Ngạc nhiên

Chị vật vã:

- Anh xài tiền phí quá, mấy tháng nay không có dư để trả thêm vào tiền nhà. Anh lại làm thêm nhiều giờ phụ trội, như vậy tiền đi đâu? Hay là anh dấu em làm việc gì, đi nuôi con nào?

- Không phải em kiểm soát tất cả tiền bạc trong nhà sao?

- Nhưng em rất thắc mắc!

Thắc mắc đã được trả lời, vào ngày sinh nhật, anh đã surprise chị bằng đôi bông tai thật đẹp mà chị hằng ao ước.

.

Không quên

Hôm nay em tốt nghiệp Trung Học, được phần thưởng của trường, cả nhà đều vui mừng. Em cám ơn bố mẹ nhiều lắm, nhất là mẹ. Em nhớ hồi lớp 9, có lần em vô ý để quên homework ở nhà. Em sợ quá gọi về thì mẹ đã vội vàng lái xe đem bài tới cho em. Hôm đó em được điểm cao và không bị phạt vì nộp bài trễ. Em nhớ ơn mẹ vô cùng.

Có những hy sinh, thông cảm của cha mẹ mà suốt đời con cái sẽ không quên.

.

Hột đậu phọng

Tôi ngồi may, hai đứa con trai nhỏ chơi bên cạnh. Thằng anh lấy phôn gọi vào hãng cho chồng tôi kể lể gì đó, thằng em đang ăn xen vào:

- Anh Bi, em muốn cho bố ăn đậu phọng.

Vừa nói cháu vừa gõ gõ hột đậu vào ống nghe, thằng anh la lên:

- Đừng làm như vậy!

Tôi nghĩ Bi sẽ nói muốn cho bố ăn thì phải chờ bố về, thức ăn không chuyển qua phôn được, nhưng cháu nói:

- Em làm như vậy hột đậu phọng sẽ rớt vào lỗ tai bố đó! Mình không được làm đau tai bố!

Tôi mỉm cười, các cháu thật ngây thơ và biết yêu thương bố mẹ. Tiếc là bây giờ các cháu đã lớn, tới tuổi “teenager” bướng bỉnh hay cãi, thỉnh thoảng nói những lời nghe thật chói tai. Không biết cháu có còn nhớ câu chuyện hột đậu phọng ngày xưa?

.

Khờ

Xóm tôi có một đứa con gái ít nói chậm chạp, theo người ta thì nó bị bệnh khờ.

Nó không học được, không thể làm nổi một bài toán đơn giản, nên chỉ ở nhà dọn dẹp, giặt giũ. Sau ngày 30 tháng 4, cả xóm ai nấy trở nên nghèo khổ hơn, nó về quê với mẹ vất vả làm rẫy. Mấy chị nó khôn lanh nhưng đua đòi, ở lại thành phố theo đám thanh niên Khăn Quàng Đỏ ca hát, họp hành cả ngày, tháng tháng về quê thu tiền nó bán khoai, bán trái. Ngày mẹ nó chết, các chị nó vẫn liếc ngang liếc dọc, khóc lóc một cách hời hợt. Riêng nó quỳ yên lặng trước xác mẹ mấy ngày trời, cầm tay mẹ mà nước mắt đầm đìa. Các chị nó suốt ngày xăm soi chăm sóc sắc đẹp, nhưng chắc chẳng bao giờ soi gương nhìn lại tâm hồn mình. Còn nó ít khi để ý làm dáng, nhưng tâm hồn nó đẹp đẽ biết bao. Tôi tự hỏi giữa nó và những anh chị kia, ai khờ hơn ai.

.

Nhà hàng

Bố con nó rộn ràng sửa soạn, một chút cả nhà sẽ đi ăn nhà hàng mừng sinh nhật chồng tôi. Tôi mắc cuời, anh già rồi mà vẫn còn thích birthday, đòi phải ra ngoài ăn. Đi nhà hàng vừa tốn tiền vừa mất thì giờ, trong khi ăn ở nhà vừa rẻ vừa tiện, lại không sợ dầu mỡ bột ngọt. Tôi lại đang cố gắng gởi tiền về Việt Nam giúp ông anh sửa nhà, nhưng không dám nói vì dù sao cũng là ngày đặc biệt, cản thì chồng tôi lại buồn, trách tôi kẹo!

Khi đến nhà hàng, tôi lặng người vì xúc động. Đây là một nhà hàng Tây sang trọng, có nhạc sống, có ánh nến lung linh. Cách đây mấy tháng khi xem TV, tôi có nói với chồng là phải chi mình được đi ăn ở khung cảnh như vậy cho biết. Nhưng tôi nói để mà nói, chứ thật sự không nghĩ tới chuyện phí phạm như vậy. Cô gái tóc vàng đánh piano thật hay, mười ngón tay cô như múa lượn trên phím ngà. Mấy anh bồi bàn to lớn nhưng lịch sự hết sức, không vội vàng đổ tháo như ở nhà hàng Tàu bình dân gần nhà. Rắc thêm có mấy hạt tiêu vào đĩa mà ông bồi cũng trịnh trọng hỏi ý, rồi xay tiêu nguyên hạt tại chỗ cho thơm chứ không dùng loại xay sẵn.

Bây giờ tôi hiểu tại sao chồng tôi nhất định phải đi ăn, không phải vì anh ham vui mà vì tôi. Anh biết nếu không lấy lý do mừng sinh nhật, sức mấy tôi chịu đi!

Tôi rưng rưng cảm động, nói vu vơ vài câu để che dấu cảm xúc, nhưng tôi biết mình sẽ nhớ mãi bữa ăn đặc biệt này.

Hũ đường thời thơ ấu

Tôi hảo ngọt từ lúc còn bé. Khoảng 6, 7 tuổi gì đó, tôi kiễng chân lên bếp với lấy hũ đường cát trắng của má định ăn vụng một miếng. Thấp và vụng về nên tôi làm rớt lọ đường xuống đất vỡ tan tành. Má lấy đũa cả đét đít tôi mấy roi, giảng dạy cho một hồi. Hư như vậy bị đòn là phải, nhưng xui thay lúc đó nhà thờ tan lễ, mấy đứa bạn tình cờ đi ngang đứng lại nhìn. Tôi khóc nức nở - không phải vì đau mà vì sĩ diện. Không hiểu sao mấy chục năm qua mà tôi vẫn nhớ câu chuyện này và cảm giác xấu hổ với bạn vẫn còn. Từ đó tôi học được kinh nghiệm không nên làm con cái hay bất cứ ai mất mặt trước đám đông.

.

Người không tim

Hắn quỳ thổn thức. Trưa hè thật vắng, nhà thờ chẳng có ai. Hắn thì thầm với Chúa, điều mà trước đây hắn chưa bao giờ làm. Chúa ơi! Hôm nay bác sĩ đã xác định thằng con trai của con bị autism - một chứng bệnh mới lạ, khó chữa. Hèn chi thằng nhỏ chẳng chịu nói và có nhiều biểu hiện khác lạ. Cô vợ hắn đã phải khổ sở biết bao để lo cho đứa con này. Muốn nó học một bài toán cộng, một chữ viết, không biết phải tốn bao nhiêu thì giờ, sức lực. Bệnh nó còn tương đối nhẹ, nên khó mà phân biệt được với đứa trẻ bình thường, nhất là khi cả hai vợ chồng hắn đều thiếu kinh nghiệm với con nít. Trước giờ hắn chỉ đi làm, tháng tháng hãnh diện đem cheque lương về thảy cho vợ là xong. Nếu nhà cửa dơ dáy, đứa con ngu xuẩn thì hắn trút hết lên đầu vợ. Hắn suy nghĩ cũng hợp lý thôi: Tại vợ hắn cưng con không biết cách giáo dục mà ra nông nỗi này. Thằng con vô tâm ích kỷ, suốt ngày chỉ lầm lì ôm cái computer rồi ăn cho mập ú, trong khi chính vợ hắn là người mua game computer về và suốt ngày nấu ăn, chăm sóc cho nó. Càng bực vợ ghét con, thằng nhỏ càng trốn tránh không muốn gần gũi hắn, vì vậy có mấy hắn đã hét và đuổi thằng nhỏ ra khỏi nhà. Hắn nhớ có lần vợ hắn đã khóc nức nở nói: Tại sao anh không hiểu cho em, cho con? Anh chỉ có khối óc chứ không có trái tim! Bây giờ hắn mới thấm thía câu nói này. Cô đi làm nhà máy đâu đuợc ngồi văn phòng như hắn, về nhà phải nấu ăn dọn dẹp, lo tất cả mọi việc. Vì trong hãng máy chạy ồn ào rồi về nhà phải la hét với đứa con riết thành thói quen, vợ hắn nói hơi to, hắn chửi vợ cái miệng như cái loa mà không tìm hiểu nguyên nhân. Hắn còn tỏ ra chán ngán khi so sánh vợ mình với vợ người khác. Hắn chỉ chờ dịp để moral, dạy vợ cách dạy con mà chính hắn chẳng làm điều gì thực tế cho gia đình. Vợ hắn gầy gò già trước tuổi trong khi hắn vẫn bảnh bao phơi phới, con gái có đứa mê!

Hắn yên lặng nhìn tượng Chúa, thấy mình quả thiếu trái tim thông cảm, thiếu hành động yêu thương. Không khóc được, nhưng lồng ngực của người đàn ông không tim bỗng thổn thức....

.

Viết cho em

Em ạ,

Chắc em ngạc nhiên lắm nếu biết anh đã âm thầm rửa tội tại một nhà thờ bé nhỏ nơi đây. Anh thật vui vì hiểu được Chúa là đấng an ủi đầy tình thương. Trước đây anh đã cứng lòng vô cùng. Anh còn giận Chúa vì cho rằng ngài không thương loài người. Anh bướng bỉnh tội lỗi bị phạt đã đành, còn em là con ngoan, đạo đức tốt lành như vậy mà Chúa vẫn để em khổ. Anh thầm thách thức là nếu ngày nào Chúa cho em thật sự hạnh phúc, ngày đó anh sẽ vào đạo để đút lót, tạ ơn Người! Nhưng anh thấy em vẫn cực khổ từ thể xác tới tinh thần. Anh thương em lắm - tiếc là em đã có chồng. Anh biết mình không được quấy rầy đời sống tình cảm, làm em khổ thêm, nên đã đi xa kẻo không kềm lòng được. Anh làm thiện nguyện cho một quốc gia nghèo khổ xa xôi. Thế rồi cuộc sống nơi đây đã dạy anh về tình thương, giúp anh hiểu được ý nghĩa cuộc đời. Anh vẫn nhớ và mến phục em, tối nào anh cũng viết cho em – dù không bao giờ gởi – xem như anh viết nhật ký cho chính mình. Em giỏi quá, em đẹp quá, em như thiên thần vui trong bổn phận và chấp nhận mọi khó khăn. Anh phải tập để từ từ được nhẹ nhàng hơn khi nghĩ về em. Ngày nào lòng anh thanh tịnh không còn ‘sân si’ khi nghĩ về em nữa, không thấy ghét chồng em nữa, anh sẽ về lại thành phố thăm em, mình sẽ mãi là bạn tốt em nhé....

.

Quà cưới

Trong một đám cưới sang trọng, mọi người hồi hộp chờ cô dâu mở món quà gia bảo. Đây là quà cưới đặc biệt lưu truyền từ mấy đời.

Cô dâu bỗng phá ra cười, vì đó là một món nữ trang rẻ tiền làm bằng tay. Hạt ngọc trai bé nhỏ lu mờ trước viên kim cương trên ngón tay cô - dù trông cũng khá mỹ thuật. Cô không biết đây là kỷ niệm, là sính lễ của ông cố bên chồng ngày xưa. Ông đã chắt chiu để tự làm đôi bông tai này xin cưới bà cố, và đã xây dựng sự nghiệp để lại cho con cháu hôm nay bằng tất cả hy sinh, nhiệt huyết của mình.

Mọi người xì xào bàn tán, con tôi cũng cười, cho là cô dâu này không hiểu biết giá trị tinh thần, rất là ngốc nghếch.

Con ơi!

Tự nhiên ba liên tưởng tới việc ba mẹ đã phải bỏ Việt Nam ra đi với hai bàn tay trắng, mà bây giờ di sản để lại cho con chỉ là Lá Cờ Vàng - biểu tượng của Tự Do và Tình Người, niềm hy vọng còn sót lại của cuộc đời Tị nạn. Ba yêu thương và trân trọng lá cờ này lắm, và muốn trao tặng lại cho con, con có cười ba không?

.

Đàn gà

Bé Khánh ngồi ngắm đàn gà con mới nở, chúng kêu chíp chíp, quanh quẩn bên gà mẹ dễ thương hết sức. Nhưng tội nghiệp, trong đàn có một chú gà con đang cố gắng đứng lên nhưng lạng quạng té lăn cù. Mấy ngày nay Khánh quan sát đàn gà rất kỹ. Chú Út này sanh sau nở muộn, chân lại bị tật bước thấp bước cao. Chú vừa định mổ một hạt thóc, thì bị các anh chị khỏe mạnh chạy tới cướp mất, có con lại mổ lên đầu chú một cách tàn nhẫn. Chú cất tiếng kêu yếu ớt. Khánh không chịu được, bắt riêng chú Út ra nhốt vào lồng và cho một khẩu phần đặc biệt. Chú ăn chậm chạp rồi lại nhìn quanh quất, tìm cách thoát ra khỏi lồng để được về bên mẹ và đàn. Lạ chưa! Chú được ăn no, an toàn nhưng hình như chú lại buồn hơn. Khánh hiểu ‘tâm sự’ gà con lắm, nhưng không dám thả ra, sợ chú bị ăn hiếp.

Khánh chợt nhớ tới dì Hoan hôm rồi ở Canada về chơi. Dì thật sang trọng quý phái. Vượt biên từ lâu, nhưng dì bảo ở ngoại quốc buồn lắm, nếu không có Cộng sản, chắc dì sẽ về Việt Nam ở luôn.

Khánh thắc mắc ghê, tại sao đồng bào cùng một nước mà lại tạo ra chiến tranh, để rồi những người như dì phải lưu vong trên xứ người. Khánh nhớ đôi mắt long lanh của dì khi nói “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều…” Khánh chợt thấm thía và thấy thương dì hơn bao giờ.

Đôi mắt dì và tiếng kêu thê thiết của gà con theo Khánh suốt đêm, làm Khánh chập chờn khó ngủ.

.

Lựa lời

Hôm nay tôi không được khỏe, nổi nóng với cô bạn. Lời đã nói ra không lấy lại được. Tôi ra về mà lòng buồn vô cùng, giận mình hồ đồ, xấu miệng. Nói chuyện quả là một nghệ thuật. Nghe kể có người đang ăn trợ cấp xã hội, xin tiền trồng răng giả vì bị sún, dĩ nhiên sở Xã Hội từ chối vì không có ngân quỹ để làm chuyện thẩm mỹ. Người này khiếu nại, trình bày lý do làm răng không phải để cho đẹp, mà vì răng sún không phát âm tiếng Anh chính xác được, nên không tìm được việc làm. Nghe vậy welfare đã chấp thuận cho tiền làm răng. Khi làm việc trong sở, tôi cũng học được phải trả lời khách hàng một cách tích cực. Thay vì nói rằng rất tiếc, hàng không có cho tới cuối tuần, tôi phải nói hãng sẽ rất hân hạnh chuyển hàng vào cuối tuần. Cũng là một sự việc, một thời gian nhưng cách ăn nói dễ thương có kết quả hơn. Ai cũng có nhu cầu cần được quan tâm, hay ít nhất không bị tổn thương vì lời nói, hành động của người khác.

Lỡ rồi, mai khi gặp bạn tôi sẽ xin lỗi chị.

.

Ngày Hiền Mẫu

Thật là khờ khạo. Ngày Mothers’ Day năm tôi chừng 7, 8 tuổi gì đó, hai chị em tôi thức dậy sớm tự làm món ăn sáng cho mình, để mẹ được ngủ thêm. Lần đầu tiên chúng tôi chiên trứng nướng bánh mì, vụng về rơi rớt khắp nơi. Khi mẹ thức dậy, chúng tôi tặng thiệp do chúng tôi vẽ, và khoe với mẹ chúng tôi đã ăn sáng xong.

Ba tôi nói:

- Ba mẹ đã dậy từ lâu, nhưng nghĩ tụi con làm mẹ ngạc nhiên bằng cách làm thức ăn sáng cho mẹ, nên bây giờ ba mẹ mới xuống!

Tôi xấu hổ quá, chúng tôi chỉ nghĩ đến chuyện lo cho mình, mà quên làm thêm phần ăn sáng cho ba mẹ trong ngày hiền mẫu này. Mẹ không trách, chỉ cười xòa ôm chúng tôi vào lòng.

Bây giờ tôi đã lớn, đã hiểu và thương ba mẹ nhiều hơn, nhưng tôi vẫn nghĩ về mình và không đặt quyền lợi, niềm vui của cha mẹ trên bản thân mình. Chẳng bao giờ chị em tôi có thể lo cho cha mẹ đến nơi đến chốn. Cũng may ba mẹ không bao giờ chấp và luôn hy sinh cho chúng tôi.

.

Giúp lễ

Tôi đâu có thích làm alter boy để giúp lễ. Phải mặc áo choàng thật nóng, phải chắp tay cung kính không dám ngủ gục. Thế nhưng khi tôi hỏi mẹ muốn được tặng gì trong ngày Noel, bà đã trả lời:

- Con chẳng cần mua gì tặng mẹ, mẹ chỉ mong con gia nhập đội giúp lễ của nhà thờ Việt Nam.

Tôi cố gắng vâng lời đi tập lần đầu tiên, nhưng chẳng vui vẻ chút nào. Thằng bạn lên mặt dạy tôi:

- Phải làm thế này, thế này. Muốn giúp lễ phải giỏi tiếng Việt và rất là thông minh!

Tôi tin mình giỏi tiếng Việt và thông minh, nhưng còn lúng túng nên đành im lặng. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, tôi giúp lễ thật giỏi và được chọn làm trưởng đội. Có lần cha xứ bị ho, tôi biết tự động rót cho cha ly nước, sau lễ cha xoa đầu cảm ơn tôi. Tôi nhận ra chén dĩa Thánh không cần phải dùng xà bông và nước để rửa như mẹ rửa chén bát hằng ngày, mà chỉ cần lau rồi cất. Bánh Thánh cũng là món duy nhất không cần dùng muổng nĩa để ăn mà vẫn tôn kính, trang trọng.

Hôm nay có thằng bạn vừa mới gia nhập vào đội giúp lễ, nó rụt rè chậm chạp, tôi phải dạy nó:

- Phải làm thế này, thế này. Muốn giúp lễ phải giỏi tiếng Việt và rất là thông minh!

Nó nhìn tôi thán phục, tôi thấy thật hãnh diện.

Mẹ ôm tôi:

- Con trai giỏi lắm, cám ơn con đã tặng mẹ món quà Noel quý nhất.

Tôi rất vui. Được đi giúp lễ là món quà mẹ đã cho tôi, không phải là món quà tôi cho mẹ như tôi vẫn nghĩ.

.

Hãy khóc đi em...

Em thương,

Như vậy là kết thúc cuộc hôn nhân của mình rồi phải không? Anh biết anh có lỗi, nhất là khi ra tay đánh em.

Em ơi, anh tát em một cái, không phải vì anh nóng nảy không kềm hãm được cơn tức giận của mình, nhưng thật sự, anh muốn thấy em khóc. Em lì quá! Hồi xưa, anh yêu em vì cái ngổ ngáo, cái cá tính con trai mạnh mẽ của em. Nhưng thời gian qua, em bướng bỉnh quá. Em làm chủ gia đình, em sai khiến anh ngày này qua ngày khác, anh chịu không nổi. Mình cứ cãi nhau và cuối cùng chuyện đã xảy ra. Em gọi cảnh sát, anh bị bắt, bị rắc rối pháp lý. Tội đánh phụ nữ ở xứ Mỹ nặng lắm, dù chỉ là một cái tát tai. Anh biết em sẽ không bao giờ tha thứ cho anh, mà chính anh cũng không tha thứ cho mình.

Anh biết em cứng rắn lắm, dù quyết định ly dị nhưng em vẫn không khóc. Anh để em giữ con và làm chủ căn nhà, anh ra đi tay không với nỗi buồn bất tận. Anh mong những người bạn, người thân của mình khôn ngoan hơn để không rơi vào hoàn cảnh như anh. Em ơi, anh biết em không khóc, nhưng anh đang khóc đây….

DuyHan@rogers.com