THỪA SAI HẢI NGOẠI PARIS
350 năm xây dựng Giáo Hội Việt Nam
(Bài 10)

Thừa sai hải ngoại Paris đầu tiên đến Ðàng Ngoài: Cha François Deydier

Từ chủng viện thánh Giuse ở Ayuthia, các thừa sai lần lượt đã được phái đi các vùng truyền giáo: cha Brindeau đi Trung Hoa, cha Chevreuil đi Cao mên, cha Hainques đi Ðàng trong. Vào năm 1666, duy chỉ còn cha François Deydier. Cha đã được Ðức Cha Lambert, thay quyền Ðức cha Pallu, sai đi Ðàng Ngoài.

Ngày 20.06.1666, cha François Deydier [1] rời Ayuthia, thủ đô Xiêm, giả dạng thủy thủ xuống một thuyền Trung Quốc, đi Ðàng Ngoài. Sau hai tháng hành trình, ngày 20.08.1666, tầu đến bến ở của sông Bắc Kỳ, gọi là Gia Họ, trong tỉnh Sơn Nam, một dặm phía nam kinh đô. Bốn ngày sau, sét đánh, cột buồm lớn gẫy ngay dưới gốc. Tai nạn khiến các người trung hoa khiếp hãi, nhiều người bỏ tầu. Thừa cơ hội, cha Deydier xuống tầu, đến thương điếm Hòa Lan, tìm gặp ông Raphael de Rhodes, là thông dịch viên, cư ngụ tại đó. Là người công giáo tốt lành, ông de Rhodes rất vui mừng được đón tiếp cha Deydier. Ông lại hết sức giúp đỡ để giúp cha thu phục cảm tình của các thầy giảng cũ đã được các cha dòng Tên đào tạo và giao phó trách nhiệm coi sóc các xứ truyền giáo Bắc Kỳ khi các ngài bị bắt buộc phải rời bỏ vào năm 1663.

1. Tụ tập các thầy giảng và tổ chức tĩnh tâm cho họ

Ngày 11.10.1666, nhờ công khó và tài khéo của ông Raphael de Rhodes, tám thầy giảng chính, cùng với độ 20 thấy giảng phó đến gặp cha Deydier và nhìn nhận cha là Tổng Ðại Diện của Ðức Cha François Pallu, giám mục Heliopolis, Ðại Diện Tông tòa, giám quản địa phận Ðàng Ngoài, và tự đặt mình dưới sự điều khiển của cha.

Thấy Gioan Huệ làm cho cha Deydier một bản báo cáo tỷ mỷ về tình hình công giáo tại Bắc Kỳ. Năm 1652 cha Ðắc Lộ tuyên bố với Ðức Giáo Hoàng Innocentê X rằng số người công giáo ở Việt Nam, gồm Bắc Kỳ và Nam Kỳ, vượt trên 200000 tín hữu. Bốn năm sau, các cha dòng Tên đưa ra con số 300000 giáo dân cho nguyên Bắc Kỳ. Thầy Gioan Huệ cho rằng con số giáo dân ở Bắc Kỳ hiện nay (1666) không vượt quá 80000 người.

Cha Deydier đề nghị với các thầy giảng làm một cuộc tĩnh tâm ba ngày liền, khởi đầu từ ngày hôm sau.

Ngày hôm sau, 12.10.1666, ngày thứ nhất của cuộc tĩnh tâm, cha Deydier đưa tất cả các thầy xuống một chiếc ghe lớn của cha. Cha khởi sự bằng cử hành thánh lễ Chúa Thánh Thần cho họ và cha đã khuyến dụ họ sống an bình hiệp nhất với nhau, bỏ qua những sự hiềm khích và giải hòa với nhau.

Ngày 13.10.1666, ngày thứ hai của cuộc tĩnh tâm, cha giảng cho họ về sự cần thiết phải thánh hóa bản thân, về sự cầu nguyện suy niệm như phương thế hữu ích để tự thánh hóa; cha giúp họ dọn mình, sẵn sàng nhắc lại lời khấn: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục mà họ đã làm trước kia; và họ cũng kê khai tất cả những gì họ sở hữu về tiền nong, ruộng đất.

Ngày hôm sau, 14.10.1666, ngày tĩnh tâm thứ ba, các thầy giảng nhắc lại các lời khấn trước Mình Thánh Chúa mà cha Deydier cầm trong tay. Sau đó, cha chỉ định các thầy giảng kỳ cựu mỗi người một địa hạt để chăm sóc giáo dân; cha cũng chỉ định một vài thầy giảng trẻ tuổi hơn để phụ giúp họ và họ cũng có bổn phận dậy chữ nghĩa cho các thầy trẻ để họ cũng có thể trở thành thầy giảng sau này. Sau hết, cha cũng thông báo cho họ biết cha sẽ giữ ở lại với cha thầy Bênêdictô Hiền, một trong những người kỳ cựu, cùng với thầy Gioan Huệ, trẻ hơn, để làm nhân chứng cho ý ngay lành của cha. Cha cũng nói thêm rằng cha sẽ đào tạo cả hai thành linh mục. Một khi họ được giáo dục đầy đủ, họ sẽ được gửi sang Xiêm để Ðức Giám Mục Lambert de la Motte truyền chức linh mục cho họ.Cha còn chọn thêm năm thầy, trong số những người trẻ nhất để dậy họ đọc và viết tiếng latinh và huấn luyện họ trên đường đạo đức. Cha kết thúc bằng việc xin các thầy gửi thêm cho cha, cùng trong mục đích ấy, độ mươi người trong số những người mà các thầy xét thấy có nhiều tài năng hơn cả.

Ngày hôm sau, được thông báo sẽ gặp nguy hiểm nếu tiếp tục cuộc họp mặt các thầy giảng, cha Deydier liền giải tán họ sau khi dâng thánh lễ và khuyên bảo họ kiên vững thực hành những điều đã dốc quyết. Cha cũng trao cho mỗi thầy một bản hiến chế, gồm 22 điều mà cha đã biên soạn cho họ. Các thầy giảng chia tay, mỗi người về địa sở của mình. Hôm đó là ngày 15.10.1666.

2. Lập chủng viện nổi trên thuyền

Hơn hai tuần sau, ngày 04.11.1666, lễ thánh Carôlô, cha Deydier vui mừng được tiếp nhận 10 học sinh do các thầy giảng gửi đến theo lời yêu cầu của cha.. Với 10 thanh niên này, cùng 5 người cha đã giữ lại, cha quyết định lập một chủng viện nổi ngay trên chiếc thuyền của cha. Cha đã xem ngày thành lập chủng viện ấy là ngày vui nhất trong đời cha, vì từ đó cha mang niềm hy vọng có thể tạo dựng được một hàng giáo sĩ bản xứ chiếu thep mệnh lệnh của Tòa Thánh.

“Kể từ ngày ấy, theo lời cha viết, chúng tôi bắt đầu sống đời sống cộng đoàn, và hơn nữa, đời sống tông đồ. Chúng tôi dùng cơm chung với nhau, mỗi người thay phiên nhau đọc sách và phục vụ bàn ăn, bản thân tôi cũng không được miễn trừ, cũng như các chủng sinh trẻ nhất. Lúc đầu họ phản đối, nhưng khi tôi nêu cho họ gương của Chúa Giêsu đã hạ mình đến độ rửa chân cho cả tên Giuđa phản bội, họ không còn lời gì đáp lại và phải cúi đầu vâng phục, dù họ cực lòng lắm, bởi vì trong xứ sở này, nơi mà các bà vợ thường ăn sau chồng họ, chưa hề thấy một việc làm như thế. Chúng tôi cùng làm các việc đạo đức chung với nhau. Tôi cũng trao tiền trợ cấp của tôi và những gì các thầy giảng đã trao lại cho tôi, trao tay ông Raphael mà tôi đã chọn làm thủ quỹ và quản lý của chúng tôi. Tất cả những gì giáo dân dâng cúng cho tôi và để dâng lễ cho họ đều được trao thẳng cho ông mà không phải qua tay tôi. Như thế, nhờ ơn Chúa, chúng tôi đã đạt tới cảnh sống của các Kitô hữu đầu tiên mà Kinh Thánh đã viết “họ cùng một lòng một dạ với nhau”.

Cha Deydier còn viết thêm rằng, trong suốt tháng 11, cha chỉ có một mình để chăm nom các chủng sinh. Mỗi sáng cha đưa ra đề tài suy niệm cho họ. Cha dậy họ đọc và viết chữ của Âu Châu. Cha dậy cho hai thầy giảng được chọn để chịu chức linh mục cách giải đáp những trường hợp lương tâm. Ngoài công việc bận rộn liên tục ban ngày đó, ban đêm cha còn phải giải tội cho rất đông giáo dân đến từ khắp nơi. Vì phải làm việc liên tục như thế, cha lâm bệnh đau đầu và sức khỏe suy nhược trầm trọng đến mức cha phải nhờ thầy Benoit de la Croix, một cựu trợ sĩ của các cha dòng Tên, giúp cha dậy đọc và viết cho các chủng sinh.

3. Ði thăm các giáo xứ và giảng đạo khắp Bắc kỳ

Thấy đời sống ở chủng viện nổi đã có tổ chức, có thể để các chủng sinh tự lo cho nhau, cha Deydier nghĩ đến chuyện đi thăm các địa điểm truyền giáo ở Nam Ðịnh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Sơn Tây.

Thức dậy rất sớm, trước bình minh, đầu tiên cha cử hành thánh lễ cho tất cả các giáo dân tham dự; cha giảng 3 lần mỗi ngày vào buổi sáng, vào lúc 3 giờ sau trưa, và vào ban tối.

Thời gian giữa các bài giảng, cha dành lo việc tổ chức, mà “Bản Chỉ Dẫn Thực Hiện Sứ Mệng Truyền Giáo” của Công Ðồng Ayuthia 1664 đã nêu ra. Cha cắt đặt và chỉ định các vị lãnh đạo cho mỗi giáo xứ. Cha biên soạn một bản tóm lược giáo lý công giáo. Về đêm, cha giải tội.

Ở xứ Kẻ Nam cha rửa tội cho hơn 600 tân tòng và giải tội cho 2500 giáo dân; Ở Kẻ Song, cha cũng đã rửa tội cho nhiều tân tòng. Ở Thanh Hóa, số tân tòng cha rửa tội còn đông hơn nữa. Cha đã rửa tội cho 758 tân tòng, mà hầu hết là người lớn. Trong tỉnh Ngệ An và Bố Chính, một thầy giảng, tên là Martinô, đã cho cha hay rằng thầy đã giúp nhiều giáo dân giữ đạo lại và, nhờ một thầy giảng hạng thứ giúp sức, đã rửa tội được khoảng 3000 tân tòng. Lòng nhiệt thành của các thấy giảng khác cũng đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Cha Deydier nói rằng cha có danh sách của 7080 người đã lãnh nhận bí tích rửa tội trong năm 1667, trong đó, đích thân ngài đã rửa t ội cho 1500 người.

4. Gởi thầy Bênêdictô Hiền và Gioan Huệ sang Ayuthia lãnh chức linh mục

Sau hai năm học tập, ngày 01.03.1668, thầy Bênêdictô Hiền, 54 tuổi, và thầy Gioan Huệ, 46 tuổi, đã được cha Deydier đưa xuống tầu, đi Batavia, để từ đó, họ sang Xiêm nhận chức linh mục từ tay Ðức Cha Lambert de la Motte, giám mục Bérythe. Hai thầy là những người già dặn và nhiệt thành nhất trong các thầy giảng của cha Deydier và đã giúp đỡ cha nhiều nhất. Cha dành mọi giờ phút nhàn rỗi rất hiếm hoi của cha để chăm nom chuẩn bị họ tiến lên chức linh mục bằng việc nguyện ngắm và học hành.

Quả là Thiên Chúa chúc lành cho chuyến đi đó, vì trong ba chiếc tầu đến Batavia từ Bắc Kỳ trong năm đó, chỉ có hai chiếc tầu đến Batavia, còn chiếc thứ ba, trên đó có hai thầy giảng, phải ghé lại Xiêm, nơi các thầy được gửi đến.

Ðức cha Lambert de la Motte truyền chức linh mục cho hai cha Bênêdictô Hiền và Gioan Huệ vào tháng 06.1668 và gửi họ về xứ ngay. Hai tân linh mục về đến Ðàng Ngoài vào tháng 08.1668. Ngày họ trở về mang lại cho cha Deydier niềm vui lớn lao vô tả, vì cha thấy mình bắt đầu thực hiện được những mệnh lệnh của Tòa Thánh, và nhờ hai linh mục bản xứ, cha có thể giúp đỡ cho đông đảo giáo dân, nhất là ở những nơi mà không vị thừa sai người Âu nào có thể đến được.

Cha Gioan Huệ đầu tiên được cha Deydier bổ nhiệm về thăm viếng các giáo xứ công giáo ở tỉnh Thanh Hóa, từ đầu tháng 01.1669. Trong ba tháng ở đây, cha đã ban phép rửa cho 1500 người và giải tội cho 3000 lượt người. Sau thời gian ấy, cha được chuyển về Kiên Lao, tỉnh Sơn Nam, cha làm giám quản tỉnh Sơn Nam. Ngày 01.10.1669, cha có mặt tại kinh đô, cùng với cha Fuciti, bề trên các cha dòng Tên, nhân dịp công bố các sắc chỉ và nghị quyết của Tòa Thánh. Cha cũng dự Công Ðồng do Ðức Cha Lambert de la Motte triệu tập ngày 14.02.1670 tại Phố Hiến. Ngày thứ hai tuần thánh 1671, Cha Huệ bất ưng bị cơn nhức đầu dữ dội và qua đời sáu ngày sau đó. Trên xác cha có nhiều vết bầm ở cổ và ngực, nhiều người cho rằng cha bị đầu độc. Cha Huệ là người đạo đức và rất được đàn chiên quí mến, mọi người đều vô cùng thương tiếc cha.

Cha Bênêdictô Hiền từ khi được thụ phong linh mục, được bổ nhiệm làm việc trong kinh đô. Cha được cha Deydier sai đi báo tin cho Ðức cha Lambert khi ngài đến Bắc Kỳ vào năm 1669 về cuộc bắt đạo vừa diễn ra vài tháng tại đây và về việc các cha dòng Tên De Rocha và Fieschi bị bắt cùng với tất cả những đồ đạo các cha mang theo và về những đề phòng phải có hầu tránh một tai nạn tương tự. Cha đã giúp Ðức cha rất nhiều trong việc đem lên khỏi ghe những gì cần phải che dấu. Cha tham dự Công Ðồng Phố Hiến 1670. Cha cũng được diễm phúc dự lễ tấn phong Giám Mục của cha Deydier ngày 21.12.1682 tại Hưng Yên. Cha được chúa rước về ngày 15.03.1686, thọ 72 tuổi.

Vào năm 1666, khi cha François DEYDIER vâng lệnh Ðức Cha Lambert de la Motte đi truyền đạo ở Bắc Kỳ, Ðàng Ngoài chỉ có một giáo phận, với vài ba linh mục ngoại quốc, không luôn luôn thường trực vì bị ngăn cấm, với số giáo dân không quá 80000.

350 năm sau, theo thống kê của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam làm trong Niên Giám 2004, từ một giáo phận Ðàng Ngoài, đã nảy sinh thành một giáo tỉnh Hà Nội với 10 giáp phận: Hà nội, Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Bùi Chu, Thái Bình, Phát Diệm Thanh Hóa, Vinh. Từ con số không linh mục Việt Nam, đã có được 418 linh mục việt nam, 10 giám mục việt nam, trong đó một vị là hồng y. Từ 80000 giáo dân, đã có được gần hai triệu giáo dân (1947475). Nếu cộng với số khoảng một triệu giáo dân đã di cư vào Nam, năm 1954, thì số giáo dân Bắc Kỳ quả thật là to lớn.

Ba năm sau ngày cha Deydier vào Việt Nam, năm 1669, Ðức cha LAMBERT DE LA MOTTE, đã cùng hai cha Jacques de BOURGES và Gabriel BOUCHARD đến Bắc Kỳ.

Và tiếp theo đó, bao nhiêu công sức đã đổ vào cánh đồng truyền giáo Việt Nam. Bao nhiêu thừa sai đã tiếp nối nhau hy sinh vào đó, trong đó rất nhiều vị đã hy sinh đến bỏ quê hương mình, bỏ mạng sống mình.

Paris, ngày 27 tháng 03 năm 2008

Chú thích
[1] Toàn bài này đã được dựa vào những tài liệu chính yếu sau dây:
• Ðức cha Néez (trích theo) « Hàng giáo sĩ Bắc Kỳ thế kỳ 17 và 18 », tr. 27-44
• VAN GRASDORFF Gilles: La belle histoire des Missions Etrangères 1658-2008, Edition PERRIN; 2007, 492 trang, tr. 122-124.
• FAUCONNET-BUZELIN, Françoise: Aux sources des Missions Étrangères: Pierre Lambert de la Motte; Editions PERRIN, 2006, 360 trang, tr. 171-176.
• LAUNAY, A.: Histoire générale de la Société des Missions Etrangères; 1894: Téqui, Paris; t.1, trang 127-137