Về Thánh Nữ Maria Mađalêna
Maria Mađalêna |
Vẽ lại chân dung đích thực của Thánh Nữ Maria Mađalêna 2000 năm về trước quả là một chuyện khó khăn. Tuy nhiên, thiết nghĩ cách hay nhất là chúng tôi sẽ cố gắng dựa vào Thánh Kinh và các tài liệu hiện có để tìm cách giải đáp một số thắc mắc căn bản và trình bày một vài truyền thuyết khả tín liên quan đến những năm tháng cuối đời của Thánh Nữ.
Mađalêna có phải là người đàn bà ngoại tình không?
Phúc âm Thánh Gioan viết: “Lúc đó các luật sĩ và biệt phái dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một người phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa rồi nói với Người: Thưa Thầy, người đàn bà nầy bị bắt quả tang ngoại tình. Theo luật Môi-sen chúng tôi phải ném đá người đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8:3-5). Và chúng ta biết được kết cuộc là Chúa Giêsu đã cứu bà thoát chết, tha thứ tội lỗi cho bà và căn dặn: “Thôi, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga 8:11). Người đàn bà vô danh đó ra về và các Phúc âm không hề nhắc đến bà nữa. Câu chuyện nầy xảy ra ở vùng đền thờ Giêrusalem.
Riêng về Maria Mađalêna, Phúc âm ghi rõ bà là em của Martha và là chị của Lazarô, quê ở tỉnh Mađala trong miền Galilê, thuộc gia đình khá giả, rất xinh đẹp, tóc dài và quăn, là người được Chúa yêu thương đến nỗi người chị là Martha phải ganh tị và có lần đã phân trần với Chúa Giêsu khi Ngài đến thăm (Lc 10:38-42). Lúc còn thanh xuân, bà bị “quỷ ám”, có những hành động thiếu tự chủ, và vì thế về sau bà phải thống hối để chuộc lại lỗi lầm. “Mađalêna là người được Người trừ cho khỏi bảy quỷ.” (Mc 16:9). Và, “Cùng đi với Người có nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là Maria gọi là Mađalêna, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ...” (Lc 8:1-2). Phúc âm không ghi rõ bảy quỷ đó là những quỷ nào nhưng chắc chắn không có quỷ ngoại tình. Lý do giản dị là từ Galilê thuộc miền cực bắc Do-thái đi về thủ phủ Giêrusalem ở tận miền nam, phải trải qua một đoạn đường bộ chằng chịt đồi núi và sa mạc, dài hằng trăm cây số. Với phương tiện giao thông thô sơ cách đây 2000 năm, thiết nghĩ chẳng có cô gái 16, 17 nào như Mađalêna lại có hứng thú lặn lội đường xa về thủ đô để ngoại tình và để bị bắt quả tang !
Có một điều đích xác là sau khi được Chúa trừ khỏi bảy quỷ, Mađalêna đã hối cải và tỏ lòng yêu thương cảm kích vô cùng đối với Đấng đã cứu vớt mình. Bà đã dùng nước mắt rửa chân cho Ngài, lấy tóc lau khô chân Ngài và dùng bình ngọc đựng dầu thơm xức chân cho Ngài. Đáp lại, Chúa Giêsu cũng bày tỏ lòng yêu thương quý mến đối với bà và dành cho bà những đặc ân như sẽ thấy ở phần sau.
Mấy vấn đề chung quanh Maria Mađalêna
Vấn đề 1 – Sự lầm lẫn giữa các bà mang tên Maria.
Trong những thế kỷ đầu của Giáo hội sơ khai, cũng có rất nhiều tin được tung ra để làm hại phẩm giá của người phụ nữ được Chúa yêu thương nầy. Bà là người hăng hái đóng góp của cải để nuôi các Tông đồ sau khi Chúa Giêsu về trời, là người hăng say kể lại những điều mắt thấy tai nghe về Chúa Giêsu, về những lời giảng dạy của Ngài. Điều nầy cũng làm nẩy sinh nhiều đố kỵ kể cả nơi một số môn đệ nam giới. Lại nữa, theo thói quen của người Do-thái thời bấy giờ, các Phúc âm ít khi nói đến họ của các bà, chỉ gọi tên mà thôi, mà gọi tên thì chúng ta thấy có ít ra là bốn bà mang tên Maria, kể cả Đức Mẹ Maria. Bà Maria ở Bêthania gần thủ phủ Giêrusalem được gọi là người tội lỗi, phải chăng bà là người phụ nữ ngoại tình đã nói ở trên? Ngay cả Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, năm 591, cũng có sự lầm lẫn giữa các bà mang tên Maria nầy khi nói về Thánh Nữ Maria Mađalêna, cho rằng Thánh Nữ là người tội lỗi ở Bêthania.
Vấn đề 2 – Có cuốn Phúc Âm mà tác giả Maria Mađalêna không?
Vào những thế kỷ đầu, cũng nghe nói tới Phúc âm do Mađalêna viết. Tuy nhiên ngay từ năm 180, thánh Iraneus đã bài bác về những cuốn Phúc Âm cho là ngụy thư như Phúc Âm của thánh Tôma, Phúc Âm của Thánh Philipê, và Phúc Âm của Juđa cũng như Phúc Âm của Maria Mađalêna. Những Phúc Âm này không được Giáo Hội liệt kê vào Sổ Bộ Thánh Kihnh Tân Ước.
Tuy nhiên, lại cũng có người cho rằng Phúc âm của Thánh Gioan, tác giả chính là Maria Međalêna, vì Thánh Gioan không bao giờ nhắc đến tên mình, chỉ ghi là do người môn đệ Chúa yêu viết. Giáo hội không hề bao giờ công nhận Maria Mađalêna là tác giả Phúc âm thứ Tư.
Vấn đề 3 – Có gì bí ẩn của bức họa Bữa Tiệc Ly không?
Bức họa Bữa Tiệc Ly do Leonardo da Vinci |
1) Mađalêna được gọi là người phụ nữ Chúa yêu thương vì thế không lý do gì lại thiếu mặt bà trong bữa ăn từ giã của Chúa. Chắc chắn bà đã xức dầu thơm lên đầu, mình và chân Chúa như bà vẫn thường làm. Và vì được Chúa yêu thương nên bà phải được ngồi ở vị trí quan trọng là phía bên phải, sát ngay bên Chúa Giêsu.
2) Tiếng mađala trong thổ ngữ vùng Galilê thời đó (talmudic) còn có nghĩa là cô gái có tóc quăn. Người môn đệ trong bức họa lại có tóc dài và quăn. Họ nói đích thị da Vinci cố tình vẽ Thành Nữ Mađalêna rồi, vừa trẻ, vừa có tóc quăn, lại ngồi ngay bên phải Chúa !
Thực ra, đây toàn là những điều suy diễn gượng ép cố tình áp đặt lên Thánh Nữ với dụng ý dùng ngài làm cớ để mong làm xáo trộn một số giáo huấn của Chúa Giêsu cũng như của Giáo hội, nhất là về thiên chức Linh mục. Phong trào đòi hỏi Giáo hội phải truyền chức Linh mục cho nữ giới trở nên rầm rộ, nhất là sau khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, năm 1995, lên tiếng khẳng định việc “Thánh Kinh ghi rõ Chúa Kitô đã chọn các Tông đồ trong nam giới”, và không chấp nhận cho nữ giới làm Linh mục. Tại Mỹ, ồn ào nhất vẫn là nhóm Ellen Turner ở San Jose, gồm khoảng 30 người đến từ khắp nơi kể cả Oakland. Họ tự nhận là phái Tân Mađalêna (Neo-Magdalenites), tụ họp với nhau vào mỗi buổi chiều ở khu vườn sau nhà, hướng về phía mặt trời lặn mà ca hát, đọc các đoạn Phúc âm nói về Mađalêna, giảng thuyết về Mađalêna, rồi truyền phép bánh rượu và phân phát cho các người tham dự, y hệt như các nghi thức trong Thánh lễ. Ellen tự nhận là người tiếp nối chức Linh mục của Thánh Nữ Mađalêna !
Chúng ta không lạ gì mỗi khi có trận hỏa mù được tung lên, thế nào cũng lôi cuốn được vài con nhạn la đà vô tình hay cố ý chạy theo để cho có người tung kẻ hứng nhịp nhàng và ồn ào dù biết rằng những đòi hỏi quái gở của họ đã và sẽ không bao giờ được Giáo hội chấp nhận.
Những đặc ân Chúa dành cho Thánh Nữ Mađalêna
Mađalêna dưới chân Thánh Giá |
1. Bà là người, tuy Phúc âm không nói rõ tên, chắc chắn đã cùng với Mẹ Maria âm thầm lần bước theo các chặng đường tử nạn của Chúa Giêsu, bất chấp những khó khăn nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân bà.
2. Trên đỉnh đồi Golgotha, bà đã cùng Mẹ Maria đau đớn chứng kiến những cực hình mà Chúa Giêsu cam chịu, bị xua đuổi, bị sỉ nhục và cuối cùng chứng kiến cái chết thê lương của Ngài trên thập giá.
3. Bà đã có mặt trong khi thân xác nhuộm máu của Chúa Giêsu được tháo từ thập giá xuống, và chứng kiến việc táng xác Ngài trong ngôi mộ đá mới.
4. Hơn hết, bà là một trong số các phụ nữ nhanh chân chạy đến viếng mộ Chúa vào ngày đầu tuần, là người đầu tiên được Chúa Kitô phục sinh hiện đến, chuyện trò và được Ngài căn dặn phải đi thông truyền Tin mừng Sống lại cho các môn đệ của Ngài (Mc 16:9-11 và Ga 20:11-18). Bản văn In Touch Ministries viết: “Maria là người đầu tiên được nhìn thấy Chúa phục sinh, một phần thưởng vô giá mà bà nhận được do lòng yêu mến không hề lung lay của bà.”
Năm tháng cuối đời của Thánh Nữ Maria Mađalêna
Theo truyền thuyết và chứng từ đáng tin cậy từ các tín hữu thời sơ khai thì sau khi Chúa Giêsu về trời, Thánh Nữ Mađalêna đã gom hết gia sản của mình để nuôi dưỡng các Tông đồ trong những ngày các ông sống ẩn dật để cầu nguyện và trông chờ Chúa Thánh Thần hiện đến. Sách Tông Đồ Công Vụ ghi vắn tắt: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Ngài.” (Cv 1:14). Và sau đó, cùng với các ông, Thánh Nữ đã lớn tiếng loan truyền những điều bà đã được nghe, được thấy, được chứng kiến nơi Chúa Giêsu trong suốt thời gian bà quen biết và đi theo Ngài.
Các nhà nghiên cứu Thánh kinh nêu lên hai truyền thuyết có phần khả tín hơn kém về những năm cuối đời của Thánh Nữ Maria Mađalêna, như sau:
1) Giáo hội Chính Thống Hy-lạp tin rằng Thánh Nữ đã cùng với Đức Mẹ Maria dời nơi cư ngụ về thành Êphêsô rồi qua đời tại đó. Năm 886 hài cốt của Thánh Nữ được chuyển về mai táng tại thành Constantinople. Truyền thuyết nầy ít được phổ cập.
2) Truyền thuyết khác nói rằng 14 năm sau khi Chúa Giêsu về trời, một số người Do-thái vẫn còn căm tức những người đã theo Chúa Giêsu, bèn bắt Thánh Nữ cùng với chị là Martha và em là Lazarô, người đầy tớ gái là Sara và xác của Bà Thánh Anna (Mẹ của Đức Trinh Nữ Maria), tất cả bỏ lên một chiếc thuyền con không có mái chèo, thả cho trôi lênh đênh trên biển cả. Thuyền may mắn tấp vào bờ biển miền nam nước Pháp. Tại đây, sau khi đã rao truyền Tin Mừng cho khắp các miền Marseilles và Provence, Thánh Nữ lui về sống biệt cư trong hang động La Sainte-Baume suốt 30 năm trời, hằng ngày có Thiên thần mang Mình Thánh đến làm lương thực duy nhất nuôi dưỡng bà. Bà qua đời năm 72 tuổi, nhưng lúc còn hấp hối, Thánh Nữ được các Thiên thần đưa về nhà nguyện Saint Maxim, ở đó Thánh Nữ được Đức Giám mục sở tại ban các phép bí tích cuối đời và tắt thở. Sau nhiều lần xác Thánh Nữ được phân tán nhỏ để dễ di chuyển vì các biến cố thời cuộc mang tính cách bạo động của nước Pháp, năm 1822 chỉ còn lại xương sọ của Thánh Nữ được trang trọng đặt trong hòm kiếng tại nhà thờ La Sainte-Baume (được xây cất chính nơi hang động Thánh Nữ đã sống biệt cư) để khách hành hương mộ mến Thánh Nữ đến kính viếng.
Nhận chân được công nghiệp cao cả của Thánh Nữ, một người đã được chính Chúa Giêsu yêu thương, một người đã góp phần không nhỏ trong việc rao truyền Lời Chúa và xây dựng các Cộng đoàn tín hữu thời sơ khai, Giáo hội đã tôn phong Maria Mađalêna lên hàng các Thánh tiên khởi và đặt ngài làm Quan thầy của rất nhiều Hội đoàn và Giáo xứ trên toàn thế giới.
Lễ kính Thánh Nữ được long trọng cử hành hàng năm vào ngày 22 tháng Bảy.
Tàl liệu tham khảo:
1) Catholic Online, St. Mary Magdelene, 2004
2) Lisa Mclaughlin, Mary Magdelene Saint or Sinner, Time Magazine, August 11, 2003
3) In Touch Ministries, Called by Name, 2005
4) Hugh Pope, St. Mary Magdalen, Catholic Encyclopedia, Volume IX, November 3, 2004
5) Ramon K. Jusino, M.A. Mary Magdalene: Author of the Fourth Gospel? 1998
6) Infopedia, Mary Magdalene, Saint, Softkey Multimedia Inc., 1996
7) Nhóm Phiên Dịch, Kinh Thánh Trọn Bộ, Nxb Thành phố HCM, 1999.
8) The New American Bible, Saint Joseph Edition, 9/1991