Nguyên bản tiếng Anh: Burma, not Belgium, is the future of the Church. Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ.
Quốc gia nào sản sinh ra nhiều linh mục nhất so với quy mô dân số Công Giáo? Phải chăng là Brazil, cường quốc của Công Giáo Mỹ Latinh? Phải chăng là Cộng hòa Dân chủ Congo, với một Giáo hội phát triển nhanh chóng vượt bậc? Phải chăng là Phi Luật Tân nơi dân số Công Giáo ổn định nhất trên thế giới?
Câu trả lời là: không phải quốc gia nào trong số những quốc gia này. Quốc gia đang đào tạo nhiều linh mục Công Giáo nhất trên thế giới, tính theo bách phân dân số Công Giáo, thật đáng ngạc nhiên là Miến Điện. Đó là kết luận của một nghiên cứu mới đầy thuyết phục của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong các hoạt động tông đồ, gọi tắt là CARA, của Đại học Georgetown.
Các nhà nghiên cứu không đưa ra các suy đoán nhưng tìm hiểu đến nơi đến chốn lý do tại sao Miến Điện, nơi Phật giáo chiếm một đa số áp đảo lại là một điểm nóng trong ơn gọi linh mục. Miến Điện chỉ có 750,000 người Công Giáo trong cả nước – chiếm chỉ một phần trăm dân số thôi. Nhưng Giáo hội được lãnh đạo bởi một nhân vật năng động là Đức Hồng Y Charles Maung Bo. Ngài có một tầm nhìn minh mẫn về Giáo hội như một lực lượng trung gian giữa đa số Phật giáo và các nhóm thiểu số bị bao vây và thường xuyên bị ức hiếp. Có lẽ tấm gương của ngài đang truyền cảm hứng cho những người Công Giáo Miến Điện khác cống hiến cuộc đời của họ cho Giáo hội.
CARA nhận thấy rằng sau Miến Điện, là quốc gia có tỷ lệ tân linh mục so với bách phân dân số Công Giáo cao nhất trên thế giới, nước đứng thứ hai là Thái Lan (một quốc gia đa số Phật giáo khác), tiếp đến là Togo, Việt Nam và Bangladesh [Tạ ơn Chúa. Đỡ quá, chúng ta cũng được hạng Tư thế giới, xin cho một tràng pháo tay]. Như thế, bốn trong số năm quốc gia hàng đầu thuộc về Á châu và một quốc gia thuộc Phi châu.
Điều này thật bất ngờ vì chúng ta không quen nghĩ Công Giáo là một hiện tượng ở Á châu. Chúng ta có xu hướng nhìn về Âu châu, Mỹ Latinh và Phi châu vì chỉ có ba phần trăm người Á châu theo Công Giáo và chỉ có hai trong số 48 quốc gia Á châu là nơi có đa số dân theo Công Giáo, là Phi Luật Tân và Đông Timor.
Nhưng trong những thế kỷ tới, bức tranh tổng thể có thể thay đổi. Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle của Manila đã từng tiết lộ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với ngài rằng, theo nhận định của ngài, tương lai của Giáo hội là ở Á châu. Chúng ta có thể hình dung rằng chỉ trong thế kỷ này thôi có thể có một vị Giáo Hoàng người Á châu.
Mới hôm thứ Bảy 13 tháng Bẩy, dòng Đa Minh đã bầu ra nhà lãnh đạo Á châu đầu tiên trong lịch sử 800 năm của mình, Cha Gerard Timoner người Phi Luật Tân. Đã có những quốc gia có cộng đồng thiểu số Công Giáo như Ấn Độ và Nam Hàn đang gửi một số lượng lớn các nhà truyền giáo ra nước ngoài. Có lẽ trong tương lai, hầu hết các linh mục tại các giáo xứ phương Tây là những người đến từ Á châu cũng như từ Phi châu.
Còn các nước khác thì sao trong nghiên cứu CARA? Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ 50 trong số 108 nước có trong nghiên cứu này. Khá hơn một chút, ở vị trí thứ 49, là Vương quốc Anh (được định nghĩa là Anh quốc, xứ Wales và Tô Cách Lan). Cả Hoa Kỳ và Anh quốc đều vượt xa các quốc gia Công Giáo truyền thống như Tây Ban Nha (thứ 73), Đức (thứ 75), Ái Nhĩ Lan (bao gồm cả Bắc Ái Nhĩ Lan, thứ 78), Á Căn Đình (thứ 98) và Pháp (thứ 99). Cầm đèn đỏ ở cuối bảng là Bỉ nơi vẫn được coi là thành trì của Công Giáo.
Thống kê của CARA dựa trên các số liệu gần đây nhất về việc phong chức linh mục (trong năm 2015, 2016 và 2017) và dữ liệu dân số Công Giáo năm 2017 từ Tòa thánh Vatican được nêu trong Niên Giám Thường Niên của Giáo Hội. Để tránh kết quả sai lệch, các nhà nghiên cứu chỉ bao gồm các quốc gia có ít nhất 100,000 người Công Giáo, có ít nhất 9 linh mục được thụ phong từ năm 2015 đến năm 2017 và tối thiểu một vị được thụ phong trong mỗi ba năm được nghiên cứu.
Nghiên cứu mới chỉ cung cấp một thước đo sơ bộ về sức sống của Giáo Hội tại các quốc gia. Phi Luật Tân, chẳng hạn, đứng thứ 95 trong số 108 quốc gia. Tuy nhiên, đây là một trong những Giáo Hội sống động nhất trên thế giới, với các Thánh lễ ngoài trời lớn không tưởng tượng nổi, và gửi vô số nhà truyền giáo ra nước ngoài và đào tạo ra các nhà lãnh đạo có tầm vóc toàn cầu như Đức Hồng Y Tagle.
Tuy nhiên, bảng xếp hạng CARA cho phép chúng ta so sánh sức khỏe tương đối của Công Giáo trên toàn thế giới (mặc dù thận trọng). Các kết này nói với chúng tôi một điều quan trọng: các bộ phận của Giáo hội ở Á Châu đang phát triển vượt mọi mong đợi. Chúng ta cần hiểu tại sao Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam và những nơi tương tự có thể tạo ra sự phong phú của các ơn gọi linh mục mặc dù người Công Giáo chỉ là một thiểu số. Phải chăng nhỏ bé đôi khi thực sự lại là một lợi thế. Phải chăng sự nhỏ bé ấy có thể ràng buộc các thành viên của Giáo hội lại với nhau và cho họ cảm giác cấp bách về sứ vụ truyền giáo là điều chúng ta không tìm thấy ở các quốc gia đa số Công Giáo?
Chúng ta chỉ có thể suy đoán. Nhưng nhờ vào nghiên cứu của CARA, chúng ta biết nhiều hơn một chút về Giáo hội toàn cầu so với trước đây.
Source:Catholic Herald