Theo tin CNA ngày 12 tháng Ba, thỏa thuận của Tòa Thánh với Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục không thay đổi việc chính phủ này lạm dụng người Công Giáo và hàng loạt các tiền lệ xấu về việc chính phủ can thiệp vào các tôn giáo khác kể cả Phật Giáo Tây Tạng. Đó là lời tuyên bố của Đại Sứ toàn quyền Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế.
Đại sứ Sam Brownback phát biểu vào ngày 8 tháng 3 trước Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài tại Hồng Kông, rằng “Kể từ khi thỏa thuận tạm thời này được công bố vào năm ngoái, việc chính phủ Trung Quốc lạm dụng các thành viên của cộng đồng Công Giáo vẫn đã tiếp tục. Chúng tôi thấy không có dấu hiệu nào sẽ thay đổi trong tương lai gần”.
Hãng thông tấn Agence France Presse tường trình rằng bài phát biểu của ông là một phần của diễn đàn hai ngày về tự do tôn giáo, được tài trợ bởi Đài Loan và Hoa Kỳ.
Ông nói: Chính quyền ở tỉnh Hồ Nam (Henan) đã cấm bất cứ ai dưới 18 tuổi vào nhà thờ tham dự thánh lễ. Ông Brownback cho biết: vào năm ngoái, khắp Trung Quốc, các quan chức chính phủ đã đóng cửa hàng trăm nhà thờ không đăng ký, cả các nhà thờ Tin lành tại gia lẫn các cộng đồng Công Giáo “hầm trú”. Ông nói thêm rằng các quan chức ở tỉnh Chiết Giang đang phá hủy các thánh giá và nhà thờ và gây áp lực để các Kitô hữu từ bỏ đức tin của họ.
Hiện tại, hàng chục chức vụ giám mục Công Giáo không có người nắm giữ.
Vào tháng 9, Giáo Hội Công Giáo đã đạt được một thỏa thuận tạm thời với chính phủ Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục mà tường trình nói rằng cho phép Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc quyền được chọn ứng viên cho chức giám mục.
Ông Brownback nói, “Do đó, quyền lựa chọn các nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc dựa một phần vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến việc chỉ các cá nhân mà Đảng coi là trung thành với lợi ích của nó mới được đề nghị với Vatican”.
Đại sứ nói: Các thành viên của cộng đồng Công Giáo, chẳng hạn như Đức Hồng Y Joseph Zen của Hồng Kông, người mà các thành viên của khán giả ở đây biết, đã can đảm và kịch liệt phản đối thỏa thuận này.
Đức Hồng Y Fernando Filoni, bộ trưởng Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc, đã bác bỏ mọi mô tả coi thỏa thuận này như một “sự hy sinh đơn phương” không đòi hỏi chi nơi các nhà lãnh đạo có liên hệ lâu đời với tổ chức Công Giáo chính thức của Trung Quốc.
Ngài nói với tờ báo L'Osservatore Romano của Vatican “Đây không phải là về việc quyết định ai thắng ai thua, ai đúng ai sai; ngài tỏ hy vọng sẽ không nghe thấy các tình huống địa phương trong đó các quan chức Trung Quốc khai thác thỏa thuận vượt quá các điều khoản của nó.
Ông Brownback cho biết chính phủ Trung Quốc “tiếp tục vi phạm quyền tự do tôn giáo thánh thiêng trong chính Hiến pháp của mình và cũng được ghi trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Ông trưng dẫn việc Hoa Kỳ chỉ định Trung Quốc như 'một quốc gia phải lưu tâm đặc biệt' từ năm 1999 do việc nó tham dự vào hoặc dung túng cho những 'hành vi vi phạm tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng'”.
Agence France Presse tường trình rằng bài phát biểu của ông đã khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng; họ gọi đây là một cuộc tấn công và vu khống độc hại đối với các chính sách tôn giáo của Trung Quốc. Bộ nói thêm: “chúng tôi yêu cầu Hoa Kỳ tôn trọng các sự kiện, chấm dứt sự ngạo mạn và định kiến và ngưng sử dụng các vấn đề tôn giáo để can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
Ông Brownback nói, “Chúng tôi vẫn lo ngại về tiền lệ mà thỏa thuận này đặt ra cho các thẩm quyền được coi là của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc can thiệp vào việc lựa chọn các nhà lãnh đạo tôn giáo khác, như các Lạt ma Phật giáo nổi bật ở Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma chẳng hạn”.
Chính phủ Trung Quốc can thiệp vào việc kế vị của các nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng bao gồm vụ họ bắt cóc Panchen Lama thứ 11, lúc đó sáu tuổi và cha mẹ của ngài. Không biết liệu ngài còn sống hay không.
Ông Brownback nói: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc trả tự do cho Panchen Lama được Tây Tạng công nhận hoặc chia sẻ sự thật về số phận của ngài với thế giới. Chúng tôi không chấp nhận lời giải thích mà chính phủ Trung Quốc thường lặp đi lặp lại rằng ngài đang học tập và không muốn bị làm phiền”.
Ông nói: “Nay Cộng đồng quốc tế phải nói rõ rằng chúng tôi tin rằng các thành viên của cộng đồng Tây Tạng, giống các thành viên của tất cả các cộng đồng tín ngưỡng, nên có khả năng lựa chọn, giáo dục và tôn kính các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ mà không cần sự can thiệp của chính phủ”.
Ông Brownback trích dẫn sự can thiệp đầy gây hấn vào các thực hành Phật giáo Tây Tạng và văn hóa Tây Tạng. Các hạn chế của Chính phủ đối với các tu sĩ và giáo dân cản trở các cuộc hành hương. Chính quyền bổ nhiệm những người cộng sản đứng đầu các tu viện và cấm trẻ em tham gia các hoạt động tôn giáo. Hàng ngàn tăng ni Phật Giáo đã bị trục xuất, và các tu viện của họ bị phá hủy. Các tu sĩ nam nữ bị buộc phải cải tạo chính trị trong ý thức hệ nhà nước và tố cáo Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Chính phủ cấm hình ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma và giáo lý của ngài, và nó bắt giữ những người công khai tôn kính ngài, đại sứ nói như thế và nói thêm rằng hồ sơ này cho thấy chính phủ Trung Quốc có thể sẽ can thiệp vào việc lựa chọn vị Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã gia tăng việc đàn áp các Kitô hữu khác, bao gồm cả việc giam giữ hàng trăm thành viên của giáo hội Tin lành tại gia lớn nhất, tức Giáo Hội Giao ước Mưa Sớm (Early Rain Covenant Church) ở Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Mười hai người vẫn bị giam giữ và không rõ tung tích họ.
Vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2018, các quan chức bắt đầu thực thi lệnh cấm bán Kinh Thánh trực tuyến.
Ông Brownback chỉ trích các nỗ lực nhằm kiểm soát “vô số” các nhóm tôn giáo, tổ chức theo các dòng sắc tộc, qua “các quy định của tôn giáo vụ”. Đại sứ buộc tội rằng cùng với việc “phá hủy các nhà thờ phượng, bỏ tù bất hợp pháp các nhà lãnh đạo tôn giáo, và hành động tàn nhẫn nhằm làm câm miệng bất cứ hình thức bất đồng chính kiến nào” cho thấy chính phủ đã coi thường nhân phẩm.
Sự đối xử của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uighur) ở vùng tự trị Tân Cương phía tây xa xôi cũng đã bị chỉ trích bởi Ông Brownback, người cho rằng chính quyền Trung Quốc đã tự ý giam giữ các nhóm thiểu số Hồi giáo tại các trại giam vì các thực hành như có râu, đeo khăn che mặt, tham gia các buổi lễ tôn giáo, giữ tháng ăn chay Ramadan, hoặc cầu nguyện. Đi lại bị hạn chế, và cha mẹ không được phép đặt cho con cái họ những tên Hồi giáo phổ biến.
Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, hơn một triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ.
Đại sứ bác bỏ tuyên bố của chính phủ Trung Quốc cho rằng các trại là các trung tâm dạy nghề; ông kết tội rằng đó là “các trại giam được tạo ra để xóa sạch bản sắc văn hóa và tôn giáo của các cộng đồng thiểu số”. Giam cầm thường dựa trên bản sắc văn hóa hoặc tôn giáo. Ông buộc tội rằng việc giam giữ là vô thời hạn, và các người bị giam giữ phải chịu “sự tra tấn về thể xác và tâm lý, nhồi sọ chính trị dữ dội và lao động cưỡng bức”.
Ông cũng đề cập đến Pháp Luân Công, nói rằng các học viên của nó bị giam giữ hàng ngàn người, một số bị tra tấn. Nhóm này ước tính: Ít nhất 69 người thực hành đã chết khi bị giam giữ hoặc do bị thương trong khi bị giam giữ vào năm 2018. Nhóm đã phải đối đầu với hành động của chính phủ trong hơn 20 năm qua. Một số người thực hành dường như bị mất tích.
Ông Brownback trích dẫn các cáo buộc cho rằng chính phủ Trung Quốc cưỡng bức việc thu lượm nội tạng của những người bị cầm tù vì đức tin hoặc thực hành tôn giáo của họ, kể cả trường hợp các người thực hành Pháp Luân Công và Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Ông Brownback nói với khán giả của mình: Hoa Kỳ ủng hộ “tự do tôn giáo của mọi người”, và theo đuổi “một giấc mơ đơn giản nhưng quan trọng: là một ngày kia mọi người trên thế giới sẽ có thể thờ phượng tự do và tin những gì họ muốn, giống như các bạn có thể làm ở Hồng Kông".
Thỏa thuận Vatican-Trung Quốc, được ký ngày 22 tháng 9 năm 2018, vẫn được giữ bí mật về bản chất. Nhưng như một hiệu lực của thỏa thuận, Tòa Thánh đã công nhận bảy giám mục Trung Quốc được phong chức bất hợp pháp và giao cho họ việc lãnh đạo các giáo phận Trung Quốc.
Tại thời điểm này, tất cả các giám mục Trung Quốc đều được cả chính phủ lẫn Tòa thánh công nhận. Kể từ khi có thỏa thuận, không có giám mục mới nào được bổ nhiệm cho Trung Quốc.