Người Công Giáo Việt Nam đã hiện diện trên đất nước Úc hơn 30 năm qua. Một thế hệ là thời gian đủ dài để ta có được một cái nhìn tương đối khách quan về bất cứ hiện tượng xã hội nào. Tuy nhiên, hiện tượng giao thoa văn hóa hình như có phức tạp hơn. Một năm trước đây, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam ở Sydney hơi ngỡ ngàng trước hiện tượng mình không được chào đón tại một giáo xứ Úc, mà vị cha xứ, nghịch lý thay, cũng thuộc “chính dòng” thuyền nhân như mình. Tuy nhiên, điều ấy hình như không quan ngại bằng sự kiện sau đó, việc kia được sự “nhìn nhận” của chính đấng bản quyền giáo phận, vốn dĩ nhiên là một người Úc. Có người tự hỏi: Phải chăng đa văn hóa (multiculturalism) chỉ là hai hay ba thứ văn hóa đặt cạnh nhau mà không hề ngó đến nhau, như lời Đức TGM Vegliò, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Về Di Dân Và Người Du Lịch, mới phát biểu vừa rồi, và cũng như ngài, ngưòi Công Giáo Việt Nam ở Sydney mong có được một thứ liên văn hóa (interculturalism).

Nhưng rồi, cũng vị bản quyền kia, hồi còn ở Melbourne, nghĩa là trước biến cố “nhìn nhận” trên, đã tiên đoán: rất có thể trong tương lai, một người Việt Nam sẽ làm tổng giám mục Melbourne. Lời tiên đoán ấy phần nào đã được “nên trọn” nơi đức Tân Giám Mục Phụ tá Vincent Nguyễn Văn Long của Melbourne. Trong một bài phỏng vấn của VietcatholicNews, vị tân giám mục uớc mong “được đồng hành với Giáo Hội ở quê nhà và trong vai trò là Giám Mục Úc ngài sẽ mang những quan tâm của Giáo Hội Việt Nam cho anh em Giám Mục và anh chị em giáo dân Úc Đại Lợi thấu hiểu, chia sẻ và liên đới với nhau”. Quả là một chiếc cầu quí giá. Cầu mong ngài đóng góp nhiều cho mùa xuân liên văn hóa.

Và để cho thấy chủ đề đa văn hóa không đơn giản, chúng tôi xin phổ biến một tham luận của hai tác giả người Úc gốc Á Châu là Charles Koo và Gary Yia Lee viết cho Phúc Trình Tình Trạng Quốc Gia của Ủy Ban Nhân Quyền Và Cơ Hội Đồng Đều Úc
.

Khía cạnh lịch sử

Theo hai tác giả này, từ thế kỷ 19, người Á Châu đã di cư tới Úc. Năm 1861, họ chiếm gần 3.5% dân số Úc. Tuy nhiên, với chính sách Nước Úc Da Trắng ở đầu thế kỷ 20, thành phần Á Châu trong dân số Úc giảm xuống, chỉ còn là 0.4%. Tỷ lệ này vẫn tiếp tục ở mức đó đến giữa thập niên 1960 khi có sự nới lỏng các hạn chế không cho những người có tay nghề không phải là Âu Châu hay bán-Âu Châu được nhập cư. Mục đích là để cho phép một số rất ít những người trung lưu không phải là Âu Châu được vào Úc. Con số ít ỏi đó có mục đích giữ cho sự hiện diện của họ không lộ liễu lắm về phương diện xã hội, và tùy thuộc con số ưu tiên hơn của các di dân Da Trắng.

Quyết định của Chính Phủ Whitlam năm 1973 nhằm loại bỏ tư cách sắc tộc ra khỏi các điều kiện nhập cư đã giúp con số di dân Á Châu tăng lên đáng kể. Đây cũng là một mặc nhiên nhìn nhận tầm quan trọng về kinh tế và chính trị của khu vực Á Châu thuộc Thái Bình Dương đối với các quyền lợi kinh tế và chính trị trong tương lai của Úc. Trong 2 năm 1976-1977, di dân từ Á Châu chiếm 15% tổng số các di dân, và tỷ lệ ấy tăng tới 34% tổng số các di dân vào các năm 1986-1987. Dù mẫu mực di dân có liên hệ đến việc giải thực và hiện đại hóa, nhưng bối cảnh và nguyên động lực của nó không đồng bộ. Chúng thay đổi từ những người không có bằng cấp đi tìm nơi nương thân (asylum-seekers) của Đông Dương tới những nhà chuyên nghiệp có bằng cấp của Tân Gia Ba, Mã Lai, Ấn Độ và Hồng Kông.

Ngày nay, người Úc gốc Á Châu từng rời cư qua đất nước này chiếm 4.1% dân số Úc, trong đó, 2.2% (377,751) đến từ Đông Nam Á gồm các nước Brunei, Căm Bốt, Nam Dương, Lào, Mã Lai, Miến Điện, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Thái Lan và Việt Nam; 1.2% (199,288) đến từ Đông Bắc Á gồm các nước Trung Hoa, Hồng Kông, Nhật Bản, Bắc Hàn, Nam Hàn, Ma Cao, Mông Cổ và Đài Loan; 0.7% (110,811) đến từ Nam Á gồm các nước A Phú Hãn, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka.

Khía cạnh nhân dụng

Vì là một nước phát triển, Úc cần thu hút những người có khả năng cao từ khắp thế giới, đồng thời cũng cần các di dân bán-tay nghề để phục vụ những người khá giả. Điều này phản ảnh hiện tượng phân cực thị trường lao động mỗi ngày một gia tăng trong thế giới phát triển. Cùng với việc gia tăng con số những nhà chuyên môn và những nhà đầu tư, người ta cũng thấy cần phải gia tăng con số những người có tay nghề thấp cho các khu vực vốn chưa được qui định và chưa được nghiệp đoàn hóa như các ngành chế tạo nhẹ, bán lẻ và ăn uống. Những ngành này ít có bảo đảm về công ăn việc làm, thường là chưa được nghiệp đoàn hóa,và do đó, thường là địa bàn tìm việc của người tị nạn, di dân và phụ nữ không nói tiếng Anh. Việc phục hồi kỹ nghệ may mặc tại Tây Âu, Mỹ và Úc cũng được đặt lên lưng các phụ nữ di dân mà mức lương cũng gần giống như mức lương tại Á Châu và Nam Mỹ.

Khuôn mẫu nhân dụng của người Úc gốc Á Châu khá phức tạp và đôi khi mâu thuẫn nhau. Thí dụ, thống kê năm 1986 cho thấy các phụ nữ sinh tại Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Tư và Hy Lạp có xác xuất được sử dụng trong các ngành chế tạo 3 lần nhiều hơn các phụ nữ khác trong lực lượng lao động. Nhưng, trong kỹ nghệ may mặc, các phụ nữ sinh tại Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Sýp và Hy Lạp cũng lại đông hơn từ 8 đến 12 lần. Đầu thập niên 1980, nạn thất nghiệp lần đầu tiên lên quá 10% trong vòng 50 năm, tỷ lệ những người thất nghiệp sinh ở ngoại quốc cao hơn tỷ lệ những người thất nghiệp sinh tại Úc khoảng 2%. Năm 1987, 36.8% đàn ông và 36.9% phụ nữ sinh tại Việt Nam thất nghiệp (1), so với 8.1% đàn ông và 8.2% phụ nữ sinh tại Úc. Một phần lý do của hiện tượng này là các thay đổi căn bản về cấu trúc đang diễn ra lúc ấy trong nền kinh tế Úc với việc giảm thiểu con số công việc không cần tay nghề hay chỉ cần nửa tay nghề trong khu vực chế tạo. Trong khi ấy, lại có sự gia tăng con số phụ nữ làm việc nửa thời gian cũng như làm việc “tại gia” trong các kỹ nghệ may mặc, đóng giầy, điện tử, đóng gói, thực phẩm và tạp hóa.

Tuy thế, vẫn có nhiều di dân Á Châu có tay nghề cao làm việc trong các ngành quản trị, hành chánh, và chuyên nghiệp. Jayasuriya (1990: 12) từng nhận định rằng bách phân các di dân Á Châu trong các việc “cổ trắng” hạng trung cũng giống như bách phân dân Úc hay người sinh tại Anh. Các con số lấy trong các năm rừ 1981 tới 1986 không thay đổi cấu trúc tay nghề của di dân Á Châu nói chung, nghĩa là, các di dân Á Châu vẫn nằm trong hai loại chính: những người có học cao trong các nghề bậc trung, và những người ít học trong các việc lao động tầm thường.

Đối với những người thuộc loại thứ nhất, vấn đề ưu tư hàng đầu là cơ hội được đề bạt, thăng thưởng và được nhìn nhận các bằng cấp và kinh nghiệm từ ngoại quốc. Hiệu quả của luật lệ về Cơ Hội Nhân Dụng Đồng Đều (EEO=Equal Employment Opportunity) khá chắp nối đối với nhiều nhóm di dân. Niland và Champion (1990: 28) từng mong tìm được các chương trình kiểu mẫu ở khu vực công của tiểu bang New South Wales, vì các kế hoạch nhân dụng đồng đều dành cho các nhân viên xuất thân từ hậu cảnh không nói tiếng Anh đã được kể là bắt buộc từ 8, 9 năm qua. Tuy nhiên, họ kết luận rằng: rất ít thấy các chương trình như thế. Trong khu vực tư, họ thấy còn ít công ty hơn nữa có các chính sách và chương trình EEO dành cho công nhân di dân. Trong cuộc điều tra EEO tại khu vực công năm 1990 của tiểu bang New South Wales, do Văn Phòng Giám Đốc Nhân Dụng Công tiến hành, 12% nhân viên phụ nữ thuộc hậu cảnh không nói tiếng Anh và 18.2% nhân viên nam giới cũng thuộc hậu cảnh này bị sách nhiễu ngay tại nơi làm vì lý do chủng tộc. Giọng nói liên tục được trích dẫn như là rào cản chính để không được thăng thưởng đối với nhân viên thuộc hậu cảnh không nói tiếng Anh.

Khía cạnh kỳ thị chủng tộc

Ý hướng nguyên thủy của chính sách di dân hậu chiến là để tăng cường “đặc điểm Anh” của Úc (Castles, 1993:68). Khi tới đây, các người Đông và Nam Âu phải vượt qua nghịch cảnh đáng kể và phải chứng tỏ được giá trị kinh tế và văn hóa của mình đối với quốc gia. Với việc bãi bỏ chính sách Nước Úc Da Trắng vào năm 1973, và với sự hiện diện lớn hơn của người Úc gốc Á Châu, một dị bản của diễn trình trên đã được lặp lại.

Dù xét theo phương diện lịch sử, đây là nguy cơ vàng và đỏ vốn ngoại lai đối với Úc trong một dĩ vãng không xa, sự hiện diện của người Úc gốc Á Châu từng được một số giới mô tả như một cuộc tiếp thu kinh tế xã hội và bị đổ cho những lỗi như đe dọa sự gắn bó xã hội, thất nghiệp, bạo hành, tăng giá nhà đất ở một số khu ngoại ô và làm giảm giá ở một số khu khác, làm môi trường xuống cấp, suy sụp đô thị và lạm dụng hệ thống phúc lợi… Sự hiện diện của người Á Châu tại Úc cũng thường xuyên tạo nên tranh luận ở một số giới, mà gần đây nhất là cuộc tranh luận của Blainey vào năm 1984, nhận định năm 1986 của ông John Howard về các đe dọa đối với sự gắn bó xã hội trong một dân số càng ngày càng đa văn hóa.

Theo cuộc nghiên cứu của Jayasuriya, các dữ kiện gộp lại liên quan tới hầu hết các định mức xã hội chính như tỷ lệ tội phạm, mức sinh, tỷ lệ ly dị, tình trạng y tế và thành tích giáo dục cho thấy rằng không hề có sự khác nhau nào quan trọng giữa các người Úc gốc Á Châu và các nhóm di dân khác (Jayasuriya, 1990:11). Sinh xuất nơi người Úc gốc Á Châu thay đổi từ 1.9 tới 2.1 tương tự như người sinh trưởng ở Úc (Evans, 1985).

Trong lãnh vực giáo dục, chứng cớ cho thấy các sinh viên Úc gốc Á Châu có thành tích tốt tại các định chế giáo dục (Bullivant, 1986 and Birrell, 1986). Dù người ta hay thấy nhiều tên người Úc gốc Á Châu đứng trong số 100 em hàng đầu kết quả HSC (Thi Trung Học Đệ Nhị Cấp), nhưng họ đừng tổng quát hóa điều đó cho mọi nhóm người Úc gốc Á Châu hay loại trừ các biến số có thể có khác. Thí dụ, các học sinh người Úc gốc Trung Hoa và gốc Việt Nam xem ra hay đạt được các tham vọng giáo dục của chúng hơn các học sinh gốc Lào hay Cămbốt. Lý do của hiện tượng này có thể do giáo dục bị gián đoạn do hậu quả của nhiều năm chiến tranh và thiếu các dịch vụ hỗ trợ dành cho phụ huynh và học sinh. Sự thành công về giáo dục cũng phát sinh ra nỗi sợ cạnh tranh để vào được các tài nguyên giáo dục có giới hạn (Jayasuriya, 1990:11).

Trong lãnh vực tội phạm, trong một nghiên cứu về các con số thống kê nhà tù giữa các năm 1947-1966, Francis cho thấy các di dân sinh tại Á Châu và Phi Châu có tỷ lệ thấp hơn so với các di dân từ Vuơng Quốc Thống Nhất, Gia Nã Đại và Tân Tây Lan (Francis, 1981). Các con số từ cuộc thống kê quốc gia về nhà tù năm 1986 cho thấy người sinh tại Á Châu có tỷ lệ bị kết án và giam tù vào khoảng 1.6 phần ngàn (Jayasuriya, 1990:11).

Khi tường trình hoạt động tội phạm của người Úc gốc Á Châu, giới truyền thông đại chúng thường nhấn mạnh đến việc phải định vị nó trong văn hóa và tính sắc tộc của cá nhân và không chịu thảo luận các nhân tố như môi trường địa phương, suy thoái kinh tế đương thời, ngăn cản nghề nghiệp và thiên kiến có tính cơ cấu.

Các phần tử tội phạm có mặt trong số người Á Châu tại Úc cũng như tại các cộng đồng khác. Sự khác nhau là hầu như lúc nào, các tội phạm Á Châu cũng bị cảnh sát và giới truyền thông địa phương mô tả bằng những ngôn từ da mầu và sắc tộc và thường là theo kiểu vơ đũa cả đám (monolithic), như “Khiếp đảm khi băng đảng Á Châu ngự trị hè phố”, “Bọn Cướp Tấn Công Người Giầu Có Á Châu”, “Tội Phạm và Văn Hóa tại Cabramatta”. Khi những tờ bào này tường trình về tội phạm của người Anh Úc, tính sắc tộc của các phạm nhân ít khi được nhắc tới trong hàng tít lớn.

Về vấn đề bạo hành có tính kỳ thị người Úc gốc Á Châu, Cuộc Điều Tra Toàn Quốc Về Bạo Hành Có Tính Kỳ Thị Tại Úc ghi nhận rằng cường độ của thiên kiến nặng hay nhẹ là tùy ở loại tranh luận chính trị đương thời, ở tình trạng kinh tế quốc gia và ở sự chú ý của truyền thông lúc ấy (HEROC, 1991:140).

Thế hệ thứ hai và thứ ba của người Úc gốc Á Châu cũng đương đầu với nạn kỳ thị chủng tộc không kém. Người ta khá ngần ngại khi phải công khai hóa tình cảm bài Á Châu vì việc này có thể dẫn tới mức độ kỳ thị lớn hơn.

Khía cạnh cung ứng và công bằng (access and equity)

Phúc Trình Đánh Giá Cung Ứng Và Công Bằng năm 1992 ghi nhận rằng tác động của Chiến Lược Cung Ứng Và Công Bằng thay đổi cả đối với các khách hàng lẫn các nha bộ. Chiến lược này đã tạo được “một ý thức nơi các nhà quản trị” (OMA,1992:119). Đã có nhiều cải thiện trong các dịch vụ ngôn ngữ và thông tin và hành động qua lại liên văn hóa nhưng các hàng rào vẫn còn đó. Như không có sẵn thông dịch viên, sử dụng thông dịch viên không thích đáng, sử dụng truyền thông không thích đáng để phổ biến thông tin (OMA, 1993:10).

Đối với những người Úc gốc Á Châu không thông thạo tiếng Anh, các ngôn ngữ sẵn sàng nhất để được sử dụng trong thông dịch là các ngôn ngữ có số đông người nói và sử dụng như tiếng Trung Hoa và tiếng Việt Nam. Còn đối với các cộng đồng nhỏ hơn như Đại Hàn, Urdu, Căm Bốt, Lào hay Thái Lan, thì thật khó mà có được các dịch vụ thông dịch, nhất là trong tình thế khẩn trương, đơn giản chỉ vì không có thông dịch viên toàn thời cho các ngôn ngữ này. Điều này áp dụng cho cả dịch vụ ngôn ngữ Liên Bang lẫn Tiểu Bang. Đối với các sắc tộc nhỏ bé như Hmong hay Ngung, tình thế còn tồi tệ hơn nữa. Dù các cơ quan chính phủ có nhiệm vụ sắp xếp các thông dịch viên và trả tiền thuê họ, nhưng việc này không luôn luôn thực hiện được và do đó, nhiều khách hàng vẫn đành phải trông cậy vào con cháu, thân nhân và bằng hữu.

Một vấn đề khác liên quan tới việc tìm ra một cơ chế phân phối các tư liệu đã được phiên dịch để chúng đến được các cử tọa muốn nhắm. Điều này đặc biệt xẩy ra với những người cao niên Úc gốc Á Châu, là những người đến ngay ngôn ngữ của họ cũng mù chữ luôn. Do đó, cần phải bổ túc các tư liệu đã phiên dịch bằng việc thông tin miệng.

Một quan tâm khác về các dịch vụ ngôn ngữ là việc thiếu phối hợp giữa các nhà cung cấp dịch vụ như Sở Thông Dịch Điện Thoại, Ủy Ban Sắc Tộc Sự Vụ Tiểu Bang hay Văn Phòng Sắc Tộc Sự Vụ và Sở Thông Dịch Y Tế. Mỗi cơ quan này hoạt động trong phạm vi tài phán nhất định của họ. Thành thử nhiều khách hàng không biết phải kêu đến ai trong lúc cần. Có khi họ bị giới thiệu hết chỗ này đến chỗ khác mà vẫn không tìm được thông dịch viên thích hợp. Trong tình thế ấy, nhiều người Úc gốc Á Châu không thông thạo tiếng Anh đành bỏ cuộc không sử dụng dịch vụ này nữa.

Khía cạnh dịch vụ chuyên biệt sắc tộc và tự giúp mình

Nhiều di dân mới tới đã tự thiết lập ra các tổ chức tự giúp mình để nâng đỡ nhau và như một phương thế vận dụng các đóng góp của chính họ cho cộng đồng đất chủ. Cuốn Hướng Dẫn Các Tổ Chức Cộng Đồng Sắc Tộc Tại Úc năm 1992 liệt kê không dưới 102 tổ chức cộng đồng Á Châu riêng tại New South Wales, so với 84 tổ chức vào năm 1989. Nhiều tổ chức khác không được liệt kê, nhưng người ta biết chắc là chúng có hiện hữu. Một số tổ chức nhận được tài trợ của chính phủ, nhưng đa số chỉ dựa vào thiện chí của các thiện nguyện viên.

Trên căn bản toàn quốc, 18 tổ chức cộng đồng Á Châu tiếp nhận các khoản tài trợ để định cư của Bộ Di Trú và Sắc Tộc Sự Vụ trong tài khóa 1992-1993, trị giá từ 16,000 tới 46,000 dollars trong tổng số ngân sách tài trợ là 3.4 triệu dollars (DILGEA, Thông Cáo Báo Chí, 14/1/93). Các tài trợ phúc lợi hàng năm của Ủy Ban Sắc Tộc Sự Vụ NSW cho các tổ chức Á Châu là 7 khoản vào năm 1989, trị giá 57,000 dollars, 6 khoản vào năm 1993, trị giá 66,000 dollars hay 6.6% toàn bộ ngân sách 1 triệu dollars (NSW Minister of Ethnic Affairs, Thông Cáo Báo Chí, 27/1/93). Bốn tổ chức Á Châu nhận được 1 tài khoản kéo dài từ 2 đến 3 năm của Liên Bang vào năm 1991 so với 2 tài khoản năm 1993. Xét bề mặt, điều này cho thấy có sự gia tăng tài trợ, nhưng ta cần nhớ rằng giữa các năm 1986 và 1992, con số người thường trú tại Úc sinh tại Á Châu gia tăng tới 40% từ 413,187 người lên 687,850 người (Census Applications, Small Area System Comparison 1986-1991, Table 7). Người ta ước lượng có hơn 40% những người mới tới định cư ở New South Wales, được coi như tiểu bang nam châm thu hút người di dân mới.

Trong phạm vi giáo dục, 66 trong số 166 trường do các cộng đồng sắc tộc điều hành tại New South Wales đã cung cấp các lớp ngôn ngữ Á Châu. Các trường của sắc tộc Trung Hoa chiếm 50% con số này với 9,800 học sinh ghi danh. Những trường sắc tộc này sở dĩ có khả năng hoạt động được phần lớn nhờ sự tận tâm của các thành viên cộng đồng, dĩ nhiên được sự nâng đỡ của chính phủ Liên Bang và Tiều Bang qua những khoản tài trợ nhỏ.

Phần lớn các tài trợ của chính phủ đương thời tập chú vào việc phát triển cộng đồng, ưu tiên thứ yếu dành cho các trợ giúp cá nhân hay gia đình để giải quyết các nan đề tuổi trẻ và các tranh chấp gia đình. Trong phạm vi khẩn trương hay khủng hoảng chỗ ở, các tổ chức Úc gốc Á Châu cũng góp tay giúp thiết lập ra các dịch vụ chuyên biệt sắc tộc. Điển hình là việc thiết lập ra nhà nương náu (refuge) cho phụ nữ Đông Dương và nhà nương náu cho thiếu nữ Á Châu tại Sydney vào năm 1992. Hội Phụ Nữ Việt Nam tại Liverpool, Sydney, xử lý ít nhất 3 trường hợp mỗi tuần liên quan tới các phụ nữ bị bạo hành trong gia đình. Các con số trong năm 1991-1992 của Bộ Nhà Ở của Tiểu Bang NSW cho thấy 29% các đương đơn xin có chỗ ở vì lý do khủng hoảng là người không nói tiếng Anh. 75% các đương đơn không nói tiếng Anh bị loại ngay từ giai đoạn đầu của diễn trình chọn lọc so với 61% các đương đơn nói tiếng Anh.

Các cộng đồng Á Châu cũng nhận được tài khoản để lập các trung tâm coi trẻ và nhà ở cho người cao niên cũng như tài khoản tương tự để lập đền thờ và trung tâm cộng đồng. Con số các cơ quan Á Châu và chính dòng về phúc lợi xã hội cũng thi hành nhiều dự án phục vụ các đối tượng Á Châu liên quan tới sức khỏe phụ nữ, giáo dục bệnh AIDS, giáo dục về ma túy và rượu, cũng như các sinh hoạt liên quan tới nhân dụng. Trong phạm vi nhà ở, chẳng hạn, Bộ Nhà Ở của NSW, dưới Chương Trình Chính Phủ Tiểu Bang và Nhà Ở Cộng Đồng, đã cung cấp các ngân khoản tương ứng sau đây trong các năm 1990-1992: 360,000 dollars cho nhà nương náu phụ nữ Đông Dương; 593,000 dollars và đất trị giá 400,000 dollars để xây những đơn vị nhà ở cho các thường trú dân Việt Nam; và 667,000 dollars cho 8 căn nhà bán biệt lập cho người cao niên Lào ở Sydney (NSW Department of Housing, 1992, Appendix 1).

Khía cạnh tiếp nhận di dân và người tị nạn

Úc, vì là nước ký Qui Ước Tị Nạn LHQ (1968), nên đã tiếp nhận nhiều người tới và định cư trên lãnh thổ mình nếu thoả mãn câu định nghĩa của Qui Ước về người tị nạn, tức là: một người ở ngoài xứ sở gốc của mình và không thể hay không muốn trở lại đó, vì có đủ cơ sở để sợ bị bách hại vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, hay thành viên của một nhóm xã hội đặc thù hay vì chính kiến.

Những ai không thoả mãn câu định nghĩa trên nhưng chịu “những vi phạm trắng trợn tới nhân quyền của mình" cũng có thể được tiếp nhận dưới chính sách nhân đạo đặc biệt. Thành phần thứ ba, gọi là Trợ Giúp Đặc Biệt, nhằm vào những người ở nước ngoài nhưng bị “khó khăn và đau khổ” như đang bị trầm trọng vướng vào các tình thế tương tự như chiến tranh hay những người có liên hệ gần gũi với nước Úc.

Con số những người được nhận dưới Chương Trình Tị Nạn, Nhân Đạo và Trợ Giúp Đặc Biệt này dựa vào chỉ tiêu (quota) do Bộ Di Trú ấn định hàng năm. Chỉ tiêu cho năm 1991-1992 là 10,000 người (con số thực sự được nhận là 7,157), 12,000 người cho năm 1992-1993, và 13,000 người cho năm 1993-1994 để định cư con số người rời bỏ quê hương cũ tại Yugoslavia và Đông Âu (Media Release, Minister for Immigration and Ethnic Affairs, 26 May 1993).

Liên quan đặc biệt tới người Úc gốc Á Châu dưới chương trình này là các người tị nạn từ Việt Nam, và Lào, đồng thời một số nhỏ những người “đủ điều kiện” từ các quốc gia được nhìn nhận như Sri Lanka, Trung Hoa, Nam Dương và Miến Điện. Con số những người tới theo chương trình này là: 6,807 trong tài khóa 1989-1990 và 3,136 trong tài khóa 1991-92.

Trước năm 1989, phần lớn người tị nạn là các đương đơn ở ngoại quốc, chỉ chừng 300 đương đơn một năm trên đất liền mà thôi. Sau khi Chính Phủ Úc cấp visa thường trú tạm thời 4 năm cho người Trung Hoa sau biến cố Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989, gần 10,000 đơn đã được nhận trong năm 1991-1992. Con số này bao gồm cả hơn 300 đơn của “thuyền nhân” Căm Bốt và Trung Hoa. Thêm vào đó, tính cho đến cuối năm 1991, vẫn còn tới 23,000 người chờ đợi được xét đơn xin tị nạn.

Phần lớn các đương đơn phải đợi 2 năm hoặc hơn mới được cứu xét. Mặc dù được cấp thêm ngân khoản từ 8.7 triệu dollars năm 1991/1992 lên 25.1 triệu dollars năm 1992/1993 và đơn giản hóa diễn trình xét đơn để rút thời gian cứu xét xuống còn 2 tháng, nhiều ngàn người vẫn còn phải chờ quyết định của chính phủ về tư cách của họ. Thêm vào đó, còn có những người mới được cấp thường trú tạm thời nữa.

Chính Phủ Liên Bang cũng đưa ra các luật lệ nhằm hủy bỏ việc dùng lý lẽ “bác bỏ công lý tự nhiên” làm cơ sở để thượng tố các quyết định chính thức. Họ cũng ban hành các đạo luật nhằm hạn chế việc bồi thường thiệt hại cho các thuyền nhân hay vượt biên bị tạm giữ.

Điều bất thường nhất trong Chương Trình Tị Nạn, Nhân Đạo và Trợ Giúp Đặc Biệt là những người tị nạn trên đất liền với tư cách thường trú tạm thời có quyền được đi làm, sử dụng thẻ y tế và được bảo lãnh các thành viên cận kề của gia đình mình. Họ có thể nhận được giúp đỡ tài chánh của các cơ quan bác ái với ngân quĩ đặc biệt do chính phủ cấp, chỉ không được nạp đơn xin nhà chính phủ hay trợ cấp an sinh xã hội.

Trái lại, những người trong các trại tạm giam như các “thuyền nhân” Căm Bốt chẳng hạn, thì phải mòn mỏi sống tại Villawood, Melbourne hay Port Hedland chỉ vì diễn trình luật pháp phức tạp và các thủ tục bàn giấy chậm như rùa. Nếu hệ thống quá phức tạp và cần nhiều năm để hoàn tất diễn trình cứu xét, thì không nên giam giữ những người vượt biên trong các trại tạm giam mà phải cho họ vào cộng đồng giống như những người đương đơn trên đất liền.

Viễn tượng tương lai

Dù nhiều việc còn cần được thực hiện dưới chính sách đa văn hóa của Úc, nhiều người Á Châu cũng đã tìm đường đi vào sinh hoạt kinh doanh, chính trị và nghề nghiệp của Úc. Trong lãnh vực giáo dục, các sinh viên học sinh Úc gốc Á Châu học hành với thành tích cao, thường được tiếng là những người đạt thành tích cao và rất cao (Bullivant, 1986). Dù các tên Úc gốc Á Châu vẫn được thấy hàng năm trong 10 kết quả cao nhất của Bằng Trung Học Đệ Nhị Cấp (HSC), người ta vẫn cần phải thận trọng khi nhìn vào các học sinh sinh viên Á Châu nói chung. Thí dụ, trong số các học sinh sinh viên tị nạn Việt Nam, Lào và Căm Bốt, tỷ lệ bỏ học khá cao, phần lớn vì không được hỗ trợ và do hậu cảnh tị nạn của cha mẹ.

Hiện đã có các chính trị gia gốc Á Châu trong chính quyền địa phương và cả trong Quốc Hội Tiểu Bang và Liên Bang. Con số các nhân vật Á Châu trong kỹ nghệ giải trí, trong nghệ thuật và trong truyền thông cũng đang gia tăng. Bất chấp những mô tả có tính phóng đại về các hoạt động tội ác Á Châu do truyền thông in ấn, các nhật báo lớn tiếng Anh cũng đang tường thuật nhiều câu truyện thành công về những chủ tiệm và doanh nhân Á Châu (Thomas, 1993: 31-37). Các chùa Phật Giáo, các đền thờ Ấn Giáo và các nhà thờ Á Châu đang được dựng lên tại nhiều thành phố thủ phủ của Úc, đôi khi bất chấp sự chống đối của cư dân địa phương.

Các người tị nạn từ Việt Nam đã “trải nghiệm được một mức độ thăng tiến đáng kể giữa việc làm đầu tiên và việc làm đương thời ở Úc” với những người sắc tộc Trung Hoa thường tập trung vào công việc tay chân và buôn bán nhỏ hơn người Việt Nam (Tran and Holton, 1991: 174). Người ta mong rằng chiều hướng này sẽ tiếp tục đối với nhiều người Úc gốc Á Châu nếu họ được chia sẻ cơ may và việc tham dự của họ được khích lệ dưới các nguyên tắc công bình và bình đẳng xã hội. Theo một nghĩa nào đó, căn cứ vào các thay đổi to lớn về đặc điểm dân số trong một thời gian ngắn, chúng ta đang có ngay trước cửa nhà mình một khuôn mẫu đa dạng văn hóa rất thành công. Ngoài việc thực hiện các đóng góp kinh tế và văn hóa, việc cải thiện cung ứng và công bình sẽ góp phần hơn nữa giúp người Úc gốc Á Châu có được một cảm thức chân thực về bản sắc Úc và góp phần nuôi dưỡng tính đa dạng văn hóa của Úc, có lợi hỗ tương cho mọi cư dân và các thế hệ tương lai. Vì các đóng góp của người Úc gốc Á Châu ngày một gia tăng và biến đổi theo thời gian, nên thực tại làm người Úc của họ cũng sẽ thay đổi, sẽ đến lúc trong lịch sử Úc, tất cả chúng ta sẽ cùng thương thảo các thực tại đa dạng cho tương lai, một tương lai bao gồm hoài mong của cả thiểu số lẫn đa số.

Tài liệu tham khảo

Birrell, R. (1986), The Ethnic Problem in Education, Research Conference, AIMA, AGPS, Canberra.

Bullivant, B. (1986), Getting a Fair Go : Studies of Socialisation and Perspectives of Discrimination (Canberra: HREOC).

Castles, S. (1992), The 'New' Migration and Australian Immigration Policy in Asians in Australia edited by Inglis C., Gunasekaran S., Sullivan G. and Wu, C., Institute of Southeast Asian Studies, Allen and Unwin, Sydney.

Centre for Working Women Co-operative Limited, Women Outworkers: A Report Documenting Sweated Labour in the 1980s, Footscray.

Collins, J. (1988), Migrant Hands in a Distant Land, Pluto Press, Sydney.

Evans, M. D. R. (1985), New Blood : A Social Portrait of Australia's Recent Immigrants, RSSS, ANU, Canberra.

Francis, R. D. (1981), Migrant Crime in Australia, QUP, St. Lucia.

Human Rights and Equal Opportunity Commission (1991), Racist Violence, Report of the National Inquiry into Racist Violence in Australia, AGPS, Canberra.

Jayasuriya L. and Sang D. (April 1990), Asian Immigration Past and Current Trends, Current Affairs Bulletin.

Niland C. and Champion R. (1990), EEO Programs for Immigrants: The Experience of Thirteen of Thirteen Organisations, Bureau of Immigration Research, AGPS, Canberra.

Office of the Director of Equal Opportunity in Public Employment (1992), 1990 EEO Survey Report for the New South Wales Public Sector, ODEOPE, Sydney.

Office of Multicultural Affairs (1993), Access and Equity Evaluation Summary, AGPS, Canberra.

Public Service Commission (1990), Maximising Diversity : A Report on the Employment of People of Non-English Speaking Background in the Australian Public Service, AGPS, Canberra.

Price C. (1974), The Great White Walls Are Built, ANU Press, Canberra.

Thomas, T. "Small Buiness, the Vietnamese Way", Business Review Weekly, 15 January 1993: 30-37

Tran, M. V. and Holton, R. Sadness is Losing our Country, Happiness is Knowing Peace: Vietnamese Social Mobility in Australia, 1975-1990 (Canberra: Office of Multicultural Affairs, 1991).

Women's Directorate in NSW, Self-employed or Employee? A Survey of Women in New South Wales doing Paid Work at Home (Sydney: NSW DIRE and EAC, 1987).