THỪA SAI HẢI NGOẠI PARIS: 350 năm xây dựng Giáo Hội Việt Nam

(Bài 2) Sứ mệnh rao giảng Tin Mừng



Thừa sai Hải ngoại Paris, một cái tên đượm chất phúc âm. Thừa sai là « vâng làm việc người trên sai phái[1] ». Ai vâng làm việc ? - Là tất cả những kitô hữu, đặc biệt là tu sĩ, giáo sĩ. Người trên nào ? - Là Chúa Kitô. Sai phái làm việc gì ? - Làm việc rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

Trong Lễ khai mạc Năm Hồng Phúc, 2008, kỷ niệm 350 năm thành lập THỪA SAI HẢI NGOẠI PARIS, 1658-2008 tại nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê Chủ nhật BaVua, 06 tháng 01 năm 2008, cha Gioan Baotixita ETCHARREN, Bề trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris đã ngỏ lời cám ơn và dâng Lời Tạ Ơn. Ngài nói: « Tạ Ơn Chúa đã gởi đến Hội Thừa Sai trên 4500 thanh niên, để dâng minh làm thừa sai hải ngọai ! Tạ Ơn Chúa đã cho Giáo Hội Pháp trung thành với sứ mệnh truyền giáo ! Tạ Ơn Chúa đã cho Các Giáo Hội Á Châu dịp dâng cho Hội Thánh nhiều vị tử đạo ! Tạ Ơn Chúa đã cho các thanh niên Pháp cùng hiệp thông với những thanh niên kitô Á châu. Và qua lời chia sẻ Tin Mừng, Ðức Hồng Y André VINGT-TROIS đã nhắc lại việc làm của Thừa Sai Hải Ngoại Paris từ 350 năm nay. Ngài nói: « Rất nhiều thanh niên đã đáp lại tiếng Chúa gọi, dâng mình làm linh mục, đi khắp các nẻo đường, đến tận cả những nơi xa xăm, bất chấp hiểm nguy rao giảng Tin mừng. Từ 350 năm nay, trong Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, họ đông trên hơn 4500 người » !

Theo huấn dụ của Bộ Truyền Giáo gởi ngày 10-11-1659 cho hai phái đoàn thừa sai đầu tiên của Ðức Cha François Pallu và Pierre Lambert de La Motte, hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris nhằm mục đích: 1- Huấn luyện, đào tạo linh mục bản quốc trong các miền đã đón nhận Tin Mừng; 2- Coi sóc và phát triển số giáo dân hiện có và 3- truyền giáo làm cho người ngoại giáo trở lại. Sứ Mệnh rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, trong lịch sử của Giáo Hội, đã là một sứ mệng chính yếu mà Chúa Kitô đã trao phó cho các tông đồ và Giáo Hội tiếp tục qua các thời đại.

1. Sứ mệng Chúa trao phó: « Anh em hãy đi giảng dậy cho muôn dân »

Tin mừng Mathêu, trong những câu chót của chương cuối cùng thuật lại rằng: « Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi giảng dậy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế". (Math. 28, 16-20).

Thơ thánh Phaolô gởi tín hữu thành Ephêsô, mà lễ Hiển Linh, lễ quan thầy của Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, đọc lại cho mọi người nghe, đặc biệt nhấn mạnh đến dân ngoại: « Hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Ðức Kitô như tôi vừa trình bày vắn tắt trên đây. Anh em đọc thì có thể thấy rõ tôi am hiểu mầu nhiệm Ðức Kitô thế nào. Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Ðồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là: trong Ðức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Dothái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa ». (Eph. 3,2-6).

Theo lệnh Chúa Kitô, tiếp truyền thống của Tông đồ dân ngoại là thánh Phaolô, Giáo hội luôn luôn xác tín sứ mệnh « Rao giảng Tin Mừng cho muôn dân » của mình. Các nghị phụ Công Ðồng Vatican II đã mở đầu Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội bằng lời minh định rằng: « Ánh sáng muôn dân chính là Chúa Kitô, nên Thánh Công Ðồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội, bằng việc rao truyền Phúc Âm cho mọi tạo vật (x. Mc 16,15). Vì Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại, nên, dựa trên giáo huấn của các Công Ðồng trước, Giáo Hội muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho tín hữu và toàn thế giới. Những hoàn cảnh hiện tại làm cho nhiệm vụ của Giáo Hội thêm khẩn thiết hơn, để ngày nay mọi người liên hệ chặt chẽ hơn bởi nhiều ràng buộc xã hội, kỹ thuật, văn hóa, cũng được hiệp nhất trọn vẹn trong Chúa Kitô. (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, 1964, số 1[2]).

2. Từ sở truyền giáo đầu tiên là Giêrusalem

Giáo hội đã khởi sự lịch sử hiện hữu từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, ngày lễ Ngũ Tuần năm 30, mà Sở truyền giáo đầu tiên là Giêrusalem.

15 năm sau, các tín hữu đã lan tràn đi rất nhiều nơi. Với Phaolo và Barnabê, nhiều Sở truyền giáo khác lần lượt được thiết lập: Damas, Antioche, Corintô, Êphêsô, Asia, Macédoine, Pergé, Attale, Iconium, Lystres. Ðầu tiên, các ông giảng đạo cho người Do thái trong những hội đường vào ngày sabat. Và các ông cũng giảng đạo cho người ngoại nữa[3]. Theo Eusèbe, ngay trong đời hoàng đế Tibère, nghĩa là trước năm 37, niên đại lúc Caligula lên chấp chính, toàn thể trái đất vang dội tiếng nói của các thánh sử và của các tông đồ. Rồi trong phần đầu cuốn thứ III bộ Lịch Sử Giáo Hội, Eusèbe nói đến nhũng khu vực chịu ảnh hưởng của các tông đồ: Tôma giữa người Parthes, Gioan tại Asia, Phêrô tại miền Pont và ở Rôma, Anrê tại miền Scythie[4]. Nhờ nhiệt tình truyền giáo của các tông đồ, các Sở truyền giáo cứ tiếp tục rộng lan. Từ Jérusalem, xuyên qua Alexandrie, Hylạp đến Rôma, Gaule, Tây Ban Nha, bắc Ý, Phi châu…

Ði đến đâu, các tông đồ cũng thành lập các cộng đoàn kitô, xây dựng giáo đường, phong chức giám mục, truyền chức linh mục. « Theo bằng chứng của thánh Cyprien, cho tới đầu thế kỷ thứ III, nước Gaule (Pháp) mới chỉ có một toà giám mục là toà Lyon, vào giữa thế kỷ đã thấy xuất hiện nhiều toà khác: Arles, Toulouse, Narbonne, Vienne, Paris, Reims, Trèves. Tại Tây Ban Nha, thánh Cyprien kể tên các giám mục của Astorga, Mérida và Saragosse. Tại bắc Ý thì Milan, Aquilée, Ravenne đều có toà giám mục. Nhưng hai trung tâm chính của Kytô giáo là Cathage và Rôma, tại hai nơi này số giáo dân gia tăng khác thường [5]».

3. Lan sang khắp miền Ðịa Trung Hải, tràn khắp Âu Châu

Từ thế kỷ thứ IV, dưới triều đại Constantin (306-338), « chúng ta đã bước vào một chặng đường hoàn toàn mới mẻ của lịch sử kitô giáo. Ðây mới thật là thái bình của Giáo Hội. Tất cả các mồi trở ngại, thuộc phạm vi pháp lý hay vật chất, từ trước đến nay đã cản trở việc Phúc Âm hóa đều được bãi bỏ; Từ nay việc Phúc Âm hóa được tự do tiến hành với kết quả ngày càng gia tăng. Trong hết mọi miền của Ðế quốc Rôma, người ta trở lại đông đúc, ngay từ quần chúng, và giữa các giới từ reước đến nay vẫn ương bướng, khắpnơi đều thấy mọc lên những tòa Giám Mục mới, hoạt động thần học thật sống động. Ðường lối chính trị của nhà vua, dưới muôn mặt, tìm cách hỗ trợ tôn giáo mới. Nhờ gương lành nhà vua, gương lành có hiệu lực phi thường trong chế độ quân chủ sâu đậm này, tất cả đều thúc dẩy đến việc kitô hóa toàn diện Ðế Quốc Rôma[6]

Phong trào truyền giáo, theo sức mạnh ấy, bộc phát hơn và tổng quát hơn, đã vượt biên cương Ðế quốc La Mã, ăn rễ sâu vào Giáo Hội của người Syrie và Ba tư tại đế quốc Sassanide, lan sang miền Arménie, tiếp xúc với Albanie miền Caucase, miền Géorgie, đi sâu vào các chi tộc du mục trong các vùng sa mạc trong các nước Ả Rập, miền Arabie, Yemen, sang nước Ethiopie, tiếp xúc với người Germains và Wulfila miền Crimée, tới bên kia sông Danuble,…

Thế kỷ thứ V, Thánh Patrice tông đồ miền Ái Nhĩ Lan (385-461) đã hướng tới việc cải đạo cho Bắc Âu. Phong trào truyền giáo bành trướng mạnh với người Anglô-Saxon, người Alamans, và dĩ nhiên cả những dân tộc Germanie. Thời Cổ Ðại, thế giới kitô được thiết lập chung quanh miền Ðịa Trung Hải. Ðến thời Trung Cổ, địa bàn của thế giới kitô Tây Phương một cách nào đó xích về phía bắc và phần lớn là đất liền[7]

Từ thế kỷ thứ VI và xuyên qua suốt thời Trung Cổ, sứ mệnh rao giảng Tin Mừng càng ngày càng lan rộng và ăn rễ sâu vào Ðế quốc La Mã. Nhưng sứ mệnh này dần dà cũng nhiễm những thói tục trần thế. Vai trò của thế quyền và giáo quyền xen lấn lẫn lộn vào nhau. Truyền giáo, Rao giảng Tin Mừng trở thành một dụng cụ mà nhiều vua công giáo đã dùng để củng cố quyền hành và mở mang bờ cõi. Dẫu sao, thì « vào giữa thế kỷ XI, phần lớn lục điịa Âu Châu đã theo đạo Kitô, từ Nga Sô miền tây Công giáo và Bulgarie cho tới Tây Ban Nha ở phía bắc ranh giới Hồi Giáo[8] ».

Việc Châu Âu trở lại đạo Công Giáo được tiếp tục đến Bulgarie từ thế kỷ IX, đến các nước Baltes vào thế kỷ XII, sang Serbie vào đầu thế kỷ thứ XIII, đến Nga từ thế kỷ XI đến XV. Từ Ðức Grégoire Cả (540-604), cộng đồng kitô đã phát rất nhiều và cũng có những tổn thương nặng nề. Một sử gia biên chép các cuộc truyền giáo đã đưa ra một so sánh làm ta ngạc nhiên: về phương diện đại kết, Giáo Hội vào năm 1500 không quan trọng về diện tích và nhân số hơn Giáo Hội năm 600. Mất mát và thắng lợi đồng đều nhau[9].

4.Hướng về phương Ðông và đi Mỹ Châu, chế độ Bảo trợ

Với việc Christophe COLOMB (1451-1506) khám phá ra Mỹ Châu ngày 12.10.1492, việc ông cắm lá cờ của vua Tây Ban Nha và cây thập giá Ðức Kitô trên thế giới mới tìm thấy này và việc ông đặt cho chúng những tên mới: Sal Vador, Santa Maria, Trinidad, (Ðấng Cứu Thế, Thánh Nữ Maria, Chúa Ba Ngôi) thì như ông đã rửa tội cho chúng và khánh thành công cuộc truyền giáo cho tân thế giới[10]. Hai năm sau, ngày lễ Hiển Linh 1494, lần đầu tiên trên thế giới mới, ở Haiti, thánh lễ đã được cử hành và tháng 09 cùng năm, đã làm phép rửa cho người tân tòng đầu tiên ở đây.

Theo truyền thống công giáo thời Trung Cổ, Tòa Thánh trao quyền bảo trợ cho các vua công giáo, cụ thể là cho Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha. Thấy Tây Ban Nha đến Mỹ Châu, Bồ Ðào Nha phản đối việc Tây Ban Nha xâm chiếm miền Tây Ấn. ÐGH Alexandre VI đã phải can thiệp và ban hành 4 huấn thị danh tiếng năm 1493 để giải quyết những tranh chấp. Lấy ranh giới ở phía Tây quần đảo Açorès. Ðông Ấn thì dưới sự bảo trợ Bồ Ðào Nha, gồm Châu Phi và Châu Á; Tây Ấn thì dưới sự bảo trợ Tây Ban Nha, gồm châu Mỹ.

Từ đó, « triều đình Tây Ban Nha rất nghiêm chỉnh làm tròn sứ mệnh. Có 17 tu sĩ Phanxicô đi theo viên tổng trấn mới để tới Haiti năm 1502. Tới 1509 thì có mấy tu sĩ Daminh đầu tiên. Năm 1511 có 24 thừa sai tới Portô Ricô. Từ 1516 Ximénès ra sắc chỉ không một tầu nào đi Tân Thế Giới mà không đem theo linh mục. Cho tới 1522, đã thành lập 8 tòa giám mục ở Antilles. Từ 1526 một người trong đoàn được cắt đặt làm giám mục Mexicô… Kết quả việc truyền giáo thật là lạ lùng, gần như không thể tin được; trong vòng 20 năm đã có mấy triệu phép rửa, 8 000, 10 000 cho tới 14 000 trong một ngày do hai tu sĩ Phanxicô làm. Và đó không phải là chuyện hiếm….Năm giáo tỉnh Phanxicô và 3 giáo tỉnh Ða Minh được thành lập ở Mexicô vào cuối thế kỷ[11].

5. Ði tới Ấn Ðộ, Nhật và Trung hoa

Vào thế kỷ XVI và XVII, sức sống của Giáo Hội không chỉ biểu lộ mạnh qua nhiều khía cạnh chính trị quân sự, mà còn cả ở lòng đạo đức sốt sắng hăng say nữa. « Sự hăng say ấy được biểu lộ qua những hoạt động truyền giáo mạnh mẽ ngang hàng với những hoạt động truyền giáo thời các Tông Ðồ ». Những sắc lệnh bảo trợ ban nhiều đặc ân cho nước Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha đã mang lại một qui chế pháp lý cho tổ chức truyền giáo. Rồi Dòng Tên mới thành lập đã cung cấp cho Giáo Hội nhiều thừa sai đắc lực.Thánh Ignace de Loyôla đã gửi thánh Phanxicô Xavier và Rodriguez đi Ðông Ấn. Phanxicô đã đến Goa ngày 06.05.1542, rửa tội cho 10.000 tân tòng ở bờ biển Ðông Nam Án Ðộ. Ngài viếng Ceylan, ghé Malacca, thăm Moluques,…Nam 1549, cùng một nhóm bạn đồng tu nhỏ, Phanxicô Xavier qua Nhật Bản và tạo được một cộng đoàn nhỏ. Năm 1552 ngài trở về Goa. Cũng hè năm 1552 ấy ngài lại lên đường đi về hướng Bắc. Ðứng trước bờ biển Trung Hoa, ngài tìm cơ hội để vào Trung Quốc. Sau hai tháng chờ đợi vô hiệu, ngài lâm trọng bệnh sốt rét và qua đời ngày 03 tháng 12 năm 1552[12].

6. Thành lập Thánh Bộ Truyền Giáo

Phong trào truyền giáo phát động tại Mỹ châu và Á Châu làm cho Giáo Hội ý thức được rằng chế độ Bảo Hộ dành cho các vua Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha, tuy có bảo vệ ít nhiều công việc truyền giáo, nhưng cũng đưa ra nhiều trắc trở cho việc truyền bá Phúc Âm, vì những lợi ích kinh tế và thuộc địa của quốc gia liên hệ. Công việc truyền giáo, muốn bớt tính cách thế tục mà mưu ích thiêng liêng, phải thuộc thẩm quyền của Giáo Hội, phải bỏ chế độ Bảo Trợ, phải cử những giám mục trực tiếp đại diện tông tòa. Ý tưởng đã manh nha từ Công Ðồng Trente, kết thúc năm 1563. ÐGH Piô V đã lập một Ủy Ban lo việc hoán cải dân ngoại. Năm 1600 ÐGH Clément VIII thay thế bằng Thánh Bộ Ðức Tin. Ðược bầu làm giáo hoàng năm 1621, ÐGH Grégoire XV, rất quan tâm đến việc thiết lập hàng giáo sĩ địa phương, đã quyết định thành lập Thánh Bộ Truyền Giáo vào ngày lễ Ba Vua 06.01.1622, gồm 13 hồng y, hai vị cao cấp trong giáo hội và một thư ký. Và Ngài giao phó cho thánh bộ này nhiệm vụ truyền bá đức tin. Một loạt công việc đã được thực hiện: Tổ chức nội bộ Thánh Bộ, Phân chia toàn bộ thế giới ra làm 13 tỉnh hạt; Cấm các vị thừa sai không được hoạt động chính trị và loại bỏ mọi mưu đồ chính trị ra khỏi mục tiêu tôn giáo mục vụ, lập trường truyền giáo để đào tạo các thừa sai truyền giáo và huấn luyện hàng giáo sĩ địa phương, lập ấn quán xuất bản các sách phụng vụ và giáo lý ngoại ngữ, thu thập các báo cáo về tình hình thừa sai, điều đình với triều đình Madrid và Lisbonne về những lãnh thổ hải ngoại do họ bảo trợ, bổ nhiệm giám mục hiệu toà làm giám quản tông toà, đặc trách điều khiển các giáo hội địa phương.. Trong tất cả những việc ấy, cha Ingoli, thơ ký thánh bộ, đã đóng góp rất nhiều.

7. Ði đến Việt Nam

Từ thế kỷ XVI, các thừa sai thuộc nhiều dòng khác nhau đã đến truyền giáo ở Việt Nam. Dòng Ða Minh với giáo sĩ Gaspar de Santa Cruz đến Hà Tiên năm1555, giáo sĩ Luis de Fonseca và Grégoire de la Motte đến Quảng Nam năm 1580. Dòng Phanxi cô với các giáo sĩ Diego D’Oropesa, Bartolomeo Ruiz, Pedro Ortiz, Francisco de Monica và 4 trợ sĩ đến Bắc Việt năm 1583. Giáo sĩ Ordeonez de Cevallos dậy giáo lý và ban phép thánh tẩy cho công chúa Mai Hoa năm 1591. Dòng Tên với Giáo sĩ Francesco Buzomi, Diego Carvalho và 3 trợ sĩ đến Cửa Hàn năm 1615: giáo sĩ Pedro Marquez và Christoforo Borri, rồi Andre Fernandez, François de Pina, François Baretto và một trợ sĩ người nhật vào Trung Việt năm 1618; giáo sĩ Ðắc Lộ Alexandre de Rhodes, Jerome de Majorica, Gaspar Luis, Gabriel de Matos, Melchior Ribero và Mathias Machida dến Hải Phố.

Từ Ðàng Trong, Cha Ðắc Lộ và Marquez trở về Macao vài tháng rồi vào Ðàng Ngoài, đến Cửa Bạng, Thanh Hoá ngày 19.03.1627. Các ngài giảng đạo ở đó vài tháng lập được hai họ đạo Cửa Bạng và An Vực, rồi đi ra Bắc, tới Thăng Long ngày 02.07.1627. Ngài ở lại đó đến năm 1630 thì bị trục xuất; Mười năm sau, năm 1640 ngài trở lại Ðàng Trong ở Cửa Hàn, ở đó ngài giảng đạo, chứng kiến cuộc tử đạo của thầy Giảng Anrê Phú Yên chiều ngày 26.07.1644, rồi bị trục xuất khỏi Ðàng Trong, lên tầu ngày 03.07.1645 đi Macao, về Âu Châu[13].

Về Âu Châu, đến La mã ngày 27.06.1649, Cha Ðắc Lộ được ÐGH Innocent X tiếp kiến. Một năm sau, ngày 02.08.1650 cha Dắc Lộ đã tường trình cho Thánh Bộ Truyền Giáo về Giáo Hội Việt Nam với hơn 300.000 tín hữu và mỗi năm tăng thêm khoảng 15.000 tân tòng và thỉnh cầu Thánh Bộ gởi Giám mục giám quản tông toà đến Ðàng Trong và Ðàng Ngoài. Ngày 26.09.1650, với sự hiện diện của ÐGH Innocent X, các hồng y đã chuẩn xét lời thỉnh cầu này. Năm 1651 Thánh Bộ đề nghị chọn cha Ðắc Lộ làm giám mục giám quản tông tòa, nhưng cha Ðắc Lộ từ chối, vịn lý rằng theo các báo cáo của thơ ký Thánh Bộ là cha Francesco Ingoli, các thừa sai Bồ Ðào Nha sẽ không chấp nhận, và tệ hơn nữa, nếu không được Bồ Ðào Nha chấp nhận, cha sẽ có thể bị cầm tù. Ngày 30.07.1652 Thánh Bộ với sự hiện diện của ÐGH họp lại lần nữa. Nhưng vấn đề bổ nhiệm giám mục giám quản tông tòa cho Việt Nam vẫn bị bế tắc vì những trở ngại do qui chế bảo trợ Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha. Ðức Giáo Hoàng Innicent X vẫn chưa dứt khoát quyết định.

Không hy vọng tìm được giải quyết tại La Mã cho Giáo Hội Việt Nam, cha Ðắc Lộ rời La mã ngày 11.09.1652 đi Marseille, tới ở Lyon. Ở đây, ngài biên soạn cuốn sách « LỊCH SỬ VƯƠNG QUỐC ĐÀNG NGOÀI, từ năm 1627 tới năm 1646[14] ». Rồi tháng giêng năm 1653 cha lên đường đi Roanne, trực chỉ Paris. Ở Paris có lẽ cha Ðắc Lộ sẽ tìm được giải đáp cho giáo hội mà ngài yêu quí: Giáo Hội Việt Nam !

Paris, ngày 10 tháng 01 năm 2008

Trần Văn Cảnh

Ðón đọc: TSHNP, bài 3: (Cha Ðắc Lộ góp phần) Thành lập Thừa Sai Hải Ngoại Paris

--------------------------------------------------------------------------------

Ghi chú:

[1] Ðào Duy Anh; Hán Việt Từ Ðiển; In lần 3; Sài Gòn: Trường Thi xuất bản, 1957, tr. 457

[2] Các tài liệu giáo huấn của Giáo Hội về truyền giáo tương đối phong thú. Xin ghi một vài tài liệu:

· Công đồng Vatican; Hiến chế tín lý về giáo hội

· CÐV II, Hiến chế về mạc khải

· CÐV II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội

· CÐV II, Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân

· ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng

· ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Kitô Hữu Giáo Dân

· ÐGH Gioan Phaolô II, Tông huán Giáo Hội tại Á Châu

· ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Độ

· ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót

· ĐGH Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2000

· HÐGMVN, Thơ mục vụ 2003

[3] DANIELOU; Từ xuất xứ cho đến cuối thế kỷ thứ III; trong Tân lịch sử Giáo Hội, IA: GXVN Paris: 2002, tr. 72-89

[4] Ibidem, tr. 107

[5] Ibidem, tr. 326

[6] MARROU Henri-Irénée; Từ cuộc bắt đạo của Dioclétien cho đến khi Grégoire cả qua đời; trong Tân lịch sử Giáo Hội, IB; GXVN Paris: 2002, tr. 393-394

[7] Ibidem, tr. 705

[8] M.D. KNOWLES và D. OBOLENSKY; Phúc Âm hóa Châu Âu; trong Tân Lịch sử Giáo Hội, II A: GXVN Paris; 2003, tr. 33

[9] Ibidem, tr. 747.

[10] TUCHLE Hermann, BOUMAN C.A. và LE BRUN Jacques; Cải Cách và chống Cải Cách; trong Tân Lịch Sử Giáo Hội: IIIA, GXVN Paris, tr. 22-23

[11] Ibidem, tr. 24-25.

[12] Ibidem, tr. 453-456

[13] Phan Phát Huồn; Việt Nam Giáo Sử; In lần thứ 5; Long Beach: Cứu Thế Tùng Thư; 1997, tr. 39-138

[14] LỊCH SỬ VƯƠNG QUỐC ĐÀNG NGOÀI, từ năm 1627 tới năm 1646, Do Giáo Sĩ ALEXANDRE DE RHODES, Bản Việt ngữ của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên; xem http://www.dunglac.net/Baiviet1/daclo-dngoai-00ml.htm