Sau một bài thuyết trình được tổ chức tại nhà thờ chánh tòa Chioggia về “Ba vị Giáo Hoàng trong năm 1978”, là đề tài đầu tiên trong cuộc hội thảo được tổ chức bởi phong trào Fondaco về tình phụ tử, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã trả lời các câu hỏi về các chủ đề thời sự trên thế giới.

Trung Quốc,

Giải thích lý do tại sao Tòa Thánh lại đi đối thoại với cộng sản Trung Quốc, Đức Hồng Y nói:

“Nếu chính phủ đó không phải là cộng sản và tự do tôn giáo đã được tôn trọng, thì sẽ không cần phải đàm phán. Bởi vì chúng ta đã có những gì chúng ta mong muốn.”

Về tình trạng hiện nay của cuộc đối thoại với cộng sản Trung Quốc, Đức Hồng Y cho biết:

“Cuộc đối thoại này đã diễn ra trong một thời gian dài, với rất nhiều kiên nhẫn và với những thành công và thất bại. Có người nói: nó giống như ‘điệu nhảy của Thánh Vito’, hai bước tiến về phía trước thì lại có một bước lùi lại phía sau. Dù sao, chúng ta vẫn còn đang tiến hành, và điều này là quan trọng.”

Về mục tiêu của cuộc đối thoại này, Đức Hồng Y giải thích:

“Mục tiêu của chúng tôi không phải là một mục tiêu chính trị. Chúng tôi đã bị buộc tội chỉ muốn có quan hệ ngoại giao, chỉ muốn có thành công bằng mọi giá. Nhưng Tòa Thánh, như Đức Giáo Hoàng đã nói nhiều lần, không quan tâm đến bất kỳ thành công ngoại giao nào. Chúng tôi chỉ quan tâm đến không gian tự do cho Giáo Hội, để Giáo Hội có thể sống một cuộc sống bình thường trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Sự hiệp thông này là nền tảng cho đức tin của chúng ta”.

“Điều cơ bản là Giáo hội phải được thống nhất. Cộng đồng chính thức, chịu sự kiểm soát của nhà cầm quyền, và cộng đồng hầm trú - ngày nay mỗi người đi theo con đường riêng của họ - cần phải được thống nhất. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong thư gửi cho người Công Giáo Trung Quốc đã nói rằng mục đích của tất cả công việc ở Trung Quốc phải là sự hiệp thông giữa hai cộng đồng, và sự hiệp thông của toàn thể Giáo hội Trung Hoa với Đức Giáo Hoàng. Chúng tôi hy vọng rằng một thỏa thuận có thể đạt được đặc biệt là trong việc đề cử các giám mục. Và chúng tôi hy vọng rằng thỏa thuận đó sẽ được tôn trọng. Chúng tôi có ý chí làm như vậy và chúng tôi hy vọng rằng chính phủ Trung Quốc cũng có ý chí như vậy”.

Syria

Khi được hỏi về quan điểm của Vatican trước cuộc không kích của Hoa Kỳ, Anh và Pháp vào Syria, Đức Hồng Y cho biết:

“Tòa Thánh quan sát diễn biến này với sự quan tâm rất lớn. Trong cuộc chiến đã kéo dài hơn sáu năm này, nhiều lần Đức Giáo Hoàng đã thỉnh cầu cộng đồng quốc tế và tất cả các nhân vật chính. Đó là một chuyện bi thảm và phức tạp. Ở cấp độ địa phương, có sự xung khắc giữa chế độ của tổng thống Assad và phe đối lập. Bên cạnh đó, còn có một cuộc đụng độ ở cấp khu vực, đặc biệt là giữa người Hồi Giáo Shiite và người Hồi giáo Sunni. Và sau đó có những thế lực lớn, đã lần lượt can thiệp vào, ban đầu là trong mặt trận thống nhất chống lại ISIS, chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đã chiếm đóng nhiều lãnh thổ. Sau đó, Khi đã đánh bại được ISIS – trên những lãnh thổ nó từng chiếm đóng, nhưng tôi không nghĩ nó đã bị đánh bại hoàn toàn ở cấp độ ý thức hệ - thì các thế lực to lớn bắt đầu tách ra và đánh lẫn nhau”

“Chúng ta đã chứng kiến một sự khinh miệt nhân quyền hoàn toàn, với hàng ngàn và hàng ngàn thường dân bị cuốn vào cuộc chiến, bị sử dụng làm những con tin hoặc các lá chắn người. Một sự hủy diệt hoàn toàn về nhân quyền. Và ngay cả các quyền trong chiến tranh, bởi vì trong chiến tranh không phải mọi thứ đều được cho phép”.

Bàn về cách giải quyết cuộc xung đột tại Syria, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói:

“Chúng tôi đã luôn nói rằng một giải pháp quân sự chẳng giải quyết được vấn đề. Các nước Châu Âu gần đây đã gặp nhau tại Brussels để thảo luận về Syria, và bà Federica Mogherini Tổng Đại diện Đối ngoại của Liên minh, đã truyền tải thông điệp này. Tuy nhiên, cần phải đấu tranh để các giải pháp này có thể cất cánh. Chế độ của tổng thống Assad tin rằng họ có thể giành chiến thắng quân sự, đặc biệt là với sự trợ giúp của người Nga, là nước đã giúp Assad giành lại được nhiều vùng lãnh thổ. Suy nghĩ này làm suy yếu các cuộc đàm phán ở Geneva. Và sau đó lại có vấn đề là các cuộc đàm phán lại diễn ra trên các bàn hội nghị khác nhau: Geneva là chính, nhưng sau đó đã có thêm những sáng kiến khác, ở Astana, ở Sochi.. .

Tôi không biết liệu những sáng kiến này có giúp thúc đẩy giải pháp ngoại giao và hòa bình hay là chỉ gây ra nguy cơ khiến cơ may thành công còn xa diệu vợi hơn nữa. Tôi tin rằng, như chúng tôi đã nói với các nhân vật chính rất nhiều lần, ngay cả khi họ chiến thắng trong một cuộc chiến quân sự, hòa bình sẽ không tự động được lập lại, bởi vì đất nước đó vẫn còn rất nhiều thù hận, rất nhiều sự tương phản, và quá nhiều những chia rẽ”
Source Vatican Insider Parolin: “A great sign of hope for Korea”