LTS: Ngày 30 tháng 9, VietCatholic đã đăng bài Lậy Chúa, Chúng Con Không Biết Ăn Nói của Linh Mục Nguyễn Hồng Giáo. Hôm nay, chúng tôi nhận được bài Cứ Phải Nói Dù Không Biết Nói của Linh Mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh. Vietcatholic đăng bài này để rộng đường dư luận.

Tác giả

Sáng 30-09-2009, ở đầu điểm nóng trang mạng Vietcatholic có bài “Lạy Chúa, chúng con không biết ăn nói” của linh mục Nguyễn Hồng Giáo, Dòng Phan-xi-cô. Cha Giáo ít khi xuất hiện trên Vietcatholic, nhưng đối với giới Công Giáo ở trong cũng như ngoài nước, ngài không phải là một người xa lạ: ngài là người đứng đầu Dòng Phan-xi-cô Việt Nam trong nhiều năm liên tiếp, lại là người điều hành Ban Tu Sĩ Thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 2 thập niên sau 1975, là giáo sư Triết của nhiều thế hệ linh mục Sài Gòn, và là một cộng tác viên đắc lực của tờ “Công Giáo & Dân Tộc”. Dài dòng như thế để hiểu thái độ trân trọng của Vietcatholic.

Nội dung

Nội dung bài viết của cha Giáo nằm ngay trong tựa đề: “Lạy Chúa, chúng con không biết ăn nói”. Đây có thể được xem như tiêu đề bài giảng ngày 23-06-2009 của đức cha Phao-lô Bùi Văn Đọc, giám mục Giáo phận Mỹ Tho, Chủ tịch Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin của HĐGM/VN, trước sự hiện diện của tất cả các giám mục Việt Nam trong thánh lễ đồng tế tại vương cung thánh đường thánh Phao-lô ngoại thành, với sự tham dự đông đảo của linh mục, tu sĩ, giáo dân Việt Nam đang làm việc hay học tập tại Rô-ma, cùng với đoàn hành hương của giáo xứ Việt Nam tại Pa-ri. Bài viết của cha Giáo dài suýt soát gấp đôi bài giảng của đức cha Đọc, trong đó cha Giáo cho thấy tầm quan trọng của người nói, của địa điểm và thời điểm, liên quan đến một đề tài đã được nhiều người Công Giáo Việt Nam ở trong và nhất là ngoài nước đề cập tới, đó là sự thinh lặng của các giám mục Việt Nam trước các vấn đề thời sự nóng bỏng, đặc biệt trong những năm gần đây: từ vụ cha Nguyễn Văn Lý, đến các vụ dân oan, bauxite, đến việc các nhà bất đồng chính kiến bị bỏ tù, và đặc biệt hơn nữa, vì trực tiếp liên quan đến Giáo Hội Công Giáo, đó là các vụ Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Toà, Loan Lý… Ngoại trừ một câu duy nhất, ngắn gọn, có vẻ được thêm vào “cho có chị có em” đó là câu “Nhưng thận trọng, cân nhắc có thể trở thành nhút nhát, do dự dẫn tới thiếu sót trong trách nhiệm”, còn toàn bài viết của cha Giáo là một lời biện minh hùng hồn cho lập trường giữ thinh lặng của các giám mục được giãi bày trong bài giảng của đức cha Đọc. Bài viết như một luồng gió mát giữa tiết trời oi bức do rất nhiều bài viết tạo ra, ở trong nước thì không có bao nhiêu (có lẽ do ngại không dám viết) nhưng ở ngoài thì rất nhiều, và có khi rất nặng nề, cho thấy nỗi chán chường nếu không nói là thất vọng của người tín hữu, giáo sĩ cũng như giáo dân, trước thái độ thờ ơ lạnh lùng của các giám mục Việt Nam. Các giám mục hẳn là vui khi thấy đồng minh của mình là một tiếng nói có trọng lượng.

Một số điểm cần làm sáng tỏ

Mở đầu bài giảng đức cha Đọc đề cập đến những khó khăn của các giám mục: “Trước sự phức tạp của tình hình thế giới, trước những thế lực giằng co chống đối nhau luôn muốn lôi kéo chúng tôi về phía họ… Để không làm công cụ cho một thế lực chính trị nào, chúng tôi phải giữ gìn lời ăn tiếng nói…” Đây là những điều dễ hiểu, và ai cũng thông cảm cho các giám mục. Thế nhưng khi “giữ gìn lời ăn tiếng nói” có nghĩa là ngậm miệng làm thinh để không nói gì, thì cũng có thể bị lợi dụng. Ví dụ hồi nổ ra vụ cha Nguyễn Văn Lý, chính sự thinh lặng của các giám mục đã khiến Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết nghĩ mình có lý do để tuyên bố với hãng CNN Hoa Kỳ: “HĐGM/VN và Toà Thánh Va-ti-can cũng đồng tình và ủng hộ việc xét xử linh mục Nguyễn Văn Lý” (Tuổi Trẻ ngày 07-07-2007).

Đức cha Đọc cũng nói đến thái độ lạc quan của ngài và của nhiều giám mục. Ngài nói: “chúng tôi vẫn tươi cười, vẫn làm việc hăng say, hết lòng phục vụ Dân Chúa và những người chưa biết Chúa”. Chúng ta mừng cho ngài, cho các giám mục. Cũng cần nói thêm rằng không riêng gì các giám mục, nhưng bất cứ người tín hữu bình thường nào cũng không thể phủ nhận những gì là tốt đẹp, là tích cực Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chúng ta đã và đang làm trên đất nước hôm nay, dưới chế độ cộng sản.

Đức cha Đọc còn nói: “Đã có một thời cách đây khoảng 50 năm, có rất nhiều người ước ao được hiện diện, được rao giảng Tin Mừng Chúa Giê-su tại các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Sô, các nước Đông Âu, Trung Hoa lục địa, mà không được mãn nguyện. Bây giờ, chính chúng tôi, được hiện diện, được rao giảng Tin Mừng trong một Nước cộng sản…” Chẳng phải các giám mục Việt Nam sung sướng khi sống dưới chế độ cộng sản, nhưng đoạn này cho thấy các ngài hài lòng với thứ tự do đang có: “được hiện diện, được rao giảng Tin Mừng…” cụ thể là được xây nhà thờ, mở chủng viện, truyền chức linh mục, cử hành bí tích, v.v… Những chuyện này, không ai phủ nhận. Vấn đề là để được những thứ đó, cái giá phải trả là Giáo Hội Công Giáo phải ngậm miệng làm thinh mặc cho chế độ cộng sản Việt Nam tung hoành như mọi người đang chứng kiến.

Khi nói “anh chị em hãy khích lệ chúng tôi rao giảng Tình Yêu Thiên Chúa bằng ‘lời nói và hành động’, cho mọi người, không trừ một ai”, trong văn mạch, phải hiểu: Kể cả người cộng sản. Nhưng cứ theo chữ nghĩa mà nói, “không trừ một ai” trên đất nước Việt Nam hôm nay, thì còn phải nghĩ đến bao người dân oan mỏi mòn tìm công lý, bao nhiêu người đang ở tù chỉ vì bị coi là chống chế độ. Và còn biết bao nạn nhân của gian dối, bất công, bao nhiêu người thấp cố bé họng bị gạt ra bên lề xã hội. Ngay cả khi chính con cái mình, giáo dân và linh mục, bị đánh đập tàn nhẫn, kẻ u đầu, người gãy răng, mà từ hàng giám mục không được một lời ủi an khích lệ, không có được một cử chỉ hiệp thông cầu nguyện thì phải hiểu thế nào? Có phải cứ giữ miệng làm thinh trước bạo tàn, bất công gian dối là có thể “rao giảng Tình Yêu của Thiên Chúa bằng lời nói và hành động?

Đức cha Đọc nói tiếp: “Nếu có ai không thích cộng sản, người ấy không nên yêu cầu chúng tôi khích bác họ.” Chắc không có ai yêu cầu các giám mục “khích bác” cộng sản đâu, vì làm như thế là thiếu khôn ngoan và chẳng ích lợi gì. Nhưng sống trong một xã hội gian dối, bất công, phi nhân, thì thinh lặng là gì nếu không phải là đồng loã ?

Lấy Lời Chúa làm điểm tựa

Nhưng có lẽ điều quan trọng đáng nói nhất trong bài giảng đức cha Đọc là việc ngài lấy Lời Chúa làm điểm tựa.

Trong một bối cảnh hết sức đặc biệt như đã nói ở trên, đức cha Đọc có vẻ không phải minh định cho bằng giãi bày nỗi niềm của mình, và cũng là của anh em giám mục của mình. Để làm việc đó, ngài dựa vào lời Chúa trong đoạn sách Giê-rê-mi-a đọc trong thánh lễ hôm đó. Trong đoạn sách này, qua cuộc đối thoại giữa ngôn sứ với Thiên Chúa, ngôn sứ Giê-rê-mi-a kể lại câu chuyện ông được Thiên Chúa kêu gọi đi làm ngôn sứ, đi truyền đạt lời Chúa cho anh em. “Lạy Đức Chúa, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói !(Gr 1,6). Trong bài của cha Giáo, tác giả chỉ dừng lại ở đây thôi. Nhưng trong bài giảng của mình, đức cha Đọc còn đi xa hơn khi trích dẫn đoạn tiếp theo, là lời Chúa nói với ngôn sứ: “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi, Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói(Gr 1,7). Trích dẫn câu này để biện minh cho sự thinh lặng của mình thì đã là chuyện lạ rồi. Càng lạ hơn nếu ta đọc tiếp lời của Chúa trong đoạn sách Giê-rê-mi-a, nhưng đức cha Đọc đã bỏ không trích dẫn: “Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi, – sấm ngôn của Đức Chúa. Rồi Đức Chúa giơ tay chạm vào miệng tôi và phán: Coi, hôm nay ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng(Gr 1,7-10). Như thế có nghĩa là Chúa không chấp nhận lý do Giê-rê-mi-a đưa ra nhằm từ chối sứ mạng được giao: “quá trẻ, không biết ăn nói.” Đổi lại Chúa hứa với Giê-rê-mi-a: “Có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.” Lời hứa của Chúa, vẻn vẹn chỉ có vậy. Thế nhưng nếu ta hiểu, nếu ta tin Thiên Chúa là Đấng nào, thì lời hứa đó là quá đủ. Và ngay sau đó là một sứ mạng khủng khiếp ngôn sứ phải chu toàn: “đứng đầu các dân các nước để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng.

Được chọn làm ngôn sứ thì phải chu toàn sứ mạng

Như vậy, câu chuyện Giê-rê-mi-a được Chúa gọi đi làm ngôn sứ không đơn thuần chỉ có việc Giê-rê-mi-a e dè, ngần ngại, không dám nhận trách nhiệm với lý do “Lạy Chúa, con đây còn quá trẻ, không biết ăn nói” để đức cha Đọc làm điểm tựa cho bài giảng, và từ đó biện minh cho thái độ thinh lặng của các giám mục. Ta hãy lấy một ví dụ khác: Trước câu hỏi có phải nộp thuế cho Xê-da không, Đức Giê-su đã trả lời: “Của Xê-da, hãy trả lại Xê-da”. Nhưng Đức Giê-su đã không dừng lại đó. Vế này chỉ là cái đà dẫn tới vế tiếp theo: “Của Thiên Chúa, hãy trả lại Thiên Chúa”, và vế sau quan trọng hơn vế trước bội phần. Trong cuộc đối thoại giữa Giê-rê-mi-a và Thiên Chúa cũng vậy. Lời mở đầu của Giê-rê-mi-a chỉ mới cho ta thấy con người, cho thấy tình huống. Giê-rê-mi-a đưa ra lý do để thoái thác, nhưng Chúa không chấp nhận. Ngài đưa ra một đảm bảo: “Có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”. Và liền sau đó Chúa giao sứ mạng như đã nói ở trên.

Khi lời Đức Tổng Bình, hay gần đây là lời Đức Tổng Kiệt bị báo đài Nhà Nước cắt xén thì chúng ta phẫn nộ, nhưng khi chính Lời Chúa cũng bị cắt xén, ta phải hiểu thế nào?

Làm ngôn sứ phải trả giá

Giê-rê-mi-a không chỉ nghe lời Chúa và đi công bố cho anh em, nhưng đã trả giá bằng cả cuộc đời mình. Đọc sách Giê-rê-mi-a, ta thấy ông đã trải qua những thử thách thật là khủng khiếp: Vì mạnh dạn nói thẳng nói thật, tố cáo những sai lầm kể cả của các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, ông bị các chính khách đương thời nhục mạ, bị các tư tế, đồng nghiệp của ông bách hại, bị kết án là cầu chúc điều dữ cho dân trong khi ông không ngừng cầu xin cho họ, thậm chí bị kết án là toa rập với kẻ thù.

Và không riêng gì Giê-rê-mi-a: Kinh Thánh cho ta rất nhiều ví dụ khác tương tự: Được Chúa gọi đi làm ngôn sứ, đi nói lời Chúa cho dân, thì phải trả giá bằng chính cuộc đời của mình: Ê-li-a bị truy đuổi, xin Chúa cho chết, Chúa không cho chết, lại giao một sứ mạng mới; A-mốt đi rao giảng lời Chúa thì bị đuổi như đuổi tà; Ê-dê-ki-en vợ chết mà không được làm đám tang v.v…

Kết luận

Lạy Chúa, chúng con không biết ăn nói” là lời đức cha Phao-lô Bùi Văn Đọc mượn của ngôn sứ Giê-rê-mi-a trong bài giảng tại Rô-ma ngày 23-06-2009, mục đích hẳn là để trả lời cho những ai trách móc, bất bình vì các giám mục Việt Nam vẫn im hơi lặng tiếng trước bao nhiêu vấn đề xã hội nhức nhối nổi cộm. Hơn ba tháng đã trôi qua, nhưng những lời than phiền, những tiếng chê bai vẫn không chấm dứt, có khi rất nặng nề. Có lẽ vì thế mà cha Nguyễn Hồng Giáo thấy cần lưu ý công luận đến bài giảng mà ngài cho là quan trọng: “Cứ đọc đi rồi biết !” Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài giảng của đức cha Đọc, nhưng thắc mắc của tôi vẫn chưa được giải toả. Chẳng biết những người khác thì sao?

Sài-gòn, ngày 02 tháng 10 năm 2009

Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm

pascaltinh@gmail.com