoài giờ làm việc, các chị theo phụ nữ vào rừng học đốn củi, chẻ củi, xếp vào gùi sao cho nhiều, giữ thế cân bằng không bị lộn nhào đổ xuống đất. Trẻ em đi học trường của các cha thừa sai. Chúng rất nhiệt tình giúp các chị học tiếng Thượng. Chúng thích hỏi các chị đủ điều. Một hôm, ba em nhỏ từ trường về, ghé thăm các chị. Thấy hình Cha Charles de Foucault, các chị để trên tủ nhỏ.

Em thứ nhất nói : Ông ta nhìn tao.

Em thứ hai : tao cũng vậy, Ông ta nhìn tao.

Em thứ ba lại gần tấm hình : nhưng Ông ta nhìn cả bọn mình.

Năm 1956, Đức cha Caprio, Khâm Sứ Tòa Thánh đến thăm. Các chị chỉ có một cái rương để ngài ngồi. (Madeleine Louise). (Sđd. tr. 18)

- Ở nhà thương Chợ Quán. Chị Solange phụ trách, tăng cường thêm chị Claire Agnès, và hai thỉnh sinh VN : Chị Marie Hương (đang ở Roma), và Thérèse Quy (đang ở Jérusalem). Các chị đến nhà thương làm việc luôn phiên, sáng hoặc chiều. Công việc quá nhiều, có làm cả ngày cũng không xong. Thật bất lực trước những khốn cùng của bệnh nhân. Dù khó khăn nhưng có nhiều niềm vui. Năm 1955, Cha Voillaume đến vào những ngày chiến tranh khốc liệt, để gần gũi và động viện chị em : ‘‘không cần tìm kiếm giải pháp quá loài người, nhưng nhìn lên cao, dưới ánh sáng Đức Tin và Tình Yêu’’. Người dân khu Chợ Quán vào những năm này gặp nhiều thử thách nặng nề : nhà cháy, người trong gia đình chết, cảnh sát nghi ngờ bắt giữ... Niềm vui trong cảnh xóm làng nghèo nàn cùng quẫn, và ước muốn hòa bình đánh động và thôi thúc các chị can đảm đến sống bên cạnh, và nâng đỡ họ. Sức mạnh nào, nếu không phải là Đức Tin và Tình Yêu Chúa Kitô. (Sđd. tr. 23-25).

- Công nhân đường cầu. Năm 1998, sau 45 năm đóng cửa, nhà Huế mở cửa lại. Công của hai chị VN. Nhà thì ở nhờ. Quan trọng là kiếm việc làm. Bị nhà thương từ chối, các chị cậy nhờ ông đội trưởng cầu đường nhận làm. Luật lao động cầu đường không nhận người trên 45 tuổi, như hai chị. Sau hơn một tháng, mới làm quen với công việc nặng nhọc này, tối ngày ngoài trời khuân vác. Bữa cơm trưa chung với công nhân : cơm, cá khô và canh ‘‘toàn quốc’’. Phải chia phần. Nếu không ăn mau thì hết. Thấy nặng nhọc, một chị được phân công rửa chén, chạy bàn trong quán cơm, từ 9giờ cho đến hết khách. Tới khuya về đến nhà, cũng chưa ổn. Lại đổi đi bán sách. Từ 6g30 đến 21giờ tối. Cuối cùng nhờ một sơ giới thiệu vào làm cho trường mù. Làm theo giờ hành chánh, nên mới có giờ gặp nhau và chầu Mình Thánh. Vẫn còn một chị làm cầu đường. (Sđd. tr. 42)

- Có muốn ‘‘qui y’’ không ? Sau 6 tháng, hai chị ra ở riêng. Nhà trọ lại ở ngay khu Phật giáo, có nhiều chùa. Một hôm, sau khi đi lễ về, một chị ghé quán ăn một tô cháo nóng. Bà chủ quán nói : thấy cô hiền lành, sống một mình, vất vả quá, có muốn qui y không ? Không khó, cứ thử xem, 15, mồng một cô lên chùa, họ quen, rồi xin vào tu, là được. Đi tu chỉ có tụng kinh và quét lá đa. Dễ quá mà ! Từ đó chị kia không dám đến ăn cháo nữa. Và cũng rời xóm chùa, rời nhà về thuê ‘‘căn xếp’’, trong khu dân chài chạy lụt, định cư trên đồi cao. (Sđd. tr. 43)

- Những người bạn ở Bản Chạp, vùng Cao Bằng. Bên cạnh nếp sống tu trì, các chị Tiểu Muội đã gặp và không thể làm ngơ trước cảnh những người mình thường gặp, như :

- Dìu một bà cụ ngồi bên vệ đường, với cây gậy, đôi chân run rảy, theo con đường ngoằn nghèo, dốc và trơn trượt về nhà... vào trong nhà, cụ còn hai con gái : một bị bại liệt, một bị đau tâm thần. Đến với gia đình cụ để cụ khỏi xót xa đau buồn vì bị bỏ rơi.

- Đến gặp một cụ ông ngồi lặng lẽ cô đơn trong căn nhà chưa trát xi măng. Các chị hỏi ông, ở đây có khu nào nghèo để các chị đến chung sống. Ông trả lời : Tôi là người nghèo đây. Thế là các chị đã thu dọn đến ở khu đồi cao hẻo lánh, ông đang ở.

- Các chị đến với một thanh niên N... mà người ta thường nói ‘‘đừng chấp nó nhé ! Nó không biết gì, như con trâu, con bò’’. Cậu không có học và chậm trí. Nhưng thực tế chuyên nghiệp đốn củi, chặt tre, đan lồng, làm chuồng gà, cày bừa, gieo hạt và bắt rắn. Con rắn nào nhỏ thì thả ra cho lớn mới bắt. Làm đâu ra đấy, đo rất chính xác bằng gang tay, không cần thước. Trong nhà, bao nhiêu việc nặng nhọc cậu gánh hết, gánh nước, nấu cơm, làm việc trong âm thầm lặng lẽ không than thở, chỉ biết chấp nhận. Anh là con người cởi mở, luôn sống cho người khác.

- Cụ T.. và Tr.. coi các chị như con cháu trong nhà, thường thăm hỏi và chỉ vẽ cho các chị vun khoai, bón ngô, trồng lúa, cấy dưa... Hai bên thân tình đến cả khi mưa nắng, mùa màng, lễ lạc trong nhà đều có nhau. Các chị đến để thêm tay rửa chén, dọn dẹp, đun nước, gánh bát đi trả.

- ‘‘Nhà Chúa đó ’’

- Cũng tại Bản Chạp, một ngày nọ, có người chỉ vào căn nhà các chị đang ở, hỏi : ‘‘Căn nhà nào lạ thế nhỉ ?’’ Một bà cụ tự nhận là mẹ các chị, trả lời : ‘‘Nhà Chúa đó’’. Điều mà người ở trong nhà’’ không hề nghĩ đến trả lời như vậy.

- Một hôm, cụ B.. đem nhang đèn, bánh đến xin các chị chữa bệnh tim và xuyễn nặng. Các chị có dịp cắt nghĩa cho bà về Thiên Chúa là Tình Yêu... Bà thật lòng tin Chúa, và bà được rửa tội. Một tuần sau dư luận trong làng cho là lòng tốt của các chị vì vụ lợi truyền giáo. Thật đau lòng và cần cảnh giác. Trước khi qua đời, bà cụ nói : ‘‘hãy cầu Chúa cho tôi’’. (Sđd. ttr. 47-50)

- Vùng kinh tế mới Minh Tân (lập năm 1977) là nơi những người từ khu ổ chuột chợ Nancy, đường Cao Đạt, và Nguyễn Biểu, từ Sàigòn chuyển về sống thành làng. Các chị Tiểu Muội cùng đi kinh tế mới như họ. Mỗi hộ được chia cho một căn nhà, mới có 6 cây cột giữa lau sậy cây rừng. Ban ngày nắng như thiêu. Ban đêm tiếng côn trùng, ếch nhái, và đầy muỗi. Giếng nước cạn và đục ngầu. Kinh tế mới gồm dân nghèo, nạn nhân tệ nạn xã hội. Tất cả đi làm chung, khai thác rừng. Gia sản được chia theo sức lao động. Năm 1982, Minh Tân bắt đầu trồng cao su. Một số dân từ Thanh Hóa vào làm công nhân. Hàng ngàn hecta cao su thế cho lau sậy và cây rừng. Các chị Tiểu Muội làm công nhân lai tháp. Hiện các chị sống nhờ vào trồng điều, hồ tiêu, một chị lo y tế. Kết quả thu hoạch điều và tiêu, lúc được lúc thua. Tình làng nghĩa xóm trở nên thân thiết. (Sđd. Ttr. 34-35)

- Noel trơ trọi ở Đà Lạt. Nhà ở Đà Lạt vào năm 1963, có chị sáu Hòa phụ trách, 3 chị khấn và Chị Bạch thử sinh (đang ở Úc). Noel 1963, các chị Đà Lạt đi mừng lễ với các chị ở N’krot. Chị em quay quần trong túp lều tranh nhỏ bé. Chiều 24-12, cơm và kinh chiều xong, chị An và Madeleine Louise cầm đèn dầu dẫn chị em đi nhà thờ. Trên đường mòn cây um tùm, trời tối đen chẳng thấy gi chung quanh. Nhìn lên trời chỉ có ánh sao xa lóng lánh. Chị em dõi bước nhau đến nhà thờ. Trước lễ nửa đêm, cha sở cho xem phim, có một nhóm đông gia đình anh em dân tộc đến xem. Phim vừa xong họ ra về hết. Trong lễ chỉ có cha sở và các chị em Tiểu Muội. Mọi người ngỡ ngàng và bùi ngùi vì đột ngột này. Về đến nhà Huynh Đoàn, chỉ có một tượng Chúa Hài Đồng bằng đất nhỏ bé đang cười tươi vui vẻ đón chào chị em, như chúc bình an giáng sinh. Thì ra, mầu nhiệm Giáng Sinh là trơ trọi, vô hình, không ai biết đến. (SSđ. tr. 60)

- Nhà ở N’krot đóng cửa (1973) phải tháo gỡ gửi các cha Thừa Sai ở Kala. Vì ở Di Linh các làng phải tập trung. Chị thì về Sàigòn làm việc trong phòng xét nghiệm. Chị khác lên Đà Lạt làm hộ lý cho bệnh viện. ở Đà Lạt có chị Catarina Bê, chị Anna Mến. Các chị đào lỗ khui mạch nước tưới cây, và ăn uống. Tháng 8-1973, các chị trở lại khu 4 làng tập trung gần B’deur, mượn nhà để ở, mướn đất trồng trọt, và đi làm theo nhóm tại nông trại Bảo Lộc, ăn cơm trưa chung giữa cánh đồng. Chúa nhật có một cha đến làm lễ trong một kho dùng làm nhà nguyện. Các gia đình đến đông và chăm chú nghe cha giảng. Có lần cha xin quyên góp giúp cho một nơi khẩn cấp. Một bà rất nghèo đã cho tất cả những gì bà có. Lần khác tương tự, họ cho đi cái ít ỏi mình có. (Sđd. Tr. 19-20)

- Coi bói. Năm 1954, Chị Magdeleine đến Hà Nội, mà không lập được nhà. Tháng 8-1997, hai chị VN ra Hà Nội. Bước đầu hai chị có việc làm ngay. Một người làm tạp vụ trong khách sạn. Chị khác làm trong nhà dưỡng lão. Cuối ngày làm việc, hai chị lại chạy xe đạp đi tìm chỗ ‘tựa đầu’. Cuối cùng tìm được căn nhà của người bạn cũ, xa chỗ làm hơn 10 cây số. Ngoài bắc, trời rét lạnh nhất vào tháng ba. Một hôm có tiếng gõ cửa. Trong nhà hỏi ra : ai đó ? Tiếng ngoài cửa vọng vào : Cô ơi, bói cho em một quẻ. Vì bà chủ nhà trước là thầy bói. Nhớ lại, năm 1951, tại Roma, Chị Magdeleine cũng có huynh đoàn là nhà của thầy bói. Lúc đó, Chị nói : ‘‘Thiên Chúa được đặt ở chỗ này thì rất thích hợp’’. Nay các chị có căn nhà nhỏ, dễ thương, khu bãi đất dưới gầm cầu, bên bờ sông Hồng. Mùa nước lũ, nước ngập hết, có khi nước vô nhà nước hơn một mét. Của lễ dâng Chúa mỗi ngày là chị em trở nên ‘‘một người trong họ’’. Đây mới đúng là tinh thần Nội Qui ‘‘Dù chôn vùi nơi nào, chị em hãy là men : men của sự hiền lành và tình thương (số 112).(Sđd. ttr. 44-45).

Để kết luận xin mượn đôi lời của một vài chị ngoại quốc đã đến sinh sống tại VN, viết lại những kỷ niệm cho các chị VN, mà các chị cho là ‘‘món quà quí giá Chúa ban, không bao giờ quên trong đời tu’’.

- Chị Yohanna Misao, người Nhật, đến VN từ 1962-1974, mỗi năm 2-3 tuần, viết : suốt 50 năm, Huynh Đoàn VN đã trải qua bao nhiêu biến cố, và cuộc sống tiếp tục bất chấp cuộc chiến đau thương. Nhưng Thiên Chúa vẫn muốn Huynh Đoàn hiện diện ở VN. Tôi nghĩ nhiều đến các chị em đã trải qua những năm khắc nghiệt này. Các chị đã can đảm kiên trì giữa những thử thách và luôn tin cậy hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Nhờ đó, những chị em trẻ có thể theo con đường của Huynh Đoàn để dâng hiến đời mình... Khi nghĩ lại những lần đến VN, tôi thấy mình chẳng làm gì đặc biệt, tôi chỉ mang đến và chuyển lại các chị sự thân ái của chị Magdeleine. Chị ấy luôn luôn gần gũi chị em. Điều đó đã cho chị em can đảm tiếp tục tiến bước. (Miyadera.15-4-2003.) (sđd. ttr. 86-87)

- Chị Monique Yvette gửi thư từ Paris. Chị qua VN lần đầu vào năm 1994, đã gặp ĐTGM Nguyễn Văn Bình, các linh mục, đi thăm các nhà ở Long Thành, Minh Tân và Đà Lạt. Chị chia sẻ ‘‘những gì còn trong lòng thật chân tình’’ : Chị em đã kể rất nhiều về các biến cố của dất nuớc, những ước muốn bất chấp tất cả. Chúng ta đã cùng cười và cùng khóc với nhau. Mỗi năm chúng ta họp theo nhóm : khấn tạm, tập sinh, khấn trọn và các chị em phụ trách. Chúng ta nói rất can đảm về quá khứ, hiện tại và tương lai cần xây dựng. Mổi năm có khác biệt và kinh nghiệm trải qua. Tạ ơn Chúa vì đức tin, sự can đảm lòng kiên trì của những chị lớn tuổi qua biết bao thử thách. Tạ ơn Chúa vì niềm vui và sự năng động của chị em trẻ, vì sự trung thành với việc cầu nguyện của chị em. Các Huynh Đoàn mà tôi đi thăm là nhũng môi trường xen kẽ thật tuyệt vời. (Paris. 22-6-2003). (Sđd ttr. 88-89)

- Chị Annie, cố vấn Á Châu, người Pháp, đã kể mình đến VN ba lần. Lần đầu (1953), cùng đến với Chị Magdeleine, chị Jeanne và cha Voillaume. Phái đoàn đi thăm một nhóm bệnh nhân phong cùi trong cảnh cùng quẫn ở nghĩa trang người Hoa. Chị Magdeleine nghĩ đến sự hiện diện của Tiểu Muội giữa họ. Đến vùng Đà Lạt rồi xuống Di Linh, thăm làng N’krot. Ở đây nhiều beo, cọp rừng quấy phá dân làng, nên người ta ở nhà sàn. Lần thứ hai (1954) tháp tùng Chị Magdeleine đi thẳng Hà Nội, Chị Magdeleine bị thu hút bởi đám dân chài sống trên thuyền. Về Sàigòn, trong căn nhà lá chen chúc, cha Voillaume đã cử hành Lễ Phục Sinh. Và lần thứ ba (1955), thăm làng N’krot, Di Linh. Ở đây, chị Maryvonne đã khai thác được đám đất chung quanh nhà sàn, và đã có nhà nguyện. Chị viết về tình cảm dành cho các chị VN : Tôi luôn mang trong lòng sự biết ơn rất lớn đối với những chị em Tiểu Muội VN đầu tiên. Chị em là những viên đá móng, đã cho phép Huynh Đoàn được đâm rễ và phát triển trong đất nước. (Tre Fontane, 7-2003) (Sđd. tr. 83-96)

*** Viết theo ‘‘Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất’’.

Tập san kỷ niệm 50 năm thành lập Tiểu Muội ở Việt Nam - 1953-2003.

(Nguồn: www.giaoxuvnparis.org)