Đốt sách chôn nho là một chủ trương tại Trung Quốc vào đời nhà Tần. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc lần đầu tiên, năm 213 trước Chúa Giáng Sinh, thừa tướng của ông này là Lý Tư đã đề nghị Tần Thủy Hoàng dập tắt tự do ngôn luận nhằm thống nhất các chính kiến và tư tưởng bằng cách đốt hết tất cả các sách và chôn sống các nhà nho có tư tưởng khác với mình.

Để chuẩn bị cho mùa khai trường năm nay, được bắt đầu vào tháng Chín, chủ trương này đã được tái thể hiện lại một cách tinh vi. Thật thế, Nhà Xuất bản Giáo dục Nhân dân của Trung Quốc đã cho in lại hàng loạt sách giáo khoa dành cho trẻ em. Kitô hữu kinh hoàng nhận ra trong các sách giáo khoa mới được in ra, các từ 'Chúa' và 'Kinh thánh' đã bị loại bỏ hoàn toàn.

Ngay cả các tài liệu tham khảo thuộc loại văn học cổ điển, và các sách học tiếng Anh, chẳng hạn như các cuốn truyện tranh dành cho thiếu nhi “The Little Match Girl” của Hans Christian Andersen, “Robinson Crusoe” của Daniel Defoe và “Vanka” của Anton Chekhov cũng chịu cùng chung số phận.

Peter Gao, một người Công Giáo nói với UCANews rằng tình hình đàn áp tôn giáo tại Trung Quốc đã gia tăng rất mạnh sau thỏa thuận với Vatican.

“Chính quyền Trung Quốc đã gia tăng việc phá hủy các nhà thờ và thánh giá, và cấm trẻ vị thành niên vào nhà thờ, họ đã thẳng tay đàn áp Giáo hội. Bây giờ họ đi xa thêm một bước nữa là loại bỏ từ vựng tôn giáo khỏi các sách giáo khoa và cả những kiệt tác văn học thế giới.”

Theo UCANews, quyết định của cộng sản Trung Quốc thay đổi văn bản gốc không chỉ khiến các Kitô hữu tức giận mà còn gây ra sự bất bình trong ngành giáo dục tại quốc gia này.


Source:UCANews